Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Du ký Tây Bắc, xứ sở nơi đất trời gặp gỡ


Du ký Tây Bắc, xứ sở nơi đất trời gặp gỡ
Thu Hiền - Phan Anh trên đèo Ô Quy Hồ
Tây Bắc xa xôi có những “bản sương giăng” và cũng có những “đèo mây phủ”. Nơi ấy không chỉ nổi tiếng bởi chiến trận Điện Biên làm trấn động địa cầu mà còn hút hồn bao người bởi những cung đường vượt đèo kỳ vĩ hay những đỉnh núi hoang sơ với ngàn năm mây xanh, mây trắng vờn quanh tựa như nơi đất trời gặp gỡ. Có trải nghiệm trên những cung đường hùng vĩ hay đứng trên những đỉnh cao của núi đá quanh năm mây bay quấn quyện giữa trời nắng vàng như mật ấy ta mới thấy được Tây Bắc nên thơ; mới nhận ra được những vẻ đẹp huyền diệu, bất tận của non sông kỳ tú mà tạo hóa đã ban tặng cho cái xứ sở trùng điệp núi non “có đường đi trên mây lên tới cổng trời” làm mê mẩn hút hồn biết bao người đến.
Thuở trước, mỗi lần nghe nói về vùng đất xa xôi Tây Bắc, trong tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói “Nước Sơn La ma Hòa Bình” và cái con đường quanh co dốc dựng như thể “Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” trong thơ Quang Dũng hay những ghềnh thác trong câu ca“Đường lên Mường Lễ bao xa/Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”. Chẳng biết thực tế thủa xưa Tây Bắc ra sao nhưng bây giờ thì đã khác xa với những gì mà nghe người ta nói. Thành phố Hòa Bình, cửa ngõ của miền Tây Bắc nằm bên đôi bờ Đà Giang thơ mộng và trữ tình với công trình thủy điện to lớn cỡ nhất, nhì Đông Dương hiện lên mờ ảo trong màn sương như thể cô gái còn đang say sưa trong giấc nồng của buổi sớm mai. Cứ thế, ngồi trên xe nhìn lên phía trước hay ngó sang hai bên cửa kính đâu đâu ta cũng nhìn thấy núi đồi biếc xanh trùng trùng điệp điệp.
Thế rồi chẳng mấy chốc chúng tôi để lại thủ phủ của xứ Mường lại phía sau lưng và theo con lộ số 6 tiến về phía đèo Thung Khe, một con đèo mù sương dày đặc nổi tiếng nguy hiểm của miền Tây Bắc. Thật may, sương mù của Thung Khe hôm nay đi vắng nên buổi sớm mai đất trời nơi đây khá phong quang, trong trẻo. Những ngồi ngô luộc, khoai nướng hay những giò lan rừng của đồng bào thường thấy bên đường cũng chưa kịp bày bán nên các lều hàng chỉ trơ lại những liếp che lá lợp cô đơn trống hoác cùng gió lùa. Từ đỉnh đèo trên 1000 m so với mực nước biển nhìn xuống thung lũng dưới chân đèo với những bản làng của miền sơn cước hiện lên cùng với những ô ruộng xanh thẫm tạo thành một bức tranh sơn thủy đầm ấm và hữu tình. Ngước nhìn những đỉnh núi xung quanh chỉ thấy mây trời trắng xóa bồng bềnh như những áng tóc đang đủng đỉnh, e ấp quấn quyện cây xanh cùng đá núi…
