Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

“Mưa xuân” ướt đẫm bi kịch lỡ làng của mối tình đầu trinh khiết mùa xuân

“Mưa xuân” ướt đẫm bi kịch lỡ làng của mối tình đầu trinh khiết mùa xuân

Không biết vô tình hay hữu ý mà tạo hóa đã ban tặng con người bao vẻ đẹp mong manh, dịu dàng, sâu lắng mà cũng khá đậm đà, hằn sâu. Và trong những cái đẹp đầy vẻ hư hao ấy, có nhiều sự vật chỉ đẹp nhất, rực rỡ, ấn tượng nhất khi nó đương vào độ phai tàn, khi bắt đầu rơi rụng, mất mát. Nhìn màu tím ngát pha chút trắng dịu dàng trong mát của hoa xoan ngày cuối xuân mà lòng thấy sẽ sàng, rung động bâng khuâng về một nét đẹp đang tàn phai mà rực rỡ. Cái bình dị, thô sơ nhưng làm nên nét duyên quê, hồn quê, tình quê và sắc quê riêng. Hoa xoan trong làn mưa xuân giăng mắc hư ảo cứ rơi, rơi trong tơi bời, trong tan tác để một lần cuối phô hết cái đẹp của mình, làm nhói lòng người bao cảm xúc trong trẻo, bao hoài nhớ, hoài thương về cái ngày xưa tinh khôi đã qua. Và chính lúc ấy, đi về trong điệu hồn ta là điệu hồn cảm xúc của Nguyễn Bính cám thấu cái thần thái mưa xuân, cái mối tình đầu nhỡ nhàng của cô gái đang tuổi xuân thì ở chốn đồng quê nội cỏ Việt Nam thân yêu. Cảnh và tình như những sợi ngang, sợi dọc đan quyện vào nhau để hồn ta rung lên lời tha thiết, bật lên tiếng nghẹn ngào “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”

Mưa Xuân  Nguyễn Bính 
Em là con gái trong khung cửi 
Dệt lụa quanh năm với mẹ già 
Lòng trẻ còn như cây luạ trắng 

Mẹ già chưa bán chợ làng xa 
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay 
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy 
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ 
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay" 
Lòng thấy giăng tơ một mối tình 
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh 
Hình như hai má em bừng đỏ 
Có lẽ là em nghĩ đến anh 
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn 
Em ngửa bàn tay trước mái hiên 
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh 
Thế nào anh ấy chả sang xem! 
Em xin phép mẹ, vội vàng đi 
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe 
Mưa bụi nên em không ướt áo 
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem 
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh 
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em 
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang 
Thế mà hôm nọ hát bên làng 
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn 
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! 
Mình em lầm lụi trên đường về 
Có ngắn gì đâu môt dải đê! 
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt 
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya 
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay 
Hoa xoan đã nát dưới chân giày 
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ 
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày" 
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
Bao giờ em mới gặp anh đây? 
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ 
Ðể mẹ em rằng hát tối nay? 
                               (1936)

      Mưa xuân khởi đầu cho mùa non, khơi lên những rung cảm đầu đời của mối tình trinh khiết trong lòng cô gái xuân quê…
      Đọc thơ Nguyễn Bính, mỗi chúng ta đều bị huyễn hoặc bởi một thế giới chân quê của hương đồng gió nội. Ta cứ đi về mãi theo những bước chân phiêu lãng của kẻ du tử tưởng như quen nhàm nhưng vẫn đầy xao xuyến, vẫn thấy bao điều thắm tươi, mới lạ, xinh đẹp trong cái trong veo của sự bình dị, thô dã. Và “Mưa xuân” là sự khởi đầu cho một không gian nghệ thuật đặc trưng của người thơ “quê mùa như Nguyễn Bính” (Hoài Thanh). Bài thơ được bắt nhịp bởi giọng thơ kể lể, thở than quen thuộc mang đậm chất dân gian. Dường như nhà thơ đang hòa lòng mình theo nhịp đập trái tim của cô gái quê để dẫn dụ người đọc vào thế giới của cảnh xuân, tình xuân theo điệu mưa xuân lả lướt, huyền hoặc chốn quê mùa:
Em là con gái trong khung cửi 
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
 
