Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: "Cô đơn như giấc mơ dài..."

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: 
"Cô đơn như giấc mơ dài..." 
Chất thơ trong âm nhạc của Đặng Hữu Phúc có lẽ bắt nguồn từ một mối tình thủa học trò rất đẹp và nó đã trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào trong nhiều sáng tác của anh. Đó là mối tình tuổi học trò đơn phương với ca sĩ Ái Vân.
Chất thơ trong âm nhạc của Đặng Hữu Phúc có lẽ bắt nguồn từ một mối tình thủa học trò rất đẹp và nó đã trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào trong nhiều sáng tác của anh. Đó là mối tình tuổi học trò đơn phương với ca sĩ Ái Vân.
Ái Vân - tình yêu thủa học trò
“Ngày ấy, tôi và Vân cùng học trường nhạc. Tôi lớp 10, Vân lớp 9. Vẻ đẹp rực rỡ của cô ấy đã làm tâm hồn mới lớn của tôi ngây ngất. Nhưng có thể Vân không để ý đến cậu bạn choai choai là tôi đâu. Lúc đó, tôi nghĩ Vân là một cô gái đẹp nhất thời đó và có nhiều người yêu mến. Song, chúng tôi vẫn luôn là những người bạn tốt. Tôi từng đèo Vân bằng xe đạp đi sơ tán”, nhạc sĩ bồi hồi kể lại.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
Vào những năm 1980, cuộc sống thời bao cấp rất thiếu thốn. Chính trong những năm tháng ấy, ca sĩ Ái Vân, người bạn từ thủa học trò đã giúp Đặng Hữu Phúc thu thanh và biểu diễn khoảng 20 bài trong tập Romance. Hát không thù lao với tất cả tấm lòng, chính nhờ Ái Vân mà những bài như “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Tiếng mùa xuân”, “Cơn mưa sang đò”... đã đến được với công chúng. Chỉ tiếc rằng với điều kiện thu thanh lạc hậu khi đó, những băng ghi âm lúc bấy giờ chỉ được giữ như những kỉ niệm của một thời.
Ánh mắt xa xăm, anh hồi tưởng: “Thời 1986 - 1987 nghèo lắm, chỉ có phòng thu ở 58 Quán Sứ của Đài Phát thanh. Thỉnh thoảng tôi làm nhạc phim, và khi đi thu nhạc cho phim ở phòng thu, Vân thường tới tranh thủ thu âm một vài bài hát mới của tôi. Bài hát “Trăng chiều” tôi đề tặng Vân cũng vì những lung linh kỷ niệm tuổi học trò mà cô ấy đã để lại nơi tâm hồn tôi, cho dù chúng tôi chưa một lần cầm tay nhau. Tôi còn làm nhiều thơ để tặng Vân nữa. Có lẽ chất thơ trong âm nhạc của tôi đã bắt đầu từ những ấn tượng đẹp như giấc mộng ấy”.
Với riêng Đặng Hữu Phúc, tình yêu thủa học trò đã dắt lối anh, như tia nắng buổi chiều không bao giờ tàn, và nó cứ buông dịu dàng mãi trong những nét nhạc, lời hát. Những giai điệu trữ tình trong tác phẩm của anh quả thực đã để lại những lay động âm thầm mà rất ám ảnh.
Người... âm lịch
Học nhạc từ năm lên 10 tuổi, Đặng Hữu Phúc được đào tạo chính quy cả hai chuyên ngành sáng tác và biểu diễn piano và đã từng đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp).
Anh đã thể nghiệm nhiều phong cách khác nhau trong sáng tác, từ cổ điển (classique) tới nhạc tiền vệ (avant-garde). Ngoài mảng viết cho nhạc giao hưởng, thính phòng, anh còn viết cho hợp xướng và hàng trăm ca khúc, romance. Anh quan niệm rằng, người nhạc sĩ đích thực không phải là người chỉ viết vài ca khúc quần chúng, mà phải là người “làm nhạc” chuyên nghiệp. Có nghĩa là anh ta phải sáng tác được cả khí nhạc, viết cả phần piano cho ca khúc của mình.
