Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Tấm bưu thiếp tố cáo

Tấm bưu thiếp tố cáo

1. – Nếu nhận lời giúp tôi thì số tiền này thuộc về cô – Người phụ nữ lần những ngón tay sơn đỏ như một chiếc xe cứu hỏa vào suối tóc đen mượt mà chải ngược ra sau, tay còn lại vịn chặt túi vải thổ cẩm đựng đầy tiền mở hé cho người đối diện trông thấy.
Không phải ai cũng có cơ hội kiểm chứng sự hào phóng của bà chủ chuỗi cửa hàng Mắc Ca – nơi cung cấp các loại hạt đặc trưng ở vùng Tây Nguyên nước ta như hạt mắc ca, hạt kơ nia, hạt ca cao… và nhiều đặc sản khác nằm trên đường Ama Jao, thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng hành động của chị ấy cũng như là chưa ăn mà lại trả tiền trước, thấy không hợp lý nên Hà “ớt” lên tiếng ngay:
– Niê Thanh Hoa! Chị làm vậy là sao?
– Không sao cả. Đây chỉ là món quà mọn gửi đến cô vì đã đồng ý giúp tôi thôi, không hề có ý gì khác.
– Quà mọn à? Chị không cần phải như vậy. Tôi có thể giúp gì thì chị nói thẳng ra đi, đừng vòng vo nữa. Còn thứ này xin chị cất đi cho. Tôi không phải thám tử nên không nhận tiền và làm việc cho ai cả. Phục vụ cho nhân dân là trách nhiệm của công an chúng tôi, huống hồ chúng ta đều là phụ nữ thì phải sẻ chia với nhau chớ? – Cô đẩy túi vải thổ cẩm chứa đầy tiền về phía chị Niê. – Tôi được thượng cấp phân công điều tra vụ mất tích mà chị trình báo đây, chị Niê. Chị hãy kể lại đầu đuôi sự việc để tôi được rõ đi.
– Đúng là Hà “ớt”. Người dân có việc thì rốp rẻn tới ngay. Giọng Hà thật trầm và ấm vậy mà nhiều người nói là cô nói năng như cái muỗng nạo vào đít chén. Phải tới khi gặp mặt thì tôi mới được rõ… – Rồi chị ta kéo dây kéo lại, gập giỏ xách để vào lòng. Dường như sự việc Hà “ớt” không nhận tiền làm Niê vẫn chưa thật sự tự tin kể ra rắc rối của mình. Nhưng Niê nghĩ gì đó rồi gật gù, ra vẻ biết ơn – Chuyện thế này, cha tôi là một thầy giáo đã nghỉ hưu và dọn đến huyện Cư Jút sinh sống trong một căn hộ nhỏ trên đường Y Ngông được một năm. Vào dịp giáng sinh hai tuần trước, ông gửi tấm thiếp mừng đến con trai tôi, đứa cháu ngoại duy nhất của ông như mọi năm thì tôi phát hiện…
– Chị phát hiện ra điều gì? – Cô đặt ly nước vối xuống bàn, bày tỏ sự thắc mắc của mình bằng ánh mắt chăm chú.
– Chữ ký trên tấm bưu thiếp đó đích thị là chữ ký của cha tôi, nhưng khi tôi gọi điện thoại để cảm ơn ông thì ông không nhấc máy. Để tôi cho cô xem, tôi có mang theo làm bằng chứng đây – Rồi chị ta rút ra một tấm thiếp màu đỏ có in hình cây thông và đàn tuần lộc màu vàng trong túi vải đưa cho Hà xem – Đây. Cô xem đi. Tôi lấy làm lạ và vài hôm sau đó, tôi lại gửi cho cha mình một lá thư khác, đòi ông kể một câu chuyện cho con trai tôi nghe nhưng lại không nhận được thư hồi âm làm sự nghi ngờ của tôi trở nên có căn cứ hơn. Còn nữa, trong căn hộ của cha tôi có gắn một cái camera nhưng nó chẳng giúp ích được gì…
Hà xem qua một lượt rồi nói:
– Nghề kinh doanh đã rèn cho chị một bộ óc sáng suốt. Chị nói đi, và sao nữa.
