Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Mắt xanh - Trần Ngọc Hưởng

Mắt xanh - Trần Ngọc Hưởng
Viết giới thiệu chân dung văn học, thông thường, các văn thi sĩ, các nhà phê bình văn học thường viết dưới thể loại: Biên khảo, tiểu luận. Rất hiếm khi sử dụng thể loại thơ để viết phê bình văn học hay giới thiệu chân dung văn học.
Với thi phẩm “Mắt xanh” của Trần Ngọc Hưởng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào tháng 9 năm 2010 là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi (sở dĩ chúng tôi xem là hiếm hoi vì trong thực tế cũng có một số ít người làm thơ để giới thiệu tác giả. Nhưng, viết giới thiệu chân dung văn học bằng thơ, lại chuyên thể loại thơ lục bát và viết thành một tập bao gồm chân dung nhiều nhà thơ, nhà văn. Có lẽ, Trần Ngọc Hưởng là một trong những trường hợp hiếm hoi ấy).
Tập thơ “Mắt xanh”, Trần Ngọc Hưởng ký họa hai mươi lăm khuôn mặt văn nghệ bằng thể thơ lục bát. Anh giới thiệu với những người yêu thơ về các văn thi sĩ đi tiên phong và hiện đại của miền Nam yêu dấu: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Phi Vân, Võ Hồng, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Truy Phong, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Vũ Anh Khanh, Sơn Nam, Kiên Giang, Tường Linh, Hoàng Trúc Linh, Việt Chung Tử.
Giới thiệu những cây bút cùng thời với anh như: Kim Tuấn, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Anh Tài, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Công Trứ, Ánh Tuyết…
Bên cạnh, anh còn giới thiệu về các văn thi sĩ  thuộc đỉnh cao của Văn đàn Việt Nam: Trần Tế Xương, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Bích Khê, Quang Dũng, Trinh Đường, Hữu Loan…
Trong thi phẩm “Mắt xanh”, cùng với giới thiệu chân dung, tiểu sử, bút tích của từng tác giả, bằng những vần thơ lục bát, Trần Ngọc Hưởng đã giới thiệu cho người yêu thơ về thân thế, sự nghiệp và tình cảm, chí hướng, hoài bảo của từng tác giả. Mỗi người một nét riêng, hấp dẫn người đọc đến dòng thơ cuối cùng. Phải yêu mến thật nhiều, hiểu sâu sắc về cuộc đời và tác phẩm của từng nhân vật, Trần Ngọc Hưởng mới khắc họa chân dung các văn thi sĩ mà anh yêu quý với cảm xúc chân thật tràn đầy tình cảm trong thơ.
Trong bài thơ “Đọng hồn sông nước”, anh viết về nhà văn Hồ Biểu Chánh với tất cả sự trân trọng, quý mến.
“… Nhà văn lớn đất phương Nam
Đọng hồn sông nước mênh mang bến bờ!
Lục bình nghìn cụm dật dờ
Vượt qua một cõi hoang sơ thế  tình!...”. 
Lắng đọng với nhà văn Bình Nguyên Lộc:
“… Lắng sâu tình đất hồn quê
Võng xưa cuống rún chưa lìa lời ru
Nửa  đêm trăng sụp mây mù
Lang thang những bước mưa thu nhớ  tằm…”
(Trích bài thơ Đò dọc cô đơn) 
Về  Phi Vân, Trần Ngọc Hưởng khắc họa:
“… Hồn văn đọng một chữ quê
Mây bay đi, lại bay về: Phi Vân
Rồi  tình quê lại dân quê
Lớp người từ chỗ ù  lì vùng lên
Cô  gái quê cũng chuyển mình
Từng trang sách hiện màu xanh lúa  đồng…”
(Trích bài thơ Hồn quê) 
Trong bài thơ “Thông điệp yêu thương”, Trần Ngọc Hưởng cho chúng ta cảm nhận được cuộc sống và tâm hồn nhân hậu, bao dung của nhà văn Võ Hồng:
“… Tách trà khuya có lên men
Trải ngày thu muộn, qua đêm đông tàn
Hồn văn chong ngọn đèn vàng
Bao dung trước mọi hợp tan vô  thường!
Từng thông điệp của yêu thương
Truyền  đi từ một suối nguồn mênh mông
Lắng sâu trong cõi đục trong
Dầu hao bấc lụn chân dung không mờ!...” 
