Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Đời người bất chợt

Đời người bất chợt
Thì ra, sau cái ồn ào, tạp nham và vênh vang giả tạo, nổi nênh bề ngoài kia, là một tâm hồn Nghiêm Đa Văn - nhà thơ vẫn còn trinh nguyên. Tôi nhận thấy, anh vẫn giữ nguyên niềm thiêng liêng đền đài với thi ca.
Nếu kể bạn bè thân nhất với Nghiêm Đa Văn, thì tôi chưa có trong danh sách ấy. Nhưng kỷ niệm về Nghiêm Đa Văn, trong tâm trí tôi lại không mờ nhạt.
Độ ấy, mùa hè 1976, chúng tôi đến ngôi nhà 330  phố Khâm Thiên (Hà Nội) thăm anh. Cái ngôi nhà mặt phố nhưng lại tụt vào, không nhô chiếm vỉa hè như những ngôi nhà khác, Nghiêm Đa Văn đang cởi trần trùng trục cúi mình gõ máy chữ. “Các ông uống nước, tôi dở tay một chút!” anh nói, mặt vẫn cúi gằm vào táp giấy dở dang trên cỗ máy. Tôi quan sát, không phải một cái máy chữ, mà trên bàn làm việc của anh có những ba cái máy chữ. Cái máy chữ nào cũng đang gài giấy, đang đánh dở dang. Cạch! Cạch! Cạch!... Đến mươi phút sau , anh mới thở phào và quay ra bàn uống nước tào lào phào với chúng tôi. Độ ấy, tôi nhìn cách thức làm việc của anh mà ghê quá! Thì ra ba cái máy chữ, để viết ba thể loại khác nhau. Cái viết thơ. Cái viết văn. Cái viết phê bình. Nếu bí bài nào, cứ việc để nguyên trên máy, quay ra gõ máy khác, bài khác. Hứng lên, lại quay trở lại, gõ tiếp bài dang dở kia, không bị đứt đoạn cảm xúc.
Xem ra, cách thức làm việc của Nghiêm Đa Văn lúc đó đã quá hiện đại với con mắt tôi. Khi mà tôi tập tọe viết lách bằng cái bút bi nhòe nhoẹt nét được nét chăng, thì anh đã viết bằng máy chữ lâu rồi. Cái ghê gớm hơn, là một lúc anh tư duy được mấy thể loại, với mấy luồng cảm xúc đan chéo. Năng lực sáng tạo của anh phải dồi dào lắm mới làm việc theo kiểu đó được.    
Nghiêm Đa Văn là người có vóc dáng to lớn, lại thuộc dạng ăn sấm nói sét. Bạn bè gặp Văn thì không thể không vui được. Cái chất tếu táo của Văn, tôi ngỡ chẳng bao giờ anh phải buồn.
Ấy trước đó, Văn từng làm nghề giáo viên. Anh là thầy giáo dạy cấp III. Học xong đại học sư phạm, Văn xin vào dạy học tận Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cái huyện miền núi đang mù mịt khói đạn khói bom của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã cuốn hút anh. Thầy giáo Nghiêm Đa Văn trẻ trai, mặc quần áo màu cỏ úa, cùng học trò lăn lộn đào hầm, đắp tăng-xê trú ẩn và giảng rất hay những vần thơ Nguyễn Du, Nguyễn trãi cho các em học trò ngồi ngẩn ngơ nghe. Sau những giờ lên lớp, thầy Văn lại cùng học trò tăng gia trồng sắn trồng khoai. Đấy là giai đoạn chiến tranh chống Mỹ vào thời kỳ căng thẳng nhất. Trước cái sống cái chết của bao người dân miền khói lửa ấy, đã khơi gợi cho Văn bao nỗi niềm khát khao lăn xả vào cuộc sống. Sau giờ phút giảng bài dưới tiếng máy bay thù gầm xé, đêm đêm, Văn lại ngồi chong đèn dầu hạt đỗ ghi chép và lặng lẽ làm thơ. Văn viết nhiều. Bài thơ “Đàn trâu Nghệ” là kết quả của một thời lăn xả vào cuộc sống gian nan, vất vả và mơ mộng ấy. Đấy là thời đáng yêu của thầy giáo Văn. Có sáng tác mới nào, Văn lại chép gửi ra cho bạn bè làm báo ngoài Hà Nội. Các bạn ngoài Hà Nội vui mừng chuyền tay nhau đọc những sáng tác mới của Văn. Người xưa từng nói: văn là người, thời điểm ấy, chúng tôi thấy câu nói ấy thật chí lý.
