Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Trường ca

Trường ca

LỆNH
Tin vui vừa giục lên đường
Huy Cận
Lệnh đã truyền ra
Đất vâng trước nhất
Suốt một đêm trường, đất không sao ngủ được. Cả mình sóng chuyển; cái ngực của đất phồng lên. Không muốn ngủ, mà ngủ làm chi! Đất cựa mình vì xốn xang trong da thịt. Lệnh đã truyền. Ngày mai đây, tháng sau đây, biết có xong công trình hay chăng? Thật tấm lòng của đất dạt dào, tính toan ngay từ phút đông vừa bớt lạnh.
Đất mẹ đã nghe muôn con đòi nở, muốn vượt chồi lên trên đất, thở ánh sáng trời. Hàng triệu mầm hé ra khép vào, đầu ngưởng lên, chân mạng căng thẳng, ngửa cả mình đất. Vi trùng sáng tạo lên men dưới da. Từ đáy sâu, đưa lên bao sức lực để đở nâng; đất mẹ sung sướng, đất mẹ lo âu, đất mẹ nằm sinh và làm việc.
Mẹ bao la chạy chia nghìn ngả, này núi, này rừng, này đồng, này ruộng, lại còn linh tinh muôn vạn núi đồi nữa, làm sao đủ sữa căng lên? Lệnh đã truyền, đất lãnh lấy công đầu. Đất nghìn năm, đất triệu năm, đậm đà chắc chắn, càng già dai.
Máu cũ biến mới, sục sục quang tuyến, mạch chạy đầm đìa. Máu đen kề máu đỏ, nhựa nâu đến ngã ba cùng với nhựa xanh; những con đường xéo lẫn nhau, chở chất chua, chất ngọt, chất mát, chất nồng, theo rễ muôn cây, lên cho mặt trời hòa hợp.
Trên mặt đất vẫn chưa lộ gì cả, nhưng dưới nhà hầm, biết bao là vội vàng! Thì giờ trể rồi! Thời gian tính từng phút một, ngón tay nghiêm nghị không bao giờ đếm nhầm. Cho nên Đất mẹ làm việc không nghỉ. Không lẽ năm nay lại trễ hơn mọi năm!
Ánh sáng vâng lệnh thứ hai, có cô em Sức Nóng đi kèm. Nàng tiên quyền cao phép cả, chẳng ai dám đương! Khi hứng thú nồng nàn, ánh sáng lấn át cả không gian, ôm chồm Vũ- trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân. Mi của ánh sáng thật dài, tia của áng sáng thật đượm. Ánh sáng bắn tin truyền hịch, đưa lệnh khắp hang cùng núi hẻm, báo rằng: "Sắp sửa tin vui!"
Áng sáng nhún nhẩy tươi cười, không chút lo lắng. Tài lực của nàng nhiệm mầu nhanh chóng; nàng có thể dấu mình suốt tháng, vờ như không hay gì cả; nhưng mánh khoé tinh anh sao! Nàng làm việc ngấm ngầm. Chỉ một ngày, chỉ một sớm mai nàng đến, là cả bầu không đã treo ngọc, giăng tơ, cả mặt đất đã trải vóc gấm, thêu thùa trong gió, lăng líu qua cây. Ánh sáng đứng một chỗ mà ở khắp nơi, con mắt điền quang thấu suốt muôn trùng, chăm nom từng nụ mầm non, từng vỏ sâu bọ. Nàng ôm những thân cây gía lạnh, sưởi những luống đất ẩm iu. Nàng lách vào kẽ lá, cho mầu thanh non biến thành lục đậm. Cho đến những cội tùng già yếu, nàng cũng gõ mãi ngoài võ, đến nỗi một ngày kia bật ra mầm xanh. Và Áng Sáng ngồi kéo muôn triệu chỉ vàng, tiếp theo muôn triệu chỉ vàng, cuộn tròn vào bánh xe hay mắc ngang khung cửi, dấu diếm khắp nơi. Để đến lúc cần dùng, sợi ngày vàng sẽ lộ ra chi chít.
Công thứ ba, Nước nhận lấy phần. Nước đi theo Ánh Sáng, làm cặp uyên ương kỳ dị. Rẽ nhau một lần, là đồng khô cỏ cháy. Nước mát êm cho nắng tựa vào.
Nước cũng chảy chia nghìn ngả, chạy vào làm máu cho đất, chạy ra làm lời cho suối, độn thổ, đằng vân. Ánh sáng loãng xõang trong mình. Âm điệu róc rách giữa lòng. Nước lấy ôn nhu vổ về nuôi nấng cho muôn vật phát sinh. Mà cái liếc mắt đưa dài nghìn lý.
Nàng chen vào búp hoa này, lẫn vào nhánh cây kia. Trái uống nàng vào bụng mây giữ nàng trong mình. Nụ hút nàng vào tim; cây kiếm nàng làm nhựa. Ôi nước ngọt ngào, mát mẻ, thảnh thơi!
Công thứ tư không ai tranh, nên về phần Gió. Phải xem dáng điệu nàng thu gọn, mới biết nàng khéo dấu sức phá hoại của mình. Chỉ còn là một làn nhẹ phớt qua. Áo nàng tha thuớt phiêu phiêu. Hồn nàng xuất trần. Nàng lên tinh tú. Gió bay, gió lượn, gió phất phơ như hơi thở ân tình. Gió đưa duyên bướm, gió làm mối lái cho hoa. Gió múa điệu lẳng lơ, nói lời cợt ghẹo. Vạn vật nghe gió mà rợn tình.
Gió phẩy móng tay búng muôn đầu lá; gió rào rào rúng động ngàn cây. Âm nhạc theo nàng mà vào không gian; nàng là những sợi dây sắt cầm lượn bay; không khí tự say, vang tiếng tơ đồng.
Miền xa lại gần. Gió mới tỏ tình, hương đà theo hút. Gió có cần vội vã đâu; chỉ thoảng lên xe đi thúc giục các chồi, các nụ. Đến hôm ấy, gió chỉ có việc dịu dàng bay chơi, là cuốn theo muôn lòng đắm say.
Lệnh được vâng.
Tất cả đều làm việc. Tất cả giao hòa, giúp sức lẩn nhau. Tất cả cũng đều một niềm yêu thương quảng đại; tất cả cũng đồng một ý trau chuốt điểm trang.
Ngày ấy. Lệnh đốt tiếng pháo đầu. Muôn tiên đã nấp sau màn. Chim chóc cũng lên dây cổ họng. Mặt trời xé làn sương mỏng, xé màng mơ mộng còn ủ ấp non sông. Nhạc vàng reo, hương nồng tỏa: Công chúa Xuân Nương hiện hình!
Sương đeo một triệu hoa tai cho nàng; nàng cười một nghìn miệng hoa, nàng mặc chín triệu lá non; má nàng điểm đôi chút sương hồng, tóc nàng gió Xuân lỏa xỏa. Muôn lời của Vũ Trụ đồng tấm tắc khen nàng công chúa con chung.
Xuân Nương! Xuân Nương! Hội mừng nàng, hội của nàng sẽ lâu chín mươi ngày, gấp thêm chín mươi đêm vui suốt sáng. Nàng ra đời! Nàng lại về! Nàng không mỏi tái sinh!
Trời ơi, Xuân Nương cười. Trông thấy công chúa, Phụ Hoàng đôi mắt sáng ngời, đáp lại bằng nụ cười thái dương.
Âm nhạc khởi lên. Chín mươi ngày đêm bắt đầu bằng một buổi sớm.
CHÚ LÁI KHỜ
Đời xưa có một chàng phú thương đi khắp thiên hạ. Nước Tàu cổ giàu lắm; chàng đi buôn gấm vóc ngọc vàng. Dưới nước thì chở thuyền to; trên đất thì dùng ngựa quí. Người ta gọi chàng là Chú Lái, và văn nhân đời sau, ghi câu chuyện hào hoa mặc khác, riêng gọi chàng là Chú Lái Khờ.
Khờ, bởi vì không biết giữ của.
Chàng phú thương giàu không biết bao nhiêu mà kể. Ngọc vàng sai khiến ở mười ngón tay. Một bước chân đi có thể bỏ rơi từng mớ châu báu. Không cần mánh khóe; có cái số thiên kim như số Chú Lái thì cần gì quỷ quyệt như mọi lái buôn! Trời đã chọn bàn tay kia mà gửi kho vàng, và chọn cái trán kia gửi niềm tao nhã.
Của cải bốn phương chạy về chú Lái, nên Chú Lái cũng vung tay hào phóng, cho sự giàu có được tản ra bốn phương. Chú Lái không tiếc với đời; lượng rộng hải hà, Chú lái vờ làm dại dột....
Với tính phong lưu như vậy, một đêm kia khách ghé chơi ở Hồng Lâu. Bụi đường đã trắng áo quàng. Bước chân hồ mòn sỏi đá. Nỗi buồn của sông núi đã vào trong lòng khách: dạo xem thế giới, Chú Lái Khờ sầu chuyện cổ kim. Khách muốn say sưa, để chìm trong lãng quên.
Chú lái vào trước, những hòm vàng ngọc vào sau. Âm nhạc đã nỗi lên, phòng vui chơi hương thơm xực nức. Bọn con hát múa nhịp Nghệ Thường. Cánh tay nở hoa, hình người hóa bướm. Sáo ngọc thổn thức, những cặp môi anh đào chúm lại và run. Những ngón tay hồng đớn đau, vì nắn mạnh trên dây cầm sắt. Dần dần không gian nức nở; không ai khóc cả, mà nước mắt nghẹn ngào trong thanh âm. Chàng phú thương tựa gối lim dim, mê man trong sầu thảm; chàng khoan khoái thấy lòng mình loãng ra từng phút, sắp tan... Sắc đẹp hiện hình: những đào nương trắng như hoa lài nghiêng đầu thỏ thẻ. Không phải cuộc vui, đây là cuộc mê.
Nhạc này buồn như khúc sông cong, nơi khách gặp sương chiều bạc xóa; tiếng sáo này hắt hiu như gió trên đường cái; tiếng nhị hồ này âm u như đám mây đèo. Sao ở trong thanh âm, người khách thương lại gặp cái vô cùng của cảnh vật; tưởng như ai manh tới bên chàng cả hơi thở của nước tràng giang, cả nét mặt buồn của đồng nội vắng, cả dáng cô đơn của đỉnh núi gần trời. Giang sơn đang trải trong hồn chàng, và hồn chàng có mù sương như một buổi hoàng hôn thu. Khách có phải là lái buôn đâu; khách là một tấm lòng thơ, trời đem dạo giữa phong trần, cho đầy thêm cái đáy sầu não...
Chú Lái nghe đàn mà càng thêm khờ; có ai chữa được cái hận vô lý mà bọn đa tình truyền cho nhau mang tự cổ kim! Rượu đã dâng lên môi, Chú Lái Khờ vơ lấy uống; môi mềm chết điếng trong nước bồ đào. Triều đàn dâng đến cổ, khách mặc cho hồn dạt trôi bập bềnh trong sóng nhẹ của nhạc, rượu, trầm, hương. Mỹ sắc nở nhiều trong khu vườn lạc: mấy mươi hoa diện lửng lơ. Giai nhân mềm dẻo như những cánh hoa, thay đổi trong tay du khách. Ngón tay các em vuốt hộ tấm lòng anh, em đàn đi trên phím người của ta cho điệu cảm giác vô cùng mơn trớn! Khách không nhớ gì nữa; mấy hòm châu ngọc mang cẩn thận để bên góc phòng, khách đều mặc kệ, không đoái trông nom. Rượu ấm và thơm, Chú lái Khờ uống hoài không nghĩ; nhạc chầm chậm lại, nếu bỏ bớt đi, hương ngây ngất thêm, người lơi lã nữa...Chú Lái Khờ đã say; Chú lái Khờ đã ngủ....
Nhưng mê ly của đàn địch không được ngừng lại; không khí vẫn ấp êm quanh khách như một lớp nệm tiên. Chú Lái đã mê kia kìa; anh chàng này đi đường hàng tháng, hàng năm, ngủ thật say như một chú lái. Áo thêu trệ biếng ở trên ngực, hở cả túi trong ; sợi xích bạch kim lộ ra ngoài xiêm, ngơ ngác một chùm khóa vàng. Bọn người hoa đang xúm quanh khách, thấy mà động tâm. Bộ khóa này sẽ mở cánh cửa hào quang của phú quý.
Giai nhân lăn sát vào du khách, thử xem chú Lái thực say chưa. Và chú Lái đang say khờ cả người, nằm rất im để tiện chìm vào tịch mịch. Bọn hồng phấn đã sờ tay vào khóa vàng, mỗi người đã cầm một chìa khóa. Nhẹ nhàng rón rén; nhưng tha hồ lấy, khi các kho đã mở ra. Đây là the, mỏng như ánh sáng, đây là gấm, đẹp như vườn hoa, đây là trầm; đây là xạ. Đây là mã não, hổ phách. Đây là ngọc, ngọc bích, bạch ngọc, ngọc huyền, ngọc trai. Và đây là vàng, là vàng! và đây là bạch kim, và đây là vàng nữa. Biết bao là giàu, là đẹp! Ngà trau chuốt ngọc giắt thêu, mời giai nhân chọn thứ quý nhất mà lấy..... Và giai nhân thấy được dễ dàng quá, khúc khích cười. Chú Lái thực là một anh khờ, không biết phòng ngừa, không chịu cẩn thận; ngọc trai đã mất, bao giờ về Hợp Phố nữa đâu!
Chú Lái còn say, chú Lái tự say, chứ rượu làm say sao được chú Lái! Chú vẩn tỉnh, nhưng chú muốn khờ. Ô, lòng khách vui cười biết mấy, khi hé mắt vừa cho vài sợi ánh xanh lọt vào, và xem các em bé thơ ngây diễn trò hổn độn! Khách sung sướng như có ai đánh, nhắm mắt rồi lại ghé xem, tiếc thầm: " Giá họ lấy được hết! "
Người đẹp đã thu kỹ lưỡng, khóa vàng lại buộc vào bên xiêm. Những đóa hoa hồng lại vuốt ve trang hoàng tử. Chú Lái bỗng bừng mắt và gọi rượu. Chén thơm rốc cạn, môi đầy tê mê; rốc cạn chén thơm, hồn như oán thán; say, điên, vui, dại, hòa lẫn trong lòng ngây ngất của người khờ. Chàng cười như một bậc vua, đưa tay lên ngực, lần vào lớp áo sát da người, nơi chỗ trái tim, và rút ra một bao gấm nhỏ, đây là kim cương! Chàng ra hiệu bỏ thêm rượu, thêm đàn, thêm hương. Rồi lấy cho mỗi người một ngôi sao đọng. Của trân bảo ấp iu trên ngực, Chú Lái Khờ, trong một cơn yêu dấu, đã thả cho lũ người.