Lòng trẻ còn như cây luạ trắng
 
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
          Khổ thơ mang cái giọng dịu dàng, êm đềm và duyên dáng đặc trưng của cô gái quê trong tuổi xuân thì. Hình ảnh em xuất hiện “trong khung cửi” cùng công việc “dệt lụa quanh năm với mẹ già” đã xác nhận một không gian, thời gian tương hợp, hài hòa với con người đến lạ lùng, tuyệt diệu. Đó là thế giới của sinh bình yên, thuần khiết, thê giới của mùa xuân, thế giới của con gái. Cách giới thiệu của em khiêm nhường mà cũng đầy kiêu hãnh về sự thuần hậu, trong sáng của cung cách sống mang mộng bình yên muôn thuở sau lũy tre làng. Nghệ thuật so sánh “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ mẹ già chưa bán chợ làng xa” đã tôn lên vẻ đẹp nõn nường, kín đáo của em. Vài lời giới thiệu thôi nhưng đã cất chứa trong lòng nó cả thế giới của xuân tươi, xuân thắm, của con gái xuân thì trinh trắng, tinh khôi, mang nét thơm tho, sáng ngời như tấm lụa bạch. Tâm hồn của cô gái là cả thế giới trong veo những cảm xúc vẹn nguyên, những vẻ đẹp nguyên khối. Nhưng cái cảm xúc mang bản nguyên trong ngời, trinh bạch ấy đã xao động, đã không còn bình yên trong thế giới khung cửi, thế giới con gái kể từ “bữa ấy”, “bữa ấy – mưa xuân”:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay 
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
 
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
 
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"

   Ngay từ những nét bút đầu tiên, Nguyễn Bính đã là thi sĩ của mùa xuân, của tình quê, tình xuân. Cái điệu mưa xuân trong khổ thơ đã khiến bao thế hệ bạn đọc nhớ mãi khôn nguôi, đã bị quyến rũ như một thứ bùa không dứt. Cái động thái “mưa xuân phơi phới bay” hòa điệu cùng điệu rơi buồn của “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” đã nảy lên hồn cả một khoảng trời xuân thôn dã. Sắc tim của hoa xoan như nhòe mờ dần trong làn mưa xuân nhòa ướt như một nét vẽ mơ hồ cho bức tranh thủy mặc về chốn quê nhà. Tất cả như đang căng lên, phơi phang, ngợp đầy, hừng hực một sắc đẹp, một sức xuân. Tất cả như đang ở độ tuổi dậy thì phơi phới, dào dạt. Sắc xuân, động thái của hồn xuân như đang mang đến xuân tình, làm náo nức tâm hồn xuân của cô gái. Và tiếng trống chèo của hội làng quen thuộc vang lên khiến cô gái thêm phấp phỏng, thêm hồi hộp xốn xang. Đất trời đang trở mình, đang ứa tràn căng ngực một sức xuân, em cũng đang dậy tình cùng xuân. Xuân mang nỗi niềm, mang khao khát của cô gái nhưng chính mưa xuân và hoa xoan phơi phới bay kia cũng chính là tác nhân, là “thủ phạm” để cô bùng dậy đi theo tiếng gọi của rung động yêu đương, của cái tình lan tỏa ngập tràn từ tâm hồn đến không gian đất trời.
          Mưa xuân giăng những mối tơ vương trong lòng người. Sợi tơ trời ấy như đang xe duyên cho những sợ tơ lòng vấn vít, hòa quyện trong mối tình đầu ngây thơ, e ấp, trắng trong mà nồng nàn, tha thiết:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình 
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
 
