Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025
Dải âm thanh
Trong năm 2001, hai nhạc sĩ sáng tác và trình diễn là Trịnh Công Sơn, và George Harrison (thành viên ít nói nhất của ban the Beatles) đã lần lượt ra đi. Từ nay giới yêu nhạc sẽ không bao giờ được nghe những nhạc phẩm mới của hai tác giả nổi tiếng này; Vậy mà tôi vẫn có cảm tưởng “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây” (Tình Nhớ - Trịnh Công Sơn). Những bản nhạc mà hai tác giả này - cũng như nhiều nhạc sĩ khác – đã nhiều lần được hát lên, ngoài chuyện giúp vui, giải trí, còn có những tác dụng sâu đậm mà tôi nghĩ ít ai để ý đến. Những lời ca mà người nghe thích, và rồi không quên được, gợi lại những cảnh vật, hay phản ảnh được đúng tâm trạng của mình: tác giả bản nhạc như đã hiểu thấu được tâm tư của người nghe trong những nỗi đau, niềm vui mà đời mình đang, hay đã trải qua. Tôi còn nhớ rất rõ, tình cờ, tôi đã được nghe câu hát “Một ngày như mọi ngày” (Một Ngày Như Mọi Ngày - Trịnh Công Sơn) phát ra từ cái radio hiệu Telefunken một buổi trưa, trong căn gác nóng và nắng chói chan ở Sài Gòn, năm tôi còn học trung học.
Tuy cũng là chữ, nhưng so với ca dao, thơ và văn suôi, những lời ca dễ nhớ và dễ diễn tả hơn nhờ có âm và điệu của nhạc. Vì vậy, nhiều bài ca dao, hay thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc, và nhờ vậy đã được nhiều người biết đến hơn. Thí dụ: các bài Đêm Buồn (Ca dao – Nhạc Văn Phụng), Đố Ai (Ca dao – Nhạc Phạm Duy), Áo Lụa Hà Đông (Thơ Nguyên Sa; Nhạc Ngô Thụy Miên), Đôi Mắt Người Sơn Tây (Thơ Quang Dũng; Nhạc Phạm Đình Chương), Ngậm Ngùi (Thơ Huy Cận – Nhạc Phạm Duy), hay Mộng Dưới Hoa (Thơ Đinh Hùng; Nhạc Phạm Đình Chương). Riêng bài Mộng Dưới Hoa, câu thơ nguyên tác, “Tâm tư khép mở đôi tà áo” có lẽ vì bị vần, âm, và điệu của bài nhạc chi phối, đã được nhạc sĩ đổi thành “Áo bay mở khép nghìn tâm sự” mà nhiều người cho rằng còn hay hơn cả nguyên tác của thi sĩ. Tiếc rằng có những câu thơ hay, như “Cám ơn người đã cho tôi, Những thương nhớ lạ lùng từ bấy lâu” (Bùi Giáng), hoặc “Em đến miền đất lạ; Xa vời quê hương ta. Kinh thành, ôi lộng gió, Inh tai tiếng cable car, Wellington ánh đèn vàng mờ ảo, In hình gái Việt dáng kiêu sa” (Cali Bê Bê, bút hiệu của một sinh viên du học), mà lại chưa lọt vào mắt xanh – theo kiểu “Giận đời, nào ai mắt xanh” (Bánh Xe Lãng Tử – Trọng Khương) – của một nhạc sĩ yêu thơ nào, để được phổ thành nhạc cho nhiều người biết đến. Sự ra đi của một nhạc sĩ Việt và một nhạc sĩ Anh mà tôi rất hâm mộ khiến tôi tự nhiên muốn so sánh các bài hát Việt và Anh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Valentine cho người chưa gặp mặt
Valentine cho người chưa gặp mặt Trong nhiều lần bay qua Mỹ thăm gia đình, chúng tôi thỉnh thoảng có những chuyến layover tại một trong nhữn...

-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Sự tích mặt đất và muôn loài Trái đất ngày xưa không được đẹp như bây giờ, một nửa đất sống, một nửa đất chết. Lúc ấy bề mặt quả đất ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét