Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Xuôi sông về biển

Xuôi sông về biển
Minh vẫn còn nhớ lời dạy của cô giáo địa lý: “Mọi dòng sông đều chảy xuôi về biển rộng”. Ngày xưa má cũng nói với Minh: “Phía cuối sông là biển”. Mà biển thì rộng vô cùng. Đã bao lần Minh đứng trước biển, trong đầu mơ màng nghĩ về những câu nói năm nào. Không biết phải sống bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu năm tháng mới có thể đi trọn vẹn biển khơi. Minh không nghĩ ngợi nữa. Trong căn chòi lá cửa đóng kín mít nằm sâu hun hút trong rừng tràm, Minh nằm cô độc. Khoảnh khắc này Minh chỉ ước, giá mà có má chắc chắn má sẽ không để cho Minh phải ngủ trần như vậy. Má sẽ giăng mùng, đuổi muỗi, đốt lửa để khói tỏa ra sưởi ấm con má giữa đêm rừng hoang lạnh. Rồi má ngồi đó mà trông Minh ngủ cho đến khi trời sáng, con gà rừng gáy vọng bổi hổi bồi hồi, mới tất tả xuống bến, bơi xuồng đi.
Má Minh bán hàng bông dọc theo mấy dòng kinh chảy ra sông lớn. Hồi Minh còn nhỏ xíu má đã chở Minh lênh đênh trên chiếc ghe bề ngang không tới một sải tay. Có nhà nhưng má không ở. Lần má bắt gặp ba Minh ăn nằm với người đàn bà khác trong buồng ngủ của má, là dắt Minh bỏ đi luôn. Má con Minh đi, ba tháng, năm tháng. Nước đã bắt đầu nổi trên đồng, con sông có chiếc ghe chở bí chở bầu của má neo lại, nước cuộn nhánh lục bình trôi nhanh đến độ Minh với tay vớt không kịp. Chiều chiều Minh thấy má ngó nghiêng, chắc là đợi người đàn ông má hết mực yêu thương chèo xuồng đi tìm má với Minh. Nhưng vô vọng. Phía xa xa, dòng nước đục ngầu ồ ạt cuốn trôi bao nhiêu chiếc lá khô khơi rụng xuống dòng. Bóng người mù khơi. Má không đợi nữa. Chiếc ghe của má ngày một xa bến sông quê…
Má nói, Minh lênh đênh với má rồi lớn lên dốt như má khổ lắm con ơi! Má đậu ghe hàng bông dưới bến trường cạnh vàm sông rồi dắt Minh lên, được thầy hiệu trưởng xếp học lớp ba. Sáng má thức sớm chèo ghe đi lấy hàng rồi cập xuồng lại bến trường cho Minh lên học, còn má chèo ghe bán quanh quất quãng này. Trưa trưa thì má lại đón. Đám bạn chọc ghẹo Minh là con của bà bán hàng bông, không cha, không nhà, không cửa. Má nói Minh cứ bỏ qua hết đi mà gắng học hành. Người ta đi từ no ấm mà nên người đã quý, mình đi từ đói lạnh mà nên người lại càng quý giá hơn.
Nửa đêm, rừng tràm u tịch. Ở xứ này, xế chiều khi vạt nắng còn lửng lơ trên ngọn cây mà bốn bề đã chìm trong hoang vắng. Chiều hôm trước, có đàn ong mật vo vo bay về đóng tổ trên cành cây gie ra con kinh nhỏ vắt ngang cánh rừng. Trong căn chòi lá đã ngả sang màu nâu trầm, Minh ngồi nhớ lại quãng đời đã qua, lòng se thắt. Đêm rừng lạnh buốt khi gió thổi ngang qua dòng kinh. Minh nhấc cánh cửa sang một bên nhìn ra ngoài. Bóng tối nhấn chìm mọi thứ, phía xa, vài con đom đóm lơ lửng bay, đèn đóm vàng hoa, nhìn vui mắt. Khoảnh khắc này giống như những lần Minh đi ghe cùng má, đêm má neo ghe lại một bãi sông nào đó, trên bờ đom đóm thắp đèn, Minh bò ra mũi ghe trờ người bắt một con thả vào trong ghe rồi ngắm nhìn. Đêm trên ghe, má kể Minh nghe chuyện hồi xưa má cũng theo ngoại đi bán hàng bông, mà ngoại thì mất rồi, cả ông ngoại nữa, người đàn ông suốt đời đi theo cái nghề bắt cá sấu trong rừng. Sinh nghề tử nghiệp.