Hình như hai má em bừng đỏ
 
Có lẽ là em nghĩ đến anh
          Đọc khổ thơ, tôi thực sự thấy sợi tơ lòng của mìn rung lên theo sợi tơ lòng của cô gái, của thi nhân. Nguyễn Bính đã bắt mạch được tâm hồn “lần đầu rung động nỗi thương yêu” của cô gái quê trinh trắng bằng sợi tơ ngôn từ thật tinh, thật mảnh, thật thắm và ý nhị. Sắc thái dân gian ùa vào làm cho cả một thế giới của mưa xuân ngợp một điệu hồn xóm thôn thuần Việt. Từ “giăng tơ” dùng vừa đúng, vừa trúng, vừ tinh, lại vừa tình. Nó là tơ lụa của khung cửi gắn với công việc cô gái quen làm; nó cũng là sợi tơ tình đầu tiên mà lòng cô đang vương mắc. Cho nên cô mới cảm nhận mơ hồ, đầy hoài nghi và bóng gió: “hình như”, “có lẽ”. Hai từ ý nhị đã giãi bày được cái cảm xúc luyến ái đầu đời có mà như không rõ, thực lòng muốn nhưng còn ngập ngừng, e lệ. Mối duyên quê ấy mới vừ được nhen lên còn e ấp như hoa hàm tiếu. Cái gò mà “bừng đỏ” mang chút xấu hổ nhưng sao lại duyên quá, đẹp quá! Cùng với mưa xuân, bóng dáng anh vào lòng em, biến sắc trắng của lòng thành sắc đỏ ngời lên nét mặt. Cái cảm xúc “yêu” hiện lên rõ rệt như đóng dấu trên khuôn mặt nhưng em vẫn như muốn chối, muốn lưỡng lự, ngập ngừng, ngượng nghịu một chút. Cho nên, nỗi nhớ cũng chỉ chạm nhé, hơi vương mà thôi - “Có lẽ là em nhớ đến anh”. Bắt đầu nhớ là em bắt đầu bước vào lãnh địa của tình yêu, của cõi yêu. Yêu và nhớ gắn liền, xoắn xuýt như là bản chất và biểu hiện của một trạng thái cảm xúc duy nhất – Yêu. Do đó, cái sự biến sắc từ trong lòng đến nét mặt kia là dấu hiệu đầu tiên để khởi sự cho những biến động tiếp theo sẽ xảy đến trong lòng cô gái, trong cuộc sống và cả cuộc đời của cô. Em đã giã từ vương quốc bình yên của khung cửi, của một cô bé ngây thơ để nhập tịch vào địa phận quốc gia của cô gái e lệ, đằm thắm. Em giã từ thế giới bình yên muôn thuở của tuổi dại để bước ra thế giới của mưa xuân, tình xuân. Em dệt tấm lụa bạch cuối cùng của lòng thơ trẻ để bước đi cùng với mùa xuân dệt tấm chân tình cho mối tình đầu, để được tự mình làm một con thoi yêu.
… từ đó, cô gái – con thoi yêu - đã sống hết mình cho mối tình thơ, cho tình đầu cùng mưa xuân…
          Những cảm xúc luyến ái đầu đời vốn đẹp, tinh và trong. Để thể hiện cảm xúc đó của cô gái xuân, Nguyễn Bính đã dùng lối diễ đạt khá ý nhị, tình tứ, làm bật lên cả những tình cảm tưởng như mong manh, mơ hồ nhất:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn 
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
 
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
 
Thế nào anh ấy chả sang xem!
          Màn đêm buông nhưng không phải là dấu hiệu của một cái kết nào. Nó chính là một khởi đầu – khởi đầu cho một mối tình bằng cuộc hò hẹn đầu tiên, khởi đầu cho những rung động, những hồi hộp, hân hoan, cũng là sự khởi đầu cho cái bi kịch lở dở của sau này. Hàng xóm bốn bên lên đèn cũng là lúc em thắp lên trong lòng những náo nức vẹn nguyên trước cuộc hò hẹn. Cái cách “em ngửa bàn tay dưới mái hiên” xem mưa thật chân quê. Những chấm mưa chợt lạnh, một cái lạnh nhẹ nhàng, lan tỏa nhưng cũng đủ sức làm lòng em thêm xốn xang. Nó là lời thì thầm mời mọc của mưa xuân, của tình yêu tuổi trẻ. Chấm lạnh của giọt mưa xuân xui khiến lòng em tin vào một ý niệm như bất biến, một niềm tin thanh khiết và mãnh liệt “thế nào anh ấy chẳng sang chơi”. Tin, mong, nhớ, khao khát, hy vọng… tất cả làm nên một thế giới tâm hồn đa chiều của cô gái quê trong những rung động đầu đời. Để rồi tất cả thôi thúc em, để em xăm xăm trong màn đêm đến nơi hò hẹn, tình tự:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi 
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
 
