Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Nhặt mảnh chai

Nhặt mảnh chai

Hí hí! Hớ hớ!
Tiếng cười rúc rích ngoài vườn làm ông Lã giật mình. Ông tung chăn ngồi dậy nhìn ra. Ngoài trời thấm thích mưa. Những giọt mưa trong trắng như ngàn chiếc kim bạc phóng xuống khiến ông có cảm giác tê buốt.
Ông giương cặp mắt trong bóng tối sờ sẩm nhìn ra từng gốc cây tán lá, để phát hiện xem tiếng cười kia là của ai. Ông nghĩ bụng chắc có si đang rình rập trộm cắp hoặc làm một việc gì đó mờ ám. Lão Tự chăng? Chỉ có lão là người thù ghét nhà này mới chui rúc như thế. Lão định làm điều gì đây? Ném mảnh chai hay rải thuốc chuột ra vườn để giết chết đàn gà của nhà này?
Ông cúi xuống thật sát để nhòm. Đầu này góc vườn nhà ông cây rung rinh. Đầu kia góc vườn nhà lão Tự cây cũng rung rinh. Thấp thoáng đôi tay bơi trong tán lá. Những cánh lá rung rinh vẽ thành hai con đường sống động đang tiến dần đến cùng nhau. Đến lúc ra giữa vườn chúng luẩn quẩn một chút rồi nhập làm một, ở đó cây cối như xoáy cả vào nhau, lấp loáng trắng. Ông định xô của chạy ra nhưng mưa lại trút xuống ào ào. Nước mưa chảy lòng ròng trước cửa tạo thành một tấm màn thủy tinh chắn trước cửa tạo thành một tấm màn thủy tinh chắn trước tầm mắt, ông chỉ thấy hai đôi tay khua trong mờ ảo.
Ông Lã ngồi xuống bần thần. Toàn thân ông trĩu xuống bởi nỗi nghi hoặc đè nặng trong đầu. Mối hận thù thức dậy sôi réo trong lòng.
Có một ngày nào đó mà ông không còn nhớ rõ, chỉ nhớ cái buổi chiều mưa to như thế này. Ở vườn nhà ông xảy ra một cuộc gây lộn. Tất cả mọi người trong hai gia đình đều đổ xô ra phía bờ rào, đứng trầm mình trong mưa. Lão Tự ở trần trùng trục, mặt mũi lấm lem bùn đất, xỉa cái xẻng vào mặt ông mà nói: “Đất này là đất của tao, có mốc giới rõ ràng, tao có quyền đào móng, thằng nào ngăn tao chắn một nhát đứt đầu”.
Thằng con trai lão trông giống như đô vật cũng găm mắt nhìn ông. Bên này, ông chỉ độc có một đứa con gái mới mười lăm tuổi, đứng nép bên gốc cây, còn bà vợ gầy nhom, mới dầm mưa một tí mà đã rét run cầm cập. Ông thấy mình thật yếu thế. Nghĩ mà tức, nếu ông có một thằng con trai thì hay biết mấy, ông chỉ cần phẩy tay một cái là nó sẽ xông vào, xem lão ta dám thách thức không? Nhưng thôi được. Hãy biết sức mạnh của kẻ yếu. Ông đưa mắt cho bà. Bà tênh hênh chạy đến giọng vóng vót;
- Đây! Ông có giỏi thì chắn đứt đầu tui đi! Đố đấy! Đất này là đất ông bà tổ tiên tui để lại, tui có chết tui cũng chết ở đây. Đố thằng nào dám!
Lão Tự ngửa cổ nhìn trời xám thả ra một tiếng cười hầng hậc.
Bà Lã giật tung chiếc áo liệng xuồng đất. Hai chiếc vú mềm nhõa chảy thượt xuống ngực. Bà nhảy choi choi trước mặt bố con lão Tự, hai chiếc vú cứ đập tèm tẹp khiến bố con lão Tự quay mặt đi. Hai chiếc vú ngõa sang hai bên mạng sườn, mồm bà cứ hét:
- Đố thằng nào dám! Đố thằng nào dám.
Bố con lão Tự liếc mắt nhìn nhau, vội rút vào nhà. Lần ấy ông đã thắng cuộc.
