Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Người bên hốc núi

Người bên hốc núi
Hình như là tôi đã trôi. Trên những con nước. Người tôi cứ duềnh lên, rồi trầm xuống. Lúc lại va vào đá, nghe nước réo quanh người, rồi có khi nằm trên cả làn nước xiết. Băng theo dòng, qua những thác ghềnh.
Trôi. Trôi mãi.
Không biết kết thúc là nơi nào.
Chỉ nhớ khi mình không còn trôi nữa thì tôi nhìn thấy bầu trời. Rất cao và rất rộng. Tôi nhìn thấy cả cánh đồng, bạt ngàn màu lúa mới. Tôi nhìn lại dòng nước đã đưa tôi đi, con nước thả tôi lại giữa cánh đồng rồi vẫn mải miết trôi. Như thể nước ngàn năm vẫn chảy. Dòng trôi đã khắc thành một vết mòn thời gian, rồi cứ thế nước xuôi đi. Chỉ có tôi - kẻ không được khắc tên trong dòng chảy nhưng đã theo con nước, để một lần được đi dọc dòng sông. Rồi lại cồn lên cái cảm giác nôn nao được trở về chốn cũ.
Tôi chỉ mới là một đứa trẻ, đã nếm trải cái cảm giác tha hương, lận đận đường về.
Tôi nằm nghiêng giữa cánh đồng. Không biết là bao nhiêu lâu. Nhìn đất, nhìn trời. Đi qua mục ruỗng thời gian. Con nước không bao giờ trở lại.
Tôi nằm nghiêng giữa cánh đồng. Nhớ mẹ.
Đêm trước khi tôi trôi đi, mẹ ngồi bên tôi rất lâu. Mẹ ủ ấm cho đứa con bé bỏng của mẹ bằng đôi tay gầy và ráp thô như một chiếc lá quắt khô. Mẹ se sẽ gieo quanh chỗ tôi nằm những cánh hoa rừng, thơm ngát. Mẹ vỗ nhè nhẹ vào chiếc giường con con của tôi, rồi mẹ hát. Tiếng hát của mẹ réo rắt, rồi vút bay thanh thoát giữa đại ngàn âm u. Ngày nào tôi cũng ngủ ngoan trong tiếng hát ru của mẹ. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của người rất gần, có đôi lần tôi cố với đôi bàn tay bé xíu của mình về phía mẹ nhưng tôi không chạm được. Hình như chiếc giường con của tôi đã có một tấm màn che ngăn tôi và mẹ. Tôi xoay tới xoay lui, nhìn mãi nhưng không biết phải làm cách nào để có thể vượt ra ngoài cái tấm màn che mềm và mịn ấy.
Lần cuối cùng tay tôi chạm được vào mẹ là một ngày nắng rất vàng. Mẹ địu tôi sau lưng chạy băng về phía rừng. Người tôi xốc lên từng đợt theo nhịp hối hả của mẹ. Nhưng tôi không dám khóc. Đó là lần đầu tiên mẹ địu tôi trên lưng mà không hát cho tôi nghe. Mẹ chạy trên những triền dốc mấp mô, mẹ gạt lá chắn, đạp răng rắc lên những cành khô. Mọi thứ trên đường đi trượt qua mắt tôi. Lá và nắng. Cả những thanh âm đồng vọng của rừng. Mẹ chạy mải miết cho đến khi mẹ nhìn thấy cha đi ngược chiều giữa rừng sâu. Mẹ gọi tên cha, chết lặng rồi mẹ ngã quỵ xuống trong tiếng gọi hoảng hốt của cha. Tôi bị xô nghiêng về một bên. Tay chạm phải một ngọn lá. Tôi nắm lấy đọt lá ấy theo phản xạ. Cha tháo dây địu ra. Cha bế tôi trao cho người bạn đi cùng rồi đỡ mẹ dậy, cha dấp nước lên mặt mẹ. Mẹ lần hồi tỉnh lại, mẹ cười mà nước mắt ràn rụa. Tôi đưa chiếc lá lên miệng day day. Nhìn.
