Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Đôi điều tâm sự về sáng tác ca khúc hiện nay


  Đôi điều tâm sự về sáng tác ca khúc hiện nay
Việc khai thác và vận dụng chất liệu dân ca dân nhạc vào sáng tác ca khúc mới hiện nay là một trong những thủ pháp truyền thống rất thông dụng và có hiệu quả. Tuy nhiên để nắm bắt nó, cần đặt nó vào dòng chảy lớn của tư duy sáng tạo với những ảnh hưởng mạnh mẽ và liên tục từ nền văn hóa âm nhạc thế giới.
1/ Trong dân ca của ta không có hành khúc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho hành khúc Việt Nam bằng một quá trình sáng tạo từ “Du kích ca”, mang rõ âm hưởng Tây, tới “Đâu có giặc là ta cứ đi”, mang đậm âm hưởng dân ca, thậm chí có thể nói rõ là từ điệu hò Nện, dân ca Miền Trung. Tương tự như vậy, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đi từ “Tiếng gọi thanh niên” tới “Tiến về Sài Gòn”, tuy nhiên ở “Tiến về Sài Gòn” âm hưởng dân ca chỉ được thể hiện qua những quãng 4 và quãng 2 - những quãng đặc trưng của dân ca người Việt. Còn “Anh vẫn hành quân” của Huy Du được kết hợp hết sức nhuần nhuyễn giữa cung La ngũ cung mang hơi Xuân với điệu thức La thứ tự nhiên của âm nhạc phương Tây v.v....
Để làm nên cái mới, dĩ nhiên không chỉ bằng cao độ, mà còn bằng tốc độ cùng tiết tấu và nhịp điệu - những thành tố thuộc phạm trù thời gian. Nhịp ¾ cùng âm hưởng hát ru dân dã đã tạo nên bài “Mẹ ru con” bất hủ của Nguyễn Văn Tý. Cũng từ nhịp ¾ mà có “Ngày mùa”, “Làng tôi”của Văn Cao, “Quê em miền trung du” của Nguyễn Đức Toàn, “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Tiếng đàn bầu” của Nguyễn Đình Phúc.... Và bao trùm lên tất cả là yếu tố bố cục khúc thức. Trong dân ca, đặc biệt những bài trữ tình, các câu nhạc thường không theo lối cấu trúc vuông vắn, cân phương; tuy nhiên đoạn 1 mở đầu bài “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân ta có thể phân ra thành 2 câu hết sức vuông vắn, như câu hỏi và câu đáp rất phổ biến trong dạng 1 đoạn của âm nhạc Châu Âu:
Câu 1: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới? Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”, gồm 8 nhịp, kết bằng âm át  (theo thuật ngữ thông dụng hiện nay) mang chức năng hỏi.
Câu 2: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt? Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa”, gồm 8 nhịp, kết bằng âm chủ (theo thuật ngữ thông dụng hiện nay) mang chức năng đáp.
Bài hát đã được không chỉ dân địa phương hát, mà cả nước cùng hát vì nó gợi được hình ảnh mới mẻ của Quảng Bình: một Quảng Bình rất trữ tình mà rất anh hùng trong chống Mỹ cứu nước!
2/ Sau 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước được sống trong hòa bình và tiếp theo bước vào thời kỳ hội nhập, mở cửa với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN; mức sống được nâng cao trong lúc khoa học công nghệ, đặc biệt lĩnh vực điện tử phát triển mạnh nên đời sống tinh thần có nhiều thay đổi và rất phong phú. Đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ này, về âm nhạc, sự xuất hiện của một dòng nhạc mới trên địa bàn cả nước mang tên nhạc nhẹ được coi như một điều tất yếu, một lẽ đương nhiên. Lối biểu hiện với đặc điểm coi yếu tố tiết tấu và nhịp điệu là động lục phát triển nổi bật, nhất là trong Rock - nơi không còn chỗ cho phách yếu mà chỉ còn phách mạnh hiện hữu từ đầu tới cuối bài thì ý nghĩa của nghệ thuật ca hát đã thay đổi: không chỉ miệng hát mà toàn thân hát! Người hát không thể đứng yên mà người nghe cũng không thể ngồi yên!
