Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Cảm nhận Xuân Hương

Cảm nhận Xuân Hương
Tôi nhớ có nhà văn nói rằng: “đọc thơ Hồ Xuân Hương, thấy sức xuân trong đó!”. Âu là, xuân mới đang đến, viết cảm nhận về Hồ Xuân Hương, cũng là món quà xuân nho nhỏ gởi đến những người yêu thích Xuân Hương. 
Từ lâu, tôi đã thích mê Xuân Hương. Đúng ra là mê Xuân Hương qua những bài thơ của nàng. Những bài thơ Nôm của riêng Xuân Hương: “Rằng của Xuân Hương đã quệt rồi”. Những bài thơ Nôm có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Mãi đến ngày nay cũng không thể tìm thấy trên văn đàn những bài thơ mang phong cách Xuân Hương như thế. Rất nhiều người nhại giọng theo, nhưng không thể nào qua mặt được “Bà chúa thơ Nôm”.
Tôi thích cái ỡm ờ, vừa rành rành vừa như không có gì, vừa là cái này vừa là cái khác trong thơ Xuân Hương. Tôi thích cái bộc tuệch tự nhiên như trời đất, cỏ cây khi mà chung quanh mọi người “thích lắm” nhưng vẫn cứ giấu giấu diếm diếm, ăn vụng một mình. Và tôi thích cái ngôn ngữ tuyệt vời rất riêng Xuân Hương.
Xuân Hương là một người phụ nữ, một nhà thơ nữ phi thường trong thời đại những Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan ..., thời đại xiềng xích “Tam cương ngũ thường” “tam tòng tứ đức”. Thời đại mà Nguyễn Du với “Kiều” đã phải chịu nhiều tai tiếng khi nhà thơ chỉ mới tả “đại khái” những đường nét mỹ miều của Kiều: 
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
thì đã phạm phải điều cấm kỵ lớn của khuôn vàng thước ngọc phong kiến. Bởi vì, theo quan niệm phong kiến, cơ thể người đàn bà là một cái gì đó “rất dơ”. Ai dám nói đến nó, đặc biệt là viết thành thơ, văn, sẽ bị xem là kẻ phàm phu, tục tằn, dâm đãng. Quan niệm một thời đó đã làm mất đi một nửa cái đẹp ở trần thế này trong nhận thức chủ quan của con người. Và Xuân Hương, như một tên lửa xuyên vũ trụ, đưa phi thuyền mang cái đẹp tự nhiên trời cho của cơ thể người đàn bà và cả cái đẹp của những thú vui thế tục vào quỹ đạo của cái đẹp vĩnh hằng. Cái dũng khí đáng nể của Xuân Hương là nàng dám vứt vào sọt rác những trói buộc vô lý của nhận thức, cảm thức phong kiến để giữ lại cho mình cặp mắt trong trẻo, “tự nhiên nhi nhiên” để nhìn cuộc đời, để đánh giá đúng cái đẹp với bản chất của nó và cái đẹp bản năng con người. Tả thiếu nữ, Xuân Hương viết:
Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông ...
Trước cái đẹp lồ lộ trinh nguyên như thế, chỉ có gã đàn ông “không phải là đàn ông” (hoặc dân “gay”) mới liếc mắt một cái rồi đi thẳng mà không:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
Xuân Hương đã bổ sung thêm một tố chất rất người cho con người quân tử, làm cho người quân tử ra dáng nam nhi hơn, thật hơn, đẹp hơn.
Tôi thích sự “ỡm ờ rạch ròi” của Xuân Hương. Tôi dùng cụm từ này vì cảm thấy nó lột được ý của Xuân hương muốn nói trong nhiều bài thơ mà người ta hay cho là “tục”, là “dâm”. Xuân Hương nói rất nghiêm chỉnh, rất thẳng thắn, rất rõ ràng nhưng cũng lại không rõ ràng, nghiêm chỉnh một chút nào. Chính nó tạo ra một đường ranh thẩm mỹ có lực hút rất mạnh. Với trai gái “Đánh đu” thì:

Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song ...
hoặc là “Vịnh cái quạt” thì:
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
hay khi “Dệt cửi”:
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rồi nào là “Đèo Ba Dội”, “Động Hương Tích” ... cũng một phong cách như thế.
Tại sao mọi người không thể thẳng thắn nhìn nhận được cái đẹp rất bản năng trong con người, như hành động tình dục; nhìn nhận được cái đẹp nhục thể của người đàn bà, cái mà đến “thiên tử” cũng không thoát ra được: “Chúa dấu vua yêu một cái này”.
Tôi đồng tình với ý kiến của giáo sư Nguyễn Lộc, khi ông đánh giá, Xuân Hương là nhà thơ trần thế, nhà thơ của cuộc sống và ông tán thành quan điểm sống: “phải sống bằng cuộc sống trần tục và vui với những niềm vui trần tục”(1)
Và như vậy, những hình ảnh đặc tả trong thơ Xuân Hương có làm cho ai đó hứng khởi trần tục thì âu cũng là sự hứng khởi trần tục đẹp đẽ mà thôi.
Về mặt ngôn ngữ hình tượng, bên cạnh cách dùng những từ nói lái ưa thích của Xuân Hương, tuy khá độc đáo nhưng lại quá lộ liễu, kiểu như: “trái gió”, “lộn lèo”, ... tôi lại khoái nhiều hơn cách “mượn” ẩn dụ dân gian của nhà thơ. Hồi tôi còn học phổ thông, khi muốn tìm hiểu về nghĩa của những ẩn dụ này thì chỉ được thầy giáo trả lời là: “tục, tìm hiểu làm gì?”. Sau này, khi tiếp xúc với các “cụ” có “chút ít máu Xuân Hương”, đặc biệt là người tỉnh Bắc, thì tôi mới hiểu được rõ các ẩn dụ ấy. Tôi đọc lại các bài: “Sư bị ong châm”, “Vịnh quan thị” tôi càng “rợn người” cho cái tài ma quái của nhà thơ và càng kính nể Xuân Hương hơn.
Từ câu ca dân gian:
Bà cốt đánh trống long tong
Nhảy lên nhảy xuống con ong chích (...)
đến thơ Xuân Huơng:
Đầu sư đâu phải gì bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái nhầm. 

(Sư bị ong châm)
Từ câu hát:
Con gái mười bảy, mười ba
Đêm nằm với mẹ chuột tha mất (...).
đến thơ:
Rúc rích thây cha con chuột nhắt 
(Vía quan thị)
Và từ những thành ngữ:
- Ngồi lá vông, chổng mông lá trốc 
- Đầu trở xuống, cuống trở lên 
đến thơ Xuân Hương:
Đố ai biết đó vông hay trốc
Còn kẻ nào hay cuống với đầu 

(Vịnh quan thị)

