Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025
Thềm sương
Thềm sương
1. Linh tử
Đó là cây hoa mẹ Hiên mang về từ chợ Cuối – phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm ba mươi tết, dưới gốc cây đa Dốc Bùng – con dốc nếu từ nhà Hiên sang đò lúc đầu chiều rồi cứ thế xuyên đồng thì chớm đêm mới đến. Xa xôi diệu vợi nhưng năm nào mẹ cũng dắt Hiên đi, bảo để biết đường.
Trừ tịch đêm ấy trời mưa. Gió đổi hướng liên hồi, rầm rập như ngựa phi quanh bốn bề đồng trống. Đèn đuốc tắt hết, giáp mặt chỉ thấy tiếng. Hiên bảo bốn năm rồi mẹ con mình về chợ không mua được cái gì. Tiếng trả lời, đâu đó, ngay phía trước, bảo phải chờ duyên. Mẹ biết có cái chợ thế này cũng nhờ duyên, nhờ bốn người đêm ấy… Hiên đang định hỏi bốn người nào thì người gác chợ gọi, láng máng mấy từ “Quán Giải Oan” bạt vào trong gió, hình như là chỉ đường.
Quán nằm cuối chợ. Ở đấy, trong góc khuất của chòm rễ đa rủ xuống, bắc chồng lên nhau thành vòm sâu như cái miếu thờ có một ông lão bán thứ hàng đặc biệt, chỉ toàn cây non. Trên đầu ông treo sẵn một cây đèn chai nhưng không thắp. Hiên phát hiện ra điều đó vì vừa bắt được ánh sáng từ đâu đó hắt đến, bầu đèn thuỷ tinh chợt hiện lên trên nền đêm rồi tắt phụt, không tinh mắt sẽ tưởng vệt sao sa. Từ trong bóng tối tiếng người vọng ra, bảo may quá, tôi chờ mãi… Tôi có cái này…
Vật đưa ra đúng lúc bầu đèn phía trên lại loé sáng, soi rõ cái cây, ước chừng ba chục phân, đội trên đầu một nụ hoa bé xíu như quả găng xanh. Mẹ Hiên nói gì đó, thì thầm, chỉ nghe thấy hai từ “Linh Tử”. Bên trong trả lời vâng cô ạ, không phải truyền thuyết đâu, loài hoa này có thật, là hóa thân của linh hồn. Nhưng không phải ai cũng mua được. Linh Tử tìm đúng người…
“Ông lão ấy về từ chợ Đầu…”
Hiên vẫn nhớ ông nội bảo thế, sau khi nghe mẹ Hiên kể lạ quá thầy ạ, mấy năm liền chẳng mua được gì, thế mà năm nay lại có hàng chờ mình để bán…
Đến tận bây giờ Hiên vẫn không biết chợ Đầu ở chỗ nào. Chỉ nghe ông nội kể nó tận trên mạn ngược, mỗi năm cũng chỉ họp một phiên, nhằm đêm rằm tháng giêng, dưới chân một ngọn núi, trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Trình. Người ta bảo rằng ai có nỗi niềm gì mà người không thấu, đất không hay thì khi chết đi, linh hồn sẽ ngược lên chùa ấy, kêu với trời, cầu cho được hoá thân thành Linh Tử. Linh Tử ở chợ Đầu là từ chùa mang xuống, được người mua chăm chút, tròn một năm thì đem đến “Quán Giải Oan” ở chợ Cuối, tìm người.
… Trừ tịch đêm ấy, trời mưa. Đến tận lúc mẹ con Hiên về đến bến sông mới ngớt.
Nhà Hiên ở cuối làng. Mảnh đất nhỏ, vườn không cổ thụ, chỉ có gốc Linh Tử bên hiên cao vượt hẳn lên, lá chạm vào mái ngói hiên tây rêu cũ. Nhà buồn, chẳng mấy khi có tiếng người. Nhất là từ ngày ông nội nằm liệt hẳn, nhớ ít quên nhiều. Những ngày cuối cùng hỏi gì cũng không nói, chỉ lẩm bẩm lặp đi lặp lại những âm thanh, người ngoài tưởng vô nghĩa nhưng Hiên lại hiểu ông nhắc tên bố Hiên và tên ngôi chùa trên núi – chùa Trình.
Rồi ông nội mất, bố Hiên ở hẳn với vợ mới trên thành phố, duy nhất một lần gửi về lá thư, đại ý nhà đất chỗ này cho Hiên, sau không được dính dáng đến của nả của các con ông trên phố; mẹ Hiên thì cho ở nhờ nhưng không có quyền sở hữu gì. Người nhận đọc xong, tiện ngọn đèn vừa khêu thì ghé luôn vào lửa. Gió cuộn tàn giấy một vòng qua bậu cửa rồi hạ xuống góc hè.
Thư đã đốt.
Người viết thư bỏ xứ.
Mảnh đất cũ, sau hai mươi năm, giờ chỉ còn Hiên với ngôi nhà cũ có gốc Linh Tử bốn mùa xanh. Mẹ Hiên nằm xuống cuối vườn, trong ngôi mộ xây bằng gạch chỉ. Trước khi mất, mẹ lần tay xuống gối, tìm một lá thư, mắt hướng về phía cây hoa bên hiên nhà, vuốt thế nào cũng không nhắm được…
2. Gặp gỡ
“Tại sao cô tìm đến tôi? Chuyện ông lão ở chợ Đầu với cái cây hoa, tôi liên quan gì?”
Hiên nhìn về phía tiếng người hỏi sau màn khói thuốc, bảo tất cả nguyên nhân nằm trong lá thư này. Mẹ tôi mới viết cách đây mấy tháng nhưng chuyện kể thì cũ, trước đó ngót hai chục năm. Ngày ấy, bố tôi còn là thẩm phán tối cao, toà án nhân dân thành phố này.
“Thế thì tôi biết ông ấy. Soi vào địa vị cũng là thẩm phán của cô bây giờ không phải là khoe gia thế chứ?”
Người đối diện vừa dứt câu châm chọc thì giật mình ngừng bặt, nhìn chằm chằm vào tập tài liệu vừa được đặt xuống mặt bàn: “Làm sao cô có được cái này?” Hiên bảo nó là nghiệp vụ, không tiện trả lời, chỉ xin được nói tiếp: gần hai mươi năm trước có một vụ án mang tên Biệt thự 118, rất nổi tiếng. Vụ ấy bố tôi xử phiên phúc thẩm và anh là một trong những điều tra viên…”
Im lặng…
Rồi lại vẫn tiếng Hiên, thong thả và rõ ràng, bảo bây giờ thì chắc anh hiểu, tôi gặp anh không để khoe gia thế mà có việc cần nhờ. Người được hỏi cười khẩy bảo cũng đôi chút, nhưng cô nghĩ tôi muốn dính lại chắc. Muốn tìm hiểu thì hồ sơ đấy, cứ thế mà đọc, rất rõ ràng, đủ loại bằng chứng. Vụ này đánh nhanh, bắt gọn, có phải án mờ đâu. Mà cơ quan điều tra ngày ấy hàng đống người…
Cái bóng cao lừng lững xô ghế đứng dậy, dợm chân định bước. Hiên vẫn ngồi, thản nhiên bảo anh nói đúng, trong rất nhiều vụ án bố tôi tham gia xét xử, vụ này thuận buồm xuôi gió nhất, hồ sơ ghi chép rõ ràng nhất nhưng tôi lật lại nó, trước hết, vì những gì mẹ tôi viết trong đây.
Lá thư mở ra. Bắt đầu bằng: “Kính gửi anh Dương Văn Nguyên – nguyên cán bộ điều tra, đội trọng án công an thành phố!”
“Dương Văn Nguyên là tên anh. Mẹ tôi không gửi nhầm người đâu ạ! Mọi lí do mẹ tôi nói trong này chắc chắn không cái nào thuyết phục được anh, bởi chính tôi cũng thấy nó cảm tính và mơ hồ. Lí do đầu tiên xuất phát từ một giấc mơ. Đêm ấy cuối năm, có bốn người đến tìm mẹ tôi, nhưng đứng ở xa, không rõ mặt, chỉ văng vẳng thấy tiếng, lặp đi lặp lại mấy từ “Linh Tử”, “chợ Cuối”. Ông nội tôi, khi biết chuyện, bảo đúng rồi, có cái chợ tên như thế, mỗi năm chỉ họp một phiên, người bán không bao giờ thấy mặt, hàng của họ không phải ai cũng mua được mà hàng chọn người. Chợ có thật, không phải là truyền thuyết. Người ta đã tìm mình như thế, ắt có điều nhắn gửi, để thầy chỉ đường cho mà đi…”
“Còn lí do thứ hai?”
“Là từ bốn bóng người trong giấc mơ đêm ấy, mẹ tôi lần tìm lại những vụ án bố tôi đã xử qua, phát hiện vụ Biệt thự 118 có nhiều điểm rất trùng. Và tình cờ biết thêm anh là người duy nhất trong đội trọng án công an thành phố bỏ nghề, ngay sau phiên tòa phúc thẩm.”
*
“Đêm qua Linh Tử trổ bông lại. Lần này cũng chỉ duy nhất một nụ hoa…”
Hiên chìa tấm hình chụp từ con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà ba gian giữa vườn cây, bảo bên thềm đấy, anh thấy chưa?
Trong lúc Nguyên im lặng, nhìn chằm chằm vào thân cây gầy gò, nhánh thẳng, đội cái nụ hoa cỡ búp sen non thì Hiên đọc những dòng thư cuối cùng: “Tôi hi vọng anh giúp chúng tôi được điều gì đó. Bốn cái bóng kêu oan, rồi Linh Tử tìm người, nhưng từ lúc mua về, mười mấy năm chỉ nở hoa một lần duy nhất, cánh trắng vân ngang hệt như những dòng kẻ, chờ ai viết gì lên?” Rồi trả lại lá thư cho người trước mặt, bảo mẹ tôi chỉ viết thế. Về lí, có thể nó không thuyết phục được anh, nhưng về tình, với tôi, nó là di chúc. Tôi đang lần theo mối cũ, mong thực hiện ý nguyện của bà.
Sau đó mở tập hồ sơ đang đặt trên mặt bàn, trang đầu tiên là dòng con số.
“Ngày 1 tháng 6 năm 2005…”
3. Tập hồ sơ kể chuyện
“Anh còn nhớ ngày này chứ? Cứ theo trong hồ sơ thì tối ấy trời mưa. Đội trọng án công an thành phố nhận báo án lúc 20h50 phút. Hiện trường là biệt thự 118, đang xây dở, khu đô thị phía đông. Hai nạn nhân, một phụ nữ trẻ và một bé gái, tử vong cùng thời điểm, khoảng 18 đến 19 giờ, do nhiều vết thương sâu, tạo bởi vật sắc nhọn, ban đầu xác định là dao, dẫn đến mất máu cấp. Người phụ nữ còn có thêm cú đánh chí mạng ở vùng đầu do tác động của vật cứng, có cạnh sắc. Tại hiện trường không thu được dao nhưng có một viên gạch chỉ, nghi là hung khí. Vụ án này làm rúng động dư luận không chỉ bởi thủ phạm ra tay tàn độc, cũng không chỉ bởi thành tích điều tra, phá án thần tốc, làm lẫy lừng danh tiếng đội trọng án công an thành phố mà còn ở chỗ nạn nhân là hai mẹ con và hung thủ là hai anh em ruột, trú ngay xóm Gầm Cầu, cách hiện trường chừng tám trăm mét. Chủ mưu là anh, tên Trần Văn Hưng. Đồng phạm là em, tên Trần Văn Hòa – cũng chính là người báo án, nhưng khi đưa ra xét xử thì chỉ còn Hưng vì Hoà đã tự tử trong trại tạm giam sau khi bị bắt vài ngày. Trước tòa, cả trong phiên sơ thẩm cũng như phúc thẩm, Hưng hoàn toàn nhận tội, không phản cung, cũng không kháng án…”
“Phản cung hay kháng án hay không đều không thay đổi được gì vì chứng cớ buộc tội rất rõ ràng. Dấu tay trên viên gạch hung khí, kết quả xét nghiệm ADN từ mẩu da dưới móng tay nạn nhân… tất cả trùng khớp với dấu vân tay và ADN của nghi phạm. Với tội danh cướp của, giết nhiều người, tòa sơ thẩm đề xuất án tử hình.”