Viết nhạc cho phim và các vở diễn sân khấu, từ lâu đã là một phần công việc của Đặng Hữu Phúc. Trong lĩnh vực này anh là người giành được những vinh quang mà nhiều người làm nghề mơ ước, đơn cử như việc anh chính là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được vinh danh giải Kim tước (Nhạc phim xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải 6/2005 với phim “Thời xa vắng” (đạo diễn Hồ Quang Minh).
Trong thời buổi “người người viết ca khúc”, nhiều người chỉ sau một đêm ngủ dậy đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng với những bài top hit ăn khách, mà không cần phải học hành, đào tạo nhiều, thì những nhạc sĩ cặm cụi, miệt mài với dòng nhạc đỉnh cao giao hưởng thính phòng như Đặng Hữu Phúc được xem là người... âm lịch. Nhưng điều đó không làm anh bận lòng: “Tôi nhớ Chopin, một nhạc sĩ thiên tài, vì yêu quý ông, người ta thêu dệt nên nhiều chuyện hấp dẫn cho mỗi sáng tác. Nhưng trong hồi ký, ông kể lại: Tôi viết bài này là để luyện ngón, tôi viết bài này là để luyện đôi tai thẩm âm... Chính ý nghĩ đơn giản như vậy giúp người ta dễ làm việc. Tất nhiên tôi không đánh đồng các trình độ, mức độ của mỗi người thưởng thức. Âm nhạc là biểu hiện của sự khe khắt vì nó có đẳng cấp: bác học, bình dân. Tùy đối tượng, tùy yêu cầu mà làm thôi”.
Dạy nhạc để trò chuyện với “thiên tài” mỗi ngày
Lựa chọn việc giảng dạy, Đặng Hữu Phúc âm thầm với công việc âm nhạc của mình. Mặc dù có lúc đời sống khó khăn, không phải tiếng gọi tham gia vào đời sống âm nhạc thị trường để nhanh chóng có danh, có lợi đã không cất lên. Nhưng, một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp mới là tất cả những gì Đặng Hữu Phúc cần.
Đối với anh, nghề dạy sáng tác thực chất là công việc truyền kinh nghiệm của người đi trước cho người đi sau. Công việc ấy luôn thúc ép anh phải không ngừng trau dồi kiến thức âm nhạc, cũng là cơ hội để được “trò chuyện” với các thiên tài mỗi ngày, thông qua việc tiếp cận các tác phẩm của họ. Để có được sự tôn trọng của học trò, Đặng Hữu Phúc thấy rằng mình phải không ngừng sáng tác. Chỉ có tác phẩm mới tạo nên hình ảnh, gương mặt của một nhạc sĩ, một người thầy. Anh cần các học trò hiểu rằng, thầy của họ đã đọc và “tiêu hóa” rất nhiều kiến thức qua việc sáng tạo các tác phẩm mới.
Âm nhạc của chúng ta đang bình dân hóa mỗi ngày
Nói về các học trò của mình, Đặng Hữu Phúc gặp lại một thoáng “trái tim chợt buồn”. Anh e rằng không nhìn thấy ở phía sau mình những người thực sự tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, thời đại của công nghệ giải trí đã tạo ra những thần tượng ảo và gây nên những méo mó trong tâm hồn tuổi trẻ và thực chất của hai chữ công nghệ là tạo ra thật nhiều tiền. Từ đó, chúng ta đang hủy hoại cả một thế hệ để kiếm tiền.
Âm nhạc đang bình dân hóa mỗi ngày. Ca khúc quần chúng lên ngôi và hoàn toàn chiếm lĩnh. Các ca sĩ không học hành ngày càng dễ dàng trở thành thần tượng của giới trẻ nhờ nhan sắc và công nghệ lăng xê. Còn các nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng thì đang được đón chào nồng nhiệt. Sinh viên học nhạc ít người đủ bình tâm để sống chết với nghề. Họ nôn nóng được công chúng biết tới. Họ không dám trả giá cho niềm đam mê của mình.
