Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Huyền thoại về tính liên tục trong lịch sử Việt Nam: Trường hợp Bà Huyện Thanh Quan

Huyền thoại về tính liên tục trong lịch sử 
Việt Nam: Trường hợp Bà Huyện Thanh Quan
Năm 1945, sau khi nổi lên giành chính quyền ở Miền Bắc, các học giả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức bắt tay vào công cuộc tìm kiếm những căn cước cho một nước Việt Nam mới nhằm xác lập tính chính thống của chính quyền đương nhiệm cũng như để hàn gắn những đứt gãy văn hóa do giai đoạn đô hộ của thực dân Pháp gây nên. Trong đó, để phủ nhận những xâm nhập của nền văn hóa Pháp và chống lại diễn ngôn thuộc địa của mẫu quốc khi coi Việt Nam chỉ như một ‘tiểu Trung Hoa’, các học giả Miền Bắc đã kiến tạo nên một hệ thống những điển phạm các tác giả của nền văn học bằng chữ Nôm từ thời trung đại- một trong những khu vực họ cho rằng đã lưu giữ ‘Việt Nam tính’ tồn tại liên tục trong suốt thời gian bị xâm thực bởi những yếu tố văn hóa bên ngoài.
Tuy nhiên, tham vọng viết nên một thứ lịch sử liên tục trên tinh thần biện chứng Marxist như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng và khả thi, vì tính phân rã, đứt đoạn, thậm chí là hỗn độn của những cứ liệu lịch sử. Vậy họ đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?
Khi nghiên cứu về những điển phạm thời kỳ hậu thuộc địa ở Miền Bắc Việt Nam, chúng tôi phát hiện thấy rất nhiều chứng cứ liên quan đến hành trạng các nhân vật đã được ngụy tạo bởi các học giả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm theo đúng những tiêu chí của sử học Marxist (Marxist historiography) cũng như để tạo nên một dòng chảy liên tục xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam. Một trong số ít những nữ nhà thơ được điển phạm hóa ở giai đoạn này là Bà huyện Thanh Quan với niềm hoài cổ như một nét phong cách chủ đạo trong toàn bộ di sản thơ ít ỏi và gây nhiều tranh cãi của bà. Ngày nay, ở chương trình ngữ văn phổ thông và thậm chí trong cả những giáo trình đại học, nét hoài cổ ấy vẫn được diễn giải như sự thương tiếc triều Lê khi bà đã làm quan cho triều Nguyễn. Bằng việc khảo chứng những cứ liệu lịch sử được sử dụng để dựng nên bức chân dung Bà huyện Thanh Quan như chúng ta vẫn thấy hiện nay, bài viết muốn chỉ ra rằng: sự liên nối giữa nhân vật Bà huyện Thanh Quan với triều Lê chỉ là một huyền thoại (myth) được xây dựng bởi các học giả Miền Bắc Việt Nam dựa trên những ngụy tạo về hành trạng và thân thế của bà nhằm củng cố tính hợp thức (legitimacy) của chính quyền đương nhiệm trong tư cách là kết quả của một sự  phát triển liên tục tất yếu từ một triều đại tiền thân trong lịch sử. Việc tạo nên tính liên tục (continuity) này cũng góp phần phủ định tính hợp thức của triều Nguyễn, và do đó, là tính hợp thức của chính quyền Miền Nam Việt Nam.
1. Foucault và sử học Marxist: về tính liên tục và không liên tục của lịch sử
Dù cho nhiều sử gia từ cổ đại đến hiện đại luôn nêu cao trách nhiệm ‘trung chính’, ‘kể về những gì thực chất đã xảy ra’ (W. Humbolt) hay ‘tái tạo quá khứ như nó vốn có” (Ranke)… khi viết sử. Nhưng rõ ràng, nỗ lực để tìm về một thứ ‘lịch sử tuyệt đối’, một ‘thực tại nguyên gốc’ (original fact) như vậy luôn là một tham vọng bất khả. Bởi theo Foucault, không có một thực tại (fact) nào lại không phải là một thực tại đã qua thông diễn. Tất cả mọi thứ tự thân nó đã là tư liệu thứ cấp (secondary source), theo nghĩa, những tư liệu lịch sử còn lại đều đã được chọn lọc và tổ chức theo một định hướng, một thế đứng (standpoint) nhất định của chủ thể thông diễn rồi [1]. Do vậy, mọi hình thức viết sử về bản chất đều là hành vi tái diễn giải. Lịch sử, trong tư cách một dạng tri thức, là hoạt động tạo nghĩa cho quá khứ, một hình thức đem đến trật tự cho những sự kiện hỗn độn của thế giới. Trên tinh thần kế thừa quan điểm của Nietzsche, Foucault coi hành vi thông diễn này như một sự ‘xâm phạm’ (violation), một thực hành  mang tính ‘bạo lực’(violence) của chúng ta lên các đối tượng: tri thức chỉ hiện lên như là kết quả của sự ‘xâm phạm’ này. Và như vậy, hành vi thông diễn, tức hành vi tạo tác tri thức (knowleadge) luôn là một thực hành mang tính quyền lực (power) vì nó chọn lọc, tổ chức và quy định cái gì là tri thức, cái gì không là tri thức, cái gì được giữ lại, cái gì cần bỏ qua, cái gì là lịch sử, cái gì không là lịch sử,…
