Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Thi nhân Việt Nam - Dưới góc nhìn văn hóa

Thi nhân Việt Nam - Dưới góc nhìn văn hóa
1. Trên bìa sau của Tạp chí Tri Tân số xuân Quý Mùi (số 81+82, tháng 1+2 năm 1943) có đăng một quảng cáo rất thú vị: “Đã có bán Thi nhân Việt Nam (1932-1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân, in lần thứ 2” với lời chua của tờ Điện tín Saigon phía dưới: “Tết năm nay anh em nào ưa thích văn chương nếu chẳng có quyển Thi nhân Việt Nam bên ấm trà sen, đĩa mứt ngọt hay bên mâm đèn, Tết ấy mất phần hứng thú hết năm bảy phần”, kèm thông tin giá cả tương ứng với ba loại giấy sách khác nhau: loại thường, loại bouffant hảo hạng và loại versé baroque crème hoa mỹ cầu kỳ [[1]].
Gạt bỏ những mục đích thương mại mà sự chỉnh chu, chuyên nghiệp của nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên đã hiển thị rõ và xứng đáng đồng tiền bát gạo trong lời chào hàng này thì, ai cũng thấy Thi nhân Việt Nam [TNVN] đang là cuốn sách bán chạy, vừa in năm trước (1942) đã tái bản liền sau đó, khiến một tạp chí chủ trương “ôn cố” là Tri Tân, giữa lúc nồng nhiệt mời mọc những cuốn khảo cứu đậm chất quá vãng của cử nhân Dương Bá Trạc (Chữ Nho học lấy và Gia lễ giản yếu) đã không thể thờ ơ với cuốn sách đầy tính kim thời như thế. Còn lời chua phía dưới thì đã đặt TNVN - một vật phẩm văn chương đơn thuần, bên cạnh hai thức phẩm quen thuộc mà trang nhã - trà sen, mứt ngọt và thú ăn chơi dẫu ngày nay là trụy lạc nhưng phổ biến bấy giờ - hút thuốc phiện, như bộ ba chân kiềng tạo nên giá trị cái Tết mẫu mực của con nhà chữ nghĩa. Vậy là, ngay từ lúc tuổi thôi nôi, TNVN đã sớm xác lập tiếng nói của mình, bước vào đời sống với tư cách quý tử trong thập niên mà cái mới, cái hiện đại đã xác lập được quyền thế của mình trên cơ địa cái cũ, cái truyền thống đang dần hồi tỉnh lại. Nhưng chừng mười năm sau (1951), người cha của cậu quý tử ấy, Hoài Thanh, với thái độ không gì quyết liệt hơn, bắt đầu gạch tên nó bởi lý do “đồng minh của giặc”, còn chính mình thì bắt đầu lộ trình Xây dựng văn hóa nhân dân, Nói chuyện thơ kháng chiến… Rồi lại mười năm sau (1962), giữa lúc Hoài Thanh vừa ráo mực lời phán quyết “cần phải bôi vôi” vào “những câu thơ rầu rĩ… bám vào đầu óc như đỉa”, thì với không ít người, bản in roneo TNVN xuất hiện rụt rè có thể là điểm tựa tinh thần cho những tuổi đôi mươi vào chiến trường. Bởi thế khi mọi nỗ lực “lèn cho đau” không làm đứa con tuổi tứ tuần (1982) quỵ ngã, thì Hoài Thanh mới dám trăng trối rằng, nhờ nó mình “mới thực sự là một nhà văn” [[2]], danh hiệu cả đời ông phụng sự, rồi đem theo tên TNVN gắn lên mộ chí, một kết thúc có hậu để càng thấm thía hơn cái mệnh đề một lời là vận vào thân lâu nay chưa mấy ai ngẫm nghĩ thấu đáo: của tin, gọi một chút này làm ghi. Kể từ đó, TNVN chu du sang tận Paris, rực rỡ với đôi cánh mạnh mẽ mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã khoác lên hôm nào, rồi được long trọng kỷ niệm ngày lên lão (1992) và cho đến nay, dù ở tuổi thất thập, đã ai dám tiên đoán rằng nó sẽ mất sức hấp dẫn, dẻo dai khi mà số lần tái bản lên đến hàng chục, với sự chen chân liên tiếp của giới đầu nậu sách?