Chị ta vừa nói vừa rớm nước mắt, mặt cúi gằm còn hai tay thì bấu chặt vào cái túi vải trên đùi.
– Tôi nghĩ là cha tôi đã bị bắt cóc và ai đó đang giả mạo cha mình. Tôi đã báo cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn đó nhưng khi chúng tôi tới nhà tìm thì không có ai ở đó cả.
– Và hôm nay chị hẹn tôi ra đây để nhờ tìm lại người cha đã mất tích của mình phải không? – Cô nghiêng đầu sang một bên kèm theo nụ cười duyên dáng vì đã đoán trúng yêu cầu của người đối diện.
– Đúng. Và tôi muốn biết ai là người đã giả mạo cha mình…
Hà “ớt” vén tóc lên tai rồi kéo ghế xích lại gần Niê rồi nắm chặt bàn tay đẫm mồ hôi của chị ấy:
– Vậy là tôi đã hiểu được hoàn cảnh của chị. Nhưng tôi là cảnh sát hình sự, tôi sẽ cần đến một đồng nghiệp nữa trước khi bắt tay vào điều tra vụ việc. Giờ thì chị hãy về nhà và chờ điện thoại của tôi.
2. Chiếc ô tô bám đầy bụi đất đỏ bazan dừng lại trước một căn hộ có cây thành ngạnh đứng như nghiêm trước cửa nhà. Nắng trong vắt như nước. Hà đắm chìm trong vẻ đẹp núi rừng mất một lúc trước khi nhìn thấy những bông hoa trắng trên cây thành ngạnh. Trời thì nóng mà lòng người cũng không kém gì nhiệt độ bên ngoài. Ở nơi này, dân cư thưa thớt, xa xa thấp thoáng vài nóc nhà người đồng bào Ê đê trông như những cột chống trời. Hà sực nhớ cô có bữa sáng bằng món miến lươn vào lúc 9 giờ tại một quán ăn nhỏ ở thành phố Buôn Ma Thuột trước khi đi Cư Jút, nếu không thì cái bụng nhỏ của cô lại réo lên nữa. Trước mắt cô là một căn hộ cấp 4 có hàng rào kẽm gai bao quanh và một cái hòm thư bằng gỗ trước cổng.
Hà vừa xuống xe đã thấy thích cây thành ngạnh đang kỳ trổ bông. Trắng muốt và tinh khiết như ngọc. Cô nhủ lòng sau khi xong việc sẽ dành ra một giờ đồng hồ để ngắm những bông hoa trắng xinh xắn đó. Rồi thì cô quét mắt một vòng quanh căn hộ rồi bước nhanh đến cái hòm thư quan sát:
– Hòm thư đây rồi! Vậy ra thư của chị gửi người bưu tá chắc chắn sẽ cho vào đây.
Niê Thanh Hoa gật gù khẳng định điều Hà “ớt” vừa nói:
– Đúng vậy. Cửa nhà vẫn khóa đây mà. Vậy là cha tôi vẫn chưa về. Nhưng vấn đề là cha tôi không bao giờ đi đâu lâu mà không báo tin cho tôi cả. Mà ở huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông này, theo tôi biết thì ông chẳng có người quen nào.
– Hừm. Theo tôi được biết thì khu vực này trị an khá tốt, gần đây chả xảy ra án nào đáng kể. Giờ theo anh thì chúng ta nên làm sao? – Hà quay sang anh cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn đứng bên cạnh hỏi ngay.
– Đã tới rồi thì vào nhà tìm xem có manh mối gì không rồi tính tiếp.
Hai người họ trố mắt nhìn khi thấy Hà “ớt” rút cây kim trên vạt áo sơ mi đang mặc để tháo cái ổ khóa lủng lẳng trên khung cửa rồi cô mỉm cười giải thích trước sự ngạc nhiên của mọi người:
– Bình thường thôi. Chỉ là một hồi ức nghề nghiệp do một tên trộm chỉ mánh cho tôi thôi. Chỉ dùng đến trong những trường hợp bất đắc dĩ thôi mà. Mọi người đừng nhìn tôi như vậy chứ?
