Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Cái hỏa lò

Cái hỏa lò

Mẹ của Siêu, Siêu gọi bằng má. Má Siêu xa thầy Siêu, về bên ngoại ở, Siêu con cá nhỏ giữa hai dòng nước, được về với má trong ít lâu. Siêu kể lại một kỷ niệm thời ấy. Các bạn ơi, hãy nghe chuyện một cái hỏa lò. Người ta rủ nhau đau khổ vì một ít đất nặn lại.
Khi lên sáu, không biết trời dun dủi thế nào, tôi được rời nhà thầy tôi trong hai tháng, về ở với má tôi, tại nhà bà ngoại.
Ôi thiên đường ở nhà bà tôi! Mình tôi nhẹ bông, không khi nào chịu đi từng bước, chỉ nhảy và chạy. Tôi sung sướng, tôi nở khắp toàn người, tôi sung sướng.
Một bữa trưa, cơm dọn rồi trên phản gỗ. Có cá chiên, có tôm kho, có rau và canh, có cả thịt nướng. Hôm ấy ê hề quá! Tôi đã ăn bằng mắt đến hai lần rồi. Khi bà tôi và mọi người xúm quanh mâm, tôi trèo lên phản để ăn bằng miệng. Tôi vừa cầm đũa, toan gắp thì bà nói:
- Siêu, mày không mời má mày ăn cơm à?
Tôi mới hay rằng má tôi còn ở dưới bếp. Vậy đó, mấy người đàn bà hay làm bộ, để "ăn sau" hoặc ít nữa cũng đến muộn. Hễ trong một gia đình, có dì, mợ, hay chị, ba bốn người, thì tất nhiên họ nhường lẫn nhau. "Chị lên trước đi! Em bận tay chút nữa". Thế rồi, ai cũng cố là người lên sau cùng.
Tôi chạy xuống nhà dưới: vòng hai tay lại cho có lễ phép:
- Dạ thưa má lên ăn cơm.
Má nói:
- Con lên ăn đi, má ăn ở đây.
- Không, bà bảo lên mà. Má không nghe bà giận.
- Con lên thưa với bà, má đã có thức ăn dưới này. Vừa nói, má tôi vừa bưng một niêu cơm nhỏ để trên chiếc chõng con. Thức ăn là một chén muối vừng mà tôi chắc mặn muối lắm, vì nhiều màu trắng, ít màu vàng. Xới cơm vào chén rồi, má tôi cười yêu:
- Con lên mau đi, kẻo người ta ăn hết. Hay là con ở đây ăn với má?
Không, tôi chả ăn đâu, muối vừng ngon sao cho bằng cá thịt.
Tôi đến thưa bà:
- "Má đương ăn ở dưới bếp".
Bà nói: "à phải, má mày nó muốn ăn riêng".
Ăn riêng? Một tiếng lạ. Tối đến tôi sực nhớ bèn hỏi chị Bốn, chị cắt nghĩa cho tôi hiểu: ăn riêng tức là để vốn riêng; buôn bán lấy lời, ăn cơm của má kiếm ra chứ không ăn lụy bà mãi. Chị Bốn cũng như tôi là cháu ngoại của bà, cha mẹ chết sớm, chị nương nhờ ở đây đã mười tám năm. Đủ hiểu rồi, tôi đến thỏ thẻ với má tôi:
- Chỉ có muối mè, thì ăn chung có hơn không. Má ăn như vậy, chắc xẵng miệng lắm.
Má xoa đầu tôi:
- Mày sang lắm nhé! Muối mè đã ngon rồi. Chớ hồi má đẻ con má ăn cơm với muối rang không thì sao. Ăn như vậy gần hai tháng. Lại còn đau nữa, đau mê man. Mà thuốc thang có gì đâu? Chỉ có nước tiểu xin của thằng nhỏ bên láng giềng, bỏ thêm một chút tiêu sọ.
