Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Bước đầu nghiên cứu, phát hiện những cơ sở của nền nhạc lý Việt Nam


Bước đầu nghiên cứu, phát hiện 
những cơ sở của nền nhạc lý Việt Nam
Về nhạc lý, dường như người Việt Nam chúng ta chỉ biết đến nhạc lý cổ điển châu Âu. Còn từ cách mạng tư sản 1789, cả thế giới - nhất là châu Âu đều quay về nghệ thuật dân gian và truyền thống, nhất là phương Đông. Nhưng ngay về phương Đông, có lẽ ta chỉ biết đến cấu trúc đơn giản của năm điệu cung, thương, giốc, chủy, vũ. Và khi phân tích đến nhạc cổ dân gian Việt Nam ta cũng đem gán ghép vào năm điệu đó. Nhạc lý Ấn Độ, theo bạn Thao Giang, đã có trước nhạc lý phương Tây hàng ngàn năm. Nhưng ta chưa hề biết đến nhạc lý Việt Nam, nền móng của biết bao kiến thức đồ sộ và tuyệt vời mang tính bác học cao như Ca trù, Tuồng, Cải lương hoặc tính dân gian kết hợp với tính bác học độc đáo như Chèo, những gì hiện đang còn sống, có khi rất khỏe trong xã hội Việt Nam, những điều đó chắc chắn hẳn đã và đang được nghiên cứu đúc kết.
Vì thế, chút ít những gì chúng ta biết về âm nhạc truyền thống và dân gian Việt Nam, tôi mong mỗi người góp lại - dù chỉ một... viên gạch để xây dựng cho được một nền nhạc lý Việt Nam, và hy vọng trên đó sẽ nổi lên những lâu đài âm nhạc đầy tính Việt Nam, vừa rất mới, so với cả thế giới.
I. "Con âm" Việt Nam
Hồi đang còn phong trào cải tiến nhạc khí cổ truyền nhằm giao hưởng hóa dàn nhạc dân tộc, có một nhạc sĩ nước bạn đến thăm Nhà hát Giao hưởng dân tộc và đã nói thẳng:
- Thà rằng các bạn có một dàn nhạc truyền thống hay, còn hơn một dàn nhạc giao hưởng tồi!
Lúc đó (1964) tôi cũng đang cải tiến cây đàn nguyệt để nó chơi được cả ba hệ thống (5 cung, 7 cung và 12 bán cung) bằng cách lắp ba bàn phím khác nhau vào cán một cây đàn nguyệt bình thường. Điều này vừa thực hiện xong. Tôi muốn cải tiến luôn cả âm sắc đàn nguyệt, bèn vặn thật căng dây đàn lên, vừa đang tự đắc với thứ tiếng trong, vang, không bị rè, đục, thì từ cầu thang có tiếng bước chân và tiếng nói của một anh bạn:
- A! Dạo này Lê Yên cũng chơi cả đàn guitare đấy ư?
Nghe vậy, tôi lập tức hiểu ngay: suýt nữa thì tôi đã gạt bỏ mất cái đẹp của thứ tiếng "đục như tiếng suối mới sa nửa vời", cái nét độc đáo của đa số các nhạc khí dân tộc hoặc một cách hát "giọng khàn" trong sân khấu ca kịch Việt Nam hoặc Bali (Inđônêsia).
Cũng dạo ấy, anh Nguyễn Xuân Khoát viết nhạc cho phim hoạt hình Thánh Gióng. Đài vừa phát phần nhạc kèm lời phát biểu của tác giả, thì ngay hôm sau, tác giả đến tôi và hỏi ngay:
- Hôm qua cậu có nghe đài đấy chứ?
- Có thưa anh, tôi đã suy nghĩ nhiều nên xin trả lời rành mạch. Cũng đã nghe chương trình mới của dàn nhạc dân tộc (lúc ấy anh Hoàng Đạm phụ trách). Ý các anh, tôi đoán thế, tưởng cộng hai cái nhất thế giới lại: một, kiểu hòa thanh cổ điển ở châu Âu; hai, bộ gõ Việt Nam mà ông Trần Văn Khê cho là nhất thế giới. Hai cái đó cộng lại được với nhau, sẽ ra một đáp số chấn động cả địa cầu. Nhưng sự thật thì khác hẳn. Hai cái đó lại phá nhau rất ác!