Họ đồng thanh:
– Bọn tôi có nói gì đâu mà cô giải thích nhiều vậy?
Hà đi vào trong, quan sát thật kỹ đồ vật trong nhà, từ cửa sổ, cửa ra vào, đến toilet như một thói quen và tìm được chiếc điện thoại của ông cụ để trên bàn. Như vậy, lời khai của bà chủ nhà hàng Mắc Ca hoàn toàn đúng. Điều Hà nhận ra là nó đã hết pin từ độ nào nên bấm nút nguồn mãi vẫn không thấy tín hiệu. Cái camera lắp ở góc tường vẫn còn hoạt động tốt nhưng chẳng thu được gì ngoài một bóng đen to đùng chắn trước mặt. “Nhất định là có mánh khóe nào đó rồi” Hà nghĩ. Căn nhà nhỏ, chỉ có một phòng khách, một gian bếp, một gian phòng ngủ nên công việc tìm kiếm chẳng tốn công là mấy. Đi qua đi lại mấy vòng nhưng cô chẳng tìm ra được điểm bất thường nào như trong mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám Hà mượn ở thư viện cơ quan hay đề cập. Các vật dụng cũng không hề bị xáo trộn hay chí ít là xê dịch. Trong tủ lạnh vẫn còn ít đồ tươi. Mọi thứ hướng đến giả thiết duy nhất: chủ nhà đi vắng.
– Cô cho ý kiến gì đi chứ? – Niê Thanh Hoa lên tiếng sau khi thấy Hà cật lực tìm kiếm mà chả có phát hiện gì.
Hà “ớt” cảm thấy khó chịu, cô vỗ cái chát vào vầng trán cao của mình và gằn giọng:
– Chị muốn nghe ý kiến gì?
– Cô nói vậy là sao? Đó là nghiệp vụ của cảnh sát mà… Làm sao tôi biết được.
Hà chống hai tay ngang hông như một vệ sĩ và nói chậm rãi từng tiếng một:
– Chẳng phải tôi đang tìm đây à? Đâu phải đòn nghiệp vụ nào tôi tung ra đều phải bẩm trình với chị. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, vì điều tra là một việc chưa bao giờ dễ dàng. Mà tôi vẫn chưa tơ hào đồng nào của chị, nhé!
– Làm sao tôi có thể kiên nhẫn chờ đợi thêm nữa khi người mất tích là cha đẻ của mình chứ? Chị có hiểu tâm trạng của tôi không? – Chị ta đốp lại, giọng ươn ướt. Vừa đúng lúc điện thoại trong túi Hà rung lên.
– Có rồi đây – Hà nhấc điện thoại – OK. Đưa hắn về đồn đi. Tôi sẽ tới ngay.
Chị ta ấn hai tay lên ngực, đổi giọng ngay tức khắc.
– Có tin gì rồi à? Hà nói tôi nghe với nào…
– Từ lúc đến đây cái hòm thư trước cửa nhà làm tôi chú ý nhất, vì đó chính là mấu chốt vấn đề. Thư sẽ được bưu tá chuyển vào đó, và kẻ mạo danh chỉ việc đợi tối rồi mò đến hòm thư lục lọi. Khi chúng ta đến đây, tôi cố ý nói chuyện ồn ào để gây sự chú ý và cá đã cắn câu. Cộng sự tại chỗ của tôi đã tóm cổ nghi can khi hắn lọ mọ ở góc đường cách chỗ chúng ta đang đứng không xa.
– Hay quá! Chị trách lầm Hà rồi… – Chị ta reo lên như một cái máy đun nước. Sự bực dọc vừa đó cũng biến đâu mất thay vào đó là một nụ cười tươi như tia nắng sớm rọi qua khung cửa sổ.