Sớm mai, chú Lái Khờ đi, như không biết chuyện gì cả, mỉm cười hân hoan như một vị Phật. Hòm rương tuy nhẹ, nhưng tài trí không vơi, thì Chú Lái còn buồn nổi chi?
Người thi Sĩ cũng khờ như Chú Lái Không hề dấu kho vàng ngọc với đời. Để mất trời xanh, nên người phải tìm uống trong mắt biếc. Người đời cười là ngu dại: kẻ mất của có khôn bao giờ!
Thi sĩ ghé vào nhân gian, trọ một vài đêm, tìm đôi an ủi. Lòng để ở ngoài ngực, tay thờ ơ hay là tay ham hố, tay nào đến cũng lấy được ít nhiều ngọc châu. Và họ lấy chưa vừa ư, thì người thi sĩ tự tay lấy vào cái lõi sống còn của mình, để mà phân phát.
ĐẸP TRAI
Không gì đẹp cho bằng đẹp trai!
Người con gái đẹp như hoa, người con trai đẹp như lá. Hoa thì yếu, lá thì mạnh. Người con gái đẹp như bướm lườn, có uyển chuyển mà không có reo ca; người con trai đẹp như chim kêu, có mặt trời xúc tích ở trong cửa sổ. Con trai đẹp mà mạnh, như núi xanh đẳng chân trời! Con gái đẹp uốn éo thuớt tha, như dòng sông Xuân. Con gái đẹp mềm, con trai đẹp giòn; núi khẳng khái, không lả lướt cho bằng sông, nhưng hùng dũng dường bao!
Người con gái đẹp là đẹp, người con trai đẹp là sống. Này hãy xem một người con trai mười chín tuổi. Đó là tuổi rất con trai. Các bộ phận của thân hình đều có một vẻ lạ lùng; vừa mởn mơ, vừa mạnh mẽ. Đó là tuổi diệu huyền, kỳ bí; người trai qua thời măng nụ, trải qua tuổi mười sáu, mười bảy, mười tám, bấy giờ người con trai đẹp như bình minh, lúc mặt trời đã lên được một sào. Đêm còn phảng phất nơi rặng núi tây; áng sáng chưa chói chang, cái gì cũng tươi sáng, mạnh mẽ mà vẫn mầm non, không gì đẹp cho bằng!
Kìa xem đôi mày to mạnh, chưa cứng rắn như mày đàn ông, còn sót lại chút óng tơ của mi tuổi nhỏ. Kìa xem cái mũi thẳng, hai cánh thường phồng; kìa xem cái miệng đẹp đẽ tươi cười, dưới cằm đã lộ chiều quả quyết. Trên môi loáng thoáng như bóng hình râu mép nhưng không, đó chỉ là lông tơ. Trán phẳng như thạch bàn, tóc ngắn, chải vừa phải, cái gáy xanh mạnh như bật chồi.
Còn ngực thì bắt đầu nở nang, tay còn nở nang vừa; bụng thóp, đùi tuy chắc chắn nhưng vẫn tơ măng; ống chân cao, vút lên một cái như sắp nhảy. Khi người con trai đi, có phải gót giầy kêu hay lắm không? Gót sang sảng, rực rỡ dường nào! Chân chắc mạnh, đi vững vàng; ngực kiêu hãnh, cổ thẳng đứng, mặt quang đãng, như mặt trời đã mọc ở nơi trán, như chim chóc đã kêu ở trên vai.
Nhưng không cần phải phân tích như thế; ta cứ tự nhiên mà lĩnh hội cái đẹp trai. Cái đẹp trai quí hóa vô cùng! Vì nó càng dễ tắt hơn cái đẹp gái. Người con gái có phấn son, áo quần màu mẽ; cho đến lúc thành đàn bà, thành mẹ thì cũng " gái một con trông mòn con mắt" ; chứ người con trai; cái đẹp mau biến hóa lắm thay! Đã thành đàn ông mà còn đẹp, thì cái đẹp cũng không còn phải là đẹp trai nữa. Nó khó khăn như vậy, nên người đời mới định cho một chữ " đẹp trai ".
Hãy nghiệm chữ đẹp trai mà xem. Chữ ấy phải để cho bọn con trai; có vợ rồi, chữ dùng sẽ kém đẹp. Mà người đời vô tâm mà tinh xảo lắm nhỉ! Đã nói đẹp trai, lại còn nói " trai tơ" ; trai tơ nghe lại còn hiếm hoi hơn gái tơ nữa.
Mười bốn tuổi, chỉ là một thằng con nít; mười sáu tuổi, còn rụt rè như con gái; mười bảy rồi mười tám, lúc ấy hơi dương mới ấm áp như xuân ướm về. Bước sang mười chín: đêm tan rõ ràng là một buổi rạng ngày. Tuổi mười tám đã dương tráng, nhưng chưa được dòn dã; đến mười chín tuổi; thì thực dòn dã mà đang còn nụ hoa; cái tuổi đó là tuổi đẹp nhất. Rồi sang hai mươi, cũng còn như thế; hăm hai, rực rỡ hoàn toàn; hăm bốn: cái đẹp hóa thành cái mạnh; hăm sáu: đó là tuổi một người đàn ông. Ngắm lại tuổi xuân thật chẳng dài, tuổi đẹp trai chẳng lâu gì lắm; nên sắc đẹp trai thật là một hạt ngọc trong đời!
Cứ mỗi mùa xuân, gái tơ đến lứa, thì trai tơ cũng lồ lộ một vừng. Mặt trời trai trẻ mọc ở đôi khuôn mặt hùng anh. Đó là cái đẹp của khí dương, nhưng lại một vài năm, trước khi hòan tòan thành sức mạnh. Trước khi thành cái sức tranh đấu, cái sức chinh phục, khí dương còn ngừng lại làm duyên, tự ngắm nghía mình, say mộng hoa hương.
Ngày mai, vào giữa đời, không biết một cái nhíu mày của Chúa Xuân sẽ làm rụng rời bao nhiêu lòng thiếu nữ?
HOA HỌC TRÒ
Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang.
Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ ngó đến cây, đến hàng, đến những tàn lớn xòe ra, trên dậu khít nhau bằng muôn ngàn con bướm thắm. Mầu hoa phượng chói lói, sinh sống như sắc máu người.
Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.
Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Một làn gió hẩy tới; từng đợt sóng rào rào trên biển hoa....
Người ta hay trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường. Vì sao? Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa học trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thăm để quan hòai cùng với phượng thắm tươi?
Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e; dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên màu lá phượng.
Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo ra một tin thắm: mùa hoa phượng bắt đầu! Đến giờ chơi, học trò ngạc nhiên nhìn trông: hoa nở lúc nào mà bất ngờ dữ vậy!
