Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Mùa hạ trong thơ Haiku Nhật Bản

Mùa hạ trong thơ Haiku Nhật Bản
Xuân đến rồi xuân đi, vạn vật đều luyến tiếc. Dù ta có muốn níu kéo lại, mùa xuân rồi cũng phôi pha.
Mùa xuân ra đi/ tiếng chim thổn thức/ mắt cá lệ đầy (Basho)
Ta khóc/ mùa xuân ra đi/ cùng những người Ômi (Basho)
Một bông hoa sắc trắng/ nhìn qua kẽ giậu thưa/ một mùa xuân sắp vắng (Buson) Đồng cỏ xanh rì/ xạc xào xào xạc/ tiếng mùa xuân đi (Issa)
Khoảnh khắc tiếc nuối một mùa xuân đi cũng chính là phút giây ta rạo rực đón chào một mùa hạ đến. Mùa hạ được báo trước bằng những khúc nhạc giao mùa thật tinh tế. Trong sự rung cảm của tạo vật, mạnh mẽ và rõ nét nhất là sự cảm nhận của con người
Áo bông tôi cởi,/ quẩy lên vai trần,/ mùa thay áo đổi (Basho)
(Hitsu nuide/ sena ni orkeri/ koromogae)
Đi từ đầu đến cuối bài thơ vỏn vẹn 17 âm tiết chỉ gồm sáu từ trong tiếng Nhật, nghĩa là ta vừa đi hết một mùa xuân ẩm lạnh sang đầu một mùa hạ nồng ấm rồi đấy. Thời gian luôn là người bạn đồng hành cùng con người trên mọi nhịp bước đăng trình. Đời người là một sự hòa nhịp, nối tiếp của luân vũ bốn mùa. Thú vị thay, người chưa phiêu lãng hết một quãng đường mà mùa nọ đã tiếp nối mùa kia!
1. Dấu ấn Thần đạo trong thơ Haiku mùa hạ: Mưa và Mặt trời
Trong tĩnh mịch/ khách tới thăm lui gót/ khai hội mẫu đơn (Buson)
Hoa mẫu đơn (botan) là quý ngữ của mùa hạ. Vậy là mùa hạ đã đến, thật sự đã đến! Tiết trời hạ được cảm nhận rõ ràng bởi cái nóng ẩm, nồng nàn mãnh liệt của những cơn mưa, những cơn mưa đầu mùa đến sớm từ tháng Năm, ướt đầm sang tháng Sáu.
Mưa tháng năm/ đứng dầm trong nước/ chân hạc ngắn dần (Basho)
Câu thơ như chạy thi cùng con nước. Chỉ có dáng hạc gầy bên dòng nước đang dâng vẫn điềm nhiên, bình thản giữa trắng xóa trời mưa!
Nói đến thơ Haiku nói chung và thơ về mùa hạ nói riêng, trước hết cần phải thấy được dấu ấn của Thần đạo (Shinto) lên những vần thơ bé nhỏ mà đẹp đến kỳ lạ này.
Một tôn giáo không kinh sách, không người sáng lập mà lại có một sức sống vĩnh hằng. Từ một tín ngưỡng nguyên thủy trở thành quốc giáo, Thần đạo không loại trừ mà còn thâu nhận, đồng hóa, dung hợp được tất cả những tôn giáo khác du nhập vào bản địa. Thần đạo ăn sâu vào lớp lớp cơ tầng văn hóa Nhật Bản mà thơ Haiku là một thành tựu tiêu biểu. Biểu hiện của Thần Đạo trong đời sống tâm linh của người Nhật là sự sùng thượng thiên nhiên vô hạn, tuyệt đối. Thiên nhiên đối với người Nhật là sự hùng vĩ, bí ẩn và có một uy lực vô tận vô biên, có một sức mạnh huyền diệu, vô hình mà con người không thể giải thích, chỉ biết yêu mến, sùng kính và ngưỡng mộ. Người Nhật đã thần thánh hóa thiên nhiên, thờ cúng biểu tượng Kami như một đức tin trong sáng, hồn nhiên, thuần khiết, chứ không phải là điều mê tín. Với người Nhật xưa, vạn vật hữu linh, hữu hình, hữu thể, vạn vật chứa đựng từ bên trong và phát lộ ào ạt ra bên ngoài mọi sức mạnh diệu kì và bí ẩn của nó. Con người là một sinh thể đẹp nhất trong vạn vật, vì vậy nó cũng chứa đựng một phần năng lượng kỳ lạ đó hòa trong vũ trụ bao la.