– Giờ chúng ta đi gặp nghi can, nhưng chị phải cung cấp cho tôi một tấm hình của ông cụ đấy. Chúng ta sẽ cần đến nó.
3. Người đàn ông nhỏ thó có nước da gà ri ngồi co cụm trên ghế trong một tư thế khắc khổ chưa từng thấy. Gã đeo một cái kính cận rất to, che gần hết vùng mắt của mình, thế nên trông gã giống một thầy giáo thất nghiệp hơn là một thợ may có nghề. Hà “ớt” đặt chai nước suối trên bàn rồi rút cái dây thước treo lủng lẳng trên cổ gã xem thật kỹ như trên đó có viết lời thú nhận của gã vậy.
– Anh là thợ may à?
– Cô biết rồi thì hỏi làm chi. Tôi không hiểu sao lại được mời về đây nữa?
Hà đặt dây thước xuống bàn rồi mở nắp chai nước mời gã, cô chậm rãi nói:
– Anh đang thắc mắc? Chúng tôi phải hỏi anh mới đúng chứ. Tại sao anh lại đứng ở góc đường theo dõi chúng tôi? Nếu câu trả lời của anh thuyết phục tôi sẽ báo cáo cấp trên giải quyết cho anh về ngay.
– Ô, tôi thấy hiếu kỳ thôi mà… ở khu này đã mấy khi có người lạ tới thăm đâu chớ?
– Vậy à? Hiếu kỳ mà còn phải chọn chỗ nấp sau bức tường ngoài cư xá à? Anh đừng làm ra vẻ con nai vàng ngơ ngác nữa. Tôi chán ngấy vẻ mặt đó lắm rồi! Chứ không phải anh là người hay đến nhà chỉnh sửa đồ cho ông cụ tên Phố sao? Anh đang thắc mắc vì sao tôi biết điều đó à, trong vụ này có rất nhiều người đứng ra chỉ chứng anh. Nhưng tôi lại cần sự thành thật. Giờ anh cho tôi biết người trong ảnh này là ai.
Hà cầm tấm ảnh chân dung ông cụ đưa đến trước mặt gã. Gã nhìn một lúc nhưng chẳng có biểu cảm gì.
– Anh có quen biết ông cụ này không?
– Không! – Gã đáp.
– Láo. Vậy hàng tuần anh đến nhà ông ta làm việc với ai? Anh sửa quần áo cho ai?
– Tôi sửa quần áo cho ông Phố. – Gã nhìn xoáy vào mặt Hà. Cặp mắt gã đanh lại như ánh mắt một con đại bàng trên cao nguyên.
– Chứ đây là ai? – Hà túm gáy rồi dí tấm hình sát mặt gã – Nhìn cho rõ. Đây là ông Phố đó.
Gã vùng lên, nhún vai thật mạnh:
– Không phải. Hai người khác xa nhau. Ông Phố của tôi không phải người đàn ông xấu xa này…
Hà “ớt” xuống giọng:
– Vậy anh mô phỏng lại xem ngoại hình kẻ giả mạo đó ra sao đi. Tôi sẽ cho người vẽ lại rồi truy lùng hắn ngay. Chính hắn đã bắt cóc ông cụ.
4.
Hà “ớt” và cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn quay trở lại nhà ông cụ Phố lần nữa. Mỗi một thước gạch cô đều soi rất kỹ. Lần này là soi kỹ thật chứ không phải là tung “đòn gió” để dụ một kẻ thứ ba nào sa lưới. Nhưng hình như cô vẫn chưa thu hoạch được gì nên tựa lưng vào thành bếp nghỉ mệt vừa nghĩ bước tiếp theo.
– Hình như là chả có gì bất thường. Các vật dụng không được ai mó tới, không có một dấu tay lạ nào, dường như người ta đã lau sạch nó trước khi chúng ta đến. Vậy rốt cuộc ông cụ đi đâu. Anh có cao kiến gì không?
– Anh đề nghị kiểm tra hành chính nhà của tay sửa quần áo đó. – Anh cảnh sát khu vực cho ý kiến.
– Tại sao vậy? Gã đang sống với ai anh biết không?
– Với một người mẹ già. Gã không vợ con gì, cứ long đong như vậy mấy chục năm rồi. – Anh ta vừa nói vừa ngó lên trần nhà như cố nhớ lại. Việc nắm tình hình địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên của anh, hôm nay giúp Hà “ớt” điều tra vụ án bằng những hiểu biết của mình nên anh rất vui.
– Tuần nào gã cũng tới nhà ông cụ để sửa quần áo sao? Ông sống một mình lấy đâu ra nhiều đồ mà sửa như vậy?
– Đúng. Giờ cô nói mới để ý. Như vậy chúng ta phải gặp gã cận đó lần nữa để giải quyết gút mắc này…
– Tôi đã cho gã về nhà và bố trí người theo dõi. Chúng ta sẽ dập gã tơi tả khi tìm được chứng cứ vững hơn. À, người của anh đã tìm ra kẻ mạo danh như gã thợ may đó mô tả chưa?
Anh ta nhún vai:
– Vẫn chưa. Nhưng e là gã nói cho qua chuyện chứ làm gì có kẻ nào như vậy đâu mà tìm. Có lần tôi thấy ông cụ còn mang áo quần ra sân nhờ gã phơi hộ đấy!
– Có chuyện như vậy nữa à? Vậy sao gã nói không biết người trong ảnh là ai? Chết thật. – Hà đột nhiên chau mày rồi khom người xuống sàn – Xem chúng ta có gì nào… – Hà cúi thấp người hơn nữa, chỗ tấm thảm nâu bạc màu nổi lên một đốm đen như miếng bả cao su lâu ngày. Cô nắm một góc thảm, giở lên cao rồi bật đèn điện thoại soi.
– Hình như là máu. Đã khô lại… – Anh cảnh sát khu vực thốt lên mừng rỡ khi tìm được một dấu vết để lại.
– Vậy ra… – Họ nhìn nhau – Có một vụ xô xát nảy lửa xảy ra trong khuôn bếp này. Vệt máu khô này tôi đoán là của ông cụ. Tuy ông cụ Phố và gã thợ may đó có vóc người tương đối nhưng người trung niên bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn một cụ già. Vậy ra gã thợ may chính là người đã ra tay, và có thể cũng chính là kẻ mạo danh…
– Kết luận như vậy có vội quá không? Giờ ta lấy mẫu rồi gửi giám định ngay mới được. Khi đó thì gã hết đường chối thôi.
Anh cảnh sát khu vực lấy đồ nghề ra lấy mẫu xong thì Hà đưa anh ta một bì thư lớn.
– Giúp tôi giám định luôn vật trong bì thư này. Tốt nhất là hai mẫu giám định có kết quả cùng lúc.
5.
Sau khi có kết quả giám định, Hà lại mời người thợ may lên làm việc lần nữa, nhưng lần này thì có thêm sự xuất hiện của Niê Thanh Hoa, người đã tạo điều kiện cho Hà tiếp xúc vụ án thú vị này. Khi được mời, chị ta nhận lời ngay. Mặt chị ta đỏ bừng, như một cái mặt nạ được hun đúc từ đất đỏ bazan, vẻ nôn nóng, cứ như muốn chụp lấy người đã bắt cóc cha mình rồi tự tra hỏi lấy vậy. Nhưng người trông coi họ không cho họ làm thế và yêu cầu họ phải ngồi yên chờ đợi đã gần một tiếng đồng hồ, và việc cho nghi can chờ đợi cũng là một chiến thuật điều tra của Hà “ớt”. Một chiến thuật quan trọng khi cô vẫn còn một điểm khuất tất nữa cần làm rõ trước khi kết luận vụ việc.
Khi cô bước vào phòng làm việc thì hai người họ đã đứng dậy, mỗi người ngó ra ngoài một cái cửa sổ. Không ai để ai vào mắt. Niê thì tay này đấm tay kia thùm thụp cho đến khi Hà “ớt” xuất hiện và vỗ nhẹ vào vai chị ta mới chịu thôi cái trò đó.
