Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Ðọc sách Ngựa tíaXXX

Ðọc sách Ngựa tía

Hơn một nửa dân số Việt Nam và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Trần Thị Lâm Ngân, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California. Talawas
Các nhân vật chính:
Diễn - bạn thân của Thừa, yêu Thu, là người Bắc, di cư vào Sài Gòn năm 1954;
Thừa - bạn thân của Diễn, nhập ngũ được nửa tháng, trở về vì được hoãn đi quân dịch.
Các nhân vật phụ:
Thu – em gái của Thừa, yêu Diễn;
Thương - người hàng xóm của gia đình nhà Thừa, yêu Thừa;
Phi – cô giáo dạy ở Huyện;
Bà Bảy - mẹ của Thừa, Thu, và Cây;
Bốn Phây - người quen của gia đình nhà Thừa;
Má của Thương;
Cây – anh của Thừa và Thu;
Chi Cây - vợ của anh Cây;
Mạnh – con của anh chị Cây;
Thư – chi của Diễn, đã qua đời;
Duy - người yêu cũ của Thư, bỏ Thư đi lấy người khác;
Ông Phước Hải - cậu họ của Thừa;
Hạnh – con gái ông Phước Hải, vợ của Đạo;
Đạo - chồng của Hạnh, sắp đi lính;
Dì Bốn - chị của bà Bảy;
Bà Cô - quản lý cô nhi viện;
Lan - đứa trẻ ở cô nhi viện;
Thầy Huyền Quang - thầy tụng niệm cho những người chết;
Cha của Diễn;

Mở đầu:
Truyện mở đầu với tiếng đại bác dội lại từ phía ngọn đồi thị xã, đã đánh thức Diễn. Sự kiện này cho ta thấy chiến tranh đang diễn ra xung quanh những nhân vật trong truyện. Truyện bắt đầu với sự trở về của Thừa từ quân đội. Thừa được hoãn đi quân dịch. Diễn đưa Thừa về thăm gia đình của Thừa. Mẹ của Thừa, bà Bảy, vô cùng mừng rỡ, nhưng cố giấu tình cảm thật của mình. Bà Bảy được miêu tả là một người cứng rắn như đàn ông. Chồng bà mất sớm, bà vừa làm cha vừa làm mẹ cho đàn con của mình. Gia đình bà ở thôn quê, sống bằng nghề làm ruộng. Họ sống trong một khu hẻo lánh, xa trung tâm thành phố. Trước chiến tranh, cuộc sống của họ chỉ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết. Nhưng sau khi chiến tranh bắt đầu, cuộc sống của mỗi nhân vật trong truyện cũng bị cuốn hút vào sự hỗn loạn của chiến tranh.

Nội dung truyện:
Diễn là người miền Bắc, gia đình Diễn di cư vào Sài Gòn sau năm 1954. Diễn làm chủ một sở mía. Ngoài việc này, anh còn viết báo công kích chiến tranh, tình nguyện giúp đỡ trẻ em mồ côi ở cô nhi viện. Anh xa nhà, sống ở quê Thừa, được gia đình Thừa đối xử như con cái trong nhà. Diễn và Thu, em gái của Thừa, yêu nhau. Nhưng qua nhiều chi tiết từ đầu đến cuối truyện, độc giả luôn thấy Diễn phân vân về tình cảm của mình với Thu. Mọi người luôn nghi ngờ anh sẽ chán cảnh sống thôn quê và sẽ từ bỏ tất cả để đi đến một phương trời mới. Có nhiều lần, họ có linh cảm Diễn sẽ rời bỏ họ. Có lẽ vì họ nghĩ cuộc sống nông thôn không phù hợp với một người như Diễn, và sẽ có một ngày anh sẽ thấy nhàm chán.
