Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Truyện ngắn và tạp bút Viên Nhật

Truyện ngắn và
tạp bút Viên Nhật

CHUYỆN NHỎ
Trong bãi xe bệnh viện tư nhân, tôi dựng cái xe đạp chờ anh giữ xe buộc thẻ cho hết người này, đến người khác, mãi vẫn chưa buộc thẻ cho tôi. Tôi nhắc:
- Anh ơi! Cho em một cái thẻ.
- Ở đây hết chỗ rồi, chị đem xe qua bưu điện kế bên gởi dùm đi.
Trong khi nói, anh ta lại tiếp tục buộc thẻ cho những chiếc honda đến sau.
Phải như chục năm trước, hẳn là tôi đã nổi sùng, trợn mắt, nói văng vít cái gì đó, đại loại như các câu hỏi: Vì sao, tại sao.... Bây giờ, tôi chỉ cười tươi rói, nói như đùa:
- Hihi, anh cứ cho em một cái thẻ gởi xe, còn để nó ở đâu thì cứ tùy ý. Hì, em đi khám bệnh, đâu có vô bưu điện mà lon ton qua đó, hehehe, please!
Chả hiểu cái nào công dụng. Tôi có cái thẻ xe, anh giữ xe chịu nhe răng cười.
Trong khi chờ các kết quả từ bệnh viện, tôi lại bình thản lấy sổ ra làm việc riêng, thế giới xung quanh tôi lại phẳng như mọi khi. Ai muốn hỏi gì, nói gì, khều vai, tôi lại ngẩng lên, ngoảnh qua và cười:
- Dạ?
Có lẽ, dạo sau này, tôi đọc các loại sách nghiên cứu về các tôn giáo quá nhiều, đâm ra cũng lười nói, lười suy nghĩ, chỉ muốn mọi việc đơn giản như nó vốn đơn giản. Hai hòn đá va vào nhau, không mẻ chút, không vỡ nát thì cũng văng vít làm đau ai đó. Hòn đá văng vào bị bông, chẳng đau ai, chẳng sứt mẻ, nhẹ nhàng rớt xuống, rồi thôi.
TỰ NHĂC
Khi nào quá khứ thức dậy, làm bạn đau lòng muốn khóc, không cười được nữa, bạn hãy nhắc mình: Nâng lên được thì bỏ xuống được. Đó mới là tôi.
Khi nào cuộc sống bon chen nhiều khó khăn làm bạn tối tăm mặt mũi, bạn hãy nhắc mình: Cố gắng lên, chưa phải là cuối đường.
Khi nào bạn buồn chán, bạn hãy nhắc mình: Cà phê nha, đắng chút, nhưng tỉnh táo, vì đó là cuộc đời. Sẽ tốt hơn, nếu bạn thêm chút đường, chút sữa hoặc chút ca cao vào cà phê. Hì, cà phê khác rồi phải không?
NGHĨ
Có một hôm, lâu lắm rồi, tôi cùng mấy người bạn vào quán trà đạo mới mở.
Nhà vườn treo đầy hoa phong lan, kiểng.
Trên bàn chưng những giỏ hoa khô, nhiều nhất là hoa bất tử và rơm lúa vàng.
Bình trà với những cái chung trà be bé.
Những cuốn sổ ghi đầy những câu danh ngôn, được đóng bìa mạ vàng. Bên dưới những câu danh ngôn, có chừa mấy trang trắng. Khách có thể ghi lời bình vào những cuốn danh ngôn đó.
Người phục vụ mặc kimono.
Chúng tôi được đưa đi theo dãy hành lang, lên lầu một, vào một phòng riêng.
Bốn người ngồi trên những cái gối mềm, trước một cái bàn thấp. Nơi này, cũng chưng bày đẹp như ngoài kia
Cảm giác tinh khiết, trắng trong đến mức, tôi tự thấy mình sao mà ngoại đạo quá chừng, giống như ngày xưa mới ra phố thị ấy, chỉ biết ngồi như phổng đá và cười ngớ ngẩn.
Trong khi mọi người nói chuyện, tôi tiện tay mở cuốn danh ngôn.
Chỗ câu nói của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi!”, có khá nhiều dòng chữ bình. Nét chữ cái thì trông dịu dàng, nét cứng cáp, nét loằng ngoằng…
Tất cả những lời bình đều giống nhau, rằng chỉ cần có tấm lòng là đủ, ngay cả chỉ để cho gió cuốn đi.
Tôi rất thắc mắc: Có tấm lòng để gió cuốn đi, thì có làm gì? Và, tôi ghi câu thắc mắc ấy vào cuốn sổ.
Tôi tự nghĩ: Có lẽ TRỊNH chỉ tự nói với mình “Tôi biết tôi có, tất cả được thể hiện qua những tác phẩm tôi để lại cho đời, đó chính là tấm lòng tôi, theo tiếng hát đi xa, theo gió đi xa, vào tận trong trái tim mỗi người lắng nghe”. Phải, và chỉ có TRỊNH, mới có thể để tấm lòng cho gió cuốn đi, mang tiếng nhạc, lời hát đi muôn phương.
Cô gái xinh đẹp phục vụ đã tò mò, mở ra xem tôi viết gì. Xem xong, cô không dấu được cái bĩu môi khinh thường. Tôi đỏ bừng mặt, tự trách sao mình vớ vẩn viết làm gì!
Thời điểm đó, tôi tất nhiên là nhỏ tuổi hơn cô phục vụ thanh nhã kia. Lại nữa, trông tôi nhà quê, có vẻ lặng lẽ. Cái mặt nhìn ngốc như vậy, lại đi viết một câu không giống bất cứ ai đã ghi trong đó. Cái cách cô đó nhìn tôi, ấn tượng đến nổi, tôi chẳng bao giờ quên.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn bảo lưu thắc mắc đó của mình. Chúng ta không phải là TRỊNH. Tôi vẫn cho rằng: Sống ở trên đời, cần có một tấm lòng, để biết sẻ chia, không phải là để cho gió cuốn đi. Chẳng lẽ, gió cuốn tấm lòng lên trời, để ta mơ màng chấm hỏi: Gió cuốn tấm lòng về đâu? - Sao buồn đến vậy!