– Anh chờ có lâu không? Chúng ta vào việc chính nhé! Anh nói cho tôi biết, lần cuối anh gặp ông cụ là khi nào?
– Không nhớ rõ, hình như là hai tuần trước, buổi chiều. – Anh ta ngồi vào bàn ngay sau đó và dùng cái giọng thâm trầm như mọi khi trả lời câu hỏi của Hà.
– Thế à. Anh đến đó làm gì?
– Để sửa quần áo! Cô hỏi thừa…
Hà cười mỉm, kéo ghế ra ngồi đối diện người thợ may. Bấy giờ, chân dung của Hà “ớt” trong bộ trang phục xanh lá mạ có những ngôi sao xếp ngay ngắn trên bờ vai đã hiện rõ trong mắt anh ta. Bốn ngôi sao sáng giới trên cầu vai càng sáng hơn dưới ánh đèn trong phòng ghi lời khai.
– Sửa quần áo à? Ông cụ sống một mình cũng chẳng có đi đâu ngoài Cư Jút này thì làm gì có nhiều đồ để anh sửa như vậy? – Hà trông anh ta, vẻ bối rối bắt đầu xuất hiện, cô tiếp tục với chiến thuật đấu tranh tâm lý luôn là thứ vũ khí sắc bén của mình – Lần trước, khi anh có mặt tại đây, chính anh đã mô phỏng chân dung kẻ mạo danh là tôi đã nghi ngờ rồi. Chính ánh mắt anh đã cho tôi biết điều đó, khi anh hướng sự nghi ngờ của chúng tôi sang một người khác mà người đó do trí tưởng tượng của anh mà ra, ánh mắt anh sáng rỡ. Và vì vậy tôi kết luận là anh đang nói dối, và đây là một trong những phi vụ bắt cóc anh làm đầu tiên có phải không?
– Cũng là giả thiết của cô thôi. Làm gì có chứng cứ? – Gã bình thản đáp rồi ngả người ra thành ghế khi Hà “ớt” kéo ghế xích lại gần hơn.
– Có một cuộc xô xát xảy ra trong gian bếp nhà ông cụ vào hai tuần trước. Ông cụ bị ngã, đập đầu xuống sàn, tôi đã phát hiện ra dấu máu đã khô lại trên thảm và tôi đã lấy mẫu giám định thì đúng là máu của ông cụ.
Bất thình lình Niê Thanh Hoa xô ghế đứng dậy khi nghe cha mình bị tổn hại đến sức khỏe nhưng Hà kịp thời ra dấu cho chị ngồi xuống, tiếp tục lắng nghe vì đoạn cao trào chưa tới. Sở dĩ, Hà mời Niê vào đây là có lý do. Bởi đây là một vụ bắt cóc khá đặc biệt, còn Hà “ớt” thì mừng thầm vì vụ việc tiến triển theo đúng kế hoạch.
– Có thể kẻ mạo danh đó đã theo dõi tôi, khi tôi về hắn mới ra tay thì sao…
Hà cười khẩy:
– Tôi biết đằng nào anh cũng sẽ chối nên cách đây 20 phút tôi đã đến nhà anh kiểm tra. Tôi tìm thấy mớ bóng bay chưa sử dụng hết mà anh dùng để chắn tầm nhìn camera khi vào nhà ông cụ và cả khi đi rút tiền ở các trụ ATM hay khi lục lọi hòm thư trước cổng nhà. Tôi còn biết anh có mẹ già bệnh nặng… nhưng anh có thể chối mà. Và tôi đã cho giám định một thứ khác. Vật chứng duy nhất có giá trị định tội. Anh trông tấm bưu thiếp này có quen không?
– Thứ gì vậy? Trong đó viết gì… – Gã lại ngơ ngác.
