Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022
XXXXXThơ tình bên sông của Hoài Quang: Nỗi đau xé lòng
Thơ tình bên sông của
Hồ Quang - bạn TRUNG HỌC BÌNH TUY - đã thành người thiên cổ.
Sinh thời, vào lúc cuối đời, Quang sống lang thang, cơ cực. Anh gửi tâm trạng u
uất vào sáng tác thơ văn và gửi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận, báo Bình
Thuận với bút danh Hoài Quang. Nhân mùa Phục Sinh, La Thụy đăng lại bài mình viết
về tập THƠ TÌNH BÊN SÔNG của Hoài Quang, như thắp lên nén nhang lòng tưởng niệm
người bạn giang hồ hiện giờ chắc đang lãng du vào vùng trời miên viễn.
Cơn đau quằn quại, cơn
đau buốt nhói, đeo đẳng mãi trong tim người lỡ phận, như dàn trải suốt tập thơ
THƠ TÌNH BÊN SÔNG, nỗi đau tuôn trào ra cả ngoại vật: "TIẾNG CHIM"
như cô liêu ai oán, "TRĂNG LẺ" đầy bàng bạc đơn côi, "CHIỀU
SAY" vàng vọt u sầu, "BIỂN"… thì thầm gợi sâu niềm nhớ. Và, "KHUYA" với câu kinh tiếng kệ không còn thanh thoát, làm lắng dịu
tấc lòng, trái lại từng hồi chuông mõ như khua động cuộc tình đau
XXXXXCảm nhận về vài địa danh ở vùng đất La Gi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo "La Gi đất xưa…" của Phan Chính
Cảm nhận về vài địa danh ở vùng đất
La Gi (Bình Thuận) khi đọc
tập sưu khảo
"La Gi đất xưa…" của Phan Chính
Nhận tập sách “Lagi Đất Xưa - Diện Hải Bối Lâm” do
anh Phan Chính tặng, tôi thật vui khi có món quà quý giá này. Nếu nơi chôn nhau
cắt rốn chính là quê hương, thì La Gi là quê hương yêu dấu của vợ và các con của
tôi. Riêng với tôi, La Gi là quê hương thứ hai, hơn nửa đời tôi đã dạy học,
sinh sống và nghỉ hưu tại đây. Đọc tập sưu khảo địa danh “La Gi Đất
Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, chúng tôi biết rõ thêm và yêu hơn mảnh đất quê hương
La Gi thân thương này.
Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” gồm
28 bài viết mà anh Phan Chính đã tập hợp từ các bài viết đã đăng rải rác trên
các tạp chí Xưa – Nay (của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), báo Bình Thuận, Tạp
chí Văn Nghệ tỉnh Bình Thuận. Tập sưu khảo này là tư liệu quý giá góp phần vào
yêu cầu nghiên cứu địa phương.
Cuốn sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” đã
cho ta biết lai lịch của một vùng đất tụ nghĩa, địa hình thiên nhiên, khí hậu,
thủy văn, tài nguyên thiên nhiên và địa bàn hành chính từ lúc sơ khai đến nay.
Đọc tập sưu khảo chúng ta tìm về cội nguồn: dấu xưa trên ngảnh Tam Tân, lý
lộ và dịch trạm ngày xưa. Đọc tập sưu khảo này chúng ta hiểu thêm về đặc trưng
tính cách con người La Gi, chúng ta càng thích thú khi thưởng ngoạn các di tích
thắng cảnh như Đập Đá Dựng, Hòn Bà, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, di tích Dốc
Ông Bằng, các hoạt động văn hóa giáo dục như trường lớp ngày xưa, báo chí tỉnh
lẻ trước năm 1975, chuyện xưa mùa lễ hội…
Tập sưu khảo mang tựa đề “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối
Lâm”, – Diện Hải Bối Lâm là cụm từ được anh Phan Chính trích từ câu đối của các
cựu quan thời Nguyễn để lại, qua lời truyền khẩu của các bậc cao niên địa
phương:
“La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, sa bà thế giới,
nông trang khả đạt
Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh hậu Nguyễn, thảo muội kinh
doanh, công nghiệp dĩ thành”.
Dịch ý:
La Di đất đồng bằng, mặt giáp biển, lưng tựa rừng, thế giới
sa bà, nghề nông có thể được
Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, khai
khẩn lúc còn hoang vu, sự nghiệp thành công.
Để ấn hành tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối
Lâm”, chắc hẳn anh Phan Chính đã dày công sưu tầm tài liệu, tham khảo qua nhiều
nguồn, như tìm đọc các văn bản xưa nay, xem các câu đối, nghe văn chương truyền
khẩu, truyền thuyết, và đi thực tế tìm gặp các bậc cao niên thức giả gốc người
địa phương để trò chuyện, để tích lũy kiến văn. Đọc, chọn lọc và dành nhiều tâm
huyết để viết, anh Phan Chính đã cho ra mắt tập sưu khảo. Tập sưu khảo “La
Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” thật cần thiết, không những cho riêng người
dân La Gi, mà còn góp phần cho kho tư liệu địa phương tỉnh Bình Thuận và cho giới
học thuật nước ta khi biên khảo, tìm hiểu về La Gi.
