Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Tiếng gà gáy trong thơ

Tiếng gà gáy trong thơ
Tiếng gà gáy ở trong thơ Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Có lẽ đó là hình ảnh gần gũi trong đời sống bình thường của mỗi một con người chúng ta. Khi làm thơ, có nhà thơ liên tưởng đến hình tượng tiếng gà gáy để làm nổi bật chủ đề bài thơ - qua đó, để gởi gắm tâm sự của mình. Và không phải lúc nào nó cũng báo tin lành cho một ngày tốt đẹp. Từ tiếng gà gáy trong ca dao:
Chém cha con gà kia sao mày vội gáy dòn
Mày làm cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con.
Là một lời nguyền rủa, tức giận. Trong xã hội cũ, tiếng gà đến với Hàn Mặc Tử như một niềm lo sợ, hoảng hốt:
Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
Tôi hoảng hồn lên giận sững sờ.
Người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu cũng vậy. Bình minh đến với mọi người thì khi ấy cuộc vui tạm bợ trong giây lát cũng chấm dứt, và niềm đơn độc lại đến choáng ngợp đất trời.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt. Một đảo ngữ nhỏ thôi. Tiếng gà xao xác đến xao xác tiếng gà, càng làm hình ảnh tiếng gà gáy trong ngữ cảnh này vọng lại như một sự mơ hồ, chấp chới - chứ chưa rõ nét lắm. Vậy mà đã “Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi” càng gây nên sự đối lập cần thiết giữa tiếng gà gáy và tâm trạng người kỹ nữ lúc ấy.
Ở Lưu Trọng Lư hồi tưởng về thời dĩ vãng cũng nghe thấy:
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Và không chỉ ở trong dĩ vãng, mà trong hiện tại cũng vậy. Nhà thơ sợ tiếng gà gáy, chính nó báo tin cho một ngày lang thang vô định sắp đến.
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay

Lưu Trọng Lư khi ấy chưa qua tuổi 30 mà ta cứ ngỡ như đã già lắm rồi. Sống trong xã hội như “đêm trường dạ tối tăm trời đất”, người ta già đi thì cũng phải. Không phải người đang sống sợ nghe tiếng gà gáy mà ngay cả người chết cũng vậy.
Khóc than dưới đất ăn nằm trong sương
Nghe gà gáy tìm đường lẩn tránh
“Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du đã một lần nói đến điều đó. Cái thế giới ma quái đó chính là hiện thực của kiếp người lang thang đói cơm, đói áo trong xã hội cũ. Hiếm hoi những ý nghĩ tốt lành khi nghe:
Gà gáy trong thôn những tiếng dài
(Bàng Bá Lân)
Ở Huy Cận còn nhớ hoài năm tháng đau buồn cơ cực của người cha có:
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp
Viết đến đây tôi nghĩ, thật đáng mừng khi có độc lập, có tự do thì tiếng gà gáy mới thật sự trở thành sứ giả báo tin vui. Tố Hữu hân hoan kêu gọi:
Gà gáy sáng. Thơ ơi mang cánh lửa như một tiếng kèn xung trận. Còn với Tế Hanh thì sâu lắng, trầm tĩnh khi chính mình lấy tiếng gà gáy làm cái mốc đoạn tuyệt với bóng đêm của cuộc đời và thơ ca ngày cũ:
Sang bờ tư tưởng ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.
May mắn và sung sướng là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuân Quỳnh - một nhà thơ nữ khao khát yêu và thèm được yêu đã nhủ mình:
Tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc
Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên
Và ta không thể không nhắc đến bài thơ cuối cùng của Hồ Chủ tịch. Năm Kỷ Dậu khi phái đoàn ta đàm phán ở hội nghị Paris thì Người đã gửi sang một bài thơ đến bằng điện tín. Âm điệu hai từ “túc tác” được nhắc đến hai lần trong bốn câu thơ gây ấn tượng xao xuyến và ân cần vô cùng:
Xuân, gà túc tác đến nơi
Gửi người thân thiết mấy lời mùa xuân
Gà xuân túc tác rạng đông
Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.
Điều tiên tri đó đã thành sự thật. Và cùng với Huy Cận trong những tháng năm này, ta có thể gọi:
Gà gáy ơi! Tiếng gà gáy ơi!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời.
Lê Minh Quốc
Nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM 11.4.1986
Theo http://leminhquoc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...