Nhiều sinh viên có tài năng nhưng chỉ sau khi ra trường một thời gian đã nhanh chóng trở thành một nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng. Họ không muốn đi theo khí nhạc, vì đó là con đường quá gập ghềnh, đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ, không ngừng rèn luyện tài năng, không ngừng học tập mà danh lợi lại ít.
“Chúng ta sẽ phải trả giá cho nền công nghệ giải trí, bằng chính việc chúng ta phải chấp nhận thế hệ con em mình không có được tư duy chiều sâu, lệch lạc về thẩm mỹ, trong đó có thẩm mỹ âm nhạc” - nhạc sĩ trăn trở.
Âm nhạc là câu chuyện lớn nhất trong cuộc đời Đặng Hữu Phúc. Anh tự nhận mình là người sống “chậm”. Dẫu cho âm nhạc, nhất là nhạc thính phòng, thời điểm này, chẳng mang tới cho anh nhiều danh lợi gì ngoài niềm vui tinh thần, “niềm vui của một người thích mạo hiểm đi chinh phục đỉnh cao”, mong muốn lớn nhất của Đặng Hữu Phúc là được toàn tâm toàn ý cho sáng tạo.
Cô đơn như giấc mơ dài...
Sự đổ vỡ gia đình đã gây một nỗi thất vọng lớn trong tâm hồn Đặng Hữu Phúc. Sau cuộc đổ vỡ mà anh thường nhận lỗi về mình: “Vì tôi quá ham mê âm nhạc, trong khi một người phụ nữ họ cần nhiều thứ khác”, Đặng Hữu Phúc thỏa hiệp với nỗi cô đơn và sống cùng nó nhiều năm tháng đã qua. Anh tự nhủ, đời người là như vậy, người ta được cái này lại mất đi cái khác. Người làm âm nhạc chuyên nghiệp gần với người viết tiểu thuyết hơn người làm thơ. Có nghĩa là anh phải lăn lộn, tích cóp vốn sống, kỹ thuật sáng tác của người đi trước, trải nghiệm nhiều năm tháng để có được tác phẩm.
Tưởng rằng người đàn ông ấy chán ghét cuộc sống gia đình, nhưng anh lại nói: “Với tôi, gia đình vô cùng quan trọng. Tôi có con trai và hai chúng tôi làm nên một gia đình đúng nghĩa. Để nuôi dạy con cho tốt, tôi phải tôn trọng những nguyên tắc gia đình. “Gia đình” là hai tiếng đẹp nhất, bởi vì nếu không có nó, con người học yêu thương, học hy sinh ở đâu, để làm gì?”.
Anh chọn cuộc sống độc thân vì anh biết người phụ nữ sống được với anh phải có sự độ lượng, vị tha, rộng rãi lắm. Mà anh thì không muốn người mình yêu phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Có rất nhiều phụ nữ đến với anh sau này, họ yêu anh say đắm và muốn san sẻ cuộc sống thường nhật với anh, nuôi nấng giùm anh cậu con trai nhưng anh đều từ chối.
Vậy, nếu một ngày nào đó, tình yêu lại xuất hiện và cuốn Đặng Hữu Phúc đi, liệu rằng anh có bỏ âm nhạc lại phía sau không? “Tôi không còn mong muốn gì ngoài sáng tác âm nhạc nữa... Vả lại tôi cũng đã có một cậu con trai 23 tuổi, như vậy là quá đủ đối với tôi”, nhạc sĩ nói.
Nhưng, dường như trong đôi mắt anh vẫn ánh lên một vệt sáng lấp lánh, thứ ánh sáng còn rớt lại từ một ngôi sao rất xa trong ký ức. Có thể một giai điệu nào đó đang trở về trong trái tim âm nhạc Đặng Hữu Phúc, ngân nga...
Trăng chiều
Đặng Hữu Phúc - Ái Vân
Bên dòng sông năm tháng
Đặng Hữu Phúc - Minh Chuyên
Thu Hồng
Theo https://baophapluat.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...