(Chẳng hạn: Ông Nguyễn Khôi, 79 tuổi, Hội viên Hội Nhà văn Hà
Nội, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam
(1990-2000), ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
(khóa 2), sau khi ông Nguyễn Khôi đọc bài “Âm và ngữ nghĩa về địa danh La
Gi” (bài thứ hai trong tập sưu khảo) do tôi gõ phím post lên facebook chia
sẻ với bạn bè, ông Nguyễn Khôi đã gởi email nhờ tôi liên hệ với anh Phan Chính
để hỏi xem có một quyển để đọc và tham khảo, dù chỉ là quyển sáchphotocopy).
Đọc tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi
thật tâm đắc với kiến giải của anh Phan Chính:
La Gi là một địa danh khá lạ từ cách viết, cách đọc.
Trong Đại Nam Nhất Thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm
1882, và trước đó trong châu bản “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn
Thông năm 1877, đã từng đề cập đến địa danh La Di, ghi theo biểu tra chữ Hán
thì chữ La nghĩa là lưới, Di là nước nhỏ. ChữDitrong chữ Hán này viết theo chữ
quốc ngữ hiện hành là Di (Dê I di)… Từ La Di cũng không thể
là từ Hán Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ,
La Giang, La Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con
sông La Gi tức Sông Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa
danh này có nguồn gốc của dân tộc miền núi hoặc… Với nhiều căn cứ có thể xác định
các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn
Đình Đầu)
Trong bản đồ hành chính thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Thuận
trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản
hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn
tại đến bây giờ ”. Trong quá trình cộng hưởng ngôn ngữ với người dân bản địa đã
được Việt hóa trở thành ngữ âm địa phương, rồi ghi chép lên bản đồ hoặc có phần
do người dịch để phục vụ cho yêu cầu hành chánh đã làm sai lệch nguyên ngữ… Đây
là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một tên gọi
địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh... Có thể coi địa
danh La Di với La (ngữ âm người Chăm) với thành tố của Di (chữ
Hán), về mặt ngữ âm La kết hợp với ngữ nghĩa Di tưởng chừng
vô lý nhưng thực tế có nhiều địa danh đã hình thành từ trường hợp đó. Do đó rất
dễ nhầm lẫn nếu chỉ căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải,
suy luận. Trong đó, địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại
thông thường, cũng không theo tiêu chí tự nhiên.(tr. 16 – 22).
Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến cách phát âm có khác
nhau. Với dân bản xứ hoặc đã sống lâu năm ở đây đã quen đọc La Gi là "la
di" hoặc /la zi/. Nhưng, với người ở xa đến, kể cả phát thanh
viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương đọc địa danh La Gi là “la-ghi”…
“La Gi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, là tập sưu khảo, địa
danh, vì vậy tôi xin mạn phép được bàn qua địa danh La Gi. Theo thiển ý của
riêng tôi, Tiếng Việt hiện hành đang sử dụng mẫu tự La tinh để ghi. ÂmG nếu
đứng trước các nguyên âm A, Ă, Â, O, Ô, Ơ, U, Ư đọc là “gờ”, các
cô giáo lớp 1 khi dạy cho học sinh thì hướng dẫn là “Gờ đơn” để phân
biệt với “Gờ kép” được viết bằng 2 con chữ GH (GHI đọc
là "ghi"). Nếu âm G trước nguyên âm I thì Gi đọc
là /Zi/ như gió, giếng, giun, giẻ, già… Như vậy, La Gi đọc
là /la zi/. Nếu thêm dấu huyền vào hai tiếng LA GI thành LÀ
GÌ (đánh vần la huyền là, gì huyền gì) LÀ GÌ đọc "là
gì" có ai đọc "là ghì" đâu !