Đặc biệt hơn, TNVN còn được diễn giải không ngừng bởi các cây bút nghiên cứu phê bình thế hệ sau [3], một thế hệ đã/ đang tạo nên ít nhiều giá trị mới/ khác với Hoài Thanh, để càng củng cố vị trí và thế giá cổ lai hy xưa nay hiếm của nó. Những diễn biến phức tạp và có phần kỳ lạ bất thường ấy, thiển nghĩ, sẽ gây hứng thú bàn luận hơn khi đưa TNVN vượt khỏi phạm vi tác phẩm phê bình thi ca thuần túy, đặng đặt trong lòng diễn biến văn hóa Việt trong suốt hành trình mà nó được tạo tác, chung sống, trải nghiệm. Cũng bởi thế, bài viết này bắt đầu từ một thôi thúc cá nhân: có gì để viết về TNVN nữa khi im lặng chiêm bái nó cũng đã được xem là hành động thông minh, đáng phục?
2. Sự đắt hàng của TNVN giai đoạn đầu có một nguyên nhân rõ ràng: sự thắng lợi tất yếu của Thơ Mới. Nên khi cả báo chí và nói chung, đa phần các sinh hoạt văn chương thời đó, kể cả của những đương sự tạo nên thơ Mới, lẫn chứng nhân quan sát, đều đang thỏa mãn với thành quả mình tạo ra, thì có một bản tổng kết với tinh thần chủ yếu là ca ngợi nó, sẽ đáp ứng sự đồng cảm, chia sẻ của số đông. Hơn nữa, với bố cục rõ ràng, lối viết ngắn gọn, sự tuyển lựa kỹ càng cùng dàn ghế đại biểu chính thức (45) và đại biểu danh dự (1) khá cởi mở cả về giới tính, TNVN, hơn bất kỳ công trình nào lúc đó, cho thấy gương mặt, bước đi giọng nói tổng quát của thơ Mới; những bài thơ hay và tác giả tiêu biểu của trào lưu này. Sự khẳng định của Hoài Thanh vừa hợp thời vừa vượt thời bởi, nếu có công trình nào đi ngược lại nhằm hạ bệ thơ Mới, thì nó thường bị yểu mệnh. Đành rằng, không ai nghĩ Hoài Thanh “hôi danh” thơ Mới mà ông đã nói rất thực lòng nhưng lẽ nào TNVN đứng ngoài những dư vang lẫn hệ lụy của thơ Mới đương thời và ngày sau? Thăng trầm của TNVN, sẽ không mất công chứng minh, gắn với thăng trầm thơ Mới và ngược lại. Cả hai, trong suốt thời gian song hành, đã là nhị trùng tính cách lẫn số phận.
Nhìn một cách khái quát TNVN không duy nhất và đặc biệt đến mức khó lòng nhận ra vùng giao thoa văn học văn hóa của thời đại trong nó. Nói cách khác, Hoài Thanh đã ngẫu nhiên (hoặc tất nhiên) chịu ảnh hưởng hoặc sử dụng các diễn ngôn phê bình thơ Mới đương thời để bổ sung, phát triển, xây dựng một số luận điểm ở TNVN. Về điểm này, Hoài Thanh có lợi thế người trong cuộc, từng tham gia tranh đấu giành ưu thế cho thơ Mới, sẽ từ đại cảnh vừa diễn ra, cận cảnh những điểm nhấn, điểm nổi bật. Cái “lịch sử vấn đề thơ Mới” với Hoài Thanh là từ cuối 1934 trên Tiểu thuyết thứ Bảy nhưng ở TNVN, có thể nói, là sự chiết xuất ít nhiều từ các bài báo bênh vực thơ Mới dồn dập, các bài tựa tập thơ Mới liên tục ra đời. Một đồng nghiệp của Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, từ giữa năm 1936 đã liên tục đăng bài giới thiệu, bình phẩm thơ Mới trên Hà Nội báo với thái độ nhiệt thành không ngừng nghỉ. Trong khối tư liệu chưa thể nói đầy đủ nhất về thơ Mới lúc đó nhưng chính Lê Tràng Kiều đã gọi đây là “cuộc cách mệnh về thi ca” và đưa ra một loạt mệnh đề khá rõ ràng: “Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần một tâm hồn: Hùng tráng như Huy Thông; Dồi dào như Thế Lữ; Huyền diệu như Thái Can; Âm thầm như Đông Hồ; Trong sáng như Nhược Pháp…;Và một tâm hồn đầy âm nhạc, đầy mộng ảnh như Lưu Trọng Lư” (Hà Nội báo, 4/1936). Cả về cấu trúc lẫn ý tứ trong đoạn này đã được Hoài Thanh tái sử dụng, nâng cấp thành kết luận kinh điển bắt đầu bằng “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần…”. Chưa hết, cũng chính Lê Tràng Kiều lần lượt định danh thơ Mới Đông Hồ “là tình yêu, tình yêu trẻ trung đẹp đẽ, ngây thơ với bao nhiêu cái đức tính và đặc tính của tuổi trẻ” [TNVN: Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ]; thơ Mới Nhược Pháp “đã dựng lại một thế giới: ngày xưa” [TNVN: Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa]… Xúc cảm và tuyển lựa những bài thơ hay của Lê Tràng Kiều, trong trường hợp Thế Lữ (Bên sông đưa khách, Vẻ đẹp thoáng qua), Lưu Trọng Lư (Tiếng thu), Vũ Đình Liên (Ông đồ) cũng có điểm tương đồng với TNVN.