“Ngày thi hành án ghi rõ ở đây…”
4. Bí mật phía ngón tay
“Vì cớ gì cô nhất quyết gắn cây Linh Tử và tôi với vụ án này?”
“Thứ nhất, bố tôi xử phiên phúc thẩm, y án. Thứ hai, thời điểm thi hành án trùng với thời điểm mẹ tôi mơ giấc mơ có bốn bóng người kì lạ. Và còn vì điều này, theo tôi, quan trọng nhất, nó chắc chắn thuyết phục được anh…”
Hiên mở tập hồ sơ, lấy ra một xấp ảnh bảo đây là loạt ảnh chụp hiện trường. Căn cứ vào ngày tháng trên hình thì tấm này chụp đêm xảy ra án mạng. Anh nhìn xem, nạn nhân nằm sấp nhưng bàn tay không bình thường, bốn ngón này quặp lại nhưng ngón trỏ duỗi thẳng. Đây không phải là dấu hiệu co cơ lúc chết mà là ám hiệu nạn nhân cố tình để lại vì ngón trỏ hướng về đây, chỗ hốc tường!
Tấm ảnh thứ hai lật tiếp. Hiên bảo góc chụp này rộng, hướng chỉ rõ hơn nhiều. Tường đang xây dở, cái hốc này khuất nên không ai để ý. Trước khi chết, nạn nhân đã kịp giấu thứ gì vào đó, sợ hung thủ quay lại còn xếp gạch chèn lên. Còn đây là tấm chụp sau vài ngày. Góc chụp này, tất cả vẫn y nguyên, nhưng tấm chụp sau đó năm phút thì hốc tường đã mở, bên trong rỗng… Hình này có anh. Vậy nhất định anh hay người chụp đã tìm được cái gì có liên quan đến vụ án này nhưng vì lí do gì nên không thể công bố. Và bởi anh bỏ nghề nên tôi nghĩ đó là anh.
Im lặng… Mãi rồi Nguyên mới bảo gần hai chục năm, người đã chết, khơi lại ích gì. Oan có đầu, nợ không có chủ, chẳng ai đòi thì tìm công lí trả cho ai? Rồi còn liên quan đến người sống? Hiên gật đầu bảo liên quan đến nhiều người, trong đó có bố tôi, tôi biết chứ, nhưng vụ này anh có dám đảm bảo không có uẩn khúc không? Từng ấy mạng người. Mà trọng án này sắp hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự, thời gian không còn nhiều, anh có giúp tôi không?
“Tôi đồng ý với cô vụ này có nhiều uẩn khúc. Đã có bốn người chết. Và ta đang tìm, theo cô, thêm ai đó nữa – người này, cũng đã chết từ mười mấy năm trước, rồi hoá thân thành Linh Tử, về với mẹ con cô để nhắn gửi những oan tình. Kiểu tra án này, từ xưa, tôi chưa gặp…”
Bóng lưng đàn ông từ nãy im lặng rảo bước phía trước Hiên, không hề quay lại, giờ mới cất tiếng, câu được câu mất trong con ngõ gập gồ đá hộc dẫn đến một cánh cổng khép kín, chắn lối vào ngôi nhà thâm màu rêu. Rồi cầm cái vòng sắt hoen rỉ đập vào cánh gỗ những âm thanh nặng và trầm, vừa ghé mắt nhòm vừa bảo tôi không tìm được hướng đi tiếp theo này nếu không có cô chỉ ra cái hốc tường bí mật. Việc này chính tôi cũng không ngờ. Chú Vinh vốn là đội phó đội điều tra, tôi vừa về thì chú ấy chuyển công tác. Tại sau này bỏ nghề rồi nên cũng không quan tâm.
Có tiếng bước chân. Cổng mở. Một cô gái trẻ xuất hiện, đứng chắn giữa lối vào, hỏi: Anh chị tìm bố tôi? Vâng, tôi là con bố Vinh. Chính tôi là người nghe điện thoại của anh hôm trước.
Nhà lạnh và tối. Đồ đạc chẳng có gì ngoài một chiếc giường đơn, đầu giường kê cái tủ gỗ. Bên cửa sổ là bộ bàn ghế, nhìn ra thung lũng, hướng thẳng đến dãy núi sừng sững có ba ngọn cao vượt hẳn lên như bức bình phong. Thấy Hiên nhìn mãi, người bên cạnh hỏi ba ngọn núi liền kề, ở giữa thấp, đỉnh tròn, hai bên cao, mảnh và dựng ngược… cô có liên tưởng gì không.
“Tôi nghĩ đến hình người giơ hai tay lên trời.”
“Đúng thế. Vùng tôi gọi đấy là núi Vọng. Nghe nói xưa núi vốn là người, có oan tình nhưng đất không thấu, đành hoá đá, vọng lên trời. Từ khi về đây, ngày nào bố tôi cũng ngồi chỗ này nhìn ra, không biết có gọi là người vọng núi được không.”
Tiếng cô gái xen vào, lẫn trong tiếng khóa tủ lạch cạch. Một cái hộp đặt lên mặt bàn, bên trong đầy giấy tờ. Cô gái bảo đây mới chỉ là một thôi. Hồ sơ đấy ạ. Bố tôi làm nhiều cơ. Vừa gửi đi, vừa giao cho tôi cất. Còn bộ này để riêng, dặn nếu ai đến tìm thì đưa. Nhưng trước hết, anh chị đọc cái này!
“Cái này” như lời cô gái nói là một cuốn sổ. Nét chữ cũ. Tháng ngày cũng cũ…
5. Câu chuyện trong gian nhà cũ
Tất cả những gì tôi viết ở đây được kể từ hồi ức.
Từ ô cửa sổ nhìn ra núi Vọng, tôi viết cho Hưng, cho Hoà.
Và viết cho cả đời tôi.
1.6.2005 – Nhận án
Hòa, hai mươi tuổi, gầy xơ xác, quắt queo như đứa trẻ con, tay chân sứt sát, áo quần lem vết máu, ngồi rúm vào góc ghế.
Tôi lấy lời khai nhân chứng.
Theo lời Hòa, tầm bảy giờ tối, Hòa về ngang công trường. Thường Hòa không về lối ấy, nay mưa mới tìm chỗ trú. Nghe tiếng người kêu cứu nhưng vì trời tối, lại chỉ có một mình nên bỏ chạy. Được một đoạn, nghĩ thế nào, quay lại, tìm mãi mới thấy người. Vết máu này là của nạn nhân. Lúc ấy, Hòa đỡ dậy, nhưng họ chết mất rồi.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ, Hòa ngồi trước mặt tôi, nhợt nhạt, thẫn thờ, lẩm bẩm lặp đi lặp lại: “Chết mất rồi…” Cũng còn nhớ, đội trưởng Thiên, ra ngoài nhận cuộc gọi, lâu sau mới quay vào bảo bệnh viện vừa báo, vợ cậu trên đường đi làm về bị tai nạn. May không nặng lắm. Giờ về đi! Nhân chứng để tôi.
2.6 – Nghi phạm
Có khi nào vụ tai nạn đêm ấy là dàn dựng?
Và nếu thế thì lưới đã giăng từ câu hỏi đầu tiên của đội trưởng đội điều tra, khi ngồi thế vào chỗ tôi vừa đứng dậy: “Anh về ngang công trường tầm bảy giờ? Và chỉ có một mình?”
Sau này, tôi mới biết Hoà khai không đúng. Hòa không một mình. Bằng chứng là dấu chân máu của người thứ hai để lại hiện trường. Và căn cứ để nghi ngờ là khoảng thời gian hai tiếng lưu không từ khi phát hiện nạn nhân đến lúc báo án. Qua một đêm thẩm vấn, nhân chứng thành nghi phạm. Hưng bị bắt sáng hôm sau.
8.6 – Lá thư trong gót giày
Hoà chết trong phòng tạm giam. Xé quần dài bện thành dây treo cổ, đúng vào lúc công an thành phố đang họp báo, công bố kết quả điều tra. Lúc ấy, tôi vẫn đang ở viện, nghe trực ban gọi, chạy về chỉ làm được việc cuối cùng cho Hòa là cắt dây, đưa Hoà xuống.
Hoà cởi trần, nằm trên giường sắt, mắt lồi ra, nhìn tôi trừng trừng nhưng không chớp được thêm lần nào nữa, chiếc áo phông để gọn đầu giường, mặc quần đùi nhưng lại đi giày – đôi giày cao su, màu vàng đất.
Trong đó giấu một bí mật…
“Bí mật gì nhỉ?”
Hiên tò mò sát lại. Người được hỏi bảo đây này: “Cái chết của Hòa, bề ngoài, rất dễ hiểu, căn cứ vào lá thư để lại trên bàn. Chỉ vài chữ, khẳng định chính mình là thủ phạm duy nhất gây ra vụ cướp của, giết người, giờ rất ân hận chỉ biết lấy cái chết để tạ tội, đồng thời lấy tính mạng ra cam đoan Hưng không dính dáng gì, mong các anh công an tha cho Hưng về sớm. Nhưng với tôi và người trực ban sáng hôm đó, Hoà nằm kia, trần trụi, cố ý phơi ra cả một vùng quanh thắt lưng tụ máu đen bầm, ngực và bụng sưng phù, căng đẫy cái quần đùi cạp chun thì lời nhắn không đơn giản thế… Đôi giày cao su kia nhất định không phải là đồ Hoà muốn mang theo cho đủ bộ.
Và đúng thế!
Hòa giấu dưới bàn chân chai sần, dọc ngang đầy vết nứt của mình thêm một lá thư”
“Vậy là có hai lá thư chứ không phải một? Anh ấy viết gì anh đoán được không? Theo anh, dấu hiệu ép cung rõ thế này, nếu bị oan, tại sao không kêu oan mà chọn cái chết?”
“Sáng hôm ấy, tôi cũng hỏi chú Vinh y như thế.”
Hiên ngẩng lên, nhìn chằm chằm người vừa nói, bảo hóa ra người trực ban hôm ấy là anh. Vậy là anh chứng kiến tất cả, cũng nghi ngờ nên mới quay trở lại hiện trường, ngay chiều ấy phải không?
9.6. Nhận tội
“Có dấu hiệu bị ép cung. Tại sao không kêu oan mà tự tìm cái chết?”
Nguyên – cậu trực ban trẻ tuổi vừa được biên chế vào đội điều tra hỏi câu đó, đúng lúc tôi chạm tay vào mẩu giấy gấp gọn, giấu trong lòng giày của Hòa. Tôi bảo đúng là không bình thường nhưng vụ này đích thân đội trưởng điều tra, trực tiếp chỉ đạo báo cáo, kết luận. Bằng chứng rõ ràng, thêm cả thư tuyệt mệnh để lại thế này, cậu không quản nổi đâu. Trước mắt, cứ quản cái án kỉ luật là trực ban mà để phạm nhân chết trong phòng tạm giam của mình đi đã.