Bình minh cùa hoa phượng là một màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi dịu. ngày xuân dần đến, số hoa tăng, màu cũng đạm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lói, maù phượng mạnh mẽ kêu vang; hè đến rồi!
Khắp thành phố bỗng rực lên, như đến tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.
Sớm mai thức dậy, cậu học trò vào hẳn trong mùa phượng; thôi, nghĩ hè sắp đến đây!
Mùa thi cử sắp đến!
Thi cử cho các anh sắp ra trường, lười biếng cho các em còn ở nhiều năm.
Sự học một bên căng, một bên chùng, đều ghi dấu hoa phượng. Các em ngồi trong lớp làm bài, tay không muốn chạy nhanh. Vì gần nghỉ, nên các em nghỉ ngay từ lúc còn chưa nghỉ. Phượng đỏ thế kia mà! Khắp các cành đều có hoa; hoa nở, hoa rơi, hoa bay, đến cả ngoài vườn xa không có cây mà cũng có hoa phượng.
Các chàng trẻ vui tay nhặt cánh phượng trên cỏ xanh, lẩn thẩn như bùi ngùi. Có người bỏ vào sách ép, có người bỏ cả vào thư gửi đi. Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tươi quá quắt; hoa phượng đẹp, nhưng mà đẹp não nùng. Ai xui hoa phượngt nhiều như vậy? Ai dạy cho hoa phượng cái màu xa xăm? Phượng vui; cái vui tươi như là làm cho thái quá để che cái sầu uất.
Cái sầu nghỉ hè, vâng, nhất là đối với những chàng sắp ra trường, mà trước khi ra, phải trải một cuộc thi. Những chàng ấy chăm ngay từ đầu năm; đến lúc hoa phượng đậm màu, lại càng gấp gáp. Vài chàng bấy lâu nhác biếng, nay cũng bị màu hoa phượng đẩy cho ở sau lưng.
Phượng hồng, phượng đỏ, phượng xác pháo, phượng máu người, phượng cứ nở, các anh cứ cố học; sắc phượng mệt mỏi lắm sao! Thật đúng với lòng các anh, gắng sức nhưng mà buồn bã. Các anh đã nghĩ đến hè, đến lúc ra trường, đến ngã ba đường phải chọn hướng đi, đến cuộc đời đang rình các anh mà chụp bắt.
Rồi một hôm, trống đánh: các anh ngồi thi. Ôi, bài văn bí quá, bài tính nghĩ mãi không ra, các anh toát mồ hôi, ngó quanh quẩn như cầu cứu; nhìn ra cửa sổ, thấy bóng phượng ở ngoài sân! Rồi kẻ đậu thì bỏ mặc bông phượng mà vui vầy ; kẻ hỏng buồn riêng một mình, bạn bè cũng không, chỉ biết thở than cùng bông phượng.
Họ đi giữa đường, dẫm xác bông phượng; họ ngồi thơ thẩn, bông phượng cũng rụng bên mình. Bàn tay mân mê bông phượng, cái sắc đỏ ám ảnh, đỏ một cách tức tối, đỏ một cách tuyệt vọng.
Phượng cứ nở. Phượng cứ tơi. Bao giờ cũng có hoa phượng nở. Nghỉ hè đã đến. Học sinh sửa soạn về nhà. Nhà chưa về, cái vui gia đình đâu chửa thấy, chỉ thấy xa trường, rời bạn; buồn xiết bao! Những cuộc tình duyên giữa bạn bè, đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt....Nhớ một bãi biển sóng chấp chóa...
Nhớ một trưa hè gà gáy khan...Nhớ một thành xưa son uể oải.......Thôi học trò đã về Huế, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức, nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.
Cứ như thế, hoa học trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa bọn học sinh! Hoa phượng rơi, rơi......Hoa phượng mưa. Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi.
Thế là ba tháng qua. Hoa phượng gần xong cái bổn phận của mình. Từng trận, từng cơn, hay từng đóa, từng cánh, phượng đã trải hết mùa hè, thu sang như trút cả gánh hoa, học sinh về đây! Hoa phượng chỉ, còn lưa thưa, lẻ tẻ; ôi các anh em, chúng tôi đã nở đẹp lắm, các anh không đến sớm mà xem, chúng tôi nhớ các anh mà rụng hết rồi, bây giờ còn mấy bông hoa là để dành chờ các anh, chứ đáng lẽ đã rụng tiệt cả.
Anh em học trò nhìn lên cành phượng: lúc đi phượng nở, lúc về, phượng rơi lại, cánh sẫm mục nát. Trên cành, cái vui bông phượng tuy cuối mùa mà đằm thắm biết bao! Hết cái gắt gỏng bề bộn mùa hè, bây giờ hoa phượng lưa thưa, cuộc tình duyên đã dời sang thu, có lẽ vì vậy mà hoa phượng ấm lên gấp bội.
Vài hôm nữa, hoa phượng sẽ nghỉ, sẽ yên lặng để cho anh em học, anh em cố học đi, tìm hái bông lài, bông lý, kiếm ngửi hoa ngâu, hoa hồng; anh em học cho hay, hoa phượng sẽ gặp các anh lúc cuối năm, trong lời chia ly, rẽ rời, và lại nói cùng các anh cái tâm sự thiết tha của mùa hè.
GIÃ TỪ TUỔi NHỎ
Không biết anh em tôi bỏ đi lúc nào, nhưng bây giờ thì em đã đi rồi.
Tội nghiệp cho em tôi! Thỉnh thoảng em còn về thăm, nhưng chúng tôi không dám ở lâu cùng nhau; và dường như tôi có đôi ý xua đuổi. Bây giờ thì em còn thương tình mà trở lại thăm viếng, chứ mười năm, hai mươi năm nữa! Tôi có gọi có van rát cổ, vỡ tiếng, em tôi cũng chẳng trở về.
Ồ! Em Tuổi nhỏ của tôi, ta nhớ mường tượng như một lần nào đây, ta đẩy em lên đường; mắt em hôm ấy xanh quá, miệng em cười gượng, môi thắm hơi buồn; em ráng đẹp một lần cuối cùng, để ta nhìn em mà sau này mãi mãi nhớ thương. Ta thì nghẹn ngào, lệ phồng cả mắt, khẽ lắc đầu; trán ta ưu tư, lòng ta bị cuộc đời dày xéo, ta còn gan ruột nào để giữ em lại! Ta yêu em nhưng muốn cho em đi, vì đã tới giờ rồi!
Trái sắp đậu thì hoa phải tàn, nếu hạt thóc không chết đi, thì cây lúa cũng không sống, em cũng biết rằng ta muốn ôm em lại mãi, nhưng có thể như thế được đâu. Thế là em đi, còn ta thui thủi về một mình, con đường thơ mộng đã trở thành con đường đời, ta bước đau thương, vì lòng ta trống cả em! Ta không muốn quay đầu lại nhìn; em đi rồi, ta phải thành một người lớn, phải siêng năng chứ, nào là công việc, nào là cuộc sống, nào là cái đời.....
Còn em, Tuổi Nhỏ ơi, ta không cần thì em cũng không ở; em đi chầm chậm, lưng quay lại cho ta. Em mang theo mặt đẹp của em, hai má trai tơ, đậm như mặt trời sắp mọc; trán em tinh khiết, chưa hề oán hận; lòng em ngây thơ, chỉ thích đùa cười. Từ bấy đến nay, em vào trong Thời Gian, con đường mờ mịt không em?
