Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Tình thu

 Tình thu
Bây giờ đã vào Thu, khí trời thay đổi, lòng người do đó cũng có phần đổi thay. Nhớ buổi nào hãy còn là những ngày hè nắng rực, cây lá xanh tươi, trăm hoa khoe sắc. Con người vì thế cảm thấy vui tươi năng động. Giờ thì Thu đã tới, rừng cây với đầy lá vàng bao phủ; thỉnh thoảng lại có một vài làn gió lành lạnh hây hây thổi vỗ nhẹ vào má khiến tâm hồn ta cảm thấy lâng lâng và mơ mộng. Tha nhân do ảnh hưởng của ngoại cảnh nên có những nỗi buồn vẩn vơ man mác.

So với các tiết quanh năm thì mùa Thu quả thật chẳng có gì vui, Thu thiếu hẳn cái tươi thắm của Xuân; không rực rỡ như Hè; trời Thu lại ảm đạm; trăng Thu nhạt và tình Thu thì chao ôi! Buồn ơi Thu vẫn cô đơn là buồn. Và, có lẽ không còn nổi buồn nào da diết bằng giữa đất khách quê người, một mình ngồi trong căn phòng vắng lạnh, vừa độc ẩm vừa thưởng thức những điệu tình buồn tỉ: Mùa Thu Paris của Phạm Duy, Em ra đi mùa Thu của Phạm Trọng, Thu Sầu của Lam Phương, đặc biệt khi được lắng nghe tiếng ca vượt thời gian của nữ ca sĩ Thái Thanh qua nhạc bản Buồn Tàn Thu của Văn Cao thì cảm thấy tâm hồn lắng đọng, lòng lại tự hỏi lòng rồi kêu trời! Ôi! Sao cái buồn ở xứ người nó lại quá thấm thía và ghê rợn đến thế.

Thu quả thật là buồn, ấy vậy mà lắm văn nhân thi si, đặc biệt với những ai vốn chịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn của Pháp, họ thường đua nhau ca tụng mùa Thu. Nhiều áng văn, lắm bài thơ trữ tình bất hủ xuất phát từ nguồn cảm hứng về Thu mà sáng tác và được nhiệt liệt ngợi khen.
Có lẽ Thu sở dĩ được ca tụng vì trong bốn mùa quanh năm nó là một mùa mà cảnh vật có nhiều đổi thay nhất. Cũng vì nguyên nhân đó khiến mùa Thu đã gây nhiều xúc cảm. Niềm cảm xúc đó chính là sự chia ly, xa cách, khắc khoải và trông chờ. Thế nên khi diễn tả về Thu, thi nhân thường cho đó là mùa đau thương nhung nhớ. Và khi đã nói đến Thu mà không bàn đến chuyện thi ca thì quả thật đó là một điều thiếu sót quá lớn. Vậy quý độc giả hãy thử xem, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, chúng ta thấy thi nhân đã diễn tả nỗi niềm nhung nhớ về Thu như thế nào.
Thu, theo nữ sĩ Tương Phố bà viết, Thu là tất cả và ở khắp nơi. Nó từ màu trời, màu đất, nhiều màu thuộc cỏ cây hoa lá, và nó ở ngay trong lòng người. Vì vậy trong bài "Giọt lệ thu"
, nữ sĩ  đã viết:
Trời Thu ảm đạm một màu
Gió Thu hiu hắt thêm sầu lòng em
Trăng Thu bóng ngả bên thềm
Tình Thu ai để duyên em bẽ bàng.
Một bài khác, khóc vì cảnh tử biệt chồng, nữ sĩ đã dùng đến cảnh thê lương ảm đạm của mùaThu nức nở viết:

