Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Thư ngỏ gửi bạn văn chươngXXXX

Thư ngỏ gửi bạn văn chương

Thưa các anh các chị!

Đại hội đại biểu các nhà văn Việt Nam kết thúc đã được 2 tuần, sao dư âm buồn vẫn còn đọng lại trên công luận, trong văn giới và những ai yêu mến nền văn học nước nhà. Kể từ lúc chộn rộn khởi động cho Đại hội, trên báo in, báo điện tử… đã xôn xao nhiều chuyện, khiến ai còn chút lòng với nghề đều cảm thấy buồn nản. Đọc bài của anh Văn Chinh (Văn Nghệ Trẻ 10/4), của anh Phạm Tiến Duật (Công An Nhân Dân 16/4), của chị Dạ Ngân (Tiền Phong Chủ Nhật 22/4), của anh Bùi Minh Quốc, của anh Nguyễn Quang Lập (Internet)… tôi thấy, xét cho đến cùng vẫn là chuyện nhân sự Tổng thư ký (nay là Chủ tịch) và Ban Chấp hành (BCH): Bài của anh Chinh (kể cả bài tán phát, không đăng báo) cay nghiệt, chì chiết với bạn văn quá, khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Chị Khuê tôi làm bạn với anh Trần Dần, mấy chục năm khốn khổ vì sự tệ hại của không ít người mà có thấy anh chị nói lời cay độc về bạn bè đâu. Bài của anh Duật vốn là tham luận muốn đọc tại Đại hội, lời lẽ man mác buồn, biết chắc mình sẽ không được đăng đàn, nên phải mượn báo của ngành Công An để công bố. Bài của chị Ngân thì vòng vo “Tam quốc”, lòng thòng qua khúc 1, khúc 2 rồi mới qua khúc 3 ơ hờ chuyện BCH chút đỉnh, bức xúc nhiều, nhưng nói ra như còn e ngại, không thoát lời. Bài của anh Quốc thân đơn, thế cô lại dám vạch mặt chỉ tên gã lưu manh nào đó, có nhãn mác “PGS. TS. Nhà Văn” bị khai trừ khỏi Hội ở tỉnh Lâm Đồng, vẫn ngang nhiên ngồi trên Chủ tịch đoàn Đại hội các nhà văn miền Đông Nam Bộ… Chợt nhớ, trên báo Văn Nghệ Trẻ ngày 29/2/2004, nhân chuyện anh Chử Văn Long bị người ta cố ý vu cho cái tội đạo văn, rồi chuyện vào Hội của nhà thơ-dịch giả lão thành và tài hoa Đào Anh Kha, tôi đã bức xúc viết bài “Ứng xử người văn, hành xử văn chương”. Thế nên bước vào Đại hội, xảy ra bao chuyện nhộn nhạo kém văn hóa cũng là tất yếu. Hóa ra, những gì xảy ra trong 3 ngày Đại hội còn bức xúc bội phần hơn thế. Bài của anh Đỗ Minh Tuấn vừa đăng trên mạng là một minh chứng. Tôi mới hiểu vì sao anh Nguyên Ngọc dẫu được mời chẳng buồn đến dự, còn cụ Tô Hoài có mặt qua quýt 1 ngày rồi cũng về Nghĩa Tân tĩnh tâm dưỡng lão. Nay Đại hội đã bế mạc, bầu bán cũng xong (cho dù định bầu 15 người chỉ được 6), nên chăng ta hãy nhìn về tương lai và suy gẫm, hành động.
Trước hết nói về nghề văn và đội ngũ. Anh Duật nói, ở đời sợ nhất là ghen tài và ghen quyền. Tôi lại nghĩ, trong nghề văn của chúng ta, ghen tài chỉ đáng thương chứ không đáng sợ, bởi đằng sau tác giả, tác phẩm còn có độc giả. Cái đáng sợ, đáng buồn là ghen quyền, rồi từ ghen quyền, tranh quyền người ta quên đi tình bạn, tìm đủ mưu mẹo vùi dập, bóp chết những tài năng văn học, làm yếu tổ chức Hội. Đầu thế kỷ 20, những cây bút trong Tự Lực Văn Đoàn có 8 người mà họ làm được bao nhiêu việc cho nghề văn, làng văn. Họ cũng bị nhiều người ghen tài, nhưng đều vô hiệu, bởi làng văn thời ấy không hề có chức sắc. Chính nhà văn Vũ Bằng khi viết về Thạch Lam đã tự thú nhận và cảm thấy xấu hổ về sự ghen tài của mình. Vậy nên muốn Hội mạnh lên, có lẽ phải triệt tận gốc bệnh ghen quyền. Nghe nói gần đây, trong dự thảo chương trình cải cách hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ đã từng có ý kiến muốn loại các Hội văn học, nghệ thuật và các Hội nghề nghiệp khác ra khỏi kế hoạch chi ngân sách hàng năm, lập tức vấp phải phản ứng gay gắt của bà Giáng Hương và một số vị lãnh đạo trong Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, cả trong không ít nhà văn. Cũng dễ hiểu vì nếu cắt khỏi bầu sữa ngân sách thì từ Chủ tịch, Tổng thư ký đến BCH sẽ phải tự nuôi sống bộ máy của mình bằng phí đóng góp của hội viên, tiền đăng ký bảo hộ tác quyền, lợi nhuận từ báo và nhà xuất bản của Hội và Liên hiệp Hội…, mất hết bổng lộc trời cho, các vị làm sao kham nổi? Người ta viện dẫn đủ mọi lý do để phản đối dự thảo này, nhưng quên mất một điều rằng các nước thuộc nhóm quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi (Trung Quốc, Nga, Đông Âu) đều đã thực hiện từ lâu rồi. Nếu là ở Nga hay Trung Quốc, các trụ sở bên ta như 51 Trần Hưng Đạo, 9 Nguyễn Đình Chiểu, 65 Nguyễn Du… sẽ còn phải trả tiền thuê cho nhà nước mới hợp lẽ tự nhiên. Chính phủ đang chịu gánh nặng quá tải về chi ngân sách, không cải cách tiền lương triệt để được vì quá nhiều những khoản chi vô nghĩa như chi cho Hội Nhà văn chúng ta. Tháng 12/1998, ông Hồ Tế đã phải thốt lên giữa diễn đàn Quốc hội: “Một nước có 80 triệu dân mà có tới hơn 8 triệu người hưởng lương ngân sách, làm sao cải cách tiền lương?”. Trong tiểu thuyết lịch sử Khói mây Yên Tử (NXB Văn hóa Thông tin 2001), tôi cũng đã để cho nhân vật Minh Luân đại sư khi đàm luận với 3 anh em họ Trần (Trần Thừa, Tự Khánh, Thủ Độ) phê phán cách trị nước của thời Đinh, thời Tiền Lê là chỉ có võ trị, không biết đến văn trị, bắt 7 người dân nuôi một người lính, hỏi có dân nước nào chịu nổi. Hội Nhà văn hãy noi gương cụ Nguyên Hồng năm xưa, dũng cảm chấp nhận dự thảo của Bộ Nội vụ, sẽ rất ích Nước - lợi Hội. Thật vậy, xưa nay ghen quyền chẳng qua cũng vì tranh lợi. Một khi người ta chỉ còn thấy cái ghế trong Hội là việc nặng, lợi thì nhẹ tênh, hẳn sẽ hết ghen quyền. Thật lạ đời là ở nước mình, sang thế kỷ XXI mà làng văn vẫn còn có những “ông quan văn nghệ”! Lại nhớ cách đây đã lâu, bạn tôi, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến khi nghe tin có người bạn vừa nhận một chức quan trong làng văn đã viết tặng bài thơ dài có câu: “Quan chẳng từ thơ, thơ từ quan / Quan càng danh giá thơ càng gian”. Khi những người kém tài, cơ hội không còn, BCH tất mạnh lên, báo Văn Nghệ sẽ khởi sắc, tình bạn trong văn chương có đất để sinh sôi, phát triển không thua gì những tấm gương của tiền bối đầu thế kỷ trước. Nó sẽ không chỉ làm bộ máy của Hội được trẻ hóa, mạnh lên mà còn làm tăng chất lượng hội viên bởi chẳng ai bất tài còn dám mua danh nhà văn bằng chiếc thẻ hội viên để rồi suốt đời phải đóng hội phí nuôi cả một bộ máy và kẻ đó cũng chẳng bao giờ có được tác phẩm ra hồn để được Hội bảo hộ tác quyền. Người ngồi xét kết nạp hội viên sẽ chẳng còn tâm lý ban phát ơn huệ hay nể nang vì đã chót nhận quà biếu là “đôi giầy Ý Đại Lợi” chẳng hạn…
Thật ra, tâm trạng bức xúc âm ỉ, kỳ vọng bỏng rát của văn giới và công chúng yêu văn học cả nước ở BCH khóa VII là một nền văn học lớn mạnh, xứng tầm với dân tộc và thời đại, để ta có thể tự hào trước thiên hạ, khỏi hổ thẹn với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Nên chăng BCH cần sớm có giải pháp khuấy động lên cuộc thảo luận về thực trạng văn học nước nhà, mở hướng đột phá về công tác lý luận, phê bình đang trì trệ, bế tắc. Lại nhớ năm 1996, khi các ngành, địa phương trong cả nước sôi động tổng kết 10 năm đổi mới, tôi đã công bố bức “Thư ngỏ gửi Hội Nhà văn” trên báo Văn Nghệ (9/1996), bày tỏ mong muốn có một sự tổng kết về thực tiễn và lý luận cho những dòng văn học, xu hướng sáng tác, bút pháp thể hiện mới đang vừa chớm xuất hiện thời ấy và phải đưa ngay vào chương trình dạy văn bậc PTTH. Anh Hữu Thỉnh gặp tôi, khen bài viết hay, xúc tích, nhưng sau đó lãnh đạo Hội lại án binh bất động vì né tránh, sợ đụng chạm cái mới. Giới phê bình lúc ấy thì đang mải cãi vã nhau về đủ thứ chuyện không đâu, đao to búa lớn, nhưng vô thưởng vô phạt, chẳng ai dại gì tổng kết cái cụ thể, hay dở hoặc đúng sai còn chưa rõ, dễ bị ăn đòn, vơi nồi cơm như bỡn! Thế nên trong nhiều cái mới xuất hiện vào những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước, có cái thui chột dần, có cái quá đà hoặc mất phương hướng. Con em chúng ta sau 30 năm thống nhất nước nhà vẫn không được học một chút gì về văn học hậu chiến và văn học đổi mới. Ấy là chưa kể đến 20 năm văn học của miền Nam (1954 - 1975) một bộ phận cấu thành văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX rất cần sự tổng kết, đánh giá lại cho công tâm, minh bạch. Cũng năm 1996, tôi viết tiểu luận dài 15.000 chữ, “Nghĩ về sự phục hưng văn hóa-văn nghệ Trung Quốc 1979-1990” với tâm trạng thèm muốn được như họ và tôi đã ứa nước mắt dự báo trong một tương lai gần sẽ có nhà văn Trung Quốc nhận giải Nobel văn học. Bài viết không được báo Văn Nghệ sử dụng, sau in trong tập Câu lạc bộ các tỷ phú (NXB Hội Nhà văn 9/2002). Năm ngoái, trong chuyến đi công tác ở Huế, gặp gỡ và tặng sách bạn văn Cố Đô, các anh chị Hòang Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Văn Vinh… đều tâm đắc với mấy bài viết ấy lắm. Kể từ lá thư ngỏ gửi Hội Nhà văn năm 1996, thời gian cứ ắng lặng trôi giữa ao tù lý luận-phê bình thêm gần 10 năm nữa, văn học Việt Nam đang đứng ở đâu, sẽ đi về hướng nào, tôi không rõ, chỉ biết rằng, trong cuốn Văn hóa thế kỷ 20 (La culture du XX siecle) của Michel Fragonard dày 1350 trang, viết dưới dạng từ điển, có 169 mục từ thì có khoảng gần 20 mục từ tuyệt hay về các trường phái văn học, trào lưu sáng tác của tiểu thuyết trên thế giới. Thời đại tin học, lớp trẻ lên mạng Internet sẽ thấy văn học xứ mình so với thiên hạ có khác nào xem bóng đá Anh hay Tây Ban Nha rồi không còn hứng thú xem bóng đá V-League nữa, buồn thay! Hy vọng sẽ có một ai đó trong BCH mới mở cuộc đột phá táo bạo như nhà mỹ học Chu Dương đã từng làm sau Đại hội các nhà văn Trung Quốc năm 1979. Đã đến lúc tổ chức Hội và BCH cần đổi mới, trẻ hóa tận gốc. Chị Dạ Ngân có so sánh Hội của ta với các bạn bên Tàu: “Cũng cơ chế ấy, cũng mô-típ, ban bệ và hành chính ấy, sao họ có đủ mọi thứ một cách dễ dàng: văn học vết thương, văn học sử thi, văn học cập nhật, văn học tung hoành của các cây bút nữ?...” Mừng vì chị Dạ Ngân cũng đang có thèm muốn như tôi từng viết trong tiểu luận năm 1996, nhưng tôi lại nghĩ, họ có đủ thứ, làm được cuộc phục hưng văn hóa-văn nghệ giai đọan 1979-1990 là do họ đã đổi mới, trẻ hóa đội ngũ thật sự chứ không nói suông, hình thức cho có người trẻ. BCH khóa VII có 3 người trẻ, cần giao nhiều trọng trách cho họ. Việc bổ sung thêm người vào BCH cũng nên ưu tiên người trẻ và có tài, không chỉ 1 người mà có thể 3 người. Bằng tuổi Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, nhưng nữ sĩ Thiết Ngưng đã làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn của đất nước hơn tỷ dân, có ngót chục nghìn nhà văn từ 10 năm nay, nghĩa là khi bắt đầu làm Phó chủ tịch Hội, Thiết Ngưng chỉ chạc tuổi Nguyễn Thi Thu Huệ hay Phan Thị Vàng Anh bây giờ. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để ta suy gẫm, hành động tức thì. Tôi viết những dòng này khi chuỗi ngày khô hạn ở Hà Nội đã dứt, bắt đầu những cơn mưa rào mùa hạ, những cơn mưa tẩy sạch bụi trần, hồi sinh cây cỏ đang lúc úa héo như nền lý luận văn học nước nhà…
Hà Nội, 7/5/2005
Vũ Ngọc Tiến
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...