Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Bâng khuâng khúc hát hoa đào

Bâng khuâng khúc hát hoa đào
Hoa đào, vườn đào, động đào là hình ảnh lãng mạn muôn thuở với trí tưởng tượng của thi nhân. Thế mà trong thế kỷ 20, ở một góc núi đại ngàn cõi địa đàng có một xứ hoa đào. “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…”. Theo tiếng nhạc réo rắc, tôi lần tìm đến các gốc đào để rồi “giờ này nhìn sương khói lòng thầm mơ màu hoa trên má ai…”.
Lời bài hát
Ai lên xứ hoa đào
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thợ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xựa
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ại
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nàọ
Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Hoàng Nguyên (1932-1973) là một nhà giáo - nhạc sĩ của Đà Lat đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Thuở ấy, Đà Lạt còn mờ ảo sương giăng, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tiếng vó xe thổ mộ lóc cóc gõ mặt đường theo nhau về chợ mỗi sáng, mỗi chiều, đêm đêm ngọn đèn đường vàng vọt soi bóng vài cặp tình nhân sát bên nhau tìm hơi ấm trong những chiếc áo Pardessus dày cộm, sãi từng bước dài trên con đường vắng. Trong không gian mơ hồ, huyền ảo đó, người nhạc sĩ yểu mệnh này có hai ca khúc nổi tiếng về hoa đào: Ai lên xứ hoa đào và Bài thơ hoa đào. Trong cả hai ca khúc, màu hoa đào đều gợi lên hình bóng giai nhân xứ lạnh. Đó là Đà Lạt, người tình muôn thuở của thi ca nhạc họa.
Hoa Đào ở đây Hoàng Nguyên ca ngợi là Mai Anh Đào, một tên ghép tổng hợp của 3 loài hoa khác nhau: Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Anh Đào. Mai Anh Đào là loài hoa có năm cánh nở về mùa xuân như Hoa Mai, cánh màu hồng như Hoa Đào, nở rộ từng đám lung linh chờn vờn theo gió xuân để chóng tàn như Anh Đào Nhật Bản. Có nhiều người ngộ nhận gọi Mai Anh Đào là Hoa Đào hay Hoa Anh Đào và vì thế Đà Lạt có tên là “Xứ Hoa Đào”.
Thật ra ở xứ sở này có Hoa Đào. Người dân trồng cây Hoa Đào (còn có tên là cây Đào Lông) để ăn trái hơn là để chơi hoa. Hoa Đào có tên khoa học là Prunus persica có hai loài. Loài Đào Phai hoa thưa, năm cánh hồng nhạt, cành hoa cứng cáp. Hoa rụng, đài hoa kết trái, lớn dần lên chín ửng hồng, chủ nhân hái về làm mứt hay bán trái tươi.

Ngày Tết, có những cây đào nở đúng độ, người dân cũng cắt bán hay cắm trang trí nhà chào xuân. Loài Bích Đào nhiều hoa hơn, hoa nhiều cánh hơn, màu hồng thắm hơn. Cành Bích Đào ẻo lả, rủ xuống như dáng liễu. Hoa rụng đài vẫn kết trái nhưng không phát triển như Đào Phai. Bích Đào chỉ được trồng làm cảnh, không để ăn trái. Gần đây nghệ nhân Mười Lời đã ghép Bích Đào miền Bắc vào gốc Đào Phai Đà Lạt tạo thành một giống đào mới có ưu điểm của cả Đào Phai và Bích Đào, trang trí ngôi nhà ngày tết vừa sang trọng vừa thanh nhã, quí phái.