Cách viết và tư duy về lịch sử như một dòng chảy liên tục đã có truyền thống lâu đời trong lịch sử tư tưởng phương Tây mà ba cột trụ tiêu biểu nhất có thể điểm qua là I. Kant, G. W. Hegel và K. Marx. Đặc điểm chung của những triết gia trên là họ tiếp cận lịch sử từ góc độ và nhằm phục vụ cho Siêu hình học (Metaphysics), tức có một xác tín được duy trì rằng, thông qua những sự kiện và biến cố (dù là riêng lẻ) trong lịch sử, có thể liên nối được tất cả những sự biến ấy nhằm tìm ra những thực tại, bản chất và quy luật bất biến tồn tại liên tục chi phối bề sâu. Kant tin rằng có một thực tại siêu vượt (transcendentalism) quán xuyến toàn bộ những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên của lịch sử. Hegel lại duy trì niềm tin vào một Chủ thể tuyệt đối (Absolute Subject), và hơn hết là Lý trí (Reason) điều khiển những vận động của lịch sử. Marx cũng theo một xu hướng tương tự khi chỉ ‘lật ngược Hegel lại’ và rơi vào một thứ học thuyết duy nhân luận (anthropologism) đã được làm mới. “Chủ thể tuyệt đối của Hegel lúc này được Marx thay thế bằng tồn tại người (species being), và lịch sử thế giới như một tiến trình duy lý trong quan niệm Hegel được thay thế bằng nhãn quan của Marx coi lịch sử như một dòng vận động phát triển có hướng, trải qua những giai đoạn cần thiết và được định trước.” (Falzon 2013: 291) Tóm lại, mục đích chung của các nhà duy sử luận (historicism) ấy là thông qua lịch sử để tìm kiếm những tồn tại phổ quát phi lịch sử. Lịch sử trong quan niệm của họ đóng vai trò như những đại tự sự (grand narrative), mang chức năng của triết học [2] và là một nhánh phụ của Siêu hình học, thông qua những bản thế vì (substitute) hiện hữu để tìm ra một trung tâm tối cao (logos), một hiện hữu nguyên ủy khác (the original presence) vắng mặt. Nói theo Maurice Mandelbaum, thuyết sử luận (historicism) cho rằng các sự kiện lịch sử chỉ có thể được hiểu chính xác khi là một phần trong tiến trình phát triển. “Luận đề của thuyết sử luận đòi hỏi chúng ta loại bỏ quan niệm rằng các sự kiện lịch sử có một tính cách cá thể và có thể được hiểu mà không cần xem chúng như những yếu tố trong một chiều hướng phát triển nào…[C]ốt lõi của thuyết sử luận nằm ở luận điểm cho rằng một sự diễn giải ý nghĩa hay một đánh giá chính xác về bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng cần phải xem chúng như một phần trong dòng chảy chung của lịch sử”. (Maudelbaum 1971: 43)
Foucault phản đối tất cả những hình thức tiếp cận sử luận đối với lịch sử. Đúng như Mark Poster đã chỉ ra, loại lịch sử như vậy được sử dụng như một công cụ “hỗ trợ cho hiện tại thông qua việc tập hợp tất cả ý nghĩa của quá khứ và tìm kiếm một dòng chảy tất yếu dẫn quá khứ đó đến hiện tại” (Poster 1984: 74). Quá khứ, theo đó, trở thành một tiến trình tiếp diễn của những sự kiện hướng về hiện tại, và những trật tự trong hiện tại cũng vì thế mà được biện hộ trong tư cách là sự phát triển cực độ của quá khứ. Thứ lịch sử dựa trên tiến hóa luận (evolutionism) và việc giảm trừ (reduce) những hiện tượng riêng biệt nhằm tạo nên những đại tự sự như vậy sẽ đem đến nhiều hạn chế. Sử học Marxist với việc nêu cao nguyên lý duy vật biện chứng cộng với việc xem xét quá khứ thông qua những tiêu chí ‘cứng’ như phương thức sản xuất, đấu tranh giai cấp và sự tuần tự của những giai đoạn tổ chức xã hội sẽ mắc phải ít nhất hai khuyết điểm. Thứ nhất, biện chứng (dialetic) là một khái niệm “quá tham vọng vì nó tiên đoán quá nhiều, quyết định quá nhiều”, và rất dễ trở thành một công cụ quá đơn giản để tìm hiểu quá khứ, kết quả của thứ công cụ ấy sẽ rất có thể cho ra những sự ổn định sai lầm. Họ dường như chỉ hướng sự tập trung của mình vào những vấn đề liên quan đến giai cấp và có xu hướng không đủ cởi mở để tìm kiếm những cái ngẫu nhiên, không ngờ (unexpected).Và thứ hai, luôn có một khuynh hướng đồng dạng hóa (homogenize) trong phương pháp biện chứng, chỉ chú trọng đến những nét tương đồng, liên nối giữa những sự kiện mà bỏ qua những mặt khác biệt, bất quy luật. [3]