"Về chữ viết từ La Di thành Lagi có từ khi Pháp đô hộ cầm
quyền, căn cứ vào ngữ âm, chữ Hán Nôm ghi trên bản đồ triều Nguyễn và được
phiên âm để dùng làm địa danh hành chánh." (Phan Chính)
Người Pháp đọc chữ D thành Đ (đê), nếu
ghi thành LA DI theo mẫu tự La Tinh, thì người Pháp sẽ đọc là "la
đi"
Vì vậy, người Pháp đã căn cứ theo âm Hán Việt LA DI để
viết thành Lagi đọc theo tiếng Pháp, cho gần sát với âm bản ngữ
địa phương /la zi/ hoặc /laji/. Trong tiếng Việt, Chữ G nếu
đứng trước các nguyên âm E, Ê, I mà đọc là “gờ” thì phải
được viết bằng 2 con chữ GH mà các giáo viên dạy hs lớp 1 gọi
là “Gờ kép”. Tiếng Pháp cũng được ghi bằng mẫu tự La Tinh. Tương tự như
cách ghi âm tiếng Việt, chữ G nếu đứng trước các nguyên âm A, O,
U đọc là “gờ”, nhưng chữ G đứng trước các nguyên âm E,
Ithì GE đọc là /je/ /jơ/, GI đọc là /ji/ nghe
gần giống /ze/, /zơ/, /zi/, chẳng hạn: áo gilet đọc là /ji
lê/;gène/jen/, nhưng khi đọc là “gờ” thì trong tiếng Pháp, chữ G ghép
với chữ U, tương tự như trong Việt chữ G ghép với chữ H chẳng hạn: Guillaume Apollinaire
đọc là "ghi zôm", la guerre (chiến
tranh) "la ghe"
Xin nói thêm, về việc người Pháp ghi trên bản đồ hành chính
thời Pháp thuộc cho gần sát với âm bản ngữ địa phương. Địa danh Kê Gà họ ghi
là Kéga. Chữ é người Pháp đọc là ê, nhưng nhiều người kể cả
phát thanh viên các đài Phát thanh- truyền hình trung ương không rành tiếng
Pháp đọc là ké ga (k, e, ke, sắc>ké). Kéga đọc theo tiếng
Pháp với âm ngang ngang là "kê ga", nếu đọc lên bổng xuống trầm,
nhấn giọng ở “ké”, hạ giọng ở tiếng “ga” thì Kéga đọc gần
như Kê Gà trong tiếng Việt.
Đọc những bài “Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại”,
“Chuyện xưa mùa lễ hội”, “Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà” trong tập sưu khảo “LaGi
Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm”, tôi bỗng thích thú nghĩ đến những cụm từ ngồ ngộ “La
Gi là g씓La Gi, ly gia” và nảy sinh một tứ thơ vui, mượn lời du khách phương
xa đến La Gi thắc mắc về những địa danh thật lạ lùng với họ:
LA GI
Chưa đi chưa biết La Gi
Đi rồi cứ hỏi là gì hở em?
Rùa kia mu cứng hay mềm
Hòn Bà sao lại là tên đảo rùa?
Núi Ông chẳng lẽ chào thua
Ly gia chẳng được phân bua một lời
Kê Gà đèn biển chọc trời
Đề huề Hán Việt cùng ngồi cạnh nhau
Tiếng KÊ tên gọi của Tàu
Còn GÀ tên Việt... chụm đầu giao duyên!!!
Tới đây lạ nước lạ miền
Nghe danh Thầy Thím hiển linh cứu
đời
Xin cho được hỏi ít lời
THẦY nam THÍM nữ? Ngát trời khói hương
Tập sưu khảo “La Gi Đất Xưa - Diện Hải Bối Lâm” của
tác giả Phan Chính là một tập sách hay, với những tư liệu quý giá góp phần vào
yêu cầu nghiên cứu địa phương. Người La Gi nếu ai cũng có quyển sách trong tay
thì hữu ích vô cùng.
29/3/2022 La Thụy
29/3/2022
XXXXXCảm xúc cành củi mục, thơ Xuân Ly Băng
Cảm xúc cành củi mục,
thơ Xuân Ly Băng
Có lẽ Xuân Ly Băng là nhà thơ công giáo được người yêu thơ biết
đến nhiều nhất, sau Hàn Mặc Tử. Xin giới thiệu bài thơ CÀNH CỦI MỤC in trong tập
thơ “KINH SẦU TRÊN QUÊ HƯƠNG” của nhà thơ Xuân Ly Băng (tức Đức Ông Linh Mục
J.B.Lê Xuân Hoa) qua cảm nhận của La Thụy.
Mấy hôm nay đang bâng khuâng với sự thay đổi đột ngột của thời
tiết (đang rét căm căm đó, thoắt cái đã hừng hừng lên lửa nóng) chợt đọc bài
“CÀNH CỦI MỤC” của nhà thơ Xuân Ly Băng, in trong tập thơ “KINH SẦU TRÊN QUÊ
HƯƠNG”, lòng tôi càng bâng khuâng hơn với sự biến ảo vô thường của nhân sinh,
được thi nhân cảm hoài qua những dòng thơ mượt mà, êm dịu nhưng thật đậm nét
suy tư triết học.
