Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Nhấp nhổm chất giọng riêng Nam bộ trong thơ 1-2-3 Nguyễn Đinh Văn Hiếu

Nhấp nhổm chất giọng riêng Nam bộ
trong thơ 1-2-3 Nguyễn Đinh Văn Hiếu

Có thể nói Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã qua giai đoạn xôn xao cửa sóng với 1-2-3, hiện tại anh đang bồi lắng định hình một miền quê chữ nghĩa! Tôi đã thấy nhấp nhổm một kiểu chất giọng riêng Nam Bộ trong thơ 1-2-3 của anh. Mừng cho anh và mừng cho thơ 1-2-3!
Điểm nhấn đầu tiên khi đọc thơ anh, người ta thấy một điều khá rõ, rằng anh đã lấy chất liệu địa danh nhào nặn thành nguyên liệu chữ nghĩa rồi tạo ra sản phẩm một cách tự nhiên như không hề dụng công. Anh có một cách kể lại huyền sử bằng thơ khá hấp dẫn. Trong bài thơ “Ao Bà Om huyền thoại lung linh chuyện tình” có giọng thơ tự sự “Những người đàn bà căng mắt hì hục nhát đào”;“Cánh đàn ông nông nổi ngắm trăng sao ngạo nghễ thách đấu”, có chất giọng hiện thực pha trộn phồn thực đầy ẩn ý: “Mây mẩy vòm ngực căng tròn mồ hôi áp dính lần nếp áo”. “Cổ thụ cuồn cuộn nổi hòn bao ngần ấy vẻ đẹp trần gian”. Để cuối cùng vui trong vỡ òa chiêm nghiệm: “Từ cuộc thi hồi nảo hồi nào thay đổi tục lệ cưới xin”. Có thể nói tác giả đang kể chuyện cổ tích bằng thơ 1-2-3 rất có duyên và độc đáo.
Phải là người sống hết mình với nơi mình sinh ra và lớn lên thì mới có thể viết được câu thơ ruột gan “Nâng chén rượu ngang mày uống phù sa cạn cùng bồi bãi” như thế. Lời thơ chân thật không hề đãi bôi cải lương cho dù câu thơ có dùng những hình ảnh cũ “nâng chén rượu ngang mày”. Điều ấy chứng tỏ khi viết, tác giả đã rất có ý thức sắp xếp trật tự cho cái mới đi liền sau cái cũ? Mạch ý muốn diễn tả sự tiếp nối chăng? Bữa rượu làm nền cho sự bay bổng và thăng hoa đặc tả tính cách con người Nam Bộ để như vừa có gì đó rất trịnh trọng, lại như vừa có gì đó rất chân tình xuề xòa, đặc biệt là sự hết mình với anh em (qua kiểu uống, cách uống rượu với bạn bầu). Câu chữ nhảy nhót như chính bài thơ đang say sưa với vọng cổ và bữa rượu kia. “Mặc kệ con vịt con gà, vải vóc sau xuồng vừa bị cuỗm” thì cái tình ý hết mình với bạn bè được tô đậm và khắc họa rõ nét bật lên. Cái tình treo ở câu chữ cuối bài, người Nam Bộ là thế, đã chơi là chơi hết mình. Cái hay của tác giả còn thể hiện ở chỗ, chỉ bằng 6 câu thơ, tác giả vừa cho người đọc thưởng ngoạn bữa tiệc văn hóa mang đặc trưng vùng miền vừa đặc tả diễn biến tâm tâm lí của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Câu đầu nhân vật trữ tình còn là khách thể, đến những câu sau, khách thể đó đã hòa vào dòng hội lễ vui nhộn của bữa tiệc văn hóa ra chủ thể rồi. Một sự nhập thể tự nhiên, phải chăng cái tình, cái ảo diệu của văn hóa vùng miền đã níu kéo và tạo dựng?
Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông
Nâng chén rượu ngang mày uống phù sa cạn cùng bồi bãi
 Gió đun đúc cửa vàm thấp thoáng bao ánh lửa ngoài xa
Vọng cổ xuống hò váng mặt sông lênh láng cống xự xang
Dấu chân cha ông mở đất hiện trong hình hài bãi tiên
Mặc kệ con vịt, con gà, vải vóc sau xuồng vừa bị cuỗm
Một kiểu chơi chữ ngồ ngộ: “Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề”. Một mối tình phập phù không hứa hẹn vững bền “Theo từng chuyến lúa chất đầy ghe hồi ba quen má/ Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái”. Lời thề hồn nhiên và trong xanh. Vâng, lời thề trong xanh lắm, nên mới có sự đàm tiếu gièm pha chăng “Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái”? Cái sự gièm pha cũng rất chi là ngồ ngộ “tưởng hồng hào duyên con gái”, lời gièm pha cũng hết sức nhẹ nhàng chứ không kiểu mỉa mai, giễu cợt như ta thường thấy. Mặc kệ, họ đã đến với nhau, “ba, má” đã nên duyên nên nghĩa “hơn bốn mươi năm nồng đượm nghĩa cau trầu”. Bài thơ không chỉ miêu tả cái duyên tình tưởng lỏng mà chặt của nhân vật trữ tình “ba, má” mà còn khắc họa đậm nét cái nghĩa tình chồng vợ sâu đậm mấy mươi năm qua giọng kể “má nuôi ba ốm đau, ba chăm má khi trở trời trái gió” là kiểu nói khác của cách nói “vợ chồng tuy hai mà một”, y như dòng sông kia “tối thủ thỉ nước lớn ròng nuôi sông đắp đổi phù sa”. Tình yêu, tình nghĩa vợ chồng và lòng chung thủy đã được tác giả diễn tả trong bài thơ 1-2-3 của mình mang đậm nét Nam Bộ. Họ là những con người làm nhiều hơn nói, đã nói là làm, giản đơn mà nồng đượm.
Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề
Theo từng chuyến lúa chất đầy ghe hồi ba quen má
 Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái
Chỉ vậy thôi mà hơn bốn mươi năm nồng đượm nghĩa cau trầu
Má nuôi ba ốm đau, ba chăm má khi trở trời trái gió
Tối thủ thỉ nước lớn ròng nuôi sông đắp đổi phù sa
Tiếng thơ tình yêu đôi lứa đã được Nguyễn Đinh Văn Hiếu huy động tối đa cổ kim để diễn tả: “mây Hoàng Hạc”, “chiều Ba Động”. Một bài thơ tình gợi nhiều hơn tả. Giọng điệu thơ cổ điển nén chữ và kiểu nói siêu thực đã được anh khéo léo sử dụng để khắc họa tiếng nói tình yêu giữa cuộc đời thăm thẳm vô thường. Rồi lấy cái “không” để nói cái “có”: “Thiền viện thinh không mơ màng buông một tiếng chuông”. Phía trên là “lạc em”, phía dưới là “lạc nhau” thì nghĩa “lạc” ở đây hẳn nhiên đã là hòa lẫn vào nhau thật rồi. Cái chất mơ màng lãng đãng gần như phủ kín toàn bài làm cho sự nhịp nhàng miên viễn miên man hơn. Nhân vật trữ tình “em” là không gian mênh mang đẫm đầy chất hoài cổ, nó là cái cớ để nhân vật trữ tình “anh” thả trôi bản thể mình. Cuối cùng bài thơ đặt chân an trú vào cõi vô thường viễn du.
Lạc em giữa chiều Ba Động mênh mang
Mái tóc vướng mây Hoàng Hạc loang triền cát dập dềnh
Thiền viện thinh không mơ màng buông một tiếng chuông
Anh không biết lần tràng hạt nam mô trong cõi vô hằng
Lạc nhau thoáng chốc giữa biển bóng câu thành nỗi băn khoăn
Sóng đâu biết bờ dỗi hờn, cát lặn lòng khơi thăm thẳm
Bài thơ “Theo em qua Long Bình một tối mưa” tác giả như đang sử dụng nhịp nhạc lambada để diễn tả niềm vui Lễ hội dân tộc Khme với điệu Răm Vông (Lăm Thôn) đầy ma mị. Mưa buổi tối sao không lạnh? Cái không gian ngược ấy làm nền cho tình cảm lứa đôi nồng nàn. Hà cớ chi “theo em qua Long Bình một tối mưa” để chịu lạnh? Lẽ dĩ nhiên, bình thường ai người ta đi chơi lúc trời mưa ướt át rét mướt? Thế nhưng không thể không theo em đi, ở bên đó có quá nhiều thứ gọi mời hấp dẫn. Nào là “rượu Xuân Thạnh”, nào là “tôm khô Vinh Kim”… Nhưng những thứ hấp dẫn ấy chẳng qua chỉ là cái cớ cho anh phải “theo em” qua bên ấy một tối mưa mà thôi. Thực ra anh đã say em từ khi chưa uống rượu kia, chưa nhắm miếng “tôm khô Vinh Kim”. Đến đoạn cuối, ba câu thơ còn lại thì đích thị nhân vật trữ tình “anh” đã như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh rồi. Bút pháp miêu tả thực ảo đan cài khá độc đáo và thú vị của tác giả khi anh viết:
“Rẽ giồng cát hai bên xanh mượt đưa anh vào phum sóc
Hôi hổi nồi canh xiêm lo rau rừng khói bốc đến tận lòng
Kèn trống rộn ràng xui điệu Răm Vông phập phồng mưa ấm”
Giọng thơ tha thiết, nhịp điệu nhặt khoan, tình cảm nồng nàn, cảnh vừa hiện ra thì tình người thơ như đã ngập chìm trong bầu không khí vui tươi hoan lạc. Những hình ảnh “hai bên xanh mượt”, “hôi hổi… khói bốc đến tận lòng”, “phập phồng mưa ấm” được đặt gần nhau như có sức mạnh phồn thực níu kéo và tỏa ấm cho nhau, nói rất hay cảnh thực của lễ hội và cảnh đẹp của lòng người. Đoạn thơ vừa giàu chất tự sự vừa giàu chất phồn thực, nó làm lung linh thêm lên cho bài thơ.
Có thể nói, thơ 1-2-3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu rất giàu chất văn hóa Nam Bộ. Một mảng văn hóa Khme đã được anh bóc ra, thổi hồn ngôn ngữ vô đó, rồi luyện thành chất bột màu rất lạ để phác họa thêm lên cho nổi bật. Độc giả đọc thơ 1-2-3 của anh như có cơ hội được tìm hiểu hơn nữa văn hóa vùng miền, nó cứ lấp lánh trong con chữ anh. Nhưng thiết nghĩ, nếu câu chữ và thanh âm được anh sắp xếp cho thuận chiều hơn một chút thì có lẽ những bài thơ 1-2-3 của tác giả sẽ có sức cuốn hút hơn. Hi vọng với những gì vừa đạt được, tác giả sẽ có đà phóng để tiếp tục duy trì thể hiện mình hơn nữa trên con đường chữ nghĩa vốn dĩ rất nhọc nhằn này.
Sài Gòn, 21/9/2020
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Anh Khó Tính Ghê Vậy Á! - Anh khó tính ghê vậy á! Lần đầu tiên gặp tôi, cô bé đã nhát gừng trách thế bảo sao tôi chẳng ức. Tôi nói l...