Rồi bất chợt tôi thấy bầu trời như đảo xuống trước mặt. Cây cối chao nghiêng. Miệng tôi khô khốc. Ngột ngạt. Tôi ho thốc một tiếng, rồi không chịu được nữa, tôi khóc thét lên. Tiếng khóc của tôi làm mẹ giật mình, mẹ ngồi bật dậy. Mẹ gần đến mức tôi thấy ánh mắt mẹ kinh hoàng. Cha hoảng hốt. Tôi chỉ biết khóc, rồi hình như lả đi...
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên cái giường con con có tấm màn che, trên sườn dốc, gần một con suối. Xung quanh rợp một màu xanh - cái màu thâm u và mênh mông của núi rừng. Có một cụm hoa rừng màu tím mọc bên cạnh một gốc cây to. Trời xanh, tôi nhìn thấy cả nắng xiên qua vòm lá. Và người đầu tiên tôi nhìn thấy là mẹ. Mẹ nhìn tôi. Mẹ cười. Mẹ hát. Mẹ ngồi bên cạnh tôi rất lâu. Tôi cười với mẹ, rất lâu, rồi ngủ thiếp đi.
Rất nhiều lần tôi ngủ thiếp đi.
Mà lần nào thức giấc tôi cũng nhìn thấy mẹ.
Tôi đi ngược con nước. Băng qua cánh đồng. Lúc đầu, tôi đi cả ngày lẫn đêm. Nhưng rồi hình như có một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó cứ lèn chặt trong tim khi tôi cất bước vào mỗi sớm mai. Nỗi sợ hãi không thể gọi tên cứ âm thầm, ngột ngạt đến mức tôi không thể định hướng được dòng sông. Nhiều lúc tôi cứ đi lạc ra khỏi dòng chảy. Thế rồi tôi chọn cách đêm đi ngày nghỉ. Tôi tự nhủ rằng mình đã trôi từ con nước này thì chỉ cần đi ngược dòng nước, mình sẽ tìm được về chốn cũ. Chỉ cần về đến nơi có bụi hoa tím mọc ở gốc cây to, gần bên hốc núi có tảng đá trắng bên ngoài là tôi sẽ về với mẹ, với cha, với đại ngàn xanh thẳm của những ngày tôi nằm nghe gió hát.
Tôi cứ đi mải miết. Đôi bàn chân lội trong bùn nước, da cứ co lại, mềm nhũn và đầy những vết xước khi tôi đi băng qua rừng cây và cả những mảng đất khô khốc, nứt nẻ. Tôi không biết đếm thời gian. Hay đúng hơn là tôi không có ý niệm về thời gian. Tôi cũng không biết mình đi bao lâu, bao xa, chỉ biết rằng tôi đã ở lại cánh đồng rất lâu, rất lâu. Cho đến ngày cả hình hài thay đổi.
Tôi không gặp nhiều người. Chỉ thấy họ ở cách xa dòng sông nơi tôi đi. Có những chặng tôi qua rất thưa vắng người, nhất là khi dòng chảy uốn khúc ngoằn ngoèo trong các hẻm núi.
Đến một ngã rẽ, tôi ngồi xuống bên dòng nước. Tôi trưởng thành từ dòng trôi và đường tìm của riêng tôi, nhưng lại chưa học cách lựa chọn trước những ngã rẽ trong đời. Tôi đã đi một mình quá lâu trong cả hành trình dài. Chỉ đến khi đứng trước ngã rẽ, tôi mới biết mình cần sự sẻ chia. Tôi đã dồn sức quá nhiều vào những bước đi như cứ lao về phía trước, nhưng khi đứng trước sự lựa chọn thì tôi thấy mình kiệt sức. Tôi muốn được sẻ chia. Rằng tôi đang đi về đâu, đang tìm kiếm điều gì. Liệu rằng hành trình tìm kiếm mải miết trong cô độc đó có khiến tôi cảm thấy hạnh phúc không, ngay cả khi đã đến được nơi cần đến? Tại sao tôi không dừng lại giữa đường tìm, rồi cùng với mọi người, tôi sống, bình yên như một cuộc đời vẫn cần như thế.