Trái lại với những trường phái sử học truyền thống, Foucault phá bỏ tất cả khung thông diễn lớn đóng vai trò như những siêu cấu trúc quy chiếu cho toàn bộ các sự kiện khác biệt. Thay vào đó, ông cho rằng giới sử học bây giờ không nên tiếp tục đổ dồn vào những ‘giai đoạn’ (periods) hay những thế kỷ rộng lớn, mà cần lưu ý đến những “hiện tượng đứt gãy (rupture), không liên tục (discontinuity)” (Foucault 2002: 13). Thay vì trình hiện một giai đoạn nhất định nào đó như một viên đá tảng nguyên khối, đơn diện, thống nhất, chúng ta phải xem cách mà giai đoạn ấy hé mở ra “rất nhiều quá khứ, rất nhiều quan hệ, rất nhiều hệ phân cấp về mức độ quan trọng, rất nhiều mạng lưới quyết định, rất nhiều định hướng… [khác nhau]” (Foucault 2002: 5). Mỗi giai đoạn lịch sử tồn tại một khung tri thức (episteme) khác nhau quyết định đến những trật tự kinh nghiệm và thực hành xã hội của riêng giai đoạn cụ thể ấy. Khi diễn ra sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn lịch sử, sẽ luôn xuất hiện những sự chồng lấn, đứt gãy và không liên tục do những diễn ngôn trong xã hội đã được thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Ở điểm này, Foucault có vẻ gặp vỡ với Thomas Kuhn (1962), cha đẻ của khái niệm “chuyển đổi hệ hình” (paradigm shift) cũng nhấn mạnh đến sự đứt đoạn và khác biệt cấu trúc trong lịch sử khoa học. Khi thăm dò lịch sử, Foucault duy trì phương pháp “khảo cổ học” (archaeology) và “phả hệ học” (genealogy) lần lượt trong các giai đoạn thập niên 60-70 trước khi chuyển sang tìm hiểu về “bản thể học lịch sử về bản thân và hiện hữu của con người” (historical ontology of ourselves and our present) ở đầu thập niên 80 của thế kỷ XX [4]. Một cách ngắn gọn, khảo cổ học là phương pháp “đào sâu vào quá khứ, phơi bày những dấu vết diễn ngôn của những giai đoạn lịch sử khác nhau và tái sắp xếp chúng, giống như có rất nhiều bề mặt và vỉa tầng khác nhau, mỗi cái cho thấy những phát ngôn được cấu trúc theo những mô thức riêng, những trật tự diễn ngôn riêng của nó”. (Garland 2014: 367) Nói khác đi, khảo cổ học là một hoạt động tìm về quá khứ như một phương cách nhằm thông hiểu những yếu tố, quá trình đã dẫn đến những gì chúng ta có trong hiện tại,  một hoạt động viết nên cái mà Foucault gọi là “lịch sử của hiện tại” (history of the present) (chứ không phải khuynh hướng ‘duy hiện tại’ (presentism), tức một hình thức viết sử tiếp cận quá khứ bằng những thuật ngữ/ khái niệm và những mối quan tâm của hiện tại đặc điểm của lối viết sử truyền thống bị Foucault phê phán). Còn phả hệ học, khái niệm được Foucault kế thừa và ảnh hưởng mạnh mẽ từ Nietzsche, cũng là một phương pháp viết sử, sử dụng những tư liệu lịch sử nhằm tra vấn, “định giá lại các giá trị” (revaluing of values) của hiện tại, khiến chúng ta phải suy tư về những gì vẫn được coi là vốn có, đương nhiên.
“Phân tích phả hệ học truy dấu con đường mà từ đó những thiết chế và thực hành đương đại vươn ra khỏi những mâu thuẫn, xung đột, những quan hệ đồng minh hay những thực thi quyền lực nào đó, tức những yếu tố gần như đã bị quên đi trong hiện tại”. (Garland 2014: 369) Việc tìm lại dòng dõi (descent) này không nhằm mục đích đập phá những nền tảng của hiện tại. Đúng hơn, “nó tra vấn những gì từ trước vẫn được xem như bất biến; nó phân mảnh những gì vốn hằng tưởng như thống nhất và chỉ ra sự hỗn tạp (heterogeneity) trong những thứ vẫn được tưởng tượng ra là thuần tính”. (Garland 2914: 372) Khảo cổ học và phả hệ học là hai khái niệm không được Foucault phân biệt một cách thực rạch ròi. Nhìn chung, cả hai phương pháp đều gặp nhau ở ý hướng phê phán hiện tại, dù mục đích tìm về quá khứ của mỗi phương pháp là khác nhau. “Khảo cổ học muốn phơi bày những trật tự và khác biệt mang tính cấu trúc, những sự không liên tục (discontinuities) phân biệt hiện tại với quá khứ trước đó. Còn phả hệ học lại nhằm phân tích dòng dõi (descent) và quá trình xuất hiện (emergence) cũng như cách mà chúng tiếp tục tác động để định hình hiện tại”. (Garland 2014: 373)
Trên đây là một vài nét hết sức sơ lược của chúng tôi về các quan điểm viết sử khác nhau của các triết gia trong lịch sử. Việc viện dẫn Foucault trong bài viết này không có nghĩa rằng chúng tôi coi đó như một khung lý thuyết để áp dụng cho những gì sẽ triển khai sắp tới, mà đơn thuần chỉ nhằm đem đến một cách nhìn khác hơn về lịch sử, cụ thể là về tính liên tục hay không liên tục của nó. Những phân tích lý thuyết trên cũng góp phần rọi sâu hơn vào đặc trưng và những hạn chế của sử học Marxist trong vai trò như một thứ phương pháp chính thống chi phối việc viết sử ở Việt Nam từ đầu độc lập đến nay. Những nguyên tắc bắt buộc của phương pháp sử học ấy cộng với nhiệm vụ chính trị đè nặng lên vai đã chi phối nhãn quan và việc viết sử của các sử gia Miền Bắc buổi đầu xây dựng chế độ mới như thế nào? Đó mới là những gì trọng tâm nhất của phần tiếp theo mà chúng tôi muốn phân tích qua trường hợp Bà huyện Thanh Quan.