Dấu ấn của Thần Đạo bàng bạc trong thế giới nghệ thuật thơ Haiku và thơ về mùa hạ là chùm thơ thể hiện rõ nhất tư tưởng sùng thượng thiên nhiên. Có lẽ bởi vì mùa hè luôn là mùa mà tạo vật thể hiện rõ nhất sức sống vô tận, dâng trào, là mùa của yêu đương, của sự sinh sôi nảy nở, của phát triển và trưởng thành.
Bước vào thế giới Haiku mùa hạ, trước hết ta được tắm mình trong những cơn mưa. Từ trong Manhiosu (Vạn diệp tập) của thời đại Nara (VIII) lịch sử, đã có nhiều bài thơ tanka (5 câu, 31 âm tiết) về mưa mùa hạ:
Mỗi lần mưa rào,/ nước chảy thành dòng mạnh mẽ/ tôi nhớ sao/ những giọt sương rất bé/ trên lá cây oban.
Nhưng phải đến thơ Haiku, bốn mùa mới thật sự trở thành đề tài lớn có tính hệ thống. và có quý ngữ (Kigo) như một đặc trưng thi pháp. Haiku mùa hạ mang mưa đến trắng xóa cả trời thơ, đẹp như một giấc mơ.
Mưa tháng năm/ cứ rơi như thế/ rơi vào cơn mơ (Shiki)
Mưa mùa hạ,/ xóa đi tất cả/ ngoài chiếc cầu Seta (Basho)
Bài thơ là một sự khẳng định “kép”, nhấn mạnh “mưa mùa hạ” để làm đòn bẩy tăng cấp khẳng định cao hơn vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn của chiếc cầu Seta. Và hình dáng chiếc cầu hiện lên thật kiêu hãnh trong trời mưa hạ. Nếu không có mưa mùa hạ, có thể ta chưa chắc đã nhận ra được vẻ đẹp đích thực của cầu Seta. Seta tồn tại vươn lên trên sự xóa mờ của ngoại cảnh nhờ có mưa mùa hạ. Mưa mùa hạ còn làm mềm mại hóa, thơ mộng hóa chiếc cầu Seta đồ sộ, lạnh lùng.
Sức mạnh của mưa mùa hạ thường hội tụ về trong biểu tượng “dòng sông”. Hình như tất cả các dòng sông đều trở nên thần bí và thiêng liêng hơn, hùng vĩ và mãnh liệt hơn trong mưa mùa hạ. Thiên nhiên vào hạ thật mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, nóng bỏng, rực rỡ, chói lòa:
Dòng sông Mogami/ nuốt hết mưa mùa hạ/ cuồn cuộn trôi đi (Basho) Mogami tuôn dòng/ cuốn mặt trời rực lửa/ dìm xuống trùng dương (Basho) Hãy thổi bay đi/ hỡi dòng sông Oi,/ những mây mưa mùa hạ (Basho)
Đây không phải là một biện pháp tu từ nhân hóa như thơ ca truyền thống của nhân loại, với Haiku đó là sự chi phối của tư tưởng sùng thượng thiên nhiên của Thần đạo. Đó là sự siêu nhiên hóa, thần thánh hóa các thế lực thiên nhiên trong tư duy thần thoai cổ xưa của người Nhật, được nuôi dưỡng bất tử trong đời sống tâm linh người Nhật, tạo nên sức mạnh trường tồn của Thần đạo trong văn hóa Phù Tang.