Nguyên chừng hiểu, im lặng. Nhưng chiều đó, khi tôi quay lại hiện trường thì Nguyên cũng đi theo, cũng loanh quanh tìm kiếm, bảo không thấy gì thêm chú ạ, kết quả xét nghiệm ADN cũng có rồi, trùng khớp. Cháu chỉ lạ một điều là đến tận hôm qua Hưng vẫn kêu oan, vẫn không nhận là giết người, bảo đúng là cả hai anh em cùng có mặt ở đấy, cùng nghe kêu cứu, cùng phát hiện ra nạn nhân nhưng không báo án ngay là do Hưng cản, không muốn dính vào rắc rối. Sau thấy Hoà không nghe thì đi theo, nhưng đứng đằng xa, cứ nghĩ chờ một lúc thôi là Hoà ra, rồi về một thể. Nào ngờ chờ qua đêm… Đến sáng, Hoà từ người báo án thành nghi phạm, Hưng bị bắt… Đấy chú ạ, mấy hôm liền Hưng đều khai như thế, kể cả khi có bằng chứng là dấu vân tay của Hưng trên viên gạch hung khí. Thế mà sáng nay, sau khi nghe tin Hòa chết, Hưng kí vào biên bản, nhận tội rồi. Chú cũng thấy vụ này có vấn đề nên mới quay lại đây, phải không?
… Lúc đứng trước mặt tôi, hỏi tôi câu ấy, Nguyên còn trẻ lắm. Cũng như Hoà và Hưng, cuộc đời chỉ mới bắt đầu.
Tôi phải làm gì? Cho Hưng và Hoà. Và cả cho Nguyên?
1.1
Quyết định thuyên chuyển công tác đến sớm hơn dự tính. Trao trực tiếp, kèm lời nhắn: “Im lặng không tính bằng vàng.”
Đúng thế! Tính bằng mạng người. Trong kẹp hồ sơ này ngụ ý đầy đủ cả, bởi nó không chỉ có quyết định chuyển công tác của hai người lớn mà còn có quyết định cắt khẩu, nhập khẩu của cả nhà, quyết định chuyển trường, nhập học của hai đứa trẻ, sổ đỏ, chìa khóa nhà mới…
Tất cả đã được lo liệu hết, nếu chấp nhận im lặng rời bỏ.
2.12.
Lên đường.
4.12.
Chính xác là lên biên giới. Thành phố dưới kia, cách mấy trăm cây số. Trên đây là núi, bốn mùa không thấy mặt trời.
Không còn nghe gì thêm nữa. Yên hẳn rồi. Bị cáo không kháng cáo, khi nói lời cuối cùng còn muốn sớm thi hành án thì còn cớ gì để xới lên. Trên này xa, khói mây mờ mịt, muốn gặp một Bao Công để nói chuyện mình còn khó, tính gì nói chuyện của người.
1.12.2006. Thi hành án
Hưng đi. Thế là thỏa nguyện sum họp. Phận người con sâu cái kiến chết dễ, sống khó… Cũng tưởng rồi sẽ qua, nhưng không, năm nào cũng thế, cứ ngày này, tầm quá nửa đêm, Hưng với Hoà lại về thăm tôi, cứ đứng từ xa nhìn lại, ánh mắt buồn, y như lúc nghe tôi bảo đã có trong tay bằng chứng, có thể chứng minh Hưng vô tội, tôi nhất định sẽ gửi lên các cấp có thẩm quyền nhưng khi ra xét xử Hưng phải bác cung. Hưng im lặng, mãi đến lúc tôi về mới khóc, bảo giá con cương quyết thì chẳng phải cảnh kẻ sống người chết như bây giờ. Anh em con không có bố. Ngày mẹ con chết nó mới lên hai, con đi nhặt rác chỗ nào, nó theo chỗ ấy. Con biết, nó chết để nhận tội về mình, để cho con được sống. Nhưng con không cần. Con muốn đi tìm nó!
Đêm nay, Hưng và Hoà lại về. Mỗi đứa vẫn vác trên vai cái bao dứa cũ, tay cầm cái que nhặt rác, chân đi đôi giày cao su màu vàng đất, y như lần đầu tiên tôi gặp Hoà vào báo án, cuối cơn mưa…
Cuốn sổ ghi chép kết thúc ở đây. Cô gái ngồi chờ nãy giờ ghé lại, bảo trang cuối này mới nhất. Bố tôi viết hôm rồi.
Ngày… tháng… năm 2025
Tôi mua ngôi nhà hướng mặt về núi Vọng cũng đã hơn mười năm. Giờ xin gửi lại đây những gì đã gom nhặt nhưng không giúp được cho hai đứa trẻ ngày xưa. Những gì bạn đang có trong tay, là bản gốc. Còn bản sao, nhiều bộ, đã gửi đi nhiều nơi, nhưng không thấy hồi âm. Tất cả gồm: Bản viết tay của trưởng phòng pháp y xác nhận đã đánh tráo dấu vân tay và mẫu ADN của thủ phạm thu được ở hiện trường sang mẫu của người khác do trưởng phòng điều tra đưa sau đó; Lá thư của Hoà, tố cáo bị ép cung, chỉ đích danh trưởng phòng điều tra nói nếu nhận tội sẽ tha cho Hưng; Hình ảnh chụp ở hiện trường lần hai kèm vật chứng tìm thấy trong hốc tường, chứng minh có dấu hiệu oan sai, đã được gửi đến cơ quan điều tra và gửi đến cả thẩm phán tối cao toà án nhân dân thành phố, nhưng trong phiên phúc thẩm vật chứng lại bị huỷ, thẩm phán còn lợi dụng hình ảnh để chứng minh quá trình điều tra đã rất cẩn trọng, kĩ càng… Và bằng chứng thứ hai, quan trọng nhất…
Hiên xếp lần lượt, theo thứ tự, bảo sao không thấy cả hai bằng chứng. Mà quan trọng nhất là gì, không thấy chú viết ở đây? Cô gái gật đầu đúng thế, những thứ quan trọng nhất, bố tôi mang theo rồi…
*
“Ông ấy đang ở trên núi Vọng. Dặn tôi có ai muốn tìm thì dẫn họ lên…”
Người con gái chỉ đường cứ rì rầm kể. Bảo rằng ở trên đỉnh, bên tay phải, từ cửa sổ nhà tôi nhìn ra ấy, ngày quang sương sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ. Ở chính điện thắp một ngọn đèn dầu lạc, sáng quanh năm. Nghe Hiên bảo tên chùa là chùa Trình, dưới chân núi có cái chợ, gọi là chợ Đầu, mỗi năm họp một lần vào đêm rằm tháng giêng, hàng bán là từ chùa mang xuống, người mua đem về chăm chút, đợi hết năm đến “Quán Giải Oan” ở chợ Cuối, tìm người phải không, thì ngạc nhiên hỏi sao chị biết.
Đường núi cứ dốc ngược lên mãi, lẫn vào mây. Đến khi cô gái dừng lại bảo đây rồi, Hiên mới nhận ra mình đang đứng trước gian chính điện, tìm quanh quất một hồi rồi hỏi chú Vinh đâu. Cô gái lặng lẽ mở chiếc hộp gỗ đặt dưới chân ngọn đèn dầu lạc lấy ra tờ giấy đã ố vàng bảo đây là bằng chứng tìm thấy trong hốc tường. Một tờ giấy đăng kí kết hôn ghi tên tuổi, địa chỉ rất rõ ràng. Một xấp ảnh. Vài chữ viết tay của nạn nhân gửi một cô gái nào đó, khẳng định người cô chuẩn bị làm đám cưới đang lừa dối cô, cũng như đã lừa tôi và nhiều người khác, đứa bé tôi dẫn theo đây là con của anh ta, tôi có bằng chứng, là ảnh chụp suốt từ lúc mới quen đến lúc có đủ ba người, nếu cô cần thì sẵn sàng ra đối chứng. Lúc ấy, đọc xong, bố tôi đã đồ rằng, khi nạn nhân mang con đến, hung thủ, vì lí do nào đó, đã lập mưu lừa mẹ con cô ấy ra chỗ vắng giết người diệt khẩu… Nhưng vẫn nghi ngờ chẳng nhẽ hắn tàn nhẫn đến nỗi đang tâm giết cả con mình?
“Thế chú Vinh đâu?”
Lần này là Nguyên hỏi. Cô gái lật tấm lụa phủ một bên hộp, lấy ra cái hũ nhỏ bảo đây. Bố tôi nằm chung với những gì quan trọng nhất. Mấy hôm nữa là tròn 100 ngày…
6. Thềm sương
… Rồi có một đêm, trời nổi gió, cuối mùa sương.
Bên hiên ngôi nhà cũ có ba bóng người lặng lẽ bên nhau. Nghe tiếng thì thầm, bảo hoá ra truyền thuyết về Linh Tử – cây chuyển sinh của linh hồn người chết tìm người sống để kêu oan như bố tôi vẫn kể là có thật. Ông còn bảo sau khi chết, ông sẽ hoá thân thành Linh Tử, để tìm người kêu cho thấu oan tình… Nhưng Linh Tử về đây đã mười sáu năm rồi, cứ như chuyện mọi người đang lần theo thì nhất định bố tôi chưa kịp hoá…
Rồi cô gái trên núi cẩn trọng mở chiếc hũ sành, lấy ra một mảnh giấy gấp gọn để lẫn trong cốt tro, bảo hay là đây. Bố tôi dặn nó là bằng chứng quan trọng nhất, không được tuỳ tiện đưa ra. Nếu như cứ suy luận từ câu chuyện bán mua ở chợ Cuối năm ấy, thì theo tôi, đây cũng là một lá thư tuyệt mệnh… Tôi còn nhớ, bốn năm sau khi bố tôi lên núi, có một người đàn ông tìm gặp ông, gửi lá thư này… Không cần đèn lửa gì đâu, tôi thuộc, để tôi đọc cho nghe…
Tiếng cô gái rì rầm, như kể, về lời tự thú của một kẻ giết hai mạng người, trong một đêm mưa. Sinh ra là quý tử của một gia đình quyền thế, thời sinh viên bỏ học dài dài, ăn chơi khắp chốn. Sau này, nợ nần nhiều quá mới quay về. Đang chuẩn bị cưới vợ là con gái bạn thân của bố rồi ra nước ngoài quản lí công ty của gia đình vợ thì có một cô gái đã từng gắn bó nhiều năm đem con đến tìm. Rồi ma xui quỷ khiến, sợ bị phơi bày, sẽ mất tất cả nên lừa hai mẹ con, bảo ra ở tạm nhà người quen rồi nhân lúc sơ hở xuống tay. Người ấy thoát tội cũng là nhờ có bố, tên tuổi, chức vụ này. Ông ấy chỉ đạo đội trưởng điều tra đánh tráo chứng cớ buộc tội và cùng thẩm phán toà án nhân dân thành phố đổi đen thay trắng, tiêu huỷ bằng chứng. Sau này, đã mua được quốc tịch nước ngoài, ở hẳn bên ấy, xa nửa vòng trái đất, tưởng là yên, nào ngờ chính lời ông bố an ủi lại khiến không đêm nào ngủ được. Ông ấy bảo rằng cứ yên tâm, chết thế mạng cho mình là hai thằng không cha không mẹ, từ bé đến giờ toàn chui rúc xó chợ gầm cầu, giấy khai sinh còn không có, phận rơm rác, tính gì… Còn nếu nói không nghe, cứ muốn về thú tội, sẽ cho quân xử ngay bên ấy để khỏi ảnh hưởng danh tiếng bên này. Nên nhớ, tay đội phó điều tra vừa ho he định khóc thuê đã bị cảnh cáo, tống lên rừng với khỉ… Doạ đến thế, đã chịu được bốn năm, nhưng rồi không về không được bởi cứ đêm đêm lại thấy bốn bóng người, cả lớn lẫn bé, đứng quanh giường, người lặng im nhìn, người gọi “Bố ơi!”, người ghé xuống, rì rầm bảo nếu còn lương tâm thì phải quay về… Giờ lần được đến đây cũng nhờ manh mối từ lời nói vu vơ của ông bố, xin gửi gắm lại tất cả rồi lấy cái chết để tạ lỗi lầm này…
“Đấy, nội dung thư như thế. Bố tôi kể anh ta nhắc đi nhắc lại hai từ “Linh Tử”, “chùa Trình”, rồi đi. Từ ngày ấy không quay về lần nào nữa.”