Anh ơi!
Thu về như gợi nhớ mối thương tâm
Mỗi độ Thu sang em lại võ lòng than khóc
Mỗi năm có một lần Thu
Như Thu năm nay đi, năm sau còn trở lại
Hỏi, ba năm hương lửa
Thì ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau
Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu?
Xui nên chăn gối vừa êm
Sắt cầm dìu dặt ngón đàn
Bỗng ai xô lộn
Bình tan gương vỡ
Cho người lỡ duyên
Trong "Đoạn Trường Tân thanh", mặc dù mối tình giữa nàng Kiều và Thúc Sinh, một chàng trai sợ vợ xem ra chẳng có gì là mặn nồng và say đắm cho lắm. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Du vẫn thi vị hóa cảnh chia tay bằng cách lấy cái buồn man mác của Thu làm bối cảnh để tả cuộc chia ly của hai người:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong Thu đã nhuộm màu quan san
Đạm hồng bụi chốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xuôi
Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa in dậm trường.
Tả cảnh biệt ly và nhắc đến sự chia tay thì bao giờ cũng thấy có sự buồn thảm. Thử gợi lại cảnh chia tay giữa chinh nhân và hiền nội trong "Chinh phụ ngâm", tuy sắc thái của Thu chỉ phảng phất và bàng bạt đâu đó, tuy nhiên tác giả cũng vận dụng ý Thu để nói cho ta biết, khi chàng ra đi, thì chim oanh chưa về, hoa mai chưa nở, nhưng trời Thu vẫn là nhân chứng của sự chia ly và cảnh tiễn đưa một chén quan hà vì thế thi nhân đã viết:
Thuở lâm hành (lúc ra đi) oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thuở đăng độ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại nở trên sông bơ phờ.
Một đoạn khác trong "Chinh Phụ Ngâm", thi nhân lại sử dụng hoa cúc vàng, một loại hoa nở vào mùa Thu đễ diễn tả nổi niềm nhung nhớ khắc khoải của cảnh chia ly:
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dậm dài
Một tiểu đoạn trong "Cung Oán Ngâm Khúc", dù tác giả không nói đến cảnh bẽ bàng chia ly của đôi lứa như ở "Chinh Phụ Ngâm" diễn tả những tình tiết về chàng, vì nghĩa vụ nhẹ bước chinh yên, còn nàng thì ở tại nhà chờ trông ngày về. Trái lại những vần thơ trong bài Cung Oán lại chỉ tả người cung nữ bị vua phế bỏ vì đã phải gặp cảnh liễu chán hoa chê, cái buồn khổ của người cung nữ trong cảnh cô đơn: mới ngày nào đó ở gác Thừa Lương còn được vua sủng ái, cùng với vua hoan hỉ yến ẩm đàn ca xướng hát. Nay trong cảnh cô liêu vò võ mơ màng trong gió Thu hiu hắt. Cảnh Thu một lần nữa đã lộ nét:
Đền Vũ Tạ, nhện giăng cửa mốc
Gác Thừa Lương, ngủ thức Thu phong.
Với thơ Đường, thi ca thịnh đạt nhứt trong lịch sử văn học Trung Hoa thì người Tàu thường dùng nguồn cảm hứng của Thu đễ sáng tác. Một bài thơ nổi tiếng, diễn tả về cuộc chia tay tại bến Tầm Dương mà khách chủ đã cùng nhau gợi lại những khúc ca cũ (trúc ty) lấy Thu làm bối cảnh, Bạch Cư Dị viết và Phan Huy Vịnh dịch:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi Thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty.
Ở cổ văn, làm thơ để mô tả khung cảnh thiên nhiên và lòng người, thi nhân thường hay sử dụng đến phần ước lệ. Tả đến mùa nào, thì đã có thức của mùa ấy. Ví dụ, Xuân phải nhắc đến hoa Mai, Hạ đã có Lan, Thu có Cúc và mùa Đông thì đã có Trúc. Riêng mùa Thu, ngoài hoa Cúc, vẫn còn nhắc đến lá ngô đồng qua câu:
Ngô đồng nhất diệp lục
Thiên hạ cộng tri Thu
(Một khi thấy lá ngô đồng rụng, ấy là dấu hiệu của mùa Thu tới.)
Người làm thơ mới như Xuân Diệu, khi tả cảnh mùa Thu vẫn phải nhắc tới lá ngô đồng. Thi nhân viết:
Ô hay! Vàng rơi cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông
Tuy cùng là gió, nhưng gió Thu còn được gọi là "Kim Phong" hay gió Tây, vì mùa Thu thuộc Kim và theo Ngũ hành trong Kinh Dịch, Thu thuộc hướng Tây, vì vậy mới gọi gió Thu là gió Tây. Gió Tây thường mang cái lạnh từ miền Tây Bá Lợi Á về nên rất lạnh vì thế ca dao mới có câu:
Ra về để lại áo đây,
Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng.
Không những ở cổ văn thi nhân mới tả Thu với những nổi niềm nhung nhớ của nó. Ngay cả loại thơ nửa cổ điển, nửa có mang màu sắc lãng mạn mà Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là tiêu biểu, thì tiên sinh cũng đã sử dụng bút pháp tài tình của mình để nói về Thu hầu diễn tả cái buồn, sầu cô đơn khắc khoải của mình. Ông viết:

Ngọn gió Thu phong rụng lá vàng
Lá bay hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá, năm già nửa
Hờ hửng ai xui thiếp phụ chàng.
Hay:
Ngọn gió Thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường Bắc lá sang Đông
Hồng bay mấy lá, năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông.
Ở bốn câu đầu tác giả muốn nói đến cảnh ngộ của người hàng xóm để so với hoàn cảnh của mình mà cảm thấy buồn. Nhà người ta thì sum họp đầm ấm, trái lại mình thì"vàng bay mấy lá",Thu đã đến, lại già thêm nửa năm rồi mà tại sao nàng nỡ hờ hửng và lạnh lùng đến thế?
Trong bốn câu sau, thi nhân càng viết rõ, đầu Thu lá vàng, cuối Thu thì lá lại hồng. Từ xanh trở vàng qua đỏ. Qua thật thời gian trôi nhanh quá nhỉ. Mới đó "vèo" một cái đã hết năm. Nàng thì đã dứt khoát phụ chàng, trái lại thì chàng vẫn còn thẩn thờ đợi trông. Buồn quá nhỉ.
Có thể nói nhà thơ Tản Đà là người mở đầu phong trào thi ca lãng mạn trong văn học Việt Nam. Song, ở một vài bài thơ khác, tiên sinh cũng không quên những hình ảnh mang tính cách ước lệ trong khi diễn tả về Thu, thi nhân viết:
Từ vào Thu đến nay
Gió Thu hiu hắt
Sương Thu lạnh
Trăng Thu bạch
Khói Thu xây thành
Lá Thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông Thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về, én lại bay đi
Đêm thì vượn hú, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nắng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Như đã nói trên, hể muốn nói đến bốn mùa, tác giả thường phải kèm theo Mai, Lan, Cúc, Trúc. Và, nói đến Thu thì không thể nào quên sương, khói. Sương, khói trong thơ mới của Tản Đà một phần nào đã phảng phất khói của Thôi Hạo trong hai câu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử muôn sầu
Tản Đà dịch:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Trong phần đầu, người viết đã cho rằng, có lẽ vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn chương Pháp, vì thế một số thi nhân Việt Nam mà đặc biệt là các nhà văn tiền chiến thường ca tụng mùa Thu. Đọc bài Ý Thu của Xuân diệu, ta thấy phảng phất đâu đây những vần thơ bất hủ của Anatole France qua Pensée d'Automme.Theo Anatole thì Thu là mùa lá rụng, những chiếc lá vàng rơi rụng phủ đầy các pho tượng trưng bày trong công viên Luxembourg, và cuối cùng thì những chiếc lá vàng đó theo thời gian đã mục nát tưởng như hàng trăm ngàn đôi chân vô tình chà đạp và dẫm lên nó. Thi sĩ Xuân Diệu trong Ý Thu, tương tự cũng đã viết:
Bị nhầu ai tưởng dưới trăm chân
Đi xa hơn Anatole, Xuân Diệu còn viết để diễn tả: Xuân hết, Hè lại qua, hoa tàn nhụy đã héo mà Hè hết, thì tiếng ve sầu cũng tắt theo. Khác với nữ sĩ Tương Phố tả trong cổ văn, bà chỉ nói gió Thu hiu hắt. Trái lại trong trường phái lãng mạn, thi sĩ Xuân Diệu vì quá đa cảm nên hỏi thẳng:Chắc rằng gió cũng đau thương chứ?Thi nhân viết:                       
Những chiếc hồn buông trong lá rụng
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng
Chẳng hái mà hoa vẫn hết dần
Dưới gốc nào thấy đâu xác ve
Thế mà ve đã tắt theo hè
Chắc rằng gió cũng đau thương chứ
Gió vỡ ngoài kia, ai có nghe?
Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi
Với bóng hình xưa tăm tiếng cũ
Cách xa chôn hết nhớ thương rồi
Yên vui xây dụng bởi người quen
Muốn bước, trang đời phải dẫm trên
Muôn tiếng kêu than thầm lẳng lặng
Nhưng hoa có thể cứ lâu bền
Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi
Đã xa sao lại hứa yêu hoài
Thực là dị (*) quá, mà tôi nữa
Sao nghĩ làm chi chuyện nhạt phai!
(* dị, tiếng người Huế thường dùng hay cho tiếng kỳ cục)
Đọc xong Ý Thu, ta thấy tác giả cho rằng Thu là xa cách, là đau thương nhung nhớ, chính nó đã đạp dẫm trên nổi khổ đau và làm tê tái lòng người. Nhưng dù sao hoa vẫn là hoa mãi. Chắc chắn đó không phải loại hoa nhân tạo, hoa vải hay hoa giấy, vì hai loại nay không tàn héo hay rơi rụng mà chỉ cũ đi, và sau cùng chỉ có tình yêu mới là hoa bền lâu.

