Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Duyên thơ trong “Sông với biển”- Thơ Khuất Quang Thái

Duyên thơ trong “Sông với biển”
Thơ Khuất Quang Thái
Đọc xong tập thơ Sông với Biển của nhà thơ Khuất Quang Thái, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, trong tôi bỗng trào dâng triết lý về chữ Duyên của nhà Phật, nói về cõi nhân tâm trước những biến thiên của Đất Trời, xã hội!. Âu cũng là cơ duyên chẳng của riêng ai, chữ Duyên với tác giả Khuất Quang Thái thể hiện thật cô đọng, xúc tích trọn vẹn một bài:
Chọn thóc giống
Hạt tróc mình thành gạo
thì bỏ đi
Vo gạo nấu cơm
Hạt nào vương áo thóc
Thì quăng đi
Muôn loài nào có khác chi
Thóc vàng, gạo ngọc, lỡ thì, vô duyên 
(DUYÊN)
Bằng những hình ảnh, gần gũi đời thường, đối ứng, tác giả đã vẽ ra trước mắt chúng ta bức tranh chân xác, để cắt nghĩa về những bất cập của con người trong xã hội đang có nhiều chuyển động. Nói theo tác giả, lạy giời ai đấy đừng vô duyên!
Đấy là duyên phận con người trong cõi nhân gian, còn duyên thơ thì sao nhỉ:
"Lưng chiều duyên chạm thơ em"
(VỚI NÀNG THƠ) 
nên mới thắm thiết chào thưa: 
“…Đưa em về Sơn tây
Đất thiêng đã duyên long phượng
Khơi nguồn sóng thắm thi ca…” 
(ĐƯA EM VỀ
cảm ơn đối tượng em nào đấy để tác giả tuôn trào cảm xúc, gợi lên những thi ảnh mê hoặc của xứ Đoài chùa chiền cổ tích, xứ Đoài thơ, để tôi được may mắn cùng bay bổng trong nhịp điệu: 
“Tâm linh hòa huyền thoại 
Bồng bềnh non Tản mây sương” 
(ĐƯA EM VỀ…)
Cũng nhờ cái duyên Thơ ấy, mà tác giả rất duyên trong bài MỜI TRẦU. Những câu thơ về miếng trầu từ ngàn xưa đến nay…thôi khỏi cần nhắc lại.
Với Khuất Quang Thái, chuyện mời trầu chỉ là cái cớ: 
“Từ trang thơ em bước ra dịu dàng thục nữ 
Trong thơ anh đang có chàng trai quê đa tình 
Anh muốn se duyên cho họ 
Em có bằng lòng không?”
Trời ơi lãng mạn đến thế là cùng! Còn đồng vọng nào chân tình, thiết tha hơn thế, cảm nhận từ gan ruột tiếng lòng “ý tại ngôn ngoại” của những kiếp tằm rút ruột nhả tơ, ngập tràn yêu thương, dâng hiến, để rồi tác giả thật hóm hỉnh mà vẫn ý nhị: 
“Bờ đê bát ngát trăng thề/ 
Em đưa thục nữ về quê không nào?” 
Còn ân tình nào bằng lời rủ rê của một miền quê, dù đang trong cơn biến động nửa phố nửa làng, vẫn lưu giữ những phần sâu lắng nhất tâm hồn Việt, ngõ hầu thỏa khát vọng hồn thơ. Với tôi đây là bài thơ hay về tứ và lời của tác giả Khuất Quang Thái. Hay ở độ dung dị, thuận lẽ tự nhiên, không như bài DUYÊN, để đạt tầm khái quát đã lộ ra bàn tay sắp đặt.
Phải từng trải độ nào mới hạnh ngộ chữ Duyên? Chỉ một lần, Vâng chỉ một lần tác giả hé lộ trong bài: LÁT CẮT:
’’Lứa tuổi tôi đã qua đạn lửa
Thân thế dây dưa mặt phố lòng làng’’ 
Ra là vậy! Trước mọi sự vật, tác giả có cái nhìn bình thản, như sự đời vốn phải thế: 
“Tự ngàn năm
Sông dốc lòng cho biển
Biển chả chối từ 
Sao sóng chẳng thảnh thơi
Tự ngàn năm
Dẫu đục, dẫu trong
Lòng ngàn sông vẫn ngọt
Biển thì mặn chát người ơi!...”
trong bài SÔNG với BIỂN, cũng là bài thơ làm tiêu đề cho tập thơ. Triết lý của đạo trong âm có dương, trong mất có còn cũng là nét khá đậm trong thơ Khuất Quang Thái, khiến người đọc sau thoáng nghi vấn, hay bất chợt hoang mang trước Ảo và Thực, vẫn trào dâng nhựa sống, theo cách nói dân dã là “con chị nó đi- con dì nó lớn” làm ta thêm tin yêu cuộc đời này:
”Ngõ nhà tôi
Anh láng giềng mới mất
Con trai anh sang nay 
vác cày ra đồng
dáng vóc lực điền ngời gương mặt trẻ…” 
(NGÕ QUÊ
Để cùng thấm thía, ngẫm ra mọi sự đều như bài thơ văn xuôi (BÌNH THƯỜNG) của tác giả, bình thường mà nên thơ! Là cái lẽ huyền vi của chữ Duyên mà tác giả Khuất Quang Thái thể hiện rất thành công ở nhiều bài như: HỎI CHÀNG TRƯƠNG, ẢO VÀ THỰC, MĂT GIẤY…
Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin mượn câu thơ trong bài: NGƯỜI với RƯỢUTHƠ của tác giả; Thơ hay là thơ đã trải qua năm tháng bình yên quyện trăng trời giông bão…duyên gặp hôm nay đọc vẫn mê say, ai hoài nghi? Cứ nhâm nhi câu Kiều sẽ gặp!.
Chúc mừng nhà thơ Khuất Quang Thái.
Hà Nội,12/5/2011
Đoàn Thị Ký
Theo http://kqthai.blogtiengviet.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tháng Tư vắng “Cầm thi sĩ” 24 Tháng Tư, 2021 Bàng hoàng khi gần 24h đêm 20.4, biết tin Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm ra đi đột ngột. Dễ gì và...