Im lặng…
Sương vẫn xuống, bốn bề mờ mịt. Trong gió nổi nghe nụ hoa cựa mình. Rồi nghe tiếng Hiên, bảo vụ án này liên quan đến bố tôi, đến nhiều người khác nữa. Và vẫn còn thời gian hồi tố… Đêm nay Linh Tử nở. Gần hai mươi năm rồi mà cánh vẫn trắng và vân vẫn ngang như dòng kẻ. Chờ ta viết gì?.
Nguyễn Hải Yến
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Phía trước nhà có giàn mơ dại
Phía trước nhà có giàn mơ dại
Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cánh đồng vẫn ngập trong bóng tối. Một bóng người mảnh gầy lặng lẽ xuất hiện từ quầng sáng mờ của bóng điện tròn đầu hồi căn nhà gạch babanh lợp proximang đứng im lìm trong bóng sẫm của cây bồ kết, lắng về phía cửa, nghe tiếng ho rít lên từng hồi, tiếng thở nhọc nhằn, rồi khoác túi lên vai. Cổng khép lại. Tất cả chìm trong yên lặng, không nghe thấy cả tiếng bước chân người.
*
Bây giờ đã là cuối thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng gập gồ đá sỏi, ướt đẫm đìa cả hai bên vạt cỏ trĩu hơi sương. Sương càng lúc càng quánh lại, chui vào lồng ngực, tức đến khé phổi. Cái bóng gầy vẫn cúi đầu mê mải bước, xuyên qua tầng sương mù quẩn sát mặt đất về phía xa, nơi có những ngọn đèn đường nối tiếp nhau thành một dòng sông lung linh, hắt ngược quầng sáng vàng cam lên nền trời đùng đục.
Đó là một cô gái. Còn trẻ lắm. Chỉ chừng ngoài hai mươi tuổi. Bàn tay gầy kéo chiếc mũ vải sậm màu sụp xuống chút nữa để che bớt hơi sương đang tạt cay lòng mắt. Cô ngửi thấy mùi sương khét và nồng. Thấy vị sương nhan nhát chát. Sương kéo trĩu bước chân. Con đường hai cây số băng đồng càng rảo bước càng dài hun hút. Chuyến xe khách cô cần đón thường đỏng đảnh sớm muộn thất thường. Đã trừ dư cả tiếng vẫn phải dồn chân trong nỗi lo nhỡ chuyến.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Dưới chân vạt đường cao sừng sững bắt lên quốc lộ, trong đục lờ màu sương bỗng xuất hiện chập chờn quầng lửa. Lúc đầu còn leo lét. Sau bùng lên rừng rực. Bốn giờ – chưa là sáng và cũng chẳng là đêm. Một người đàn bà ngồi vun lá khô bên rệ, tấp vào đống nhìn cô im lặng, đôi mắt chập chờn những đốm đỏ làm cô sờ sợ, phải dấn thêm một đoạn nữa, ngược chiều gió rồi mới cắt chéo mặt cỏ lên đường, thu mình trong chiếc áo gió mỏng manh màu tím nhạt, dõi mắt về phía xa ngóng chiếc xe khách có biển hiệu nhấp nháy đỏ và vàng.
Có ánh đèn pha ô tô, nhưng không phải chuyến xe đang đợi vì cô nghe thấy tiếng động cơ đùng đục, nặng và trầm, tiếng bánh xe rùng rùng lăn trên gờ đường giảm tốc. Một chiếc xe đầu kéo lừng lững xuyên qua màn sương, lướt qua cô, rồi bỗng chậm dần lại, tiếng phanh hơi phì lên giận dữ: “Này! Cô kia!”. Cô gái giật mình nhìn lên phía trước, người lái xe mở cửa, thò nửa người ra khỏi buồng lái, gào lên át cả tiếng động cơ: “Đi đâu?”. “Cháu chờ xe khách.”. “Tôi hỏi đi đâu?”. “Đi chùa Hà ạ!”. “Đi mấy bước xem nào?”. “Để làm gì cơ?”. “Bảo đi thì cứ đi! Hỏi nhiều!”. Cô bước lên mấy bước. Bòng đèn gầm soi rõ đôi chân bé nhỏ với đôi giày nhựa đẫm sương. “Được rồi! Lên tôi cho đi nhờ!”. Cô hơi lùi lại: “Không! Cháu chờ xe khách. Chuyến sớm sắp qua.”. Xe Linh Nga chứ gì? Qua lâu rồi!”. “Sao bác biết?”. “Nó vượt tôi nửa tiếng rồi. Thằng điên ấy hôm nay không biết có việc gì, đi ẩu lắm! Chuyến sau của nó là tám giờ. Có lên không? Tôi đổi ý bây giờ!”.
*
Và thế là cô lên xe.
Cánh cửa khép lại. Tiếng ầm ầm nhức óc lùi sâu xuống dưới chân. Cô đặt cái túi căng phồng nhưng nhẹ xọp vào lòng, de người sát mép cửa. Chiếc xe rùng rùng chuyển động, tiếp tục lên đường. “Cô đi sớm thế, không sợ sao?”. “Sợ gì ạ?”. “Ma ấy!”. “Bác nghĩ có ma à?”. “Không phải nghĩ mà có thật. Cô có biết vì sao tôi bắt cô đi mấy bước trước khi lên xe không?”. “Vì sao ạ?”. “Nếu là ma, chân cô sẽ lửng lơ trên mặt đất! Lái xe đường trường như tôi, chuyện gì chả gặp”. “Bác có sợ không?”. “Lúc đầu thì có. Giờ cũng thường thôi! Ma cũng có dăm bảy loại. Mà không ác như người.”.
Lặng đi một lúc rất lâu. Chiếc xe khổng lồ vẫn lừ lừ trôi trong biển sương mù càng lúc càng quánh lại. “Chuyến này tôi chậm ít nhất nửa tiếng. Mù quá. Không dám đi nhanh. Nếu đi cao tốc, gần hơn hai chục cây nhưng phí đắt. Vòng xa, lại chỉ được đi nửa đêm về sáng nhưng tính chi li vẫn còn dư được ít. Thời buổi này cái gì chả khó khăn”. “Lái xe các bác nhiều tiền lắm mà!”. “Là cô nghĩ thế! Nhiều thì vợ tôi đã chẳng đi Đài Loan, rồi bỏ bố con tôi, lấy chồng bên ấy, chẳng về. Mà cô đừng gọi tôi bằng bác. Chắc tôi chẳng hơn cô mấy tuổi đâu. Năm nay cô bao nhiêu tuổi?”. “Hai ba bác ạ!”. “Chồng con gì chưa?”. “Chưa ạ! Ở quê, tầm như cháu ế rồi!”.
Người lái xe xoay người nhìn thẳng vào cô gái, trái tim đang bình an bỗng dưng lỡ nhịp khi bắt gặp ánh mắt trong thăm thẳm nhưng buồn hoang hoải như nước đầm Mực quê anh lúc vào thu: “Nhà cô ở đâu?”. “Ở làng Bùi, Bái Thượng.”. “Làng Bùi ven sông Luộc ấy có phải không?”.
Vâng. Làng cô ven sông Luộc, cách Thị trấn một thôi chừng mười cây số men đê, cách đường lớn chừng hai cây số xuyên đồng, nơi đồng trũng nước chua, đất lì như đá, lúa ngô cũng bợt bạt như mặt người, gái trai lớn lên là khăn gói dạt trôi tan tác, nhọc nhằn đất lạ xứ người, bỏ lại toàn người già và trẻ con quẩn quanh trong cái vòng tròn xóm trên thôn dưới tĩnh như mặt ao tù với những con đường lát gạch gồ sống trâu trơn trật mắt vẫn còn nguyên những hàng rào râm bụt, cúc tần um xum giăng đầy dây tơ hồng và những giêng hai hoa xoan lại rắc nỗi nhớ lên khăn lên áo, nhuộm tím gan tím ruột những đoàn người lầm lũi lên đường, khởi lại cuộc hành trình lạc bước thiên di.
“Lâu lắm tôi chỉ đi ngang mà không về mạn ấy. Quê cô dạo này đã khá chưa?”. “Vẫn thế bác ạ! Người trẻ đi làm ăn xa, mỗi năm dành dụm về quê một lần là hết. Làng cháu mãi nghèo thôi!”.
*
Đêm dần trôi về sáng. Đèn đường vàng bệch như hoàng hôn, sương mù vẫn xám mờ buông chùng nếp võng phủ lên những ngôi nhà gạch mái tôn đứng thui thủi bên đường. Đồi núi xác xơ, cỏ cây ngơ ngác đợi chờ. Người lái xe liếc nhìn sang bên, lại bắt gặp hoàng hôn sẫm màu trong đôi mắt loang loáng nước. “Sao cô buồn thế?”. Cô gái vuốt dọc mép túi xách căng phồng: “Hôm qua cháu về vội, mua cho em hai bộ quần áo, chưa kịp thử, chẳng biết có vừa không.”. “Thế cô đi làm xa, chẳng mấy khi về?”. “Vâng! Cháu là công nhân, lại tranh thủ làm thêm nữa.”.
Hai năm trước, cô lên đường vào một buổi sáng đầu thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng ra đường lớn không hanh hao heo may mà cũng giăng sương mù nghẽn lối. Hai đứa em khóc ríu bước chân bên người mẹ liêu xiêu như cái bóng, cố nghiêng lòng mê nón che một nửa gương mặt vẫn tím bầm vì trận đòn ghen. “Con sẽ để dành tiền về đưa mẹ và các em đi. Nhất định thế! Mẹ chờ con nhé!”.
Cô đã hứa nhất định sẽ trở về đưa mẹ và các em thoát khỏi cái địa ngục mà mẹ cô vẫn gọi là nhà. Nơi đó có hai đứa em gái chưa bao giờ biết đến tuổi thơ và một người mẹ đã từ lâu quên mất nụ cười.