“Phía cuối sông là biển rộng”. Má nói vậy. Minh chưa đi biển bao giờ, người ta nói đi biển cơ cực lắm, gặp mùa biển động, sóng to tưởng chừng nhấn chìm con người đơn độc, nhỏ nhoi. Đời má con Minh quanh quẩn trên sông, trên dòng kinh mùa mưa nước trong, mùa nắng nước lừ lừ màu đỏ. Hết lớp chín, Minh nghỉ học. Chiếc ghe cũng trở nên chật chội đối với cậu con trai đang tuổi dậy thì. Minh khuyên má bỏ ghe lên bờ mà sống, bán mấy trái bí trái bầu, biết đời nào mà ngóc đầu lên với người. Mắt má thoáng buồn. Má nhìn ra sông, sông dài như cuộc đời, mà sông cũng quanh co khúc khuỷu như cuộc đời. Má nói lênh đênh trôi dạt quen rồi, cái ghe nuôi sống hai má con mấy năm trời, sống mà bạc nghĩa như vậy thà chết còn hơn.
Vậy là chỉ mình Minh lên bờ dựng nhà mà ở, năm hôm mươi bữa thì má về ở một lần. Còn Minh chân tay vạm vỡ, ai thuê gì làm nấy, khi vét đìa, ngày mùa gặt lúa, vụ lúa qua, đi rừng đốn cây. Minh cũng rung động trong lòng mỗi lúc gặp Xuân, cô gái xóm bên chiều nào cũng bơi xuồng ngang qua bến sông nhà Minh, neo lại rồi hỏi “Anh Minh thương tui, chừng nữa lấy nhau hông lẽ cứ đi vét đìa, gặt lúa mướn cho người ta hoài”. Minh nói đợi thêm vài năm nữa, nhà cửa vững chãi thì Minh kêu má lên bờ cau trầu hỏi cưới Xuân về làm vợ. Xuân hướng mắt ra sông tỏ vẻ dỗi hờn: “Anh là con trai bao lâu cũng được, còn tui tuổi xuân chỉ có một lần…”. Minh lặng đi không nói được câu gì. Chiều phủ trùm trên cánh đồng xa xăm. Những nếp nhà cuộn mình trong khói rơm thơm rạ…
Rất nhiều lần Minh định quay đầu trở lại, nhưng nước cứ cuộn xiết cuốn chiếc ghe của Minh trôi về phía cuối sông. Minh bần thần, má nói phía cuối sông là biển, Minh đang chèo ghe đi về phía biển. Ở lại thì Minh biết đi đâu bây giờ? Chẳng lẽ Minh cứ trốn mãi trong căn chòi nhỏ giữa cánh rừng u tịch, cách biệt với thế giới bên ngoài. Sống giữa thiên nhiên mà sao Minh thấy tù túng quá, hẳn vì lòng người đang bị trói buộc trong vòng vây tội lỗi. Ước gì có má, má sẽ che chở cho Minh, má đã dắt Minh đi qua sông dài đất rộng. Nhưng Minh biết lần này má cũng không thể bảo vệ Minh. Ngày xưa má nói, đời ai cũng có lúc lầm đường lạc lối. Ba Minh cũng từng lầm đường, má chỉ giận chứ không hận.