Eo ôi! má tôi can đảm quá! Riêng mấy người đàn bà đẻ mới chịu khó được đến thế. Tôi dụi đầu vào cổ má, vuốt cằm và nói mơn:
- Má chịu khổ vì sinh ra con đó.
Cách mấy ngày sau, tôi đương chơi "làm nhà" trong sân bếp, gần đống gạch. Tôi lụi hụi đặt viên này, chồng lên viên khác, đã làm thành một cái lầu hai tầng. Chừng ấy sao đủ? Tôi bèn cất thêm một cái lầu nữa: có đi đi về về mới vui.
Trời nhiều mây, nên tuy còn sớm nhưng trông đã tối. Chị Bốn ôm rổ ở chợ về, hai chân vội vã, tà áo dài đen làm gió sau mình. Bảy tám con ruồi túa theo sau rổ, chị vừa đặt xuống thì chúng ồ lên.
Tôi nghĩ: "Đấy, tụi nó đến nhập đàn ruồi ở nhà mình". Tôi nhớ ngay đến cái quán nước của bà Gồng, nơi tôi thường đến mua khoai lang, và lẩm bẩm: "Khi nào bán xôi đậu đen, người ta không biết trong đĩa xôi hột nào là ruồi, hột nào là đậu. Sao họ ăn được nhỉ? có phen nuốt ruồi vào bụng chứ chẳng không. Bà Gồng phải lấy một cái chai trắng, đổ nước vào quá nửa, rồi quệt đường bên trong cổ chai. Thế là các chị ruồi mon men theo dấu ngọt, bò dần vào, cho đến lúc xa quá sẩy chân, rơi ùm xuống nước. Rồi bơi, bơi như trong hồ. Nhưng đời nào thoát được chứ! Từ mai đến chiều, bà quán được gần đầy một chai đen! Thằng con mắt nhọ nhem thấy cái kết quả ghê tởm ấy lấy làm thích chí lắm".
Chị Bốn bưng rổ thức ăn vào bếp, chị nhìn quanh, khi nhìn đến chỗ để cái hỏa lò thì cái hỏa lò đã bị má tôi chiếm rồi?
Đã tối, rối thêm. Lấy gì kho cá cho bà ăn cơm. Chị Bốn hậm hừ nói to gì đấy. Má tôi không nhịn cháu, nói lại. Nhất là trong lòng: chắc má ức, má ghen, má xẳng xớm trong lòng, vì thấy má rời nhà cửa rồi, không còn chặt chẽ bằng một người cháu ngoại. Mà hễ má giận thì tôi rất thương; má có hay đanh đá cùng ai đâu! má được tiếng là hiền hậu, thiệt thà, ai ăn hiếp cũng được.
Bây giờ sự chếch mếch tăng thêm, tôi nghe tiếng dằn vặt bát chén, tiếng đạp thúng hất nồi, tiếng cãi gắt. Khi má tôi đi nhổ miếng nước trầu, má tôi ngó tôi như người không quen biết, má không chú ý tới tôi. Lần thứ hai đi ngang qua, má nạt:
- Siêu! mày có đem chất gạch lại không? Mày khuấy thế à? Của của bà, chớ của mẹ mày đâu? Dẹp lại!
Tôi tiu nghỉu, vội vàng tháo cái nhà công phu xây dựng, đã liều mặc hai tay trầy sướt, đã quên không sợ gạch rớt giập chân. Nhà mới làm xong, chưa được ở thử, nhưng thôi! Cái vách này dỡ đi, cái cửa này lấy ra, cái mái nhà này để làm gì? Và cả tầng lầu thứ ba, hãy dẹp đi nốt!
"- Thế đấy, mẹ con mình ở nhờ ở cậy, ăn chực ăn xin. Mẹ con nghèo xác xơ, chẳng có gì hết. Ai muốn đuổi mà chả được. Bơ vơ... bơ vơ..."
