Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Tấn Hoài Dạ Vũ - Hồn thơ dạt dào đa cảm

Tấn Hoài Dạ Vũ
Hồn thơ dạt dào đa cảm
Thơ ca là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Giữa bộn bề của cuộc sống thì góc thơ yên bình vẫn là nơi để chúng ta trở về, để thấy tâm hồn mình lắng dịu trong những ngọt ngào sẻ chia. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Tại sao thơ anh lại có sức lôi cuốn như thế? Điều gì đã kéo bạn đọc đến với thơ anh? Điều gì đã khiến nhà thơ phải sáng tác và đọc thơ như là một nỗi đam mê. Những câu hỏi đó cứ thôi thúc tôi đi vào thế giới thơ anh để tìm câu trả lời.
Tôi được tiếp cận với thơ anh từ rất sớm, khi tôi đang là một công chúng thiếu nhi. Tuy lúc đó tôi chưa hiểu hết nội dung và ý nghĩa của bài thơ nhưng tôi vẫn cảm nhận được thơ anh hay, đầy xúc cảm và cách dùng từ rất đắt.
Nay, khi tôi có dịp đi sâu tìm hiểu để viết về tác giả Tần Hoài Dạ Vũ, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên đến thán phục và ngưỡng mộ một con người. Anh là một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo... và còn là nhà hùng biện nữa.        
1. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ VĂN NGHIỆP CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ 
Tôi được biết đến tên tuổi của Tần Hoài Dạ Vũ qua những sáng tác của anh, từ khá sớm. Trước hết, anh là một nhà thơ, đặc biệt là thơ tình. Thơ anh đã đăng trên các báo và tạp chí từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi anh còn là cậu học trò Quốc Học, rồi sinh viên Đại học Huế. Anh đã thực hiện nhiều tờ báo công khai và bán công khai trong suốt mười năm (1965-1975). Đến nay, anh đã có thơ trong hơn 60 tuyển tập thơ xuất bản trong nước và ngoài nước. Anh còn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Những nghiên cứu, biên khảo của anh về văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng là những công trình nghiên cứu giá trị. Đó là những tác phẩm văn học dân gian nhiều đời đã được sưu tầm, nghiên cứu, lý giải rất công phu, rất thuyết phục! 
Trong những buổi "Giao lưu tác giả và tác phẩm", công chúng yêu văn học nghệ thuật còn được biết đến anh như là một nhà hùng biện với phong cách tự nhiên, nghiêm trang nhưng dí dỏm, trong không khí các buổi giao lưu sôi nổi, hào hứng và để lại ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc - khán giả.
2. THƠ TÌNH TẦN HOÀI DẠ VŨ
Đề tài tình yêu là đề tài muôn thuở. Từ xưa đến nay, biết bao văn nhân thi sĩ tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho đề tài này. Nhưng thơ tình của anh vẫn có nét rất riêng, "rất Tần Hoài Dạ Vũ", bởi có sức lôi cuốn hấp dẫn riêng, với sự độc đáo giàu suy tưởng và chất men say trong ngôn ngữ thơ, mà nhiều thế hệ độc giả đã yêu thích và thuộc không ít những câu thơ của anh .
Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ là những sáng tác chiếm ưu thế nổi bật và độc đáo. Đó là tiếng lòng của thi nhân, là khát vọng về hạnh phúc, là tình yêu mãnh liệt, nồng nàn, say đắm. Ta bắt gặp những điều đó qua những câu thơ rất đỗi chân thành, được viết nên từ những cung bậc tình cảm buồn thương, da diết, day dứt và cô đơn trong tâm trạng của nhà thơ.
- "Em chưa đến mà mùa xuân đã hết
Anh còn nguyên một nửa giấc mơ tàn
Đóng cửa đời nghe gió cũ kêu than
Tình đợi chết trong bóng chiều mê sảng"
(Một nửa giấc mơ tàn)

Thơ tình anh viết vào lúc thanh xuân hay đến tuổi trưởng thành chín chắn, bao giờ cũng đằm thắm, nhẹ nhàng và man mác một nỗi buồn. Ở đó, có những suy tưởng sáng tạo, là những cảm nhận về cuộc sống, về tình đời, tình người, tình yêu đôi lứa và những ưu tư về thân phận con người; những câu chuyện tình dang dở, éo le, đầy nhung nhớ, đợi chờ và cay đắng, nhưng bao giờ cũng lãng mạn, thiết tha..."Không sóng lớn gió to không là biển/ Chẳng nhiều cay đắng chẳng là yêu" (Puskin) .
Ai trong đời mà chẳng đã từng yêu và khát khao hạnh phúc. Mà tình yêu có phải bao giờ cũng đơm hoa kết trái, vì không phải cứ yêu là chung lối trọn đời, nên làm sao có thể tránh khỏi những lỡ làng, dang dở, đau xót, chia xa... 
