Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ôi! Chapi

Ôi! Chapi...
Từ cao nguyên Đà Lạt, tôi hạ sơn, vượt rừng đến với vùng sâu chiến khu Anh Dũng xưa. Dừng chân tại palay (làng) của người Raglai ở vùng đất Ma Nới, Ninh Sơn (Ninh Thuận) khi không gian sơn cước đã sẫm màn sương chiều.
Bóng hai ngọn núi xa xa hằn in lên nền trời tím ngắt. Núi lớn Chơ Prông như người mẹ vững chãi và nhân hậu. Núi nhỏ Pơto Patí hiền hòa, cần mẫn giống hình dáng người cha. Theo dòng mẫu hệ, người Raglai nơi này vẫn xúc cảm về hai ngọn núi ngàn đời trên quê hương của mình như thế. Bóng núi như dáng người, tự nhiên, giản dị mà thẳm sâu. Từ đâu đó ở phía đại ngàn, hai dòng suối nhỏ Mơ Nhông và Tà Nôi nhập dòng về đây thành con suối mẹ Hà Dài chảy một dòng bình yên giữa các buôn làng. Suối Hà Dài đẹp như một nét sổ trong tranh thủy mặc, len dòng uốn lượn qua palay Hà Dài, palay Do… rồi dần trôi qua những cánh rừng hướng về phía biển lớn…
Nghệ nhân Chammelé Âu luôn trăn trở, tâm huyết truyền 
cảm hứng và kiến thức về đàn Chapi cho thế hệ trẻ.
Tôi về đây, ngắm núi cao suối sâu và đi tìm nghe tiếng đàn Chapi, tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai. Tôi đi theo tiếng gọi tha thiết mà chàng du ca Tây Nguyên Y Moan từng rực cháy trong tình khúc của nhạc sĩ Trần Tiến. “Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn… Chapi… Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn… Chapi…”. Y Moan đã thổi bùng “Giấc mơ Chapi” của Trần Tiến trong gần 20 năm, từ lúc ca khúc ra đời đến tận ngày anh giã từ cõi thế, giã từ tiếng hát trong buổi biểu diễn cuối cùng của cuộc đời mình. Trần Tiến kể lại: “Đó là một chuyến điền dã tại miền núi Ninh Thuận vào năm 1993. Khi đến vùng núi cao ở huyện Ninh Sơn, tôi đã gặp bên mái nhà sàn bình yên có đôi vợ chồng trạc tuổi tôi. Người chồng là bộ đội người Kinh phục viên ở lại rừng lấy vợ người Raglai. Họ sống giản dị, đơn sơ trong ngôi nhà sàn với tất cả vật dụng đều bằng tre nứa, trong đó có một nhạc cụ bằng tre, họ gọi là đàn Chapi. Lần đầu tiên nghe tiếng đàn Chapi, nghe câu chuyện về mối tình của họ, tôi mê mẩn và muốn mua bằng được cây đàn.
Nhưng vợ chồng người lính ấy không bán. Người chồng nói với tôi: “Nếu anh thích, tôi tặng. Hàng chục năm rồi tôi không dùng đến tiền.” Từ dòng xúc cảm dâng trào, Trần Tiến đã cho ra đời “Giấc mơ Chapi”, một tình khúc phiêu du. Lần đầu tiên, bài hát được cất lên là ở Pháp và Hà Lan, Trần Tiến đã hát trong chuyến lưu diễn cùng nhóm du ca Đồng Nội. Cây đàn Chapi đã được bạn bè trên thế giới biết đến…
Tôi về palay Raglai khi các buôn làng Raglai Ma Nới này bắt đầu vào tết ăn đầu lúa, sau lễ rước lúa nhập kho. Đó là tết đầu năm trong chuỗi nghi lễ nông nghiệp thể hiện niềm tin của đồng bào đối với cây lúa mà họ tôn vinh, gọi là Lúa Mẹ. Làng buôn cầu thần linh phù hộ cho mùa màng tốt tươi, cho cây lúa không bị ma quỷ quấy nhiễu. Anh bạn mới quen tên là Tanăng Thắng nhiệt tình dẫn tôi đi thăm buôn. Cả vùng Ma Nới nhà nào cũng rạo rực trong không khí cúng lúa. Nhà cửa đã được sửa sang tươm tất, bồ lúa đã đậy nắp, các kho lúa cũng đã được đóng kín.
“Chapi à? Ờ, cả vùng Raglai Ma Nới này chỉ còn Chamale Âu biết làm đàn và biết gảy Chapi thôi…” Đến nhà Chamale Âu nằm giữa palay Do lúc trời đã nhá nhem. Con gái ông bảo rằng, ama (bố) đi cúng đầu lúa bên nhà bà dì Tathia Thị Nga ở palay Hà Dài. Theo chân Tanăng Thắng, tôi lại đến palay Hà Dài để tìm một trong những nghệ nhân Chapi cuối cùng. Câu chuyện cây đàn Chapi bắt đầu sau khi thần linh đã ứng nghiệm lời khấn Yàng của Chamale Âu về tình yêu Lúa Mẹ…
Chamale Âu mang cây đàn ra. Cây đàn Chapi, nhạc cụ giản dị của người Raglai, ai nghèo cũng có. Chỉ đơn giản là một ống tre, hai đầu có mấu, dài khoảng 40cm, có 8 giây, 4 phím bao quanh ống tre. Lên cao hay xuống thấp cao độ là nhờ 16 “con ngựa” chêm ở các đầu dây. Người chơi đàn gảy vào phím, hộp cộng hưởng là ống tre được úp một đầu vào bụng. Khác với nét vui vẻ thoáng đầu gặp gỡ, ngắm cây đàn trầm ngâm, Chamale Âu nói: “Bây giờ cũng chẳng có mấy thằng con trai đủ ham đi tìm ống tre gai này nữa. Cũng chẳng còn mấy đứa biết gảy Chapi…”
Nghệ nhân Chamalé Âu biểu diễn đàn Chapi.
Tre làm đàn phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đồi cao, vì mọc dưới thấp rễ uống nhiều nước tiếng kêu sẽ không thanh. Chamale Âu kể rằng, muốn tìm được cây tre làm đàn, ông đã phải đợi đến gần hai năm trời. Khi tìm được bụi tre ưng ý, thân tre còn xanh, đánh dấu để đó. Đợi hơn một năm sau khi vỏ tre chuyển màu vàng thì dùng rựa vạt ngang thân, đốn thành lóng mang về. Còn phải gác trên chái bếp khoảng 3-4 tháng cho ống tre thật khô, thật dai, thật bền mới hạ xuống làm đàn…
Chamale Âu ở tuổi ngoại lục tuần. “Già biết làm đàn và gảy đàn từ bao giờ?” “Cũng không nhớ nữa! Từ nhỏ, nghe hoài đàn Chapi, mê lắm. Mê thì học gảy, học làm. Ông cậu Chamale Lơ thấy mình ham Chapi, dạy cho, dạy bằng cách gảy cho nghe và làm cho xem. Tập gảy lâu thành nhớ, thành quen, rồi thì làm được cả đàn nữa. Thế đấy, mê Chapi từ nhỏ tới giờ!...” Chamale Âu cười một cách hồn nhiên. Rồi hứng lên, ông ôm đàn Chapi và gảy. Điệu “Con ếch” vang lên như báo những cơn mưa đầu mùa, gọi nhau lên nương trồng tỉa. Điệu “Con chim” báo cho nhau khoảng thời gian trong ngày. Điệu “Thở than” như chia sẻ những nỗi niềm buồn khổ. Điệu “Em ở lại anh về” nói lời giã biệt sau trắng đêm hò hẹn nơi suối vắng, rừng sâu. Rồi đến “Con gái lúa”, “Con trai bắp” cũng chỉ đơn giản là những tâm sự từ đáy lòng người Raglai yêu quý hạt lúa, hạt bắp như chính con trai, con gái của mình.
Chamale Âu lại thong thả giới thiệu cây đàn. Đây là dây mẹ, đây là dây cha, đây dây con trai, đây dây con gái. Dây cha thì cao, dây mẹ thì trầm, dây con lớn thanh, dây con út nhỏ. Ông hát lên ngôn ngữ Raglai theo tiếng đàn Chapi trầm bổng: “Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/ Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ/ Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/ Đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng…” Tiếng đàn Chapi, điệu nhạc Chapi chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai. Như Chamale Âu đó, đang hồi cố về ngày xưa, về những kỷ niệm buồn vui của đời mình qua tiếng Chapi. Ông không nói gì về những giấc mơ của mình, nhưng trong hồn ông, trong ánh mắt ông đang bỏng cháy những giấc mơ về một miền xa thẳm trong ký ức…
Trong ánh mắt người đàn ông Raglai ẩn chứa nỗi cô đơn khôn tả. Dù trong nhà treo đầy những chứng nhận, những bằng khen, những danh hiệu của tỉnh, của Trung ương sau những lần ông ôm Chapi, Mã la, kèn Kà tẹc rời palay đi diễn tận Đà Lạt, Phú Yên, Thủ đô Hà Nội nhưng Chamale Âu lại buồn. “Đi diễn nhiều nhưng ama chẳng vui đâu, vì cả vùng Ma Nới này chẳng có đứa nhỏ nào biết làm đàn, gảy đàn Chapi nữa.” Ông lẩm nhẩm tiếp: “Vùng Phước Bình chỉ còn Chamale Phong, vùng Phước Thành còn Chamale Liếp, ở Ma Nới Này chỉ còn mỗi ama… Nhưng các ama đều mờ mắt, run tay cả rồi. Bọn trẻ chỉ thích nhạc xập xình. Ama kêu mấy đứa trong palay tới dạy Chapi mà chẳng có đứa nào thèm học…” Ông buồn, tôi hiểu, vì tình yêu Chapi, tình yêu Raglai bỏng cháy trong ông đang thôi thúc ông níu giữ những gì đang nguy cơ vụt mất. Ông lo, cuộc đời mình liệu có đủ dài để kịp truyền lại những ngón đàn Chapi, truyền lại những báu vật từ thưở ông bà…
Rời ngôi nhà sàn giữa palay Hà Dài, tôi mang theo vọng âm tiếng Chapi trầm bổng cùng với giấc mơ của nghệ nhân Chamale Âu. Còn đâu những tháng ngày Chapi theo người Raglai lên rừng, lên rẫy để khi buồn, khi vui cũng bập bùng tiếng đàn. Còn đâu Chapi trong tay những người con trai gảy điệu nhớ thương chờ đợi người yêu bên bờ suối vắng. Để rồi, “Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao/ Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa/ Chỉ có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…” Chapi, chỉ còn là giấc mơ. Chỉ còn là một giấc mơ nao lòng như hồn người đi tìm tiếng đàn trong sương khói hoang hoải miền sơn cước chiều nay…
25/10/2018
UÔNG THÁI BIỂU
Theo http://baodantoc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...