Vì quan thị mất (...) rồi, đâu còn gì mà phân với biệt!
Tính cách nhà thơ thuờng được phản ánh trong những vần thơ, bài thơ đã viết. Tôi hình dung ra một Xuân Hương rất chân thật, nồng nàn, sống hồn nhiên, phơi ra những suy nghĩ, những tình cảm của mình như trẻ thơ. Yêu nói yêu, ghét nói ghét, kể cả yêu-ghét những gì cấm kỵ thời đó. Tôi chợt nhớ đến thầy giáo dạy văn Nguyễn An (tức nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên) đã chép cho tôi 40 năm về trước mấy câu thơ của một nhà thơ Việt Nam hiện đại rất tài hoa mà số phận truân chuyên:
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chìu
Cũng không nói yêu thành ghét ...
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
(2)
Hồ Xuân Hương bằng nghệ thuật thơ ca đã nói được (theo cách gọi của chủ nghĩa hiện thực là “phản ánh”) những cái “không thể” trong một thời đại chỉ cho phép nói những điều “có thể”, như Socrate phát biểu trong tác phẩm “Nghệ thuật thơ ca” của ông: “Cái không thể nhưng có vẻ thật đang thích hơn là cái có thể nhưng không đang tin”(3). Tôi nghĩ, các nhà thơ (nhà văn) hiện nay, trong những cái cần học tập Hồ Xuân Hương, cái quan trọng nhất chính là bản lĩnh nhà thơ, là thể hiện được trong tác phẩm của mình “cái không thể” trong muôn vàn cái “có thể” đã trở nên quen thuộc nhàm chán đến mức “lạm phát” như hiện nay. Riêng tôi, tôi xin được làm đệ tử hạng bét của sư phụ họ Hồ trên phương diện mà Socrate đã nói không khoan nhượng như trên.
Chính vì “cái không thể” đó, thơ Hồ Xuân Hương luôn được “đưa lên bàn mổ” qua các thời đại, khen có, chê có, cũng có vừa khen vừa chê… Trong giới nghiên cứu văn học hiện đại, đánh giá về Hồ Xuân Hương, có tác giả, sau khi khen “những mặt tích cực” đã nói về “những mặt tiêu cực” và đã nêu nguyên nhân những thiếu sót của Xuân Hương qua các bài thơ:“ Chính vì Xuân Hương chưa cảm, chưa thấy được đầy đủ sức mạnh của nhân dân, chưa gắn liền cái đấu tranh của mình trong cái đấu tranh chung của lực lượng vĩ đại đó ...” (4) và “Như chúng ta thấy ở trên, Xuân Hương chưa phản ánh đầy đủ thời đại của mình”.“phải chăng điều đó là do điều kiện sinh hoạt của Xuân Hương thuộc vào tầng lớp tiểu tư hữu ở thành thị? (5)
Tôi nghĩ, có xúc phạm đến Xuân Hương không, khi chúng ta “bắt buộc” Xuân Hương phải “phản ánh được hơi thở của thời đại mình”?
Thôi Hộ đời Đường kia có phản ánh được hơi thở thời đại mình sống không khi để lại bài thơ “Đề Đô thành Nam trang”(6) bất tử? Hay như Thôi Hiệu cùng với bài thơ “Hoàng Hạc Lâu”(7) nổi tiếng nghìn xưa… Các ông đã xuất thân ra sao, có đứng về phía “lực lượng vĩ đại” nào không?
Tôi nghĩ rằng cái vĩ đại nhất của các ông và của các nhà thơ muôn thuở, chính là đã đứng về phía “cái đẹp vĩ đại”. Cái đẹp vĩ đại đó chính là thi ca!
Tôi xin phép được kết thúc bài viết này với suy nghĩ: Hồ Xuân Hương có cần đến những chuẩn mực mà các nhà nghiên cứu văn học “nhà nước” đề ra kia (phản ảnh hơi thở thời đại) để trở nên nữ sĩ phi thường với những bài thơ bất tử, mà cho đến nhiều trăm năm sau, đọc lại những bài thơ Nôm của nữ sĩ họ Hồ, người đời sau vẫn cảm nhận được sự rạo rực đầy sức xuân trong đó. 
Chú thích:
(1): Thơ Hồ Xuân Hương. Nhà xuất bản văn học - 1982, trang 30.
(2): Trích từ bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán.
(3): Nghệ thuật thơ ca. Aristote. NXB Lao động- Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. Năm 2007.
(4)& (5): Lịch sử Văn học Việt Nam, Tập III. Nhà xuất bản giáo dục 1987, trang 92-93.
(6): Đề Đô thanh Nam trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Dịch Nôm:
Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành 
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.
Bản dịch thơ Việt ngữ của Tản Đà:
Năm xưa cửa ấy ngày này,
Hoa đào đua nở cho ai thêm hồng.
Nay đào đã quyến gió đông,
Mà sao người đẹp bềnh bồng nơi nao.

Khi sáng tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn hai câu trong bài thơ này để miêu tả tâm trạng Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy thì Kiều đã bước vào con đường lưu lạc.

Thôi Hộ, tự Ân công, người quận Bác lăng, nay là Định Huyện, tỉnh Trực Lệ, Trung Quốc, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông. Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du. Năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.
(7): Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (704- 754), nhà thơ thời nhà Đường, Trung Quốc
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 

Dịch nghĩa:
Lầu Hoàng Hạc 
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!

Bản dịch thơ Việt ngữ của Ngô Tất Tố:
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người. 
 Ngô Đình Miên
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch?

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch? Một nghiên cứu do các nhà khoa học Đức thực hiện tiết lộ cách âm nhạc giúp con người vượt qua những...