Vâng, chỉ một một cành củi mục đang bập bềnh trên sóng
nước được vớt lên; chỉ một chiếc lá úa vàng lơ lửng vô định theo dòng được bắt
về ; chỉ những sự việc bình thường như muôn vàn sự việc bình thường khác, nhưng
bằng sự rung cảm thật tinh tế, thi nhân như lắng nghe, như chiêm niệm được bao
tiếng khóc than bi ai của lá cành u uất
Ta sẽ nghe tiếng hồn ai thổn thức
Lệ trào tuôn than khóc ngậm ngùi
Cành củi mục, chiếc lá úa của giây phút bắt gặp, lại trào
dâng trong hồn thi nhân một nỗi sầu thăm thẳm, một niềm cảm khái mênh mang. Với
thi nhân, cành củi mục, chiếc lá tàn úa không như chúng đang hiện hữu một các
khốn khổ, mà là đã là hóa thân của một thời dĩ vãng rực rỡ, của một tiền kiếp
vàng son. Những “rác rưởi” này, phải chăng tiền thân của chúng đã có lúc là
“cành vàng lá ngọc”, từng được nâng niu trân trọng, từng được sùng bái suy tôn,
từng một thời hãnh tiến ngạo nghễ:
Phải chăng xưa một cành đào diễm lệ
Chỗ vương môn mơn trớn vạn bàn tay
Phải chăng xưa một bông hồng ão não
Che mặt người hoa đẹp chồn lầu tây
Chiếc lá trôi phải chăng là ngọc diệp
Đã từng nghe chuyện tài tử giai nhân
Đã từng nghe những lời tình thống thiết
Chỗ sang giàu của những Mạnh Thường Quân
Nhưng than ôi! Đời thực vô thường, ngày vui qua nhanh, hạnh
phúc rồi vụt biến như bóng câu qua cửa sổ. Ai vương hầu khanh tướng, quyền uy một
thời nghiêng trời lệch đất; ai lầu son gác tía tài hoa sực nức phương danh… Bây
giờ trôi dạt về đâu ? Liệu còn sót chăng được nắm xương tàn vùi trong cỏ đất,
hay rồi cũng tan theo bụi cát phù vân.
Nhưng
than ôi gió thời gian quét sạch
Hồn thảo
thu man mác bóng tà dương
Khiến
bao nhiêu cành vàng cùng lá ngọc
Dạt về
đâu trên mảnh đất vô thường
Xác thân, chỗ ẩn náu xưa, giờ đã thành tro bụi; không nơi sở
trú linh hồn có tan biến, rữa nát theo chăng? Không! “sống gởi thác về!”. Nhưng
về đâu hỡi những vong hồn than khóc kia:
“Ta đi nhưng biết
về đâu chứ
Đã đẩy phong yên lộng
bốn trời”
Nguyễn Bính
Về cõi vĩnh hằng chăng ? Làm sao đặng, chốn cực lạc thiên đường
chỉ dành cho những linh hồn được siêu thoát, vinh thăng. Hỡi những oan hồn, làm
sao mà siêu thoát, mà nhẹ bay về nơi vĩnh cửu, khi mà đang tại thế, ta không dọn
kỹ đường về. Phải chăng vì thế nên những oan hồn vất vưởng nhập vào sông nước
mênh mang, phơ phất theo bờ lau bụi cỏ, rền rĩ cùng côn trùng đêm vắng, tỉ tê
theo nhịp chèo khua sóng dậy; làm não lòng người nghệ sĩ đa cảm khi ngắm bóng
non xa - những chiều hôm; càng não lòng hơn, nếu là nghệ sĩ già đang thổn thức
trước hoàng hôn xế bóng đời người
Hình
hài có biến hồn không tan
Khắp mặt
đất này đi lang thang
Vướng
vào cây cỏ, vào sông nước
Khiến
tiếng chèo khua nghe bẽ bàng
Và người
nghệ sĩ những chiều hôm
Ngắm
bóng non xa bỗng thấy buồn
Trời
không mưa gió không tiễn biệt
Mà thấy
trong lòng giọt lệ tuôn
Hỡi vong linh cành lá u uẩn ! Hỡi hồn tài tử giai nhân phiêu
bạt! Chưa bị vào hoả ngục đọa đày thì đường về chưa tuyệt bóng mù khơi đâu nhé!
Tạm phiêu phiêu phưởng phưởng trong chốn luyện hình bao la này, có hoài niệm
quá khứ cũng là lẽ thường. Nhưng xin đừng chỉ nuối tiếc, than khóc cho “một thời
vang bóng” đã mù xa. Khóc than mãi cũng chỉ phí hoài. Quá vãng tuy lộng lẫy thật,
nhưng chắc gì những bậc thang vàng son mình từng leo lên đó, đã không từng bắc
chồng trên sự khổ đau, tủi nhục của kẻ khác “Nhất tướng công thành, vạn cốt
khô”! Thôi, ngàn xưa đang sừng sững bóng lũy sầu chắn ngang, ngàn sau đang
vẫy gọi, đang độ lượng chờ mong. Xin hoài niệm dĩ vãng bằng quỳ gối suy gẫm, bằng
hối tiếc, ăn năn…
Thôi đừng
khóc nữa lá cành ơi
Có khóc đời
cũng thế mà thôi
...............................................
...............................................