HOA QUỲNH
Hoa quỳnh, viên ngọc quý có hương, ai cũng biết. Với tôi, nó tượng trưng cho giấc mơ hoa: Tối nở sáng tàn.
Tôi đã có hai lần trong đời, trong đêm chờ hoa quỳnh. Đêm trắng cô đơn, thanh tịnh, dưới ánh đèn hắt bóng từ góc hành lang, tôi ngồi thu mình trong ghế bành, chờ hoa quỳnh nở.
Giờ phút chờ đợi hoa quỳnh bắt đầu tỏa hương, tất cả nỗi buồn, niềm đau tận đáy lòng bỗng trở nên dịu dàng, không có hận, không có khóc, không có tủi hờn, chỉ còn lại nụ cười mệt mỏi, chờ quên.
HỢP RỒI SẼ TAN
Họp rồi tan, quy luật muôn đời, tôi vẫn biết
Mà nỗi buồn, lỡ biết, vẫn không quên
Thêm một chút, chỉ là thêm một chút
Nhưng ly buồn, thêm chút đã tràn
(VN)
Với người khác thì tôi không biết thế nào, với tôi, điều khó chịu đựng nhất là chữ LY. Ly trong sinh ly và ly trong tử biệt.
Chúng ta đem lòng yêu mến ai đó quá nhiều, khả năng hồi phục sau chữ LY sẽ rất lâu. Mà đường đời thì cần chúng ta mạnh khỏe, tỉnh táo để làm việc và bon chen với đời. Chúng ta không thể tự cho phép mình ngã gục.
Điểm yếu của tôi chính là tình cảm luôn mạnh hơn lý trí.
Tôi không muốn mở lòng ra để rồi bị tổn thương.
Tôi cũng không muốn mở lòng ra để rồi ngày nào đó phải tự giúp mình nguôi ngoai nỗi nhớ mong.
Chúng ta đều hiểu rằng Hợp rồi sẽ Tan. Nhưng khi chuyện ấy xảy ra, hiểu thì cứ hiểu, đau lòng, buồn bã vẫn cứ tràn ngập trái tim ta. Nó khiến ta làm việc uể oải, khiến đầu óc mụ mị thiếu sáng suốt để suy nghĩ.
Ngay cả chỉ là một người bạn ảo, ta chưa thật sự biết họ thế nào, mặt mũi ra sao, chỉ biết họ qua các trang blog, còn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta, huống là một người bạn thật.
Bạn ảo đến, rồi biến mất, tìm không thấy, cũng có thể làm chúng ta ngẩn ngơ, đủ hiểu rằng tình cảm dù thật hay ảo, cũng yếu mềm như nhau. Đó là điều mà lý trí có sáng suốt thế nào cũng chỉ như cây sào mỏng manh, cố chống đỡ trái tim yếu mềm. Ngày tháng qua đi, qua đi... ta lại phải mất không ít thời gian vô ích để có thể quên.
Sao bằng đừng để mình nhớ.
Thì đâu phải khổ sở để tập quên.
Tiếc thay, lý trí là một đường thẳng còn tình cảm lại là một đường tròn, vô cùng lẩn quẩn!!!
ĐỒNG GIÓ
Những buổi chiều quê, gió mát thường thổi ào ào trên những cánh đồng khi nước lớn và thường lặng lờ, hiu hiu khi nước bình và bắt đầu ròng. Những khi gió rít ào ào trên đồng ấy, tôi rất thích lội ruộng, qua ngồi trên gò cây giữa đồng hứng gió. Trong lòng tôi dường như mình đang ở giữa một đồng gió, theo gió phiêu du.
Trên cái gò cây ấy, ngày xưa có rất nhiều tổ chim. Những cành cây theo gió lắc lư và những tổ chim mới có, cũ có cứ đong đưa. Bên trong, có cái có tiếng chim con gọi mẹ nhớn nhác theo nhịp gió lúc mạnh, lúc yếu. Tiếng lá cọ vào nhau. Tiếng cành mục kêu lắc rắc và thi thoảng rơi xuống…. Tôi chỉ ngồi trên khúc cây gãy và lắng nghe.
Bây giờ ở phố thị. Những khi đi đâu về ngang khu ngoại thành những chiều lồng lộng gió, thấy mình nặng ì trên chiếc xe máy đang lướt như bay, không thể buông tay, xa dần đường gió, về lại phố phường nhà cửa, người xe tấp nập, cảm giác mệt nhoài, vừa cô đơn, vừa nặng nề, lại biết mình với đôi chân dính chặt trên đất, vẫn ăn, vẫn sống, vẫn lo toan …, chẳng bao giờ có thể theo gió phiêu du.
Thì thôi. Nhớ cánh đồng gió, hãy cất vào lòng, lâu lâu buồn thì mở ra xem.
CỎ BA LÁ
Đơn giản là tôi thích cây cỏ, hoa lá.
Cái nhánh cỏ ba lá đó có màu xanh, trông rất đơn giản, vậy là thích. Chẳng vì ý nghĩa hay vì đủ thứ chuyện về những nhánh cỏ một - hai - ba - bốn lá gì đó. Tôi không sâu sắc vậy đâu. Có nhiều thứ, tôi tự nhiên thấy thích, chẳng vì điều gì, chẳng nghĩ ngợi sâu xa.
Mỗi khi tôi cảm thấy không gian thành thị khô cứng chật hẹp, nhìn nhánh cỏ xanh xanh, cũng như nhìn thấy một khoảng trời yên lành nhỏ xíu bên mình. Lòng đang dậy sóng nhiều thứ trăn trở, bỗng dần như biển lặng đến ngạc nhiên.
Tác dụng của một nhánh cỏ xanh im lặng, lạ lùng thật.
Và chuyện chỉ nhỏ xíu thế thôi.
ĐÊM THAO THỨC
Buổi chiều uống nhiều cà phê quá, tối còn dư âm, buồn ngủ lại không ngủ được!
Ngồi trên lầu cao nhìn xuống đường, giờ này chẳng một bóng xe, đèn phố hắt từng mảng sáng tối vàng vọt bên những hàng cây sao dầu, thanh tĩnh đến nao lòng. Sự thanh tĩnh của đêm phố thao thức, chưa bao giờ thật sự làm tôi bình yên. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như sự bình yên trước bão. Ừ thì cố gắng, giữ được bao nhiêu lâu sự bình yên, thì làm hết mức có thể.
Tôi yêu trẻ con, vì cứ nhìn vào những khuôn mặt ngây thơ luôn mong chờ được yêu thương, những trăn trở muốn nổi loạn trong tôi cũng dần tan biến.
Rất nhiều khi, nụ cười tươi vui thường trực trên môi tôi, cũng mệt mỏi như trái tim tôi vậy. Nhưng trái tim đau bên trong, còn nụ cười là cái vỏ ngoài. Nụ cười đó làm dịu vẻ lo lắng trong đôi mắt trẻ và làm cân bằng nỗi mệt mỏi, chán chường, muốn buông xuôi trong lòng.
Tôi thường nhắc mình bước tới, ngay cả khi tôi chỉ muốn kiếm một góc mà co mình lại nghỉ ngơi. Khi đã bước một bước, tôi lại nhắc mình bước thêm bước nữa.
Đôi khi ngoảnh lại, mới nhận ra mình đã đi được một khoảng đường khá xa.
Đôi khi ngoảnh lại, mới thấy những vết thương tưởng không thể chịu nổi, không thể vượt qua, đã liền sẹo từ khi nào chẳng rõ.
Và rồi thấy mình cứ mỗi ngày bước tới, bước tới, ngày càng lười ngoảnh lại hơn, ngày càng ít boăn khoăn về mọi thứ hơn, biết mình gần tiến đến chỗ máy móc vô tình, sống quán tính và trượt theo lối mòn, ngại nghĩ ngợi, ngại đào xới chỉ vì một câu thường trực trong lòng: Để làm gì?
Ừ, nghe cứ như cả con người đang chảy từng giọt máu đen về tim và thì thầm: Để làm gì? Nào nhiệt tình, nào mơ ước, nào niềm tin... dường như cất kỹ quá, hình như đã mất khóa. Lâu lâu giật mình, muốn mở, không ra. Mà ý nghĩ ấy cũng tic tắc như cái kim giây đồng hồ ấy, chốc sau là quên khuấy, chỉ ngớ ngẩn tự hỏi mình: Mở, ừ, để làm gì?!!! Còn bao nhiêu việc, bao nhiêu lo, như những chấn song vô hình chẳng thể nào bỏ được. Ta tự nhốt mình vào, rồi từ đó lại ngóng trông bầu trời xanh xa xa. Lắm lúc đơn giản chỉ là nhắm mắt lại một chút để thả mình vào khoảng trời tự do xanh ngắt đó.....
CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI QUÉT CHỢ
Người quét chợ là một phụ nữ cô độc xấu xí, khoèo một chân, khoảng hơn 40 tuổi. Người thân của bà là con heo nái vừa đẻ một đàn mười heo con và một bầy gà nòi, phần lớn là con trống rất đẹp mã, suốt ngày gân cái cổ đỏ trụi lủi, đá nhau chí chóe.
Bà sống trong một cái nhà lá, nằm ngay lối vào một miếng đất khá rộng, trơ trọi cạnh bờ sông. Từ trước ra sau, đất của bà ngập trong rác có thể phân hủy mà bà hay kéo về làm phân. Vườn bà có đủ loại cây trái rất sai, tuy bà không hề trồng. Chúng mọc lên từ những đống rác mà bà kéo về. Hình như bốn mùa vườn bà đều có trái chín. Những cây mít ở cuối vườn có rất nhiều tổ chim nghệ treo lủng lẳng. Những con chim bé xíu có bộ lông màu vàng, lại luôn làm những cái tổ rất to, trông như một cái chuông lớn bằng rơm, cỏ, treo trên những cành cây và rất đẹp.
Hằng ngày, quá trưa một chút, chợ quê sẽ tan. Đó là lúc bà có mặt với cây chổi tự chế bằng tàu cau hoặc cành cây, có cái cán dài để đứng thẳng mà quét. Sau khi gom rác, bà nhặt ve chai để giao cho vựa, nhặt rau củ dạt để nấu cám heo và nuôi lũ gà. Phần lớn rác bà sẽ kéo đổ xuống cầu tàu bến sông. Một phần rác chọn theo ý bà, vừa chiếc xe đẩy sẽ theo bà về đổ trên đất vườn.
Hằng tháng, người thu hoa chi ở chợ sẽ trả cho bà một khoản lương nhỏ nhoi.
Người ta gần như chẳng để ý sự có mặt của bà trên đời. Cứ như là mỗi sáng chợ sạch boong là chuyện đương nhiên. Xả rác vô tư khi mua bán xong cũng là chuyện đương nhiên. Khi đã trả tiền, trách nhiệm, nghĩa vụ … đã được thỏa thuận và chấm hết. Phần lớn người ta vẫn sống vô tư với nhau như thế thôi.
Trưa nay chợ đã tan, không thấy bà quét chợ đi cà nhắc với cây chổi cán dài. Ruồi nhặng bay u u khắp nơi. Những nhà hai bên phố chợ mạnh ai nấy quét rác trước sân nhà mình. Chỗ bán cá cạnh bờ sông là gớm nhất. Mùi cá ươn bốc lên theo gió đi vào mọi ngóc ngách của cả cái phố chợ. Những nhà ở xa cái cầu tàu nhất cử người đến nói những nhà cạnh chỗ bán cá:
- Hôm nay cái bà thọt chân trốn việc. Mấy người ở cạnh cái mỏ thúi mà vẫn chịu được sao?
Ý là sao mấy người không xách nước sông lên dội chợ cá đi. Những căn nhà im lìm như những người bên trong. Đâu phải việc của họ. Đó là việc của bà quét chợ.
Càng về chiều, nắng nóng làm cho cái mùi cá chết càng bốc lên kinh khủng.