Trong bài thơ “Ngày tháng ngao du” anh có những câu thơ đậm nét về thi sĩ Bùi Giáng:
“… Chợ đời người tỉnh hay điên
Mua yêu bán ghét, đổi phiền lấy vui
Bởn cợt thơ, cà rỡn đời
Ngàn thu rớt hột một Bùi tiên sinh…” 
Với nhà thơ Tường Linh, Trần Ngọc Hưởng có những câu thơ chứa chan tình cảm:
“… Lìa năm cụm núi quê hương
Thu ơi! Từ đó anh buồn nghìn khuya
Nghìn lần nửa tỉnh nửa mê
Tứ  thơ thao thức gọi về  Quảng Nam…”
(Trích bài thơ Tâm sự nghìn khuya). 
Trong bài thơ “Trang thơ Cung đàn”, Trần Ngọc Hưởng đã viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Kim Tuấn:
“… Tạ tình một thuở phương Nam
Còn thương ống sáo cây đàn đơn côi!
Anh cho em mùa xuân tươi
Nhạc trôi dưới phố thơ  ngùi lòng ta…” 
Viết về Mường Mán:
“… Mãi còn một chút mưa thơm
Ẩn mình trong một làn hương ấm nồng
Trách chi bèo nước long đong
Trăng không mùa, muối trăm năm …mặn đầy…”
(Trích bài thơ “Suối nguồn Huế xưa”) 
Trần Ngọc Hưởng viết những câu thơ đầy thương cảm về nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn:
“… Mười lăm nguyệt búp non tươi
Trời xanh một đóa tỏa ngời sen xưa
Thơ về bọc gió trong mùa
Bụi bay tiền kiếp, hạt mưa Huế  sầu…”
(Trích bài thơ “Nhớ người”)
Trong bài thơ “Một thời vang bóng”, Trần Ngọc Hưởng đã khắc họa được nét tài hoa và cái ngông của nhà văn Nguyễn Tuân:
“… Rất tài hoa, bác Nguyễn ơi
Tài tình, tài tử, trang đời, trang văn
Phở và giò chả món ăn
Có trang bác viết mấy lần ngon hơn
Mai sau hương vị hãy còn
Đọng trang tùy bút, chút hồn quê hương…”. 
Tưởng nhớ thi sĩ Trinh Đường, Trần Ngọc Hưởng viết những vần thơ thấm đậm tình tri âm, tri kỷ:
“… Say thơ trọn một kiếp người
Từng trong hơi thở đọng lời tử  sinh
Từ  thơ ai đến thơ mình
Ông say đến cạn chén tình tri âm…”.
(Trích bài thơ “Đến cạn chén tri âm”). 
Anh viết về nhà thơ Quang Dũng với những câu thơ đầy hào sảng và cũng đầy lãng mạn:
“… Tây Tiến ngất trời tráng khí xưa
Tượng đài sừng sửng đứng trong thơ
Gập ghềnh dốc dựng màu sương núi
Bạc phếch hồn lau nẻo bến bờ…”
(Trích bài thơ “Đọc Tây Tiến”). 
Cái tinh tế, sâu sắc của Trần Ngọc Hưởng là khi anh chọn thể thơ lục bát đậm chất ca dao, hồn dân tộc, để viết chân dung văn học. Có lẽ, đây là thể thơ sở trường của anh. (Trong “Mắt xanh”, còn có một vài bài thơ Trần ngọc Hưởng viết theo thể thất ngôn và tự do) Trong thơ, Trần Ngọc Hưởng sử dụng ngôn từ dung dị, trong sáng. Và, anh khéo léo chọn lọc những tựa đề hay nội dung tác phẩm tiêu biểu cũng như những nét riêng trong đời của từng tác giả để đưa vào thơ của mình. Bằng tình cảm chân thật, Trần Ngọc Hưởng đã khắc họa thành công chân dung, nỗi niềm của từng nhà thơ, nhà văn mà anh yêu quý. 
“Mắt xanh”, là một thành công của Trần Ngọc Hưởng-không những có giá trị về thơ, mà còn có giá trị như một tài liệu văn học sử. Chúng tôi mong rằng: sau “Mắt xanh”, Trần Ngọc Hưởng sẽ có “Mắt xanh 1”, “Mắt xanh 2”, “Mắt xanh 3”…tiếp tục viết giới thiệu thêm những gương mặt văn nghệ tài danh của đất Việt mến yêu.
Lê Ngọc Trác
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...