2. Những hạn chế xung quanh tình hình tư liệu về Bà huyện Thanh Quan
Dù bài Qua đèo Ngang đã được Phạm Quỳnh trích dẫn trên tạp chí Nam Phong số 5 năm 1917 [5] khi Bàn về thơ Nôm, nhưng người đầu tiên có những giới thiệu liên quan đến tiểu sử của Bà huyện Thanh Quan phải kể đến Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn [6] trong bài viết cũng trên Nam Phong một năm sau đó, 1918. Trong mục Văn uyển, phần Thơ văn các cụ trên Nam Phong số 7 tháng 1 năm 1918, Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn đã giới thiệu năm bài thơ [7] của Bà huyện Thanh Quan sau khi đã có những tóm tắt sơ lược về tiểu sử cũng như những bình luận về phong cách thơ của bà. Cụ thể về thân thế Bà huyện, ông viết như sau:
“Phu nhân là con ông Nho Đường, ở làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội, người tuy không đẹp lắm, nhưng có giáng cung cách, tên họ gì chưa rõ. Lấy ông Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, đỗ cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) đời Minh Mệnh, làm quan đến Tri huyện. Sau phu nhân vào làm “Cung trung giáo tập”. Vua Tự Đức có ban thơ chữ và thơ môn, phu nhân họa được ngay, vua yêu quý lắm.” (tr. 36)
Tuy nhiên, ở phần tiếp theo, ông đã cho thấy nguồn gốc của những thông tin trên:
“Bóng hồng đã khuất, nhời ngọc vẳng sa, có hai điều nên tiếc: Một là lý lịch phu nhân, chưa biết được tường, đều nhờ khẩu truyền, sử sách không có; hai là toàn tập của phu nhân chưa tìm thấy được.”  (tr. 36)
Như vậy, một trong những tài liệu quốc ngữ sớm nhất về thân thế của Bà huyện Thanh Quan là dựa trên sự văn bản hóa những lời ‘khẩu truyền’. Qua tài liệu trên, chúng ta cũng biết được thêm rằng, tính đến thời điểm năm 1918 và trong phạm vi khảo sát của Trần Văn Ngoạn, gần như không có thư tịch nào ghi chép về hành trạng của Bà huyện Thanh Quan và cũng không có một tập thơ hoàn chỉnh nào của bà còn sót lại. Các tư liệu quốc ngữ khác về sau này tuy có một vài những chi tiết sai biệt không đáng kể (như về tên họ chồng Bà huyện…), còn lại theo nhận định của chúng tôi, những thông tin cốt lõi về tiểu sử nhà thơ trong các công trình trên, về cơ bản, khá tương đồng với những gì mà Trần Văn Ngoạn đã viết năm 1918. Trong số đó, chúng tôi sẽ chủ yếu lưu tâm đến những công trình sau: ở Miền Nam Việt Nam trước 1975 có Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1941), Việt Nam văn học sử trích yếu (2 tập) của Hạo Nhiên Nghiêm Toản (1949) và Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ (1963); ở Miền Bắc Việt Nam, trước 1945 có Nam thi hợp tuyển của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc xuất bản lần đầu tiên tại Hà Nội năm 1927, sau 1945, có Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX của nhóm Giáo sư  Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách và Bùi Hữu Sủng năm 1952-53, và đặc biệt là bài viết về Thơ Bà huyện Thanh Quan của Văn Tân trên tập san Văn Sử Địa số 15 năm 1956 mà chúng tôi sẽ dành trọng tâm phân tích ở phần hai của bài viết.