[4] Ở khía cạnh khác, đóng vai gợi dẫn, định hướng cho bình phẩm của Hoài Thanh còn có lời tựa đi kèm trong các tập: Thơ thơ, Lửa thiêng, Mùa cổ điển, Điêu tàn. Vì thế, phát hiện thi sĩ mới Xuân Diệu “một linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm hiện ở trong những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột” của Thế Lữ; thơ Huy Cận “bay dậy tiếng địch buồn” của Xuân Diệu hay lẩy ra “cả một bầu không khí Tống, Đường” trong thơ Quách Tấn của Chế Lan Viên, sẽ được phục hồi, lưu dấu trong TNVN về sau. Hoài Thanh đủ tinh tế và nhanh nhạy để lĩnh nhận những tiên cảm mà người đi trước phác thảo, bao gồm cả những lá thư hẳn có chứa lời tự bình nhất định của chính các thi sĩ gửi cho tác giả TNVN, góp phần khả dĩ “điểm mặt” khi tuyển lựa.
Nếu “có những tên chẳng gợi trong trí người ta chút ký ức nào cả” như Đinh Gia Trinh phát hiện [Thanh Nghị, 1942] [[5]] thì được Hoài Thanh nhỏ to rằng bản thân có “rộng rãi” với mình nên “bài hay vừa tôi cũng trích” cốt để nói lên “cái đời bây giờ”. Nhưng một khi thời đại không thấy đó là thơ hay thì mặc lòng, TNVN có rung động thành thực tiến cử bao nhiêu, trong con mắt văn đàn, chủ nhân những bài thơ ấy vẫn làm “mất điểm” các thi sĩ có tiếng khi bị/được đứng chung, khiến mấy chục năm sau [1970], Nguyễn Vỹ vẫn lắc đầu khó hiểu trước sự chênh lệch đẳng cấp này. Nguyễn Vỹ cũng như vài “kẻ xa lạ” khác đã không được TNVN chào đón nồng nhiệt [[6]]. Vì chính Hoài Thanh rất thành thực chấp nhận “đứng ngoài” những “tâm hồn không lối vào” - một thế ứng xử không quá ngạc nhiên, vì, với bối cảnh lúc đó, thấu hiểu được những hồn thơ “bưng bít” như cách ông diễn đạt, mới là đáng ngạc nhiên… TNVN hẳn đã dự sẵn trong nó bản hợp đồng ngầm với cảm nghĩ của đại đa số lúc đó.
Đương khi ấy, trong năm 1942, cuốn Việt Nam thi ca luận [[7]] của Lương Đức Thiệp do Khuê Văn xuất bản, cũng đã dành nhiều dung lượng để bàn về “Thơ Việt Nam hiện đại” gắn với các thi sĩ thơ Mới vừa xuất hiện. Lương Đức Thiệp mở đầu bằng nhận xét rất đồng thuận với TNVN: “Muốn nhận rõ xu hướng thi sĩ Việt Nam hiện đại, ta tưởng cũng cần phải biết một vài điều sơ lược về lịch trình tiến triển của thi ca Pháp mà lớp thi sĩ chúng ta đã chịu ảnh hưởng gần hay xa, mờ hay tỏ, trực tiếp hay gián tiếp”. Kế đó, Lương Đức Thiệp chủ trương trật tự của thơ “phải là trật tự của nguồn cảm xúc. Mà trí tuệ là dải đê, dãy đồi hướng dẫn cảm xúc xuôi dòng”. Bởi thế, tuy không bỏ qua Nguyễn Xuân Sanh như một trường hợp đặc biệt của lối thơ “cô đặc”, “thuần túy” nhưng diễn giải của Lương Đức Thiệp vẫn coi thơ của đại diện Xuân thu nhã tập là “tối tăm” “nguồn rung động chưa lan truyền” “giết chết một phần chân cảm”. Lương Đức Thiệp cởi mở song chưa thể dự trù thấu đáo lối đi, khúc ngoặt của thơ Mới đã chuyển sang tượng trưng, siêu thực. Lối viết thiên về luận đôi khi rườm rà đã cản trở sức mạnh phát tán của các ý tưởng chính trong công trình. Rút cuộc, tuy cùng năm sinh nhưng Việt Nam thi ca luận thật vắn số, không đủ sức cạnh tranh với TNVN đã đành, lại bị đời sau quên lãng. “Luận” đã thất thế trước “bình” là một thực tế văn hóa: tư duy lý tính, lý thuyết, dù ở mức độ sơ khai, đều không phải là điểm mạnh và có khả năng chỉ đạo tâm lý tiếp nhận văn học ở Việt Nam.