Nhà cô ở cuối xóm ven cánh đồng, cuối con ngõ cụt lạnh lẽo âm u trong bóng cây, ngoài hàng xóm duy nhất là nhà chú ruột thì quanh năm chẳng có người lai vãng tới. Cuối vườn còn có một gian xây bằng gạch ba banh, lợp Proximang quanh năm nồng nặc hơi người ốm liệt quẩn trong cái ai ai của khói bồ kết trong cái ang đất cuối chân giường. Bà nội cô nằm đấy, mười năm có lẻ. Từ lúc còn nhúc nhắc lê từng gang trên nền gạch, đến lúc thối xương thối thịt và hoàn toàn tỉnh táo cho đến tận phút cuối cùng. Bao năm tháng tuổi thơ của chị em cô đều quẩn quanh trong gian nhà ấy – gian nhà có cây bồ kết bên hiên mỗi năm xòa thêm một tầng bóng – cây bồ kết nếp cổ thụ cho quả từng chùm treo đầy gác bếp, đủ đốt cho bà quanh năm để xua bớt hơi người. Ba chị em trong mớ quần áo bèo nhèo, thâm đen nhựa cây, đầu tóc, da thịt đẫm mùi bồ kết cháy chẳng bao giờ dám lên nhà trên bởi ở đấy có bố cô – người đàn ông không bao giờ nhúng tay vào việc gì nhưng phải đủ ngày hai cữ rượu, luôn mồm chửi tục và sẵn sàng lao vào vợ trút những trận đòn trong cơn ghen hoang tưởng. Mẹ cô – người đàn bà quanh năm chỉ thấy cúi đầu nhẫn nhục, chẳng hé nửa lời nhưng cô biết hết căn nguyên nông nỗi khi bà nội, trong một buổi chiều mùa đông ẩm xì, vừa nắm tay cô, vừa nghệu ngạo khóc: “Bố mày thất đức lắm con ạ! Ngày xưa cũng đi làm cán bộ đấy nhưng đổn đời, lòng thòng trai trên gái dưới với cả mấy đứa cùng cơ quan. Có thằng chồng một đứa rình bắt được, cho mặc mỗi manh quần cộc rồi dong về tận nhà. Trẻ con người lớn xa gần biết hết. Nhục nhã lắm! Thằng ấy nó còn bảo mẹ mày: “Toàn người quen cả! Ngày xưa anh mê em, thương em thì em không đồng ý, đi lấy nó. Hôm nay anh cho em tận mắt thấy nó là người như thế nào. Bỏ nó ngay đi! Người như em lấy đâu chả được chồng. Nếu em không chê thì về với anh càng tốt!”. Lại còn phải kí vào giấy nợ, phải bán mảnh đất giữa làng dọn về đây. Rồi bỏ việc chẳng dám vác mặt đi đến đâu. Rồi rượu rồi chè, chửi con đánh vợ, chỉ ngồi lù lù một đống hốc cho đầy mồm mà lúc nào cũng ghen, ai cũng ghen, nghi ngờ cả em trai thì không còn ra cái giống người. Nó cứ nghĩ ai cũng khốn nạn như nó. Mẹ mày bồ côi bồ cút, bà bảo chẳng lưu luyến gì, dắt chúng mày đi cho thoát nhưng nó lại khóc bảo: “Còn bà con biết làm sao?”. Mà bà cũng khốn nạn lắm con ơi! Ngày mới ốm cũng lết được ra đến bờ ao rồi mà không dám chết. Bây giờ nằm liệt đây, lúc nào cũng thèm ăn như ma đói. Thịt thối đến đâu biết đến đấy. Muốn chết mà không chết được…Con ơi!”.
Người con gái ngừng lời. Xung quanh hai người bỗng dưng im lặng hết. Chẳng còn tiếng rùng rùng, chiếc xe đen thẫm thành một khối khổng lồ trôi. Sương lọt qua khe cửa cabin, quẩn vào trong buồng lái. Bóng đèn trần vàng nhợt không che nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má người con gái mảnh như cái bóng mờ nép sâu vào lòng ghế. “Cô cứ khóc đi! Khóc cho nhẹ bớt!”. “Vâng! Cháu thương bà lắm! Đi xa thế này cháu chỉ biết mang theo mấy chùm bồ kết, thỉnh thoảng đốt lên, ngửi mùi khói cho đỡ nhớ. Mà bác có ngửi thấy mùi gì không?”. “Có.”. “Mùi bồ kết nếp bác nhỉ? Cháu đốt cho bà từ bé nên chỉ ngửi thoáng thôi cũng đã nhận ra. Ai đốt sớm thế? Mà khói bồ kết quẩn sương càng khó tan bác ạ!”. “Thế bà cô giờ ra sao?”. “Bà cháu mất lâu rồi!”.
Bà cô nhất quyết ra đi sau đúng nửa tháng nhịn ăn. Dầu cơm dầu cháo đút vào cũng nhè ra bằng hết mặc cho mẹ cô quỳ xuống: “Con lạy mẹ! Mẹ đừng làm thế! Tội con lắm mẹ ơi!”. Trước khi mất, bà chỉ gọi một mình cô: “Mẹ mày nhu nhược lắm, không dám làm gì đâu. Bà chết rồi nhớ đưa các em đi nhé! Đừng để chúng nó ở lại mà chết ở đất này! Bà chẳng có gì, cầm lấy cái này, bán đi mà lo cho em!”.
Bà lần mãi, kéo ra sợi dây bạc mảnh xỉn màu đặt vào tay cô rồi cứ thế quay mặt vào tường, không dậy nữa. Cô cứ ngồi gục cạnh bà rì rầm nói mãi. Cô hứa với bà sẽ đưa mẹ và các em thoát khỏi ngôi nhà ấy- ngôi nhà có người đàn ông cô gọi là bố – không bao giờ làm gì cả nhưng mỗi khi mẹ cô đi phụ hồ, bốc gạch thuê hay cấy mướn trở về lại hầm hè sấn đến lột đến đồng bạc lẻ tiền công cuối cùng, chỉ để đến khi cần gì mẹ cô lại phải ngửa tay xin, từ tiền mắm muối đến gói băng vệ sinh như ăn mày xin bố thí, để không còn cảnh như ngày mẹ đẻ em út, hai chị em cô phải đặt nó vào lòng chăn, đung đưa thay võng đến rã rời dỗ cho nó nín kẻo bố cô không ngủ được, để quên đi lần ấy mẹ giấu mấy đồng lẻ mua cho em thanh kẹo que, bố cô trông thấy gầm lên, đạp con bé chúi đầu xuống đất: “Mày lừa tao, giấu vốn riêng hả? Tiền ở đâu ra? Thằng nào cho?”, rồi rút xoẹt con dao bài mỏng như nước kề vào cổ em cô đang khóc chết lặng: “Mày có tin tao cắt cổ nó ngay không?”. Mẹ cô lê lết ôm chân bố: “Em xin lỗi anh! Em sai rồi! Lần sau em không dám thế nữa!”. Thanh kẹo que em cô đang mút dở bật ra, nhầy nhụa trên nền đất như con mắt mở trừng trừng. Chị em cô sẽ giã từ cả một tuổi thơ tắm gội bằng xà phòng bột vì bố cô không cho phép mua dầu gội đầu, mua xà phòng thơm: “Đẹp làm gì? Đẹp mà đi đánh đĩ hết với nhau à?”.
Năm ấy cô mười bảy tuổi…
Cô gái cứ rì rầm kể.
Nhà cháu nhìn ra cánh đồng, bên cạnh một gò đất hoang, chị em cháu trồng một giàn mơ dại, hoa nở từ đầu hè lan sang hết mùa thu. Chúng cháu chỉ quẩn quanh với hoa mơ kết tràng đeo cổ, với vòng mơ đội đầu, với dải hoa mơ buông chùm như rèm công chúa cũng đủ vui. Hai em gái cháu xinh lắm. Bác biết không, lúc chúng nó đội lên đầu vòng hoa mơ trắng trông giống hệt thiên thần.”. Lần đầu tiên cô gái cười, nhìn người lái xe, mắt sáng lên, lấp lánh. “Tôi biết chứ! Cứ nhìn cô là biết! Cô mà đội vòng hoa mơ trắng cũng giống hệt thiên thần.”. “Cháu chẳng biết nữa. Nhưng hôm qua cháu về, chúng nó làm cho cháu đây!”.
Người con gái cẩn trọng và khẽ khàng mở túi xách, nâng trên tay một chiếc vòng mơ dại với những dây hoa bé bỏng xòe cánh hình chuông như hạt bắp biến màu, lấm tấm những nụ nhỏ như hoa cau trắng – những bông hoa cánh diềm xếp hình công chúa từng đưa bước chân tuổi thơ của chị em cô qua khu vườn âm u, ra ánh sáng, chạm mặt với thiên đường…rồi lại thẫn thờ: “Cháu đã từng hận bố cháu. Thề hận đến chết. Cháu đã hứa sẽ trở về đưa mẹ và các em đi!”. “Sao bây giờ vẫn nhùng nhằng chưa được hả? Có chuyện gì sao?”. “Bây giờ thì không cần nữa…”.
Cô gái thẫn thờ, nhìn ngang qua cửa kính rồi bỗng chợt chỉ tay về phía trước: “Bác ơi! Đến lối rẽ phía trước cho cháu xuống. Cháu đến nơi rồi!”. “Đã bảo đừng gọi tôi là bác! Tôi hơn cô có tám tuổi thôi! Cô kể nốt đi!”. “Không kịp đâu bác ạ! Lần tới cháu kể sau!”. “Sắp tới tôi chạy chuyến Nam. Mới nhận tuyến chiều qua. Đi ba tháng, chắc giáp tết mới về. Biết bao giờ mới gặp lại?”. “Giáp tết cháu cũng mới về. Nhà chùa cho nương nhờ, cháu phải ở lại dọn dẹp, trông nom…”.
Xe dừng lại bên con đường mòn vẫn mờ mịt trong sương. Người lái xe xoay người, nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của người con gái: “Nhìn tôi này! Đừng gọi tôi là bác! Em cho tôi số điện thoại. Tôi sẽ liên lạc! Hai bẩy tết tôi sẽ đến tận đây đón em về.”. “Không! Phải ba mươi! Hay bẩy em chưa về được!”. “Ừ! Ba mươi! Em hẹn rồi nhé! Không gặp, tôi sẽ đến tận nhà tìm.”. “Sao anh tìm được?”. “Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp đồng, có cây bồ kết góc vườn và trước nhà có giàn mơ dại. Đúng không? Chỉ cần tên em nữa thôi!”. “Em tên Hoài! Em sẽ chờ anh!”. Người con gái nâng vòng hoa mơ li ti trắng trên những ngón tay mảnh mềm rồi bước xuống, mỉm cười: “Em đi đây! Muộn rồi! Cám ơn anh!”- Tiếng cô gái lãng đãng trôi về từ biển sương rồi hút hẳn. Chiếc xe dừng lại rất lâu rồi mới rùng rùng chuyển bánh. Ngôi chùa nhỏ như một khối đen mờ dần khuất dạng trong sương.
*
Hôm nay là ba mươi tết. Anh quay về đây với lời hẹn đón người. Ba tháng dài hun hút, gọi điện chỉ thấy một câu trả lời: “Chị em đi làm. Quên điện thoại ở nhà. Anh đừng gọi nữa! Chị em không về đâu!”. Đêm nào anh cũng mơ gặp người con gái có đôi mắt trong veo như hai đầm nước, thấy cô đứng bên lối rẽ đợi anh. Mái tóc cắt ngắn, vòng mơ trắng trên đầu rủ xuống khuôn mặt bầu bĩnh thiên thần.
“Nhà chùa cho con hỏi!”. “Bác hỏi ai?”. “Con đến đón em Hoài.”. “Hoài ở làng Bùi, Bái Thượng?”. “Vâng!”. “Thảo nào hôm qua cô ấy gọi nhà chùa.”. “Cô ấy đâu ạ?”. “Xin bác theo tôi!”.