- "Em chẳng bao giờ hiểu hết lòng anh
Năm tháng gió và vách đời mưa tạt
Bước chân vui giẫm lên thời mất mát
Cơn buồn dài cứ đi hết chiều sâu
(Dạ khúc của một người hay buồn)
Nỗi cô đơn đã dằn vặt, làm thao thức tâm hồn nhà thơ trong cái yên ắng lạnh lùng của đêm khuya. Anh hướng suy tư vào nội tâm và chiêm nghiệm:
- Những chuyện tình đổ vỡ trong đời
Lại thường chẳng có nguyên nhân nào rõ rệt
(Tự vấn)
Anh là một nhà thơ tình lãng mạn, với cách viết nhiều ví von, những hình ảnh so sánh tinh tế và gợi cảm:
- "Sóng vẫn vỗ bên mạn đời tha thiết
Gọi sông xưa ngày mưa ướt tiếng đàn
Anh suốt đời ôm nhầm bóng trăng tan
Và sông chảy phía chân trời dâu bể
(Dòng sông phía chân trời)
Và dù cho tình yêu có không đi đến cuối con đường, thì niềm yêu, nỗi nhớ vẫn "nồng nàn như lửa cháy":
- ..."Tôi lạc chính mình đuổi bắt dầu chân xưa
Hoa đã rụng mùa xuân không về nữa
Nhớ thương như lửa cháy phía đêm dài"
(Tâm cảnh)
Anh viết về tình yêu của chính mình hay nói giùm cho bao đôi lứa đang yêu? Thơ anh chứa chất bao nỗi vời vợi nhớ mong tha thiết, chân tình và vô cùng lãng mạn. Có lẽ anh là người nhạy cảm, lại hiểu rất rõ về bản chất của tình yêu, nên thơ anh bao giờ cũng tràn đầy xúc cảm, kể cả khi anh viết về những cuộc chia ly, trong bao chuyện tình dang dở; dẫu đang phải day dứt, chia xa, trong mối tình không đơm hoa kết trái, (Còn ai mà chờ đợi? Rạng sáng buồn không trôi...), nhưng vẫn không nguôi hy vọng về một hạnh phúc le lói cuối con đường:
- Em làm ơn châm đốm lửa thương yêu
Để mùa sang, con chim hót trong chiều
và tình chúng ta bốn mùa hoa nở"
(Tình khúc bốn mùa)
- "Ước chi trái tim tôi vẫn trong vắt tiếng đàn
Để yêu em một ngày xuân mới chớm
Dắt nhau về chiếu hoa dù trải chậm
Em buồn ư? Ân ái vẫn trăng rằm"
(Phân bua với mùa xuân)

Tình là vừng dương tỏa rạng, là lấp lánh ngàn sao, hay chỉ là vừng trăng khuyết bởi mây mù âm u?. Trên thế gian này, còn gì hạnh phúc hơn tình yêu? Hay có gì làm ta đau khổ nhất khi chia ly mất mát bởi tàn phai như tình yêu? Nỗi đau khổ vì tình không chỉ làm bão giông trong trái tim bao người tình lỡ, mà hơn hết là trái tim thi nhân, từ những nỗi đau đó đã dệt thành thơ - những dòng thơ tình buồn đẫm lệ.
Tấm lòng thì thủy chung mà cuộc tình thì dang dở. Thi nhân đối diện với nỗi cô đơn:
- "Em không về cho kịp nắng mùa đông
Bụi cơm áo cuốn bên trời lận đận...
- Đèn nhà ai vui sáng cửa sum vầy
Nỗi cô quạnh xui anh không nhìn ngắm
Ai chẳng biết đời ta là hữu hạn
Nhưng làm sao tìm lại chút thanh bình?
Trong đau xót chia xa, thi nhân vẫn mơ ước một phép màu sum họp:
- "Có ai về gảy lại khúc đàn xưa?
Mùi hương cũ còn chăng trong kỷ niệm?
Căn phòng hẹp. Tiếng chuông chùa. Chiều tím
Anh một mình thương nhớ chính đời anh!
- Nhớ thương nhiều cũng đến thế mà thôi "
(Chiếc bóng mùa đông)
Tâm trạng thổn thức chờ mong và không tránh khỏi thất vọng khi buộc phải chấp nhận thực tế cuộc đời:
- "Như lòng anh là cơn mưa đổ ập
Đi về đâu trên phố tối lạnh đầy"
Thi nhân buồn vương nỗi buồn của trần thế, cho cả biết bao nhiêu cuộc tình dang dở trên thế gian, để cuộc đời thực đi vào thơ chính là tài năng của thi nhân, lưu lại cho đời những vần thơ tình da diết.
- "Với những sợi chỉ đời mong manh
anh đã dệt cho mình một tấm áo choàng đa cảm
Và trên tấm áo ấy
anh đã đính đầy những giọt lệ thế gian".
(Người đa cảm)
Đau khổ là thế nhưng thi nhân vẫn yêu, vẫn nồng nàn cháy bỏng với tình yêu:
- "Em cứ thả hương đắm người vô tội
Tôi vẫn đi về trên những lối chờ mong
- Em hãy trả tôi cõi tình cháy bỏng
Để tôi uống cơn say của chính nỗi buồn!  
(Mùa xuân và nỗi buồn)
- Biết bao giờ tôi mới quên được những lời nói êm đềm
Đã bắc võng ru tôi giữa hai bờ ảo tưởng"
(Tháng năm si dại)              
Thi nhân gửi tình vào thơ, nếu chưa đủ, thi nhân mượn luôn bầu trời để thể hiện tình yêu với nỗi niềm khát khao cháy bỏng vô biên. Có gì lớn hơn bầu trời để tác giả mượn hình ảnh so sánh với tấm lòng bao dung vị tha rộng lớn, chất chứa tình yêu:
- "Nếu thơ tôi không chở hết tình tôi
Xin em hãy nhận cả bầu - trời - xanh - tấm - lòng - tôi - đó.
Để mai sau trên dặm dài thương nhớ
Dưới trời xanh em vẫn thấy hồn tôi.
(Bầu trời - lòng tôi)

Những hình ảnh “vầng trăng chết”, "nắng", "mây"… của thiên nhiên có khi đi vào thơ anh như dự báo cho những gì không lâu bền, vĩnh cửu, là nhân chứng cho bao cuộc tình không trọn vẹn. Đọc những dòng thơ đau đáu với tình yêu dang dở, độc giả yêu thơ không khỏi xót xa và có lẽ hơn một lần rơi lệ: 
- “Em bội ước đem lòng qua xứ lạ
Nắng theo mây và mây nát bên trời”
- "Còn nửa mùa thu cũ ở bên tôi 
Trăng đã chết giữa đêm rằm ân ái
Đêm vẫn dài chẳng còn ai nói với
Tiếng nhạc buồn hiu hắt đến ban mai”
(Khép lòng)
Nói đến ban mai, ta thường liên tưởng tới bình minh tỏa rạng, nhưng ở đây, nhìn ban mai mà chỉ nghe điệu nhạc buồn hiu hắt, không thể buồn hơn nữa... Nỗi buồn dâng đầy trong lòng, rồi tỏa ra khắp không gian chung quanh, và những hình ảnh của thiên nhiên trở thành tâm trạng nhuốm đậm buồn phiền của tác giả:
- "Không thể chung một điểm dừng chân nữa
Con đường xưa cỏ đá tách hai bờ  
Không thể thấy một ngọn đèn trước cửa
Tôi khép lòng cho bóng tối thờ ơ
(Khép lòng)
Tại sao phải “khép lòng”? Vì "không thể chung một điểm dừng chân nữa”!. Mà thực sự đã khép lòng được chưa, hay sóng lòng vẫn còn xao động, vẫn đầy giông bão để day dứt không nguôi
- “Tôi nhớ một người không nhớ tôi
Nửa đêm ngồi dậy ngóng phương trời
Trăng cong treo ngược câu hò hẹn
Đời cạn. Thơ buồn… không tiếng rơi
(Thơ rơi... Đêm Giáng sinh”
Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ có nhiều sắc thái tình cảm, với đủ các cung bậc của tình yêu. Đó là: yêu thương, day dứt nhớ nhung, hờn dỗi, chua chát, buồn bã thất vọng… dẫn dắt cho người đọc đi vào thế giới tâm hồn của thi nhân, để thấu hiểu và cảm thông với nỗi buồn của thi nhân, cũng để tìm thấy sự đồng cảm, một tiếng nói sẻ chia, một tiếng lòng tri âm hội ngộ.
Người đọc không khỏi xót xa trước những những vần thơ nói về tình yêu dang dở, cuộc tình không trọn vẹn, hay đổ vỡ của hôn nhân. Đến khi nào thì hạnh phúc mới ở trong tầm tay và bao lâu nữa thì nỗi buồn thôi xuất hiện? Câu hỏi đó người đọc muốn hỏi thi nhân mà cũng có thể tự hỏi chính mình! Bởi cuộc đời mà! Có bao giờ không mất mát khổ đau?… Tình yêu nào mà cái da diết, cái đắm say không có vị đắng cay xen lẫn. Cuộc đời người, khi tuổi trẻ đi qua, có lẽ ai cũng đã hơn một lần nếm trải:
- “Anh là kẻ rong chơi còn mang lắm nợ
Những gánh đời quằn quại cả thân danh
Bước chân anh đìu hiu như cây già đợi gió
Một sáng nào lá rụng xuống hư vô”  
(Trong cuộc đìu hiu)           
Tình yêu của thi nhân cũng không tránh khỏi éo le trắc trở, bởi có phải ai khi yêu cũng đều có thể chung bước trọn đời đâu, nên những mối tình dang dở thường day dứt mãi không thôi.
- "Em, chỉ có em là tình yêu mãi mãi
Vì em
Là nỗi buồn trong sâu thẳm hồn tôi”
(Nỗi - buồn - tình - nhân)
Góc nhìn của THDV rất sâu sắc và tinh tế, cảnh vật thiên nhiên đi vào thơ anh một cách tự nhiên và rất có hồn. Nó làm nền cho những vần thơ tình và thông qua câu từ để chuyển tải cảm xúc đã làm lay động con tim độc giả. Có gì đau khổ hơn tình yêu mà cũng không có gì hạnh phúc hơn tình yêu. Tình yêu đã làm cho cuộc đời tươi mới: 
- "Rồi em đến một ngày xuân có nắng 
Bàn tay em che mát bóng đời anh
Hồn đau xưa thấp thoáng khoảng trời xanh
Anh nhắm mắt bỗng nghe mình trẻ lại
- "Phút yêu em lòng anh thành hoa trái
Tình không tên không đòi hỏi bao giờ
Em dịu dàng ngọn đèn sáng trong mơ
Anh thôi lạc giữa bước đời dâu bể” 
(Khúc dạo đầu bình an)
Và dù sao đi nữa thì tình yêu vẫn là thách thức vĩnh cữu trước thời gian:
- "Dẫu cuộc sống có từ chối ta đến trăm lần 
vẫn phải giữ lại một điều rất thực
Là tình yêu còn mãi với con người” 
(Xác định)
Phải chăng tình yêu là chất men say làm tăng thêm nỗi rung cảm và xao xuyến vốn có trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ?
Thơ tình là mảng thơ chiếm ưu thế trong thơ anh, bởi hồn thơ đa sầu, đa cảm và hơn hết là nỗi niềm gửi gắm của tác giả vào thơ, đối với tình yêu cần tha thiết, chân thành, lãng mạn và đắm say như thế!
Đến với thơ anh, có lẽ người đang yêu và sẽ yêu đều tìm thấy được nguồn cảm hứng dạt dào, khao khát cho riêng mình; đối với người đã trưởng thành chín chắn, đọc thơ anh sẽ được quay về với những kỷ niệm, những đắm say của tình yêu đôi lứa của một thời tuổi trẻ đã qua, mà bây giờ đây đã trở thành hoài niệm, là ký ức không thể phai mờ theo tháng năm.
3. TẦN HOÀI DẠ VŨ VỚI QUÊ HƯƠNG XỨ QUẢNG
Anh sinh tại vùng đất Giao Thủy, Đại Hòa, Đại Lộc, thuộc tỉnh Quảng Nam. Ngay từ thời là học sinh Trung học, rồi là sinh viên Đại học, anh đã học hành và rồi làm thầy giáo ở Huế . Quãng đời trai trẻ của anh gắn bó với thành phố Huế. Lúc ở độ tuổi ngoài 30, anh lại sống và làm việc ở thành phố phương Nam đầy nắng gió, nhưng lòng anh bao giờ cũng đau đáu hướng về quê hương, về nguồn cội. Ở nơi đó, tuổi thơ của thi nhân đã đi qua, nên anh yêu quê bằng tất cả tâm hồn mình... Ở nơi đó, những kỷ niệm của tuổi ấu thơ không thể phai mờ, và sẽ là hành trang mang theo trên bước đường lữ thứ. Đọc bài thơ “Xuân Tha Hương", mà anh đề tặng "gửi làng xưa và các bạn trẻ ở quê nhà", lòng chúng ta chùng xuống, không thể không xao động, bâng khuâng, mà quay về với những kỷ niệm ở quê nhà, với cội nguồn, với tổ tiên:
- “Nhớ quê mà ứa lệ
Ngàn dặm không lối về
Thôi thì đành lỗi hẹn
Rét ngọt hồn tháng giêng”
(Xuân tha hương) 
Và đây nữa:
- “Thân như bèo xa bến
Mang sầu trôi trăm miền
Xuân kêu trong nắng mới
Mùa cậy mình trong cây
- Hồn quê thành sợi khói
Bay quanh chén rượu đầy”
(Xuân tha hương) 
Và nhất là mỗi dịp xuân về tết đến, mọi gia đình đều quây quần sum họp bên "cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì nỗi nhớ quê lại trỗi dậy trong lòng thi nhân da diết  hơn bao giờ hết, và đây là những dòng tâm sự của anh:
- “Càng những năm về sau này, tôi lại cảnh thấy lòng mình trĩu nặng nỗi nhớ quê. Nhất là những ngày cuối năm, khi trời chợt âm u, hơi bãng lãng một chút sương mai (ở cái thành phố phương Nam quanh năm nắng gió này, điều ấy thật hiếm), tôi lại càng thấy nặng lòng nhớ quê. Trong trí nhớ còn thơm lừng cái tuổi dậy thì của tôi, hình ảnh vuông sân đầy hoa cải vàng của mẹ tôi như vẫn còn vàng tươi màu hoa và cánh bướm. Mà càng nhớ quê, tôi lại càng muốn dùng những năm tháng cuối của đời mình để viết được càng nhiều càng tốt về những gì mà quê làng xưa đã rộng lượng ban tặng cho tâm hồn tôi”. (Báo Quảng Nam Chủ nhật, 20.2.2005).
Khi đã bước vào tuổi tri thiên mệnh, tấm lòng của nhà thơ với nỗi nhớ thương quê nhà vẫn đầy ắp trong tâm khảm: 
- “Hồn quê như ngọn gió 
Thao thức suốt đời ta
(Quê thiêng)
- "Có yếm mẹ bên thềm
Lửa hồng nồi bánh tét
Có tiếng gà sang đêm
Giọng chùng hơi giá rét” 
(Nhớ mùa xuân tuổi thơ)
Dù có đi đâu về đâu, nơi góc biển chân trời, thì hình ảnh quê hương là bóng mẹ bên thềm, là vườn hoa cải vàng, là mái đình, tiếng gà trưa, nồi bánh tét,… không thể nào quên!  
- “Bao nhiêu năm vẫn nhớ
Mái đình nghiêng trong sương
Qua bao mùa thương khó
Lòng quê đau dặm trường”
(Nhớ mùa xuân tuổi thơ)
Mảnh đất quê hương xứ Quảng của anh hiện ra trong thơ với đầy đủ phẩm chất kiên cường, trong mọi hoàn cảnh. Con người ở đó hiếu học, thông minh và luôn "vươn tới tương lai" :
- "Dù đi bốn phương trời
Vẫn nhớ về quê cũ
Mảnh đất lành phên dậu (1)
Rạng hồn thiêng tổ tiên” 
Anh gọi quê hương là "Quê thiêng", ẩn chứa bao điều thiêng liêng trân quý, ngưỡng vọng và biết ơn. Bởi quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi có những người thân thương ruột thịt, có bạn bè cả một thời thơ ấu… và quê hương nơi có dòng sông Thu Bồn… tất cả đã hun đúc nên hồn thơ anh. 
- “Tạ ơn con sông dài 
Chảy vào lòng thương nhớ”
(Quê thiêng)
"Quý tặng người xứ Quảng trên khắp mọi ngả đời", anh đã đề tặng bài thơ này như thế!
- “Trong mơ lại thấy quê nhà
Ngàn năm một phút vẫn là bể dâu”
(Tình mộng)
Tần Hoài Dạ Vũ gửi gắm nỗi nhớ quê của mình vào những vần thơ cho xứ Quảng, mà độc giả đọc thơ anh cũng không khỏi bùi ngùi chạnh nhớ về những kỷ niệm ấu thơ nơi quê hương của mình, mà ước ao trở lại quê nhà khi “gót mỏi đường đất lạ”, trong bước đường lữ thứ, mưu sinh…
- "Có buổi trưa nào nắng vàng như lụa
Lòng quê xa vẫn gọi gió đi về
Sông cứ chảy để ta chờ lâu quá
Biết bao giờ thấy giọt nắng xuân quê?
(Nắng xuân quê)
- “Tuổi xuân đã lạnh tiếng đàn
Xót làm chi buổi tiệc tàn bể dâu 
Dặm xa quán trọ cơ cầu
Mùa xuân mây trắng ngang đầu nhớ quê”
(Nửa đời lưu lạc)    
Anh viết về quê hương với tất cả nỗi lòng của mình, nên thơ anh dâng đầy cảm xúc, và đặc biệt, đọng lại trong thơ anh là tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên xứ sở.
Dù có đi tận góc biển chân trời, Tần Hoài Dạ Vũ cũng luôn hướng về quê hương với một tình yêu bỏng cháy, thiết tha không lúc nào vơi cạn!
4. TẦN HOÀI DẠ VŨ VỚI HUẾ
Anh sinh ra ở quê hương Quảng Nam. Nhưng suốt quãng đời đi học  và thời trai trẻ anh đã sống ở cố đô Huế. Có thể nói, tuổi xuân của anh gắn bó mật thiết với xứ Huế mộng mơ, nên anh đã từng nói, như một lời tâm sự với Huế: “Người hãy giữ gìn một nửa tim tôi”. Những hình ảnh của kinh đô đế vương của một thời, cầu Trường Tiền lộng gió và những tà áo trắng buổi tan trường đã đi vào thơ anh. Tình yêu dành cho Huế trong anh tạo nên cảm hứng dạt dào khi anh viết những vần thơ về Huế. Khi xa Huế, anh thương nhớ Huế đến nao lòng và đã day dứt không nguôi.
Trong bài “Từ biệt Huế” có lẽ cảm xúc của anh đã trào dâng không kìm nén và anh viết một mạch gồm 77 câu thơ. Đó là một bài thơ dài, có lẽ nhờ thế mới diễn tả hết tình yêu và nỗi nhớ anh dành cho Huế. Dù yêu Huế thiết tha mà anh đành phải xa Huế. Hãy nghe tâm sự của tác giả:
- “Nghe tiếng gọi của xa xăm tôi lại lên đường
Nhưng làm sao lòng quên được Huế
Huế của bây giờ và Huế của mai sau
Ôi dòng sông tâm hồn tôi ở đó
(Từ biệt Huế)
Anh nhớ hình ảnh chiếc nón bài thơ che nửa miệng cười duyên dáng của cô thiếu nữ Huế trên một ngả đường vào Thành Nội:
- “Chiếc nón nghiêng che một nửa môi cười 
Chiều không tàn trên những lối phượng rơi
Có ngọn gió nào thổi lòng tôi vào Nội
Năm tháng không thể rơi ra ngoài một tiếng hát trong.
- ”Ôi Huế của bây giờ và Huế của mai sau
Huế của những gì đã qua và những gì sẽ tới”
Ngườ hãy giữ gìn một nửa tim tôi”
(Từ biệt Huế)
Phải chăng bóng dáng giai nhân xứ Huế đã từng là cảm hứng sáng tác của thi nhân?. Vẫn biết là giữa cuộc sống bộn bề, thơ vẫn là thơ, tình vẫn là tình, nhưng những người thơ, những người tình cũng từ cuộc sống đi vào thơ, để làm nên chất liệu và ý nghĩa của cuộc đời. Cảm xúc anh viết về Huế, khi sôi nổi nồng nàn, khi thiết tha sâu lắng, và cũng đầy suy tư và chiêm nghiệm:    
- "Con đường đó có những ngày đầy gió
Có những lần mưa bụi ướt câu thơ
Em đi qua như vạt nắng tình cờ
Tiếng ve gọi quanh chỗ ngồi thương nhớ”    
(Về một con đường Thành Nội)
 - “Lòng tôi là hạt phù sa nhỏ
Hòa nước sông Hương chảy cuối trời"
(Ghi chép của một người thức khuya)    
Hình ảnh dòng sông, mùa xuân, là tạo vật, là cái cớ để tác giả gửi gắm nỗi niềm.
"Dòng sông phía chân trời"
gửi Huế xưa
- "Em xa quá mà mùa xuân nắng ấm
Nhớ sông xưa con sóng vỗ nồng nàn
Sông bây giờ bồi lấp bóng thời gian
Chiều mây trắng về quanh hồn đa cảm»
Anh nhớ đến "Tiếng còi tàu thay lời hẹn chung đôi/ Sân ga nhỏ một người về mưa bụi". Đó là buổi chia tay từ biệt Huế, từ biệt một người chăng? Trong ký ức anh chợt hiện về "một bóng mặt trời mọc về phía núi", "một con đường", "buổi tóc xanh", "môi đỏ thầm thì"… và cả "Đêm tháng Chạp vụng về tay cỏ biếc"... Hình ảnh giai nhân xuất hiện trong thơ anh rất rõ nét, cõ lẽ đó là buổi hẹn hò đầu đời (?). Tình yêu mới chớm đẹp quá! Nên thơ quá! Mà cũng sẽ là kỷ niệm khó phai mờ với Huế.
- "Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh
Chở trăng Gia Hội vào Nội Thành
Soi nghiêng mái tóc thề Tôn Nữ
Thiếp giữa một vùng hương mỏng manh»  
Rồi hẹn ngày trở lại cố đô:
- "Anh sẽ về một sáng mùa thu
Sông Hương còn trắng những sương mù
Áo em trắng nhịp cầu thương nhau
Bóng ngã lòng anh câu hát ru»
(Hẹn về với Huế)
Bến đò Thừa Phủ, nơi đưa đón những cô cậu học sinh của hai trường Quốc Học và Đồng Khánh đã đi vào thơ anh.
Bài thơ anh viết: "gửi bến đò Thừa Phủ"
- "Ai chia lệ cho mắt đời thôi đỏ
Đò chưa qua mà tim mắc trên cành
Bến sông đó dẫu chẳng còn trăng tỏ
Anh vẫn về tắm lại tuổi  xuân xanh"  
(Nhớ bến xuân)
Và chắc chắn rồi anh sẽ lại về thăm nhé! Huế yêu ơi! 
- «Chờ anh về thăm nhé, Huế ơi!
Đường xa nhưng không thể sai lời 
Chiều nay nắng trở trong lòng mắt
Con nước linh hồn không muốn trôi»
(Hẹn về với Huế)
Có thể nói tình yêu Huế trong anh đã đi vào những sáng tác của anh dành cho Huế, giản dị mà sâu sắc, chứa chan tình yêu Huế nồng nàn mà sâu lắng. Những bài thơ anh viết cho Huế như một lời tâm tình nhẹ nhàng đằm thắm, đuyên dáng mà lãng mạn thiết tha.
5. NỖI ĐAU ĐỜI VÀ TÂM THẾ AN NHIÊN TRONG THƠ TẦN HOÀI DẠ VŨ
Tần Hoài Dạ Vũ đến với bạn đọc là anh đã gửi hết nối niềm của mình vào thơ. Những nỗi ưu tư, trăn trở trước số phận con người. Đó là khát vọng của một nhân cách lớn hình thành trải nghiệm trong sóng gió cuộc đời. Anh yêu cuộc sống, yêu con người, và giàu lòng nhân ái trong từng trang viết. Tìm hiểu qua thời gian, theo những biểu lộ tư tưởng và lần theo những sắc màu cảm xúc, ta thấy nỗi đau nhân tình thế thái, ưu tư với từng số phận nhỏ nhoi của kiếp người, là nỗi buồn xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của anh. Dẫu đó có là thơ tình đi chăng nữa, thì ẩn trong da diết, đắm say, ngọt bùi, có cả đắng cay, nên nỗi buồn vì thế mà man mác phủ lên những dòng cảm xúc của anh. Có lẽ sứ mệnh của thơ anh là chuyển tải những buồn vui của kiếp người. Trong nghịch cảnh, nhà thơ vẫn không để nỗi bi quan lấn át, đến độ chán nản tuyệt vọng, mà luôn có tâm thế an nhiên. Ngòi bút của anh, vì thế, rất phóng khoáng. Anh không trách ai, chỉ tự trách mình và biết ơn những gì mà cuộc đời đã mang lại cho mình.
- «Chong đèn khuya tìm mình trong trang sách
Lắng lòng theo những chớp bể mưa nguồn
Anh hổ thẹn nhận ra mình trong sạch
Vì chưa một lần thắng được nỗi cô đơn»
(Tự khí)
Và tấm lòng thi nhân lúc nào cũng dằng dặc nỗi ưu tư: 
- «Lòng riêng có buổi quên sầu
Dẫu con chim hót bên cầu quạnh hiu 
Tay ai cố níu bóng chiều 
Hỏi người nhan sắc khóc điều tang thương»  
(Uống cạn nổi trôi)  
Thơ anh chứa đựng những triết lý sống bằng những trải nghiệm của riêng mình:
- "Khi đã tận hiến tất cả và mất tất cả 
Người ta sẽ học được rất nhiều từ thất bại
hơn là từ thành công
- "Chỉ những ai bàn chân từng nhức nhối gai đời
 Mới có thể hiểu được nỗi đau người khác
- "Ai chưa khóc bằng trái tim đẫm lệ
Làm sao có thể tin được nụ cười"
(Ghi chép của một người hay thức khuya)
Anh nói về nỗi buồn mà lại xem mình là "hôn phu của cay đắng", nghĩa là anh "kết hôn" với nỗi đắng cay
- "Là hôn phu của cay đắng
tôi luôn được nuông chiều trong căn nhà
của buồn đau" 
(Người mất mùa xuân)
- "Mãi mê đuổi bắt âm thanh và sắc màu trên phố
Rồi dệt lòng mình thành khúc hát thương đau.
Anh nhận nỗi đau của mình và của đời rồi chuyển tải cảm xúc vào những câu thơ làm lay động lòng người 
- "Anh là kẻ thích làm đầy nỗi đau trong lòng 
Rồi nắn nỗi đau ấy thành những lời ca
Anh thường xuyên dị ứng với quyền lực
Anh hòa tan trong đám đông 
Nhưng lại chẳng bao giờ là đám đông”
(Phác họa chân dung một nhà thơ)  
Anh đau nỗi đau đời khi mà giữa cuộc sống bộn bề vẫn còn đó những bất công:
- “Thời của ai? Thời của anh?. Máu nhỏ xuống nhữngđêm dài loang lổ giấc mơ, máu nhỏ xuống chén cơm khô suốt một thời thơ dại, những cánh đồng ngập nước mắt chiều đông. Lưng mẹ mỗi ngày thêm còng xuống là dấu hỏi in đậm bóng hình năm tháng, những dấu hỏi trước cuộc đời không có lời giải bình yên. Có một ai đó đã cướp đi giấc mơ của mẹ; có một ai đó đã thản nhiên ngoảnh mặt trước những tiếng kêu xé lòng; có một ai đó đang hân hoan xếp những đống tiền dày chồng lên quá khứ”…
(Về một nỗi đau đời)
Thi nhân buồn nỗi buồn của mẹ, của những kiếp người… còn mưu sinh vất vả trước những bất công vẫn tồn tại đâu đó quanh ta. Nhà thơ đi vào mỗi số phận, mỗi kiếp người để cảm thông, để bày tỏ, để nói lên tiếng nói công bằng, tìm về công lý và hơn hết gửi gắm khát khao ước ao hạnh phúc bình yên cho mỗi một số phận trên cuộc đời này.
Đó là sự lựa chọn về thái độ sống của anh trước sóng gió cuộc đời vẫn còn đó những nhiễu nhương thế sự. Và anh đã đối diện với nỗi đau đời bằng một tâm thế an nhiên.
- “Anh đến giữa cuộc đời này như ánh trăng chợt soi
bóng nước
Và sẽ ra đi như đám mây tan rã phía chân trời.
(An nhiên)
- “Trở lại đường xưa cỏ héo tàn
Làm khách lạ anh giã từ quá khứ
(Giã từ quá khứ)  
6. THI PHÁP THƠ TẦN HOÀI DẠ VŨ
Để hiểu hơn về thơ anh, ta hãy đi tìm thi pháp, bởi vì thi pháp là mấu chốt của thơ, là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật trong thơ. Việc sáng tác thơ và những đặc điểm nghệ thuật trong thơ mà anh đã sử dụng như một thủ pháp để chuyển tải thông điệp từ trái tim thi nhân đến với đọc giả để dẫn dắt người đọc, người nghe đi từ cảm nhận đến yêu thích, là thuộc về tài năng của  nhà thơ.
Các sáng tác của anh có sự kế thừa của thi pháp truyền thống và thi pháp hiện đại. Anh có những bài thơ lục bát làm theo thi pháp truyền thống và từ đặc trưng cấu trúc ngữ nghĩa câu thơ nền nả, chỉnh chu:
- “Tuổi xuân đã lạnh tiếng đàn
Xót làm chi buổi tiệc tàn bể dâu”
Cuộc sống, tình cảm vốn đa chiều, nhiều gam màu và nhiều cung bậc tình cảm, thì thi pháp hiện đại mới đủ cho ngòi bút phóng khoáng của anh bay bổng hơn trong việc diễn tả cảm xúc. Vì vậy, phần lớn các sáng tác của anh theo thi pháp hiện đại. Có bài thơ anh dùng những điệp ngữ, điệp từ lặp đi lặp lại cuộn trào như ngọn sóng, có khi lắng dịu với giai điệu trầm buồn, phù hợp tâm trạng thể hiện của nhân vật trữ tình trong thơ. Từ cảm nhận cuộc sống đôi khi cảm xúc chợt đến và được bắt đầu bằng một từ, hay một câu có cấu tứ lạ  đủ hàm chứa những trải nghiệm cuộc sống, kiến thức, tài năng của nhà thơ để rồi tiếp tục sáng tạo, bồi đắp, để tạo ra một thi phẩm hoàn chỉnh. Một bài thơ xuất phát từ một cảm hứng có khi là “tức cảnh sinh tình”, nhưng được chắt lọc từ vốn sống và những kỷ niệm trong đời nhờ vật liệu kết cấu ngôn từ và cú pháp điêu luyện, để có bài thơ hay, có ý nghĩa sâu sắc, diễn đạt được nỗi lòng của chủ thể trữ tình.
Ngòi bút Tần Hoài Dạ Vũ vừa hiện thực vừa lãng mạn.Thơ anh đậm chất trữ tình: trữ tình tâm tình, trữ tình phong cảnh, trữ tình thế sự và trữ tình công dân. Có khi tách bạch, có khi hòa quyện đan xen nhau, bổ sung cho nhau, để đạt được sứ mệnh chuyển tải cảm xúc đến với công chúng một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, bút pháp anh khá điêu luyện khi xây dựng nhân vật trữ tình. Anh bày tỏ tư tưởng tình cảm và thông qua tư tưởng tình cảm để phản ánh cuộc sống, chẳng cần miêu tả sự kiện, không kể tình tiết câu chuyện, cũng không miêu tả nhân vật, cảnh vật cụ thể, mà mượn cảnh vật để bày tỏ tình cảm, đã làm nên phong cách sáng tác thơ “tả cảnh ngụ tình” sâu sắc, cùng ý tứ chân thành nhằm giải  bày tâm sự.
Ngôn ngữ thơ anh là ngôn ngữ đối thoại giữa hai người hoặc độc thoại. Cấu trúc thi thoại gồm đối thoại hoặc độc thoại để tạo nên thi ca.
- “Em từ giọt nắng
bước ra
Hay là từ cõi phong ba
lại về?
Hồn quê
mưa tạt bốn bề
Trái tim dâu bể 
trôi về
nơi đâu...
(Bên cầu nhân duyên)
Thơ anh phong phú với đủ thể loại: Thơ lục bát, lục bát biến thể; Thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ; thơ tự do; đặc biệt, anh đã làm mới cho loại thơ văn xuôi (Poesie en prose):  
- «Số phận khắc nghiệt là tặng vật của cuộc đời mà ta không thể khước từ. Như cây già đợi gió tôi lặng nhìn dòng sông rẽ vào một chân trời khác với cánh buồm quên lãng ruổi dong. Có bao giờ nỗi buồn không khiến ta nghĩ về quá khứ?» 
Ngôn ngữ trong thơ anh điêu luyện, trau chuốt, nhưng vẫn gần gũi, giản dị, dễ hiểu. Tạo vật trong thơ anh cũng đằm thắm, có tình và có hồn đi vào thơ, làm nên tứ thơ đẹp, sắc nét, tài hoa cả về ngôn ngữ thơ lẫn tâm trạng thể hiện. Qua ngòi bút phóng khoáng và lãng mạn vẫn khắc họa trong đó những đường nét của đời sống thực. Bằng thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ để đạt tới ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, sâu lắng dễ đi vào lòng người. Hãy nghe tác giả bộc bạch quan niệm của mình về thơ và nhất là thơ tình: "Làm thơ là phải luôn hiện tại hóa lại những gì đã sống". Quả đúng vậy! Thơ là tiếng nói của con tim, là tiếng lòng của thi nhân. Vì vậy, "Nhà thơ là người phải đau đến hai lần nỗi đau, vui đến hai lần niềm vui…". Thi nhân đau nỗi đau trần thế, nỗi niềm riêng và cả nỗi niềm chung. Phải chăng đó chính là sứ mệnh của thơ, nói riêng, và văn học nghệ thuật, nói chung. Biết là không có tình yêu vĩnh cữu mà chỉ có những giây phút vình cữu trong tình yêu và anh đã ghi lại những phút giây vĩnh cữu của tình yêu để cả thi nhân lẫn độc giả tìm thấy sự đồng cảm trong những câu thơ, bài thơ còn mãi với thời gian.
Thơ tình nói chung là những cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn của tình yêu đôi lứa. Ở thơ anh, có đủ những nồng nàn, đắm say và tha thiết của men tình, nhưng vẫn chứa chan nỗi buồn và day dứt không nguôi. Nỗi buồn đọng lại trong thơ anh làm độc giả khát khao vươn tới tình yêu hạnh phúc. Thơ anh đi vào lòng công chúng từ trước 1975… và công chúng hiện nay yêu thích thơ anh, nhiều người đã thuộc những câu thơ hay, bài thơ hay của anh, để có thể đọc ra khi có cùng tâm trạng. Thơ anh đi vào lòng người, có lẽ bởi vì  thơ anh thể hiện một góc nhìn tinh tế, tứ thơ đẹp, lời thơ giản dị mà sâu sắc, ý thơ ngọt ngào và lãng mạn, ngôn ngữ thơ trau chuốt mà giản dị, dễ hiểu, được sử dụng gieo vần và ngắt nhịp khéo léo và biểu cảm. Vì thế, thơ anh có sức lay động trong lòng đọc giả để rồi đọng lại tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương, đất nước. Hồn thơ Tần Hoài Dạ Vũ dạt dào và tha thiết với cuộc sống, với tình yêu, với quê hương xứ sở… Xuyên suốt toàn bộ các sáng tác của anh là một tinh thần nhân văn đáng trân trọng.
Tất cả đã làm nên tên tuổi của Tần Hoài Dạ Vũ.
Tp. Huế, 20/5/2018
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...