Năm ngày sau lão Tự lại “mở đợt tấn công”, lần này vợ ông không còn ở nhà. Chả là hôm trước chỉ nhảy nhảy mấy cái thế mà bà ta đã thở hổn hển. Ông phải thịt một con gà nấu cháo bồi dưỡng mà bà chẳng lại sức. Mặt mày bệch bạc, phải đem đi viện điều trị chưa lành. Lần này không còn ai “ra trận nữa” ông phải chịu lép vế, ngồi nhìn ra. Bố con lão Tự đổ móng nhà, xe đá dốc xuống ầm ầm chọc tức ông không chịu được. Ông nằm mắt mở trừng trừng hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, đầu tóc dựng hết cả lên. Suy nghĩ mãi cuối cùng ông đã nghĩ được một kế hay. Hãy để cho bố con lão Tự xây xong nhà mới đâm đơn kiện, như vậy mới thật là thâm trầm. Bố con nhà lão Tự không nghe nhà bên khuấy động gì cứ hí hửng làm. Lâu lâu lão chõ mồm sang nói một câu: “Trăm sự là nhờ con đàn bà, nó mà đi vắng chỉ chết tiệt”. Ờ thì cho chúng mày mỉa, rồi chúng mày sẽ thấy - ông nghĩ bụng. Khi nhà lão Tự xây xong, vừa mới khánh thành ông đâm đơn kiện. Các cơ quan chức năng về tận nơi giải quyết. Phần đất đôi bên được đo đạc lại cẩn thận, chính xác. Theo hồ sơ cấp đất thì nhà lão Tự lấn sang một mét rõ ràng. Mặc dù cơ quan chức năng có ý kiến để cho hai bên gia đình thương lượng với nhau vì việc xây cấp đã lỡ, nhưng ông Lã nhất quyết không nghe, buộc lão Tự phải đập toàn bộ tuyến hành lang. Cái tình không được thì theo cái lý, cứ phải chiếu pháp luật mà làm, lão Tự phải ngậm đắng nuốt cay để cầm búa nện xuống nhà mình. Hôm lão Tự đập nhà cũng là hôm bà Lã từ viện về, nhìn thấy, bà hích mũi lên trời cười khênh khếch. Tiếng cười sắc lạnh như thuỷ tinh đập vỡ khiến lão Tự đau nhói mà không làm gi được.
Bây giờ tiếng cười ấy như còn ẩn trong không gian vỡ ra cùng với mưa rơi dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt lòng ông Lã. Ông cảm thấy ruột gan mình nhẹ hẳn, khẽ trở mình chuyển vào một tư thế êm hơn để chiêm nghiệm lại những điều thú vị. Nhưng khi niềm vui vừa mới rạng lên trên nét mặt thì nỗi buồn đau lại cuộn lên sôi réo trong lòng. Ông cảm thấy lòng mình như có một con rắn khẽ nhoi lên, rút mình cuồn cuộn làm khuấy động cả tâm gan, rồi gí cái nọc độc lên tận đỉnh đầu. Ấy là khi ông nghĩ đến chuyện làm ăn bị cha con lão Tự chèn.
Lão Tự sau khi thua cuộc buộc phải đạp tường nhà. Lão bày kế làm ăn để phá sản gia đình ông Lã. Lão biết gia đình ông Lã ít sức lao động, đời sống chỉ dựa vào chiếc máy Bông sen, lão bèn sắm một chiếc Bông sen loại xịn, cho thuê với mức giảm giá, buộc máy ông lã phải ngừng hoạt động. Ông Lã bán máy Bông sen, chuyển sang mua máy bơm, mới làm ăn khá giả chưa được một tháng. Lão Tự lại chơi luôn hai chiếc. Máy của lão năng suất hơn, lại có người vận hành tốt, cả làng, cả xã đều đổ xô vào thuê khiến ông Lã ngồi tờ hơ trước cửa nhà nhìn. Ông Lã nghĩ cách bán máy để xoay việc khác nhưng lại không bán được, đồng vốn nằm đó một cụ hết năm này sang năm khác chẳng biết lấy gì để xoay xở. Thời gian sau ông bán cả ngôi nhà rường bằng gỗ lim mới làm để chạy cái ăn, thay vào đó một túp lều bằng gỗ bạch đàn. Nhục ơi là nhục. Nỗi căm thù như muốn mọc thành gai. Hận này ông phải trả. Sự trả thù của kẻ thấp tầm bao giờ cũng đê tiện. Bao nhiêu mảnh sành liệng lại. “Đường biên” giữa hai nhà mảnh vỡ chất đầy. Mảnh nằm ngả nghiêng trên mặt đất, mảnh lé lên trong cỏ rác, mảnh vùi sâu trong từng gốc cây, mảnh treo dốc ngược trên cành, chỉ cần động một cái là có thể lao xuống. Trưa đến chúng chói lên thứ ánh sáng vút thẳng vào mắt. Ai đó vô ý chạm nhẹ tay là sẽ bị tứa máu ra liền. Con chó chạy qua bị què chân, con gà chạy về bị xước cẳng. Ngọn gió đi qua cũng bị những vết thương vô tình. “Đường biên” hai nhà thật nghiệt ngã. Tất cả những gì nhớp nhúa đều xả về phía sau. Cành ổi nghiêng sang phía bên này, chặt! Lá chuối ngả sang bên đó, chém! Cuộc chiến tranh của con người dù nhỏ đến đâu cũng làm cho mọi sinh vật trở nên tật nguyền.
Cuộc sống hai gia đình này ngày một tồi tệ. Chẳng những gia đình ông Lã bại sản mà nhà lão Tự cũng sa sút. Máy móc cho thuê cũng ế dần, đến lúc chỉ còn lại một đống sắt rỉ nằm sau hè. Những thứ đó họ sắm không phải vì mục đích làm ăn mà cốt để dùng cho việc chống phá nhau trong kinh tế.
Đến giờ hai gia đình đã thấm đau, mỏi mệt đến rệu rã. Nhìn thấy các gia đình trong xóm nhà cửa khang trang, cuộc sống ấm êm, họ thấy đau tức cả lồng ngực. Nhưng chẳng ai tự thốt ra được một điều hối cả. Riêng ông Lã thì càng ngày càng chán vì gia đình ông suy sụp hơn. Mấy hôm nay ông suy nghĩ mệt đầu, đổ bệnh nằm dài trên giường để đến bây giờ ngồi chỏ tai nghe cơn động tĩnh.
Mưa mỗi lúc một to, nước réo ào ào ngoài máng xối. Nước mưa như dội hết vào lòng ông làm rã hết ruột gan ông. Ông Lã ôm lấy bụng muốn gào lên mấy tiếng mà không thể thành lời. Rằng: lão Tự ơi! Đừng gây sự nữa! Đừng gây sự nữa! Đừng deo dẳng mãi cái bài thù hận ấy ông ơi.
Nỗi lòng ông lên cơn gào thét cũng vào lúc chiếc ti vi trên bàn điểm đến tính hình chiến sự ở Côsôvô. Ông không thể nhìn nổi những cuộc bắn giết của quân đội Nato đối với nhân dân ở nước này.
Ông nhắm mắt lại, lòng ông lại gào lên những cơn tắc nghẹn:
- Loài người ơi xin đừng giết nhau!....
Ông lật sấp mình lại hai tay quặp lấy đầu lắng nghe những nỗi đau đớn âm âm trong lòng.
Mưa đã lặng dần. Vầng trăng bình yên treo lơ lửng giữa trời, đổ oà ánh sáng xuống vườn. Ngọn gió rung trăng lấp lánh trên những tán lá cây. Ông Lã lại nghe tiếng cười rúc rích vọng vào, tiếng cười như vầng trăng vỡ ra thành tiếng. Bây giờ thì ông đã nhận ra đó là tiếng cười của con gái ông. Nó đang nép vào thằng con trai lão Tự. Trời ơi....Chúng nó yêu nhau từ lúc nào? Yêu đến mức trầm mình trong cơn mưa như thế thì hỏi còn nỗi gì?...
Ông xuống bếp rút vội que củi chạy ra, lom khom đến gần, chực bắt quả tang, phang cho mỗi đứa một cái. Nhưng bước chân ông bỗng nhiên khựng lại khi ông nhìn thấy bên cạnh chúng nó có một chiếc xe ba gác chất đầy mảnh chai và những thứ rác bẩn. Hai đứa trẻ hì hục đào tiếp những mảnh chai còn vùi sâu trong đất, rúc rích nói cười với nhau bàn chuyện dàn hoà giữa hai ông bố và chuyện tương lai của hai đứa sau này. Ông đứng lặng chôn chân xuống vườn. Lát sau bước thụt lùi. Ông cố bước thật khẽ kẻo sợ đánh động chúng. Còn đôi trai gái kia chẳng hề biết điều gì đang xảy ra. Họ cứ tụm đầu lại với nhau. Và tiếng cười cứ vọng lên: Hí hí! Hớ hớ!
Tiếng cười hồn nhiên như chiếc lá xanh, như vầng trăng kia sáng.
28/8/2008
Cao Hạnh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...