Anh lạnh dần người đi khi theo bóng áo nâu sồng của sư thầy qua con đường mòn sẫm bóng quéo già, mở cổng sau. Ở góc vườn âm âm bóng cả cô đơn một nấm mộ tròn: “Cô ấy nằm đây!”. “Sao thế được? Rõ ràng con gặp cô ấy. Cô ấy hẹn con ba mươi tết đón cơ mà?”. “Ừ! Cô ấy linh lắm đấy! Cách đây một năm, vào một đêm cuối tháng tám, nhà chùa nghe gọi cổng. Rồi cô ấy dẫn đi. Cô ấy bị tai nạn. Không giấy tờ, không người thân nên nhà chùa mang về cho nương nhờ ở đây. Mãi sau này mới biết cô ấy tên là Hoài, làm công nhân nhà máy bên kia, tranh thủ về thăm nhà nhưng chẳng may như thế. Mẹ và các em cô ấy đến đây luôn. Có lần dẫn theo cả ông bố nữa. Ông ấy bị đột quỵ, liệt nửa người, không nói được, chỉ biết khóc. Đau lòng lắm!”.
Anh quỳ gục xuống ôm lấy nấm đất tròn: “Sao thế được nhà chùa ơi! Cô ấy hẹn con ba mươi tết đến đón về!”. “Thế thì bác phải chờ đến tối! Bây giờ khí dương nhiều, cô ấy không đi được đâu!”.
Vậy là anh ngồi đây với cô, cả ngày, trong vườn cây âm âm hơi đất, rì rầm kể những câu chuyện không cuối không đầu. Đêm ba mươi sẫm dần nhưng tết ở đâu xa lắm. Ở đây chỉ có gió và sương. Rồi bỗng chợt anh thấy từ cuối con đường đêm thăm thẳm, cô xuất hiện, thoăn thoắt đôi chân nhỏ trong đôi giày nhựa đẫm sương, miệng cười, khoác túi trên vai, vòng mơ dại rủ từng chùm trên tóc lấp lánh: “Anh chờ em có lâu không?”. “So với ba tháng thì một ngày lâu gì chứ? Đã hẹn là sẽ chờ! Nào đi thôi! Anh đưa em về! Xa nhà lâu rồi chắc mọi người mong nhiều lắm! Sắp giao thừa rồi em biết không?”. “Anh nhớ đường về nhà em chứ?”. “Anh là lái xe, đừng hỏi điều thừa thế! Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp cánh đồng, phía trước nhà có giàn mơ dại…”. “Vâng! Giàn mơ ấy vẫn đợi em về! Đến nơi anh sẽ thấy hoa trái mùa mà buông rèm nở trắng đón mùa xuân…”.
Nguyễn Hải Yến
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Cưng ơi
Cưng ơi…
Giữa lưng chừng đồi, có một nỗi xót xa tím cả đất trời. Giữa lưng chừng đồi, hàng thông oằn mình trong tiếng nức nở: cưng ơi!
“Yêu một người đâu nhất thiết phải cố níu kéo người đó về phía mình để rồi đớn đau cả quãng đời dài. Mà yêu một người, là được nhìn người mình yêu viên mãn cuộc đời, dẫu là… chẳng còn bên mình. Tận cùng của yêu thương chẳng phải là cần một sự hy sinh lớn lao như thế chăng?”.
Có lần, khi ngồi tựa vào nhau bên bờ hồ Xuân Hương, cô khẽ khàng nói. Buổi ấy đất trời Đà Lạt chớm thu, hoa Pơ Ra Nhằng tím lịm nhiều ngõ phố.
Mãi đến tận bây giờ, anh vẫn không thể nào gọi tên chuyện tình của chính mình.
Chuyện tình ấy, từng là cả một trời hạnh phúc trong anh.
Anh gặp cô vào một đêm Đà Lạt ngập gió, cái lạnh như xuyên qua từng thớ thịt. Góc quán nhỏ, lưng chừng triền đồi, giọng hát ma mị liêu trai ấy cuốn hút anh từ khi những lời ca đầu tiên vang lên. Nó gieo vào lòng anh những xúc cảm lạ lùng. Anh như đắm chìm vào cái không gian mênh mông mà cô tạo ra. Nó trầm buồn, khàn đục mà xoáy vào tận trái tim anh. “Cuộc tình nào rồi cũng phôi pha, một đường tàu biết mấy sân ga, xin anh xem em như một ga nhỏ dọc đường”.
Cô rời quán nhỏ, ra về. Như vô thức, anh cũng lững thững theo sau. Cái khắc giây anh nán lại làm vị khách cuối cùng rời quán, là anh đã chẳng còn hiểu nổi lòng mình.
Nhà cô ở cuối con dốc. Căn nhà gỗ nhỏ với hàng rào trước nhà trồng đầy nguyệt quế. Cô chỉ thảng thốt nhận ra có kẻ theo sau khi dừng lại mở cổng. Ánh nhìn của họ chạm vào nhau. Tim anh đập liên hồi. Cô bối rối. Anh quay gót bước vội.
Đêm đó, anh về thao thức với trăng khuya. Anh chẳng còn trẻ dại để không thể thốt nên lời tán tỉnh một cô gái. Thế nhưng anh lại chẳng hiểu nổi cái rụt rè, nhút nhát đi mà như chạy là vì đâu. Hay vì anh đã yêu cô? Tình yêu này khác xa những lần yêu trước. Nó khiến anh như gã đàn ông say mèm ngay từ ly rượu đầu, chẳng thể thốt nên lời, chẳng thể làm chủ bản thân và có lẽ cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã từng là gã trai đi qua biết bao hạn kỳ yêu đương.
Bàn chân anh vẫn lững thững theo sau cô mỗi đêm. Mãi đến lần thứ tư, cô mới dừng chân cạnh giàn nguyệt quế thơm lừng buổi đêm. Đó cũng là lần đầu tiên anh như tên trộm len lén nhìn cô thật gần. Cũng chẳng có từ nào được thốt ra. Ánh đèn vàng hắt bóng hai vệt dài xuống con đường vắng, giữa cái lạnh tê tái. Anh trao cô đôi găng tay len. Nhận ra vị khách quen, cô gật đầu cười, khẽ thốt lời cảm ơn rồi mở cổng rào vào nhà. Anh quay gót, lòng ấm áp lạ kỳ.
Họ đến với nhau mà chẳng có lời yêu nào thốt ra từ cả hai. Lạ kỳ là khi người ta đồng điệu tâm hồn, tim chung nhịp đập, mọi lời nói đều như vô nghĩa. Chỉ cần cô rụt vai, là anh vội sửa lại chiếc khăn choàng cho cô, sao cho thật ấm. Chỉ cần cô xoa tay hít hà, là anh lại khẽ đan lòng bàn tay ấm áp của mình vào. Chỉ cần cô cười là lòng anh như có nắng. Chỉ cần ánh mắt cô xa xăm, là đêm đó anh về, lòng nặng trĩu.
Cô đẹp, như thể nụ hồng, mỏng manh run cánh trước những cơn gió mùa chẳng biết kiêng dè bất kỳ ai. Anh hay ví von như vậy mỗi bận cả hai ngồi bên nhau. Với cô, chỉ cần có anh kề bên, bốn mùa vẫn cứ mãi là xuân.
Ngày ngày, sau giờ làm việc, anh háo hức như đứa trẻ vụng dại lần đầu chớm biết yêu. Ngày nào cũng thế, anh chở cô vòng quanh cái thành phố cao nguyên mờ sương này. Thành phố nhỏ, loanh quanh mấy ngõ đường là hết. Nhưng với anh, khoảng thời gian cô ngồi phía sau, áp má vào vai anh, nhẹ nhàng đan những ngón tay thon vào bàn tay to bè chai sần của anh, là lòng anh thênh thênh một niềm cảm xúc khó tả.
Đêm Đà Lạt se sắt lạnh, anh hay ghé Tăng Bạt Hổ, cùng cô uống ly sữa đậu nóng, nhâm nhi vài món quà vặt, rù rì đôi ba câu chuyện rồi nhẩn nha trả cô về lại cái cổng rào dậy mùi nguyệt quế. Đường về, anh cố tình chạy thật vòng vèo, như muốn níu kéo khoảng thời gian êm ả có cô cạnh bên.
Cũng có bận, cả hai ghé cà phê Tùng, nhàn hạ nhìn màn mưa rả rích ngoài phố. Giọng Khánh Ly da diết tình khúc Trịnh. Anh thì thầm vào tai cô lời yêu thương.
Có một sớm cuối tuần, cô bảo anh đưa mình lên gốc cây cô đơn. Giữa mênh mông thông reo, bạt ngàn sóng nước, cô trao vội cho anh nụ hôn đầu. Ngập ngừng, e thẹn. Anh ghì chặt cô vào lòng, thấy đời mình nở đóa hoa duyên trên miền cao nguyên lạnh lẽo.
Mẹ cô nhìn anh, cái nhìn vời vợi khi lần đầu tiên cô dẫn anh về ra mắt. Nỗi buồn như một thứ tài sản gắn liền với khuôn mặt của người đàn bà đẹp ấy. Anh thảng thốt khi tình cờ bắt gặp đôi mắt ầng ậng nước của bà. Hình như một giọt nước mắt vừa rơi. Bao câu hỏi chợt ập đến. Mà biết hỏi ai? Cũng có thể anh đã nhìn nhầm. Vì ngay lúc đó, bà vội quay đi, để rồi “đáp” lại ánh nhìn của anh là một nụ cười gượng. Hay bà có điều gì muốn giấu?
Căn nhà ấm áp mà trầm buồn với những bóng đèn vàng hiu hắt. Bữa cơm tối, mẹ cô nhón đũa gắp cho anh mớ rau vườn nhà trộn dầu giấm. Bàn ăn chẳng có thịt thà, chỉ toàn là rau củ được bà kho luộc hay trộn gỏi. “Nhà này ăn thanh đạm như thế quen rồi con à. Từ ngày, à… từ đâu chừng hai năm về trước…”, lời bà đứt quãng, giọng nhẹ tênh nhưng nghe như tắc nghẽn ở những khắc giây ngập ngừng.
Chừng như có tiếng thở dài. Cô từng kể, hai năm trước, bố cô ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ cô thẫn thờ nhìn những luống rau thẳng tắp mỗi buổi tinh mơ ra vườn. Khu vườn đã lưu giữ giúp bà bóng dáng ông, là chút kỷ niệm còn sót lại với tình yêu lớn nhất đời bà.
Mẹ là dân Sài Gòn, cũng vì thương bố mà xa xứ lên tận miền cao nguyên này.
Thương cô tiểu thư con nhà gia giáo từ nhỏ đến lớn chưa từng xa gia đình, chưa từng đối diện với cái khốn khổ tứ bề nên bố cưng mẹ hết mực. Bố chẳng để mẹ động đến chuyện vườn tược. Cầm tấm bằng sư phạm của mẹ, bố nhờ xin giúp cho mẹ một chân giáo viên tiểu học tại ngôi trường đầu con dốc nhà. Sớm mờ hơi sương, bố đèo mẹ trên chiếc xe đạp cũ. Chiều lồng lộng gió, bố lại đứng trước cổng trường chờ mẹ tan lớp. Chiếc xe đạp cũ chở mẹ qua biết bao sườn đồi ngập tiếng thông reo, đầy lời gió thì thầm.