Không gian tuy mênh mông vô tận, thời gian tuy hun hút vô
cùng, nhưng trong sự vô cùng vô tận đó vẫn hiện hữu sự vĩnh hằng sáng chói.
Trong ly rượu nồng thơm ngọt ngào, vẫn còn có dư vị đắng cay, hăng hắc mùi ngãi
cứu. Mâu thuẫn và nghịch lý thay! Nhưng cũng thật kỳ diệu và chân lý thay! Vị đắng
để đời như một thiên ân trìu mến dịu nhắc thế gian rằng đừng quên cội nguồn chính
mình, và lầm lỗi tổ tông còn đang hằn dấu trong thân phận làm người:
Vì trong thời gian có vĩnh cửu
Trong ly rượu nồng
có mùi ngãi cứu
Vị đắng đót sẽ còn
lại muôn năm
Là lộc trời để nhắc
nhở xa xăm
Cành củi mục kia ơi! Đừng bi lụy nữa, hãy hiến chút thân
tàn, cố bừng lên đóm lửa để soi sáng sưởi ấm cho đời. Chiếc lá vàng khô này hỡi,
cứ nhịn nhục ép mình trong trang giấy làm tiêu bản kỷ niệm, đẹp nét đan thanh
hay phân hủy đi biến thành dưỡng chất, bón cho cây đời được xanh tươi.
CÀNH CỦI MỤC
Khi vớt lên một cành củi mục
Và bắt về chiếc lá vàng trôi
Ta sẽ nghe tiếng hồn ai thổn thức
Lệ trào tuôn than khóc ngậm ngùi
Phải chăng xưa một cành đào diễm lệ
Chỗ vương môn mơn trớn vạn bàn tay
Phải chăng xưa một bông hồng áo não
Che mặt người hoa, đẹp chốn lầu Tây
Chiếc lá trôi chẳng phải là ngọc diệp
Đã từng nghe chuyện tài tử giai nhân
Đã từng ghi những lời tình thống thiết
Chỗ sang giàu của những Mạnh thường quân
Nhưng than ôi gió thời gian quét sạch
Hồn thảo thu man mác bóng tà dương
Khiến bao nhiêu cành vàng cùng lá ngọc
Dạt về đâu trên mặt đất vô thường
Hình hài có biến, hồn không tan
Khắp mặt đất này đi lang thang
Vương vào cây cỏ vào sông nước
Khiến tiếng chèo khuya nghe tiếng bẽ bàng
Và người nghệ sĩ những chiều hôm
Ngắm bóng non xa bỗng thấy buồn
Trời không mưa gió không tiễn biệt
Mà thấy trong lòng giọt lệ tuôn
Thôi đừng khóc nữa lá cành ôi
Có khóc đời cũng thế mà thôi...
Vì trong thời gian có vĩnh cửu
Trong ly rượu nồng có mùi ngải cứu
Vị đắng đót sẽ còn lại muôn năm
Là lộc trời để nhắc nhở xa xăm.
Xuân Ly Băng
24/2/2022La Thụy
XXXXĐọc hai bài thơ hay "La Vang đất mẹ" của Xuân Ly Băng và "Tha la xóm đạo" của Vũ Anh Khanh
Đọc hai bài thơ hay "La Vang đất mẹ"
của Xuân Ly Băng và "Tha
la xóm đạo"
của Vũ Anh Khanh
Tập sách NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM do L.M.
Nguyễn Thiên Cung và nhà thơ Trần Vạn Giã sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn
(Phương Đông xuất bản - 2011), có đăng một bài của La Thụy viết từ năm 1999 dưới
tên Ngô Minh (trang 201 - trang 207). Được tặng sách nhân ngày ra mắt (ngày
13/02/2012, tại khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - 37 Kỳ Đồng - Quận 3 - TP
HCM), La Thụy đăng tải lại bài viết này, có bổ sung thêm gần như toàn văn bài
thơ THA LA XÓM ĐẠO của nhà thơ Vũ Anh Khanh, đồng thời chỉnh lại tên tác giả là
La Thụy để khỏi bị nhầm lẫn bút hiệu cũ của mình với nhà văn Ngô Minh trong Hội
Nhà Văn Việt Nam.
Từ thời còn là học sinh, tôi đã rất đỗi mê say khi đọc bài
thơ Tha La Xóm Đạo của nhà thơ Vũ Anh Khanh - Bài thơ viết về một xóm
đạo thanh bình, êm ả đẹp như mơ bị giặc Pháp tàn phá gây tang tóc - Trước cảnh
quốc phá gia vong, từng người dân Tha La đã bỏ lại tất cả ra đi, cầm vũ khí chống
giặc thù cho quê hương trở lại hồi sinh. Thật hạnh phúc cho tôi, khi tìm lại được
cảm giác ngất ngây, mê say ấy khi đọc bài thơ La Vang Đất Mẹ của nhà
thơ Xuân Ly Băng (in trong tập “Kinh Sầu Trên Quê Hương”).