Thôi, đường của em về chỉ là khói sương thôi, chẳng bao lâu em sẽ lẫn với chân trời, anh chỉ nhìn đằng xa, tưởng em là mộng. Anh không dám dơ tay đón bắt; bắt sao được mà dám bắt em sao? Em sẽ không đến với một khuôn mặt tạc trong thịt đời khắc khổ, gập ghềnh, chín khô như một trái mùa hạ.
Có phải đêm nay em tôi về đó không? Ngày nghỉ, đêm thanh, chiếc hoa sao tạt bay qua cửa, trăng lành, gió dịu, ta soi trộm vào gương, thoáng thấy hình ta, thoáng thấy hình em. Tuổi Nhỏ đấy ư? Hai ta còn một đêm dài, ngồi đây em, nằm đây em, dựa đây em; ở lại đây, em đừng đi nữa nhé!
Tội nghiệp cho em tôi, một tiếng động cũng làm em sợ; em mỏng manh, em đẹp đẽ quá, nên xe chạy ồn, đời làm dữ, là em muốn biến đi ngay.
Ngựa xe chạy làm chi mà ồn ào! Cuộc trùng phùng nào chắc gì đâu, sao đường phố còn rộn tiếng đời, không cho tôi tha hồ tâm sự? Cửa trước đã đóng, còn cửa sổ sau, mặt trăng từ mẫu cho mượn bóng xanh, hiện tại đã xa xa, quá khứ đã gần gần; gió thổi mà về, gió đưa thơ lại....
Thôi, chính em là tôi, chính là tôi xưa, nét măng thụy, vẻ huy hoàng, chiều duyên dáng, cách thơ ngây, tâm này và hồn này là của tuổi nhỏ.
Hồn Xuân phất phới ở đầu lá, cây cỏ đơm ra một làn hơi biếc, trời đát triền miên.....
- Em đó ư? Anh nhìn rõ quá.
- Anh đây ư? Em nhận không ra......
Em của tôi đã bỡ ngỡ với tôi rồi. Tuổi Nhỏ ơi, ngày trước đây chúng ta là một đó. Em đi, giữ lấy tinh túy, ta ở, cuộc thế khinh mạn, thời gian lần lựa; xa em rồi, thì còn gì cuộc vui, còn gì thực đẹp nữa đâu! Chỉ có mắt em, đặt màu sắc lên cuộc đời; chỉ có mặt em, lông tơ bao bọc, chỉ ở tuổi em, cuộc đời bông hoa.
Nói làm chi, phải không em? Nằm trên ngực anh đây, con chim êm ái; đưa tôi bồng ru chút nào, cậu măng trai tơ; em của tôi đây, tôi đây, thực là yêu quá. Mới đi độ chừng một năm, mà bây giờ đã bỡ ngỡ nhau. Em có biết nhiều khi em thổi về như một làn gió, nỗi bận bịu của anh bỗng mát thơm như rừng núi xuống gần; ta vội vàng tươi nở mau mau, nhưng Tuổi Nhỏ ơi, em đến không nhằm giờ, lắm khi lại hóa phiền nhiễu. Ta than thầm: " Xứ ấy đẹp sao!", rồi ta phải đuổi em và chim bướm của em ngay. Mắt lại nhìn cái cuộc đời cho thật kỹ, tay lại nắm những sự đời cho thực chặt, để mà sống chứ, nực cười thay! Và trong lúc làm người lớn, ta thừa biết rằng chiều nay, ta sẽ khóc em, hỏi em ở đâu, đòi em cho được; nhưng than ôi, trẻ con làm nũng với mẹ, chứ ai đâu làm nũng với đời!
Kể chi những cái bụi đó, em nhỉ! Đêm đã khuya, trăng thêm ngà, Tuổi Nhỏ mỉm cười đi, cho ta được vui. Ôm em trong lòng; trái tim quá khứ của em nhịp nhàng với lòng ta chạy chậm, ta rửa linh hồn cho sạch, để em đừng chê...
Tôi từ em nhỏ của tôi, tưởng tôi còn nhỏ. Bóng trăng phập phồng trên ngực. Năm canh lờ mờ quanh mình. Tôi nằm giữa tuổi xưa, thấy mình mười sáu, mười tám, đôi mươi, tay chân bằng mầm, mắt bằng hồ, lòng bằng lửa, miệng như hoa....
Đêm thanh suốt đêm, ai có ngờ đâu trời cũng sáng!
Mặt trời sắp mọc, đất thành thị sắp chuyển tiếng chân, xe tầu sắp rúng cả cửa nhà, cái máy đời sắp mở toàn tốc độ. Dậy, dậy, tôi ơi! Kỷ niệm chực biến! Hình bóng em nhỏ sắp tan! Thôi, em đi, ta ở, ta dậy, em về; thà xa nhau trong chút bóng trăng tàn, để phút ly biệt còn đượm phấn xanh, chứ không chịu chia phôi giữa bụi bặm ồn ào, làm mất cả thiêng liêng của nỗi luyến tiếc. Hỡi em Tuổi Nhỏ, giã từ, từ giã! Ly biệt, biệt ly! Níu em nói chưa dứt lời, em đã đi mất!
Mặt trời đỏ rực, đời chiếm cả mọi nơi rồi. Tôi sắp vào cho cái máy cuốn lôi, chân bước đi, lòng còn ngoảnh lại. Em Tuổi Nhỏ! Xa nhau rồi, giờ lại gặp nhau; gặp nhau thêm lần này, lần sau có gặp nhau chăng nữa? Bao giờ mới đến lần sau? Em chịu về thăm anh chăng? Ngày mai soi gương, có tình cờ thấy hai ta chung một bóng?
Ta ở lại một mình. Thời gian đẩy sau lưng, cuộc đời kéo trước mặt, chân trái rời xa thời nhỏ, chân trước bước vào thời nào đây? Ta nuốt đắng cay, cười gượng mà để cho hoa tàn, mà mong có trái đậu; hôm nay ta xua tuổi nhỏ để khỏi chậm chân trong cuộc thế; một mai sự dời dẫu dãi, lúa gặt, việc xong, chạy đi tìm em, em tan mất rồi!
Thời gian lạnh lắm, cái gì vào đó mà còn được đâu! Hôm nay còn gặp tuổi nhỏ năm ngoái, năm sau tuổi nhỏ chắc đã mờ bóng; vài năm sau nữa, ôi thôi, em chết thực rồ! Nhớ mà thỉnh thoảng về thăm anh, em nghe; chớ vội tan trong thời giờ, mà để anh già cỗi. Giã từ!
Ly biệt! Quá nữa lòng ta đã mất với em! Bệnh tê liệt sẽ chiếm dần trái tim; ta đứng đây, nặng nề,vững chãi, chen chúc, tị ganh, để sống với đời....
Giã từ! Từ giã! Ly biệt! Biệt ly! Các bạn ơi, có gặp tuổi nhỏ của tôi ở trên đường cái???