Cứ thế đắm chìm trong hương sắc trời mây sông núi, tôi bỗng chợt nhớ chính ở cái nẻo đất biên viễn miền Tây này, nơi có con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình, cách đây chừng ngót sáu trăm năm, khi vua Lê Thái Tổ đích thân Tây chinh vượt Đà giang dẹp giặc Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ để thu giang sơn về một mối, lúc chiến thắng trở về, trong niềm vui thắng trận ông đã khao quân và đề thơ lên vách núi Pù Huổi Chỏ (Lai Châu) và núi Hào Tráng (Hòa Bình). Bài thơ thứ nhất ở vách núi Pù Huổi Chỏ viết rằng: “Bọn quân điên cuồng sao dám tránh sự trừng phạt/ Dân biên thùy đã từ lâu đợi ta đến cứu sống/ Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có/ Đất đai hiểm trở từ nay không còn/ Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ khắc vào núi đá/ Trấn giữ phía Tây nước Việt ta”. Còn bài thơ thứ hai ở vách núi Hào Tráng người ghi: “Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn/ Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá/ Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù/ Tráng tâm dời hết vạn trùng núi non/ Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu/ Lời truyền ba trăm ngọn thác tức quanh co, rất nguy hiểm đã thành lời hư không/ Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi”. Cứ thế, tâm trí mê mải với những ngọn núi đề thơ theo bước chân của người đi giữ cõi cho đến khi xe dừng trên thảo nguyên Mộc Châu thì chúng tôi mới dời khỏi dòng suy ngẫm về những vần thơ chinh phạt đầy gân guốc, rắn rỏi trong một ý chí bảo vệ biên cương lãnh thổ mạnh mẽ, phi thường.
                                   Trên đỉnh đèo Pha Din
Thảo nguyên Mộc Châu bao la với những đồi chè bát ngát như tấm thảm xanh vốn nổi tiếng với những mùa hoa cải, hoa mận ngút trời, từng hút hồn và đốn tim bao biết bao du khách hiện ra trong mắt chúng tôi với cảnh đồi thông cao vút thơ mộng soi bóng xuống mặt hồ trong veo cùng muôn ngàn sắc màu hoa lá làm xao xuyến hồn người. Cảnh ấy làm cho mình ngỡ tưởng như thể đang lạc lối trên cao nguyên Lâm Viên với thành phố Đà Lạt mộng mơ trăm mến ngàn thương trong cái khí trời thoáng đáng, mát mẻ và rất dễ chịu. Cách Mộc Châu không xa, nơi biên giới Việt - Lào có đỉnh Pha Luông trên điểm cao chừng 2000 m so với mực nước biển cũng quanh năm lồng lộng mây trời gió núi. Cái địa danh ấy cũng được rất nhiều người biết đến trong bài thơ để đời của nhà thơ Quang Dũng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” (Tây Tiến). Đỉnh Pha Luông giống như nóc nhà của Mộc Châu, trải mình trên mây với những vực đá kỳ ảo dựng đứng, nứt toác kiêu ngạo và hùng vỹ giữa đất trời bao la. Từ đỉnh cao này người ta thấy mây luồn dưới chân, lúc trôi nhanh hối hả khi lại lững lờ uể oải với biết bao dáng hình kỳ thú khiến lòng người không khỏi mê mẩn chẳng muốn dời đi. Cảnh vật như thế nên chốn này người ta thường bảo chẳng khác gì thiên đường ngay trên hạ giới. Chưa hết, cũng đỉnh cao như Pha Luông đất Sơn La còn có một điểm săn mây kỳ thú không kém trên núi cao Bắc Yên. Đó chính là địa danh Tà Xùa, nơi người ta vẫn gọi là cổng trời với quanh năm mây mù bao phủ. Lạ thay cái địa danh này cũng đã từng là một “mỏ vàng” nguyên liệu của nhà văn Tô Hoài, khi ông tìm thấy những nguyên mẫu để mà thai nghén tác phẩm nổi tiếng vẫn thường được nhiều người nhắc nhỏm: “Vợ chồng A Phủ”.