Cũng bằng một thể thơ trường thiên phá thể, cùng bằng một chất
giọng tự sự, cùng bằng những nhịp điệu bi tráng khi khoan khi nhặt, La
Vang Đất Mẹ cùng Tha La Xóm Đạo của hai nhà thơ Xuân Ly Băng và
Vũ Anh Khanh đã làm cho cảm xúc, tâm tình của người đọc như tan hòa, đồng nhất
cùng giọng thơ kể đượm tình: khi bâng khuâng man mác, khi ứa lệ thương đau hoặc
khi rộn rã hoan ca theo từng diễn biến sự kiện. Có lẽ do sống cùng thời với
nhau nên chắc hai nhà thơ đã có sự đồng cảm và giao thoa trong nghệ thuật thi
ca với nhau.
Tuy nhiên, do không gian và thời gian cảm tác khác nhau, do bối
cảnh lịch sử của hai câu chuyện khác nhau, nhất là do cảm quan và góc nhìn hai
tác giả của hai bài thơ nói trên khác nhau, nên nội dung và kết cấu của hai nhà
thơ thật khác biệt nhau.
Là người khách qua đường, Vũ Anh Khanh đã ngây ngất trước vẻ
đẹp thuần khiết, an bình của xóm đạo Tha La nên đã để cảm xúc trào tuôn:
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây
lành
Tôi về thăm một dạo….
Giữa mùa nắng vàng
hanh
Vì thế tác giả đã thực sự uất nghẹn, khi lần trở lại Tha La,
nhìn thấy xóm đạo tang tóc điêu linh trong khói lửa chiến tranh do giặc Pháp gây
nên. Xóm đạo Tha La lúc này hiện lên thật bi thương qua những vần thơ gợi cảm
xúc mạnh:
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
Đây rừng xanh, rừng
xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc
tranh,
Gió đùn quanh mây trắng
Và lửa loạn xây thành.
Viễn khách ơi! Hãy dừng
chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo
rưng rưng
Đây Tha La, một xóm đạo
ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành
im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ
gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn
khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi!
Có ai chờ
Ai đưa đón?
Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là
bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón
tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng
lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài
trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn
ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa
máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách
bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: - Khách buồn
nơi đây vắng?
- Không, tôi buồn vì mây
trời đây trắng!
- Và khách buồn vì tiếng
gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió
nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn
rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo
von tiếng địch
- Thôi hết rồi! Còn chi
nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng
trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến
trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não
nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất
buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất
buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng
dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn
ngơ người hiu quạnh
- Thôi hết rồi! Còn chi
nữa Tha La !
Nhưng là lương dân ngoại đạo, là chiến sĩ Vệ quốc nên Vũ Anh
Khanh thật dễ dàng khi viết:
Lạy Đức
Thánh Cha
Lạy Đức
Thánh Mẹ
Lạy Đức
Thánh Thần
Chúng con
xin về cõi tục để làm dâ
Rồ ... cởi
áo tu
Rồi... xếp
kinh cầu nguyện
Thênh thang
nhẹ bước về trần
Chắc gì người dân xóm đạo Tha La thanh thản “nhẹ bước về
trần”? Không! Để làm tròn trách nhiệm con dân thời chiến, họ ắt hẳn quặn lòng đớn
đau khi từ giã mọi điều yêu thương: gia đình, giòng sông, bến nước, xóm làng
quê hương… và chắc chắn họ càng “nặng trĩu” cõi lòng hơn khi phải tạm
gác công việc thiêng liêng sớm tối: “tiếng kinh cầu vang vọng” và “ơn
tu nguyện hằng ngày”. Đúng, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”,
không thể mặc cho giặc thù giày xéo quê hương, người dân Tha La cương quyết dứt
áo ra đi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng họ chỉ “từ giã” chứ
không có “từ bỏ” vì “ra đi” chính là khởi điểm cho “quay
về”. Vâng, họ mơ ngày về trên quê hương sạch bóng quân thù; xóm làng lại yên ả
thanh bình trong trái ngọt cây lành, trong tiếng kinh cầu an lạc như thưở nào.
Xa hơn nữa họ mơ ngày về miền Đất Hứa, chốn Vĩnh Hằng thân yêu cho Đời Sau mà tổ
tiên loài người - ông Adam và bà Eva đã gạt nước mắt “ra đi” trước
đây.
Cho nên dù không còn mặc áo tu, không cầu kinh thường xuyên,
chắc hẳn người dân Tha La vẫn mãi ấp ủ trong tim từng câu kinh nguyện thầm lặng.
Có lẽ khi dùng cụm chữ “nhẹ bước về trần” nhà thơ Vũ Anh Khanh chỉ “cách
điệu hóa” sự quyết tâm của người dân Tha La khi họ sẵn sàng lên đường đền
nợ nước. “Tha La xóm đạo” được bắt đầu bằng hình ảnh mơ mộng của xóm
Đạo thời bình và kết thúc bằng hình ảnh tang thương của xóm Đạo trong lửa loạn
chiến tranh và những vần thơ hào khí ngút trời được bốc lên từ tận đáy tâm khảm
của tác giả Vũ Anh Khanh:
Đây mênh mông xóm
đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng
trên đầu viễn khách
Khách bước nhẹ
theo con đường đỏ quạch
Gặp cụ già đang
ngóng gió bâng khuâng
Đang đón mây xa -
Bỗng khách ngại ngần
- Kính thưa cụ vì
sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười
rung rinh râu trắng
Nhẹ bảo chàng: “Em
chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói
loạn phủ mịt mù
Người nước Việt ra
đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha
La đã biết
Thương giống nòi đất
nước lầm than"
Trời xa xanh, mây
trắng nghẹn ngàn hang
Ngày hiu quạnh: Hờ…
ơ… ơ tiếng hát
Tiếng hát rằng :
Tha La giận mùa thu
Tha La hận quốc
thù
Tha La hờn quốc biến
Tha La hờn tiếng
kiếm
Não nùng chưa :
Tha La nguyện hy sinh
Ờ... Ơ... hơ... Có
một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một
chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám
Chiên lành run rẩy:
- Lạy đức Thánh
Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về
cõi tục để làm dân...
Rồi... cởi trả áo
tu,
Rồi... xếp kinh cầu
nguyện
Rồi... nhẹ bước trở
về trần...
Viễn khách ơi ! Viễn
khách ơi !
Người hãy ngừng
chân,
Nghe Tha La kể,
nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung
lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ
đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm
sự?
Buồn làm chi cho bẽ
bàng!
Ờ... Ơ... Hơ...ờ...
ơ hơ... Tiếng hát;
Rung lành lạnh,
ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh,
não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người
viễn khách quá đi thôi!
***
Khách ngoảnh mặt
nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như
trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng
lá rừng bay...
Giờ khách đi . Tha
La nhắn câu này :
- Khi hết giặc,
khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây
lành
Tha La dâng ngàn
hoa gạo
Và suối mát rừng
xanh
Xem đám Chiên hiền
thương áo trắng
Nghe trời đổi gió
nhớ quanh quanh...
(VŨ ANH KHANH)
Ngược lại, La Vang Đất Mẹ , ngoài phần tả cảnh nên
thơ ở phần dẫn nhập thì diễn biến câu chuyện khởi đầu là sự ly tán tha hương,
là sự lưu vong tủi nhục của những người dân Chúa và kết thúc bằng những hình ảnh
diễm ảo siêu huyền của một Thánh địa vang danh. Là thi sĩ công giáo nên Xuân Ly
Băng đã viết về La Vang - nơi Đức Mẹ hiển linh cách đây hơn 200 năm - với tấc
lòng bái vọng thành kính, nên La Vang Đất Mẹ có chất liệu thơ nghiêm cẩn, hoành
tráng và mang tính sử thi hơn. Bài viết này chỉ xin nêu lên vài cảm nhận về bài
thơ hay La Vang Đất Mẹ ít được phổ biến của nhà thơ Xuân Ly Băng.
Vâng, xin hãy dọn mình để cùng thi sĩ Xuân Ly Băng thả hồn
vào khung cảnh thơ mộng của miền Đất Thánh thiêng liêng trong nhạc điệu trầm bổng
du dương và lời kể chuyện của cây lá xạc xào:
Đây, La Vang,
Thánh địa
Dừng bước lại
khách ơi
Khách có nghe tiếng
gió rít ở chân đồi!
Lời kể lể rừng hoa
sim lá rụng
Khách có nghe nhạc
thùy dương lồng lộng!
Suối tre vàng theo
gió chảy chiều mơ
Khách có nghe sớm
chiều chuông ca hát!
Rất ngọt ngào ru
tình mẹ, khách ơi!
Nào ai biết rằng có được miền đất lành chim đậu hôm nay, những
người dân Chúa đã phải trải qua bao gian truân khổ ải trong máu và nước mắt của
một thời “sát tả” thương đau trên khúc ruột miền Trung đất Việt ai oán nỗi niềm,
họ đã phải dắt dìu nhau lưu vong trên con đường vô định mông lung
Có một thời
(Chuyện gần hai thế
kỷ)
Khách ơi!
Dừng chân tôi kể một
lời khách nghe
Truyền rằng: thuở ấy
Sơn Khê
Tương tàn cốt nhục
tư bề gươm đao!
Trách ai đồn chuyện
tầm phào
Buồn người nông nổi
gây bao thương tình
Thừa Thiên, Quảng
Trị, Quảng Bình…
Lệnh truyền sát tả,
não tình dân con
Xương trắng bãi,
máu loang cồn,
Xóm làng tan nát,
Thánh đường tiêu ma !