Trên đây là một vài nét nổi bật về tình hình tư liệu quốc ngữ. Về văn bản chữ Nôm, theo Pgs.Ts Đỗ Thị Hảo [8], trong năm văn bản Nôm ghi chép thơ Bà huyện Thanh Quan còn lại đến nay, chỉ có duy nhất bản Quốc văn tùng ký 國文  của Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (1808-1883) biên soạn mang số hiệu AB. 383 là đáng tin cậy hơn cả. Các văn bản khác còn lại đều ghi chép hết sức tùy tiện [9]. Toàn bộ thông tin liên quan đến Bà huyện Thanh Quan được ghi chép trong bài dẫn của Quốc văn tùng ký như sau:
“Xét về đàn bà nước ta thì bà Nguyễn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, cô Hồ Xuân Hương. Mà bà Huyện Thanh Quan không rõ tên chỉ biết là người làng Nghi Tàm chồng là Lưu Huân làm quan Tri huyện triều Minh Mệnh. Bà có làm bộ Nhàn Khanh thi tập (xem phần sau), sau vua Tự Đức triệu vào kinh dạy các cung nga.” [10]
Đọc đến đây, có thể nhiều người sẽ cảm thấy rất mừng vì không chỉ biết thêm tên hiệu của Bà huyện Thanh Quan là Nhàn Khanh, mà còn tìm ra được cả Nhàn Khanh thi tập của Bà huyện mà Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn trước đây đã ‘dám’ quả quyết là ‘chưa tìm thấy’. Tuy nhiên, Nhàn Khanh đích thực là ai? Xin thưa, đó là bà Dương Nhàn Khanh (1860-1924) có thơ đăng trên tạp chí Nam Phong suốt từ số 5 năm 1917 đến số 10 năm 1918 qua sự giới thiệu của cháu ngoại bà là Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng. Ngoài Nhàn Khanh thi tập, Nam Phong còn lưu lại rất rõ ràng rằng, bà là “con gái cụ Phó Đô Ngự Sử họ Dương ở làng Vân Đình, tổng Phương Đình, Phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, em gái quan Thượng thư Dương Khuê và cụ Thiếu Dương Lâm bây giờ”. Một loạt các bài thơ trong Nhàn Khanh thi tập của bà ấy là: Mừng bà Chiêu cải giá, Đề đền đức Đổng Thiên Vương, Mừng cháu đỗ cử nhân, Mừng em họ đỗ tú- tài, Trông giăng buồn vịnh… Nhìn chung, thơ bà “nhời nhẽ thanh tao, vần hàm súc nhưng ý chua chát với thói đời, mà lắm bài khinh ngạo người nhiều, cho nên vẫn bị cụ cố quở mắng” [11]. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc gán Nhàn Khanh thi tập vào di sản thơ của Bà huyện Thanh Quan, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, cuốn Quốc văn tùng ký này còn ‘chép nhầm’ hàng chục bài thơ của các tác giả trên báo Nam Phong trong suốt khoảng thời gian từ 1920 đến 1932 [12] vào thi tập của Tú Xương (1870-1907). Điều này là vô lý vì khi Nguyễn Văn San [13] mất năm 1883, Tú Xương mới chỉ có…13 tuổi. Nhưng không chỉ riêng Tú Xương, Quốc văn tùng ký còn bao gồm hàng loạt thơ phú của khoảng 35 tác giả mà hầu hết những người trong số đó đều là ‘hậu bối’ của Nguyễn Văn San: Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), Chu Mạnh Trinh (1861 - 1905), Phạm Quang Sán (1865-?), Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)...  [14]. Điều này cho phép chúng ta đi đến hai kết luận rằng: thứ nhất, Hải Châu Tử Nguyễn Văn San rõ ràng không phải là tác giả của văn bản chép tay Quốc văn tùng ký mang ký hiệu AB. 383 được lưu trữ tại hai nguồn lưu hành phổ biến nhất hiện nay là tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và trong bộ sưu tập của Maurice Durand; và thứ hai, văn bản chữ Nôm đáng tin cậy nhất trong số những văn bản Nôm còn lại về di sản thơ của Bà huyện Thanh Quan này thực chất được hình thành rất muộn (ít nhất là sau 1932) và cũng không hề đáng tin.
Như vậy, qua bản lược thuật về quá trình phê phán cả sử liệu chữ Nôm và quốc ngữ trên đây, có thể thấy rằng, cho đến nay, chúng ta vẫn biết được rất ít những thông tin về thân thế và hành trạng của Bà huyện Thanh Quan dựa trên những nguồn tư liệu đủ tin cậy, cũng như rất khó để đi đến một xác quyết về di cảo thơ của bà. Đây là một nhân vật với rất nhiều phần chân dung vẫn còn nằm trong vùng tối của lịch sử.
3. Giải pháp: ngụy tạo những cứ liệu lịch sử
Trước tình hình đó, để vừa đảm bảo được tính biện chứng giữa những sự kiện, vừa cho “thấy rõ những tiến triển tất yếu của lịch sử” (Trần Huy Liệu, 1956), các sử gia Miền Bắc Việt Nam đã dùng những cứ liệu ‘ngụy sử’ bổ sung thêm vào bức chân dung vốn đã thiếu nhiều mảnh ghép của Bà huyện Thanh Quan và khéo léo (hoặc khiên cưỡng) thông diễn nó để tạo nên sự liên nối với các sự kiện lịch sử khác nhằm phục vụ những mục đích nhất định.