Như một thứ hàng hóa của tinh thần với mục tiêu nhằm thỏa mãn thị hiếu của công chúng, Rock đã phải luôn luôn tự biến đổi để trở thành Hard-rock (Rock nặng), Slow-rock hoặc soft-rock (Rock nhẹ), Soul-rock (Rock tâm hồn), Punk-rock (Rock mục nát) hoặc kết hợp với các thể loại khác để tạo ra Symphorock (Rock giao hưởng), Jazz-rock (Rock jazz), Folk-rock (rock dân ca) v.v....(*)
Điểm qua một vài đặc điểm trên để thấy rằng ca khúc của chúng ta bước vào thời kỳ sau chiến tranh cũng không đơn giản, không dễ dàng một chút nào. Tuy nhiên, vượt qua những bỡ ngỡ, những vấp váp ban đầu, chúng ta đã sáng tạo nên một ngôn ngữ nhạc nhẹ Việt Nam phong phú và đa dạng, thể hiện được nhiều cung bậc tình cảm của muôn mặt đời thường, từ những hình ảnh nhỏ bé tới những hình tượng lớn lao: “Chuồn chuồn ớt”, “Ôi quê tôi” của Lê Minh Sơn; “Ơi M’đrắc”, “Đôi mắt Pleiku” của Nguyễn Cường; “Lắng nghe mùa xuân về”, “Cho em một ngày” của Dương Thụ. “Hát với chú ve con”, “Lời tỏ tình của mùa xuân” của Thanh Tùng; “Hương thầm” (thơ Phan thị Thanh Nhàn), “Phượng hồng” (thơ Đỗ Trung Quân) của Vũ Hoàng; “Mùa xuân bên cửa sổ” (thơ Song Hảo), “Người mẹ Việt Nam” của Xuân Hồng; “Giai điệu Tổ Quốc”, “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến; “Hương tràm” (thơ Hoài Vũ), “Vầng trăng Ba Đình” (thơ Phạm Ngọc Cảnh) của Thuận Yến; “Mùa chim én bay” (thơ Diệp Minh Tuyền), “Nhớ về Hà Nội”của Hoàng Hiệp; “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn; “Không thể và có thể”, “Chảy đi sông ơi ” của Phó Đức Phương v.v....
Trong quá trình hình thành dòng nhạc nhẹ Việt nam chúng ta ít gặp thủ pháp cải biên dân ca, tuy nhiên các cung quãng trong dân ca các vùng miền đều được sử dụng để gợi lên những đường nét ngũ cung gần gũi, từ đó toát lên hồn dân tộc với sức cảm hóa mạnh, vừa đạm đà vừa quyến rũ.
Nhạc nhẹ Việt Nam hôm nay đang trải qua một thử thách mới mẻ, đầy cam go, mang tên Hiphop. Ở Hiphop, tiết tấu và nhịp điệu được nâng lên đến tầm cao có lẽ đã kịch trần, kết quả là yếu tố nhảy đã áp đảo yếu tố hát. Nhảy ở đây cũng rất khác: đất có thể thành trời và trời có thể thành đất khi đầu cắm xuống đất làm trục cho người quay cùng với chân nhảy lên phía trời! Hơn nữa, giai điệu nhiều khi hoàn toàn mất, thay vào là giọng người nói, mà nói theo tiết tấu nhịp điệu như để thật thoả mãn nỗi khát khao được sống trong một thế giới chỉ còn tiết tấu và nhịp điệu!
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Cường, rằng Hiphop rất hợp với tuổi trẻ. Tuy nhiên do có những cực thái quá nên cần có sự nghiên cứu toàn diện và sâu hơn, để yếu tố nhảy gần hơn với tâm sinh lý và thể trạng của thanh niên ta, (ví dụ nghiêng về sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo). Về nghệ thuật Rap (nói theo tiết tấu nhịp điệu), thì trong ca nhạc truyền thống của ta vốn đã có Nói lối, có điều Nói lối luôn đảm bảo tròn vành rõ chữ, vậy ở Rap nên chăng dùng câu ngắn xen kẽ câu dài có điệp lời để vẫn đảm bảo tốc độ mà vẫn rõ lời rõ ý.
