Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Nguyễn Huy Thiệp - Người đạt đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn

Nguyễn Huy Thiệp - Người đạt
đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn

Trước khi gây chấn động văn đàn với tác phẩm Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp đã công bố trên báo Văn Nghệ hai truyện ngắn (Mỵ, Vết trượt). Nếu tiếp tục cách khai thác chất liệu sáng tác và bút pháp của những truyện ngắn này, có lẽ ông vẫn tìm được một vị trí trong văn học sử nhưng không thể trở thành hiện tượng độc đáo gây nhiều tranh cãi như chúng ta chứng kiến suốt ba thập niên văn học.
Trong thế kỷ 20 ở nước ta, trên lĩnh vực văn xuôi hư cấu xuất hiện nhiều tài năng đa dạng, tầm cỡ, nhưng thiết nghĩ hai tác gia có tính cách tân và mang số phận kỳ lạ nhất là Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp. Một người cầm bút trong xã hội thuộc địa; một người trong bối cảnh đất nước thống nhất, hòa bình. Một người vào nghề và hoàn thành sự nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ; một người khởi nghiệp khi đã qua tuổi thanh niên và có nhiều trải nghiệm cay đắng trong cuộc đời. Một người chủ yếu thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết; một người đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn. Mượn cách nói của M. Bakhtin, cả hai là những nghệ sĩ thiên bẩm biết cách nhìn thế giới bằng con mắt của thể loại.
Như những ngôn sứ trong Kinh Thánh từng không được chấp nhận trên quê hương mình, dư luận xã hội đã có lúc nghi kỵ, thậm chí lên án hai văn tài nói trên. Những mũi tên bắn vào tác phẩm Vũ Trọng Phụng chủ yếu khi ông đã nằm xuống, còn Nguyễn Huy Thiệp thì phải chịu trận và chống đỡ với những làn sóng đả kích khi đang sức sáng tạo để tiếp tục khẳng định chính mình.
Nói hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm của thời Đổi mới có lẽ cũng đúng, nhưng tác động của thời cuộc may lắm là kích thích và tạo môi trường tương đối thuận lợi cho tác phẩm được công bố. Còn sự thật thì Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm của chính Nguyễn Huy Thiệp, với nội công thâm hậu mà ông rèn luyện trong mười năm dạy học ở Tây Bắc, miền đất của Những ngọn gió Hua Tát.
Xét riêng về thể truyện ngắn, có thể xếp Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh Nam Cao. Phong cách Nam Cao thống nhất trong sự viên mãn; phong cách Nguyễn Huy Thiệp thống nhất trong sự biến hóa khó lường: trữ tình dân gian, hiện thực khắc nghiệt pha lẫn yếu tố kỳ ảo. Đó còn là những truyện kể qua ngôn ngữ sân khấu, với những xung đột được đẩy đến cao trào. Không có gì khó hiểu khi nhà thơ trong văn xuôi này cũng là tác giả của những vở kịch đặc sắc mang chiều sâu tư tưởng. Rất tiếc là kịch của Nguyễn Huy Thiệp ít được dàn dựng trên sân khấu nên vẫn còn xa lạ với công chúng.
Khoảng trống Nguyễn Huy Thiệp để lại hôm nay có lẽ còn lâu lắm mới được lấp đầy. Người đời chắc chắn sẽ đọc lại Nguyễn Huy Thiệp và sẽ còn dành nhiều giấy mực để luận bàn về tác phẩm của ông.
22/3/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 21.3.2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Anh Khó Tính Ghê Vậy Á! - Anh khó tính ghê vậy á! Lần đầu tiên gặp tôi, cô bé đã nhát gừng trách thế bảo sao tôi chẳng ức. Tôi nói l...