– Nếu tôi là anh thì đã nhận tội để còn được khoan hồng, cứ chối bai bải mà làm gì. Tôi đã ấy mẫu nước bọt phía sau con tem trên bưu thiếp này đi kiểm định ADN và đã có kết quả. Không ngoài dự đoán của tôi, mẫu nước bọt hoàn toàn trùng khớp với ADN của anh…
Nói tới đó, người thợ may ngã ngồi xuống ghế rồi anh ta bị chị Hoa túm cổ đánh mấy bạt tay. Chị ta vừa đánh vừa hét:
– Mày giấu cha tao ở đâu. Giấu cha tao ở đâu… hả thằng chó chết…
Hà “ớt” ngăn họ lại, và bằng cái giọng thâm trầm như đến từ vực sâu, cô tiếp tục buổi làm việc của mình:
– Khoan đã. Tôi vẫn chưa nói hết mà. Vẫn còn một kết quả giám định ADN nữa. – Hà “ớt” nói thật chậm nhất có thể.
– Cô nói vậy là sao? – Chị Hoa ngưng khóc, dụi nước mắt lắng nghe.
– Cô ta ám chỉ tôi đó.
– Phải. Tôi đã nghi ngờ quan hệ giữa anh và ông cụ Phố khi so sánh vóc dáng của hai người, ánh mắt, thói quen… và khi anh cảnh sát khu vực đây cho biết anh hay tới lui căn hộ của ông cụ để sửa quần áo và thường xuyên phơi đồ cho ông cụ là tôi càng nghi vấn hơn, cho đến khi có kết quả ADN thì đúng như vậy, anh và ông cụ Phố có mối quan hệ huyết thống.
– Tại sao cô lại nhắc đến điều ấy? – Gã thợ may gào lên, nức nở – Tôi không muốn mẹ tôi tới tuổi này rồi mà còn không yên!
– Mọi thứ nảy ra trong đầu tôi từ khi anh nhìn ảnh ông cụ Phố mà rít lên rằng “Ông Phố của tôi không phải người đàn ông xấu xa này”. Tôi đã cất công hỏi các nhà tâm lý học và họ giải thích rằng thay cho chữ “ông Phố” lẽ ra phải là “cha tôi”…
Chị Hoa ngã ngồi xuống ghế, miệng kêu trời vì nhận ra người thợ may này cùng huyết thống với mình.
– Chị hãy bình tĩnh. – Rồi Hà ngó qua người thợ may – Tôi biết anh không muốn nhận lại người cha đã ruồng bỏ mẹ con anh, ngay cả khi anh dùng một cái kính to để làm mình trông khác đi, hay vụ xô xát xảy ra trong gian bếp… nhưng vì mẹ anh chẳng còn sống được bao lâu nữa nên anh mới mắt nhắm mắt mở để cho họ đoàn tụ bên nhau nửa tháng qua. Vụ xô xát trong bếp chỉ là ngoài ý muốn. Tôi nói có đúng không?
– Giờ cô tính sao? – Anh ta áp chặt hai cổ tay vào nhau đưa ra trước như chuẩn bị đón nhận cái còng số tám bập vào cổ tay mình.
Hà mở một video gì đó rồi đặt chiếc điện thoại trên bàn. Cả hai người họ nhận ra ngay chiếc điện thoại của cha mình.
– Tôi không tính sao cả vì nó vẫn chưa đủ yếu tố để tống giam anh. Anh chị biết không, khi tôi tìm đến nhà anh tôi thấy ông cụ đang cho bà ăn cháo. Thật cảm động, và tôi ước là anh chị trông thấy như tôi nên đã lấy chính cái điện thoại của ông cụ ghi lại khung cảnh đó. Đây là chuyện gia đình của hai người, chúng tôi sẽ không can dự vào cho đến khi có yêu cầu. Nhưng tôi nghĩ là anh chị hãy tôn trọng quyết định cuối cùng của ông bà cụ.
– Không thể. Tôi không tin – Chị Niê gằn giọng. Những giọt nước mắt đã sớm tuôn trào như con thác Dray Sap.
– Chị Niê ơi! Chị chỉ tin vào cái điện thoại thôi sao? – Hà “ớt” rầu rĩ – Nó làm sao thay được tình thân của con người?.
6/4/2023
Võ Chí Nhất
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...