Siêu nghĩ thế, tủi thầm, nên tay Siêu chạm chạp. Vả lại rinh xuống thì dễ, rinh lên thì khó, nên thu dẹp rất lâu. Chết! tiếng xẳng xớm càng to, chắc bà nghe thấy mất! Má đi hỷ mũi. Vì khói hay vì khóc? Má khóc tức nhiên Siêu phải khóc lây. Siêu rơm rớm nước mắt. Nhưng Siêu ngậm miệng chặt. Khốn quá, cái gì ùn lên cổ, miệng cứ muốn phồng ra. Ráng ngậm chút nữa thôi, chút nữa thôi, cái ấy sẽ tan liền; nếu mở mồm tất phào ra mất. Đấy, đã hơi muốn hạ rồi đấy, Siêu không dám động tay chân, như những khi bưng một chén nước đầy cho bà súc miệng.
Nhưng bà đã nghe tiếng cãi cọ. Bà đi xuống bếp tay cầm cái roi. Không phải đánh Siêu đâu: đời nào? Thế đánh ai đây? Má, chắc đánh má. Siêu sợ giùm tưởng tượng đau ở mông và nghe một tiếng "trót". May thật, cổ Siêu bớt phồng một tý, nước mắt chạy đi đâu bớt một phần. Nhưng chỉ sụt một tí ti thôi; đang còn nặng cuống họng lắm.
Bà thở dài một cái, nói to mà như ngăn lại không cho tiếng ra:
"Kình lộn! Kình lộn! Bếp với lò! Dì với cháu! không biết của chi nhà bay mà bay giành nhau?"
Tiếng má và chị Bốn đáp lại cùng một lần, nói cả giây, cả lũ. Bà đến dơ roi quất chị Bốn: chị khóc hu hu, hai tay chị xoa xuýt nơi mình, chị kêu: "Tội quá, tội quá!" nhưng chị cũng chưa hết cãi. Bà giận lắm, đá ngay vào cái hỏa lò:
- Còn giành nhau nữa thôi? Giành! Kình!
Cá với lửa, với đất trộn nhau, nước vào than, kêu xèo xèo. Luôn giận, bà đổ rổ rau, bà đập trã canh, bà hất mớ tôm chị Bốn vừa bóc vỏ. Chỉ trong nửa phút, bao nhiêu thức ăn tan tành.
Nửa phút gấp ấy, cổ Siêu lại phồng lên lại, nước mắt góp mau thêm; thấy chuyện dữ, Siêu kinh hãi, không biết trong lòng Siêu đương như thế nào. Lệ đã lăn vài giọt xuống má. Nhưng Siêu găng, thế còn mạnh lắm, miệng ngậm cứng, hai hàm răng khít nhau: Siêu đương giữ một bờ đê không cho vỡ lụt. Dường như gân cốt cả người dồn lên nơi cuống họng. Ngực cũng dội lên. Bỗng Siêu nghe năm tiếng "trót" tiếp nhau: chị Bốn đã bị bà đánh thêm, đau quá; chị vừa kêu vừa khóc tầm tã. Bà thét, bà nói, chị khóc; ôi, cái hỏa lò khốn nạn, cái hỏa lò!
Bục một cái, đê vỡ rồi; bao nhiêu tiếng ào ra, hết mong, hết nín! Siêu vùng chạy một mạch, khóc ré lên. Chao ôi nước mắt, ở đâu nhiều thế này, Siêu lấy tay áo quẹt mà không dứt. Và cái ngực! Nó phồng lên! Và cái cổ! Nó kêu to, chốc chốc nấc một tiếng. Ôi cái hỏa lò ác nghiệt, cái hỏa lò bằng đất, cái hỏa lò!
Siêu nép sau một cánh cửa, khóc như gió như mưa. Siêu ngồi sụp xuống, để trút ra bao nhiêu nặng trĩu trong lòng. Siêu khóc, Siêu khóc...