Chúng ta hy vọng dựa vào sự hiểu biết ngày càng sâu vốn dân ca dân nhạc, không chỉ vậy, kể cả dân vũ, dần dần sẽ tháo gỡ được vướng mắc để cuối cùng - cũng như các thể loại khác - chúng ta sẽ có một nghệ thuật trình diễn mới mang tên Hiphop Việt Nam!
3/ Để việc khai thác và vận dụng chất liệu dân ca đạt hiệu quả cao cần lắng nghe và không ngừng học tập. Ở thời điểm nào, ở thế hệ nào cũng có những sáng tạo mang đặc điểm riêng. Điều này được chứng minh qua “Hà Nội linh thiêng hào hoa” của Lê Mây, “Chiều xuân” của Ngọc Châu, “Ca dao em và tôi” của An thuyên, “Tre Việt Nam” của Trần Quế Sơn, “Dòng máu Lạc Hồng” của Lê Quang, v.v....
Có một hiện tượng phổ biến cho tới giờ là sự sáng tạo thường chỉ dừng lại ở phần giai điệu, không được tác giả thể hiện trọn vẹn trong một tổng thể gồm cả giai điệu lẫn phần đệm. Đây là một hạn chế mà chúng ta cần quyết tâm và kiên trì vượt qua, Vấn đề này nảy sinh từ thời Tân nhạc cho đến hôm nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo chúng tôi, ngôn ngữ âm nhạc Châu Âu được hình thành trong tư duy đa âm với hệ thống hợp âm - còn gọi là hệ thống chiều dọc - chi phối sự phát triển của giai điệu - còn gọi là hệ thống chiều ngang. Trong lúc dân ca của chúng ta vốn sinh ra trong tư duy đơn âm với tuyến chiều ngang - tức giai điệu - giữ độc quyền chi phối sự phát triển và đặc điểm này hiện vẫn tồn tại trong sáng tác ca khúc của chúng ta. Dĩ nhiên vấn đề này thuộc chuyên ngành lý luận, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm để bản sắc dân tộc được thể hiện trọn vẹn trong sáng tác của mình, góp phần làm nên công trình mà chúng ta hằng mong đợi: Lý thuyết Âm nhạc Việt Nam.
Tới đây chúng tôi xin có hai đề nghị lưu ý:
Tránh ngộ nhận rằng khai thác và vận dụng chất liệu dân ca dân nhạc là phương thức duy nhất trong sáng tác âm nhạc nói chung, ca khúc nói riêng. Sự giao thoa của hai tư duy đa âm và đơn âm đã nảy sinh không chỉ phương thức sáng tác từ yếu tố nội sinh (dựa vào ngôn ngữ dân ca), mà còn cả phương thức sáng tác từ yếu tố ngoại nhập (dựa vào ngôn ngữ âm nhạc thế giới), như những ca khúc cách mạng của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, v.v... Bởi cái cốt lõi chính là sự sáng tạo bật ra từ Tâm hồn Việt Nam!
Không ngừng tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về nhạc không lời mà đỉnh cao là giao hưởng. vì chỉ ở nhạc không lời, ngôn ngữ âm nhạc thuần túy mới được bộc lộ và cũng ở đây, qua trải nghiệm với sự giao thoa của hai lối tư duy đa âm và đơn âm, chúng ta mới có thể tìm ra những kết luận khoa học làm cơ sở để góp phần kiến tạo nên Lý thuyết Âm Nhạc Việt Nam. Chính vì vậy quá trình này cũng giúp ích rất nhiều cho sự sáng tạo thanh nhạc nói chung, ca khúc nói riêng.
Cuối cùng chúng tôi tin tưởng rằng với Tâm hồn Việt Nam dựa trên nền tảng Trí tuệ Việt Nam, chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp xây dựng nền Âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
(*) Theo bản dịch của Nguyễn Thị Minh Châu: Nhạc rock cội rễ và các nhánh nảy sinh (trong cuốn: Jazz Rock Pop, nxb Âm nhạc 1990)
Hà Nội 19/4/2011
Doãn Nho
Theo http://vnmusic.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vẽ mặt mình – Chùm thơ Hữu Dũng 7 Tháng Sáu, 2023 Ta ngồi vẽ suốt đêm thâu/ Đâu hay tóc đã hoa cau trắng đầu… Vẽ mặt mình   Chon...