Qua bối cảnh của truyện, ta hiểu được mối tình éo le giữa Thừa và Thương, cô gái hàng xóm. Nếu không có chiến tranh, có lẽ Thừa sẽ yêu Thương. Thừa đã từng nghĩ, “nếu mình sống ở nhà hoài chắc hai người lấy nhau... vẻ duyên dáng của Thương không là vẻ đẹp có thể mang đi trong trí nhớ.” (tr.20). Nhưng vì chiến tranh, Thừa phải đi xa. Trong tình trạng hỗn loạn đó, Thừa không thể nghĩ đến hạnh phúc và tương lai của cá nhân. Đã nhiều lần Thừa ước có một cuộc sống an phận, và muốn nói một lời gì đó với Thương, nhưng lại đổi ý. Thương tâm sự với Thu là Thương yêu Thừa. Thu kể cho anh trai mình biết điều này. Tuy vậy,Thừa vẫn trốn tránh những cảm xúc thật với bản thân mình bằng cách trốn tránh Thương.
Khi chiến tranh “chạy mau như lửa cháy”, cuộc đời của mỗi nhân vật trong truyện cũng bị nó cuốn vào. Ngọn lửa chiến tranh đốt cháy cuộc đời của mỗi người (tr.61). Độc giả lần lượt thấy cuộc đời của mỗi người bị đốt cháy, và khi chiến tranh qua đi, nó để lại những dấu vết điêu tàn trên cuộc đời của mỗi người.
Trong chiến tranh, mọi “sinh hoạt ở thôn quê hầu như tê liệt... tất cả chuyển sang một sinh hoạt mới: sinh hoạt chạy loạn.” (tr.70). Như mọi người khác, gia đình của Thừa cũng rối lên, di chuyển đồ đạc và thóc lúa trong nhà lên tỉnh của dì Bốn, tuy không biết chắc nơi nào an toàn hơn. Bà Bảy, thường ngày cứng rắn như đàn ông, cũng bị chiến tranh biến thành yếu đuối, lo lắng chạy ra chạy vào như người mất hồn. Còn mẹ của Thương thì mượn rượu để giải sầu, để quên đi cái thực tế phũ phàng xung quanh mình. Ta cũng thấy được cảnh những gia đình tản cư, chạy giặc từ Bắc vào Nam. Cảnh hỗn loạn của chiến tranh đã hòa vào cuộc sống riêng tư của những người không có quan điểm gì về chính trị. Cuộc sống học sinh của những đứa trẻ như Mạnh đã bị phá vỡ. Chúng bị lôi kéo tham gia vào cuộc chiến để được đối xử như người lớn. Bạn của Mạnh nói, “gia đình không muốn mình đi chỉ vì thấy mình là con nít... Vài năm sau trở về, mình đã là người lớn.” (tr.41). Chiến tranh làm những đứa trẻ lớn lên trước tuổi và dễ dàng bị kích động. Bốn Phây phát điên sau khi chứng kiến cái chết của đứa con trai duy nhất. Ông đổ tại bà con tản cư dơ dáy đã mang vi trùng giết chết con ông. Ta còn chứng kiến được số phận của những người thanh niên phải tham gia vào cuộc chiến. Thu và Thương vô biệt khu vì không biết phải làm gì khác trong thời chiến. Ở một khía cạnh khác, ta thấy được những người con trai trong làng, trước khi đi lính vội vã cưới vợ hoặc đi vào nhà điếm để mua vui, vì họ không biết được số phận mình nay mai sống chết ra sao. Diễn bị cộng sản bắt đi tù vì anh làm công chức. Trạm tù là một nơi hẻo lánh, nơi biết bao nhiêu người tù nhân bị bỏ đói, nơi biên giới giữa sự sống và chết không rõ rệt, nơi công việc hàng ngày của Diễn, của những đứa trẻ như thằng Tế và Bốn là đào mả để chôn xác chết. Diễn sống những ngày tuyệt vọng như thế, sống trong mơ màng, giữa sự hôn mê và hiện tại, giữa sự sống và chết, với một thân thể suy dinh dưỡng đang chờ đợi cái chết đến với mình bất cứ lúc nào.

