Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Xao xác Điệp Anh Đào


Xao xác Điệp Anh Đào
Nhưng cũng lạ, cái ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi sau một năm giảng dạy ở đó chẳng phải là những dãy lớp học rộng rãi uy nghi; cũng không phải cái cổng trường trang trọng và nghiêm cẩn, mà lại là những dãy cây cổ thụ mang một cái tên rất đẹp là điệp anh đào.
Ngày mới ra trường, tôi có dịp về dạy một thời gian ngắn ở ngôi trường màu hồng vốn rất nổi tiếng của đất thần kinh. Ngôi trường vang tiếng không những vì bề dày lịch sử và chất lượng dạy học, mà  còn vì vẻ đẹp cổ kính đầy kiêu hãnh với lối kiến trúc rất riêng, không giống với bất kỳ một ngôi trường nào khác trên đất nước này. Nhưng cũng lạ, cái ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi sau một năm giảng dạy ở đó chẳng phải là những dãy lớp học rộng rãi uy nghi; cũng không phải cái cổng trường trang trọng và nghiêm cẩn, mà lại là những dãy cây cổ thụ mang một cái tên rất đẹp là điệp anh đào. (Có người đặt cho một cái tên khác là “nhị độ mai”, bởi mỗi năm cây trổ hoa hai lần). Mỗi khi hoa nở, cả ngôi trường bỗng sáng rực lên, quyến rũ lạ thường. Toàn bộ lá trên cây rụng hết nhường chỗ cho những chùm hoa phơn phớt nửa hồng, nửa tím, chen chúc nhau trên những cành khẳng khiu, tạo thành những chuỗi hoa dài và rơi lả tả trong những cơn gió. Khi mới nở, hoa có màu tím nhạt rồi phai dần sang hồng rồi trắng, vì thế trên cây bao giờ cũng là hòa sắc của nhiều tông màu. Những lúc ấy, đứng trên cao nhìn xuống, cả ngôi trường như khoác một tấm áo mới kiêu sa, đẹp đến nao lòng!
Lúc ấy tôi còn trẻ lắm, vừa mới ra trường, bỡ ngỡ, khao khát và đam mê. Thế nhưng cũng vì mới về, còn lạ nước lạ cái, những lúc không có tiết dạy, thay vì ngồi đợi ở phòng giáo viên, tôi vẫn thường tha thẩn quanh trường hay ngồi đọc sách trên những ghế đá rải rác khắp sân, dưới những tán cây mát rượi. Trong giờ học, lối đi vắng người, ngôi trường im phăng phắc, cái tĩnh lặng nghiêm trang đầy vẻ học thức trong ngôi trường cổ đầy hoa lá và tiếng chim. Và tôi yêu biết bao những giây phút ấy. Cũng vì vậy mà tôi có dịp gặp và quen một người đàn bà dáng vẻ chất phác, bình dân, nếu không muốn nói là kham khổ. Bà trạc 50 tuổi, nước da tái xám, nét đặc trưng của những người lao động lam lũ. Đó là bác cai trường, người vẫn thường tranh thủ lúc rỗi rãi ra quét sân, luôn tiện thu nhặt những cành cây khô làm củi đun bếp. Biết tôi là thầy giáo trẻ mới về, còn lạ với môi trường mới, bà vẫn thường hay trò chuyện hỏi thăm. Sau này tôi mới phát hiện ra bà cũng có một đứa con đang học trong lớp tôi và nó vẫn thường kể cho bà nghe về chuyện học hành, về những thầy cô giáo mới của mình. Dù tôi nhỏ tuổi hơn nhiều nhưng lối nói chuyện lễ phép của bà, một tiếng dạ, hai tiếng thưa, làm cho tôi cảm động biết bao. Cũng như nhiều ngườì thời ấy, do hoàn cảnh, bà không được đến trường, nhưng qua những cuộc trò chuyện, tôi tìm thấy ở người đàn bà này một sự tôn trọng học vấn hiếm có. Bà rất quan tâm đến việc học của con mình. Cũng là lẽ thường tình, những bậc cha mẹ khốn khó vẫn thường cố cho con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, như một sự bù đắp cho những thiệt thòi của mình ngày trước. Có lần tôi ngỏ lời hỏi xin một nhánh điệp anh đào nhỏ đem về ươm trong vườn nhà mình, bà mau mắn nói “Cây này rất dễ trồng, thầy cứ đến và tôi sẽ chặt cho thầy một nhánh thật lớn đem về trồng để cây mau phát triển, chứ lấy một nhánh nhỏ thì lâu lắm...”
Nhưng cuối cùng tôi đã không làm điều đó vì e ngại, sợ mang tiếng là chặt cành bẻ cây trong vườn trường, dù đã được cho phép. Bẵng đi một thời gian, lúc ấy tôi đã chuyển về dạy tại trường Đại học Sư phạm Huế. Một lần, tôi gặp một em sinh viên trong lớp và phát hiện ra rằng em chính là học trò cũ, con của bác cai trường thuở nào. Nhanh thật, nhớ ngày nào em vẫn còn là một học sinh trung học, thế mà giờ đây đã là một sinh viên và sẽ trở thành đồng nghiệp của tôi một ngày không xa. Tôi thấy vui với ý nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa, đồng lương giáo viên, dù ít ỏi của em, có thể trợ giúp phần nào người mẹ khốn khó ấy nuôi cái gia đình nheo nhóc. Thời gian cứ trôi và rồi một ngày tôi tình cờ thấy trên ngực em tấm băng tang màu đen. Tôi ngậm ngùi biết rằng một vì sao nữa đã băng ngang trời. Tội nghiệp, người mẹ ấy đã không kịp chờ...
Bây giờ trong vườn nhà tôi, ngay trước của số phòng làm việc, cũng có một cây điệp anh đào cao lớn sum sê, đến mùa vẫn thường lặng lẽ ra hoa. Nói là lặng lẽ bởi vì cây cao quá mà tôi thì vẫn cứ tiếc không dám tỉa bớt cho thấp lại như người ta vẫn làm. Nhiều người trong gia đình tôi, rủi thay, lại không có cảm tình với cây hoa này, vì nó thường trút lá những lúc sắp ra hoa nên khoảng sân xi-măng luôn phủ lá và bay khắp nơi. Vả lại, xung quanh là những nhà cao tầng che mất tầm nhìn, nên đôi khi cây ra hoa mà chẳng nhiều người biết. Mặc, cây vẫn cứ trổ hoa mỗi năm hai lần, những cánh hoa tím hồng vẫn rơi lả tả trong gió thoảng. Chỉ một mình tôi là trông chờ và vui mừng khi thấy cây ra hoa, dù phải ngửa cổ lên trời mà ngắm. Dù cây địêp anh đào này không phải là cây của người đàn bà khốn khổ ấy cho, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến khoảng thời gian ngắn ngủi đầy ý nghĩa ở ngôi trường này và hình ảnh người đàn bà kham khổ nhưng tốt bụng đó. Giờ đây ở chốn bên kia, không biết bà đang làm gì và ở đó có không những cây điệp anh đào hằng năm hai mùa hoa nở?
Bài đạt giải Ba trong cuộc thi Ấn tượng không quên trong cuộc đời của tạp chí Khoa học phổ thông, số 25, 2005.
Nguồn: duonglamanh.typepad.com
Theo http://tintuc.hues.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...