Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

XXXXXKhép cửa vô thường - Một "đoản khúc" hay của nhà văn Từ Sâm

Khép cửa vô thường - Một "đoản khúc"
hay của nhà văn Từ Sâm

Một sáng gần Xuân, bắt gặp một “đoản khúc” của nhà thơ Từ Sâm có tựa “Khép cửa vô thường” mà lòng bừng nắng ấm.
Cái tựa bốn chữ như một tuyên ngôn tâm linh cho đời sống, có lẽ đúng hơn là cho tháng ngày phía trước, chặng còn lại của một kiếp nhân sinh.
Chúng ta không thực biết rõ hoàn cảnh và tâm thế câu tuyên ngôn kia để thông báo về một sự chấm dứt trong cõi thế, hay, có thể là một lời hùng ca ngạo nghễ dành cho người chiến thắng chính số phận và những ràng buộc phiền não của vô thường ngày tháng đang qua.
“Đoản khúc” - như lời của tác giả, chỉ vỏn vẹn mấy câu, hai mươi tám chữ thật trùng với ngũ canh cho một đêm đoạn trường và nhị thập bát tú lung linh đâu đó trong mỗi chúng ta. Chỉ ít câu, cho nên xin mọi người hãy đừng vội vã, cứ thong thả thưởng thức:
Giữa bình xuân một nhành mai nhỏ
người trao người
để gió trao hương
căn phòng vắng, người đi xa mãi...
để mùa xuân khép cửa vô thường
        Hãy bắt đầu bằng một bức tranh tĩnh vật rất đẹp. Nói rất đẹp vì nó giản dị đến...vô thường. Chúng ta thử xem cái bức tranh giản dị ấy có gì. Một “bình xuân”. Hay quá. Nhà thơ lấy cái thực hữu chứa cái cảm niệm. Tôi như thấy cái bình gốm đó đã từ đất, từ nước, nung trong lửa, với tiếng reo của gió mà hình thành. Và một tứ đại của đất - nước - gió - lửa trong càn khôn bao la đang hiện hữu một cách đầy đủ và trọn vẹn. Vì thế nó chứa và không những có thể chứa (mùa) “xuân”, mà nó đã thể nhập vào xuân rồi.
Giữa “bình xuân” đó có gì? Xin chú tâm một khắc nơi chữ “giữa”. Nghĩa của “giữa” là chính tâm, và chúng ta sẽ thấy sự vi tế lắng sâu trỗi dậy. Tiếp tục nhé, ta thấy “một nhành mai nhỏ”. Đẹp thay. Chỉ môt cành mai, và “nhỏ” thôi. Cành mai nhỏ đó, vẻ đẹp đó, như hoát nhiên bừng khai ngay “giữa bình xuân”, cũng là ngay tâm của tứ đại. Nhà thơ chẳng nói đến một bông, một nụ mai nào. Có lẽ để cho người ta cứ tự nhiên mà tưởng, tự nhiên mà cảm thọ tuỳ theo tâm sở của mình trong cái bất tận vẻ đẹp của xuân.
Đất nước gió lửa hợp duyên, một cành mai đã lìa cội, khổ đau và ly biệt chăng? hãy tiếp tục với câu thứ hai.
" người trao người", xin như thế, hãy như thế; đã như thế, và, cứ như thế. Là người, hãy trao nhau những gì về người, cho người và vì người. Đẹp lắm con người, loài giác tình có thể chuyển biến thân tâm để ngát hương cho mình, cho người và vạn vật. Gió sẽ trao hương, tự nhiên thôi,   
gió cứ thổi cho hương thêm ngát.
Khi vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt, mai vàng mặc nhiên tỏa hương. Hạnh phúc hay khổ đau chỉ có cùng vô thường, chỉ khác nhau về cách thức thọ nhận. Chỉ đơn giản "người trao người" và cứ "để gió trao hương", rồi chúng ta sẽ được cái an lành đẹp đẽ, đầy hương thơm của hoa Mai, của Xuân, của Đời và của Người.
"căn phòng vắng người đi xa mãi", một dự ngôn ướt đẫm tình người. Câu thơ khi đọc như nghẹn ngào lặng im trong trống vắng, tịch liêu. Nhưng ta vẫn như thấy một nỗi khắc khoải mong chờ. Thôi đành "để gió trao hương". Những xúc cảm dìu dặt, từ ái, thương buồn dâng toả. Nhưng đó là sự thật. Khổ đau, nỗi buồn của thế gian là sự thật. Có rồi không, bên nhau rồi chia ly là sự thật. Câu thơ này đã nói lên sự thật và là nhân duyên cho bài thơ đẹp này.
Cái cành mai nhỏ đã tự tại trước mọi hiện tượng của thế giới vọng thức trong quy luật sanh diệt với thời gian. Khi nhận thức rõ về nỗi đau trong sự xả bỏ nhẹ nhàng, đối diện với chính ta, trao gửi những yêu thương như tự nó vốn có một cách vô tư như " gió trao hương" thì ta sẽ thấy chính mình, thấy người mà ta thương yêu một cách trọn vẹn và chân thực.
Với hình ảnh  cành mai trong "đoản khúc" có tiếng vọng trường thiên kia, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử, được mất, vui buồn vô thường của kiếp người.
Khi nỗi đau được đón nhận như một sự thật vốn có, biết rằng mọi hiện tượng đều vô thường thì chủ nhân có thể an nhiên đóng mở, ra vào, đi đến số phận đời người.
Vô thường, hai từ để chỉ rõ bản chất của sắc thân và hiện hữu, vốn có mặt ở mọi nơi, mọi chố
     Khép cửa vô thường, đâu còn là lời chào vĩnh quyết biệt ly. Khép cửa vô thường còn là buông xả tâm thức trước sinh tử, ngăn ngừa thành trụ hoại diệt vô thuỷ vô chung.
Xin thi nhân hãy đừng vội mà để "đoản khúc" này ra khỏi những ấn phẩm của mình. Vì như thế thì thi ca sẽ có thể mất đi những hạt sáng, và người yêu thơ sẽ mất cơ hội thưởng lãm bức hoạ xuân ngát hương rồi cùng nhau một phen "khép cửa vô thường" mà bát ngát vô ưu.
Xin mượn lời bậc Tiên thi - cụ Bùi Giáng để hoan hỉ cùng nhau, vui đón hương Mai, rằng "Gặp nhau ở giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau". 
Hà Nội, 10/1/ Tân Sửu 2021
Mỹ Lệ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...