Tai anh tinh hơn anh em, nên sau đoạn mở đầu bằng bộ gõ, hiệu quả rất xôm, rất độc đáo, đến đoạn dàn nhạc giao hưởng dân tộc bắt vào những thứ nhạc đệm kiểu hòa thanh cổ điển châu Âu, lập tức anh cho dẹp hết bộ gõ, và chỉ giữ lại độc chiếc sênh tiền, rồi anh tuyên bố:
- Phải làm thế, vì đàn gõ chưa được cải tiến.
Vậy xin hỏi anh định cải tiến theo hướng nào? Nếu theo kiểu thanh lọc để cây nào cũng "đẹp tiếng", thì chúng lại giống y hệt bộ gõ phương Tây mất! Còn đâu những màu sắc riêng Việt Nam mà cả thế giới mến mộ?!!
Nhớ lại các nhà lý luận nhạc cổ điển phương Tây, từ xa xưa, chỉ công nhận là con âm có tính âm nhạc những gì gạn lọc đến tối đa những phần gọi là "trọc âm". Điều đó đã khiến cho nhà nghiên cứu nổi tiếng Schaeffner (Sáp-ne) kêu lên rằng: "Nhạc khí của chúng ta1 chiếm lĩnh được âm vực rộng, ngón chơi thoải mái, to nhỏ linh hoạt, nhưng lại mất đi chất tươi sống màu xanh mát2 của âm sắc!".
Đến đây, xin trở lại với dàn nhạc giao hưởng dân tộc đã nêu ở trên, qua một mẩu chuyện khác.
Hồi ấy chị Tân Nhân có tập với đoàn bài Nhớ (tôi phổ thơ Thanh Hải) để thu đĩa. Hiệu quả về âm hưởng, lúc đầu làm tôi rất băn khoăn: bộ dây kéo, đông nhất là nhị, hàng chục tiếng đi một bè, mà tiếng chẳng ôm quyện nhau,  sau phải cộng cả sáo, tiêu vào, mới tạm ra được một chút cái gọi là đồng đều. Thì ra, ngay đàn violon bên giao hưởng có phải bất cứ chế tạo nào cũng chui vào được cùng dàn đâu. Thứ nhất, hộp đàn làm sao để khi gõ vào phải kêu âm đô, ấm, tròn, trong và chắc tiếng. Thứ hai, về cái vĩ, hình dáng, kích thước dài, ngắn đã đành, phần đầu, cuối, giữa phải tương xứng về trọng lượng ra sao. Còn nhị hồ của ta thì từ cấu trúc, từ dây đến bát nhị, da căng mặt, tất cả còn chưa tìm được những chỉ số tối ưu về kỹ thuật. Về mặt này, ta còn thua xa Trung Quốc, song ngay ở Trung Quốc, nhiều lúc người ta còn phải đặt cả một dàn nhạc giao hưởng châu Âu bên cạnh để hỗ trợ cho dàn nhạc giao hưởng dân tộc những khi cần.
Cho nên, dù cả đàn nhị hồ chơi một giai điệu, mà âm sắc vẫn còn xa mới thỏa mãn được tai nghe dàn nhạc giao hưởng châu Âu, dù sau đó, tôi đã huy động hết cả dàn hơi (rất nhiều sáo + tiêu) để hỗ trợ bằng thủ pháp đồng âm (unis). Cuối cùng, khi thu thanh, chuyên gia Bêla Ruxép phải cho kéo xuống chiếc đàn piano có cánh (à queue) lại gần, và cho ấn bàn đạp forte xuống để có được sự cộng hưởng của cả dàn dây của cây piano đồ sộ. Đấy là chưa kể phần hòa thanh "thoáng" của tôi đã là một kiểu "chơi màu sắc", ít đòi hỏi sự cộng hưởng kiểu hòa thanh cổ điển, ấm và quyện bằng các hợp âm ba (đồ - mi - xon...)
Mặt khác của vấn đề, mà các nhà lý luận phương Tây đã đúc kết được, đó là do hiệu quả của phương pháp phối mà trong phần hai dưới đây sẽ mô tả.
II. Phối âm Việt Nam
Ngay từ thời cổ đại, người Trung Quốc khi sang đến đất nước ta, đã có nhận xét khái quát về phong cách nghệ thuật của người Việt Nam chúng ta, đó là cái đẹp mỏng và thoáng như lụa. Gần đây, ta hay nêu cái đẹp thoáng (như bức rèm đăng ten), cái đẹp "sặc sỡ kiểu tranh gà lợn", hoặc "đa sắc huyền ảo kiểu tranh sơn dầu". Đối chiếu sang lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, phương Đông đối với phương Tây, cái khái niệm đó cũng tồn tại song song giữa "dày với mỏng", "ấm với mát", "sặc sỡ, đa sắc với đơn sắc"...
Đi vào dàn nhạc cổ truyền, chơi hòa tấu hoặc đệm cho hát, làm nền kèm hoặc kèm với hát cho sân khấu ca kịch, chúng ta nhận thấy những gì có thể coi là cơ bản như sau: khái niệm dày mỏng, ấm lạnh, đa sắc hay đơn sắc... tất nhiên chỉ là tương đối và nằm ngay trong bất cứ loại nhạc nào của dân tộc hoặc một khu vực dân cư nào, điều đó miễn bàn, nhưng đi sâu vào cấu trúc, vào quy luật, ta thử tìm xem các nhân tố cơ bản nào đã tạo nên âm hưởng này chứ không âm hưởng khác của một loại âm nhạc nhất định.
Điều thứ nhất, như ta biết ở trên, chính bản chất của "con âm" trong dàn nhạc đã tạo nên tính chất (tức phong cách) của từng cây đàn, có khi của một tốp hoặc cả dàn, trước khi có bàn tay phối âm, phối khí của nhạc sĩ.
Về điều này, ở nước ta, không ít các đoàn đã vi phạm khi đưa nhạc khí Tây, như violoncelle, guitare basse vào dàn nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngay guitare lõm phím thực chất cấu trúc hàng phím theo hệ bình quân luật (quãng tám chia thành 12 phím rất bằng nhau), nghe tinh sẽ thấy nhiều điểm không ăn khớp với các phím thuộc hệ thống tự nhiên của dàn nhạc cổ truyền Việt Nam.
Mới đây, tại Pháp, điều này được phát hiện không phải do người mình, mà là do một người Pháp phụ trách một đài phát thanh. Khi một đoàn Cải lương của ta đến thu, người Pháp đề nghị bỏ cây guitare lõm phím, ta không tuân theo, cứ cho thu. Sau kiểm tra lại, thấy không hay, người Pháp đề nghị lấy đàn bầu thay guitare, kết quả hay hơn nhiều! Ông Trần Văn Khê có mặt lúc đó cũng rất đồng tình.
Điều thứ hai, phải kể đến một nhân tố cũng quyết định đến âm hưởng dàn nhạc, nhân tố mà nhiều nhà chuyên môn của ta không mấy khi nghĩ đến, đó là âm hưởng "phân tâm" (không quy tụ)3 do trên một giai điệu nhất định, mỗi nhạc khí lại thêm bớt, thêu thùa nhấn nhá một kiểu khác - như trong các dàn nhạc cổ truyền Việt Nam. Khác với âm hưởng đúc nhuyễn4 do các nhạc khí cùng chơi một giai điệu nào thì cứ nguyên xi như nhau, đồng đều không biến tấu gì hết - như trong các dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc nhẹ châu Âu.
Tiện thể cũng cần nói thêm:
- Ngay cây guitare bình thường (Tây Ban cầm, gảy bằng móng tay hay bằng médiator, chưa cần sự nhún căng (ấn dây cho chéo ngang sang gần dây bên cạnh) cũng có một âm thanh khá nổi, tách. Mandôline cũng vậy.
- Và ngày xưa, đàn clavecin - tiền thân của piano - cũng là âm sắc "gảy", nên rất hợp với nhạc viết lối phức điệu. Đến thời thịnh của piano, do búa bổ vào dây, gây ra âm thanh ấm, quyện, khó làm tách các bè phức điệu, nên mỗi khi muốn có đúng phong cách phức điệu (như của Bach...) người ta phải nhờ đến đàn clavecin mới thỏa mãn được tai sành âm nhạc.
Ghi chú:
1. Tức người châu Âu
2. Tạm dịch từ verden
3, 4. Héterophine, Homophonie: trong sách Encyclopédie des instruments de musique (Bách khoa toàn thư về nhạc khí). Grund xuất bản, 1982.
 Lê Yên

Nguồn: Viện Âm nhạc

Theo http://vnmusic.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...