Mẹ đi dạy, bố làm vườn. Cuộc sống hạnh phúc cứ thế cho đến khi cô ra đời. Mẹ thôi không còn đi dạy, một mình bố bươn chải để lo gánh gia đình. Vậy mà chưa một lần bố than vất vả, chưa khi nào bố cộc cằn. Bố cứ ngọt ngào, một tiếng cưng ơi, hai tiếng cưng à…
Bố giấu nhẹm bệnh tình của mình, chẳng để hai mẹ con biết. Mỗi lần lên cơn đau, bố thường nói dối mẹ rằng ông ra vườn chăm rau. Chừng cơn đau qua rồi, bố quay về lã chã mồ hôi. Bố lại cười. Nay mình ăn gì cưng ơi!
Vậy nên, khi bố ngã quỵ trên bàn cơm chiều vào một ngày mùa đông, mẹ bàng hoàng hụt hẫng. Mùa đông năm đó có lẽ là mùa đông lạnh nhất trong cuộc đời của mẹ. Mùa đông năm đó, cô tròn hai mươi. Cái lạnh như thấu từng tế bào của cô. Cô chết giấc giữa những đêm nghe tiếng mẹ rấm rứt khóc.
Cũng từ hôm ra mắt mẹ cô, anh thường ghé nhà. Anh tập đèo cô trên chiếc xe đạp cũ. Cô ngồi ngay chỗ ngày xưa mẹ hay ngồi. Anh áp vòm ngực ấm áp của mình vào lưng cô, ghé tai cô, thì thầm gọi: “Cưng ơi!”.
Anh chỉ có ba tháng cho chuyến công tác rồi sẽ về lại Sài Gòn nhưng có hề gì bởi anh nghĩ, rồi đây mình sẽ dành cả quãng đời còn lại chỉ để có người con gái này cạnh bên. Cảm giác khi yêu cô khiến bản năng anh trỗi dậy. Đã đến lúc anh cần có một gia đình – nơi mỗi sáng anh sẽ hôn lên đôi má thanh xuân ấy, rồi hòa vào dòng đời ngược xuôi trên đường mà chẳng hề biết mệt. Mỗi buổi chiều tàn, anh lại háo hức bên mâm cơm ngọt lành. Cô sẽ hát những bản tình ca da diết vào mỗi đêm, trước khi cả hai đưa nhau vào giấc ngủ yên bình. Rồi căn nhà gỗ lại bi bô tiếng trẻ, rộn tiếng khóc cười của con.
Anh thủ thỉ cái ước mơ ấy vào một chiều chớm đông, trên đồi cỏ hồng ngọt ngào bát ngát gió. Cô vẫn tựa đầu lên vai anh, nhìn chiều bảng lảng trôi xa về phía cuối trời.
Đêm ấy, giọng hát cô lại đầy thổn thức, khắc khoải, tiễn anh bằng bài hát cũ.
“Giọt lệ này dành để mai đây, về cùng người khóc giữa đêm vui…”.
Anh theo chuyến xe đêm muộn về lại Sài Gòn. Những cánh hoa Pơ Ra Nhằng cuối mùa rơi tím cả trời luyến nhớ. Xe khuất dần sau những rặng thông vi vút. Bóng cô gầy guộc đổ dài theo ánh đèn vàng đầu ngõ.
Ngày ấy, anh chỉ mê mải thả trôi hồn mình theo giọng hát ma mị liêu trai của cô mà đâu nhận ra rằng phía sau từng câu hát là cả nỗi niềm chôn giấu.“… hơi đâu, hơi đâu mà xót thương thân em…”.
Anh về lại Sài Gòn, tình yêu nối dài theo những cuộc điện thoại xuyên đêm. Những nhớ thương da diết, khắc khoải gửi vào thanh âm hàng ngày hàng giờ, mỗi khi anh nhớ cô. Nhưng chỉ được chừng hơn tháng, mọi liên lạc với cô đột ngột bị cắt đứt.
Anh như gã điên, mơ hồ trong mớ bòng bong đời mình. Anh đã dành cả tình yêu mãnh liệt nhất cho cô, dành cả khao khát hạnh phúc đời người cho cô. Vậy thì tại sao? Tại sao?
Những câu hỏi khiến trái tim anh vỡ vụn. Anh gầy xọp, hốc hác hẳn chỉ trong chưa đầy một tuần.
Anh lại về với cái cổng rào dậy mùi nguyệt quế đêm, tìm cho mình câu trả lời. Anh không thể nào biết trước, cuộc đời này luôn có những cánh cửa không nên mở ra vì đôi khi nó khiến ta hoang hoải cả quãng đời dài.
Tấm ảnh cô mờ ảo giữa làn khói nhang. Mẹ cô trao vội anh lá thư. Anh đón nhận mà lảo đảo đôi chân, nghe tim mình vỡ vụn.
“Ngay khi anh đọc những dòng chữ này, thì em đã đến một nơi rất xa. Cuộc đời mỗi người sinh ra không thể lựa chọn cho mình số phận nhưng vẫn được quyền sống một cách tốt đẹp nhất với chính số phận ấy. Chỉ tiếc một điều, số phận đôi khi lại run rủi mình đi trên con đường đầy nghiệt ngã. Em cũng từng mơ một mái ấm hạnh phúc. Nhưng anh à, ước mơ ấy khó thành hiện thực, nhất là đối với một người mang căn bệnh ung thư cận kề những ngày cuối đời như em.
Mình đến với nhau như một giấc mơ đẹp.
Mong anh hãy cho em được cái quyền ấp ôm kỷ niệm đẹp này, mà sống trọn với số phận của mình. Và đừng trách em khi đã quá ích kỷ cho chính cái hạnh phúc ngắn ngủi đó, để lại trong anh một nỗi đau quá lớn. Là vì em yêu anh, tình yêu duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của em. Từ trong tim mình, em mong anh bao dung và sẽ lại tìm cho mình một tình yêu đẹp nhất, một mái ấm hạnh phúc nhất”.
Anh gục ngã, nức nở. Rồi như con thú hoang dại, bị tổn thương giày xéo tận cùng, anh chạy ngược lên đồi, ngã lăn cù mà chẳng có cảm giác đau đớn.
Cô nằm đó trên đồi, bình yên giữa bát ngát hoa lá, bốn bề thông reo. Cô nhẹ tênh mà bỏ anh giữa mùa yêu đang đâm chồi.
Hóa ra quãng thời gian bên nhau là những ngày cô cố nén những đau đớn tột cùng của căn bệnh.
Ngày còn bên nhau, cô đâu nói anh phải làm sao để sống khi thiếu vắng cô. Anh cảm thấy đời mình đã khánh kiệt.
Anh sẽ luôn yêu Đà Lạt. Bởi đôi khi, người ta yêu một miền đất nào đó vì nơi ấy đang ôm trong lòng một người từng là cả quãng đời thương nhớ của chính mình.
Nghiệt ngã quá đỗi.
Giữa lưng chừng đồi, câu hát cũ vang lên.“… Những ngày còn nồng ân ái, giữa đôi ta, giữa đôi ta, đã bao cách biệt trùng trùng…”.
Giữa lưng chừng đồi, có một nỗi xót xa tím cả đất trời. Giữa lưng chừng đồi, hàng thông oằn mình trong tiếng nức nở: cưng ơi!.
Chú thích:
* Lời một bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân
26/11/2019
Trúc Thuyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Chỗ ngồi
Chỗ ngồi
Tôi bị bà chuyên viên kéo đi theo ra xe taxi. Bà đã đuổi thằng Nam Phi ra khỏi ghế ngồi của nó. Ai cũng thấy. Sao bây giờ bà chẳng cho ai đi nhờ xe mà lại cho tôi đi. Bà ưu ái tôi. Trước mặt cả mấy chục đứa sinh viên ngoại quốc. Tôi chui vào xe cùng với bà mà chỉ nghĩ đến ánh mắt của mấy chục đứa kia đang nhìn theo.
Sinh viên đi với nhau cùng một chuyến tàu thì bao giờ cũng vui. Hội đồng Quan hệ văn hóa của Ấn Độ, cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, thường tổ chức những chuyến du ngoạn như vậy cho sinh viên nước ngoài. Bà chuyên viên của hội đồng dẫn đoàn đi. Hơn ba chục sinh viên nước ngoài, da trắng đen nâu vàng đủ cả. Từ New Delhi miền Bắc xuống Bombay miền Đông Nam, đi tàu hỏa, 1.400km.
Bà chuyên viên hội đồng ngồi cùng ghế với một cô Iran, một cô người Ý. Tôi ngồi ghế đối diện cùng một thằng Nam Phi, một thằng Ai Cập. Thằng Ai Cập thích cô Iran nên chốc chốc nó lại liếm môi cho môi bóng nhẫy, đỏ chót. Giọng tiếng Anh của nó cao vút như chim hót. Tay nó cầm mấy tờ giấy xộc xệch, thỉnh thoảng liếc vào đấy rồi lại quay ra nói chuyện với cô Iran.
Cô Iran hỏi: Cậu đọc cái gì đấy?
Nó bảo: My topic, đề cương ôn thi của tớ, tớ đi chuyến này về là thi.
My topic. My topic. Giọng nó tiếp tục véo von. Nó đứng lên chạy qua chạy lại, mua trà cho nó và cô Iran uống. Thừa lúc nó đi khuất, cô Iran tủm tỉm cười: Điệu quá! Nó quay lại với hai cốc trà sữa, ngồi xuống một lúc thì bắt đầu ngó xuống gầm ghế tìm kiếm. Tìm gì? My topic. Cuối cùng nó nhấc thằng Nam Phi đứng lên. Hóa ra thằng Nam Phi đã ngồi lên mấy tờ giấy của nó nãy giờ. Oh, my topic! Nó rú lên, giọng vẫn cao vút.
Chuyến tàu xuống Bombay thế là vui. Ở Bombay ba ngày rồi đi tiếp xuống Goa, lần này đi xe khách xuyên đêm, 609km. Chuyện trò râm ran tíu tít. Hết chuyện trò thì quay ra hát, đồng ca. Bài hát đang thịnh từ bộ phim tài tử Aamir Khan lần đầu tiên xuất hiện và chỉ sau một đêm thành sao sáng chói.
Papa kahate he bala nam karega
Beta hamara esa kam karega
“Cha bảo hãy làm nên tên tuổi lớn/ Con trai chúng mình như thế này phải làm việc lớn”. Hơn ba chục đứa sinh viên nước ngoài thuộc bài hát tiếng Hindi này. Bởi phim chiếu cả tháng trời ở rạp, người xếp hàng từ sáng đến đêm để vào xem “chàng trai của mọi nhà” gương mặt baby ngây thơ. Đài phát thanh suốt ngày phát mấy bài hát trong phim. Người Ấn thuộc lòng. Bọn ngoại quốc này cũng thuộc lòng.
Đang vui. Xe ra ngoại vi Bombay thì dừng mấy phút. Bà chuyên viên hội đồng chạy xuống đón lên một thanh niên độ tuổi năm cuối phổ thông. Anh ta niềm nở cao giọng: Good evening, everybody. Xin chào mọi người! Tất cả vui vẻ chào lại. Bà chuyên viên tươi cười giới thiệu: Cháu trai tôi đấy, con trai của bà chị tôi!
Bà đưa mắt nhìn sang hàng ghế bên cạnh. Hàng trên, thằng Ai Cập ngồi cạnh cô Iran. Hàng dưới, tôi ngồi bên cửa sổ, thằng Nam Phi ngồi cạnh lối đi. Chỗ của thằng Nam Phi chỉ cách lối đi là sang đến chỗ bà ngồi.
Bà chiếu tướng vào thằng Nam Phi, ra lệnh: Mày đứng lên!
Thằng Nam Phi sửng sốt: Gì cơ, thưa Madam?
Bà chuyên viên thản nhiên: Mày lên trên kia mà ngồi, để cháu tao ngồi đây!