Tôi nằm xoay nghiêng, tìm lại cái cảm giác thanh thản thuở tôi vừa mở mắt đã thấy mình nằm giữa cánh đồng. Trước mỗi một ngã rẽ, người ta đều cần sự bình yên. Và ngay lúc ấy tôi đã nhìn thấy một người, mà không, chính xác là một người nhìn thấy tôi. Một ông già đang thả con thuyền xuôi theo dòng nước. Đó cũng là lần duy nhất tôi gặp được người, trong suốt hành trình cô độc của mình.
Tôi hỏi thăm ông đường về thượng nguồn. Ông chỉ lối con nước rẽ rồi hỏi tôi về nhà à. Tôi gật. Ông lại hỏi rồi khi nào thì đi. Tôi lắc đầu, không biết. Nhà ở đâu? Nhà nằm ở trên thượng nguồn con sông, gần bên dốc núi. Hay là ở lại một vài hôm rồi hẵng đi. Tại sao? Không tại sao cả, ở lại với đất trời sông núi. Để trải mình giữa mênh mông. Một đêm thôi cũng được. Một đêm thôi. Tôi ở lại cùng ông lão xuôi thuyền một đêm. Trăng rất sáng. Tôi ngồi nghe ông nói như tâm sự. Câu cuối cùng ông nói với tôi: "Ta đã sống một cuộc đời cô độc. Và ta cũng ra đi trong lặng lẽ như thế này đây. Chúc con trở về hạnh phúc".
Tôi im lặng lắng nghe ông nói. Sự cô độc dường như luôn ngự trị trong tâm thức mỗi người nhưng không ai dám thừa nhận. Cho đến khi họ trở thành một hình ảnh phiêu du trong cuộc đời này. Tôi cũng như ông, cô độc. Chỉ có khái niệm "trở về" - không phải "ra đi" - là mục đích khát khao.
Ngay sáng hôm sau tôi từ biệt ông lão xuôi đò. Tôi sải những bước chân mạnh mẽ. Trở về - khát vọng cội nguồn trở lại cồn cào tha thiết trong tôi. Tôi đã phải lang bạt quá lâu, tôi phải trở về để được nhìn thấy quê hương thân yêu, dù chỉ một lần.
Khi đến được con nước bên chân núi, tôi băng qua suối, chạy trên thảm cỏ rừng. Tim tôi đập rộn rã. Thượng nguồn đây rồi. Tôi bò lên sườn dốc. Tôi tìm gốc cây cổ thụ. Tôi tìm nhà tôi, chiếc giường ấm...
Và tôi đã nhìn thấy. Tảng đá trắng nằm bên hốc núi. Hòn đá trơ gan vẫn còn hình thù rất đặc biệt, mỏm đá nhô ra dài như cái tai con thỏ. Đá vẫn chờ tôi. Quê nhà luôn dang tay đón người trở lại. Tôi hét một tiếng rõ to giữa núi rừng mênh mông. Nhưng đáp lại lời tôi chỉ có những thanh âm vọng từ đại ngàn. Tôi chạy băng qua rừng, tôi đi tìm người. Núi vắng. Tôi chạy hối hả, mải mới thấy làng. Tôi đi chậm trên lối dốc mòn. Tôi gặp một bác tiều phu vác củi, tôi gọi thật lớn. Ông quay lại nhìn, tôi nhận ra ngay ông là người bạn đi rừng của cha ngày trước nhờ vào cái bớt lạ lùng nằm ở má bên trái, gần mang tai.
- Cậu tìm ai? - Ông bỏ bó củi xuống đất, nhíu mày.
- Cháu người buôn mình. Cháu về thăm buôn.
- Cậu đi đâu, hồi nào mà về? - Ông tỏ vẻ nghi ngờ.
- Cháu đây mà. Cháu là con mẹ HNi đây mà. Cháu biết bác. Ngày xưa bác đi rừng với cha cháu. Có lần bác bế cháu ở rừng...
Ông khựng lại, nhìn tôi rồi kêu rú lên, thất thần:
- Thằng KLi. Liu ơi, tau gặp con trai của mày rồi đây. Nó về thăm mày đây, Liu ơi.