Người đã gia công cho bức chân dung ấy không ai khác chính là Văn Tân, một học giả, cán bộ cấp cao của nền sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tác giả của rất nhiều huyền thoại đã tồn tại trong suốt những năm 1950-60 của lịch sử Việt Nam và thậm chí còn kéo dài đến tận ngày nay. Trong bài viết Thơ Bà huyện Thanh Quan [15] đăng trên tập san nghiên cứu Văn Sử Địa số 15 năm 1956, cơ quan ngôn luận chính thống quyền lực và có ảnh hưởng nhất của giới sử học Miền Bắc bấy giờ, Văn Tân đã cung cấp thêm khá nhiều chi tiết liên quan đến tiểu sử Bà huyện Thanh Quan không rõ nguồn gốc khiến chúng tôi cảm thấy rất hồ nghi. Tại trang 21, ông viết:
“Ngày nay chưa ai có tài liệu gì để biết tên thực bà Huyện Thanh  Quan, người ta chỉ biết quê bà ở làng Nghi Tàm gần Hồ Tây trước thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Bà sinh trưởng trong một gia đình phong kiến, và được ăn học từ thuở nhỏ. Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837) đỗ thủ khoa năm 1783 dưới triều Lê Cảnh Hưng. Nguyễn Lý đã từng làm đốc học Sơn tây và Hải Dương, năm 1819 làm giám khảo kỳ thi hương mở ở Thăng Long.
Nguyễn là học trò của Phạm Quý Thích, một cựu thần nhà Lê, tuy buộc phải làm quan với nhà Nguyễn, nhưng vẫn thiết tha với nhà Lê. Phạm đã làm nhiều thơ chữ Hán tỏ ý luyến tiếc triều Lê.”
Sau khi dẫn ra một vài câu thơ hoài cố của cả Phạm Quý Thích và Bà huyện Thanh Quan, Văn Tân nhận định rằng thơ của Bà huyện đã chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Phạm Quý Thích về nội dung tư tưởng. Và ‘ảnh hưởng này có lẽ đã đi qua Nguyễn Lý mà truyền tới bà. Vì Nguyễn Lý cũng như thầy là Phạm Quý- Thích, tuy làm quan với nhà Nguyễn nhưng lòng vẫn nhớ nhà Lê’. Tác giả còn dẫn ra việc chồng Bà huyện Thanh Quan là Lưu Nghị ‘đang làm quan thì bị giáng xuống chức bát phẩm thơ lại Bộ Hình’ (mặc dù sau lại được thăng lên chức viên ngoại lang) và lập luận rằng hai người thân cận nhất của nữ sĩ là chồng và cha đều nằm trong số tầng lớp những người chống lại triều Nguyễn, trong đó có các lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa nông dân như Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Lê Văn Khôi…, và cả các tộc người thiểu số vùng lên khởi nghĩa như: người Thái, người Mọi, người Chàm, người Miên… Từ đó, ông đi đến kết luận rằng:
“Tóm lại, đứng về mặt họ hàng thân thích, bà Huyện Thanh Quan không ưa nhà Nguyễn. Đứng về phía tầng lớp phong kiến cũ, bà Huyện Thanh Quan cũng không ưa nhà Nguyễn; nhìn vào tình hình thực tế của xã hội bấy giờ, chế độ nhà Nguyễn không đủ cho bà tin cậy.”
Như vậy, rõ ràng có thể thấy nhân vật Nguyễn Lý (cha) đóng vai trò như một mắt xích chủ chốt trong lập luận của Văn Tân để tạo nên tính kết nối giữa Bà huyện Thanh Quan với những người chống lại triều Nguyễn nhằm hợp lý hóa diễn giải về thái độ hoài Lê trong thơ của bà, cũng là một cách để làm bật lên mâu thuẫn giai cấp và tinh thần ‘ủng hộ quần chúng’ của Bà huyện Thanh Quan.
Tuy nhiên, tạm bỏ qua những khiên cưỡng trong việc diễn giải thơ Phạm Quý Thích của tác giả, những cứ liệu lịch sử mà chúng tôi khảo chứng về nhân vật Nguyễn Lý này đều chống lại Văn Tân, và điều đó càng góp phần làm sáng tỏ rằng: Nguyễn Lý là một nhân vật không có thật.
Văn Tân viết: “Cha bà là Nguyễn Lý (1755- 1837) đỗ thủ khoa năm 1783 dưới triều Lê Cảnh Hưng”. Tuy vậy, xét trong cả Khoa mục chí của Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (2007) và Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam của Đinh Văn Niêm (2015) đều cho thấy không có bất cứ khoa thi nào dưới thời Lê Cảnh Hưng được tổ chức vào năm 1783. Trong khoảng giữa những năm 1781 và 1785, sách của Đinh Văn Niêm cho thấy chỉ có duy nhất một kỳ thi Hương năm 1782 [16]. Thêm vào đó, xét trong tất cả những người đỗ đầu từ khoa thi năm 1781 đến 1785, không có ai là Nguyễn Lý. Lịch triều hiến chương loại chí ghi rất rõ:
“Năm Cảnh Hưng thứ 42 [1781], khoa tân sửu, lấy đỗ tiến sĩ 2 người.
Hội nguyên: Nguyễn Cầu (người xã An Khê, huyện Gia Lâm).
Đình nguyên Đồng tiến sĩ: Nguyễn Tân (người xã An Vỹ, huyện Đông An).
Năm Cảnh Hưng thứ 46 [1785], khoa Ất Tỵ, lấy đỗ Tiến sĩ 5 người.
Hội nguyên: Nguyễn Bá Lân (người xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm).
