Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Những thăng hoa của cảm xúcXXXXX

Những thăng hoa của cảm xúc

Tôi muốn lấy tiêu đề phần hai tập sách “Đa chiều của thời gian” (NXB Thuận Hóa - 2016) của Lê Đức Hoàng làm đầu đề cho bài viết này. Đây là tập sách đầu tay của Hoàng, dù nhiều tản văn của anh viết trải đều trong hàng chục năm nay. Lê Đức Hoàng viết không nhiều, và như tôi biết thì nhiều tác phẩm của anh cũng chưa được tuyển hết trong tập sách này, nhưng có thể nói mỗi bài viết là mỗi suy tư của anh về những điều bình dị của cuộc sống xung quanh, từ những tản mạn “Phiêu du bốn mùa” đến chuyện “Cóp nhặt bên đường” và được viết với những khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc.
 
Như lời giới thiệu của Nhà xuất bản, “Đa chiều của thời gian bàn về sự đa chiều trong quan hệ với thế giới và con người; bày tỏ sự thăng hoa của cảm xúc riêng mình trước những hiện tượng đời sống thường ngày, suy tư về những giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật “nhặt” được trên dặm dài Đông- Tây…đã được tác giả ký thác trong cuốn sách với một hành văn mực thước, điềm đạm nhưng chứa chất, tiềm ẩn sự say đắm dường như không thể bộc bạch hết được trên mỗi con chữ, trên từng trang giấy”. Có thể nói, đọc tản văn của Lê Đức Hoàng, người đọc cảm nhận được ở từng trang viết “những câu chuyện kể và những cung bậc tình cảm đẹp”. Hoàng viết mà như không, nghĩa là chỉ cầm bút khi có những giây phút suy tư về cuộc sống xung quanh. Cảm xúc đến với Hoàng có thể chỉ là bất chợt khi mùa xuân đang về, là cơn mưa đầu mùa, là mùa hè với ký ức màu hoa phượng đỏ của tuổi học trò, là khi đứng trước biển, là với con đường mà hàng ngày mình vẫn thường đi qua, là tổ ấm gia đình với ký ức tuổi thơ, là cánh diều bay trong gió…
Có những tản văn Lê Đức Hoàng viết với những cảm nhận rất đời thường nhưng mang chiều sâu của suy ngẫm: “Tồn tại cùng con người, thời gian cũng có một đời sống. Thời gian vui hết mình bằng những giây phút thăng hoa và ghi dấu bằng những nụ cười. Thời gian cũng buồn, lặng lẽ trôi với những phút chốc ngậm ngùi và đôi khi đọng lại bằng những giọt nước mắt. Thời gian tĩnh lặng với những suy tư, thiền định để đôi lúc vỡ òa với những phát minh trí tuệ hay triết lý sâu xa. Và thời gian cũng hồi hộp, lo lắng, băn khoăn, giận hờn, gào thét song hành với những trạng thái tình cảm vui buồn, sướng khổ hay yêu, ghét, giận hờn, căm phẫn của con người…Dẫu tất cả những điều đó song hành và buộc ta phải đối mặt hàng ngày thì trong hơi ấm của mùa xuân ta vẫn có quyền tự hào nói, cuộc sống ơi ta mến yêu người” (Đa chiều của thời gian). Cũng có lúc Hoàng bất chợt triết lý: “Làm giàu cho người khác bằng những nụ cười là một cách tích đức bình dị và đơn giản nhất trong cuộc sống. Thông thường hạnh phúc thực sự chỉ được xây đắp trên những niềm vui và niềm vui thì được sinh ra từ những nụ cười” (Nụ cười). Hay những khi “lạc bước” đến xứ sở hoa tuy líp, tham gia khóa đào tạo về văn hóa tổ chức và quản lý tại thành phố Maastricht (Hà Lan), Hoàng có những cảm nhận về thành phố mà anh gọi là điểm hẹn của đa chiều văn hóa: “Trải qua lịch sử với một bề dày hàng thế kỷ, thành phố đã giữ lại cho mình một gia sản bằng vô số nhà thờ, các nhà kho và lâu đài. Tôi đã đi bộ hàng giờ theo các con đường vòng vèo như vậy, đếm không xuể những hòn đá cuội và sờ vào những bức tường cổ còn sót lại để hình dung về cuộc chiến ngày xưa khi những người Pháp và sau đó là người Tây Ban Nha đặt chân đến đây”. Những trải nghiệm đó còn đem đến cho người đọc những giá trị thẩm mỹ, như anh viết: “Ngoài những giá trị học thức có được ở đây, Maastricht đã đem lại cho tôi tình yêu về những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa. Tôi đã tìm thấy ở đây những giá trị, những điểm tương đồng của văn hóa phương Đông ở một vùng đất có sự giao thoa về mặt địa lý và văn hóa của châu Âu!” (Maastricht - điểm hẹn của đa chiều văn hóa)…
Là bạn học của Lê Đức Hoàng từ bậc học phổ thông cũng như khi vào đại học nên tôi ít nhiều gần gũi với Hoàng. Anh sống kín đáo nhưng yêu mến con người, cuộc sống xung quanh và thổ lộ lòng mình trên trang viết một cách chân tình với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng. Tuyệt nhiên trong văn của Hoàng không hề có sự đánh bóng câu chữ, không đánh đố người đọc, kể cả khi anh chiêm nghiệm, triết lý về cuộc đời, về niềm vui, nỗi buồn nhân thế, hay những chuyến đi “lạc bước” đến những chân trời Á, Âu. Chính vì có niềm tin ở con người và cuộc sống nên đọc tản văn của Lê Đức Hoàng, người đọc có cảm giác được thăng hoa, tâm hồn thêm rộng mở với đời, với người…Có phải thế chăng mà mỗi ngày sau bộn bề công việc, Hoàng lại lặng lẽ cầm bút, góp thêm một chút hương vị cho đời.
7/6/2016
Minh Tứ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...