Mây đen kéo tới mù mịt. Gió từ sông cái thổi giật những mái tôn rầm rập. Một trận mưa rất lớn đổ xuống, kéo dài cho đến tối, rửa trôi cái chợ cá cùng với mọi rác bẩn.
Người thu hoa chi vừa ăn cơm chiều xong, đang ngồi xỉa răng. Khi xế, ông đã định vào xem bà quét chợ có bệnh tật gì không. Bà ấy tuy trông gầy ốm, nhưng chẳng bỏ việc bao giờ. Ông nhìn ra con đường trước nhà, thấy sình lầy nhầy nhụa, mưa vẫn còn nặng hạt lắm thì ngại ngần nghĩ:
- Vào đó thì cũng chẳng giúp được gì. Có lẽ mai bà ấy sẽ có mặt thôi.
An tâm với suy nghĩ của mình, ông bật tivi, leo lên võng nằm đong đưa.
Hôm sau, cảnh hôm qua lại tái diễn. Chợ cá lại bốc mùi. Chợ rau càng bẩn hơn vì ngập ngụa sình lầy và rác quện vào nhau. Người đi chợ tha sình từ mọi ngã đường vào. Các nhà ở phố chợ giận nhau vì ai nói kệ ai, không nhà nào ra giải quyết cái chợ cá.
Cả cái chợ tàn giống như một bãi rác lộ thiên. Sống cạnh bãi rác như thế, tâm trạng mọi người trở nên bức bối. Hình như ai cũng trở nên không giống ngày thường, có một chút điên điên, như những lò lửa đang chực chờ bùng cháy.
Thì đó, chỉ thiếu có một bà quét chợ thôi mà, ồn ào quá. Mà cái bà này cũng tệ. Tiền thì biết lấy, chẳng nói tiếng nào đã đình công. Phải cho bà ấy biết thế nào là trách nhiệm, nghĩa vụ mới được. Mọi người dễ dãi nên bà ta lờn mặt.
Một đoàn gần chục người mặt mũi quạu đeo, dẫn đầu là ông thu hoa chi đến nhà bà quét chợ.
Từ đàng xa nhìn thấy khu đất xanh um cây trái, họ bảo nhau:
- Chúng ta đâu có xử tệ với bả. Nhìn xem, làng cho mấy đời nhà quét chợ miếng đất đó, bây giờ tiền không. Coi bầy heo đủng đỉnh ăn rau trong vườn kìa, bầy gà đá đó nữa. Trời! Cả một gia tài đó nghe! Vậy mà không biết ơn chúng ta.
Ông thu hoa chi nhăn mặt:
- Đừng có thêm mắm dặm muối quá vậy mấy bà. Hồi năm xửa, năm xưa, trăm năm trước, miếng đất bãi bồi bỏ hoang này chẳng ai thèm. Cỏ, lác, ô rô gai góc mọc lút đầu người. Nghe nói ông cố, ông sơ nhà bả mua bằng công quét chợ một năm đó. Bao nhiêu đời nhà người ta chăm sóc, đắp bồi mới được như giờ. Ở đâu ra chỗ cho mấy bà kể công.
Gọi mãi không nghe bà quét chợ lên tiếng. Ông thu hoa chi nhấc cái cửa để qua một bên, bước vào trong, miệng lầm bầm:
- Thời buổi này chứ có phải mấy chục năm trước đâu mà cửa nẻo gì, có cũng như không.
Ông bỗng ngừng bặt vì cảnh tượng trước mắt. Ở cái chái bếp thấp lè tè, cao vừa khỏi đầu người, bà quét chợ trong tư thế quỳ gối, đầu gục xuống ngực, cái lưỡi thè dài đã chuyển màu đen, sợi thòng lọng lủng lẳng xệ xuống tận bụng, hình như đã chết từ lâu.
Mọi người xúm quanh, mạnh ai nấy nói, nấy kêu la hòa với tiếng những con gà, con heo kêu xung quanh, tạo thành một bản hòa âm kỳ lạ bên cạnh cái chết cũng rất lạ của bà quét chợ.
Treo cổ thì phải chết treo. Đằng này bà lại chết quỳ với cái thòng lọng chẳng thít vào đầu. Công an có đến nhìn qua, tuy thấy rất khác thường, nhưng không thể tìm ra cái gì nghi vấn ngoại trừ cái tư thế chết của bà. Bà cũng không có người thân để yêu cầu điều tra. Thêm việc làm gì, người cũng chết rồi, cho người ta yên nghỉ. Và, kết luận: Bà quét chợ không giàu có, không xinh đẹp, không người thân …. Tóm lại là không có gì để tạo nên một động cơ thường thấy, nếu là án mạng. (Ai biết đâu được, có thể một hôm điên điên, bà thấy cuộc sống quá buồn chán nên quyết định chấm dứt thì sao.)
Căn nhà nhỏ của bà hoàn toàn ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài vườn, cây lá vẫn rất xanh. Thế giới vẫn thanh bình với những làn mây trôi êm đềm giữa một trời quang, sau ngày mưa xối xả đến cạn kiệt mây đen như hôm qua. Và, những cánh bướm sặc sỡ, những chú ong vỗ cánh ù ù như tiếng máy chạy vẫn nhởn nhơ hút mật trong làn gió nhẹ. Một cuộc đời cô độc, đến rồi đi, vô thường thế thôi.
Và bỗng nhiên tổ tông mấy đời nhà bà quét rác bị người ta lôi ra, để cuối cùng kết luận: Nhà đó có huông ma thòng lọng. Đời nào cũng có ít nhất là một người thắt cổ chết treo.
Mọi người sợ dính huông thắt cổ, chẳng ai dám động đến cái xác. Một ông thầy chùa được mời đến để cắt thòng lọng.
Chẳng biết thực hư thế nào, người ta đồn rằng khi cắt sợi dây, bên trong đen sì máu bầm?!
Đám tang của bà do xã đứng ra lo liệu. Đó là một cái đám tang rất lớn với hàng chục con heo sữa quay và một con heo nái hơn một tạ thịt hơi. Bầy gà nòi của bà người ta tranh nhau mua. Cuối cùng xảy ra một chuyện chưa từng có trong xã. Người ta bắt chước trong tivi khi có tranh chấp mua bán: Mở cái bàn đấu giá mấy con gà để lấy tiền chôn cất chủ.
Thật kinh ngạc, tổng số tiền bán bầy gà nòi lên tới hơn ba mươi triệu đồng. Cái con gà to nhất đàn, có cái cựa dài nhọn hoắc, lúc nào cũng hung hăng đi kiếm chuyện với những con gà khác, đã được trả tới bảy triệu đồng! Nhiều tiền quá, xã quyết định mua cái hòm cẩm lai duy nhất của trại hòm. Nghe nói cái hòm ấy để qua nhiều năm không bán được vì giá quá cao. Ông chủ trại hòm còn than thở:
- Vừa bán, vừa cho chứ mắc mỏ gì! Cẩm lai bây giờ làm gì có cửa để mang đi đóng hòm. Đóng nội thất cao cấp còn không có mà đóng. Chẳng qua gỗ đóng hòm rồi, đâu thể tháo ra bán gỗ được. Bán rồi, tiếc muốn chết!
Con trai ông chủ trại hòm hỏi:
- Cha tiếc vậy sao còn cho không dịch vụ kèm? Những cái đó mình phải tốn tiền mà?
- Nghĩa tử là nghĩa tận. Vài bộ đồ liệm, mấy thằng khiêng đòn, chủ tế …. công nhà cả, tính toán làm chi với người chết như bả.
Mấy hôm sau, bà quét chợ được yên nghỉ ở đất thánh (° Đất thánh: Nơi chôn cất những người nghèo, vô gia cư, xác vô thừa nhận).
Miếng đất của bà trở thành tài sản công của xã. Xã muốn bán để sung công quỹ, nhưng chẳng ai muốn mua. Khu đất không người chăm sóc, gặp mùa mưa, đủ loại cây từ đất rác mục ấy, chen nhau mọc lên, xanh như chưa bao giờ cây cỏ được xanh như thế.
Thời gian qua đi. Mọi chuyện lẽ ra sẽ vào quên lãng nếu như mấy con gà nòi không sinh quái bệnh. Gà đá mà không chịu đá độ. Những người chủ gà không hiểu vì sao khi thả trong vườn, những con gà nòi rất hung hăng, đá bất kể gà trống, gà mái, gà con cho đến dở sống, dở chết mới thôi. Khi những con gà tan tác, nằm khốn khổ la liệt trên đất thì con gà nòi vỗ cái cánh chẳng có mấy lông và ngửa cái cổ đỏ trụi lủi, gân guốc như đô vật, hả hê gáy rất to. Còn khi ôm chúng vào những xới gà, chúng cứ đứng sững ra đó, mặc cho kẻ địch tha hồ đá mổ. Chủ gà đành phải chịu thua để ôm gà về.
Tưởng chỉ một con như vậy, hỏi ra mới biết những ai mua gà của bà quét chợ đều gặp tình trạng đó cả.
Những kẻ chơi gà đá độ không đủ tiền để đấu giá những con gà của bà quét chợ cười hả hê:
- Thèm gà người ta cho lắm, bây giờ mua được lại thành ra gà không biết đá.
Người ta bắt đầu rỉ tai nhau những câu chuyện về kẻ đã giết bà quét chợ. Có lẽ không chỉ một người mà là một nhóm người. Các mẩu chuyện truyền khẩu đó, tuy không chỉ đích danh, nhưng nói đến những con gà, khác nào chỉ đích danh còn gì.
Một người nói, hai người nói, càng nhiều người nói, câu chuyện càng hoàn chỉnh như một phim hình sự trên kênh HBO, AXN, nhưng chắp vá tình tiết, vay máu ở phim này, vay dao, mác ở phim khác …. Và các nhân vật như đang thật sự kéo bè tới giết người chỉ vì một bầy gà đá quá chiến mà chủ của chúng thà để già chết đem chôn, không bao giờ bán cả.
Rồi câu chuyện được kết luận như sau: Có rất nhiều dấu vết ở hiện trường, có thể chỉ ra thủ phạm, nhưng công an của ta không có máy móc và kỹ thuật giỏi như nước ngoài, bởi vậy mà bà quét chợ chết oan. Hồn ma của bà ám mấy con gà.
Nghe thật buồn cười. Câu chuyện đang là rất lý trí, rất hiện thực, bỗng dưng cái kết lại ngoặc mấy trăm độ về số âm.
Những chủ gà mới khổ, đi đâu cũng bị dòm ngó, lườm nguýt.
Vừa lúc ấy, người ta nghe đồn ông nội bé Tú đã mua miếng đất của bà quét chợ. Những người được thuê dọn quang khu đất kể: Họ chưa bao giờ thấy ở đâu có nhiều ổ rắn đủ loại như ở đó, tha hồ mà bắt. Trên cây, dưới đất, đâu đâu cũng thấy ổ rắn, không hiểu là “ma cũ hay ma mới”. Nếu là “ ma cũ”, sao mấy con gà, mấy con heo có thể sống hòa bình như thế năm này sang năm khác nhỉ? “Ma mới” thì từ đâu mà đến, kéo theo bầy đàn thấy ớn? Mà rắn đem lên Sài Gòn, càng độc, càng được tiền.
Nói đến tiền, bỗng dưng người ta tổng kết rằng: Thật ra bà quét chợ rất giàu. Thì đó, bả vừa chết đi, chỉ riêng của nổi đã thấy khối tiền. Ai biết đâu bả cắt củm để dành, của chìm chắc cũng không kém.
Câu chuyện mới về cái chết của bà quét chợ đang dần có màu sắc thật như mắt thấy, tai nghe. Ngay cả người kể ban đầu, cũng phải chăm chú nghe người thứ n kể như mới nghe lần đầu, vì có nhiều tình tiết mới hơn.
Một chủ tàu ở Phú Quốc ghé chợ kiếm ông thu hoa chi hỏi thăm nhà của bà quét chợ. Ông thu hoa chi hỏi:
- Bà quét chợ nào? Ở đây chỉ có ông quét chợ. Hay là ông hỏi bà quét chợ cũ?
- Năm ngoái tôi ghé, bả vẫn quét chợ.
- Vậy bả chết rồi. Ông kiếm có chuyện gì?
- Năm ngoái bà ấy có tặng tôi cặp gà nòi. Tôi hứa vài hôm đi ngang sẽ tặng bà ấy một con chó Phú Quốc. Nhưng tôi không ghé được. Năm nay mới có dịp đi ngang. Mộ bà ấy ở đâu? Tôi đến đốt nhang.
Ông thu hoa chi ngẫm nghĩ: Sợi thòng lọng đó, chắc là để chuẩn bị buộc con chó. Một người yêu thương súc vật như bà quét chợ, hẳn là đã tự thử sợi dây, phòng khi làm con chó khó chịu. Còn vì sao lại chết trong tư thế kỳ cục thế, có lẽ chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp với một tai nạn hay trúng gió bất tử gì đó ….
Không ai nhớ bà quét chợ từng sống ra sao. Nhưng bà chết thế nào thì có khi người ta biết còn nhiều hơn cả chuyện thực sự đã xảy ra.
Có lẽ khi nào có những câu chuyện mới, người ta sẽ quên béng trên đời từng có một bà quét chợ đã chết thế nào.
HƯƠNG KHÓI LÊN TRỜI
Hương đang phỏng vấn xin việc. Hai bàn tay cô đều để trên bàn. Điện thoại rung mãi trong túi quần, hết nhịp này đến nhịp khác. Tiếng rung ù ù trong căn phòng máy lạnh kín bưng làm cô có cảm tưởng như tiếng chạy của nhà máy xay lúa ở quê mình.
- Em về đi. Cám ơn em đã đến dự phỏng vấn của công ty chúng tôi. Chờ thông báo sau nhé.
- Dạ. Cám ơn chị. Chào chị.
Hương thở dài. Vậy là lại rớt. Cô đã nhận mấy chục câu: "Chờ thông báo sau" này rồi. Đó chỉ là cách nói từ chối cho dễ nghe.
Thò tay vào túi quần lấy điện thoại, cô vừa nghĩ đến tương lai mù mịt và một hiện tại làm việc thời vụ, trôi nổi hết nơi này đến nơi khác. Công việc không ổn định. Tiền bạc không ổn định. Nhà cửa không ổn định. Rất nhiều thứ cơ bản không ổn định. Điều lo phiền nhất của cô là làm mẹ thất vọng.
Giấc mơ của cô là học thật giỏi, kiếm được việc tốt và có thể chăm lo cho mẹ những năm tháng cuối đời nhàn hạ, sung sướng. Cô biết mình không được thông minh bằng người. Nhưng cô có thể bù đắp bằng sự chăm chỉ. Đó là lý do vì sao cô chọn ngành ngoại ngữ.
Ở trường huyện, ai cũng học thêm, luyện thi, phương tiện nghe nhìn, kết nối hiện đại..., sôi nổi không kém ở thành phố lớn. Cô vẫn cù lần với cái radio catssette chạy bằng bình ắc quy.
Mẹ bán rau ở chợ huyện, lượm bạc cắc bỏ ống năm này qua năm khác, để dành cho con gái lên thành phố học đại học.
Sự chăm chỉ như cái nhãn dán trên trán cô suốt những tháng năm cắp sách. Cô chưa bao giờ xếp hạng đầu, lúc nào cũng dưới vài cái tên. An ủi mình thì có thể bảo nằm trong nhóm Top Ten. Rất nhiều bạn học của cô tranh thủ làm thêm, có khi bỏ học hàng tuần để đưa khách du lịch đi tua. Tiền đến tay mà không làm thì phí quá. Cô không dám làm như thế vì sợ bị cấm thi.
Cô không dám làm rất nhiều thứ vì mục đích chính của cô là học. Lúc nào cô cũng nhớ hình ảnh mẹ ngồi ở rìa chợ, bên những bó rau rẻ tiền, lam lũ đến thương.
Cầm mảnh bằng đại học cả năm mà chỉ như một sinh viên với công việc thời vụ, làm sao ăn nói với mẹ? Mẹ sẽ không thể hiểu tại sao thành phố đầy những cử nhân thất nghiệp đang kiếm sống bằng nhiều nghề trái tay khác nhau như cô. Mẹ nghĩ con gái ở thành phố sẽ bay cao, bay xa. Mẹ không hề biết cô đã về tỉnh xin một chân giáo viên cũng bị từ chối vì đã đủ người.
Vừa nghĩ ngợi, Hương vừa nhìn màn hình. Số của mẹ. Cái SFone couple forever của hai mẹ con dạo gần đây bị tính cước, không thể buôn chuyện hàng giờ như hồi mới mua. Mẹ ít gọi, cô vừa mong, lại vừa mừng.
Cô nhấn số:
- Mẹ yêu ú ù!
Tiếng cô cười trong vắt rất vui tai. Mẹ cô cười mắng:
- Sao bây giờ mới gọi lại?
- Mẹ biết rồi mà, con bận. Mẹ yêu gọi, mừng thấy mồ, trừ khi không thể bắt máy.
- Giả bộ huyên thuyên. Nhớ tự chăm sóc mình, đừng mải làm bỏ bữa nghe.
- Dạ. Mẹ đừng lo.
Những lời dặn dò của mẹ như cuộn catssette yêu thương mà cô thuộc lòng từ rất lâu. Mỗi lần nghe giọng mẹ, cô lại nhớ rất nhiều thứ và tự trách mình không cố gắng hơn nữa. Rất nhiều khi cô cũng không biết mình phải cố gắng bằng cách nào để có một kết quả có chút đường mật gì đó. Ăn quả đắng mãi, hình như rút gần kiệt sức chiến đấu trong cô mất rồi. Kiếm được việc, tạm đủ tiền sống qua ngày, một ít làm quà cho mẹ, không dành dụm được chút gì cho ngày mai, thật thảm hại.
Mệt mỏi quá, hay mình cứ nhận lời đề nghị của Thức, học một khóa bartender rồi về làm công cho anh ta? Lương cao, lộc nhiều, cho con người năng động trong môi trường nhiều cạnh tranh. Con gái miền Tây học nghề bartender thì hợp quá còn gì. Đó là cách nói của Thức. Nếu không phải Hương quá biết về Thức, người từng một thời theo đuổi mình thì cũng không phân biệt đâu là lời thật, đâu là lời hư. Lời hư nằm ở câu đầu: Lương cao, lộc nhiều, năng động, cạnh tranh. Nghe như là Nhân và Quả. Thế gian này không giống cổ tích đâu. Gieo một đống nhân chẳng có quả nào. Bình thường thôi. Con người sống thuần lý trí như cô không tin cái gì trên trời rơi xuống.
Thủy dặn cô chuẩn bị để ghé đón cô đến dự khai trương cái quán cà phê sân vườn ở ngoại thành của Tuân. Hai người bạn này của cô từng là những thủ khoa đầu vào, nhưng rồi lại giỏi chạy sô kiếm tiền hơn là đến lớp. Ra trường rồi nhưng bằng vẫn treo đó chờ trả nợ mấy môn bị cấm thi. Cứ nhìn vào cách sống quay như chong chóng, đủ thấy tính cách họ khác cô một trời, một vực. Vì lý do chỉ có trời mới hiểu, bọn họ lại rất yêu quý cô. Có thể, vì họ thấy lại mình qua sự chăm chỉ học hành của cô. Cô cũng rất yêu quý họ. Tình cảm là một thứ không thể dùng lý trí để phân tích logic.
Tuân đã đứng đợi ở cửa. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng cả rồi. Có khi họ thức cả đêm qua để làm cũng nên.
Khung cảnh trang trí rất đẹp. Sang trọng với thuỷ tinh trong suốt và những gỗ, đá mộc làm bàn ghế. Rất thơ với những cây xanh, cổ thụ, hoa hồng đã lác đác nụ non, những giỏ hoa, lúa khô..... Mắt Hương dừng lại những khung tranh phong cảnh ép bằng rơm, cỏ, cây, bướm, ong khô. Và, trong tiếng nhạc hoà tấu êm dịu quá.
Cô bỗng nhắm mắt lại, hít thở thật sâu. Có chút gì như máu hoang dã, cứ chảy cuồng trong trái tim cô với nỗi nhớ đồng quê đến nghẹn ngào.
Tiếng Thuỷ kéo cô về thực tại:
- Thấy sao hả mọt sách? Có mơ màng không?
Hương cười:
- Nói như chủ nhân vậy.
- Khiêm tốn lắm, chỉ một phần ba thôi.
- Ai là phần ba cuối?
- Để tớ giới thiệu nha. Tăng tăng tăng tằng - tằng - tằng - tằng.... Đây nè. Một, hai ba.
Thủy vừa chỉ, vừa đếm số. Người thứ ba là một cô gái lạ vừa vào trong cạnh họ cùng Tuân. Nghe Thuỷ nói, cô mỉm cười, hiện rõ bốn cái đồng tiền duyên dáng quanh khoé môi. Cô đưa tay nắm tay Hương, tự giới thiệu:
- Thư.
Bộ ba tự tin, thoải mái đó làm Hương thấy mình thật lạc lỏng. Khai trương xong rồi, cô nên về, còn chuẩn bị để 1 giờ đi làm. Tuân chỉ vào cái bàn đá ở góc cùng, cạnh cây cổ thụ:
- Bọn mình lại kia nói chuyện một chút.
- Tớ xin lỗi, nhưng tớ sắp trễ giờ làm rồi.
- Bỏ việc đi, về đây làm. Bọn mình có dành hẳn phòng riêng cho Hương ở lại, không phải thuê nhà trọ nữa. Lương trước mắt không cao, nhưng ổn định.
Lang thang suốt một năm ròng với đủ thứ công việc, còn gì làm Hương thích hơn hai từ cuối đó: Ổn định. Nhiều thứ trong cuộc sống của cô sẽ được sắp xếp trật tự. Cô luôn thấy an toàn khi có trật tự. Đó là trước mắt thôi, có cái gì là mãi mãi đâu.
Căn phòng của cô ở sân thượng có một giàn lan. Nhìn là muốn ở lại rồi.
Ba chủ nhân, sau khi cô quen việc thì chỉ mỗi ngày ghé qua một lần để xem sổ sách, tiền bạc. Giao việc thì Hương cố gắng làm. Họ làm gì bên ngoài, nếu muốn nói thì Hương nghe, còn không thì cô cũng không hỏi. Đó cũng là một trong những lý do nối kết Hương với bọn họ.
Thủy thường nán lại lâu hơn để kể cho cô nghe đủ thứ chuyện. Những câu chuyện có Tuân làm trung tâm là đủ hiểu tình cảm Thủy như thế nào. Bộ ba như hình với bóng đó thật phức tạp. Thủy chỉ nói nửa chừng nhưng Hương hiểu: Rõ ràng là Thủy vì Tuân, lao vào những phi vụ kiếm tiền không minh bạch. Cái sân vườn bề thế này chỉ là một bức bình phong thì đủ biết họ kiếm tiền nhiều thế nào. Ở cái thành phố này họ có thể làm gì nhỉ? Buôn ma túy? Buôn người? Buôn ghế? Buôn quan hệ? Vớ vẩn, suy diễn lung tung, tò mò làm gì - Hương vừa nghĩ, vừa cười xòa.
Ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến nửa đêm. Hôm nào cũng như hôm nào, cô đều ngủ quên bên chiếc máy vi tính trong khi tính toán đặt thêm hàng cho ngày mới.