Không phải nói quá, mà phải thừa nhận Nghiêm Đa Văn là người tài hoa. Làm thơ, viết văn, viết phê bình, soạn nhạc cảnh... cái gì anh cũng bắt tay vào làm được. Tôi còn nhớ ngày ấy, nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bộ sách nhiều tập với tên sách “Những đôi bàn tay khéo léo của cha ông” viết về các bậc tiền bối mở nghề, dạy nghề làm ăn cho dân chúng, Nghiêm Đa Văn có tham gia trong nhóm biên soạn bộ sách đó. Một người đồng tác giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo Tạ Phong Châu người cao tuổi hơn Văn, chân tình nói “Phải chịu cái anh này, viết nhanh, viết sâu mà hóm hỉnh đáo để!” Tôi đem nhận định này, nói lại với Văn. Nghiêm Đa Văn to lớn, ngang tàng ấy lại lễ phép nói “Ông Châu là thầy tôi đấy. Ông ấy mới là người thông tuệ và sâu sắc!” Tôi hỏi: “Vậy lấy tài liệu từ đâu, mà anh hiểu và viết được nhiều nghề thế?” Nghiêm Đa Văn lại vỗ đùi, cười khanh khách “Tớ đi học mót. Phải học chứ. Đọc thiên kinh vạn quyển. Đống sách lù lù kia là tớ vừa kiếm được đấy!” Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đã có ba bốn nhạc cảnh phát trên Đài mà anh viết lời và nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng làm nhạc. Có nhạc cảnh từng đi hội diễn và được giải thưởng. Tôi đem việc này ra chúc mừng anh. Anh cười hề hề “Ồi dào, trò ăn dỗ trẻ con đấy mà!”.
Phải nói cuốn truyện lịch sử “Nguyễn Đức Cảnh”, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, do anh viết, thu hút được khá đông đảo độc giả tuổi thơ. Mà không chỉ riêng lớp độc giả tuổi thơ, ngay chúng tôi có đọc cũng phải thán phục. Nhgiêm Đa Văn dàn dựng những sự kiện trong đời hoạt động của nhà cách mạng ấy sao tài tình và hấp dẫn thế?! Văn lại bông phèng nói với chúng tôi “Ông Cảnh người trong nhà tớ, tớ mài ông ấy ra. Ông ấy phù hộ cho tớ đấy!” Nói tếu táo thế thôi, chứ người biên tập cuốn sách đó, kể rằng anh Nghiêm Đa Văn làm bản thảo sách ấy cẩn thận và trách nhiệm lắm. Viết đi viết lại dăm lần. Hễ có chi tiết nào chưa chính xác, anh lại xin đi điều tra tìm hiểu cho đến đầu đến đũa.
Văn đã cho ra đời mấy tập truyện. “Ngã ba đất đỏ”, tập truyện ngắn. “Độ nóng mặt trời”, truyện vừa. “Tầm cao năm tháng”, “Gió mặn”, tiểu thuyết. Tập nào của Văn đọc cũng thấy được được. Tôi nhận thấy sức sống ngồn ngộn trong từng trang sách của anh. Tập sách viết cho thiếu nhi “Sừng rượu thề” là cuốn sách hay của anh. Năm 1987, tác phẩm này đã được giải thưởng văn học đề tài cho thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam trao tặng.