Anh Đào là quốc hoa của Nhật Bản, nở về mùa xuân có tên khoa học là Sakura. Hoa Anh Đào có ba giống: hoa màu trắng, hoa màu hồng và hoa màu đỏ. Tùy theo từng chủng loại và điều kiện môi trường, thời tiết, tuổi thọ của Hoa Anh Đào khác nhau, thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày. Hoa Anh Đào không có ở Đà Lạt và không cùng loài với Mai Anh Đào. “Xứ Hoa Đào” không phải là “Xứ Anh Đào” như một số người ngộ nhận
Mai Anh Đào có tên khoa học lúc đầu là Cerasus SP, nhưng về sau đổi tên Prunus Cesacoides vì cây Mai Anh Đào có hình dáng cây đào, cây mận thuộc chi Prunus; nhưng đồng thời nó có hoa đơn năm cánh giống như hoa mai thuộc chi Cerasus. Hằng năm, vào cuối đông, Mai Anh Đào nở rộ, rực rỡ ánh hồng trong tiết trời Đà Lạt se lạnh báo hiệu xuân về. Xuân qua, hoa rụng, cây ra lá xanh và trên cành có những chùm trái tím đỏ. Sang thu cây trút lá bước vào thời kỳ ngủ đông.
Mai Anh Đào xuất xứ từ đâu? Trước đây, khi chưa biết Anh Đào, nhiều người Đà Lạt ngộ nhận gọi Mai Anh Đào là Anh Đào và cho rằng nguồn gốc của nó là từ Nhật Bản, phân biệt với Hoa Đào có nguồn gốc từ Trung Quốc. Gần đây, có một số người cho rằng cây Mai Anh Đào là cây có nguồn gốc bản địa, "từng thấy cây này trong một vài cánh rừng xung quanh Đà Lạt" (cố kỹ sư Lương Văn Sáu). Mới đây, ông Nguyễn Thái Hai có một bài viết trên trang thông tin điện tử Lâm Đồng cho biết cây Mai Anh Đào do ông Nguyễn Thái Hiến, một giám thị lục lộ, phát hiện tại khu rừng quanh ấp Tân Lạc vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm, năm 1935 ông Hiến đã thực hiện việc trồng cây Mai Anh Đào trên đường từ Cầu Ông Đạo lên Rạp Hòa Bình, đến Rạp Ngọc Lan. Mai Anh Đào là loài hoa thân mộc, cao từ 10 - 15 mét, vừa đẹp vừa quý hiếm, ngày nay được trồng quanh Hồ Xuân Hương và nhiều con đường khác với tính cách là cây hoa đặc trưng của Đà Lạt. Con đường mang tên Mai Anh Đào phía bắc thành phố chạy ngang trước hai cơ sở du lịch Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ thơ mộng đang chờ những mùa hoa mai anh đào nở rộ chào xuân.
Bài Thơ Hoa Đào
Ngày mai em đi khỏi
Hoa đào ghen với ai!
Ngày mai em đi khỏi
Hoa nhạt, nắng phôi phai ...
1. Ngày nào... dừng chân phiêu lãng
Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi
Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi
2. Ngày nào... đường xuân phơi phới
Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai
Rồi yêu hoa trên má
Mà ghi câu luyến nhớ thành bài thơ
ĐK. Ôi!... Đà Lạt là thơ...
Bài thơ mến yêu reo muôn đời
Dệt bằng tiếng gió ngàn reo
Qua đồi thông hay bên... bờ suối
Ôi!... Đà Lạt là mơ...
Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ
Đợi tình quân đến trong giấc mơ
Nhưng... rồi mùa hoa tàn
Người hoa... sao vắng mãi
Bao... chiều lòng mong chờ
Đường hoa... sao hững hờ
3. Để lòng... lữ khách tê tái
Cất bước đi nhớ hoa đào trên má ai
Màu hoa in trên má
Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!
(Nguồn tham khảo Internet)
Trở lại hai ca khúc bất tử của Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt. “Ai lên xứ hoa đào” là lời mời gọi khách xa về thăm xứ lạnh, nhìn chiều rơi bên hồ, nghe hơi giá len vào lòng người, nghe thông reo bên suối vắng một chiều xuân êm trôi; về thăm xứ Hoa Đào, lần bước theo đường hoa có vài cánh hoa ngại ngần bay theo chân ai… để mơ về cuộc tình hoa bướm, đến khi quay về, mang theo cành hoa gợi nhớ một chiều sương khói, thầm mơ màu hoa trên má ai đó của một bóng hồng Đà Lạt. Điệu nhạc réo rắt, ca từ trữ tình, hình ảnh mông lung huyền ảo gợi lại cảnh đào nguyên lãng đãng sương khói đẹp như chuyện ngày xưa.