Đỉnh cao Tà Xùa tựa như nàng sơn nữ vẫn giữ trong mình nguyên vẹn sự trong trắng, ban sơ với quanh năm bồng bềnh mây trắng vấn vương, trải dài đến hút cả tầm mắt. Từ đỉnh núi ngó ra bốn phía người ta thấy biển mây như thể đang trào dâng trăm ngàn con sóng lớn nhỏ cuồn cuộn xô bờ. Cũng có khi ta thấy may bay trên đầu, mầy xà ngang ngực, mây cuốn vào lòng khiến ta có thể giang tay ôm lấy được. Tà Xùa như thế tựa như một thiên đường mây hút hồn biết bao bạn phượt làm ngây ngất những tay máy và các cô nàng sống ảo trong biết bao năm qua và còn tiềm ẩn là một miền đất hứa của du lịch trong nhiều năm tới.
Trên vùng Tây Bắc, quốc lộ 6 được ví như huyết mạch quan trọng nhất nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Con lộ ấy dài ngót 500 cây số với hàng chục cái đèo lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là đèo Pha Đin. Đèo này được xếp vào tứ đại đỉnh đèo của các tình miền núi phía Bắc. Đây là con đèo không chỉ nổi tiếng về sự hùng vĩ, nguy hiểm mà còn được nhiều người biết đến với tư cách là một địa danh lịch sử, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của nhân dân ta vào hồi giữa thế kỷ trước. Con đèo này cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Người Thái gọi đèo này là Phạ Đin, Phạ có nghĩa là "trời" còn Đin có nghĩa là "đất". Phạ Đin có ý chỉ một điểm rất cao, là chỗ trời và đất giao hòa. Đồng bào Thái xứ này vẫn lưu truyền câu chuyện về việc phân chia ranh giới của hai vùng đất dưới chân đèo. Người ta kể, hồi ấy, cư dân hai bên chân đèo thống nhất với nhau chọn mỗi bên một thanh niên khỏe mạnh và một con ngựa tốt để phi lên đỉnh đèo. Nơi người và ngựa hai bên gặp nhau sẽ là ranh giới của hai vùng đất. Con đèo này dài 32 cây số. Do ngựa phía Điện Biên phi nhanh hơn nên phần đất của bên này dài hơn một ít so với phần bên Sơn La. Bây giờ đường trên đèo đã được hạ cốt và mở rộng nên giao thông trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trước kia, người ta kể địa thế đèo Pha Đin hiểm trở vô cùng. Bên này là vách núi còn bên kia là vực sâu, ngoằn nghèo, khúc khuỷu, dốc lên dốc xuống với những khúc cua chữ A, chữ Z chưa kể mùa mưa thường hay bị sạt lở đất đá, nguy hiểm vô cùng. Đèo Pha Đin cao chừng khoảng 1650 mét so với mực nước biển. Từ lưng chừng đèo người ta đã thấy mịt mù mây phủ, nhìn xuống phía chân đèo xa xa là những mái nhà sàn của các bản người Thái lác đác, lờ mờ trong màn sương mờ ảo bình yên giữa những thung lũng xanh mướt. Con đèo ấy một thời từng là nơi chiến địa ác liệt.
Ngày ấy hơn 8000 thanh niên xung phong đã không quản ngại gian nguy ngày đêm tiếp vận vũ khí và lương thực cho chiến trường Điện Biên Phủ. Có thể nói, một thời con đèo đã trở thành biểu tượng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong suốt 48 ngày đêm giặc Pháp điên cuồng cho máy bay oanh tạc hòng cắt con đường chi viện cho chiến dịch Điện Biên. Tinh thần ấy không chỉ còn được lưu tạc trên tấm bia trên đỉnh đèo mà còn được nhà thơ Tố Hữu khắc tạc trong khúc ca bất tử: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên). Giờ đây chinh phục đèo Pha Đin, dù đường cũ hay hay đường mới, ta vẫn thấy vô cùng thích thú và mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa ngoạn mục. Từ trên đỉnh đèo nhìn  xuống, cung đường tựa như sợi dây mỏng mảnh nối những trái núi lại với nhau lơ lửng giữa mây trời bồng bềnh, phiêu lãng, quấn quyện bên những dãy núi đồi trùng truìng điệp điệp. Và nữa, dọc hai bên đường xe chạy những bụi mua, bụi sim nở hoa tím biếc khoe sắc cùng cũng bông lau phất phơ trong gió khiến lòng nào mà chẳng xốn xang, mê mẩn.
