Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Thơ Nguyễn Ngọc Tư thắp ngọn lửa xanh

Thơ Nguyễn Ngọc Tư thắp ngọn lửa xanh
(Đọc tập thơ “chấm” của Nguyễn Ngọc Tư, 
Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành, 2013)
… Những con sóng chạy rượt nhau mê mải tới bạc mái đầu. Có con sóng nào trẻ không mà lượn nào cũng trắng.
Bạn yêu thơ, nhất là các nhà thơ có thể đồng cảm với tôi đó là câu thơ hay, có độ mở liên tưởng và cảm xúc mạnh. Câu thơ ấy không trích từ một bài thơ, mà được rút từ đoạn văn trần thuật trong “Ngọn đèn không tắt”, một trong những truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. “Ngọn đèn không tắt” cũng là tên cuốn sách trình làng của nhà văn, từng đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần thứ II, do Nxb Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2000.
Dõi theo những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Ngọc Tư, tôi ghi được đến kín một cuốn sổ tay dày với nhiều câu thơ hay. Đặc biệt, những câu thơ này lại được rút từ những truyện ngắn, tản văn, ký, tùy bút… Và gần đây nhất là từ tiểu thuyết “Sông” (Nxb Trẻ, 2012) của chị. Những câu thơ ấy của Nguyễn Ngọc Tư khiến tôi ngạc nhiên và nể trọng. Phải thú thật rằng, tôi khao khát và thèm muốn chúng là của tôi. Có lúc, tôi cũng thấy tiếc. Bởi những câu thơ tuyệt đẹp như vậy lại được nhà văn xếp chen vào những đoạn văn mô tả tâm trạng thông thường. Hoặc lẫn trong lời thoại của những nhân vật chẳng đâu vào đâu. Đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, quen với những thủ pháp chị thường vận dụng, rồi đến với những câu thơ hay trong văn xuôi của chị, tôi tưởng tượng hình ảnh những câu thơ đó như ngọn lửa xanh được nhà văn thắp lên từ rượu mạnh do chính tay chị chưng cất. Thơm dịu, êm say và đầy quyến rũ.
Chớm thu năm 2013, tôi nhận được tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư có cái tên khá lạ và độc đáo, “chấm”. Đây không phải “cuốn sổ tay” do tôi “tự xuất bản” nữa, mà trọn vẹn một thế giới những “ngọn lửa xanh” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư.  
“chấm” xuất hiện đúng như tôi đã nghĩ. Tức đến lúc, tự thân tập thơ của nhà thơ - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã cần/ phải xuất hiện. Diễn tiến này hoàn toàn tự nhiên như lẽ thường tình, hợp quy luật với một chủ thể sáng tạo mạnh mẽ như Nguyễn Ngọc Tư. “chấm” tồn tại đơn giản, tự nhiên và hồn nhiên. Như việc đánh dấu, “giữ phần” một tín vật, một chỗ ngồi, một khoảng không trong đời sống hiện tồn. Và, cũng tựa một nhân dạng chuyển động gần đến chân trời, để lại một dấu chấm nhỏ trong mắt những người quan sát. Với nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư, chị quan niệm về những bước đi của “chấm” nhẹ nhàng hơn tôi tưởng nhiều. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (phát hành ngày 18/8/2013), chị nói: Vào những thời khắc đặc biệt với những tâm trạng đặc biệt, những cảm giác không thể tách bạch, tôi thấy mấy cái khó đỡ này thơ chơi được. Nên độc giả đã từng rất ưng văn xuôi của tôi cũng đừng lo lắng, chơi đâu thì tôi cũng quay về.
“mình có ngôi nhà khép cửa”. Đó là câu thơ đầu tiên trong “chốn về”, bài thơ mở đầu tập thơ “chấm”. mình không bóng/ ngủ sâu không ai gọi/ say nắng không người lay… / máu chảy tự khô,/ vết đau tự liếm láp,/ cúc tự cài,/ hát mình nghe (chốn về). Những câu thơ ấy của Nguyễn Ngọc Tư đã thay lời tự bạch. Lặng sâu một nỗi buồn nhưng tuyệt đẹp. Cô đơn và hoang hoải. Những câu thơ ấy gợi tôi nhớ đến hình ảnh cậu bé Điền thường quẩn quanh với những con vịt “đạp mái nhau đầy yêu thương” mà không thô bạo như người cha Út Vũ của cậu với một cô gái điếm trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của chị. Đó cũng là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Ngọc Tư được đạo diễn điện ảnh Nguyễn Phan Quang Bình dựng thành phim. Bộ phim từng đoạt năm giải thưởng Cánh diều vàng năm 2010.