GIAO LẠI
Người tướng xông pha trăm trận không buồn vì da ngựa bộc thây mà đau vì sau mình, không ai đi dẹp giặc. Giang sơn tuổi nhỏ, tôi buông ra mà không muốn buông hẳn; lòng băn khoăn không biết những vưu vật của tọa hóa, bạn sau tôi có biết giữ gìn chăng? Ta đi rồi, ai đến đây? Ai đến có phụ phàng những ngày biếc?
Này gã trai tơ, sách chật năm ngăn, mộng ứ rương hòm, tôi xin giao lại cái giang sơn thơ mộng cho người. Mà gọi làm chi khác tình vậy nhỉ! Ở trong tuổi đẹp, chúng ta để là bầu bạn: giang sơn tuổi nhỏ, này anh giao lại cho em.
Hai tay em đang đầy hoa lộc của đời, những hoa lộc phong một lớp sương mờ, như một trái quà phong màng giấy xanh. Em mở ra cho trân trọng! Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn; tất cả đều tùy em đó, xấu đẹp ở tại lòng em.
Buổi sáng hái hoa, buổi trưa chăm cây, buổi chiều gặt trái. Em chẳng sớm liệu, để qua mất cái thời độc nhất để vui sướng, thì khi trời nắng chang chang, mồ hôi nhỏ giọt, cái lúc phải tay làm hàm nhai, đang kiếm cơm giật gạo, em có thể trở lại mà hái hoa được sao? Tội thay cho bao nhiêu đàn ông, con đeo trước mặt, vợ bám bên lưng, suốt kiếp làm một ngừoi đời, mà chưa hề làm gã con trai. Họ đã qua cái tuổi nụ hoa mà không biết hưởng. Chỉ có một tuổi đó tha hồ vui đẹp, họ đã lững lơ quên mất, thành ra suốt đời chẳng được biết một làn sương xanh!
Ở tuổi giác quan mới mẻ, rất hèn ngu là một buổi mai, đâu có lẽ lấy con mắt vô tình mà ngó. Thiên đường không biết ở đâu cả; họa chăng thiên đường ở trong tuổi nhỏ, đó em. Ở tuổi em, vườn trần mà biết ngắm thì là vườn trời; lòng còn nguyên cả vốn, trải lên cảnh sắc, là tự nhiên tất cả đều lộng lẫy, mắt xanh trong vắt, cứ nhìn muôn vật rực rỡ hào quang.
Mỗi sớm mai, tung chăn đã nghe rạo rực tiếng mùa, chim hót trên cành gần cửa, máu reo khắp cả tứ chi. Bừng mắt dậy, mà cả trời đất cũng bừng mắt dậy; lòng bắt đầu, nên thấy như thượng đế cũng vừa mới khai thiên lập địa đâu đây!
Thiên đường ở khắp mọi nơi, giữa đồng hái hoa hay trên đường đi học, thiên đường luôn luôn, khi nắng hạ đốt người một cách cực lạc, khi rét đông khía vào da thịt, làm dậy cả máu xương!
Em mười lăm tuổi, em tuổi hai mươi! đừng để mất một cái gì mà không hưởng. Em tưởng sau này em lớn, đi chơi bời mà là hưởng sao? Những cái ấy để cho bọn giác quan què quặt, tâm trí ngu đần, ta, thiếu niên, có thể không mất một xu mà hưởng hết của trời. " Say là say nghĩa, say nhơn, say chung Lý Bạch, say đờn Bá Nha chứ há có say cái thứ rượu tồi mạt của Lưu Linh! Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa, để nâng niu hôn hít; thêm dăm tuổi nữa, thì hoa chỉ trồng cho đẹp nhà, hãnh diện với khách qua đường. Sông ở tuổi em thì óng ả như cô gái xuân, chảy đầy cái lòng dồi dào của tạo vật; thêm dăm tuổi nữa, sông chỉ để cho thuyền bè qua lại, hay là nơi tải kỵ tùy ba. Núi ở tuổi em hùng vĩ tận chân trời, như mộng kiêu kỳ của tuổi trẻ, thêm dăm tuổi nữa, thì đó chỉ là một mớ đá chồng chất với nhau. Mau đi em, gấp đi em, cái vốn ngây thơ, trời cho chỉ mấy năm trời; cái suối mơ mộng, chẳng mấy lúc mà nguồn khô cạn. Thế nào rồi việc đời cũng đến, muốn không lo cũng chẳng được nào. Gấp đi em, hãy chuyện trò cùng tạo hóa; mau đi em, vơ vẩn cho nhiều!
Giang sơn tuổi nhỏ, kể làm sao xiết ái ân! Anh giao cho anh trường học thân yêu, cái tổ ấm cho hồn ta lấy sức; anh giao cho em phòng học sáng sủa, hiên trường có tiếng quốc vang, nhà chơi đầm ấm những chiều mưa, mảnh sân rộn ràng khi ong vỡ tổ. Anh giao cho em phòng ngủ trên lầu, cửa sổ mở trong khung xanh; anh giao cho em cái giường riêng chiếc như tấm thân trai, cái màn tâm sự bịt bùng, ngọn đèn canh đêm thâu, ánh vàng thao thức. Anh giao cho em những đêm xuân trăng mọc, muốn ngủ không đành ; những đêm đông lạnh lùng, giấc ngon ấm áp. Anh giao cho em hai hàng cây xanh, bóng rót mát như tóc chảy; anh giao cho em khỏang vườn hoang dại, để những chiều hờn bạn, ra ngồi đó mà tủi thương.
Này là đóa hoa, thơm như tình ái; này là hạt sương, này là con bướm, này nữa đàn chim. Anh giao cho em bụi chuối sau trường, hạt trăng vàng rơi lách tách; khóm dừa trước cổng, tóc gió chải qua những chiếc lược xanh. Anh giao cho em mây sớm an lành; anh giao cho em nắng vàng thương nhớ. Và giao cho em cả gió, cả trăng.....
Yêu đi em, hưởng đi em! Đó là tất cả cái kho của tuổi xuân; mở ra mà thưởng thức.
Biết bao nhiêu là của cải, bỏ đi chẳng phụ lòng trời!
Chúa Xuân, chính là vị thần hiển hiện trong phấn dương vàng, cái đầu cao, cái mũi thẳng, ngực nở, vai ngang, và cánh tay chỉ có hai mà sức muốn, sức mạnh thì nhiều như vị thần trăm tay của tôn giáo. Chúa Xuân sẽ chính là em, là tất cả những chàng trai, đem sức yêu dấu mà trị muôn loài, ánh sáng chỉ đẹp vì ta biết đẹp, cuộc đời chỉ vui nhờ ta không thèm buồn; hồng nhan có quý chi, nếu Chúa Xuân không đoái tới! Giang sơn tuổi nhỏ, chính là tấm lòng thắm đỏ ở giữa ngực em...
Và đây, anh bước qua, nhường chỗ cho em đi đến, khỏi sao bịn rịn bùi ngùi. Của riêng thêm tặng, ấy là một mảnh lòng anh...
Anh yêu tất cả các em, hiện thân của anh xưa qua muôn đời nghìn kiếp; cái măng nụ của lòng anh khi tuổi nhỏ, chính nó đã thành lông tơ trên má các em.
Thôi, anh bước qua, giao lại cho các em, giao lại cho các em; chúc các em muôn nghìn tươi đẹp!
THU
Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây...
