Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Về tập thơ của Trần Thuật Ngữ

Về tập thơ của Trần Thuật Ngữ
Trần Thuật Ngữ và tôi
Ngẫu nhiên mà anh và tôi cùng có nhiều điểm chung, dù anh quá tôi hơn nửa con giáp.
Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên dòng sông Vệ, cái dòng sông “như chuyện cổ”, “như tiếng hát” ru, mà cũng “như con ngựa chứng” thơ anh. Cổ tích dành cho chúng tôi là những đêm “trăng bốn mùa đẹp như mắt trẻ thơ” trong sân đình Long Phụng. Âm nhạc với chúng tôi là tiếng chim, tiếng sóng, tiếng chuông chùa. Chân đất, đường làng, cứ thế, chúng tôi như những chú bò con nhẩn nha vô sự…
Vậy mà, nào bão nào mưa… “Những cơn mưa tàn bạo”! Chúng tôi tan tác. Giữa loạn lạc, bắt đầu buồn bã nhớ thương.
Buổi sáng hôm ấy, anh đạp xe ra tận bến tàu Phú Thọ tiễn mẹ con tôi. Cũng từ ấy, anh hóa thành quê mẹ.
Không ngờ, chúng tôi đều mê đắm văn chương! Gặp lại nhau trên thi đàn miền Nam, dĩ nhiên mừng khôn xiết! Giờ đây, tôi vẫn thuộc nằm lòng hai bài thơ của anh, một bài in trên tờ Khởi Hành, bài Phượng, một bài in trên tờ Văn, bài Gửi chiếc lá cây xanh. Phải thừa nhận, những người chọn thơ anh lúc bấy giờ tinh quá, cả hai bài thơ chữ nghĩa đều rất sang rất đẹp, phản ánh đúng phong cách thơ anh:
Có phải năm nào xưa không em
Mùa xuân hoa nở đỏ bên thềm
Em như con bướm vàng bay mỏi
Đậu xuống lòng anh run nắng im…
(Gửi chiếc lá cây xanh)
Trên đồi hoa nở vài bông
Tôi ngồi bên phượng ôi hồng thịt da
Lặng im dưới bóng trăng tà
Tôi nằm bên phượng ôi da thịt hồng…
(Phượng)
Giống như nhiều người thuộc thế hệ anh, “cuộc tình duyên (văn nghệ của anh) cũng mang nhiều cay đắng”. Chiến tranh kết thúc, dân tộc - trong đó có gia đình chúng tôi - đoàn tụ, nhưng những mối quan hệ cũ không còn, mạch thơ đứt đoạn. Phải có thời gian để hàn để nối. Thêm nỗi chuyện đời. Mãi rồi mới lại được đọc thơ anh, ngổn ngang tâm sự, buồn và khóc:
Có đêm nào như đêm hôm qua
Hai ta say khướt dưới trăng tà
Thằng nằm chỏng gọng bên sườn núi
Thằng ngồi im lặng nhớ quê xa.
Giang hồ ai tiếc thân lưu lạc
Sao mắt nhà ngươi lệ bỗng nhòa
Có phải bao đêm hồn đất khách
Còn đau câu chuyện dưới trời xa. (…)
Anh, em, cha, mẹ, hề! đâu biết
Vợ con mong đợi, hề! có hay
Quê người ai lặng nhìn mây trắng
Và gửi lòng theo nắng cuối ngày.
(Tây Nguyên hành)
Mỗi người một phận. Sau những chuyến hành Tây Nguyên và hành phương Nam, Trần Thuật Ngữ đã trở lại quê nhà. “Nơi thường trú suốt những mùa mưa bão Nơi hoà bình mắt mẹ vẫn cô đơn” (Mùa xuân đến tự bao giờ). Long Phụng, Cô Thôn, núi Ấn, sông Trà, sông Vệ… lại in dấu chân anh. Tôi về thăm, sẽ lại có anh đón tiễn. Chỉ khác, sẽ không phải là cái bến tàu Phú Thọ năm xưa…
Sài Gòn, hạ tuần tháng 9 năm 2009
Hoàng Trần
Theo http://hcmup.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...