Mưa bụi nên em không ướt áo
 
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
          Cái động thái “vội vàng” không chỉ là là vội vàng bước đi mà còn là cái vội vàng của nỗi lòng đầy khao khát dâng tràn. Em đi nhanh nhẹn chẳng khác nào một con thoi đang thoăn thoắt đưa dưới muôn ngàn sợi tơ mưa, sợi tơ tình đan dệt mối duyên tình đầu. Không hiểu sao đọc đến khổ thơ này, tôi luôn hình dung một cô gái chào mẹ nhanh, bước đi nhanh, thậm chí xống áo chưa kịp sửa sang chỉn chu để bước ra đường, để đến với hội làng Đặng. Một mình trong mưa xuân nhưng em nào thấy cô đơn, nào có tủi hờn. Vì mưa chỉ là mưa bụi thôi nên không ướt áo. Mưa lây rây lả lướt như thêm gợi tình, gợi buồn, giăng trong lòng em cảm xúc về tình yêu đẹp đẽ, trinh khôi. Màn mưa huyền hoặc trong bóng đêm huyền bí như thêm cho cái tình của em một nét lãng mạn, một nét duyên e ấp, chúm chím. Và khi lòng yêu dâng đầy, thì mọi khoảng cách trở nên gần gũi, thậm chí vô nghĩa, tiêu tan. Thôn Đoài chỉ cách có một thôi đê thôi, có xa xôi gì đâu. Em “vì hoa nên đánh đường tìm hoa”, không quản ngại, không bận lòng vì những khoảng không địa lý ngắn ngủi. Thôi đê cứ nâng bước chân em, cứ truyền cho nó những cảm xúc của tình xuân cho lòng xuân thêm lai láng.
…để rồi, em đến hội vẫn mong, ngóng, chờ và tìm… “anh”:
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
 
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
 
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
          Em đến hội. Thôn Đoài vẫn hát Chèo thâu đêm, những giai điệu ngọt ngào, ngât ngất của đồng quê nội cỏ quê ta. Nhưng em đâu có để ý. Lòng em, tâm trí em không có âm thanh, hay nói đúng hơn là không có chỗ dung nạp âm thanh ấy. Em chỉ có một hướng, một đích duy nhất là anh. Không anh tất cả đều vô nghĩa, nhạt nhẽo, nhòa mờ, không còn ý vị. Mọi người mong chờ Hội làng Đặng để nghe đám hát Chèo thôn Đoài thim ngược lại, chẳng mấy tha thiết. Cảm xúc nhớ mong, chờ đợi, khao khát nay đã thành hành động dõi tìm, kiếm tìm diết dóng. Hình ảnh cô gái chen chân giữa đám hội đông đúc, náo nhiệt cứ mải kiếm tìm, chạy chỗ. Ánh mắt cô thao thức, dõi soi về nhiều hướng, bàn chân cứ bước, cứ kiếm hoài khắp đám hội. Cô như muốn dõi xa, muốn nhìn thấu khắp không gian để thấy bóng hình anh trong bao người của đêm hội. Và trong phút mong ngóng ấy, cô đã mang trong lòng chút hoài thương, hoài nhớ về cái không gian thơ dại hoa niên của khung cửi xưa. Nguyễn Bính đã phát hiện khá tinh cái phút nhìn lại, cái khoảng lặng của tân hồn cô gái khi nghĩ đến khung cửi, thoi ngà lạnh lẽo trong cô đơn, trong mong đợi. Ở đây có sự giằng co trong tâm trạng cô gái. Cô bỏ mặc giường cửi lạnh, thoi ngà nhớ trong đêm mưa để đi đến với tình yêu, với hẹn hò những cô lại khôn nguôi nhớ nó, thương nó. Nhưng ở đây cũng có sự đồng vọng, thậm chí là đồng nhất tâm trạng cảu cô gái – khung cửi – thoi ngà. Tất cả đều đơn chiếc, nhớ mong, chờ đợi trong đêm xuân. Tương phản mà đồng nhất, ngoại cảnh và nội tâm như hòa làm một nói lên lời tự bạch, nói lên lời độc thoại sâu kín của cô. Tất cả đang là mùa xuân, đang giữa trời mưa xuân nhưng cũng đang diễn ra sự phôi pha, mầm biệt ly bất ngờ. Phút lắng lòng để nhìn lại ấy của cô gái như dự cảm trước điều chẳng lành – một bi kịch thấm thía suốt đời cô. Mưa xuân gieo mầm sống, mầm đẹp, mưa xuân giăng tình, thổi bùng ngọn lửa yêu nhưng mưa xuân cũng rơi những giọt buồn, giọt sầu tủi lạnh lùng – lạnh lùng vì chút ngây thơ đã mất, tủi sầu vì duyên đầu dở dang. 

 Chờ mãi anh sang anh chẳng sang  để cho… mối tình đầu nhỡ nhàng giữa khoảng trời mịt mờ mưa xuân
    Chờ đợi, hy vọng, ngóng trông nhưng tất cả chỉ nhận lại một nỗi … tuyệt vọng trong mỏi mòn:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang 
Thế mà hôm nọ hát bên làng
 
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
 
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Xét về mặt nội dung, khổ thơ là sự khởi đầu cho những bi kịch tình yêu, hạnh phúc của cô gái xuân. Còn trên bề mặt cấu trúc, nó là khổ thơ chuyển, là bước khởi đầu cho cấu tứ đối xứng gập đôicủa thi phẩm. Nó thắt lại tác phẩm để hình thành hai phần tương xứng, đối lập – nó là trục đối xứng.
          Hẹn hò khép lại, chờ đợi vô vọng, tình yêu cũng theo đó mà tan dần. Cô gái đã bật ra một lời than thở, một tiếng lòng não nuột trong cô đơn, bế tắc: “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Câu thơ như đã rạch đôi bài thơ, đã xé vụn những khao khát, hoài vọng của em. Tất cả là nhỡ nhãng, lỡ dở. Mùa xuân nhỡ nhàng, tình yêu chưa kịp nở đã vội phai trong ly tan, bội ước. Cái lần hò hẹn đầu tiên, cái mong ước thầm kín gặp ngay một sự phụ phàng. Để rồi từ đó, em mang nỗi tủi duyên, mang niềm xót phận, mang một vết thương lòng hằn in không thể xóa mờ. Cái tâm thế vội vàng đi, xăm xăm băng lối giờ đã thành nỗi niềm buồn xót, tủi hờn. Nếu phần trên là mùa xuân thắm tươi, là tình yêu kết nụ thì phần này là bông hoa tàn úa, là lạnh lùng riêng lòng. Phần trên là dương bản của ánh sáng mối tình đầu thì phần này là âm bản của bi kịch lỡ làng, ảm đạm, đầy tức tưởi. Cho nên, cái từ “nhỡ nhàng” cuối khổ thơ tưởng nhẹ nhàng, man mác mà thấm thía, buồn lâu, xót sâu như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
          … Và từ đó, mưa xuân phơi phới bay thành mưa ngâu dầm dề tháng bảy của biệt ly, lỡ làng tủi phận
          Lỗi hẹn, tủi duyên cô gái đi về trong đêm vắng, trong lầm lụi, trong tâm trạng cô liêu, lạnh lùng. Cùng giọt mưa xuân nhưng qua lăng kính của hai tâm trạng hình thành hai khung cảnh, hai không gian đối lập. Đó chính là nét đặc thù của cấu trúc đối xứng gập đôi của bài thơ:
Mình em lầm lụi trên đường về 
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
 
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
 
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Và:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe 
Mưa bụi nên em không ướt áo
 
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
        Cùng một con người trên cùng một không gian của thôn Đoài, vào cùn thời điểm của một ngày mưa xuân mà sao có sự tương phản đến gay gắt. Cái động thái “vội vàng đi” đến bây giờ thành “lầm lụi trên đường về”. Cái dáng “lầm lụi” của cô gái nghe sao xót xa, tội nghiệp quá. Nó lủi thủi, võ vàng, hoang lạnh, cô đơn đến tận cùng. Từ “mưa bụi không ướt áo” bây giờ đã thành “mưa nặng hạt”. Mưa xuân phơi phới khơi mở sức sống, tình yêu nay đã thành mưa ngâu dầm dề của tan nát, biệt ly trong nỗi lòng cô gái. Và như thế, cái lòng trong trắng của cây lụa tinh khôi kia phải chịu một tỳ vết, một mặc cảm đeo bám suốt đời về sự phụ phàng, dở dang. Vẫn là con đường đê đấy nhưng bây giờ sao quá xa xôi. Cái“Thôn Đoài cách có một thôi đê” – rất gần, rất tiện, em sẽ đến rất nhanh; nhưng đến khi trở về trong tâm trạng cách chia thì là “Có ngắn gì đâu một dải đê” – xa xăm, ngại ngùng, chi cắt. Không gian ở đây được nhìn theo tâm trạng, mang tâm trạng của con người. Đó là không gian tâm lý, không gian của nhữn nỗi lòng nhiều vương vấn, nhiều mối ưu tư. Kiểu không gian này rất quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính. Trong bài thơ “Tương tư”, chàng trai quê đã cảm nhận không gian thôn Đoài, thôn Đông thấm đẫm tâm trạng tương tư:
Từ: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” đến: “Hai thôn chung lại một làng”  “Nhưng đây cách một đầu đình” - tưởng là xa nhưng lại quá gần. Song trong “Mưa xuân” lại là những cảm nhận ngược lại: gần đấy mà xa xôi quá! Bây giờ, một mình em phải đối diện với canh khuya, với con đê dài dặc. Trước không gian và thời gian, em cô đơn, lạnh lẽo quá! Em tủi quá! Buồn quá! Mưa xuân ướt đẫm và nó như đẫm nước mắt của em. Em sẽ trởi về bên khung cửi quen thuộc nhưng lòng em thì không yên, lòng em đã đầy mặc cảm, tiếc nhớ vời vợi.
          … một nỗi đau ngấm ngầm của bi kịch lỡ dở, của tâm hồn bẽ bàng, của duyên tủi, tình chờ của cô gái trước thời gian xuân qua
       Trong nỗi tủi duyên, cô gái nhìn thời gian qua, nhìn những giọt mưa xuân ngại ngùng đầy tâm trạng. Lòng em không còn như xưa nên nhìn cái động thái của mưa xuân cũng khác xưa nhiều lắm lắm. Ta cứ đối sánh hai khổ thơ sẽ thấy sự đối xứng, tương phản thật rõ rệt:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay 
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
 
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
 
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"
Và:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay 
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
 