Chưa có sương mù, chưa có hẳn sương mờ, chỉ là đôi thoáng sương mơ, mỏng như chiêm bao. Mặt trời nhạt vừa khuất mây, thì khối lá biếc hơi nhòa; mặt trời vừa ló lại ánh vàng, thì khối lá lại hiện nguyên sắc biếc; không biết có phải sương thu mới nhóm, hay đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn tôi?
Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng; nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha, chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo rất thân quý, mặt ngọc của nàng che sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch, để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều.
Mặc dù bên Tây cũng có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xưa cho nên quá đẹp, và cũng vì quá xưa cho nên không ai nhớ hình ảnh. Không ai nở tưởng tượng nàng Tây Thi với má hồng môi son, mà chỉ cảm nàng Tây Thi chứa ánh mơ không màu sắc, chỉ có êm đềm tuyệt diệu mơ màng, cũng như mùa thu.
Mùa thu là cái gì xa xôi, cái gì kín đáo, và thanh tao bình dị, và xa xôi mênh mang. Nên thu bao giờ cũng xưa, ta thấy như thuở thời xưa mà về; và ta cũng thấy như rất thong thả, bình yên, thu ở trên trời mà xuống.
Và cả nước tàu cổ là một mùa thu bát ngát, bằng và rộng như một cảnh hồ không có bờ bến, " thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc, lạc hà dữ cô lộ tề phi ".
Trái lại, mùa cũng là một nước Tàu cổ mênh mông, làm ta nghĩ những cảnh xa vắng ngàn đời, ở sông Tiêu Tương cũng như ở bến Hà Nội.
Nhưng tôi còn thấy thu là mùa yêu. Với lòng tôi, trời đất chỉ có hai mùa: Xuân với Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh. Từ xuân sang hè, là từ ấm sang nóng, từ thu sang đông, là từ mát sang lạnh, sự thay đổi làm ta bực tức mà lại không có gì thực mới cả; đông với hè chỉ là sự thái quá của thu với xuân. Chứ còn từ đông sang xuân, sao mà sung sướng thế! Linh chuyển ngược sang ấm, từ một điều rất khó chịu chuyển ngược sang một điều rất dễ chịu. Theo lẽ ấy, hè sang thu là bao nhiêu khoái trá cho giác quan; được rời bỏ lửa chói chang, mà vào trong nước hiền hòa, mát mẻ. Xuân với thu là hai bình minh trong một năm, sự đổi thay hệ trọng nhất cho tâm hồn. Và bởi vậy, thu cũng là một mùa xuân...
Thu cũng là một mùa xuân! Tôi tìm thấy cái khóai lạc đó. Tôi nghe rất đúng.
Đầu xuân là bình minh ấm của lòng tôi; đầu thu là bình minh mát của lòng tôi. Và ấm hay mát, thu hay xuân, lòng tôi cũng rạo rực những tiếng thu, ái tình ghé môi gọi lời trong gió...
Mỗi lần thu sang, mắt tôi chưa thấy mờ chân trời, chưa trông cây lá thêm xanh, mà da tôi đã nghe trước những mũi kim dịu dàng của không khí. Hơi mát kích thích, thoảng nghe lành lạnh, máu tôi vội vàng cưỡng lại, chạy hăng và khỏa lên.
Sự sống trong mùa xuân tưng bừng ra ngoài, thì giữa mùa thu, sự sống lại tìm tàng lặn vào bên trong,,sắp sẵn lò sưỡi ở giữa ngực. Tôi hơi buồn mơ hồ, nhưng tôi cũng sống rất phơi phới. Ôi, xuân ý của mùa thu, sao mà đầy một vị mặn nồng kỳ dị, có hơi quợng gạo trong niềm sung sướng, và trong nỗi tràn đầy, phải chăng có lẫn một màu đắng cay...
Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau. Tiếng nói thành ra nhỏ hơn, cổ họng hơi chùng giây, âm nhạc của lời tình đàn theo một bậc thấp. Sự ngông cuồng bớt rất nhiều, người ta ngoan hơn, để mười hay hai mươi ngón tay đan với nhau, và lắng nghe sắc trời xanh xuống ôm lấy đứa đôi như một tấm áo che sương. Ấy là những giờ thân mật dạo qua hai hàng cây; ấy là chiếc thuyền trễ trên hồ tàn sen, bị cảm buổi chiều tím.
Trời muốn lạnh, nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân, thì cần một người khác. Xuân, người ta vì ấm mà cần tình.
Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi.
Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau, và lòng tôi nghe tất cả du dương của thứ vô tuyến điện ấy.
TRONG VƯỜN MƠN TRỚN
đóa hồng nhung
Có những cặp môi đáp hẳn vào mặt ta, không để ta kịp đề phòng; hai cánh thắm mà không tô son, mềm mà lại dòn, hai cánh thịt tươi nhuần, dầy mà nhẹ, đầy nhựa mà không thô; hai khóe môi rất mạnh, rồi hai lúm đồng tiền như hai ngôi sao; và hai hàm răng trắng nõn, làm cái nhụy kinh hồn!
Đoá hôn ngan ngát màu hơn hớn,
Là đóa hồng nhung vườn mơn trớn
Đóa hồng trêu ngươi, ong chết vì mật, bướm chết vì màu; đóa hồng say sưa, lòng nắm mà ngây! Vườn mơn bát ngát không biết đâu là bờ, chỉ có đóa hôn là hoa nở.
Gió trong vườn mơn rợp ngợp, nước trong vườn mơn mát rượi như ngâm, nhưng hoa trong vườn mơn thì hoa ghen thua đượm, rượu hờn kém men, yến diên là vị, xạ lan ấy mùi.
Trong đêm nhung, hoa trống cách rời hoa mái, gọi nhau bằng chút niềm bối rối trong không khí, chỉ gần nhau bằng mảnh phấn hương. Còn những đóa hoa của mặt người, ứng nhau thì được đến tầm nhau, gắn thành đoá hoa cảm giác. Thời gian đương đi qua, đôi cặp môi người đóng dấu vào nhau để lấy một phút giây cực lạc, cùng khắn ép một quãng nhỏ không gian; và từ ấy, trong kỷ niệm trăm năm, còn mãi một điểm hồng.
Điểm hồng trong trí nhớ, làn điện tê buốt ở đầu môi.
Đóa hôn như hoa lan, thích tỏa hương nơi im lặng; đóa hôn như hoa Quỳnh, thích nở vừa lúc đêm thanh. Phải cho đất ngủ dưới lời ru của muôn trời, sao xanh nhấp nháy cầm canh, vũ trụ mơ màng như lại sơ khai, bấy giờ đóa hôn đẹp nhất mới mở.
Đóa hôn đẹp nở, thì người lặng, máu ngừng, hồn điếng vì yêu; chứ đâu có phải như những cái hôn ngày, nở trưa, nở xó chợ đầu đường, là cái thứ hoa tạp nham vật dục!
Hồn không đẹp đẽ, thì ngửi được đoá hồng của tâm, nhưng còn là vẻ nhung của hồn, có dễ bạ ai cũng hái được bất kỳ ở đâu! Mà khi được hái đáo hoa hôn, thì đất trời cũng sẽ ngừng lại cho ta sung sướng, chúa đời như bà mẹ thương mến các con, hương rừng qua mũi, suối ngọt vào lòng, tình ái nghìn muôn năm, lấy môi đóng triện!