“Bài thơ hoa đào” là lời nuối tiếc một cuộc tình thoáng qua. Khách lãng du dừng chân phiêu lãng đến Đà Lạt yêu màu đào trên má giai nhân rồi khi chia tay lòng tê tái mơ về giấc mơ tiên nữ giáng trần, tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ mòn mõi đợi tình nhân đến. Dẫn dắt lời nhạc là mấy câu thơ dạo đầu “Ngày mai em đi khỏi/ Hoa Đào ghen với ai/ Ngày mai em đi khỏi/ Hoa nhạt, nắng phôi phai”…
Hoàng Nguyên đã đồng hóa màu hoa và màu má thiếu nữ Đà Lạt. Tứ thơ này không mới. Thôi Hộ đời Đường đã có câu “Nhân diện đào hoa tương áng hồng”, Nguyễn Du trong truyện Kiều đã để Từ Hải thắc mắc với Kiều “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”. Với Hoàng Nguyên không phải là má đào mà là màu hoa đào trên má. Người thiếu nữ Đà Lạt má ửng hồng trong khí trời se se ngọn gió xuân mát lạnh, nắng nhuộm cánh Mai Anh Đào hồng như đôi má giai nhân. Một vẻ đẹp thần tiên của thiếu nữ xuân thì, của thành phố trẻ trung như thiên thai giữa trần thế.
“Ai lên xứ hoa đào” nhiều người biết, nhiều người hát. Có thể nói người Đà Lạt nào biết hát thì ít ra cũng đôi lần hát bài này. “Bài thơ hoa đào” như người thiếu nữ kín đáo chưa vào mắt xanh của một số người hâm mộ.
Những ngày chưa đến Đà Lạt, qua sóng phát thanh, hai ca khúc này đã cuốn hút tôi từng ngày, từng đêm. Giọng ca Lệ Thanh sâu lắng, kín đáo như diễn tả với tôi đầy đủ vẻ đẹp hoa đào trong mơ tưởng lãng mạn bay bổng của tôi.
Rồi cũng đến ngày tôi đặt chân lên đất rừng Đà Lạt. Tháng 9, Mai Anh Đào chỉ là những nhánh khẳng khiu trên tán cây trụi lá. Một vài lá còn sót lại úa vàng run rẩy chờ từng ngọn gió đi qua.

Mùa Noel đầu tiên của tôi ở xứ lạnh, Mai Anh Đào nở đúng kỳ mừng Chúa giáng sinh. Quanh bờ hồ, dưới tán gốc thông già soi bóng xuống làn nước trong xanh, lạnh giá, Mai Anh Đào rực rỡ như những chiếc lọng lụa hồng khổng lồ đung đưa theo mỗi cơn gió nhẹ. Trong vườn nhà, trên đường phố, thỉnh thoảng nơi này, nơi khác vài cây Mai Anh Đào trước cổng hay lẫn vào hàng rào thảm quì xanh, xa nhìn rực hồng một góc trời.
Gần nửa thế kỷ thay da đổi thịt lớn lên từng ngày, Đà Lạt như một sơn nữ mặn mà hương rừng gió núi trở thành cô gái thị thành kênh kiệu, đài trang. Nhịp đập cuộc sống văn minh át hẳn tiếng dìu dặt thông reo bên suối vắng. Đường trần hoa bướm đã lạc dần vào quên lãng như chuyện ngày xưa. “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” vẫn còn làm say đắm lòng người nhưng có ai biết đến, ai nhớ đến người nhạc sĩ - nhà giáo của Đà Lạt xưa đã thổi hồn mộng mơ vào từng giai điệu réo rắt lòng người. Bài viết này như là một nén nhang cho người nhạc sĩ bỏ quê hương vùng gió cát Quảng Trị, một thời đã gắn bó với Đà Lạt và bất tử với màu hoa đào xứ lạnh ngàn hoa.
30/11/2011
NGUYỄN VĂN UÔNG
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...