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
 
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"
          Mưa xuân đã không còn “phơi phới bay” đầy háo hức, đợi chờ, hy vọng mà thành “mưa xuân đã ngại bay” với bao ngại ngùng, buồn tủi, tẽn tò. Hoa xoan “lớp lớp rung vơi đầy” - đẹp đẽ, rực ngời viên mãn thành “hoa xoan nát dưới chân giày” – tàn tạ, héo úa, tang thương. Mọi thứ đã phôi pha, trượt trôi đi mất. Cô gái không chỉ mất buổi hẹn đầu, tình yêu đầu, mối duyên đầu mà còn mất đi nhiều thứ khác, mất đi cả một phần tâm hồn, phần cuộc đời xuân ngon nhất, đẹp đẽ, xinh tươi nhất. Hình ảnh thơ thấm đẫm nỗi buồn nhưng là nỗi buồn e ấp, sáng trong, không quá thê lương, bi lụy. Nó cũng kín đáo, ý nhị như chính tâm hồn cô gái quê. Hội chèo làng Đặng đã về ngang ngõ rồi. Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại. Và lời của mẹ vô tình hay hữu ý đều mang những tâm trạng, những tâm tư của em. Nếu trước khi, khi hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ, mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay” như mách thầm một cơ hội; thì bây giờ, khi “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”, mẹ lại than tiếc “mùa xuân đã cạn ngày” như nuối tiếc một cơ duyên lỡ làng. Tất cả song chiếu, hội hợp để tạo nên những dư vang, nhưng tơ lòng vương vấn trong lòng cô gái, trong lòng thi nhân và trong lòng mỗi độc giả .
          Khép lại bài thơ vẫn là một mong ước trong nỗi buồn tiếc mênh mang của tấm lòng cô gái quê nhân hậu, bao dung:
    Sau cái đêm xuân ấy, sau cái bữa mưa xuân ấy em và anh mãi mãi lìa xa, mãi mãi là một khoảng cách không thể nào gặp gỡ. Một cuộc hẹn không thành, một tình duyên đã vĩnh viễn qua đi. Mối tình đầu đang đâm chồi non trong mưa xuân thì sự vô tình của anh làm nó bị thui chột, héo hon. Một cái gì đã mất đi và vĩnh viễn không thể trở lại. Tấm lụa tình mà em – con thoi yêu – định dệt trong trinh khiết, tinh khôi đã thành lụa tơi tướp, lạnh buốt, lụa lỡ làng. Nhưng em không trách cứ, không giận hờn mà chỉ nhẹ nhàng nhắn nhủ:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
Bao giờ em mới gặp anh đây?
 
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
 
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?
          Mùa xuân đã cạn ngày mất rồi. Tình yêu cũng tàn theo xuân rồi, em cũng không thể gặp anh, cùng anh kết duyên thơ nữa. Những câu hỏi bắt liên tục bắt đầu bằng từ phiếm chỉ thời gian “Bao giờ em mới gặp anh đây?” rồi “Bao giờ hội Đặng về ngang ngõ/ Để mẹ em rằng hát tối nay?”. Những câu hỏi đầy bâng khuâng buông ra bâng quơ có một chút gì hơi tiếc nuối, hơi buồn, hơi thất vọng nhưng nó nhẹ nhàng. Nó như một cái gì đã qua và cô gái không còn quá nặng nề, quá day dứt nữa. Cô gái đã tha thứ tất cả, đã mở lòng ra để không trách cứ, oán hờn. Cái tâm trạng ấy thật dễ thương, đáng trọng nhưng cũng thật đáng thương biết bao! Bởi những cái đã mất đi có bao giờ lấy lại, mà ở đây lại là những cái ban đầu lưu luyến, thanh khiết. Tấm lòng cô gái rộng lương nhưng chút hồn nhiên thuở xưa đâu còn nữa. Câu hỏi dù bâng quơ, dù nhẹ nhàng nhưng nó lại cứ vương vấn một nỗi u hoài, một ám ảnh về bi kịch lỡ làng ướt đẫm mưa xuân. Bởi xuân qua xuân lại lại nhưng em làm sao trở lại như xuân xưa, em làm sao còn là em của xuân xưa đầy háo hức, hồi hộp khao khát đây?
          Bài thơ đã khép lại, tấm lụa mà con thoi yêu dệt không thành nhưng những sợi tơ của nó còn mãi vương mắc, giăng ngập lòng. Nỗi niềm của cô gái phải chăng cũng chính là nỗi niềm của nhà thơ trước mùa xuân cuộc đời, tình xuân của bản thân. “Mưa xuân” khởi đầu cho một mùa xanh, mùa đẹp, mùa yêu. Nó cũng là sự khởi đầu cho mùa thơ của chàng thi sĩ chân quê đi về cùng hương đồng gió nội. Nhưng chính cái khởi sự ban đầu này đã khơi cái mạch nguồn cảm xúc của bi kịch lỡ dở trên cả mười hai bến nước đời thơ Nguyễn Bính sau này. Cho nên những giọt mưa xuân đã ngừng rơi nhưng những chấm lạnh của nó vẫn còn rơi mãi trong lòng người hôm qua, hôm nay và mai sau.
http://haitrinh1084.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...