Sức hấp dẫn của TNVN, như nhiều người ái mộ luận bàn, là ở lối viết giàu chất trữ tình, khơi gợi, cảm xúc tràn đầy. Cách thức “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” không chỉ diễn tả trọn vẹn quan điểm tuyển lựa TNVN mà còn chi phối hệ lời của Hoài Thanh khi bình phẩm. Hệ lời ấy, không đâu khác, là sản phẩm văn hóa thời đại mà khu biệt hơn, là dòng chảy thẩm mĩ lãng mạn đã len vào mọi sinh hoạt tư tưởng tinh thần, đặc biệt là sáng tác thơ ca. Với thẩm mỹ lãng mạn thì “hồn” là cội nguồn cảm xúc, vui buồn, rung động, yêu thích; cũng đồng thời là nấc thang giá trị quan trọng… nên, như Hoài Thanh thú nhận, “làm sao lời nói của tôi không đượm chút bâng khuâng lúc xem thơ”. Bâng khuâng là một lối ra của “hồn” vậy. Khi các lối ra nhận được mã tín hiệu phù hợp, nó trở nên thăng hoa. Dễ hiểu vì sao Hoài Thanh đồng điệu và viết rất nồng nhiệt về Xuân Diệu, bởi thi sĩ họ Ngô này là người cung cấp dồi dào các chứng từ về “hồn”: 7/15 bài được trích đều nhắc đến “hồn”, “linh hồn”. Từ đó, Hoài Thanh giải mã nó theo lối thẩm mỹ hóa tính từ trạng thái: cái ngạc nhiên, cái cốt cách, cái vẻ đài các, cái xôn xao, cái gì rung rinh, cái náo nức… Chúng là bằng cớ sinh động cho một giai đoạn cả cộng đồng say mê miêu thuật các trạng thái tình cảm bằng lối trang trọng, vượt ngưỡng từ loại để cho thấy tính thiêng liêng, cao vời của nó mà ngày nay nhìn/ đọc lại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên, thậm chí giễu nhại. Điều lạ lùng ở chỗ, có thể do tính duy cảm và trực giác đã tiếp tay cho lối phê bình dễ dãi nên nhiều người tỏ ra sùng kính quan điểm phê bình của Hoài Thanh rồi trưng dụng luôn hệ lời TNVN, biến không ít bài phê bình chỉ là bài phát biểu cảm tưởng kéo dài. Cũng phải nói thêm rằng, không ai ngoài Hoài Thanh có thể trả lời đầy đủ vì sao ông lại hắt hủi TNVN đến thế. Cũng khó có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng vì sao TNVN được minh oan chiêu tuyết nhiều đến thế. Nhưng giữa hai động thái gần như trái ngược và tồn tại suốt nửa thế kỷ qua về/ của TNVN như một trường hợp tiêu biểu cho phép chúng ta bước đầu cảm nhận: Ngữ cảnh văn hóa Việt Nam khiến rất nhiều cá nhân không an tâm trước sản phẩm mình làm ra và trong nhiều trường hợp, đã dùng đến những “biện pháp mạnh” để tiêu khử nó với một hi vọng không lời rằng đó cũng là cách để quẳng nó vào tương lai, hồi sau xem xét.