Khi Siêu đã khỏe, Siêu nghe tiếng chân bà ở dưới bếp đi lên. Siêu vội lẻn trước ra sân, sợ bà thấy, sợ thấy bà. Siêu nghe cái gì mới mới trong mình. Siêu đã nín.
Nhưng Siêu buồn, buồn lắm. Còn gì nữa đâu! Nồi niêu đã vỡ cả, cá thịt đổ cả rồi; nhất là chị Bốn đương đau, má đương buồn, bà đương mệt vì giận. Biết đâu bà không khóc? Bà lại sung sướng gì sao? Ôi, cái hỏa lò, vì mày mà nên cơ sự.
Thỉnh thoảng, Siêu thít một tiếng, ở đâu trong mũi còn sót lại. Mắt Siêu như mới rửa, nước còn đọng nơi lông nheo, hễ nhíu lại mà trông ra thì thấy cây cối đến rung mờ.
Siêu đi thơ thẩn ra ngoài đường. Những người láng giềng hỏi Siêu:
- Em khóc hay sao mà hai ống tay áo ướt vậy em?
Té ra họ chưa biết ư? Cơm gạo đổ hết, nồi niêu đập cả, thế mà họ hỏi như không. Siêu không nói năng, đứng ngẩn.
Và hãy còn buồn, buồn như mọi sự đều kết liễu. Buồn như phải rời nhà bà về ở với thầy. Buồn hơn trời mưa, buồn hơn chiều tối.
Một lát, Siêu vào lắng tai nơi cửa, thấy mọi tiếng đều im lìm. Cái lặng lẽ nghiêm nghị quá, làm Siêu sợ sợ. Siêu chậm rãi bước vào, đề phòng từng bước đi, từng cử chỉ. Nơi cái bàn nhỏ, có một niêu cơm. Bà tự tay nấu lấy nồi cơm này, vì nồi trước đương sôi, thì vừa bà đến đập vỡ và bà hờn má, hờn chị Bốn, không cho ai nấu lại, để mặc cho bà nấu bà ăn. Bà chan nước mắm vào cơm, ngồi một mình uể oải. Thấy Siêu, bà nói lạnh lùng: - Siêu, đi lấy chén ăn cơm.
- Vâng, cháu đi lấy.
Đi ngoan hơn người lớn. Không chạy nữa. Tay bấu vào chén. Lỡ rơi vỡ thì sao? Và ngồi ăn.
Bụng ban nãy thóp vào để cuộn nước mắt lên, bây giờ mỏi lắm. Khi Siêu nuốt cơm vào, Siêu nghe đau đau. Cơm bà nấu cứng quá. Nước mắm ăn chẳng ngon. Ôi, cái hỏa lò, cái hỏa lò đáng ghét!
Hai hôm sau, buổi trưa, Siêu xuống bếp, chị Bốn cười rất dễ thương, nhờ Siêu một chuyện:
- Em ở đây chơi, coi giùm nhà cho chị, kẻo ai nấy đều ngủ hết. Em giữ khéo đừng cho mèo vào lục cũi. Chị đem bỏ cái hỏa lò nơi gốc cây đa, bên cạnh đình làng.
Cây đa có treo ấm và ống bình vôi. Có cái trang thờ; và ở dưới chân, có vô số hỏa lò và ông táo, cây đa to tát ấy ư? Không, không thể được. Cái hỏa lò kia không được sung sướng thế; chỉ đáng vứt nó vào đống rác thôi. Siêu bèn nắm lấy hai tay chị Bốn, hăm dọa:
- Mèo ăn hết cá, bà ngầy mặc chị; em không coi đâu, chị ở nhà đó, em không coi đâu!
Rút từ tập truyện ngắn Phấn thông vàng, 1939.
Xuân Diệu
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Anh Khó Tính Ghê Vậy Á! - Anh khó tính ghê vậy á! Lần đầu tiên gặp tôi, cô bé đã nhát gừng trách thế bảo sao tôi chẳng ức. Tôi nói l...