Đau lòng trẻ, khổ
thân già
Eo óc tiếng gà dắt
díu nhau đi !
Con đường vô định
biết chi,
Cây đa bến cộ biết
khi nào về ?
Nắng mưa sương gió
dãi dề
Ôm cây Thánh Giá
lòng tê tái lòng !
Ôi ! Biết bao nước mắt và máu đã tuôn đổ trên con đường lưu
vong mờ mịt ấy, nhưng đoàn dân Chúa vẫn kiên trì nhẫn nại nhận lấy thử thách
cam go, một lòng kiên trinh hướng về Thiên Chúa ngôi cao, họ đồng tâm thành khẩn
dâng lên lời kinh nguyện trong suối lệ chan hòa tại La Vang - nơi tạm trú chân
của bầy chiên phiêu bạt:
Bỗng một hôm chiều rừng
Âm u đàn gió lá
Có đoàn người là lạ
Thiểu não kéo về đây
Trên trời có đám mây bay
Đồi hoa sim tím hương
bay ít nhiều
Rồi từ đó chiều chiều
Rồi từ đó đêm đêm…
Rừng vang lên lời kinh
nguyện
Nhạc lên rung khí quyển
Suối lệ chảy chan hoà
Náo động cả gần xa
La vang cùng sông núi!
Lòng thành của đoàn dân Chúa làm cảm động đến trời cao, sự mầu
nhiệm đã phát sinh: Đức Mẹ anh linh hiển thánh, ơn trọng thiêng liêng được ban
phát, vỗ về:
Một đêm kia, khách hỡi
Có bà áo trắng hiển linh
Huy hoàng bên một cỗ
đình cành đa
Tay tiên ẵm Chúa nõn nà
Hào quang thiên sứ giãi
ra một vùng…
Miệng Bà ngọt ánh trăng
trong
“Các con ơi cứ vững lòng
cậy trông
Truân chuyên nhận lấy
vui long
Lời kinh Mẹ dạy đã ghi tấc
vàng
Ơn trời Mẹ sẽ trao ban
Cho ai biết đến kêu van
nơi này
Các con bẻ lá vườn cây
Đem về gia dụng thấy
ngày diệu linh
Dứt lời Bà mới biến hình
Bâng khuâng gió tiễn
hương trinh về trời
La Vang, từ đây không còn là nơi hoang dại âm u đầy lam sơn
chướng khí mà trở nên vùng đất thánh thiêng liêng phong cảnh hữu tình, được
giáo hội tôn xưng là Vương cung Thánh đường cho toàn thể dân Chúa trên thế giới
đến chiêm bái, ngưỡng vọng. Hằng năm, giáo lương trong cả nước (nhiều khi cả
khách quốc tế nữa) tấp nập tìm về hành hương, miền Đất Thánh lại rộn rã hân
hoan trong cuộc rước kiệu “Đức Mẹ La Vang” để mọi người cùng hợp lòng xưng tụng
thánh danh Đức Mẹ sáng cả trên trời và dưới thế
Rồi từ đó, khách
ơi
Đoàn di cư tị nạn!
Lập nương rừng, đốn
cây làm gỗ lán
Xây dựng lại cuộc
đời
Ơn thiêng liêng đã
lãnh bởi trời,
Nguồn sinh lực hào
hùng khôn xiết kể
Non nước này là của
riêng Đức Mẹ
Danh tiếng đồn khắp
núi sông gần xa
Lộc trời xuống tựa
sương sa
Giáo lương tấp nập
bao la hội về
Rừng già chứng
chuyện năm tê
Đêm đêm trút lá nằm
nghe ơn lành
Đồi hoa sim tím trở
mình
Chiều mơ lại thấy
hiển linh năm nào?
Khách nhìn lòng thấy
nao nao
Dừng chân Thánh địa
bước vào cửa thiêng
Mênh mông nắng đẹp
siêu huyền
(XUÂN LY BĂNG)
Bài thơ La Vang Đất Mẹ như là viên ngọc lấp lánh nhưng được cất
kỹ, không được phổ biến nên ít ai biết để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của
chất ngọc quý un đúc từ lòng sùng tín mộ đạo của Xuân Ly Băng - một thi sĩ công
giáo tài hoa - thì thật là đáng tiếc.
23/2/2022 La Thụy
23/2/2022
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Ký sự miền Tây lục tỉnh
Ký sự miền Tây lục tỉnh Đầu năm Kỷ Hợi (2019) nhóm bạn cũ của chúng tôi tại Sài Gòn và vùng lân cận tổ chức chuyến đi VỀ MIỀN TÂY Nam bộ. Ri...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Qua bài thơ "Không đề" hiểu thêm tính sâu sắc của Văn Cao Nếu như ai đã từng thả bộ trên đôi bờ của một con sông, sẽ thấy mỗi b...