Nghêm Đa Văn còn viết tay trái (theo cách nói của bạn bè) ba, bốn kịch bản phim truyện. Nào “Nhịp sống hài hòa”, “Chuyện đời không đơn giản”, “Trăng rằm”... Kịch bản được dựng thành phim, nhiều người đi xem cũng xuýt xoa khen. Như để khẳng định sự đam mê của mình, Nghiêm Đa Văn bô bô tuyên ngôn với bạn bè “Đây là thời kỳ của xi nê ma. Chỉ có xi nê ma mới quảng bá rộng rãi với khán giả!”. Thế rồi thầy giáo Nghiêm Đa Văn thôi không làm Báo “Người giáo viên nhân dân” nữa, anh chuyển sang làm phò tá cho ông Giám đốc xưởng phim truyện. Những xung đột gay cấn, những mối tình éo le, những nụ cười và những dòng nước mắt trong phim trường tưởng chừng phù hợp lắm với tính cách ồn ào của anh. Nhưng thực ra, đâu có phải vậy. Sau những tiệc tùng ồn ã của sân khấu, của phim trường, Văn trở về với bạn bè văn thơ vốn ngơ ngác, yếu đuối và khờ khạo của mình. Trong tâm khảm Nghiêm Đa Văn vẫn thấy cô đơn và trống vắng. Anh vốn mê thơ, từng lấy thơ làm sự nghiệp của mình, vậy mà Nghiêm Đa Văn chưa dám in tập thơ riêng nào. Đấy là nỗi niềm đau đáu của Văn, mà chỉ những bạn bè thân mới hiểu được. Trong một bữa trò chuyện vui bia bọt với bạn bè, Văn bốc lên tuyên bố không làm thơ nữa, vì đọc thơ của Vũ thấy hay quá. Vũ, đấy là Lưu Quang Vũ. Vũ qua  thời vinh  quang  rực  rỡ của “Hương cây”, mà đang thời sống chìm nổi vật vã và viết các bài   thơ “Cuốn sách xếp lầm trang”, “Mây trắng của đời tôi”, “Mặt trời trong nước lạnh”...bạn bè thân truyền tay nhau đọc. Độ ấy, Văn phục, tôi cũng phục thơ của Vũ lắm.
Thì ra, sau cái ồn ào, tạp nham và vênh vang giả tạo, nổi nênh bề ngoài kia, là một tâm hồn Nghiêm Đa Văn- nhà thơ vẫn còn trinh nguyên. Tôi nhận thấy, anh vẫn giữ nguyên niềm thiêng liêng đền đài với thi ca. Và có lẽ, anh vẫn tôn thờ thi ca, xếp nó vào vị trí, ngôi thứ quá cao sang, nên anh tự khó tính với mình thôi; chứ tôi nghĩ anh cứ tập hợp bao nhiêu bài thơ đã in rải rác trên các báo, thì làm gì anh chẳng có tập thơ dày dặn; mà có khi còn chững chạc hơn bao tập thơ khác trong cái xã hội văn chương nhốn nháo và ồn ã này. Tôi chợt thấy nét buồn trên khuôn mặt anh, cái khuôn mặt chợt nhìn tưởng luôn nghênh nghênh và hơn hớn ấy.
Bây giờ nghĩ lại cuộc tay của Văn với Thúy, nữ họa sĩ, người vợ của Nghiêm Đa Văn là có lý và tất yếu. Ngày ấy, tôi không thể lý giải nổi cái tổ ấm văn nghệ ấy làm sao mà tan vỡ được. Thỉnh thoảng đến nhà Văn, đôi khi chúng tôi trùng phùng được cả Văn và Thúy ngồi tiếp. Ngày đó, với chén nước chè nhạt, điếu thuốc lá quèn, hoặc cao hơn là chén rượu tạp, đã là sang lắm rồi. Ngày đó, Văn đã là nhà báo, còn Thúy là họa sĩ của báo Tiền Phong. Chúng tôi khi ấy kẻ thì chưa có vợ, kẻ thì vợ còn đang làm y sỹ hoặc dạy học tận Bắc Ninh, Bắc Giang; hoặc làm kế tóan, làm thủ kho tận Vĩnh Yên, Việt Trì...Đa phần sống độc thân, đến thăm bạn, thấy vợ chồng bạn sống điền viên, lại cùng dân báo chí cả, thân mật thết nhau bữa cơm tuyềnh toàng là thấy hạnh phúc và ấm cúng lắm.