Ông khóc hù hụ. Tôi vội ngồi xuống bên cạnh ông, hỏi dồn:
- Cha cháu, cha cháu giờ sao bác? Mẹ cháu nữa...
- Con ơi, mày đi bao nhiêu năm để mẹ mày mòn rũ. Nó đi tìm mày rồi. Ngày nó đi, cha mày đã cầu nguyện cho nó gặp được mày. Vậy mà giờ mày về đây, còn mẹ mày đang ở đâu con ơi?
Nước mắt ông chảy ràn rụa. Tôi càng hốt hoảng lay gọi ông. Chắp vá những lời ông nói, tôi điếng người khi biết mẹ đi tìm tôi. Cha đã theo nguyện ước sau cùng của mẹ, cho mẹ theo dòng chảy về xuôi. Làm sao tôi biết được ở thời điểm nào, khi tôi đang băng qua cánh đồng tìm về quê cũ thì mẹ đang xuôi với dòng sông.
Đời là những cuộc đuổi bắt kiếm tìm không ngừng nghỉ.
- Sau khi hai mẹ con mày đi, ổng như điên như dại. Ổng dằn vặt bản thân đến cuồng loạn. Tau khuyên bao nhiêu cha mày vẫn khóc ròng, nói tất cả lỗi tại ổng. Nếu ổng không tham việc mà ở lại rừng thêm một đêm khiến cho mẹ mày tin lời người ta đồn cha mày bị rắn cắn chết trên rừng thì đâu có hộc tốc chạy đi tìm. Thì mày đâu có nuốt phải cái thứ lá độc dược ấy. Ngay cả chỗ yên nghỉ của mày mà ổng cũng không bảo vệ được, để nước cuốn đi... Bây giờ tau cũng đâu còn ở bên cạnh bầu bạn với ổng được nữa. Tội nghiệp cha mày. Cha mày mỗi ngày đều ra ngồi ngoài hang núi, chỗ gần bờ suối. Ổng nói ở đó chờ mẹ con mày về. Con ơi, biết mày về đây rồi chắc cha mày mừng lắm. Nhưng mà làm sao nói cho cha mày biết, con ơi...
Tôi nghe tim mình chết lặng. Cha ngồi bên hốc núi chờ tôi, chờ mẹ suốt bao nhiêu năm.
Cha không biết đứa con của cha đã ngược đường về. Cha ơi, cha không có lỗi. Chỉ là cuộc sống luôn hiện hữu khái niệm chia lìa. Ai rồi cũng phải đến lúc ra đi. Cha đừng dằn vặt mình cả cuộc đời như thế. Cha hãy đi về phía có hạnh phúc đi cha. Con không muốn nhìn thấy cha ở miền đau. Và con biết mẹ cũng mong như thế...
Cha tôi ngồi đó, bên hốc núi. Tóc bạc lưng còng. Tôi quỳ xuống bên cạnh người. Mắt cha vẫn nhìn về miền xa vắng. Tôi nắm lấy đôi bàn tay gân guốc của người, tê tái. Cha ngồi lọt thỏm giữa đại ngàn, cô độc. Chiều rưng rưng. Mẹ ở dưới xuôi có lẽ cũng đang dõi mắt tìm cha con mình. Sao lại để lạc mất nhau thế này cha ơi...
Tôi đã về ngồi cùng cha, lặng lẽ mỗi chiều. Tôi đã về nơi tôi đã ra đi. Mỗi cuộc đời đều khát tìm như thế.
Tôi không có một cuộc đời. Nhưng tôi đã được sống một kiếp người. Tôi đi và trở về, hành trình nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc. Như cuộc đời. Như một người.
Người ra đi. Người ở lại. Những nỗi đau lặng lẽ, chồng chéo lên nhau. Để cuộc đời biết khóc. Để mỗi người biết trân quý hạnh phúc trong mỗi một phút giây. Tôi tin những người yêu thương nhau rồi sẽ tìm thấy nhau. Chỉ là kẻ trước người sau trong hành trình tìm kiếm vô biên của cuộc đời.
Tôi đi trước, về thế giới của an nhiên. Và chờ cha ở đó.
Cha ơi...
24/7/2009 
TIỂU QUYÊN
Theo https://tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...