Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Bên cánh vườn xanh

Bên cánh vườn xanh

Tôi có một thửa vườn trồng hoa, trồng rau không những đủ cung cấp rau xanh cho gia đình cha mẹ tôi mà còn đủ cung ứng cho các bác, các chú thím và anh em bạn bè đồng hương nữa. Gọi là thửa vườn cho xôm tụ, chứ thật ra chỉ là đất thuê của thành phố cho những người thích làm vườn mà không có đất hay không tiện trồng ở nhà, hay trồng thêm cho đủ ăn cả năm.
Nhà gia đình chúng tôi ở chỉ còn lại cha mẹ và 2 anh em tôi thôi, còn các anh chị khác đã có vợ có chồng chẳng mấy khi về nên trồng rau chỉ là thú tiêu khiển chứ không còn là chuyện cần thiết như thuở cha mẹ chúng tôi mới qua đây với 9 mụn con ăn như hổ đói, lớn xổ như đậu thần vào cái tuổi dậy thì. Sân sau nhà chúng tôi bây giờ hàng thông đã cao lớn bóng mát che rợp cả sân rễ mọc đầy có trồng rau, rau cũng chẳng đủ ánh sáng mặt trời mà mọc.
Những cây cảnh hay hoa trong vườn bây giờ chỉ là những thứ cây, hoa mọc năm này tới năm nọ, chứ loại phải trồng lại hằng năm không còn có đất sống. Từ năm 2000 mở một thiên niên mới tôi đã viết một lời quyết tâm đầu năm gia nhập nhóm Làm Xanh Trái Đất bằng cách trồng cây quanh thành phố và trồng rau nếu thế giới thoát đại nạn Y2K hay tận thế.
Chẳng là mùa Giáng Sinh năm 1999, cha mẹ tôi về Việt Nam để lỡ có chuyện gì xảy ra ông bà cũng được gần hương hỏa ông bà tổ tiên, chứ không phải lạnh lẽo trên đất người. Ông bà cứ nằng nặc bảo anh em tôi mua vé máy bay cùng về, nhưng anh em chúng tôi bận bịu với công việc vì vi khuẩn vi tính Y2K đe dọa nên phải cặm cụi viết lại thảo chương phát mờ con mắt chứ ở đó mà đi rong sao được.
Thằng em trai tôi nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt ra vẻ am hiểu tâm lý cha mẹ tôi thì thầm nói với tôi: "Tụi nó về tìm vợ cho anh em mình đó! Anh muốn có vợ thì về!"
Tôi cười sửa lưng em tôi, "Mày á nha! Tiếng Việt mày nói như con nít lên ba, bố mẹ mà gọi là tụi nó, chúng nó là không được, mất lễ phép, bất kính lắm đó! Đối với cha mẹ thì xưng bố mẹ hay ba má, chứ không được gọi là chúng nó! Đối với người lớn phải kêu là họ, ông bà Tuyên, cô Tuyến chứ không được kêu chúng nó, hay nó như Mỹ như Tây được!"
-- Tiếng Việt rắc rối quá!
-- Tiếng nước nào cũng phức tạp, có đặc điểm riêng, mình phải dùng nhiều, đọc nhiều thì quen thôi!
Khi chuyển sang năm 2000, mọi chuyện bình thường, nhiều công ty thở phào nhẹ nhõm, nhiều hãng tiếc rẻ tiền tốn kém trả cho nhân viên làm việc phụ trội, anh em tôi cũng sung sướng đón cha mẹ chúng tôi trở lại bằng an sau những ngày ăn cơm tiệm hoặc mì gói lúc các người thong thả thăm viếng bà con ở quê nhà.
Bố tôi trở về đem những hạt giống giao cho tôi, nào rau dền đỏ, rau đay, rau mồng tơi, rau bồ ngót, cà pháo, cà tím...
- Con cuốc đất làm mảnh vườn nho nhỏ sau nhà, trồng những thứ này cho đỡ nhớ quê hương và ăn những món đặc sản của quê nhà...
- Vườn nhà mình trồng hoa và cây cối sẵn rồi, trồng thêm rau vào mất thẩm mỹ và cũng chẳng mọc tốt được, để con đem ra vườn thuê công cộng trồng, vừa đỡ tốn tiền nước vừa có dịp đi bộ tập thể dục.
Thế là từ đó mỗi năm tôi đều mướn một mảnh đất trong những khu vườn cộng đồng (Community Gardens). Vườn cộng đồng tôi thích nhất nằm trên góc đường Hershey và Ireland Grove vì chỉ cách nhà tôi chừng 2 dặm Anh cỡ 3 km để bố mẹ tôi rảnh rỗi đi tập thể dục buổi sáng hay buổi chiều rồi dùng vòi tưới rau luôn kiểu một công hai chuyện.
Năm đầu tiên tôi trồng khổ qua, mướp, rau dền, cà chua, cà pháo, cà tím, cũng như một số rau cải. Mọi thứ đều mọc vù vù ăn không hết, trừ mướp hương ra lá xum xuê nhưng không kịp ra trái. Vườn tôi được mọi người chú ý vì có những thứ lạ, những người Mỹ cứ trố mắt chỉ đám rau dền tíahỏi, "Anh trồng cái chi thế giống như cỏ dại!"
Tôi cười nói, "Thứ rau dền (amaranth) này rất quí ăn vào bổ máu chứ không phải là cỏ đâu, không tin hỏi bác sĩ Lee đi! Ông ấy là bác sĩ chuyên khoa đó, ông ta nói những người có bệnh thiếu máu (anemia) nên tìm rau này mà ăn chứ không phải tôi tin nhảm kiểu nhà vườn đâu!"
Tôi chỉ trồng một năm ăn không hết để già làm giống, không ngờ hạt giống bay tứ tung năm nào cũng mọc đầy vườn, những người Mỹ không ăn được, cứ gọi là cỏ dại hay là "Red Leave Vegi" do tôi mang tới chứ không nhớ cái tên khoa học amaranth tôi đã nói. Buồn cười một cái là sở thú thành phố nghe có thứ giống hoa lạ, xin tôi hạt giống amaranth đem trồng làm đám hoa kiểng ở Khu Vườn Nhiệt Đới trước khi vào Tropical Zoo phần dành riêng những thú vật chim muông những vùng nhiệt đới gần đường xích đạo ở Á Châu cũng như ở Nam Mỹ, Phi Châu... Tiếng đồn vang xa, khu công viên Lake of the Woods nằm trên đường Quốc Lộ 74 gần Champaign-Urbana cũng xin rau dền và mùng tơi đặt là Vietnamese Spinach thay vì các nơi gọi là Indian Spinach một cách sai lầm vì tôi hỏi một số người Ấn xem có biết rau đó không thì chẳng ai biết cả.
Bố tôi năm đầu kỹ lưỡng lắm, đóng khung gỗ giăng dây cho rau mùng tơi bò, học từ những ngày đi học cải tạo lao động trong rừng, phải trồng rau xanh để đỡ bị táo bón, lại chỉ có tí đất chung với đồng đội nên phải tìm đủ mọi sáng kiến để trồng trọt thu hoạch tới mức tối đa. Về sau thấy đất rộng tha hồ trồng nên cũng không kỹ lưỡng như năm đầu, vì mùng tơi trồng ăn chẳng hết, còn đem cho người này, người nọ.
Có năm tôi trồng 3 gốc bầu, kiếm gỗ làm bốn cọc trụ chính rồi giăng giây làm giàn, trái mọc khắp nơi phải gần 2, 3 trăm trái, đem cho mọi người khắp nơi. Có lần gặp một chị kia chồng bị tai nạn xe chết hơn 1 năm, ra ngoài vườn xin rau, thằng em tôi láu táu hỏi làm chị và cha mẹ tôi đều đỏ mặt:
-- Chị có bầu chưa?
Tôi vội vàng đính chính:
-- Em nó không sõi tiếng Việt mấy, nó tính hỏi chị để nó hái mấy trái bầu cho chị đó!
Chị cười toe toét:
-- Thằng anh tiếng Việt thì rành như thầy giáo, còn thằng em nói tiếng Việt chết người quá!
Khổ một cái là vườn tôi đứng tên, nhưng công lao bố mẹ tôi chăm tưới nhiều, mà các cô, các bác, các chú cứ gọi tôi xin rau, xin bầu... Chuyện cho là chuyện nhỏ nhưng mấy ông, mấy anh cứ kháo giỡn với nhau trong những tiệc rượu:
-- Thằng Nguyên nó chơi khăm bọn mình đó nha! Ai đời nó độc thân mà cứ cho các cô, các thím bầu!
Có nhiều ông, nhiều anh còn bạo miệng chọc mấy cô, nhiều khi nghe được chỉ muốn độn thổ:
-- Cô gì kia, cô có bầu chưa? Hỏi cậu Nguyên, cậu ấy cho một cái!
Tôi rủa thầm thằng em tôi, cũng chỉ vì câu hỏi của nó mà thiên hạ lập đi lập lại những buổi tiệc mùa hè vì khí hậu tốt và tương đối cũng rảnh rang, chứ vào năm lại bận rộn với trường lớp, việc làm nên dịp gặp nhau chỉ vào các dịp lễ chứ không thường xuyên như kỳ hè.
Có năm, tôi gặp một cô gái Mỹ, cũng mướn một mảnh vườn trong khu vườn tôi mướn, vườn tôi thì xanh um, trái ơi là trái, mà vườn cô chỉ loe que ít cây, cỏ mọc nhiều mà cô thì nghe nói ngày nào cũng ra vườn, còn tôi thì hai ba ngày mới ra một lần, từ ngày ba tôi bị bệnh không còn ra vườn thường xuyên được nữa. Cha mẹ tôi có ra, cũng là do tôi chở đi, chứ thằng em, ra trường rồi thì đi làm việc ở xa. Một lần tôi quan sát thấy cô tưới rau bằng bình nước nhỏ như bình xịt tóc, tôi chào:
-- Hello, cô làm gì đó?
-- Tôi tưới nước đây mà!
-- Sao cô không dùng dây nước kia kìa? Tôi tưởng cô xịt sâu bọ, chứ tưới nước cô phải tưới bằng ống nước Hose kia! Phải tưới đẫm nước thì cà chua và các thứ mới lên được.
-- Cám ơn, tôi không biết. Tôi có trồng cây cảnh trong nhà, tôi dùng bình này không thôi.
-- Trong nhà không có nắng, chứ ngoài đây, không có mưa thì rau cỏ khô ran chết ngay. Tháng 7, tháng 8 trời nóng chang chang, không tưới ướt đẫm là cây cỏ chết khôi đó!
Thế là năm đó, cô theo làm học trò học lối làm vườn của tôi. Cô thích dưa chuột, cà chua, và đậu bắp. Năm đó cô thu hoạch ở vườn cô không bao nhiêu, nhưng học hỏi được nhiều và cũng hái dưa chuột (cucumber), đậu bắp (Okra), và cà chua vườn tôi không ít, vì tôi cho phép cô cứ tự nhiên, đến nỗi các ông Mỹ làm vườn hay đùa riêng với tôi:
-- She likes your cucumbers. Go after her, friend! (Cô ấy thích dưa chuột của bạn. Bạn theo cô ta đi, bạn nhóc!)
Làm vườn là một thú vui thanh nhã, đôi lúc học hỏi được nhiều và cũng quen biết thêm nhiều người. Trồng rau ở Vườn Cộng Đồng không phải chỉ để ăn, mua bán, mà để chia sẻ, tiếp xúc với đủ hạng người. Vườn Cộng Đồng không rào gì cả nằm ngay ngã tư có bãi đậu xe nên nhiều người không làm vườn cũng ghé xem, đôi khi hái trộm các thứ rau. Có lần ông Arthur gọi ngắn là Art là dân làm vườn chuyên nghiệp ở đây nói:
-- Hôm qua, tôi thấy một người Mỹ lái chiếc xe Mercedes vào vườn của anh hái một bao cà chua, anh cho phép ông ta hở? Ông ta ở ngay khúc nhà kia kìa, tôi thấy ông cta chạy vào khu đó!
-- À tôi không quen, nhưng không sao. Cà chua tôi nhiều ăn không hết, đem cho bà con bạn bè, hay cho Kitchen Soup là trung tâm nấu ăn cho những người vô gia cư, người nghèo của nhà thờ tôi đó! Họ cần thì họ hái, đừng bận tâm! Cám ơn ông đã báo tôi!
Cũng có lần tôi gặp nhiều người lạ đến hái trong mảnh vườn của người khác tôi tới hỏi và nói:
-- Chào ông bà, tôi tên là... Ông bà quen với chủ nhân mảnh vườn này chứ?
-- Không chúng tôi tưởng là Khu Vườn Công Cộng ai vào hái cũng được!
-- Đây là Community Gardens nhưng là của riêng những người bỏ tiền ra mướn hằng năm, chứ không phải cho hết mọi người đâu! Xin ông bà vui lòng đừng làm vậy nữa. Ông bà cần gì, tới mảnh vườn riêng tôi, tôi hái cho...
Có những người cả gan nói dối trắng trợn, thì tôi hỏi thêm vì làm chung với nhau chúng tôi biết tên nhau hết:
-- Ông bà biết tên chủ nhân mảnh vườn này thì xin ông bà vui lòng nói tên họ là gì?
Thường là tới lúc đó họ đuối lý bỏ đi, hay trả lời được thì chúng tôi nói:
-- Ông bà cứ việc tự nhiên, những người làm vườn chúng tôi có một giao ước với nhau hỏi người lạ để bảo vệ chung thôi, chúc ông bà một ngày vui!
Cuối tháng ba năm nay, chúng tôi lên Trung Tâm Công Viên và Giải Trí để nộp đơn mướn đất. Giờ mở cửa là 8 giờ nhưng 5:30 sáng tôi đã lên để mướn đất gần vòi nước để đỡ phải kéo ống quá xa, ai ngờ trước mặt tôi đã có hàng dài người rồi. Đúng 8 giờ sáng chúng tôi lấy số, rồi tản ra nói chuyện, đa số là người cũ, cũng có một số người mới, là những người Ấn đô, Trung đông, và 1 gia đình người Trung Hoa.
Họ gật đầu chào tôi, tôi cũng chào lại:
-- Nị hào ma? (Ông khỏe không?)
-- Hào, nị hào ma?
-- Hảo, hảo
Thế là chúng tôi nói chuyện làm vườn, ông bà Trung Hoa đã về hưu, già cỡ bố mẹ tôi, vì là lần đầu nên mảnh vườn ông bà ở cuối lô vườn, kéo nước hơi xa và ông bà không muốn mua ống hose dẫn nước nên cứ đem hai bình tưới rau hứng nước đi tưới nên rau cỏ cũng không mọc tốt như vườn tôi. Hôm nọ, ông bà nhìn luống rau muống, mùng tơi, và đậu ba gang ông bà thích lắm khi tôi cắt cho ông bà đầy bao, nhưng cảm động nhất đến nỗi bà chảy nước mắt khi tôi tặng ông bà bình cây ớt hiểm trái đỏ trái xanh đầy cành:
-- Cậu cho chúng tôi bình ớt này à! Cậu tốt lắm! Cậu tốt lắm! Cám ơn cậu!
Thế là ông bà nấu ăn mời bố mẹ tôi và tôi qua ăn như họ hàng trong nhà. Thực ra là có gì đâu, tôi trồng đủ loại ớt chỉ để mà xem cho đẹp mắt chứ một cây là đã ăn đủ cả năm. Đặc biệt năm nay tôi trồng loại ớt Habanero, gốc gác từ vùng Yucatan, Caribbean, cay cháy lưỡi chung với hàng ớt chuối (Banana Pepper), trái ớt chuối ở xa ớt habenero thì ngọt, không cay, còn đám cây ớt chuối trồng gần ớt cay cháy lưỡi cũng bị lai giống, cay như ớt, tuy không cay bằng loại ớt hiểm hay ớt Thái Long (Thai Dragon).
Được cặp nghệ sỹ Mỹ cho một lô tre trúc sau nhà, tôi làm vườn kỳ này qui mô hơn, dùng tre chống kiểu nhà lều của người da đỏ ngày xưa và cắm hình cũ V ngược, dùng hai thân tre chụm đầu vào với nhau làm giàn cho đậu ba gang và dưa leo mọc nên thu hoạch hai ngày hai bao đem phân phát cho mọi người ở sở làm và nhà thờ! Ai cũng nói:"You do have a green thumb!" (Bạn có ngón tay xanh làm vườn!" Tôi cười nói, "Just water, good topsoil, Miracle Grow and frequent weedings will do wonder into everything you grow!" (Chỉ nước, đất đổ mặt trên, phân Miracle Grow và làm cỏ thường xuyên sẽ làm những diệu kỳ cho tất cả những gì bạn trồng!" Coi bộ tôi đi làm quảng cáo cho các hàng bán Topsoil hay phân Miracle Grow được rồi quá!
Dưa chuột có giàn thì ong hút hoa rải nhụy trái nhiều và đều vì không chạm đất, lại dễ thấy nên hái hằng ngày, trái càng nhiều, chứ không hại giây vì để trái lớn già... Còn giây bầu thì ôi thôi được nắng, nước mọc tràn lan khắp nơi...
Năm nay loài bọ xít Nhật (Japanese beetle) về nhiều quá, ăn trụi nhiều rau trái của nhiều người. Tôi bỏ bột Sevrin lên những cây đậu đũa, đậu dài ba gang (String Bean), đậu bắp, cà tím là loại dân quê mình gọi là cà dái dê, sau một ngày thấy có cả ngàn con nằm lăn quay dưới đất chết. Loại cà tím tôi trồng là giống Ichiban Eggplant loại cà tím của Nhật thon dài, rất ngọt mềm, không như loại cà bát, cà tím Mỹ, ăn sống hay xào, lăn bột chiên. Cũng lạ là giống côn trùng nào khang kha''c một chút người Mỹ họ đặt không biết có phải là do xuất xứ hay là tại tính kỳ thị có sẵn của con người có năm tôi nghe ở Florida có giống Vietnamese cockroach, có năm khắp nơi trên nước Mỹ có giống Chinese ladybug.
Thôi chuyện vườn rau xanh tạm thời đã đủ, lúc nào viết tiếp! Bạn nào thắc mắc chi, cứ hỏi. Anh T.V cứ đổ vài bao topsoil, cho thêm tí Miracle Grow là cây ổi sẽ vù lớn như giây đậu thần trong Jack and the Magic Bean (Truyện cổ tích Jack và cây đậu kỳ diệu) đó, tha hồ mà leo, đánh đu nha!.
Nguyên Đỗ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...