Giờ thì Minh cũng lầm đường lạc lối. Minh không cứu nổi Xuân, người Minh yêu thương. Bọn nó bịt kín miệng Xuân rồi kéo Xuân đi tắt con đường mòn ra cánh đồng, tránh đoàn người đi xem hát ngoài đình ồ ạt đi về trong đêm. Minh đi tìm Xuân đến cánh đồng thì Xuân đã bị bọn côn đồ cưỡng đoạt. Một thằng còn tiếc rẻ nấn ná. Sẵn chai bia trên tay, Minh đập vỡ vỏ chai lao đến đâm vào lồng ngực thằng côn đồ từ phía sau. Minh ngồi ôm đầu, bên Xuân, bên tên côn đồ trơ trơ giữa đồng, trăng nghiêng về một hướng.
“Xuân ơi, anh giết người rồi”. Minh vừa nói, vừa đưa đôi bàn tay ra trước mặt. Đôi bàn tay ngày nhỏ má nắm níu dắt Minh đi trên con đường làng. Đôi bàn tay mỗi bận Minh tan học bước xuống ghe, má chìa tay nắm chặt cho khỏi ngã. “Minh chạy trốn đi anh! Ở lại người ta bắt anh bỏ tù…”. Minh thảng thốt quay sang: “Còn em… Còn má…?”. “Chạy đi anh. Em sẽ thay anh nuôi má”.
Thế rồi Minh chạy đi, phóng qua con mương nhỏ chạy băng băng trên cánh đồng. Ngoài bến sông, chiếc xuồng vẫn còn nằm tư lự. Minh bước xuống xuồng lấy dầm khỏa nước nương theo dòng chảy của sông khuya để đi thật xa trước khi trời hửng sáng. Ngoài xóm, chó sủa hờ vang vọng trong đêm. Chính Minh cũng không biết mình đang đi đâu, về đâu. Nhưng lúc ấy Minh không muốn đến phía cuối dòng sông. Bởi Minh còn muốn gặp lại má.
Còn bây giờ thì Minh đang đi về phía biển. Minh không biết dòng sông này dài bao xa, chừng nào Minh tới biển. Điều cuối cùng mà Minh ray rứt, ân hận là không được gặp lại má, không được nắm đôi bàn tay của má. Má ơi, ngày xưa bình an, còn bây giờ, con khổ quá! Giá mà con được sống bên má trên chiếc ghe bầu, má con mình phiêu diêu bán bí bán bầu, cơm ngày hai bữa, đêm má kể chuyện. Dòng sông cuộn xiết, nước trôi về biển. Má nói biển rộng, có đi suốt đời chắc gì đã hết biển được đâu?!
Kia rồi, biển đã mờ mờ hiện ra trước mắt Minh. Cái quầng sáng trắng loáng phản chiếu từ ánh mặt trời long lanh như mảnh gương. Sóng đang vỗ rì rào. Càng về phía cửa sông, nước càng chảy xiết. Biển đón nước từ mọi dòng sông đổ về, biển cưu mang người dân chài và cũng rộng lòng đón lấy những kiếp đời không còn gì vướng víu trần ai. Chợt Minh lấy mái chèo cản sóng, mắt ngẩn ngơ nhìn. Dường như Minh đang thấy một bóng hình thân thương trước khi về với biển. Rồi Minh buông tay chèo, nhắm mắt. Một tiếng gọi trìu mến, ấm áp vang lên từ phía sau. Minh bàng hoàng ngoái đầu nhìn lại. Trên chiếc ghe bầu, Xuân đang nỗ lực lèo lái chở má Minh ra cửa biển tìm con. Nước mắt Minh tuôn ra, mặn đắng hơn nước biển.
Hoàng Khánh Duy
Theo https://baocantho.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang

Dấu chấm thang - Chùm thơ của Trần Hương Giang Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù chỉ là phút giây thôi/...