Sức sống mãnh liệt của thiên nhiên mùa hạ không chỉ được thể hiện ở những cơn mưa trắng xóa đất trời, những dòng sông cuồn cuộn trôi về biển cả, mà hùng vĩ nhất là hình tượng mặt trời chói chang, rạng rỡ:
Mưa tháng năm/ hoa quỳ còn vọng/ đường đi mặt trời (Basho)
Lửa của hoa hay lửa của mặt trời thiêng liêng? Cả hai vừa là biểu tượng của cái đẹp rực rỡ, vừa là biểu tượng của sức mạnh thiên nhiên, vừa là sự đồng dạng, vừa là sự tương tác, vừa soi chiếu, vừa hòa nhập… cùng rực sáng dưới bầu trời trong mưa tháng năm tuôn trào như thác đổ. Có những lúc thiên nhiên mạnh mẽ đến hung bạo với một nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng huyền bí nào đó mà con người không thể giải thích, không dám truy tìm nguồn cội.
Mogami tuôn dòng/ cuốn mặt trời rực lửa/ dìm xuống trùng dương (Basho)
Đáng kính nể làm sao/ trên vòm lá xanh/ ánh sáng mặt trời (Basho)
Uy nghi, rạng rỡ và đầy sức sống, mặt trời trên đất nước “Mặt trời mọc” luôn là một thế lực siêu nhiên được yêu mến và ngưỡng mộ bằng một niềm cảm xúc vô biên. Mặt trời chói chang cả vũ trụ này, mặt trời còn là thần linh cao quý thiêng liêng nhất của riêng cư dân quần đảo Phù Tang, họ chính là con cháu nữ thần Mặt trời Amaterasu xinh đẹp và kiêu hãnh từ trong truyền thuyết cổ xưa. Họ có quyền được tự tôn và tự hào như thế.
2. Mùa hạ và thế giới côn trùng
Không diễm lệ, tình tứ như thơ mùa xuân, không u hoài, thương cảm như thơ mùa thu, không lạnh lẽo, thê thiết như thơ mùa đông… thơ Haiku mùa hạ tràn đầy sức sống, đẫm chất men say sưa của sự phồn thực, vì mùa hạ chính là mùa của sự giao hòa, sự sinh sôi, nảy nở, trưởng thành.
Haiku thường đẫm chất Sabi (Tịch), cảm thức thẩm mỹ đặc thù của Haiku với một nội hàm sâu thẳm, trong đó nổi bật lên là trạng thái tịch lặng, cô liêu đến vô biên, vô tận. Thế nhưng nhiều bài thơ Haiku mùa hạ, cảm thức Sabi hình như đã chìm sâu như trăng náu mình đáy giếng, để nổi lên trên bề mặt của ít ỏi câu chữ là rộn ràng vô số thanh âm của cuộc sống mến yêu này. Không gian mùa hạ của Haiku là một dàn đại hợp xướng của thiên nhiên, của cuộc sống. Đi trong thế giới thơ là đi trong vườn hoa rộng lớn để nghe biết bao thanh âm đẹp mượt mà, sôi động của cuộc đời: tiếng chim hót véo von, tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng sấm chớp, tiếng mưa rơi, tiếng suối reo, thác đổ…
Ngay cả chim gõ mõ/ không phá túp lều/ cây mùa hè (Basho) Một hồi lâu/ tôi vào trong thác/ mùa hè bắt đầu (Basho)
Bão giông nguôi ngớt/ cổ thụ nắng sót/ tiếng ve sầu (Shiki)
Trôi xuống dòng sông/ trên cành lá gãy/ ca vang côn trùng (Issa) Cuộc đời đẹp quá/ con dế rung chuông/ cánh diều bay lả (Issa) Tiếng ve mải mê/ không hề để lộ/ cái chết gần kề (Basho)
Kiếp côn trùng ôi sao ngắn ngủi! Nhưng rồi ngàn vạn âm thanh khác sẽ hòa trong tiếng ve tưởng như bất tận mùa hè. Không bận tâm đến cái chết hay sự ngắn ngủi của kiếp phù sinh, ve cứ mải mê sống, mải mê hát trong tiếng kêu gọi của mùa hè. Tiếng ve hòa tan nhưng không lẫn giữa ngàn vạn thanh âm khác. Con ve bé nhỏ kia giúp ta ngộ ra một bản lĩnh sống giữa hữu hạn cõi hồng trần. Vô chấp, vô ngại, chú ve kia ung dung tự tại hiện sinh trên đời.
