Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Hoài Khanh và thân phận

Hoài Khanh và thân phận
Nhắc đến Hoài Khanh, rất nhiều người yêu thơ miền Nam thập niên 1960 và đầu 1970 nghĩ ngay đến Thân Phận, tập thơ giúp anh thành danh trên văn đàn thuở đó. Phải mất gần mười năm chập chờn đồngbóng đeo đẳng đuổi bắt "nàng thơ", phải ngàn ngàn đêm bồng bềnh lờ lững giữa hai bờ lục bát, Hoài Khanh mới có một Thân Phận cho mình, cho đời.
Trước Thân Phận, tập Dâng Rừng (xb năm 1957) chẳng gây nổi một âm vang nào bởi những non nớt thô thiển không thể tránh khỏi của một tập thơ đầu tay. Tuy vậy, văn học miền Nam vào cuối thập niên 1950 cũng chưa có gì khởi sắc cả, chỉ mới bước đầu tập hợp, hình thành; nên việc một chàng thanh niên mới 23 tuổi sẵn sàng bán chiếc mobilette của mình (theo lời anh kể) để lấy tiền tự xuất bản tập thơ đầu tay nên đã nói lên lòng đam mê thơ và sự khảng khái quyết tâm dấn bước vào ngưỡng cửa thi ca. Sau Thân Phận, Hoài Khanh còn in tiếp hai tập thơ nữa nhưng cũng chẳng có âm vang gì lớn lao cả, có thể do tình hình văn học miền Nam sau hiệp định Paris 1973 đang hồi dao động nhớn nhác, thi ca "chẳng là gì" khi mà thời cuộc đang chuyển động để bước đến bước ngoặc định mệnh của lịch sử. Chung quy, theo tôi, cả đời thơ của Hoài Khanh chỉ còn để lại một Thân Phận. Mai kia, khi mà "những đám mây hắc ám tan biến đi, bầu trời (văn học) muôn thuở vẫn tươi xanh trong sáng", tôi tin rằng một số bài thơ trongThân Phận sẽ còn tồn tại với văn học sử Việt Nam.
Khi tập Thân Phận ra đời, kẻ viết bài này đang học trung học và mới tập tễnh đến với thơ, chiêm ngưỡng thơ như một nữ thần nhan sắc, ngẩng nhìn tên tuổi các thi sĩ thành danh với lòng ngưỡng mộ: nào Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Viên Linh. Nào Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh v.v... Dạo đó tôi chưa hề đọc Thân Phận mà chỉ đọc thơ Hoài Khanh đăng rải rác trên các tạp chí văn nghệ và một số nhận định về thơ anh của các nhà phê bình uy tín. Có rất nhiều lời khen thơ Hoài Khanh, đặc biệt là lục bát, một lục bát của riêng anh, khác với lục bát Viên Linh, càng khác hẳn lục bát Bùi Giáng. Mỗi nhà thơ mỗi vẻ, mỗi tính cách; mỗi cây bút đều muốn tìm cho riêng mình một đặc trưng tân kỳ độc đáo. Điều quan trọng là liệu cái hay và cái mới của thơ thời đó còn đứng vững cho tới hôm nay hay không?
Hôm nay, hơn 40 năm sau khi Thân Phận ra đời, qua bao nhiêu ngày dâu tháng bể, qua trùng trùng nước chảy chân cầu, béo trôi bọt nổi, tôi mới được đọc Thân Phận ngay trước mặt tác giả và hiểu vì sao một số bài thơ của Hoài Khanh đã đi vào lòng người đọc một thuở. Trong tay tôi lúc này, Thân Phận là bản tái bản năm 1969, màu giấy đã vàng úa nhưng nhiều bài viết trước năm 1962 (thuở mà miền Nam đang tương đối thanh bình) như vẫn còn nóng hổi hơi thở, ngây ngây mùi tâm sự và thườn thượt cái buồn thiên cổ.
Thôi tôi trầm một vũng sầu
Rừng hoang bản ngã cúi đầu trống trơn
Nghiến răng xua mối u hờn
Lòng nghe tịch mịch tiếng buồn muôn xưa
(Thân phận, tr. 29)
Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
Ta nghe lòng vỡ cung đàn
Hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành...
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông đó sẽ buồn với tôi
(Dòng sông của tôi, tr. 26)
Đó là cái buồn không của riêng Hoài Khanh mà của cả muôn thuở nhân sinh hữu hạn này và anh đã phổ nó vào lục bát rất thành công. Cũng cái buồn căn cơ cốt nhục đó anh đẩy vào thể thơ 8 chữ liên vận bằng bằng trắc trắc hoặc thơ tự do thì nó khập khễnh ngay. Bởi vậy, theo tôi, sở trường của Hoài Khanh là lục bát; thể thơ này rất phù hợp với tính cách và tâm trạng của anh. Trong khi nhiều bạn bè rất thích bài Ngồi Lại Bên Cầu và thuộc lòng nó vì ai cũng mường tượng thấy hình bóng của chính mình trong:
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
Thì tôi khẳng định với Hoài Khanh rằng: Trông Theo mới là bài hay nhất trong Thân Phận và có thể, của cả đời làm thơ của anh:

Bến sông này bến sông này
Trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biệt là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn
Mắt người mang cả quê hương
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm
Nhưng khi đã biết tình cờ
Thì hai thứ tóc đã mờ giấc xưa
Với trăng chia nhớ đôi bờ
Với sông bến nọ chia giờ ra đi
Người ơi còn lại những gì
Mai sau nếu chút tình si úa tàn
(tr. 56-58)
Vậy nhưng chẳng có bến bờ nào đâu! Chảy mãi không ngừng nghỉ trong Hoài Khanh là dòng sông không có hai bờ của đìu hiu cô đơn, hoang vu quạnh quẽ. Một nỗi buồn miên viễn thiên thu cứ lững lờ gờn gợn, cứ thấp thoáng nhấp nhô, không chót vót cao, không thăm thẳm sâu, chẳng mênh mông rộng, nó u u ẩn ẩn, mờ mờ mịt mịt, lành lạnh thê thê. Gấp sách lại, nhắm mắt định tĩnh một phút rồi lại mở ra, bàng hoàng đọc: "Nhìn nét mặt Khanh tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rứt, Xao xuyến, Hãi hùng, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người". (Phạm Công Thiện, lời tựa Thân Phận).
Tôi giật mình, ngẩng nhìn Hoài Khanh và e dè hỏi: "Chữ nghĩa của Phạm Công Thiện khốc liệt quá, có thật hồi còn trẻ anh ít nhiều giống như được miêu tả không?". Hoài Khanh bình thản nói: "Đời tôi ăm ắp nỗi buồn từ khi còn nhỏ tuổi". Người buồn thì làm sao làm thơ "vui" nổi! Người đọc hầu như không tìm thấy trong Thân Phận một bài hoặc năm ba câu tương đối lạc quan hoặc có chút gì khinh mạn kiêu bạc là phải. Tôi lại tò mò: "Cùng thời với anh, một số nhà văn nhà thơ khá ồn ào, tìm cách lăng xê xưng tụng tán thưởng nhau, được phỏng vấn, được các người đẹp ái mộ, lại còn được giải thưởng v.v... Còn anh thì lại im lìm lặng lẽ, nghĩ cũng lạ". Hoài Khanh vẫn bình thản: "Tôi khác họ, tôi không thích những thứ đó". Thì ra vậy. Tôi lại cúi xuống trang sách:
"Rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới lặng lờ và Hoài Khanh cũng lặng lờ như một bức ảnh treo tường" (Phạm Công Thiện, lời tựa).
Lặng lờ: cái mà tác giả Ngày Sinh Của Rắn ranh mãnh nhìn xuyên suốt bạn mình 40 năm trước, thì hôm nay càng lặng ngắt thê thiết hơn, giữa một thế giới quá hỗn mang chẳng phút giây tĩnh lặng, Hoài Khanh không còn là "bức ảnh treo tường" nữa mà anh đã hóa thạch từ lâu. Tôi "đọc" ở anh sự hoang mang và nỗi hãi hùng của một người đang lẩn trốn quá khứ của chính mình, tự chôn vùi mình giữa Tang Hải Trận Đồ hung bạo, cho dù phải dày vò mình trong cái cô đơn truyền kiếp, cho dù đời đã cuối mùa tóc bạc, cổ lai hy!
Hỡi ơi dâu bể không làm mệnh
Mà kiếp trầm luân cũng bạc đầu.
(Trở gối)
Như thế, rõ ràng Hoài Khanh nhà thơ không chết, bởi anh là nhà thơ đích thực. Từ lâu chúng tôi đã nghiệm ra điều này: giữa trầm luân dâu bể, chắc chắn chúng ta bị tước đoạt và mất mát rất nhiều thứ, nhưng nếu tự đánh mất nhân cách của mình thì không bao giờ có thể trở thành nhà văn nhà thơ đích thực được. Tuy vậy, trước một Hoài Khanh đời thường, lắm khi chúng tôi cảm thấy áy náy, không vui bởi anh quá lặng lẽ, khép kín, ít nói, hững hờ, nhạt nhẽo, giấu mình quá kỹ và rất ái ngại những gặp gỡ có nhiều người. Anh vẫn đắm mình trong cái thâm u hiu hắt, không chịu thoát ra khỏi vòng tay của nỗi cô đơn thâm căn cố đế và dường như cứ bị những hình bóng ma quỷ dữ dằn nào đó ám ảnh, đe dọa. Một lần nữa tôi thấm thía đọc lời tựa dữ dội mà Phạm Công Thiện viết cho Thân Phận khi ông mới 21 tuổi, đó không hẳn là những câu tiên tri mà còn là một phán quyết khắc nghiệt về thân phận của Hoài Khanh cũng như của thơ anh: "Chỉ nhìn nét mặt Hoài Khanh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng. Tôi muốn đuổi anh đi ngay. Bởi vì đây là hình ảnh bi đát của đời, của con người, của một kẻ bị đày ải giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian". Chắc Phạm Công Thiện không còn nhớ gì lời tựa bốc đồng đó, nhưng lúc này nếu gặp lại người bạn cũ của mình chắc ông sẽ rưng rưng và im lặng cái im lặng của Hoài Khanh! Và:
Ta đi lòng có trong mồ
Bước vô tư vẫn lạnh bờ ly tan
Sông xanh rời trắng mây vàng
Chút hồn sơ cổ rợn ngàn sương phong
(Quên, tr. 34)

Tháng 3.2006
Phạm Ngọc Lư
Nguồn: http://www.luanhoan.net/
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...