3. Trong khi Hoài Thanh, vào bối cảnh xã hội thay đổi, đã tự phê phán chính hệ lời mình từng say mê và sử dụng thì việc nhiều người đời sau suy tôn TNVN như một điển phạm, có lẽ, cần tỉnh táo. Nếu hàng ngàn bài viết, từ phổ thông đến đại học, đều trích dẫn TNVN mỗi khi nói về thơ Mới và nếu ai từng giảng dạy lâu năm, sẽ bắt gặp câu cửa miệng (đơn cử) “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới” mà nhiều thế hệ học sinh lặp lại một cách vô cảm khi nhắc tới Xuân Diệu thì chúng ta sẽ trưng đáp án nào cho câu hỏi về bước phát triển hay sự thay đổi của [khoa] học phê bình văn học, hay ít nhất, phê bình thơ Mới? Chúng ta sẽ không coi biểu hiện trên là giá trị TNVN luôn “sống trong lòng công chúng” mà phải đối diện với một thực tế chắc chắn diễn ra nhiều năm: ít có công trình, thông tin nghiên cứu về thơ Mới nào được cập nhật kỹ càng ngoại trừ một TNVN đã “chắc suất” tại vị liên tục trong các bài giảng; hoặc, giả định đã giới thiệu nhưng phần đông đã quen khẩu vị TNVN nên không (thể) coi những công trình khác được tiếp cận và xây dựng bởi phương pháp khác là giá trị, là cứ liệu quan trọng để đối sánh, hậu bổ thêm những tri nhận về thơ Mới. Thực tế này xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa, ấy là khi Hoài Thanh, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc, “đủ tinh tế để thấy hoa nhưng không đủ tinh tế để thấy mầm” [[8]] thì đa số độc giả đương thời và về sau sẽ tri âm với TNVN, nghĩa là tri âm với thơ Mới, nghĩa là tri âm với mỹ học chủ nghĩa lãng mạn. Kéo dài sự tri âm đó, vô hình chung, không kịp phát hiện và cổ vũ những đường hướng tuy khác lạ nhưng có thể báo hiệu giá trị mới. Hơn nữa, lối viết ngắn gọn, cảm xúc của TNVN làm an tâm độc giả khi đó vốn là những chủ thể háo của - ăn tình cảm lãng mạn. Nhưng độc giả hiện đại muốn có cách viết diễn ngôn, nơi các phán đoán thẩm mỹ là một thử thách trí tuệ. TNVN đã quy phạm hóa cái đẹp trong thơ Mới qua những tên tuổi nổi bật nhưng sẽ là ảo tưởng nếu hiện nay, ai đó muốn lặp lại kỳ tích như Hoài Thanh. Chờ đợi một Hoài Thanh đương đại sẽ phủ nhận vai trò độc giả hôm nay, những người có sức hấp thụ thẩm mỹ đa dạng và phức tạp, bị/ chủ động phân hóa theo nhiều khuynh hướng khác nhau trước một bối cảnh văn học văn hóa toàn cầu muôn vẻ muôn màu.
Ở trên, tạp chí Tri Tân đã không mất nhiều lời để thương hiệu hóa một vật phẩm văn chương. Ngày nay, trong các hiệu sách, TNVN, thay vì đôi cánh lãng mạn, là những cành tre cành trúc dân dã ngoài trang bìa nhưng hấp dẫn ở lời chua “tái bản có chỉnh lý bổ sung”. Song không một ai giải thích rõ “chỉnh lý bổ sung” ở điểm nào, do ai, dựa vào đâu [ít ra phải nói dựa vào bản 1988] để độc giả khỏi lần hồi năm Hoài Thanh mất và xác tín đó không phải là việc làm đáng quý của người đã về thiên cổ gần ba mươi năm. TNVN đã được/ bị đại chúng hóa, giải thiêng hoàn tất. Mâm đèn, trà sen, mứt ngọt, hỏi có đau lòng không?!
Chú thích:
[1] Xem thêm Tri Tân tạp chí, số xuân Quý Mùi [81+82] tháng 1+2 năm 1943.
[2] Những diễn biến về Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam sử dụng trong đoạn này có thể xem thêm ở bài “Lời cuối sách” của Từ Sơn, đăng lần đầu trong Thi nhân Việt Nam, bản in 1988. Nxb Văn học.