Tràn ngập không gian mùa hè không chỉ tiếng ve mà còn rộn ràng tiếng chim đỗ quyên (Hototogistu). Đó cũng là hình ảnh quý ngữ của thơ mùa hạ, xuất hiện rất nhiều cùng quý ngữ samidare - tức mưa mùa hạ:
Vang tiếng đỗ quyên/ lá diên vĩ/ vươn cao năm bộ (Basho)
Ôi chim đỗ quyên/ bay lượn và ca hát/ bận rộn biết bao (Basho)
Tiếng đỗ quyên/ biến tan về phía/ hòn đảo cô liêu (Basho)
Tiếng đỗ quyên/ đi chênh chếch/ trên mặt hồ (Basho)
Rừng trúc mênh mông/ tiếng đỗ quyên hót/ trong ánh trăng nghiêng (Basho)
Và còn biết bao sinh linh bé nhỏ khác nữa, hình như chúng cũng rộn ràng, vội vàng hơn hơn trong cái ẩm ướt, nóng nảy của mùa hạ. Chúng muốn khẳng định sự tồn tại của mình cùng thế giới bao la:
Một con ong/ từ lòng thược dược/ bay đi tần ngần (Basho)
Rồi con chuồn chuồn, con bươm bướm… mùa xuân cựa mình để mùa hè bay lượn chập chờn, tung tóe một cách nên thơ. Có khi chúng lại lặng im, cái lặng im trong sự hòa âm vô thanh vĩnh cửu.
Trên chuông chùa/ cánh bướm nhỏ/ ngủ im lìm (Basho) Đẹp quá con ốc sên trong bài thơ mùa hạ của Issa:
Con ốc sên mùa hạ/ từng chút từng chút một/ đỉnh Fuji bò lên
Có lẽ đây là con ốc sên đẹp nhất, đáng yêu và đáng ngưỡng mộ nhất trong cả thế giới sinh học lẫn văn học! Và cũng đừng quên đom đóm- một sứ giả nhỏ bé của mùa hè mang chức năng quý ngữ (Kigo) trong thơ Haiku mùa hạ.
Trong ánh ngày/ con đom đóm ấy/ cổ đỏ gay (Basho)
Lặng lẽ/ lửa đom đóm/ mặt nước thâm sâu (Shiki)
Trên chuông chùa Đại hồng/ long lánh/ ánh sáng đom đóm (Shiki)
Đom đóm thắp sáng lên chút ánh sáng, dù chỉ lập lòe, cho đêm mùa hạ. Đó là những cụm lửa nhỏ, những điểm sáng linh họat, rực rỡ trong bức tranh đêm mùa hè vốn rất ngắn ngủi, qua mau.
Ngắn ngủi/ đêm hạ/ dòng sông cạn/ vầng trăng bạc (Buson)
Con người cũng hòa vào cái thế giới mênh mông của muôn vàn sinh linh bé nhỏ nhưng sinh động ấy một cách hết sức hồn nhiên.
Tháng hè,/ đâu đó tiếng ai/ đi tới đi lui (Shiki)
Tiếng rao người bán cá,/ hòa trong tiếng chim cu,/ vang vang mùa hạ (Basho)
Trong cái thế giới muôn vàn thanh âm của cuộc sống, nhịp nhàng hòa điệu là âm thanh sinh họat của con người. Bài thơ là một bản song tấu hài hòa, độc đáo của hai tiểu vũ trụ hòa vào bản giao hưởng bất tận của đất trời.
Dưới làn nước trôi,/ một con cua nhỏ,/ bò lên chân tôi (Basho)
Sự động đậy của những sinh thể bé nhỏ ấy là một dấu hiệu của cuộc sống, của sự sống. Nó được con người cảm nhận thật tinh tế bằng giác quan, không bằng lý tính - đó là một nét đặc thù của cảm thụ thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản. Con cua nhỏ bé kia tự nhiên trở thành một người bạn ngộ nghĩnh của con người và của cả làn nước trong veo mùa hạ. Bài thơ đã dệt một sợi dây liên kết dịu dàng, vấn vít đâu đây một tình bạn đằm thắm, hồn nhiên giữa con người và vạn vật, mang một triết lý chúng sinh bình đẳng thâm sâu mà đơn sơ, dung dị cả trong ngôn từ lẫn hình tượng.
3. Mùa hạ và cuộc sống lao động sản xuất
Mùa hạ còn là mùa của cuộc sống lao động, sản xuất, cấy cày, thu họach, của mùa màng, hoa quả, của những ước mơ giản dị về một cuộc sống ấm no. Ta gặp gỡ trong thơ những con người nông dân chân đất bình dị trên mọi nẻo đường quê.
Thơ ca khởi đầu/ bài ca người trồng lúa/ trong miền quê thâm sâu (Basho)
Ẩn chứa bên trong ít ỏi ngôn từ ấy là cả một quan điểm nghệ thuật cao quý của thi sĩ thiền sư. Ngày nay ta đã có hàng bao pho sách luận bàn về nguồn gốc của văn học và thi ca. Bài thơ nhỏ này trên một phương diện nào đó, chính là một tuyên ngôn của người nghệ sĩ chân chính về cội nguồn của thi ca, về mối tương quan thi ca và cuộc sống.
Trên đồng mùa hạ,/ nhìn người vác cỏ,/ tôi lần đường đi (Basho)
Hình tượng người vác cỏ trở thành điểm sáng thẩm mỹ , là hình tượng trung tâm của bài thơ. Cánh đồng mùa hạ là cánh đồng sung túc, cánh đồng hạnh phúc. Haiku không tìm kiếm sự hoa mỹ của ngôn từ. Haiku là thơ của cái đẹp Wabi (Đà). Wabi là một nguyên lí tuyệt đối của cái đẹp - cái đẹp cao nhất là cái đẹp đơn sơ, nghèo nàn, giản dị, thanh khiết. Đi theo người vác cỏ trên đồng để lần đường đi, không chỉ là một hành động cụ thể theo nghĩa thực, hình như còn có một tầng ngầm câu chữ. Ta cũng phải “lần đường đi” để mà “ngộ”, để nắm bắt được ý tứ sâu xa điều thiền sư muốn nói. Hy vọng rằng, trên cánh đồng thơ Haiku mùa hạ, khi lần theo người nông dân vác cỏ trên đồng, ta sẽ không “lạc lối”!
Và dưới đây là một biểu tượng đẹp của thơ ca mùa hạ, thơ ca về cuộc sống, về mùa màng, về hoa thơm quả ngọt:
Dưa mùa hạ/ đẫm bùn mát lạnh/ và giọt sương mai (Basho)
Lạ thật! Không một ngôn từ nào nói lên cái vất vả của người lao động một nắng hai sương mà sao lòng ta cứ quay quắt một điều gì đó muốn nói. Bài thơ có những khoảng trống vắng mà ta không thể thấy bằng mắt, phải thấy bằng cả trái tim, bằng cả sự cảm thông và sự hàm ơn sâu sắc. Bởi vì trong cái vị ngọt ngào, mát lạnh, thơm ngon của quả dưa mùa hạ được người trồng dưa trao tặng cho đời có nhiều lắm cái vất vả nhọc nhằn, mồ hôi nước mắt, có cả bùn lầy, lấm láp, có cả thật nhiều sương mai nắng hạ… tất cả thầm lặng thấm sâu vào đất hóa thân thành hoa thơm quả ngọt cho đời mà không một lời than thở. Người ăn quả dưa mát lạnh kia cũng không biết nói gì hơn, chỉ biết viết bài Haiku nhỏ bé này để nói lời tri ân cuộc sống. Bài thơ là lời tạ ơn đời, tạ ơn người thật nhân văn, tế nhị và sâu sắc.
Cũng trên cánh đồng mùa hạ ấy, tất cả đã kết tinh hội tụ thăng hoa thành cái đẹp: Như cảnh trong tranh,/ tôi trên mình ngựa/ chầm chậm qua đồng (Basho)
Cỡi ngựa trên đồng,/ theo tiếng đỗ quyên/ rẽ lối đi ngang (Basho)
Trong cảnh sắc cánh đồng mùa hạ ấy, mọi sự vất vả được thi vị hóa thành thơ, thành cái đẹp muôn màu của cuộc sống. Trong lăng kính thẩm mỹ của người Nhật, cuộc sống với tất cả sắc màu của nó là cái đẹp đích thực, cái đẹp tuyệt đối. Người lữ khách thi nhân, người Thiền sư lãng tử ung dung tự tại lại tiếp tục bước đăng trình. Mải mê thưởng lãm cái đẹp tự nhiên, mải mê kiếm tìm cái đẹp trong kiếp lãng du phiêu bạt, có biết chăng người cũng là cái đẹp, là điểm sáng xuyên suốt những bức tranh mùa hạ tinh khôi,nồng nàn, ấm áp?
4. Mùa hạ và Trăng
Dịu dàng tỏa sáng tỏa sáng và làm rạng ngời những bài Haiku toàn bích là một hình tượng thẩm mỹ truyền thống đẹp nhất trong thơ ca mọi thời đại: Trăng! Bốn mùa, trăng đều đến với con người, với thơ ca. Trăng mùa hạ (natsu notsuki) có vị trí riêng, có vẻ đẹp riêng, rất riêng. Có một vầng trăng muôn đời cho cả thế gian và có thật nhiều vầng trăng trong cảm nhận, thể hiện của từng thi sĩ. Nhiều bài thơ trăng của Basho đã bất tử cùng trăng, được bao nhiêu thế hệ nắn nót chép tay để trao gởi cho những người thân yêu. Nhân gian còn lưu truyền cả những giai thọai đẹp và thú vị về những bài thơ trăng ấy
Vầng trăng non dại,/ theo tôi từ độ ấy,/ có ai ngờ đêm nay.
Quán bên đường,/ các du nữ ngủ,/ trăng và đinh hương.
Một đêm trăng mùa hạ, giữa thinh không đất trời vô tận và huyền diệu, chỉ bằng đường dẫn truyền thanh âm của một tiếng vỗ tay dưới trăng trong, Thiền sư đã hốt nhiên giác ngộ:
Tôi vỗ bàn tay,/ dưới trăng mùa hạ,/ tiếng dội về ban mai.
Có một cái gì thật gần gũi giữa tiếng vọng âm thanh này với tiếng thủy âm trong bài Haiku về con ếch, hay một tiếng hú dài vang vọng đỉnh cô phong của Không Lộ Thiền sư.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Ngôn hoài)
Vượt qua được giới hạn của một không gian, thời gian, cái âm thanh tiếng vỗ bàn tay ấy bỗng dưng trở nên huyền diệu quá! Thanh âm kỳ lạ ấy đã đi qua thực tại hữu hạn, để đi về vĩnh cửu vô hạn của khởi nguyên…
Không xuất hiện đơn côi, lẻ loi, u buồn, trăng mùa hạ cũng mạnh mẽ, tràn đầy sức sống hài hòa với tạo vật xung quanh.
Rừng trúc mênh mông,/ tiếng đỗ quyên hót,/ trong ánh trăng nghiêng (Basho)
Trúc, đỗ quyên và trăng. Đó là ba nét chấm phá ấn tượng cho bức tranh mùa hạ. Với sự vi diệu của ngôn từ, nhà thơ có thể vẽ được cả tiếng chim hót lẫn ánh trăng nghiêng. Bài thơ này là một minh họa sinh động cho quan điểm nghệ thuật của phương Đông “Thi trung hữu họa”.
Dòng thác trong,/ giữa làn sóng bạc,/ trăng mùa hạ lên (Basho)
“Trăng soi đáy nước”(Thủy trung hữu nguyệt) là một đề tài của nghệ thuật thơ ca và hội họa truyền thống phương Đông, cũng là một biểu tượng cho quan điểm “vạn vật tương giao” trong triết học cổ đại phương Đông huyền bí. Và hình tượng kép đó đã trở thành một biểu tượng của cái đẹp truyền thống Nhật Bản. Y. Kawabata (Nobel 1968) cũng có một truyện ngắn nổi tiếng nhan đề “Thủy Nguyệt”. Có chủ quan không khi khẳng định đây là một trong những bài thơ trăng mùa hạ đẹp nhất của tam thiên thế giới hương trong thơ ca Nhật Bản?
Ôi con mực phủ,/ trong bẫy nằm mơ,/ dưới trăng mùa hạ (Basho)
Đọc bài thơ, ta vừa cảm thương, vừa cảm động, và vừa cảm phục con mực nhỏ bé kia. Con mực nghệ sĩ này cũng như con ve ca sĩ đáng yêu vừa nhắc đến trên kia, đã vượt qua được cái quy luật sinh tử nghiệt ngã của kiếp phù sinh, để an nhiên tự tại trước cái đẹp vĩnh hằng. Sống đích thực trong một khoảnh khắc là đẩy lùi cái chết, là xóa nhòa đường biên sinh tử luân hồi.
Buson - thi sĩ của mùa xuân- cũng từng thức trong đêm mùa hạ để lưu lại nhân thế một bài thơ đẹp về trăng:
Ngắn ngủi đêm hạ,/ dòng sông cạn,/ còn vầng trăng bạc.
Vũ trụ trong bài thơ mùa hạ ấy chỉ hội tụ về trong một vầng trăng. Buson còn là danh họa nên mỗi bài thơ của ông thường đẹp bởi sự trống vắng, giống như những bức tranh Haiga (bài họa) đơn sơ mà ấn tượng.
Kikaku - người học trò đầu tiên của Basho - lại tạo nên sự ngạc nhiên với sự xuất hiện của một vầng trăng non dại mùa hè trong sự tương phản giữa hai thái cực ồn ào và lặng lẽ.
Náo loạn chuồn chuồn,/ bỗng dưng lặng lẽ/ một vầng trăng non.
Sự xuất hiện bất ngờ trong tĩnh lặng tuyệt đối của vầng trăng làm cho không chỉ lũ chuồn chuồn bé nhỏ kia, mà cả vũ trụ bao la cũng hòa trong cái im lặng vĩnh cửu mang đậm cảm thức Sabi của Haiku truyền thống. Đó là khoảnh khắc cô tịch hiếm có của thơ Haiku về mùa hạ - mùa của sự náo nhiệt, ồn ào.
Shiki - người thổi sức sống mới cho Haiku thời cận đại (Shin-Haiku) - đã miêu tả một vầng trăng vừa có tính tả thực (Shasei) như phong cách nghệ thuật của ông, vừa mang tính biểu tượng sâu sắc.
Dù tan đi vỡ lại/ vầng trăng nơi đáy nước/ còn mãi.
Sẽ mãi còn những vầng trăng, những bài thơ Haiku bé nhỏ trên tay bạn, khi ngoài kia nắng gió đã sang mùa…
10 Tháng Tám, 2019
Hoàng Xuân Vinh
 Theo https://clbthohaikuviethcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...