Đi qua Điện Biên, nẻo đường từ Lai Châu sang Lào Cai hay từ Lai Châu sang Yên Bái, vùng đất Tây Bắc còn có hai con đèo hùng vĩ khác cũng thuộc loại tứ đại đỉnh đèo. Đèo Ô Quy Hồ trên đường 4D và đèo Khau Phạ trên đường 32. Đèo Ô Quy Hồ từng được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đỉnh con đèo cũng là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Với chiều dài gần 50 km, trên độ cao khoảng 2000 m con đèo này cũng quanh năm mây vờn làm cho đất trời tưởng như chập lại. Đèo ấy tương truyền bắt nguồn từ tên gọi của một loài chim và gắn với huyền thoại về câu chuyện tình dang dở của một đôi trai gái tha thiết yêu nhau mà không thành duyên. Đứng trên đỉnh đèo thả mắt ta không khỏi ngỡ ngàng thích thú trước sự hùng vĩ hoang sơ của đất trời với những ô ruộng bậc thang trập trùng, ngút ngàn như thể nối đất dày với trời cao. Vào lúc hoàng hôn, bức tranh sơn cước của Ô Quy Hồ đẹp đến nao lòng. Khi ấy, ánh tà dương không còn đủ sức chói chang mà uể oải lê bước khuất dần sau khe núi. Cảnh ấy dễ làm cho người lữ khách không chỉ tĩnh lặng tâm tư trong cái cảm giác lâng lâng, man mác mà còn nôn nao nhớ về cái tổ ấm của mình ở nơi chốn quê nhà. Đứng trên đỉnh đèo, nhìn về phía xa dưới chân núi, giữa ngút ngàn mây trắng, con đường của cung đèo hiện lên trong tầm mắt mềm mại như dải lụa buộc sát vào những thân đá dựng đứng để nối quả núi này với quả núi khác khi thì vượt lên lúc lại lộn xuống trong biển mây mịt mùng lững lờ phía bên dưới đường hay phía trên trước mặt và cũng có khi xà xuống cả mặt đường. Bức tranh sơn cước cùng cung đường thơ mộng như thế phỏng mấy khi trong đời ta được đứng để mà ngắm nhìn!
Không xa, cách đỉnh Ô Quy Hồ vài cây số là cái nóc nhà Đông Dương. Cái chóp nhà ấy có phiến đá khổng lồ chênh vênh nằm trên độ cao 3143 m cũng quanh năm mây phủ. Bây giờ nó chỗ ấy đã trở thành một khu du lịch nổi tiếng hút hồn người đến, nhất là trong những dịp nghỉ lễ. Cái xứ sở có cái nóc nhà ấy nghe đâu do người Pháp tìm ra hồi đầu thế kỷ XX. Ban đầu người Pháp thấy người bản địa gọi địa danh ấy theo cách phát âm của tiếng Quan Thoại là Hủa Xi Pan nên đã phiên âm lại là Fansipan. Bây giờ lên cái nóc nhà ấy có hai cách, đi theo cáp treo hoặc đi theo đường bộ. Nếu theo cáp treo thì đơn giản còn theo đường bộ thì khá vất vả nhưng đổi lại ta được trải nghiệm khi xuyên rừng, vượt thác, lội suối, trèo khe qua các vách núi đá dựng… với nắng, với gió, với mưa, với mây mù cùng các cung bậc khác nhau của cảm xúc: có thích thú, có sợ hãi, có ngạc nhiên, có sung sướng...