Hương gần như quên thời gian trôi qua bao lâu. Cô từng rất thích trật tự. Nhưng bây giờ, cái trật tự mỗi ngày đó làm cô mệt mỏi, nhàm chán muốn phát điên. Những buổi chiều, khi cố chống chọi cho qua cơn buồn ngủ bằng những tách cà phê đặc quánh, cô đều trải qua tâm trạng chán nản, bi quan cùng cực. Qua cơn buồn ngủ thì đâu lại vào đó. Hương tưởng thế thôi. Cô đã bắt đầu có chứng đau nhức toàn bộ vùng trán mỗi khi tâm trạng xuống dốc hoặc thiếu ngủ. Ở cô đã hình thành một thói quen đưa tay ôm trán hoặc xoa vuốt trán đề làm dịu nó. Cô không để ý mình làm thế, chỉ vì cô làm một cách vô thức, luôn che mắt một lúc rồi vuốt ngược tóc mái ra sau như là vén mây che sáng vậy.
Một buổi tối, như mọi khi, Hương đang ngủ gục trên bàn thì nghe tiếng khóc nức nở. Cô mở mắt, quay nhìn. Thư đang nằm dài trên giường cô, mặt úp xuống gối. Một người khóc ở đây, vậy là bộ ba có vấn đề. Hương ngữa đầu ra ghế xoay, nhắm mắt một lát cho đỡ nhức trán. Ôi! Tất cả đều có vấn đề, chỉ đợi thời gian chín mà thôi. Hương thầm thở dài và chờ Thư thôi khóc.
Hương không ngờ là chuyện lớn hơn cô tưởng. Gần sáng cô nhận được tin Thủy đã chết. Thư quáng quàng chồm dậy cùng cô chạy đi.
Tuân ngồi cạnh xác Thủy, vẻ bơ phờ như người mất hồn. Thư ngồi xuống bên cạnh rồi gục xuống xác Thủy khóc òa lên. Hương ngồi bệt ra đất, dựa lưng vào tường, ngơ ngác không hiểu gì cả.
Tiếng chuông điện thoại reo nhiều lần nhưng cả hai không buồn bắt máy. Hương mở máy Thủy. Đầu dây bên kia là một giọng đàn ông lạnh lùng nhắc:
- Ngày mai là hết hạn rồi đó.
Hết hạn gì, Hương chưa kịp hỏi, ông ta đã tắt máy.
Cái quán cà phê sân vườn phải giao cho người khác. Hình như họ đã trắng tay sau cái chết của Thủy. Tuân bỏ về quê, không thấy liên lạc gì nữa. Thư trở về Bắc, thỉnh thoảng có liên lạc với Hương qua mạng. Hương vẫn không hiểu câu chuyện thật sự là thế nào. Chỉ biết Thủy đã tự sát.
Hương lại đi kiếm việc. Sự chăm chỉ của cô cuối cùng đã có kết quả. Cô giành được một suất học bổng du học.
Mấy năm sau, có dịp đi ngang quê Tuân, Hương tìm đến nhà. Người nhà cho biết Tuân đang khai thác vàng ở đâu đó. Xem ra, Tuân vẫn không thay đổi.
Thư nghe Hương nói đang trên đường ra Bắc, liền cho địa chỉ hẹn cô.
Thư đến cùng một thằng nhóc vài tuổi rất xinh, quen mặt vô cùng. Hương hỏi:
- Tuân có biết không?
- Biết. Nhưng may là Tuân không đến tìm mẹ con mình.
- Sao lại thế?
- Tuân là tuýp người rất dễ cuốn hút người khác. Tuân như lò lửa, sống cạnh sẽ bị cháy lúc nào không hay. Người Tuân thực sự yêu thương thì chết rồi Tuân mới biết rõ. Thư khi ấy biết mình có mang, cũng nhận ra mình không thể phù hợp với lối sống phập phồng lo âu thế nữa. Cho đến bây giờ, Thư cũng không biết Thủy chết vì biết mình có con với Tuân hay chết vì vỡ nợ.
- Các bạn từng làm gì?
- Đủ cả. Tiền vào như nước, nhưng Tuân lại mê bài bạc và cá độ. Thế đấy! Bây giờ vẫn phải trốn nợ. Có dạo bọn đòi nợ còn ra tận đây kiếm Tuân.
- Thư dạo này thế nào?
- Công việc công chức, cũng đủ sống. May là thằng bé rất khỏe mạnh và rất ngoan, ông bà ngoại yêu lắm. Nghĩ về những ngày xưa là mình lại thấy sợ.
Cách Thư nói như là Thư đã già lắm rồi vậy. Hương mỉm cười nhớ lần đầu tiên gặp Thư, cũng vẻ duyên dáng, dịu dàng không khác mấy bây giờ. Ừ, có lẽ bây giờ trông ra vẻ một bà mẹ yêu con, không có thứ lửa cuồng nhiệt cháy trong mắt như hồi đó. Chỉ khác thế thôi.
- Mãi nói chuyện mình, quên hỏi Hương. Bạn về nước luôn hay sẽ đi nữa?
- Đi đi, về về. Mình chỉ đang bắt đầu thật sự làm việc và kiếm tiền.
Thư nhìn Hương một chút rồi quay đầu nhìn ra hàng cây ngoài đường khẽ nói:
- Thủy ở trên trời thấy Hương được như vậy sẽ rất vui. Thủy nói luôn yêu mến Hương vì Hương rất ngoan, rất thương mẹ, lại chăm chỉ, có thể tin cậy được. Một ngày nào đó sẽ tiến xa.
- Thế ư!
Hương làm sao không biết Thủy yêu mến mình. Nhưng bây giờ mới rõ tại sao. Những tháng ngày bon chen kiếm tiền ấy, trong lòng Thủy chắc mong muốn được làm việc ổn định và bình yên như Hương, nhưng không thể ngừng được. Vì thế mà cô dành sự yên bình đó cho Hương. Nghĩ về điều đó, Hương lại thấy nghẹn ngào trong lòng khi nhớ dáng Thủy nằm trên giường, khuôn mặt trúng độc thâm đen, sưng phù.
Quá khứ đó, dù cô cố xóa, nhưng vẫn quay lại với những hình ảnh lúc nào cũng sống động, mới toanh. Bây giờ, cô hiểu mình không cần phải cố xóa nữa. Những gì nên nhớ, cô sẽ nhớ. Những gì nên quên, cô sẽ quên. Ít nhất, cô sẽ giữ mình như trong mắt bạn, một người có thể tin cậy được. Đơn giản thế thôi.
Viên Nhật
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...