Là đóa hồng nhung vườn mơn trớn... Là đóa hồng nhung, vườn mơn trớn....Đóa hồng gớm ghê, thiêng liêng, mê mẩn, nở sắc từ màu hồng đậm đến màu tím nhạt, trải qua màu xanh xạ, màu vàng buồn!
Người con trai mới lớn lên, không phân biệt cặn kẽ. Có ai hôn ấm, thơm, và dòn, nhai được thành tiếng; ấm như vừa dang nắng, thơm như cây mới ra hương. Có cái hôn nhẹ, nhẹ quá, lâng lâng đi như chỉ đụng vào bóng trăng, vừa động tới đã tan đường tuyết đọng. Có cái hôn ngọt ngào, như êm cái khát ngàn năm; có cái hôn mê ly, như đã chết một kiếp. Có cái hôn mơ màng: để môi nghỉ tê tái trên môi, và hồn tự nhiên vơ vẩn ở đâu trong những truyện thần tiên. Có cái hôn chờ đợi lâu hàng năm, đến khi được thì sức ào đến quá mạnh, tưởng hồn văng ra ngòai đầu. Có cái hôn tủi tủi, nước mắt sắp rơi, môi có thể ra òa khóc được: hôn mà bận nhớ cái sầu người yêu dấu đã chất nặng vào lòng ta.
Nhưng hồn tê điếng hay hôn quặn cong, những cái hôn khoái lạc không bao giờ bì được cái hôn yêu đương: cái hôn khi thân thể đã nỗi dậy rồi sao bằng cái hôn trăm vị lẫn chen, nửa ta ngậm ngùi, nửa ta sướng vui, nửa ta óan thán!...
Cái hôn thiêng liêng làm vậy, sao xưa người Á Đông ta không biết tới? Lẽ nào!
Nghe nói có Đắc Kỷ, nghe nói có Tây Thi. Những môi đời xưa không nối nhau ư? Vô tình mà bỏ quên ư? Cớ sao cái hôn lại thất truyền? Đến nỗi sau này chúng ta mới khám phá ra cái của quí thất lạc giữa lỡ làng, cái kho vàng chìm mất trong biển tháng ngày.
Tiếc cho những môi nhỏ xinh xinh, tô màu cánh sen, nói ra những tiếng uốn éo thanh tao; tiếc cho những môi xưa, chết đi mà chưa được dùng! Những đóa môi nghìn đời ấy đã như hoa lan trong rừng, không ai biết rằng chúng thơm; vô lý thực! Lẽ nào người tình nhân đời xưa lại bỏ sót đóa hồng nhung to nhất trong vườn mơn trớn?
Các em môi xưa, muôn nghìn ức triệu cánh môi, bé bỏng đáng yêu, dịu dàng, mảnh khảnh! hôn các em, khác nào hôn các hoa. Cánh môi chắc là nhẹ nhàng, vừa động tới đã run rẩy như tan; song le thỉnh thoảng hoa cũng biết cắn....Khách tầm xuân ngụ gì mà không thấy các em hơ hớ, khiến cho các em chỉ có thể đẹp mà không thể ngon; chỉ có sắc màu mà không được có hương vị. Bao nhiêu môi hồng đã mất đi như thế! Phí mất bao nhiêu miệng thắm, uổng công trình tạo hóa lắm thay! Khác nào mặc trai dưới biển, quên ngọc trên rừng, làm nhụy môi chưa ai hút ra, mật răng không người nếm tới! Thế rồi tàn héo; rã rời ở trong tấm sáng!
Người con trai lòng rạo những thèm thuồng, chắc đã hơn một lần nghĩ đến những trăm triệu môi non bỏ phí dưới đáy thời giờ, và như vậy trong mấy mươi thế kỷ. Ta muốn có một đạo bùa phục sinh những đóa môi xưa, sống lại đây, với màu tươi sắc ướt, vẻ ngọt, mùi thơm, cho con trai đời xúm lại mà hôn, rồi bấy giờ sẽ tan tành, như thế cho khỏi ân hận!
ĐÔI BƯỚM
Xem cho kỹ mà coi, hai cánh tay thực là hai cái dây, hai sợi thừng, hai nhánh đa, hai con rắn; tình yêu quấn chặt lấy người!
Nhưng hai bàn tay mới thực là tinh hoa của hai cánh tay; cái cành thiên nhiên kia nở ra một đóa linh động. Đóa hoa thần diệu! biết xòe ra khép vào, và cầm nắm, mơn man. Đóa hoa thần diệu! Đóa hoa đẹp xinh; đập như cánh chim, thon như ngòi bút, nõn như búp măng ngà.
Bàn tay không phải là vật quá hiếm hoi, vật bất khả xâm phạm, bàn tay hẳn không sánh được với làn môi. Nhưng tình yêu sẽ thế nào, nếu không có bàn tay đưa dây, dẫn mối? Bàn tay là vật đầu tiên ta được của người yêu. Cho nên nó vẫn cho ta một hạnh phúc không bờ vì là hạnh phúc thứ nhất. Là bước đầu của sự gần gũi; là những hoa cỏ lơ thơ mà đằm thắm báo tin sẽ tới xứ Thiên Thai....
Từ lúc gặp nhau trên đường, xa nhau một vực một trời, không biết làm sao nhắn nhe cho được; đến lúc nắm bàn tay nhau, thực là tiến bộ bao nhiêu! Từ cái hoàn toàn không, đến cái có một chút; từ cái cạn giòng lá thắm, dứt đường chim xanh đến cái bén tiếng quen hơi; thật là kỳ ảo! Lạ lùng! Như cành trơ vơ mà nảy chiếc mầm xanh phơ phất. Trong tay ta hồi hộp, này đây búp ngọc như mỡ đông; rõ ràng mở mắt mà ngỡ hạnh phúc rớt tự trên trời!
Những cơn điên dại của hình vóc chưa chắc đã ban hạnh phúc thấm thía cho người bằng hai tay nắm nhau lần đầu. Cái bánh con con, nên ta hưởng tận cùng cả mùi vị.
Niềm vui tình ái thật là mênh mông! Ta nghe cái ấm nóng hay cái mát mẻ, ta cân cái nhẹ nặng; một chút nhíu da, một làn ép nhỏ cũng cho ta bồi hồi đo độ tình yêu. Ta nhìn kỹ những đường nét, những ngón thon thon, những hình trăng khuyết, một sắc ửng hồng...
Hồng hạnh chi đầu xuân náo ý..... Đầu cành hồng hạnh nức xuân tâm....Câu thơ vịnh ý xuân náo nức ở đầu cành, cũng có thể vịnh ý người rẩy run ở đầu ngón....
Nhưng qua cái thời bỡ ngỡ, bàn tay còn đến cái độ thông thạo.
Bấy giờ là hai nghệ sĩ có mười kẻ tùy tùng; là một cặp hổ lùa xuống đồng bằng, là hai chiếc cánh bay đậu khắp nơi; ngón tay nắn vào thịt da như để đàn lên cung bậc.
Những bàn tay! Ôi lướt qua bóng thoáng; những bàn tay, ôi ve vuốt mơn man! Những bàn tay, ôi say đắm dầy vò, những bàn tay, đôi bướm đa tình trong vườn mơn trớn!.
Xuân Diệu
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...