Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Linh hồn rơi nước mắt

Linh hồn rơi nước mắt

Choang...
Bà Hòa luống cuống cúi xuống nhặt những mảnh vỡ của chiếc bát vừa rơi. Đôi bàn tay run run của bà cào vội sợ Huệ, con dâu của bà nhìn thấy.
- Trời ơi! Bà làm gì thế này?. Hay là bà muốn phá hết cái nhà này mới vừa lòng hả dạ?
Bà Hòa ngước mắt lên thấy Huệ đang đứng trước mặt mình tru tréo.
- Mẹ... mẹ...
Chưa kịp để bà Hòa nói hết câu, Huệ đã vội cắt ngang:
- Thôi thôi. Bà đừng lý lẽ, lý sự gì ở đây nữa. Bà ghét tôi đến thế thì sang nhà con gái bà mà ở cho sướng.
Huệ quày quả bước lên nhà trên, không quên buông lại một câu “Đúng là đồ ăn hại” đủ cho bà nghe thấy.
Đây không biết là lần thứ bao nhiêu bà nghe cái giọng điệu ngoa ngoắt ấy từ Huệ. Bà Hòa đưa cánh tay gầy gò gạt ngang mặt để ngăn những giọt nước mắt, mà hình như bà làm gì còn nước mắt để khóc tủi nữa. Một bà già gần tám mươi như bà đã rơi hết nước mắt khi chồng chết một mình nuôi hai đứa con thơ dại, khi chúng nó ốm thập tử nhất sinh mà bà phải chạy đôn chạy đáo để tìm thầy tìm thuốc, khi chúng nó đỗ đại học, khi dựng vợ gã chồng cho chúng nó và hơn tám năm ở với vợ chồng Kiên, con trai bà. Bà Hòa thở dài cố thu dọn nốt những mảnh vỡ còn vương vãi trên sàn nhà.
Buổi tối, bà Hòa lúi cúi dọn dẹp dưới bếp trong khi vợ chồng con trai bà và đứa cháu nội còn đang ngồi ăn. Từ lâu rồi chúng nó cho bà được đặc cách ăn riêng mà theo lý lẽ của Huệ “ để bà ăn trước cho thoải mái không phải chờ đợi, kiêng dè”. Đó là cách tôn trọng người già của con dâu bà và dần ngấm vào Kiên, con trai bà từ khi nào không biết.
- Mẹ...mẹ ơi!
Tiếng của Huệ từ trên phòng ăn vọng xuống. Bà Hoà vội vã lê từng bước chân nặng nhọc đi lên.
- Nấu như thế này thì cho người ăn hay lợn ăn? Thịt gì mà toàn lông với lông thế này?
Huệ vừa nói vừa giơ đôi đũa kẹp miếng thịt vào giữa đưa lên trước mặt bà.
- Mẹ làm kỹ lắm rồi mà, chắc...
- Mẹ nhìn đây là cái gì? Còn cãi!
Kiên đánh “rầm” cái chén xuống mặt bàn, buông một câu gọn lỏn:
- Đến bữa ăn cũng không được yên.
Bà Hòa nhìn theo dáng con trai bước lên lầu, bà không nghe con dâu bà đang nói gì nữa dù nó không ngừng nhiếc móc không thôi. Bà tủi thân. Nó là con trai của bà đây ư? Đứa con mà bà hết mực yêu thương đây ư?
Sức chịu đựng của bà Hoà đã cạn kiệt, bà muốn về quê. Bà nhớ những ngày ở quê sao vui vẻ biết chừng nào, có hàng xóm láng giềng qua lại trò chuyện chứ không phải nhốt mình sau cánh cổng sắt suốt ngày im ỉm. Bà nhớ cái mảnh vườn đầy cây ăn trái, nhớ mấy luống khoai, đàn gà mà bà nuôi để dành cho chúng nó. Nhưng giờ còn nhà đâu nữa về. Đứa con trai và con dâu yêu quý của bà đã kêu bà bán tất để lên đây với chúng nó, để chúng nó có thời gian phụng dưỡng báo hiếu cho bà. Sự hiếu thảo của chúng nó chỉ được một thời gian đầu khi bà còn khỏe và khi đôi chân của bà yếu dần, lưng còng nhiều hơn trước, đôi bàn tay gầy gò của bà run run đến nỗi không làm chủ được nữa thì những lời nhiếc móc nặng nhẹ của con dâu, thái độ dửng dưng của con trai bà cũng xuất hiện. Con trai bà trở thành người thành phố nên chọn cách báo hiếu cho bà giống như người thành phố là vậy ư? Ẩn đằng sau vẻ hào nhoáng, văn minh, lịch sự là thái độ vô cảm đến lạnh người. Nó khác xa so với cách thằng Minh, thằng Thành đối xử với mẹ nó ở quê. Bà không biết nhưng thấy xót xa quá! Giá như bà đừng cố gắng nuôi nó ăn học thành tài mà cứ ở quê với mấy sào ruộng, vườn cây ăn trái thì có lẽ đã khác. Mà giờ bà cũng chẳng còn mặt mũi nào về quê cả, láng giềng biết lại cười vào mặt bà. Con bà giờ thành đạt, có của ăn của để chứ có nghèo túng gì đâu để bà phải đi ăn nhờ ở đậu được cơ chứ?
Bà Hoà đưa vội mảnh giấy ghi địa chỉ của con gái cho bác tài xế xe ôm. Dù gì nó cũng là con gái mình chắc không giống như con dâu. Ở không được với con dâu thì sang con gái vậy, nó cũng là con của bà mà. Xe dừng trước cánh cổng màu xanh của ngôi nhà ba tầng trong một con hẻm nhỏ. Đúng là nhà của con gái bà rồi.
Bà Hoà cố rướn cái lưng còng gần ngang mặt đất mà nhấn chuông. Nhấn đến lần thứ hai thì Hương, con gái bà ra mở cổng. Vừa thấy mẹ, Hương lầm bầm:
- Ông Kiên đâu sao để một mình mẹ sang đây? Chắc là tại bà Huệ nữa chứ gì?
Hương đưa lý do vô cùng thuyết phục là mình còn gia đình nhà chồng phải lo, lại thêm hai đứa cháu tuổi ăn tuổi lớn nên không thể gánh thêm bà nữa. “Mà cũng đúng, con gái đi lấy chồng là con của người ta rồi mà. Mình cũng từng nghĩ dâu là con, rể là khách còn gì?”. Bà Hoà nghĩ thầm trong khi Hương không ngừng than thở hoàn cảnh khó khăn của mình và trách móc Kiên không lo cho mẹ. Cuối cùng, Hương chốt lại:
- Mẹ cứ ở đây chơi vài ngày rồi con đưa mẹ về.
Bà Hoà im lặng chẳng nói câu gì. Đúng là tuổi già như con cá ương nên chúng đùn với đẩy cho nhau.
Vừa bước vào nhà anh trai, Hương đã vội sa sả:
- Ông Kiên đâu? Ông nuôi mẹ kiểu gì mà mẹ bỏ sang nhà tôi thế? Nói cho ông biết là đừng có đẩy sang con này nhé! Ruộng vườn, nhà cửa của mẹ ông bán hết thì giờ phải có trách nhiệm chăm sóc mẹ. Mà mẹ đã già còn sống được mấy năm nữa mà ông lo hả? Còn bà Huệ, tui nói cho mà biết cũng một vừa hai phải thôi nhé!
Huệ đốp chát:
- Cô ăn nói cho đàng hoàng. Tôi có kêu mẹ sang nhà cô không hay là mẹ tự ý đi? Mà tôi cũng nói thật. Mẹ đã già lẩm ca, lẩm cẩm. Tôi đâu thể nào chìu theo ý mẹ được. Cô thích thì đi mà chìu.
Ừ! Bà đã già, đã lẩm cẩm không còn giúp gì được cho chúng nó nữa. Tại bà mà hai anh em chúng nó mới cãi nhau như thế. Bà có con trai, con gái, dâu, rể đầy đủ nhưng chúng nó không nuôi bà nổi thì bà phải đi thật xa để người qua đường thương bà. Bà Hoà bước đi trong khi Kiên, Huệ và Hương vẫn còn ầm ĩ ở trong nhà...
Chiều tối sập, những ngọn đèn đường màu vàng không đủ sáng để soi rõ mặt người. Tại một địa điểm cách thành phố chừng năm trăm cây số, đám đông đang tụ tập huyên náo xung quanh một bà già ăn mày vừa mới bị xe đụng. Đôi mắt lờ mờ và đôi tai nghễnh ngãng của bà không kịp để ý chiếc xe buýt đang phóng tới khi sang đường. Người bảo gọi xe cấp cứu, kẻ nói bà ấy sắp chết rồi. Bà nằm đó gương mặt gầy gò khắc khổ đang bê bết máu. Tấm lưng còng của bà hình như không còn còng nữa. Bà cố gượng đứng dậy nhưng không thể, hé đôi mắt nhìn ánh đèn đang sáng phía trước mặt, thứ ánh sáng lờ mờ đã lâu rồi bị che khuất bởi chiếc nón lá rách mà bà chẳng dám bỏ ra. Bà già mỉm cười như sắp được giải thoát khỏi một kiếp người đầy rẫy bi thương. Bà nhắm khẽ đôi mắt, chìm dần vào giấc ngủ sâu...
Bà Hòa giật mình ngồi dậy bởi những âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống inh ỏi, tiếng kèn đang thổi khúc nhạc bi ai. Bà nhìn xung quanh vòng hoa chật kín cả căn phòng, một cỗ quan tài sơn son thiếp vàng nằm chính giữa. Con trai, gái, dâu, rể và cháu bà đang quỳ bên cạnh khóc lóc thảm thiết. “Ai thế nhỉ?”. Bà Hòa nhìn lên tấm ảnh chân dung đặt phía trước quan tài đang nghi ngút khói. “Là mình, mình đã chết rồi ư?”. Bà Hòa nghe loáng thoáng bên tai tiếng người kháo nhau về đám tang to nhất nhì khu phố, về sự hiếu thảo của con bà. Bất giác, giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo...
Bà Rịa, 23/9/2019
Ngô Quốc Việt
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...