Hầu hết trong các văn thơ tiền chiến, ta thấy chưa có ai diễn tả Thu  vui, Thu tươi sáng, mà toàn là những nổi buồn nhớ nhung man mác. Do ảnh hưởng quá sâu đậm của hai nền văn học Tây cũng như Tàu. Tây thì từ Lamartine, Verlaine, Valery. như những nổi buồn của René (La mélancolie de René), của Chanson d'Automme cho đến Guillaume Apolinaire v.v... thì làm sao Thu mà vui cho được. Riêng thơ của Tàu, từ Trương Kế cho đến Thôi Hiệu hay Lý Bạch, Thu chỉ có lạnh lẻo và bẽ bàng. Mời độc giả hảy liếc nhìn qua bài Phong Kiều Dạ Bạc, tạm dịch "đổ thuyền ở Phong Kiều" của Trương Kế, độc giả sẽ thấy Thu lại càng lâm ly bi đát hơn; thi nhân viết:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên     
Cô tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền  
Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hàm Ninh, thường bị nhầm là của Tản Đà:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Có điều đáng nói, là thơ Tây (Pháp) khác hẳn với lối thơ xưa của ta cũng như Tàu, thơ của họ thê lương ảm đạm vô cùng. Thu buồn đến nỗi mở miệng mà nói không ra lời nên Hàn Mạc Tử đã viết:
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình Thu bi thiết lắm Thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi mây thoáng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trong xanh ngắt
Cảnh sắp về Đông mắt lệ vơi.
 
Ngoài ra, xin đơn cử thêm một vài vần thơ của Guillaume Apollinaire, một thi sĩ người Pháp viết bài L'Adieu để tặng người yêu, nàng Marie Laurencin, và nhạc sĩ Phạm Duy đã dịch ra tiếng Việt trong nhạc bản "Mùa Thu chết" đễ thấy Tây họ tả Thu một cách bi thảm như thế nào. Apollinaire viết:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'Automme est morte, souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temp brin de bruyère
Et souviens-toi, que je t'attends!
Nhạc sĩ Phạm Duy dịch và phổ nhạc:
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi,
Mùa Thu đã chết em nhớ cho, 