Tập thơ “chấm” là hội tụ những điểm đến, cũng chính là “chốn về” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư. Xin xướng danh một số tựa đề bài thơ để dõi theo bước chân của chị: “sổ tay đi đường”; “núi Hiệu Oanh”; “ở trọ”; “ở biên giới”; “rượu bên đường Mười Bốn”; “viết ở Côn Đảo”; “bản đồ”; “hỏi đường”; “ca tụng bạn đường”; “phong cảnh Đại Lải”; “chuyến bay ban sáng”… Những bài thơ ấy cho tôi hình dung nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư với chiếc ba lô một mình “đi bụi”, tha thẩn khắp các nẻo đường từ Nam chí Bắc. Trong những chuyến đi ấy, chị được trải nghiệm mọi cung bậc của đời sống xã hội, gom nhặt được nhiều nguồn tư liệu phong phú để nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo. Chị được mệnh danh là nhà văn của những xóm ao bèo, của những thân phận người... Nhà thơ từng nói về những cuộc du ngoạn ấy tựa như “mạng nhện” dính chặt chị vào “chân trời”. Ở đó chị được mê mải, ngụp sâu trong cõi ta bà giả tạm, thảng hoặc và vô thường: lục bình vừa trôi vừa tàn/ lá đa vừa rã vừa rơi/ vừa đến họ vừa rời cõi tạm (ở trọ). Dù đi đâu về đâu, Nguyễn Ngọc Tư luôn nhìn đời sống bằng con mắt của kẻ cô độc ngơ ngác đi tìm “chốn về” của mình: có con thác bị chẻ làm đôi ngọn/ sông lò cò một bờ/ núi vói nhìn bóng mình vượt/ đường biên (ở biên giới); vì say, quên, vì những công việc vội/ hay trên con đường rong ruổi tôi cắn môi hát khúc nhớ nhà (sáng chủ nhật). Những cuộc rong ruổi “chơi được” ấy luôn vẫy gọi, thôi thúc nhà thơ trên hành trình dấn thân ngày một quyết liệt. Hành động “xoay ổ khóa không biết đi hay đến” trong bài thơ “một bài lạc” là biểu hiện tột cùng của sự chống chếnh và bất an trong những cuộc lữ hành: có lần lời lạc trên môi,/ ta kịp thả trôi câu tử tế,/ chốn trọ này không có gì chơi/ về đi em, mưa ướt hết rồi (một bài lạc). Bạn đọc có thể đặt ngược lại: Vậy câu không “tử tế” là câu thế nào? Mới thấy đây thực là một mệnh đề nghi vấn mang tính diễu nhại đầy chua xót về cõi nhân tình. Những kiểu người, nẻo đời trong thơ, nhất là trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư thường tối tăm, quanh co, nhiều ngã rẽ. Có lúc như dẫn người đọc như đi cả vào ngõ cụt, nơi tù mù. Tuy vậy, chính Nguyễn Ngọc Tư lại là người ý thức rõ và tỉnh táo về nỗi cô đơn và những hoài nghi ấy. Trong tác phẩm của chị, những nẻo đường mà chị tái hiện luôn biết cất giữ từng dấu chân, niềm khát vọng, tình yêu thương mà chị dành cho mọi người: tôi là con kiến vàng/ bơi trong tơ lam tìm đường ra biển/ vịn theo tơ đỏ lên dãy Hoàng Liên (bản đồ).