Lên nóc nhà Đông Dương ta sẽ thấy rừng Hoàng Liên Sơn đâu chỉ có những cây đại thụ vài trăm tuổi, to tới mức vài ba người ôm không xuể và cao vút tầm mắt, ngửa mặt nhìn vẫn chưa hết ngọn mà còn có biết cơ man nào hoa với đủ các loại, đặc biệt là hoa đỗ quyên với muôn sắc màu: vàng, tím, trắng, hồng, đỏ… Người ta bảo, rừng hoa đỗ quyên đẹp nhất là trong độ xuân về. Khi ấy, đứng giữa rừng già ta như đi lạc trong một công viên hoa ở bên trời Âu nào đó với bạt ngàn đỗ quyên với những cây cổ thụ cao hàng 10 mét. Hoa bên suối, hoa bên lối mòn, hoa trên vách núi, hoa dưới lùm cây thảo quả, dưới những tán cổ thụ … Hoa chen chúc xô đẩy nhau với muôn màu rực rỡ. Cũng bởi hoa như thế nên người ta mới gọi Vườn Quốc gia Hoàng Liên là "Vương quốc hoa đỗ quyên của Việt Nam" và được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là "Vườn di sản Asean". Đứng trên đỉnh cao 3143 mét, mọi mệt mỏi bỗng tan biến, phóng tầm mắt ra bốn phía bao la, ngắm nhìn xung quanh chúng tôi mãn nhãn với núi non trùng điệp, ẩn hiện trong mây xanh, mây trắng; nhìn xuống dưới ta thấy bát ngát một màu xanh huyền thoại và ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang tuyệt diệu. Thỉnh thoảng, từng đám mây trắng, đến lại đi, vờn quanh bên mình rồi theo gió xà xuống bên sườn núi. Cảnh đẹp ấy có lẽ chẳng ở đâu hơn được nữa. Đất nước mình mới tuyệt làm sao! Trên nóc nhà Đông Dương, chúng tôi đứng trên mây, đi trong mây; tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ, phóng khoáng của núi rừng Hoàng Liên; được hít thở bầu không khí trong lành mát mẻ của đất trời Sa Pa. Dường như lên đến đây, mọi người đều muốn đứng lại lâu hơn để tận hưởng vẻ đẹp của xứ sở miền biên viễn Tây Bắc.
Tây Bắc xa xôi trên quốc lộ 32 còn có một cung đèo trứ danh mang tên Khau Phạ. Đèo này cũng đã thực sự để lại trong lòng chúng tôi một ấn tượng khó phai về một vùng quê vừa hùng vĩ vừa thơ mộng nhưng còn nhiều khó khăn của đất trời Yên Bái. Cái vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thâm u, của dòng sông, con suối và những cánh đồng vàng lúa với muôn ngàn ngọn lúa vàng trĩu bông xôn xao trong gió hoàng hôn như thể cùng dập dìu với biển mây vân xanh, vân trắng xoắn quyện lơ lửng rong chơi trên bầu trời cao rộng, đẹp đến mê hồn, quyến rũ lòng người khiến chúng tôi mê mải từ khi nào chẳng rõ. Đèo Khau Phạ theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là "sừng trời". Biết vậy, nên tôi đã lặng im đứng nhìn và chiêm nghiệm về các đỉnh núi. Đúng vậy. Thật chẳng sai. Những ngọn núi đá ở đây sừng sững, cao vút giống hệt như cái sừng khổng lồ dương lên trời cao. Bởi thế địa hình của con đèo rất hiểm trở, đường đi hầu như quanh năm mây phủ mịt mù. Người ta kể, thời chống Pháp, những chiến sĩ du kích ở Khau Phạ được kẻ thù đặt cho cái tên là "chiến binh mây mù". Những chiến binh này cũng "vang bóng một thời", nổi tiếng với những trận phục kích làm cho giặc Pháp phải khiếp đảm, kinh hồn bạt vía. Con đèo Khau Phạ dài hơn 30 cây số, nằm trên độ cao khoảng từ 1200 m đến 1500 m so với mực nước biển hiện lên qua cửa kính ô tô của chúng tôi với đầy hiểm trở nhưng cũng rất trữ tình.