Em nhớ cho chúng ta chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này, từ nay mãi mãi không thấy nhau!
Ôi ngát hương, thời gian mùi thạch thảo.
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em, vẫn chờ, vẫn đợi em.
(Nhạc sĩ Phạm Duy dịch và phổ nhạc đã hay, thêm với giọng hát ngọt ngào êm dịu của Họa Mi quả thật Mùa Thu chết là một bản nhạc bất hủ.)
Nói đến thi văn mùa Thu, mà quên Lưu Trọng Lư, đó là điều thiếu sót quá lớn. Lý do: thứ nhất, thi nhân quá yêu mùa Thu, nên đã soạn hẳn một tập thơ với đề tựa "Tiếng Thu", thứ hai, thơ Lưu Trọng Lư cũng phảng phất đâu đó ý thơ của Verlaine qua bài "Chanson d'Automme", đặc biệt, từ trước đến giờ chưa có thi nhân Việt Nam nào nói đến Thu mà có tả hình con nai, mà lại một con nai vàng ngơ ngát. Hình ảnh những vần thơ nầy, gần nửa thế kỷ nay đã trở nên một "thành ngữ" trong những câu nói thường nhật của người Việt. Mời quý vị xem tác giả mô tả Tiếng Thu như thế nào mà khiến ông đã nỗi tiếng:
Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người chinh phụ
Em không nghe rừng Thu
Lá Thu kêu xào xạt
Con nai vàng ngơ ngát
Đạp trên lá vàng khô!
Mơ mộng như thi sĩ họ Lưu, có lẽ không thể nào không buồn khi thấy Thu tới lá vàng rơi rụng, thế nên trong bài Mùa Thu Lá Rụng ông đã viết:
Lòng anh như nước hồ Thu lạnh
Quạnh quẽ đem soi bóng nguyệt tà
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại
Hửng hờ em mặc tháng ngày qua.
Nói đến nai trong Tiếng Thu Lưu Trọng Lư, chúng ta chớ nên lầm lẩn với nai của Huy Cận trong Rừng Thu. Vì nai của Lưu Trọng Lư thì trong mùa Hạ nó lên vùng cao kiếm ăn, mùa lạnh nó lại trở xuống vùng thấp cho đỡ lạnh, do đó mới có thành ngữ "con nai vàng ngơ ngác" (mới trở về, lạ chỗ nên ngơ ngác) Huy Cận thì khác hẳn, nai của thi nhân thì rõ hơn, đó là loại nai vùng cao, gót chân thường lẫn trong sương mờ, lần bước đi theo những nẻo đường quen thuộc. Trong "Rừng Thu"  Huy Cận viết:
Bỗng dưng buồn bả không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao lần gót sương mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn Thu mới về
Sắc trời trôi nhẹ dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu Thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu
Sắc xanh ngày cả buồn chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia (Lửa Thiêng)

Theo các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư và Huy Cận khi tả Thu các thi sĩ trên chỉ nói đến sự  buồn bã, đơn côi. Đó vì chịu ảnh hưởng của Pháp trong thơ mới và ước lệ trong thơ cũ. Trong khi đó thi sĩ Hồ Dzếnh khi nói đến Thu, thi nhân mô tả Thu rất Việt Nam. Bài Mùa Thu năm ngoái, (riêng chữ năm ngoái thôi cũng đã thấy rất nôm na, mộc mạc của người nhà quê Việt Nam và dễ yêu) ông viết:
Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
Ông tiếp:              
Đâu hình tàu chậm quên ga
Bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày
Dù một chút nhớ thôi, nhớ một cách bâng khuâng nên dù tàu chạy chậm đâu có nhanh lắm thế nhưng thi nhân hình như đã quên hẳn nhà "Ga" nên ông lại viết:
Tất cả một mùa thơ
gió mây đưa buồn lắng xuống
Cả lòng tôi, với cả lòng cô
Có một nghìn cây rũ rượi buồn
Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc
Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn
Thu xa bằng gió bằng mây
Không gian thở nhẹ, buồn vây chìm chìm
Lòng không ai cấm mà im
Không nhưng bổng nhớ, không tìm bổng mong
Nơi tôi còn ít lá lòng
Chiều nay rơi nốt vào trong lá rừng.
Thơ văn mà các thi nhân Việt Nam viết để ca tụng mùa Thu còn quá nhiều. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết, khó mà diễn tả cho hết cái hay, cái đẹp và cái tinh túy khắt khoải của Thu. Người viết chỉ biết và góp nhặt được một phần rất hạn hẹp, và ước mong độc giả bốn phương cùng nhau ôn lại nguồn cảm hứng của các thi nhân đã dày công sáng tác để tích lũy và góp thêm vào kho tàng văn học Việt Nam.
Phùng Ngọc Sa
Theo https://tinparis.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...