Thế mà Văn và Thúy chia tay nhau thật. Chúng tôi thấy tiếc cho Văn và Thúy quá. Tôi có may mắn là được tiếp xúc với cụ thân sinh ra Thúy. Chả là, dạo đó tôi làm phóng viên Báo “Tiểu công nghiệp Thủ công nghiệp”, mà ông lại là người đứng đầu, Chủ nhiệm phụ trách nghành thủ công tỉnh Hà Nam Ninh. Ông cụ  biết tôi có quan hệ với Văn Thúy, cụ xuýt xoa tiếc cho đôi lứa. Cụ chả trách gì người con rể của cụ, mà chỉ thương cho nghiệp nghệ sỹ đã bám đuổi hành hạ đời Văn. Kiếp nghệ sỹ, thôi thì lận đận là phải.
Sau những đổ vỡ mất mát, Nghiêm Đa Văn có dạo bị ma men rượu bia kéo đi. Anh to lớn, uống chút bia vào là mặt mũi lại đỏ tưng bừng như Trương Phi. Nhưng Trương Phi- Nghiêm Đa Văn mà tôi biết, thì chẳng hung dữ gì. Nhìn lại sự nghiệp chữ nghĩa như tự thấy chưa tới đâu. Cái vũ trụ nhỏ bé gia đình lại tan vỡ, Nghiêm Đa Văn trôi dạt theo mọi con sóng. Đời sống xã hội khi ấy đã âm thầm phân hóa. Sự giầu nghèo, quyền chức đã len lỏi trong mỗi tế bào con người, tế bào xã hội. Bẵng đi một dạo, gặp nhau, Nghiêm Đa Văn đưa tôi cái danh thiếp với mấy chức danh giám đốc, trợ lý, cố vấn kinh tế cho một Công ty, một tập đoàn nào đó. Đấy là thời tôi thất thểu cũng chẳng kém gì Văn. Gồng gánh vợ con từ Bắc Ninh ra Hà Nội học hành sinh sống, tôi từng  phải cắm mặt kiếm kế sinh nhai, niềm khao khát chữ nghĩa đành tạm gác. Tâm trạng day dứt, dằn vặt của kẻ mộng mơ, phải lao vào kiếm tiền sinh sống, nên tôi hiểu Nghiêm Đa Văn và thương Văn nhiều hơn.
Văn lao vào thương trường. Các phi vụ kinh doanh cứ dền dứ cho anh tưởng béo bở. Rốt cuộc mấy năm quăng quật lúc Nam lúc Bắc, chẳng cải thiện chút gì đời sống kinh tế của văn. Bạn bè an ủi anh, không dính vòng lao lý tù tội là may  rồi!
Tôi không tiện hỏi ngôi nhà 330 phố Khâm Thiên của Văn đã chuyển quyền sở hữu cho chủ khác tự bao giờ. Văn một thưở sinh sống đàng hoàng và có phần vương giả so với chúng tôi, vậy nay không nhà không cửa, không chốn nương thân. Anh lang bang đó đây, lúc tỉnh Nam tỉnh Bắc, lúc xứ Đông xứ Đoài. Những nụ cười hềnh hệch thấy giảm bớt, nhưng sự phớt đời như thấp thoáng xuất hiện ngày một nhiều hơn trên nét mặt anh. Những bạn bè thân của anh, cũng chẳng rõ đầu cua tai nheo đời sống thường nhật của anh. Văn ít gặp bạn bè. Bạn bè cũng dần không thấy Văn xuất hiện văn thơ trên báo chí nữa. Họa hoằn gặp Văn túm tụm đi với mấy người nom rất “ngầu” không phải cánh văn chương báo chí. Văn đang đeo đuổi việc gì? Văn sống có khá hơn không? văn còn ôm ấp viết gì không? Không rõ. Chỉ rõ là Văn không gian giảo, không lừa đảo, không ám hại ai. Trong cái sự xô bồ xộc xệch phơi ra đấy, vẫn nhận thấy  cái vẻ trong sáng, tư cách của Văn.