Khắc họa một cách chân thực và sinh động hiện thực đời sống chính là đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Những thân phận/ số phận trong bức tranh hiện thực ấy luôn hiện lên lam lũ, nhọ nhem nhưng đáng yêu và gần gũi lạ thường: chuyến xe đi như mũi kim cùn/ vá víu những đường may gió bụi/ mùi thuốc lá, mồ hôi, mùi phân trâu giữa những kẽ chân đen trũi/ bỗng mê sâu bởi giọt cốt trầu/ khách ngoái tìm/ quê nhà ở mãi đâu? (sổ tay đi đường). “Quê nhà ở mãi đâu?” Câu hỏi của một người khách không quen biết khi “ngoái tìm” đã sưởi ấm cả chiếc xe đò chở đầy ắp mồ hôi và nước mắt những con người lo toan kiếm sống thường nhật. Hẳn là, bạn đọc đã gặp cách viết này rất nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Một lối tường thuật, kể, độc thoại bình tĩnh, hồn hậu nhưng thấu đáo lạ thường. Phong cách ấy thể hiện đúng tính cách của con người Nam Bộ, bộc trực, thẳng thắn và chân thành của chị. Tôi chợt nhớ đến câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân” của đại thi hào Nguyễn Du. Và từ ấy, cho tôi linh cảm, trời đã cho/ bắt Nguyễn Ngọc Tư sống để viết, và ngược lại. Chị như người có sao Thái dương đóng ở cung Ngọ. “Nhật lệ trung thiên chí giải”. Càng khóc thì giọt nước mắt càng lớn và long lanh dưới mặt trời. mua chữ Yên ướt sũng ở quán ông đồ/ ướt như vừa vớt ở đáy sông/ giắt lên vách nào cũng thấy chữ long đong (một ba mươi Tết nào). Thơ Nguyễn Ngọc Tư tựa ánh sáng luôn soi rọi tới những nơi khuất lấp u uẩn, góc tăm tối cuối cùng của chốn nhân gian: lượn quanh đây giọng họ thầm thì/ - Mi đang sống sao phả mùi ẩm mốc? (mưa tháng Bảy). Một bài thơ trong “chấm” có tựa đề đặc biệt ấn tượng: “bóng người thì tối”. Theo cá nhân tôi, chỉ riêng tựa đề này đã hoàn chỉnh một bài thơ cực ngắn rất độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Bài thơ “bóng người thì tối” có hai câu kết ở dạng nghi vấn, sáng rỡ rất dữ dội, truy vấn sự chân thực và tình yêu con người: gáy người thì lạnh/ ngực người ấm không? Nhân đây xin nói thêm, trong tập thơ “chấm” có rất ít bài về tình yêu đôi lứa. Tôi chỉ gặp khổ thơ sau đây có nhân vật “anh” được “cài” trong bài thơ “linh cảm”: em thấy anh châm thuốc bên đường/ lửa và anh rất lạnh/ lửa và anh rồi tạnh. Thêm một lần nữa, tôi thấy Nguyễn Ngọc Tư xưng “em”: mai dậy sớm không còn em nằm cạnh/ váng vất gối tóc cùng với tóc/ thằn lằn để lại đuôi có khóc/ như mình? (hát tặng chia lìa). Và, chỉ duy nhất một bài thơ, có tựa đề “nhân tình”, với tâm trạng trống rỗng, bã bời và xa lạ: khép cửa phòng gặm nhấm móng tay/ không đốt nến sợ mùi người tan mất/ ngoài thềm mưa xóa dấu chân. Điều này cho thấy, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư chủ ý cấu trúc tập thơ mang tâm trạng nhất quán trên hành trình cô lẻ “nhẹ tênh nỗi buồn” tìm “chốn về”.
40 bài thơ trong tập thơ “chấm” là bốn mươi dáng vẻ của “ngôi nhà khép cửa”. Nói ngôi nhà ấy “khép cửa” bởi dù ở đâu, lúc nào, Nguyễn Ngọc Tư luôn giữ “trọn vẹn” nỗi buồn, niềm khát vọng, lòng nhân ái đã trở thành căn cốt trong tác phẩm của chị. Cũng chính sự “khép cửa” ấy đã tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết của tâm hồn chị. Và cũng từ ấy làm nên một thế giới thơ trong suốt và mong manh, giống như “những cái lá” mướt xanh, vừa kiêu hãnh vừa bấy bớt. Bạn đọc có thể hình dung thế giới ấy trong câu thơ: những cái lá nuột nà trên những triền đồi xa xôi/ cũng làm tổn thương tôi (say trà).
Thơ Nguyễn Ngọc Tư luôn chờ sẵn trong đó những câu hỏi truy vấn, những nỗi hoài nghi về sự chân thực, nhân hậu của con người. ới ơi người thương đâu?/ nhanh chân theo kẻo bụi lấm đục ngầu (nuối tóc). Nhà thơ hay dùng những khái niệm, cụm từ sắc lạnh như mũi kim, lưỡi dao để phanh phui cái xấu xa, phụ bạc, tàn độc của đời sống thế nhân như: ráo hoảnh bạn bè xóm cũ; lời ngọt nhạt lạ xa; nọc độc làm rơi rã tủy xương; đắng chát mụ mị mềm đầu lưỡi; kịch tính nằm trong mỗi tờ lịch; non thế kỷ đạn bom tấp tểnh nổi trôi; tay nào mọc gai, cái nhìn móng vuốt; được mất như chơi… Nhưng ngay tại những bài thơ đó, những hàm nghĩa ám chỉ tiêu cực, ác độc kia luôn được nhà thơ hóa giải, hoán chuyển thành những điều cao cả, tốt lành. Những ngày rong ruổi trên đất lạ, tôi một lần đứng lại hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người. Đường im lặng đi lên đồi mải miết, nông nổi ơi chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người (hỏi đường).
Tập thơ "chấm" có hai bài “nhật ký mang thai” mang đến cho tôi sự ngạc nhiên và xúc động mạnh. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ hiện lên thật vĩ đại và phi thường, là biểu tượng cho những phụ nữ chu toàn thiên chức làm mẹ. Một thiên chức cao cả, xuất phát từ tình mẫu tử thiêng liêng và thánh ý nhiệm màu: Yêu và xa,/ thương và đợi,/ hy vọng và thất vọng/ học mỉm cười, mẹ có cười một mình đâu, như khi khóc/ trò trốn tìm nước mắt, mẹ chẳng muốn con chơi (nhật ký mang thai - tháng thứ ba); hãy cựa quẫy/ hãy trở mình/ nhắc nhớ mẹ thở cho hai người/ mẹ nuôi men ủ nụ cười/ và đứng thẳng (nhật ký mang thai - tháng thứ năm).
“chấm” là tập thơ dung dị, gần với ngôn ngữ đời sống sinh hoạt hàng ngày, có thể đến được với mọi đối tượng bạn đọc. Một số câu thơ được tác giả áp dụng thủ pháp hiện đại khá nhuần nhuyễn và độc đáo: xe đi vào ngọn bóng tối khêu cao(nhật ký mang thai - tháng thứ ba), nước mắt con mình xước chín tấc hồn (hình dung dưới cỏ), một người câu một bóng người sũng nước (phong cảnh Đại Lải)… Những câu thơ viết kiểu này không khó với một “phù thủy chữ” như Nguyễn Ngọc Tư. Tôi ước đoán, nhà thơ như cố ý làm vương vài ba hạt xoàn trong vườn hoa cải ngồng để bạn đọc luyến tiếc mà đi tìm…
Trong tập thơ “chấm”, Nguyễn Ngọc Tư đã tiết chế tối đa những từ lạ, những thổ ngữ và phương ngữ Nam Bộ. Chúng ít được sử dụng hơn như chị thường dùng trong các tác phẩm văn xuôi. Hầu hết các bài trong tập thơ “chấm” đều là thơ tự do có chung nhịp điệu tự nhiên, tưng tửng, chảy trôi… Câu mở đầu bài thơ thường được Nguyễn Ngọc Tư chọn cách nói phản đề, hoặc áp đặt ngẫu nhiên: tưởng mặt trời ấm hơn (hát tặng chia lìa), không chớp nhói lên nghĩa là đã ngủ rồi (chờ điện thoại). Cách viết này của nhà thơ đem đến cho bạn đọc cảm giác hoài nghi, phản tỉnh ngay từ câu thơ mở đầu, với giọng điệu vừa khiêu khích vừa ỡm ờ…
Thơ Nguyễn Ngọc Tư gợi tôi liên tưởng tới các nhạc sĩ, ca sĩ du ca đồng nội. Họ thường du ngoạn sáng tác và biểu diễn khắp nơi từ thành thị tới miền thôn dã. Tiếng hát của họ kết nối trái tim với mọi trái tim, ánh sáng với ánh sáng…, đem đến nhân gian ngọn lửa ấm áp, chân thành.  
Nhìn chung văn chương Nam Bộ thể hiện tính cách bộc trực và nhân hậu của con người vùng đất này, nhưng ở Nguyễn Ngọc Tư, cả thơ và truyện của chị hoang hoải những nỗi buồn, cả nỗi đau nhân thế. Những vần thơ của Nguyễn Ngọc Tư chất chứa những suy tư đằm sâu mà vẫn ấm lên ngọn lửa xanh của thương yêu và hy vọng.
Đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhất là khi đã quen với những hiện thực đời sống được chị tạo dựng, tôi bỗng liên tưởng đến việc chưng cất rượu ở những miền quê xứ Bắc. Để có được loại rượu thơm ngon vị đậm, bí quyết của người dân những vùng đất này là cách chọn gạo nếp cái hoa vàng, men thuốc bắc, chọn nguồn nước… Đặc biệt, biết tiết chế ngọn lửa vừa đủ khi đun. Chọn rượu ngon là loại rượu có bọt tăm to. Bọt rượu càng to thì ngọn lửa càng xanh. Nhà văn - Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tư đang tiếp tục “chưng cất” và thắp thêm những “ngọn lửa xanh” trong hành trình sáng tạo của mình. Đi dọc cánh đồng văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đã tìm thấy ngọn lửa lạ kỳ và ấm áp ấy.
(*) Tên tập thơ và tên các bài thơ, tác giả Nguyễn Ngọc Tư không viết hoa.
2/2016
Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...