Kết thúc truyện:
Mẹ của Thương bị ốm rồi qua đời sau cái đêm Bốn Phây hành hung bà vì tưởng bà có tiền. Sự tồn tại của Bốn Phây trong làng lúc ẩn, lúc hiện. Lâu lâu, người ta vẫn thấy Bốn Phây chạy ú ớ chơ vơ giữa ruộng hoang, “có mặt ở khắp nơi... không có nhà thương điên, nhà tù nào cho hắn.” (tr.154). Cuối cùng, Diễn và những người tù nhân cũng được lính Mỹ phát hiện ra và cứu thoát khỏi nhà tù khủng khiếp đó. Tuy được cứu thoát, Diễn vẫn luôn bị ám ảnh bởi những gì anh đã phải trải qua trong thời gian bị giam giữ. Sau khi Diễn được giải thoát, anh mới biết Thừa và Thu đã gia nhập quân đội. Trong lá thư Diễn viết cho Thu, anh tiếc “đã không được giải thoát sớm một tháng để có em ở nhà, sớm hơn một tuần để sống với anh Thừa ít ngày trước khi anh ấy đi.” (tr.143). Có lẽ đó cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng của Diễn và Thu, Diễn và Thừa, vì truyện kết thúc nhưng không nhắc đến sự đoàn tụ của họ. Diễn có ý định từ bỏ nơi này để làm lại cuộc đời. Có lẽ tác giả không đề cập đến sự đoàn tụ của những người yêu và những đôi bạn vì muốn độc giả nghĩ đến số phận mong manh của những người lính trong quân đội khi họ phải đối mặt với sự sống chết. Có thể họ sẽ trở về, có thể họ sẽ không. Ai biết được những vết thương trong tâm hồn của họ bởi những ảnh hưởng của chiến tranh rồi sẽ ra sao, liệu họ có còn nguyên vẹn về cả thể xác lẫn tâm hồn không khi và nếu họ trở về. Trại mồ côi bị pháo kích bắn, gây ra cái chết của ba đứa trẻ mồ côi và làm tàn phế hai chân của cô bé Lan. Trước đó Lan đã mượn xe đạp để tham gia cuộc đua xe. Cô bé hát thật hay và có ước mơ làm ca sĩ, nhưng chiến tranh đã dập tắt đi ước mơ duy nhất của Lan. Ở cuối truyện, độc giả lưu ý đến sự béo phì của Diễn, có lẽ vì sau bao nhiêu tháng bị bỏ đói, cảm giác bị bỏ đói đã ám ảnh Diễn, luôn làm anh lo sợ, nên anh ăn tham và ăn bù.
Ngựa tía chỉ được nhắc đến hai lần trong truyện, và cả hai đều là ký ức của Thừa khi anh nhớ lại những ngày cha mình cỡi ngựa tía chiều chiều chở súng và thóc chạy mù những lối đường mòn trên núi. Thường thường, ngựa được dùng để chở thóc lúa. Khi chiến tranh bùng nổ, ngựa được dùng để di chuyển đồ đạc từ nhà lên tỉnh, để giúp những gia đình trong xóm chạy giặc. Ngựa tía ở đây gợi lại một cuộc sống giản dị và êm ả của những ngày thanh bình, những ngày mà chiến tranh đã cướp mất. Truyện được đặt tên Ngựa tía để tưởng nhớ đến cuộc sống tươi đẹp, bình yên của những người dân trong xóm của Thừa trước chiến tranh. Và có lẽ hồi tưởng về quá khứ trước chiến tranh cũng để có thể hình dung ra được một tương lai khác hơn cái thực tại đang xảy ra, một tương lai tốt đẹp hơn, nếu như chiến tranh không đi qua cuộc đời của những nhân vật trong truyện. Cho dù cái hy vọng đó nhỏ nhoi biết bao nhiêu, mọi người vẫn muốn được quay về với quá khứ, mong thay đổi hiện tại và tương lai. Màu tía là màu đỏ pha màu tím. Tác giả muốn ví những ước mơ không có chiến tranh như sự hiếm hoi có được con ngựa màu tía, chỉ là một ảo vọng mà thôi.
