Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Hồn chữ

 Hồn chữ

“Mình đặt tên con là Mực nghe bà”! Ông Chín vui mừng nói với bà chín khi nhìn đứa bé mới chào đời còn đỏ hỏn là con trai tại nhà cô mụ xã. “Sao cũng được, tùy ông mà”. Bà Chín nhìn đứa con xinh xắn nằm bên cạnh mình, chậm rãi nói với chồng. 
Vốn kính yêu chồng, bà Chín chuyện gì cũng dịu dàng, chìu chuộng, nghe lời ông Chín. Mọi việc quan trọng từ trong nhà đến ngoài xóm, bà Chín đều nhường cho ông Chín một mình tự do quyết định. Xuất phát từ lòng yêu thương vợ, ông Chín hỏi vợ cho có lệ chứ ông cũng biết rõ ý của bà Chín dành sẵn cho ông đặt tên cho đứa con rồi.
– Tôi vui quá! Nơm nớp lo cho bà mấy bữa nay, tôi thấy lòng dạ không yên. Ông Chín vừa nói vừa nghĩ thương bà Chín. Người vợ cần cù chịu khó mỗi lần sinh con như một lần đi biển. Bây giờ thấy bà sinh mẹ tròn con vuông, ông tỏ ra vui mừng khôn xiết!
Con gà trống điều tốt mả của ông chín nhà sau cất tiếng gáy ó o, báo hiệu trời đêm đã quá canh tư. Không khí làng quê đêm khuya yên lặng như tờ, con người và cảnh vật lặng chìm trong giấc ngủ sâu. Chú tắc kè bông to kềnh nằm cạnh bồ lúa giọng chắt nịch, buông từng tiếng rời rạc, hòa lẫn tiếng dế, tiếng vạc sành rả rích nơi đám cỏ gà ngoài hiên nhà như đánh nhịp cho bản hòa âm thiên nhiên trong đêm của lũ côn trùng. Bỗng từ bầu trời tối mịt bên ngoài, tiếng chim heo bay đi ăn đêm kêu eng éc vang dội không trung, khiến bà Chín chợt tỉnh giấc ngủ. Bà Chín trổi dậy giắt mùng, rời khỏi chiếc giường gỗ xưa, chân lần mò dúi vào đôi guốc vông. Bà Chín bước dò tìm lấy hộp diêm, đốt sáng lên chiếc đèn bánh ú dầu dừa trên chiếc bàn nhỏ ở cạnh giường. Nhìn đứa con mới sinh mấy hôm nằm ngủ, miệng nó được mụ bà dạy, đang mủm mỉm cười, bà Chín cảm thấy lòng vui vô hạn, lâng lâng nỗi nhớ trong lòng…
Thời gian chuyển dạ ở nhà, đêm trước khi đến cô mụ Tư để sinh Mực, bà Chín nằm mơ thấy chuyện lạ thường. Giữa cánh đồng mênh mông, những đóa hoa sen đủ màu hồng, trắng, lam, vàng… san sát chen nhau, bỗng ngoi lên khỏi mặt nước một đóa màu đỏ to lớn rực rỡ giữa rừng lá mơn mởn xanh um. Hương sen thoảng đưa ngan ngát cả một vùng không gian bao la. Trùng điệp loài bướm, ong vo ve, đủ màu sắc nhởn nhơ bay lượn là là trên mặt nước tìm hương hoa. Phút chốc, cả một rừng sen tươi thắm lô nhô nhanh chóng biến thành những con chữ Hán vuông to, đẹp đẽ, sắc màu chói lọi, bay lỡn vỡn choáng ngập hết cả cánh đồng rộng trông như bàn cờ tướng khổng lồ. Những con chữ có hồn chen chút nhún nhẩy bay lượn không khác nào một ma trận… Tỉnh giấc, sinh ra Mực, trong cơn mệt mỏi, bà Chín còn cảm giác nghe thấy mùi hương thơm nhẹ thoảng bay khắp phòng.
Ngay từ lúc chưa hết tuổi thôi nôi, Mực đã là đứa con ốm yếu bệnh hoạn. Ông bà Chín hết sức cưng con, luôn kỹ lưỡng chăm lo đầy đủ cái ăn cái mặc cho Mực. Mới sinh ra vài tháng, Mực bị ghẽ lỡ cả thân mình. Theo lời chỉ bảo của bà con, Mực được ông bà Chín thoa máu lương trên vết ghẽ một thời gian dài, khiến nó bực bội, tỏ ra hôi tanh khó chịu. Bà Chín ẵm Mực ngồi xuồng cho ông Chín không ngại bơi đi khắp các nơi, tìm thầy thuốc hay mong chữa trị hết bệnh cho Mực.
Không gian bên ngoài báo hiệu đêm bắt đầu sang canh năm với tiếng chim heo kêu eng éc, ông Chín hay trở mình thức giấc. Chưa tỉnh ngủ, huơ tay sang cạnh bên, ông Chín hoảng hồn khi nhận ra thằng Mực con mình không có trên giường. Linh cảm khiến ông tốc mùng, nhanh nhẹn không kịp xỏ chân vô đôi guốc gỗ, và chẳng đốt lên được chiếc đèn dầu mù u, ông Chín hối hả đi một mạch xuống chiếc cầu ván cũ dưới bến sông vì nghĩ nó đi sông. Gần đến cầu, trong bóng đêm lờ mờ, ông Chín nhận ra hai chiếc dép nhỏ và có tiếng lỏm bỏm dưới sông. Hành động như phản xạ, ông Chín hoảng hồn chạy đến cầu, lao vội xuống vùng nước óng ánh trên mặt gần bên cầu. Lập tức, bác Chín đoán thầm trong óc: chắc chắn ….. rồi.
Hôm ấy, mùa nước nổi, sông Cái Tắc sâu hơn khiến ông Chín bị nước ngập sâu đến cằm. Nhưng cũng may, thằng Mực mới uống vài hớp nước… đã được cha nó nhảy ùm xuống sông cứu kịp. Hóa ra buồi chiều hôm trước, ngon miệng ăn nhiều sầu riêng nên gần sáng chột bụng, nó phải đi cầu đêm. Mực ngồi vịn thành cầu, miếng ván cũ long mối nối sút ra khiến nó bất ngờ bị rơi xuống nước.
Mấy hôm sau ngày té sông uống mấy hớp nước… may mắn được cha vớt kịp, Mực bị cảm nóng mê man, nằm một chỗ không thể chạy chơi. Ở nhà luôn dự trữ sẵn mấy gói thuốc tàu Đầu thống tán và một ống Aspirine trong tủ, bác Chín lấy ra cho con uống, nhưng bệnh Mực vẫn không thuyên giảm. Mới lên năm, nó nằm suốt ngày trên giường chỉ lếu láo ăn ít cháo, mà chẳng nói gì nhiều, khiến cho ông bà Chín lo lắng không yên. Chú Tư hàng xóm gợi ý là sợ bị “bà Thủy”, “Hà Bá” quỡ vì té sông. Cha mẹ Mực chạy tìm pháp sư về bắt bàn ngoài sân trước, đốt đèn hương cho pháp sư tụng kinh, hô thần gọi quỷ, rồi đốt vàng mả đỏ rực con đường rải đá xanh hai bên trồng đinh lăng từ nhà đến sông. Hai vợ chồng bác Chín cúi lạy khấn vái ông bà tổ tiên, thầy pháp kể lể trần tình… mấy đêm nhưng Mực vẫn không hết bệnh. Mực nằm liệt giường, bỏ ăn uống, ngày một ốm xanh, bệnh tình không thấy thuyên giảm khiến cha mẹ, anh chị nó xót xa trong dạ, ăn ngủ không yên. Bác Năm hàng xóm đến thăm, gợi ý ông Chín đưa Mực đến bà Đính, một bà lang già xuất thân là một nữ hành khất ăn mặc luộm thuộm lôi thôi ở dưới gốc me cổ thụ, bên xóm trên để trị bệnh cho Mực. Kỳ diệu thay, Mực uống thang thuốc nam thứ hai của bà Đính thì bệnh giảm dần, đến thang thứ ba thì hoàn toàn hết bệnh. Bác chín đem một con gà trống và một chục vú sữa lớn đền ơn lão nữ thần y tài danh đã chữa hết bệnh con mình trước khi nhận lời phán thêm của bà Đính:
– Về nhà chọn ngày lành tháng tốt thí phác đầu Mực thành ba vá, để không bị cõi âm quấy phá.
Về nhà, ông Chín hay nghe lời bà lương y đã trị hết bệnh đứa con trai cưng. Mực trở thành thằng bé đầu trọc ba vá, như chú tiểu nhà chùa.  Để bớt lo, ông Chín lại đi ký bán Mực cùng lúc cho cô Tư ở chùa Trúc Lâm sau nhà bác Chín phó vốn là công an xung phong xã, ở miệt trên và cô Chín ở chùa Tân Hưng, bên kia sông đối diện với nhà thi sĩ Ái Nhân Nguyễn Thành Khâm, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, tại ngả ba vàm kênh ông Nghệ. Cả hai sư cô trụ trì chùa đều cân nhắc kỹ và đồng ý với tên Mực ông Chín đặt cho và cái đầu ba vá cho đứa con trai của mình. Ngày rằm, ba mươi hay ngày vía Phật, bà Chín Hay ở nhà sắt chuối cho heo, gà vịt ăn, ông Chín dẫn Mực đi lễ chùa. Đứa con trai cưng của hai ông bà, mang bánh trái, nhang đèn, lẽo đẽo theo sau cha như một chú tiểu đồng. Như bao khách thập phương khác, bác Chín đi cúng chùa ngày rằm, ba mươi hay ngày lễ Phật. Mực theo sau cha, luôn đeo trước ngực lá bùa hộ mạng, đựng trong bao giấy nhỏ gói lại bằng chỉ đỏ bà Đính ban cho. Lá bùa như một vật bất ly thân Mực mang nó cho tới khi ra tỉnh học bắt đầu bớt bệnh mới thôi vì ngại bạn bè trông thấy.
Ngay từ thuở ấu thơ còn ở nhà tại làng quê chưa đi học, Mực có biểu hiện là một đứa bé ham học đến mức khác thường. Những buổi trưa yên ả vắng vẻ trong nhà, Mực thường lấy sách vở đi học của anh chị, đem ra đặt dưới nền gạch tàu đọc ê a suốt buổi, vẻ mặt ra chiều thích thú, khiến cha mẹ, anh chị Mực lấy làm lạ mà cảm thấy vui vui trong lòng. Chưa đến tuổi đến trường, Mực nhiều hôm đã nằng nặc đòi đi học. Ông bà Chín không cho, Mực giận lẫy, khóc lóc cương quyết không ăn cơm khiến ông bà chín phải dỗ ngọt con trai.
Trời ngã bóng phương đoài miền quê. Những gốc xoài già gân guốc xen lẫn hàng mận um tùm vườn cây sau nhà đứng im đợi gió, lổ đổ buông từng vũng bóng đen mờ xuống mặt đất khô như những vết mực loang trên trang vở học trò. Một luồng gió nhẹ thoảng qua, mấy chiếc lá khô lìa cành lác đác rơi xuống mặt đất khô khan, buông ra những âm thanh xào xạc u buồn.
Đám giỗ nội Mực đông đủ vui vầy ở nhà bác Chín sắp tàn, bà con chuẩn bị ra về. Trong cảnh chia tay quyến luyến của bà con, bỗng vọng lên tiếng la hớt hải của mấy đứa nhỏ bạn bè của Mực, chúng nó mặt mày tái mét từ sau vườn nhà người hàng xóm chạy về báo tin với bác Chín:
– Thằng Mực bị chó cắn rồi! Người người trong nhà hốt hoảng, bà Chín nghe tin như muốn đứng tim, từ trong nhà bếp kêu với bác trai: -Ông ơi, đi coi thế nào…? Ba thằng Mực mau đi. Bác gái giục giã thêm.
Đang tiễn bà con dự tiệc ra về, bác Chín hay mất hồn, vội vã chạy nhanh ra sau vườn nơi có tiếng trẻ nhỏ báo tin. Bác Chín nhảy vội như phản xạ vượt qua mấy cái mương cau rộng để tìm Mực. Bác Chín cảm thấy tim đập mạnh, mắt rưng rưng khi tìm gặp được Mực. Thằng bé nằm dài trên cỏ, miệng la khóc, một tay ôm bên mông bị chó cắn. Máu đỏ chảy loang từ vết thương ra ngoài, rịn ướt đỏ cả đít quần và chảy tràn lên bàn tay nhỏ bé của nó. Hóa ra, ngày giỗ trong lúc bà con, người lớn sau buổi tiệc xúm xít nói chuyện, Mực và một vài anh em cùng lứa trong họ rủ nhau đi lượm trái dâu sau nhà bà Năm Ốm hàng xóm. Đám con nít vô vườn bị con chó Vện to kềnh như con sư tử của bà Năm rượt đuổi. Tranh nhau chạy, Mực nhỏ nhất trong đám, lại ốm yếu, chạy sau cùng vấp té ngã nằm bệt xuống đất, bị con chó dữ đuổi kịp, cắn sâu một miếng vào mông trong lúc các bạn nó chỉ biết chạy hớt hải về nhà la thét báo tin. Bác Chín luồn hai cánh tay lao động cuồn cuộn gân xanh dưới thân Mực, bồng xốc nó lên ột ệch lội qua những con mương đi nhanh về nhà.
Nhà bác Chín thêm xì xào. Nơi một góc nhà, đau đớn Nam nằm thiếp đi trên bộ ván. Bà con lo lắng, nhiều người ở nán lại không về để tiếp bác chín lo chạy chữa cho Mực. Theo kinh nghiệm nhân gian, bác Chín hay nhận được mấy trái chuối lá ta chín muồi, đi nhanh ra trước mái nhà ngói rêu phong với một gáo nước mưa. Vẻ mặt lo lắng, bác Chín dùng tay phải, lấy hết sức bình sinh hất nước trong gáo lên mái ngói rồi đón xem nước chảy xuống chỗ nào trên mặt đất. Nơi ấy, thấm nước, đất mềm, bác Chín lấy con dao yếm khựi đất lên, đem nhào trộn đều với chuối chín, đấp nhanh vào vết thương bị chó cắn chặn cho máu không chảy ra sau khi lau sạch lớp máu hoen đọng.
– Nghe đỡ đau chưa con? Đang dọn dẹp từ sau nhà bếp, nghe ông Chín gọi Mực đang nằm rên ư ử, bà Chín bỏ hết mọi việc đi nhanh lên hỏi Mực. Thằng bé từ ban sang chưa ăn uống gì, nằm thiêm thiếp không trả lời, khiến người mẹ thương con trong lòng càng thêm xót.
Bà con hàng xóm nghe tin Mực bị chó cắn, lũ lượt đến thăm, không ngớt góp ý tìm cách chữa trị cho nó.
Vừa hết canh ba ngày hôm sau, để yên tâm, vợ chồng ông Chín hay dùng chiếc ghe tam bản nhà, mướn người chở Mực vượt sông Hậu qua tỉnh Cần Thơ đến nhà thương trị bệnh cho Mực.
Nằm khiêm tốn bên những gốc dừa lão cao và cây bã đậu, nhà thương Bùi Hữu Nghĩa lèo èo mấy dãy trệt, thiếu thốn nhiều phương tiện thiết bị y khoa, ngày đêm vẫn đón bệnh nhân từ bốn phương. Đội trời đêm, chiếc ghe tam bản kẻo kẹt chở Mực, theo sông Trà Mơn vượt qua sông Hậu đến Cần Thơ vào buổi sáng. Sau khi bác sĩ chuyên khoa bệnh viện quan sát kỹ vết thương bị chó cắn khám bệnh cho Mực, nó được uống thuốc giảm đau và một cô y tá chích luồn dưới da nơi rốn Mực một mũi thuốc bằng cây kim dài trông phát sợ khiến nó nhăn mặt chịu đựng nhưng không khóc. Văn được cho về phòng tạm chờ xét nghiệm trong tình trạng không bắt được con chó dữ mang theo.
Buổi chiều hôm ấy, bác sĩ chuyên khoa tái khám Mực cho biết con chó cắn Mực có nọc dại nguy hiểm. Mực phải nhập viện để bác sĩ thường xuyên theo dõi bệnh tình đúng chế độ điều trị. Biết tính thích yên lặng, rất sợ cảnh ồn ào nơi đông người và không khí ngột ngạt ở bệnh viện, bác Chín hay thương con, xin cho Mực được ngoại trú. Thời gian điều trị hơn ba tháng vì ác bệnh, bác Chín gái và các chị thay phiên nhau ở lại bệnh viện với Mực. Mỗi lần ra tỉnh, bác Chín phải nhiều lần thuê người chèo ghe từ nhà ròng rã hơn mười cây số vượt sông lớn đi tái khám cho con. Dọc đường, đôi lúc bệnh làm Mực đau đớn, rên khóc khiến lòng bác Chín cũng bầm gan tím ruột với con. Sang tỉnh chích thuốc được mấy lần, bệnh Mực xem ra có phần thuyên giảm, được bác sĩ cho Mực xuất viện. Trên đường về nhà sau khi chích thuốc xong tại nhà thương, bỗng Văn kêu than đau nhức, lăn lộn  trên ghe. Đôi lúc Văn ngất lên người ta bảo là bị ngộp nước khiến bác Chín lo lắng, nghĩ là có thể nọc dại con chó hành nó. Về nhà, thấy Mực lại trăn trở, khóc la lúc bệnh hành, hai vợ chồng bác Chín lo xa, định đưa Mực lên viện Pasteur Sài Gòn tiếp tục chữa bệnh cho con trai với suy nghĩ còn nước còn tát.
Nhưng mấy hôm sau, không ngờ Mực có biểu hiện hết bệnh, hai vợ chồng bác Chín các chị thở phào nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết. Bác Chín gái, theo lời dặn của bác sĩ, hết sức kỹ lưỡng cho con trong việc ăn uống, tuyệt đối cử đậu xanh và giá với người bị chó dại cắn. Thương con, bác gái chỉ cho Mực ăn thịt nạc heo và tìm mua cá lóc lớn nấu cháo bồi dưỡng cho con mau phục hồi thể lực, chuẩn bị cho Mực đến trường. Cảm thấy vô cùng sung sướng chờ ngày khai trường, Mực nghêu ngao hát suốt ngày khiến cả nhà cũng vui lây với nó.
Thoát được bệnh bị chó cắn, niềm vui được đi học chưa được bao lâu, Mực bắt đầu bị bệnh suyễn do hệ lụy từ khi bị cắn bởi con chó có nọc dại. Bệnh suyễn ác độc bắt đầu hành hạ Văn tàn tệ với cơn hen khó thở mỗi khi thời tiết trở lạnh nhất là lúc vào đông hay bắt đầu vào mùa nước lớn. Khi bị kéo đờn cò (lên cơn hen), ban đêm Mực phải dựa vào vách nhà hoặc gối dựa để ngủ ngồi mới thở nhẹ được đôi chút! Nhiều đêm khi thấy con bị bệnh, bác Chín phải thức suốt đêm, ngồi sát bên, trông chừng cho Mực ngủ. Ăn uống lại phải hết sức cử kiên, không được ăn đồ lạnh bụng, trứng gà, thịt bò…
Cách mạng tháng tám thành công, muôn người hồ hởi với niềm vui chiến thắng của dân tộc chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay đầu trở lại mưu toan tái chiếm Nam bộ, thanh niên lên đường đuổi giặc cứu nước. Trường học Tân Quới bị thực dân bắn phá tan hoang trong một lần ruồng bố, trở nên tiêu điều. Đến tuổi đến trường nhưng Mực phải ở luôn tại nhà vì chiến tranh. Mực bị trễ hai năm mới bắt đầu đi học tạm tại một ngôi chùa cổ sau nhà lồng chợ xã. Trường học dã chiến cách sông, xa nhà gần năm cây số, những lúc Mực lên cơn hen suyễn, ông bà Chín cưng con, muốn nó ở nhà. Mực không vừa lòng, phản ứng lại bằng cách không ăn cơm. Nó chui xuống dưới bộ ván trong nhà hoặc trốn luôn ở đám lùn rậm sau vườn, bắt các chị, và cha mẹ phải đi tìm. Thân thể ốm gầy, mặt mày hốc hác vì bệnh, trong bộ đồ bà ba đen với cái đầu ba vá, ngày ngày Mực vẫn chăm chỉ đến trường mà không chịu bỏ buổi học nào.
Buổi xế trưa yên vắng, bà Chín chăm chú sắt chuối cho heo ăn sau ngoài hè, ông Chín nằm võng xem truyện Tàu bên hàng rào mắt cáo trước nhà, Mực lúi húi vào bếp bươi tro tìm những cục than điên điển mềm.
– Gần đèn thì sáng/ Nước chảy đá mòn/ Nhân sinh bất học minh minh như dạ hành (người không học mịt mù như kẻ đi đêm) hoặc: Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lý (Ngọc không mài giũa không thành ngọc tốt/ Người không học không biết nghĩa lý).
Mực chăm chỉ viết đầy những tư tưởng đẹp hoặc câu tục ngữ ý nghĩa lành mạnh trên vách gỗ sạch giữa nhà, rồi nhìn lại nghêu ngao đọc to như ca hát, ra vẻ thích thú. Liếc mắt nhìn không sợ con làm dơ, bác Chín trìu mến nhìn Mực cảm thấy vui trong lòng. Những buổi chiều quang đảng không đi học, Mực ra ngồi trước sân nhà, lấy nhánh cây hí hoáy viết vẽ trên mặt đất. Ba năm học bậc sơ đẳng tiểu học, Mực luôn là đứa học trò học giỏi và hạnh kiềm tốt, được thầy Quế, thầy Hai và các bạn học thương mến.
Bệnh suyễn vẫn tiếp tục giày vò, hành hạ thằng bé chăm học. Đề phòng phải uống cho hạ bệnh khi cơn suyễn lên đột xuất, Mực đi học với bọc tiêu sọ và chai thuốc suyễn Nhơn sâm trừ đàm hạ khí hiếu suyễn hoàn của nhà thuốc Á Châu tại Chợ Lớn, bỏ vào hai túi áo quê hương.
Thương con bị bệnh ăn ngủ không yên, bác Chín hay thuê ghe chở Mực lặn lội đi tìm thầy thuốc hay ở bất cứ nơi đâu. Khi chèo ghe đội mưa gió trên sông Hậu đến tận Bùng Binh, Bến Bạ xa xôi, có lúc bác Chín trai tự tay một mình gian nan bơi xuồng chở Mực, gồng sức già cho xuồng cưỡi lưng những con sóng lưỡi búa, sóng bạc đầu nguy hiểm sang đến Sân Trắng, Cái Trôm bên kia sông Hậu mong trị hết bệnh cho con. Thấy Mực chưa hết bệnh, nghe lời bà con chỉ bảo, bác Chín bắt Mực nhắm mắt nuốt thằn lằn sống hoặc nhăn mặt uống dây cóc đắng ói mật mong cho Mực khỏi bị bệnh quỷ hành hạ.
Một lần, nghe nói cấy nhau (Filatov) sẽ hết bệnh dữ, bác Chín cũng chở Mực sang Cần Thơ nhờ bác sĩ Lê Văn Thuấn cấy một cục nhau tươi to bằng đầu ngón tay cái ở cánh tay Mực. Lần thứ hai gian truân hơn, giữa ban ngày, bác Chín không ngại bị máy bay giặc bắn, tự tay bơi xuồng, vượt đập nước nguy hiểm lởm chởm cọc gỗ, chở Mực vào vùng trong ở cuối rạch Thông Lưu, nhờ cán bộ y tế Việt Minh cấy nhau khô vào ngực Mực. Nhờ vậy, bệnh suyễn Mực có phần thuyên giảm nhưng chưa dứt hẵn.
Thi đỗ cao Hạng Ưu trong số rất ít học trò được sang Cần Thơ, Mực tiếp tục vào học lớp Nhì E với thầy Thái Công Ngữ nhà ở đầu cầu Đôi Cái Khế. Còn nặng nề mang bệnh suyễn, Mực vẫn học giỏi, luôn đứng đầu lớp trong số trên sáu mươi học trò của lớp. Thầy Ngữ rất yêu thương Mực vì nó là đứa học trò ngoan giỏi. Dù vậy, những khi làm sai ý thầy, Mực vẫn chịu phạt bằng những cái bạt tay nẩy lửa của thầy làm nó tối tăm mặt mày mà không bao giờ dám hờn thầy hoặc về quê nhà mét lại với cha mẹ. Vì mét mình bị phạt với ông bà Chín, Mực sẽ tiếp tục bị quỡ rầy và phải chịu đòn thêm. Lên lớp Nhất A (Cours Supérieur A, nay là lớp 5) học với thầy Hồ Quang Sớm nhà ở đường Nguyễn Thái Học, Mực vẫn là đứa học Ưu hạng được khen thưởng về nhiều mặt với giấy Ban Khen vào cuối tuần và Bảng Danh Dự hằng tháng. Thầy Sớm dạy giỏi, tận tâm với học trò nhưng rất nghiêm khắc. Dù học xuất sắc, đôi lần, Mực vẫn bị thầy phạt yêu bằng những cú nện bằng nắm tay thình thịch của thầy vào lưng hoặc những cái lôi chúm tóc mai đến muốn té đái mà nó vẫn yêu thương kính trọng người thầy đã hết lòng dạy dỗ học trò.
Dù tốn kém cực khổ cho Mực và các em nó ăn học, ông Chín Hay vẫn tự hào vì Mực xứng đáng là con trâu đầu đàn, cầm bầy cho các em nó. Những Giấy Ban khen và Bảng Danh dự Mực được nhà trường ban thưởng đem về, ông Chín đem dán hết lên chỗ vách cao hoặc lồng vào khung kính, treo ở nơi trang trọng để bà con hoặc khách đến chơi nhà trông thấy. Sang học Trung học ở tỉnh Cần Thơ, Mực đi học thêm võ thuật mấy năm, khi lên được đai đen võ sư, nó mới dần giảm bệnh. Mực bắt đầu đi kèm dạy thêm cho các em học lớp dưới nó, hoặc vẽ tranh thờ bán lấy tiền đi học thêm và mua sách đọc.
Lúc đầu ở làng quê mới ra tỉnh, dù học ưu hạng, Mực vẫn còn vướng vài môn chưa đứng nhất lớp. Nó ấm ức nhìn lại những bạn giỏi đều các môn ở lớp khác rồi tự hỏi :Tại sao nó làm được mà mình không làm được! Hỏi là để kiếm tìm ra phương án hiệu quả thực hành, cương quyết phải đạt đỉnh điểm toàn năng mọi môn. Mực lên kế hoạch khoa học khúc chiết rõ ràng để triệt tiêu những con điểm cuối nằm bảng. Mực gom các bài điểm nhỏ lại, quan sát kỹ rồi lập một đồ thị theo thứ tự ngày tháng trên trục hoành độ, và số điểm trên trục tung độ.
Như vậy, đường biểu diễn chỉ sự tiến bộ hay thụt lùi của việc học hiện rõ ra trước mắt để người học theo dõi môn học trong tháng hoặc học kỳ. Từ đó mà phấn đấu lên để khắc phục sự yếu kém, chưa tiến bộ của mình. Bao nhiêu môn còn kém là phải lập bấy nhiêu sơ đồ. Mực nghĩ: mê chữ, muốn học giỏi, phải biết dùng thì giờ. Thì giờ là tiền bạc (le temps, c’est de l’argent/ Time is money), nó sắp xếp giờ học, giờ chơi rõ ràng với quy định tự thân vô cùng quyết liệt: Giờ nào việc đó /Học thì không chơi, chơi thì không học, đâu ra đó, để làm kim chỉ nam hành động.
Mực lập một thời gian biểu rồi dán ngay trên vách, trước bàn học của mình bên cạnh vài tư tưởng đẹp như: Không tiến là thoái/ Thất bại là mẹ thành công. Với ý chí sắt đá và quyết tâm bất di bất dịch đó, Mực từ một học trò khá, không bao lâu đã trở thành một học trò giỏi toàn năng, ưu việt vượt trội các bạn, đứng đầu tất cả hơn mười môn học trong chương trình. Là đứa mê sách lạ lùng và nghiện chữ khác biệt, Mực vẫn phải tiếp tục dạy kèm cho các em lớp dưới để có tiền đi học thêm mua tự điển và sách tham khảo. Mỗi lần mua về quyển sách mới, Mực sung sướng như được gặp lại người bạn đồng điệu sau thời gian dài xa cách. Mực nhẹ nhàng mở bị lấy sách ra mân mê, thong thả ngắm nghía từng dòng chữ hai bên bìa, chậm rãi lật xem qua bên trong. Mực cầm sách đưa lên mũi ngửi để cảm nhận được mùi rơm thơm hăng hắc, tỏa ra từ những trang chữ xinh xắn đáng yêu còn đọng vẻ tinh khôi của quyển sách quý như một cô dâu mới. Chiến thắng nối tiếp thành tựu, Mực được gởi đi dự thi và trúng tuyển trong các cuộc Tranh Giải Trạng Nguyên các môn Việt Văn, Anh, Pháp, Toán …tại Sài Gòn khiến ông bà chín ở quê vô cùng hạnh phúc và tự hào với bà con làng xóm đã một đứa con xứng đáng.
Cay đắng vươn lên từ nghiệt ngã, biến bệnh tật thành ý chí, ‘Dĩ bất biến thành vạn biến’, học hay sống đẹp ở nhà trường, Mực luôn được đánh giá xuất sắc về cả hai mặt đạo đức và học tập, bao giờ cũng được thầy cô thương yêu và bè bạn dành cho nhiều tình cảm quý mến. Đến khi lên Đại học ra trường, Mực bắt đầu đi làm nghề gõ đầu trẻ thì dứt hẳn bệnh suyễn ác tính cho đến ngày nay.
Quê hương Mực, Tây Đô văn hiến, đất cầm thi gạo trắng nước trong – thành phố mùa xuân giờ đây đã ấn tượng với chiếc cầu thế kỷ mang dáng đứng miệt sông Chín Rồng. Từ thuở ấu thơ, Mực bị coi thường, chết danh với thằng Mực đầu ba vá nhưng cuộc đời nó về sau không là màu lông chó mực đen đúa tối tăm mà là màu mực đỏ, biểu tượng của thành tựu và chiến công rực rỡ. Thằng bé Mực ốm tong teo bệnh tật mà ham học, ngày xưa đã ba lần chết hụt hôm nay đường hoàng là một thầy giáo Văn chương đa ngữ sau Đại học. Văn không chỉ ngày ngày đứng lớp cầm phấn dạy văn chương, ngoại ngữ cho học trò mà tay phải anh còn cầm bút viết văn, tay trái cầm cọ vẽ tranh và là một phiên dịch viên có đủ tư cách pháp nhân dịch 9 thứ tiếng: Anh – Pháp – Đức – Hoa – Hàn – Nga – Ý – Tây Ban Nha – Nhật…
Nhưng thật trớ trêu, Văn cam chịu lắm hệ lụy không hay của một con người suốt kiếp vương mang hồn chữ. Không ít người thấy Văn, rồi tự nhìn lại mình, sau đó đâm ra đố kỵ, làm mất tính nhân văn ở con người tri thức. Vậy mà, chứng nào tật nấy, đôi khi Văn tỏ ra còn rất sung mãn, hẹn bằng hữu giàu chất sĩ và nhóm đệ tử yêu văn nghệ ham hố xuống núi, đi biểu diễn thư pháp, vẽ ký họa ngoài đường phố hoặc tại cơ quan, hội chợ vào những ngày lễ Tết, khiến có người thêm chướng tai ngứa mắt.
Thằng Mực năm xưa giờ đây đã hiển thị nguyên hình chân dung thầy giáo Văn đa phương, hết bước chân vào làng Vẽ, lại lân la đến xóm Văn, chung thân muốn làm tên phu chữ
nên bị không ít người dị ứng. Lúc còn cắp sách đến trường, Văn đã bị người chê là ông cụ non, già trước tuổi khi thấy nó cứ lầm lì một mình giữa rừng sách hoặc trong phòng vẽ. Khi lớn lên ra đời, Văn tiếp tục bị coi là thằng đàn ông ngờ nghệch, có nữ tính, không biết hưởng thụ vì cuộc sống trông như khép kín của mình. Văn cũng chẳng màng nghĩ đến việc họ coi mình ra sao, anh dửng dưng sống nội tâm riêng với nhân sinh quan lành mạnh của mình. Duy có điều còn khiến nhiều lúc Văn cảm thấy đau đáu trong lòng.
Trong cuộc sống vĩ đại tươi đẹp từ lâu quê hương xã hội đã mang đến cho anh, Văn tự nghĩ mình chưa làm được điều gì xứng đáng cho đất nước trong cuộc đời vô cùng đáng sống của anh: “Làm gì hơn, ta mãi nghĩ băn khoăn/ Vì cuộc sống là thiên đàng bất tuyệt” (W. Wordsworth). Văn tự coi mình có nghĩa vụ phải làm gì tốt đẹp hơn cho cha mẹ với công lao sinh dưỡng cao dày, cho thầy cô với nghĩa ân dạy dỗ nghìn trùng, cho bè bạn thân yêu từng sẻ chia đùm bọc cho anh. Và vọi vọi trên đỉnh cao, với Văn vẫn là bổn phận đối với quê hương máu thịt anh gắn bó suốt đời – mảnh đất thiêng đã cho Văn có nơi chôn nhau cắt rún, để anh được có mặt và có thể được tự hào là hậu duệ của vua Hùng và con cháu Bác Hồ.
26/5/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sáo ơi về đâu… Bữa con sáo xổ lồng bay mất, út Đua như gà mắc dây thun, cứ vào ra với chiếc lồng trống trơ. Nhìn phát tội. Không biết út Đ...