Cảnh sắc hai bên đường giống như một bức tranh khảm màu đa sắc của sơn thủy hữu tình với nguyên vẹn những nét hoang sơ kỳ vĩ. Con đường vượt đèo quanh co, dốc như dựng đứng, uốn lượn bên sườn non trùng trùng điệp điệp, giống như một chiếc thừng buộc mềm mại khi kéo ngược lên lúc lại lôi lộn xuống, gập gà gập ghềnh làm không ít người phải thót tim lo sợ. Hành trình vượt đèo ấy quả thật đầy ấn tượng.  Từ trên đèo cao, chúng tôi thả mắt dõi về phía thung lũng Tú Lệ, nơi của ngõ đầu tiên mà chúng tôi đi qua để đến với huyện vùng cao Mù Căng Chải. Hòa cùng tiếng reo vi vu của ngàn thông là những tràn nắng vàng ươm như đang rót mật xuống những thảm lúa nếp óng ả trên từng bậc cầu thang như thể đang nối mặt đất với bầu trời thênh thang gió lộng, trải ra mênh mông, vô tận. Và thế là cảnh vật cũng được mở ra với nhiều điểm quan sát khác nhau của những thiên đường ruộng bậc thang Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn. Vẻ đẹp ngất ngây của mùa lúa chín hẳn sẽ làm đắm say, mê mẩn khách lãng du. Giữa bốn bề đá xám thông xanh cùng những sóng lúa muôn hình vạn trạng, nhấp nhấp, nhô nhô nối đuổi nhau như những con sóng mà chẳng biết nơi đâu là bến bờ. Có nơi sóng lúa tầng tầng bậc bậc giống như những phím dương cầm khổng lồ bày giữa thiên thanh để hòa cùng gió trời tấu lên bản tình ca mê mải; có nơi sóng lúa xoáy tròn hình chôn ốc theo những vạt đồi với muôn bông uốn câu trĩu nặng làm hiện lên trong không gian bao la những mâm xôi màu vàng rực khổng lồ, nưng nức dâng lên trời cao trong buổi chiều hôm; có nơi sóng lúa vàng óng, sắp xếp một cách lớp lang, tầng bậc, đều tăm tắp, chạy dài theo hết sườn núi này rồi lại vắt sang sườn núi khác, nhìn vút tầm mắt như thể đang đổ lúa vào trong lòng thung. Thấp thoáng, ẩn hiện bên những thửa ruộng vàng rực hay sườn núi đá xám bên đường đi là những ngôi nhà gỗ nho nhỏ, lủng lẳng ngô treo với những sơn nữ vai mang gùi đủng đỉnh đi về trong buổi chiều hôm. Ngắm nhìn biển lúa vàng rực dọc đèo Khau Phạ ta mới thấy được sức mạnh và sự sáng tạo thần kì của những chủ nhân của nó. Ngăm nhìn biển lúa giữa nơi đất trời giao nhau như thế mà lắng nghe những thanh âm của núi rừng, ta sẽ như được trở về với một cổ tích xa xôi nào đó; lúc ấy bao mệt mỏi, ồn ào của phố thị cũng sẽ nhanh chóng bị xua tan; ta cũng sẽ cảm nhận được những vi diệu của thiên nhiên cùng sự quyến rũ, đắm say của những mùa vàng Tây Bắc.
Tây Bắc hiểm trở nhưng cũng hùng vĩ và mộng mơ. Những đỉnh núi cao và những cung đèo nối đất với trời quanh năm mây mù bao phủ đã để lại muôn ngàn nhớ thương trong lòng người đến. Phải nói, có đến đất này ta mới thấu cảm nhưng câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên hơn nửa thế kỷ trước khi viết về cái vùng đất kỳ vĩ và hoang sơ đầy chất thơ này: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?/ Khi ta ở, chi là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.
Thu Hiền - Phan Anh
Theo https://datdung.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...