Đình nguyên Hoàng giáp: Nguyễn Du (người xã Văn Xá, huyện Thanh Oai).” [17]
Về những người đỗ đầu trong các khoa thi trên, cả hai tài liệu đều cho thấy sự tương đồng nhất quán. Những chứng cứ trên cũng đã đủ để phủ định tính xác tín của nhân vật Nguyễn Lý (1755- 1837) mà Văn Tân đưa ra. Nhiều khả năng đây là một ngụy tạo không khéo của tác giả dựa trên nhân vật Nguyễn Văn Lý阮文理 (1795-1868), một trong những học trò nổi tiếng của Phạm Quý Thích đến nay vẫn còn đủ hành trạng.
Đến đây, có thể bước đầu nhận định rằng, các sử gia Miền Bắc Việt Nam, cụ thể là Văn Tân, đã rất nỗ lực tạo ra sự kết nối giữa Bà huyện Thanh Quan với triều Lê nhằm chỉ ra rằng chính triều đại này là đối tượng của niềm hoài nhớ trong thơ Thanh Quan nữ sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận tính hợp thức của triều Nguyễn. Vì lẽ, đối với các sử gia của Hà Nội lúc đó, như Patrica M. Pelley đã chỉ ra, họ coi kỷ nguyên Tây Sơn là một giai đoạn cốt tử trong tiến trình lịch sử và văn học cách mạng, là một sự báo trước quan trọng cho xã hội mới mà họ đang nỗ lực xây dựng bên trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các học giả này cho rằng ‘Cách mạng tháng Tám năm 1945 đánh dấu sự hoàn chỉnh của những gì mà nhà Tây Sơn đã khởi sự từ cách đây 150 năm’ [18]. Và do vậy, họ coi Tây Sơn mới là triều đại hợp thức cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chứ không phải là triều Nguyễn - triều đại được các học giả Miền Nam ra sức củng cố. Vấn đề tạo tác những huyền thoại về tính liên tục lịch sử nhằm truy tìm sự hợp thức này ở hai miền Nam Bắc Việt Nam trước 1975 cũng từng được Wynn Wilcox (2009) phân tích trong nghiên cứu của ông về Phụ nữ và huyền thoại trong lịch sử Việt Nam: Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương và việc tạo ra tính chất liên tục về lịch sử tại Việt Nam. Trong nghiên cứu của mình, Wilcox đã phân tích hai phiên bản huyền thoại khác nhau được lưu truyền về ba nhân vật Nguyễn Ánh, Lê Ngọc Hân và Quang Trung ở hai miền Nam Bắc. Ở Miền Bắc, các sử gia đã tạo ra và duy trì một niềm tin trong nhân dân về mối tình đẹp đẽ thủy chung giữa Lê Ngọc Hân và Quang Trung, khiến họ tin rằng nhà Tây Sơn -tức một thứ chế độ ‘tiền thân’ của họ, mới là triều đại hợp thức từ sự chuyển tiếp của nhà Lê mà Lê Ngọc Hân là khuôn mặt đại diện. Trái lại, ở Miền Nam lại rất phổ biến câu chuyện về việc Lê Ngọc Hân đã ám sát Quang Trung, vì người bà thực sự yêu là Nguyễn Ánh, và do đó, chính nhà Nguyễn mới là triều đại có được tính hợp thức không hề đứt đoạn từ nhà Lê chứ không phải nhà Tây Sơn. Cuộc tranh luận, đối đầu về tính chính danh của hai triều đại này cũng là một chủ đề lớn đã diễn ra sôi nổi ở cả hai miền suốt những thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Việc phủ nhận tính chính thống của bên kia cũng đồng nghĩa với hàm ý rằng, chính quyền hiện thời của họ mới thực sự chính danh và vì vậy, sẽ chiến thắng, bởi vì nó có được tính chất hợp thức không hề đứt đoạn từ một triều đại chính thống, chính danh khác trong lịch sử. Tâm lý là dân dưới một chế độ tất thắng này sẽ tạo nên những hiệu quả quan trọng giúp họ vượt qua được những biến động mạnh mẽ của giai đoạn những năm 1950-60.
Do vậy, chúng ta dường như chỉ có thể tìm thấy diễn giải về nỗi hoài cổ trong thơ Bà huyện Thanh Quan như một niềm thương tiếc triều Lê trong những tác phẩm xuất bản ở Miền Bắc Việt Nam sau 1945 (Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX, Thơ bà Huyện Thanh Quan…) chứ không phải trong các tác phẩm xuất bản ở Miền Nam Việt Nam. (Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam văn học sử trích yếu,Việt Nam văn học sử giản ước tân biên..).
Kết luận:
Rõ ràng, việc tìm kiếm một hành trạng đích xác về nhân vật Bà huyện Thanh Quan không phải là mục đính chính của bài viết mà chỉ như một phương tiện để qua đó chúng tôi muốn nhìn rõ hơn vào công tác viết sử của các sử gia Miền Bắc Việt Nam và cách mà họ xử lý những hiện tượng còn chưa rõ ràng trong lịch sử. Có thể thấy rằng, rất nhiều huyền thoại một cách vô tình hay cố ý đã được tạo ra như một giải pháp tình thế trước những đòi hỏi của thực tế đời sống, chính trị và phương pháp viết sử. Điều đó phần nào cho thấy rằng rất nhiều ngụy sử được tạo tác từ giữa nửa thế kỷ trước bởi các sử gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay đã gần như nằm yên ổn trong lòng xã hội để tiếp tục thực hiện chức năng của nó và sẽ đang dần trở thành lịch sử nếu như chúng ta không có cái nhìn ‘trung chính’ về nó. Đến đây, chúng tôi xin kết lại bài viết này bằng một định nghĩa về lịch sử của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thể hiện quan niệm của các chính trị gia về lịch sử: “Lịch sử là gì? Đó là thời gian cộng với nhân dân, phải không nào?”. [19]
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Thị Hảo (2010), Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH.