Thằng Nam Phi lắc đầu: Không đâu, thưa Madam!
Cả xe nín thở. Không ai có thể tưởng tượng nổi mọi sự lại xoay ra như thế này.
Tao bảo mày đi!
Tôi không đi!
Xe bắt đầu chuyển bánh. Cũng có thể lái xe muốn bằng cách ấy để mọi sự được dàn xếp cho nhanh. Bà chuyên viên đang đứng bị quán tính dúi nhẹ một cái. Bà đành chỉ đứa cháu lên ngồi phía trên cách ba hàng ghế, rồi bà ngồi xuống chỗ của mình. Bà và thằng Nam Phi cách nhau một lối đi ở giữa, cái lối đi bây giờ đã trở thành giới tuyến phân chia hai thế lực đối địch. Đối địch chỉ là bà và thằng kia, chứ Ấn Độ luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của ông Mandela ở Nam Phi.
Xe đi được ba tiếng thì dừng ở một trạm nghỉ. Mọi người xuống xe, vào uống trà, cà phê, nước ngọt. Thằng Nam Phi ra ngồi với mấy thằng Namibia, Angola, Kenya. Chẳng biết chúng nó nói gì với nhau. Bà chuyên viên và thằng cháu ngồi riêng một bàn. Mấy đứa chúng tôi ngồi góc khác, bắt đầu bình phẩm râm ran. Cô người Ý cho rằng anh bạn Nam Phi nên chủ động nhường ghế khi thấy cậu kia lên xe, dù thế nào cũng nên để cho dì cháu người ta ngồi cạnh nhau. Cô Thụy Điển và Iran thì bảo bất cứ ai cũng có thể nhường ghế, nhưng thái độ của bà chuyên viên quá hách dịch và trịch thượng. Đúng rồi, đúng rồi, thằng Ai Cập nghe cô Iran nói thế thì lập tức hót theo.
Trên xe, tôi đã ngồi cạnh thằng Nam Phi. Phía bên kia cô Thụy Điển ngồi cạnh bà chuyên viên. Thực ra cô Thụy Điển và tôi hoàn toàn có thể nhường ghế cho cháu bà, chúng tôi luôn sẵn sàng và đã nhấp nhổm đứng dậy, nhưng bà đã chiếu tướng thẳng vào thằng Nam Phi.
Cô người Pháp, cô người Ý và mấy người khác thì cho rằng anh bạn Nam Phi cũng cứng nhắc. Một cử chỉ nhường nhịn lịch sự là rất cần ở bất cứ đâu.
Mọi người lờ mờ nhận ra một điều, nhưng không ai nói ra. Vào cái năm 1989 ấy, bên Nam Phi đang có cuộc đấu tranh chống chế độ Aparthied phân biệt chủng tộc. Cuộc đấu tranh kéo dài đã mấy chục năm, được các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Cuộc đấu tranh ấy sắp thành tựu và ông Nelson Mandela sẽ được ra tù vào năm 1990. Ở Nam Phi có nhiều công sở, rạp phim, quán ăn cấm chó và người da đen. Ở Nam Phi có nhiều chuyến xe và ghế ngồi công viên cấm người da đen. Nhưng Ấn Độ là nước có nền cộng hòa dân chủ sớm nhất và lớn nhất châu Á. Ấn Độ ủng hộ nhiệt tình cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.
Ở Ấn Độ, không ai có quyền tranh giành chỗ ngồi của ai. Chắc đấy là cái lý của cậu Nam Phi.
Hết ba mươi phút nghỉ, mọi người quay lại lên xe, đã thấy bà chuyên viên bắt đứa cháu ngồi vào chỗ của thằng Nam Phi. Thằng Nam Phi đến đòi ghế, đứa cháu định đứng lên, nhưng bà chuyên viên ấn nó ngồi xuống. Xe đã chạy, thằng Nam Phi đứng một lúc, rồi đành bỏ đi ngồi vào một ghế trống.
Ba tiếng sau, xe lại dừng ở một trạm nghỉ. Đã bốn giờ sáng. Hầu như mọi người đều lờ đờ vì ngủ chập chờn mấy tiếng trên xe. Nhưng xuống uống cà phê, trà sữa xong thì đều tỉnh trở lại, lại chia thành mấy nhóm quan điểm. Bà chuyên viên thế là cố chấp và hiếu thắng. Trước đó thì bà trịch thượng hách dịch. Cậu Nam Phi thực ra cũng đầy mặc cảm, cậu không nên bê nguyên tinh thần đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi sang áp dụng ở đất nước Ấn Độ dân chủ. Nào có ai đặt vấn đề phân biệt màu da ở đây (nói cho chính xác, người Ấn với nhau thì người ta vẫn thích người màu da sáng hơn). Cô Iran bây giờ mới nói cô không chịu được cường quyền ở đất nước mình nên cô đã bỏ sang lưu vong ở Ấn Độ nên bây giờ cô cũng không chịu nổi sự cường quyền của bà chuyên viên. Cô gợi ý mọi người nên ký chung vào một lá thư phản ảnh thái độ của bà, gửi về Hội đồng Quan hệ văn hóa ICCR (Indian Council for Cultural Relations).
Đúng rồi, đúng rồi! – thằng Ai Cập lại hót theo, véo von.
Nghỉ xong, trở lại xe. Thằng Nam Phi đã lên từ trước, ngồi đúng vào chỗ ban đầu của nó. Thằng cháu bà chuyên viên lên sau thấy vậy, lại phải bỏ đi tìm chỗ khác để ngồi. Xe chạy. Bà chuyên viên quay sang thằng Nam Phi, cao giọng: Tao hỏi tên mày là gì?
Bà hỏi tên tôi làm gì? – thằng Nam Phi cứng cỏi.
Bà chuyên viên giở danh sách đoàn ra, nhưng tất nhiên, bà không biết tên thằng Nam Phi thì cũng không tra được xem nó ở trường nào. Đoàn có hơn ba chục đứa, từ hơn chục trường khác nhau. Bà bảo, ba tiếng nữa đến nơi, tao sẽ gửi mày trở lại Delhi.
Bà đi quá xa rồi đấy! – thằng Nam Phi nói.
Không xa đâu! – Bà chuyên viên bảo – Vẫn trong quyền hạn của tao.
Bảy giờ ba mươi lăm phút. chúng tôi đến Goa, vào khách sạn nhận phòng, được một tiếng tắm rửa vệ sinh, rồi kéo nhau đi luôn. Thăm nhà thờ cổ có lăng mộ ba tầng bằng cẩm thạch của vị thánh dòng Tên, Francis Xavier, bên trong có một chiếc tiểu bằng bạc lưu giữ một phần di hài của ngài. Thăm nhà thờ St. Francis of Assisi, bảo tàng tượng sáp các danh nhân, bảo tàng nghệ thuật Thiên Chúa giáo. Chỉ riêng mấy chục nhà thờ bề thế cũng đã không thể đi hết. Goa là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong khi hầu khắp tiểu lục địa Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Năm 1947, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, cả nước được giải phóng, chỉ riêng thực dân Bồ Đào Nha vẫn ở lại, chiếm đóng Goa mãi đến năm 1961 mới chịu đi. Họ là kẻ thực dân đầu tiên đến Ấn Độ năm 1498, cũng là kẻ thực dân cuối cùng rút khỏi Ấn Độ. Goa bây giờ tràn đầy không khí Bồ Đào Nha. Kiến trúc nhà thờ, pháo đài, khu dân cư của xứ Bồ. Chiếc mũ nan rộng vành và cây guitar xứ Bồ. Mỹ thuật và âm nhạc phảng phất hồn Bồ.
Cả bọn đi rạc cẳng, quên luôn trận cãi nhau trên chuyến xe đêm, quên luôn một đêm mất ngủ trên xe. Chiều tối lên một chiếc tàu thủy đi dọc bờ vịnh. Nhạc công mũ nan rộng vành ôm guitar hát những bài dân ca Bồ và Goa. Vũ công không quấn sari Ấn Độ mà váy hoa sặc sỡ như những nàng Carmen nhảy múa cuồng dại. Bọn sinh viên đa chủng tộc cũng xông vào nhảy múa, boong tàu rung sầm sập.
Ba ngày ở Goa đầy tràn cảm xúc. Như không phải là lãnh thổ Ấn Độ mà lạc sang một xứ khác, xứ Bồ Đào Nha. Đến món ăn cũng đầy hương vị Bồ. Đồ lưu niệm cũng lai Ấn với Bồ. Lúc lên xe về lại Bombay, lưu luyến như thể chia tay xứ Bồ để quay về Ấn Độ.
Mấy ngày ở Goa, phái chủ trương gửi thư phản ảnh thái độ của bà chuyên viên đã từ bỏ chủ trương. Cánh ôn hòa thuyết phục họ rằng dù gì đi nữa, bà ấy cũng là người chu đáo và nỗ lực rất nhiều để chuyến đi thành công. Cô Iran còn vớt vát thêm một câu rằng bà có thể là người tốt, nhưng thái độ thô và cứng. Gã Ai Cập lập tức họa theo, đúng rồi, đúng rồi, véo von. Chẳng ai nhịn được cười.
Trên chuyến xe từ Goa trở về Bombay, cậu Nam Phi chủ động ngồi chỗ khác, không đòi lại cái ghế ban đầu nữa. Về đến ngoại vi Bombay, cháu của bà chuyên viên xuống. Anh ta xách túi, đứng ở cửa xe, vẫy tay chào: Goodbye everybody. Chào mọi người! Mọi người!
Xe đưa cả đoàn thẳng ra ga tàu hỏa. Lại 1.400km quay về thủ đô. Về đến New Delhi, tàu đang vào ga, thằng Ai Cập lại ngó nghiêng tìm kiếm. Tìm gì? Đề cương ôn thi của tao. Trong balô, không thấy. Dưới gầm ghế, không thấy.
Bà chuyên viên hỏi tôi về đâu. Tôi bảo sẽ ra bến xe buýt đi về ký túc xá ở Saket, phía nam thành phố. Bà bảo ra bến xe ấy cũng phải hai cây số, lên xe taxi với tao, tao đưa đi. Tôi từ chối. Nhưng bà ép tôi đi bằng được, vẫn là cái giọng ra lệnh ấy.
Tàu dừng, mọi người lục tục đứng dậy. Oh, my topic! – thằng Ai Cập rú lên. Mấy tờ giấy nằm ngay trên chiếc ghế đối diện. Thì ra nãy giờ đám giấy đã bị bà chuyên viên ngồi lên.
Tôi bị bà chuyên viên kéo đi theo ra xe taxi. Bà đã đuổi thằng Nam Phi ra khỏi ghế ngồi của nó. Ai cũng thấy. Sao bây giờ bà chẳng cho ai đi nhờ xe mà lại cho tôi đi. Bà ưu ái tôi. Trước mặt cả mấy chục đứa sinh viên ngoại quốc. Tôi chui vào xe cùng với bà mà chỉ nghĩ đến ánh mắt của mấy chục đứa kia đang nhìn theo.
27/11/2019
Hồ Anh Thái
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Ai là kẻ giết nhiều vua nhất trong lịch sử Việt Nam
Ai là kẻ giết nhiều vua nhất trong lịch sử Việt Nam? Trịnh Tùng đã từng giết ông vua của triều đại đối nghịch với triều đại mình và sau đó...

-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Sự tích mặt đất và muôn loài Trái đất ngày xưa không được đẹp như bây giờ, một nửa đất sống, một nửa đất chết. Lúc ấy bề mặt quả đất ...