[3] Có thể kể, gần đây, những diễn giải của: Hoàng Ngọc Hiến với bài ‘Phê bình văn học của Hoài Thanh và phê bình văn học hiện nay’ trong tạp chí Hợp Lưu số 49. 1999; Đỗ Đức Hiểu trả lời phỏng vấn ‘Về phê bình hiện nay ở Việt Nam’ trong cuốn Thi pháp hiện đại [2000]; Trần Đình Sử với bài ‘Về phương pháp phê bình văn học của Hoài Thanh’ trong cuốn, Lý luận và phê bình văn học [2006]; Nguyễn Đăng Điệp với bài ‘Văn chương, cái đẹp và một triết lý phê bình’ trong cuốn Vọng từ con chữ [2004]; Đỗ Lai Thúy với bài ‘Hoài Thanh - tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người’ trong cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy [2011]
[4] Những trích dẫn bài viết của Lê Tràng Kiều lấy từ sách 10 thế kỷ bàn luận về văn chương; tập III. Nxb GD, H.2007, tr.393-444.
[5] Trong năm 1942, Đinh Gia Trinh đã có hai bài viết nhắc đến Thi nhân Việt Nam. Bài thứ nhất, Những hoạt động văn chương Việt Nam trong năm vừa qua [tức năm 1941 - M.A.T], đăng trên Thanh Nghị số 10, sau khi nhận xét “các sách phê bình văn chương có thể coi là hiếm” đã lấy ‘cuốn sách phê bình về thi sĩ Việt Nam hiện đại (Thi nhân Việt Nam)” làm bằng cớ “một khuynh hướng mới trong sự khảo xét các hiện tượng ở văn chương và rất đáng để ta chú ý”. Bài thứ hai, Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam 1932-1941 đăng ở Thanh Nghị số 19, một cách kỹ càng và có đối thoại, Đinh Gia Trinh đã phân tích thêm một số hiện tượng thơ, vấn đề thơ ca mà Thi nhân Việt Nam chưa bàn luận thấu đáo. Nhìn chung, cả hai bài viết đều cho thấy Đinh Gia Trinh có tinh thần phân tích nghiêm ngặt.
[6] Xem thêm Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến. Nxb Văn học, H.2007
[7] Trích từ sách 10 thế kỷ bàn luận về văn chương; tập II; tr 787 - 871; Trong sách này, tiểu sử của Lương Đức Thiệp chưa được đầy đủ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có thể bổ sung những nét cơ bản sau: Lương Đức Thiệp (1904-1946), quê quán: thôn Vệ Dương, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông từng cộng tác với các báo Tri Tân, Tao Đàn, Thanh Nghị, Văn Mới…, đóng góp nhiều chuyên đề về văn học Việt Nam, nhất là xã hội học Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Các tác phẩm chính: Việt Nam thi ca luận (1942); Việt Nam tiến hóa sử (1943); Xã hội Việt Nam (1943); Văn chương và xã hội (1944); Nghệ thuật thi ca (1945); Duy vật sử quan (1945)…
[8] Nguyễn Hưng Quốc cũng có nhiều bài viết nhắc đến Thi nhân Việt Nam, tiêu biểu như các bài “Chức năng chính của phê bình trong thời điểm hiện nay”; “Điển phạm: một trung tâm của lịch sử và phê bình văn học”; “Phê bình phê bình”…[trên http://www.tienve.org]. Thiển nghĩ, mục đích của Nguyễn Hưng Quốc không nằm ở việc đánh giá phương pháp phê bình Hoài Thanh đúng hay không đúng mà ở việc, qua cách diễn giải một điển phạm, cho độc giả cách đọc mới về đọc và viết. Mục đích ấy triển khai theo mấy hướng: thứ nhất, thừa nhận tính chủ quan trong việc chọn đối tượng ở Thi nhân Việt Nam và coi đó là quyền của nhà phê bình được tôn trọng, nên không thể phê bình sự lựa chọn ấy. Nhưng độc giả hoàn toàn có quyền phê bình chúng như “một cách thức thể hiện quan điểm mỹ học của nhà phê bình”, nghĩa là nên đặt câu hỏi: “sự yêu thích ấy tiết lộ điều gì trong cái gu thẩm mỹ của nhà phê bình?” Chỉ như vậy, độc giả mới có thể tiến hành so sánh tính chất mới/ cũ của từng quan điểm, trong khi bất lực đánh giá sự yêu thích.
Hà Nội, ngày mưa ngày nắng tháng 7/2011
MAI ANH TUẤN
Nguồn: Văn nghệ Trẻ, 25/9/2011
Theo https://hoingovanchuong.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái bóng – Chùm thơ Muồng Hoàng Yến 23 Tháng Bảy, 2023 Con bước lên đồi/ Bóng theo chẳng mỏi/ Mẹ ơi con hỏi/ Bóng là của ai? Cái b...