2. Đỗ Tiến Bảng, Hải Châu có sưu tập Tú Xương? Ai là tác giả Quốc văn tùng ký?, nguồn: http://bichkhe.org/
3. Đinh Văn Niêm, 2015,  Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Hà Nội..
4. Nam Phong Tạp chí, số 5/1917 và số 7/1918.
5. Nguyễn Đức Hiền (2000), Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh, Truyện Trạng Quỳnh, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
6. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
7. Lã Minh Hằng (2013) (khảo, phiên, dịch chú), Khảo sát từ điển song ngữ Hán Việt, Đại Nam quốc ngữ (Nguyên bản Nguyễn Văn san), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Patricia M. Pelley (2002), Postcolonial Vietnam, New history of the National Past, Duke University Press.
9. Văn Tân (1956), Thơ Bà huyện Thanh Quan, Văn Sử Địa số 15.
10. Trần Huy Liệu (1956), Tổng kết công tác của Ban nghiên cứu Văn Sử Địa trong một năm qua và đề án công tác năm 1956, Văn Sử Địa số 44.
11. Trần Nghĩa, Loại bớt một số bài thơ không phải của Tú Xương, Tạp chí Văn học, số 6/ 1970.
12. Trương Đức Quả (2009), Bài dẫn trong sách Quốc văn tùng ký của Nguyễn Văn San, Thông báo Hán Nôm học 2009.
13. Garland, David (2014), What is “a history of the present”? On Foucault’s genealogies and their critical preconditions, Punish & Society, Vol. 16 (4), 365-384.
14. Poster, Mark (1984), Foucault, Marxism and History, Polity Press & Cambridge in association with Brazil Oxford.
15. Falzon, Christospher (2013), Making history, trong A companion to Foucault , Wiley Backwell.
16. Foucault, Michel (2002), Archaeology of Knowledge, Routledge.
Wilcox, Wynn (2009), Phụ nữ và huyền thoại trong lịch sử Việt Nam: Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương và việc tạo ra tính chất liên tục về lịch sử tại Việt Nam, Cao Việt Dũng dịch.
Chú thích:
[1] Falzon 2013, 288.
[2] Do vậy còn được gọi là lịch sử mang tính triết học (philosophical history), hoặc lịch sử mang tính siêu hình học (Metaphysical history).
[3] Poster 1984: 63
[4] Falzon 2013: 290
[5] Nam Phong 5/1917: 293- 297.
[6]  Nam Phong 7/1918: 36.
[7] Đó là các bài: Đi đò buổi chiều, Buổi chiều đi đò nhớ nhà, Vịnh chùa Trấn Bắc, Hoài cổ, Qua núi Đèo ngang. (Nam Phong 7/1918: 37).
[8] Đỗ Thị Hảo (2010).
[9] Ấy là các bản: Liệt truyện thi ngâm, AB.147; Quốc âm thi tập, AB.649; Thi ca quốc âm tạp lục, VHv.266; Quốc văn tùng thư, VHv.2248 ( Đỗ Thị Hảo, 2010).
[10] Trương Đức Quả (2009: 781- 801)
[11] Nam Phong 5/1917: 317.
[12] Đó là Vũ Thanh Đàm, Vũ Đình Khôi, Vũ Tích Cống, Châu Tử, Ái Hoa, Mân Châu. (Trần Nghĩa 1970).
[13] Hải Châu Nguyễn Văn San là một nhân vật lịch sử có thật, đã được Lã Minh Hẳng (2013) trong cuốn Khảo cứu từ điển song ngữ Hán - Việt  Đại Nam Quốc Ngữ viết như sau: “Nguyễn Văn San như sau: “(1808 - 1883) tự Hải Châu, hiệu Văn Sơn phủ quân, biệt hiệu Văn Đa cư sĩ, là Tú tài sáu khoa triều Nguyễn, Hội trưởng Hội Tư văn Thọ quan. Ông sinh ngày mồng 9 tháng 6 nhuận năm Mậu Thìn (tức ngày 31/7/1808) trong một gia đình có nề nếp thi thư tại làng Đa Ngưu, tổng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên)…”
[14] Đỗ Tiến Bảng, Hải Châu có sưu tập Tú Xương? Ai là tác giả Quốc văn tùng ký?, nguồn: http://bichkhe.org/
[15] Văn Tân (1956)
[16] Đinh Văn Niêm (2015: 133)
[17] Phan Huy Chú (2007: 83)
[18] Pelley (2002: 38)
[19] Nguyễn Đức Hiền (2000: 108).
Pháo đài Láng, tháng 8 năm 2017
Nguyễn Hồng Phúc
Theo http://nguvan.hnue.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù chỉ là phút giây thôi/...