Ấy rồi Văn đổ bệnh. Ngũ phủ lục tạng của Văn rệu rạo nhanh chóng. Anh bị mắc bệnh thận. Anh phải chạy thận nhân tạo. Nhà cửa không còn, anh phải thuê nhà trọ trong ngõ xóm tồi tàn đồng cảnh với những người bệnh thận như anh, ngày ngày lê lết đến bệnh viện, nhờ máy lọc nước tiểu giúp để sống qua độ nhật.
Có lẽ những ngày tháng sống trôi nổi, làm sức khỏe Văn giảm sút khủng khiếp. Cái vóc dáng to béo cao lớn của chàng thi sĩ phớt đời kia không còn nữa. Ai gặp Văn đều choáng váng bất ngờ thấy anh gày guộc, võ vàng, thần sắc nát. Cái gì đến đã đến với anh.
Bạn bè không cầm được nước mắt trong đám tang Nghiêm Đa Văn. Đấy là buổi chiều hè nóng bức 1997, nhà tang lễ Phùng Hưng thưa thớt bóng người. Lúc khênh linh cữu anh ra xe tang chỉ còn lại mấy người nhà và toán bạn chí cốt với Văn. Tôi theo một người bạn vừa ở xa về, chạy tới kịp đặt thẻ hương trên cỗ quan tài anh. Chúng tôi vái anh, vái một linh hồn xấu số.
Cái chết, như khép lại tất cả. Ấy vậy, nghĩ về anh tôi lại thấy day dứt rất nhiều. Ừ, sao anh phải chết sớm thế? Thời trai trẻ, anh là người khỏe mạnh nhất trong số bạn bè văn chương mà tôi quen biết. Ừ, sinh thời, anh sống nồng nhiệt tới mức ồn ào với bạn bè, sao phút tiễn biệt anh lại xao xác quá?!
Theo cách nói của một người bạn Văn, giá Văn biết sống cầm chừng một chút, khôn khéo một chút, thì làm gì đến nỗi. Có thể Văn sẽ là nhà thơ, một cán bộ có quyền chức kha khá trong giới văn chương báo chí. Giá Văn biết sống dung hòa một tý, thì gia đình riêng của Văn làm gì tan nát... Không! Tôi lại nghĩ ngược lại. Nghiêm Đa Văn đã sống hết mình, thật mình, không cơ hội, không thớ lợ, không gian dối. Có lẽ tại xã hội, tại cuộc sống chăng? Mà chắc tại cuộc sống thật. Văn là bi kịch của lớp tri thức trẻ giai đoạn đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ băm bổ và lăn xả vào cuộc sống. Cái được và cái mất đã trần trụi đến với Văn. Văn trả giá và Văn được hưởng. Nói hẹp lại, đấy là bi kịch của một con người. Một toán bạn bè mê văn chương chữ nghĩ cùng học Sư phạm với anh thưở ấy, người trước người sau một vài ba khóa; có anh nay là giám đốc, phó giám đốc sở nọ sở kia. Có anh là nhà giáo ưu tú, ngày ngày vẫn thịnh soạn cắp cặp lên giảng đường. Lại có anh đường đường là nhà báo nhà văn, sách vở in ra đến mấy chục đầu sách, đài báo lăng xê ầm ĩ, đi Tây đi Tàu đủ cả. Lại có người từ văn chương chữ nghĩa đã tiến thân thành cán bộ chính trị cao cấp, luôn đi truyền bá giảng giải giáo lý, một bước có xe con đưa đón. Cũng không thiếu gì người vẫn đang sống nheo nhóc với đời thường. Lại có anh vì mê văn chương, đã chết bỏ xác tại chiến trường khi tuổi còn xanh. Thôi thì mỗi người một cảnh, biết thế nào mà so sánh được thua, hơn kém?!. Lại đổ cho số phận vậy. Mà đã là số phận, thì mọi tính toán được thua có nghĩa lý gì lắm đâu!..
Vũ Từ Trang
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...