Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Về tập thơ "Hận chiến trường" của Thanh Tịnh

Về tập thơ "Hận chiến trường" 
của Thanh Tịnh
Tôi đọc Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942) của Hoài Thanh và Hoài Chân từ thời còn là sinh viên, thấy phần viết về nhà thơ Thanh Tịnh có đoạn: " Xem thơ Thanh Tịnh, cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ…Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ và nước – âu cứ gọi là nước – cứ chảy tràn lan…Có lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (trong tập Hận  chiến trường), nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến mất. Thì ra là một ảo ảnh ". Nhưng 10 năm sau khi về Văn nghệ Quân đội - cơ quan có nhà thơ lão thành xứ Huế, tôi hỏi ông về cái "lâu đài xương máu nọ ". Ông tảng lờ và lái sang chuyện khác. Lần nào cũng vậy, và năm tháng cứ trôi đi. Nhà thơ sau nhiều năm ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân ở Phố Nhà binh – Hà Nội đã về nằm lại vĩnh viễn nơi sườn núi Thiên Thai xứ Huế đẹp và thơ, còn câu hỏi của tôi về cái " lâu đài " trong thơ Thanh Tịnh thì vẫn còn đó…May sao một dịp, chị Dương Hồng - bạn đồng môn của tôi (lúc ấy còn công tác ở Thư viện Quốc gia) đi công tác bên Pháp về đã gửi cho tôi bản sao tập thơ Hận chiến trường xuất bản từ năm 1937 của Thanh Tịnh. Theo chị bạn tôi thì tác phẩm này đã được các bạn Pháp sao tặng cho Thư viện Quốc gia Việt Nam dưới dạng phim. Trong bản photo tôi hiện có trong tay thì, trên bìa tập thơ còn rõ dấu Thư viện với những chữ DEPOT LEGA INDOCHIN No 23/55
Tập thơ gồm chưa đầy 60 trang khổ 13 x 19 hàng cuối cùng ghi gõ "Sách này in xong ngày 28 tháng 10 năm 1937 tại nhà in MIRADOR - Huế. In ra 1000 quyển. Tác giả tự tay viết riêng mấy vần thơ giữa trang 11 để biếu các báo và các bạn thân. Có làm thêm 100 cái đầu lâu chiến sĩ do tay ông Hoàng Bút vẽ (không bán)". Sách cũng ghi rõ: "Tổng phát hành Tiến Hóa, 107 - đường Paul Bert - Huế".
Văn bản tập Hận chiến trường hiện tôi có trong tay có đủ hai yếu tố đặc biệt đó là bức tranh của ông Hoàng Bút và lưu bút tại trang 11 của chính tay nhà thơ. Bên dưới lời đề Kính tặng các vong linh tướng sĩ và những oan hồn tử trận là bốn câu thơ và chữ ký của tác giả:
Mỗi lần nắng tắt tiết thu sang
Thi sĩ đua nhau khóc lá vàng
Cùng với lá vàng tan tác rụng
Đầu người rơi rụng chẳng người than
Tập thơ Hận chiến trường có 17 bài thì có tới hơn mười bài mang nội dung "hận chiến trường", lên án chiến tranh - tất nhiên là chiến tranh phi nghĩa, đúng như câu cuối của bài đề từ: Đầu người rơi rụng chẳng người than!
Ngoài ra, đọc Hận chiến trường, người đọc còn tìm thấy những dấu ấn, đôi khi là rất thú vị về một "thời đại thi ca", về một xứ sở thơ, về một vùng ngôn ngữ, về một thời trai trẻ của nhà thơ Thanh Tịnh...
In Hận chiến trường năm 1937, tức là khi ấy Thanh Tịnh mới 26 tuổi (Ông sinh năm 1911, như có lần ông nói: "Tuổi tôi cùng với tuổi Nhà hát lớn Hà Nội! Nếu trót quên thì lấy năm nổ ra cuộc Cách mạng Tân Hợi bên Trung Hoa hoặc năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước!"). Tuy mới chưa đến tuổi "băm" nhưng ông đã giao du với rất nhiều nhà văn nghệ tên tuổi, đã có những suy nghĩ rấ sâu sắc về thơ và sứ mệnh của nhà thơ. Ông viết:
Thi nhân căm giận thú kinh thành
Và thú khốc tàn của chiến tranh
Muôn thu trần gian chàng muốn đổi
Một bàu trời lạ cõi xanh xanh
(Bài Vũ trụ và thi nhân)
Đọc Hận chiến trường, giải mã những suy nghĩ về thơ của Thanh Tịnh cách đây 70-80 năm chúng ta vẫn thấy có một sự nhất quán. Bấy giờ ông đã "chịu ảnh hưởng" của nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều thứ thơ để rồi thơ ông: "đã có tiếng đau thương/ của tinh binh hùng sĩ/ tiếng đầy lòng ích kỷ/ tiếng oán hận ngàn phương/ đọng bên tiếng nhạc trường".
Về sau, mỗi lần nhớ lại cái thuở ban đầu mình đến với thơ ca, ông vẫn không phủ nhận lúc đó rằng ông chịu ảnh hưởng của rất nhiều thứ thời đại ông, quê hương ông, gia cảnh ông mang tới.
Đọc Hận chiến trường mới biết Mòn mỏi, Tơ lòng..., những bài thơ in trong Thi nhân Việt Nam (1942) mới chỉ là một phần thơ Thanh Tịnh lúc bấy giờ bởi lẽ trước đó nhiều năm ông đã có cả một tập thơ in riêng, trong ấy có Rồi một hôm(Lời cuối cùng của chinh phụ) mà theo tôi là rất hay, nguyên văn như sau:
Rồi một hôm nếu cha về hỏi
Mẹ ở đâu con biết nói sao?
- Con hãy bảo trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mới tháng đau
- Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
- Con hãy chi bình hương khói rẽ
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao
- Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?
- Con hãy chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng im
- Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết
Phải hướng nào con nói cùng cha?
- Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc
Và bầu trời chỉ nội cỏ xa xa...
Thanh Tịnh là vậy! với tôi, ông luôn luôn là một bí mật kể cả sau khi đã có trong tay tập thơ Hận chiến trường. Còn câu hỏi vì sao ông ít nhắc tới những tác phẩm của mình viết những năm chưa đi kháng chiến chưa vào bộ đội thì chỉ riêng nội dng tập thơ mới phát hiện đã là một cách trả lời. Một tập thơ chống chiến tranh, dù là chống chiến tranh phi nghĩa, ủy mị là rất lạc lõng, lạc thời với một thời "Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau". Tôi nghĩ vậy và thấy ông lại thêm một lần có lý. Và tác giả Quê mẹ vẫn là một nhà thơ, một con người tiếp tục phải khám phá, tiếp tục phải giải mã.
Ngô Vĩnh Bình
Nguồn: Bài đã đăng báo Văn nghệ
 Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...