Truyện cho ta thấy được sự khốc liệt của chiến tranh ảnh hưởng người dân thôn quê ở mọi khía cạnh. Họ bị chiến tranh cuốn vào mặc dù họ không hề muốn. Chiến tranh bùng nổ cũng là lúc cuộc sống thanh bình của họ bị đảo lộn, những ước mơ có được một cuộc sống đầm ấm bị dập tắt. Ta có thể hình dung sự điêu tàn của chiến tranh qua những chi tiết như: tiếng đại bác trong đêm khuya đánh thức giấc ngủ, trường học bị trúng đại bác, nhà cháy, đồng ruộng bị tàn phá (cướp đi phương kế sinh nhai của gia đình nông thôn), trực thăng ầm ì, dãy nhà tranh của những người tị nạn, đạn nổ không ngớt như pháo tết, tâm trạng hoang mang và tinh thần khủng hoảng của những người chạy giặc, những đứa trẻ đội mũ tang trước khi đủ tuổi để hiểu được cái chết là gì, cháu của Thừa trốn đi cầm cờ mướn cho mấy đám ma. Chiến tranh có mặt ở khắp nơi, ám ảnh đầu óc của mọi người... để “một sợi khói trên đầu điếu thuốc cũng gợi ra chiến tranh và nỗi chết.” (tr.56).
Mỗi nhân vật trong truyện đều tìm cách chạy trốn thực tế, ẩn núp trong thế giới riêng, cố quên đi cuộc chiến khốc liệt. Mỗi người như “vẫn cố gắng tự dàn xếp với mình để sống yên lòng.” (tr.72). Ông Phước Hải muốn lợi dụng chiến tranh để làm giàu “cho quên bớt chiến tranh.” (tr.72). Ông chạy đi xem những tàn phá của chiến tranh trong làng với sự hiếu kỳ của một người ngoài cuộc, như ông đang xem một bộ phim về chiến tranh. Mẹ Thương uống rượu để quên đi thực tế phũ phàng. Cũng như mẹ của Thương, Bốn Phây không thể chấp nhận được sự thật đang xảy ra nên đã phát điên. Còn Phi thì suốt ngày mong bom đánh vào nhà mình để giúp cô kết thúc nhanh chóng cuộc sống đau buồn và tương lai mù mịt. Thương trốn dưới lớp hóa trang trên sân khấu để hát lên nỗi lòng và tâm sự của mình. Diễn thì lúc nào cũng muốn bận rộn với đủ mọi việc để quên đi cái thực tại đau thương, “những hành động như nỗi cuống quít vùng thoát khỏi lớp lý tưởng màng nhện càng lúc càng dầy, như vẫn có sự an ủi... sống như không chịu nổi những suy nghĩ của mình.” (tr.84). Truyện kết thúc nhưng gợi lên thật nhiều câu hỏi trong đầu của độc giả: cuối cùng những nhân vật trong truyện có tìm được sự thanh thản trong tâm hồn của mình không? Có tìm được lối thoát không? Số phận, tương lai, và hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi do chiến tranh gây ra sẽ ra sao? Xã hội có những biện pháp gì cho những người bị phát điên như Bốn Phây và những người tù nhân luôn bị ám ảnh bởi những cái chết quanh họ? Có lẽ chính tác giả cũng không có giải đáp cho những câu hỏi này!.
16/5/2005
Trần Thị Lâm Ngân
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm 9 Tháng Năm, 2021 Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn ...