Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Trở lại làm người

Trở lại làm người

Người đàn bà ấy tên Xuân, là người Việt Nam, được A Lỷ mua về làm vợ với giá một nghìn nhân dân tệ.
Người trong thôn hầu như chỉ biết có từng ấy thông tin về Xuân. Những người sống ở cái thôn hẻo lánh vùng biên giới này mười lăm năm nay chưa từng thấy Xuân ra khỏi thôn bao giờ, cũng chả mấy khi thấy người đàn bà ấy giao tiếp với người khác. Do ngôn ngữ bất đồng chỉ là phần nhỏ, phần lớn là do người đàn bà ấy có vẻ ngây ngô chứ không khôn ngoan như những người bình thường khác. Ngày này qua tháng khác, người ta chỉ thấy Xuân lầm lụi làm ruộng vườn và quanh quẩn với việc nhà.
Người trong thôn chẳng bao giờ bàn tán chuyện trò gì về gốc gác, xuất thân của vợ A Lỷ, bởi vì đối với họ, việc Xuân là ai, đến từ đâu không quan trọng bằng việc A Lỷ kiếm được vợ. Một thằng đàn ông nghèo như hắn làm sao mà lấy được vợ ở cái đất này, cái nơi mà nhà nào cũng chỉ có một đứa con nhưng số lượng con trai lại đông gấp đôi số con gái. Vì thế, con gái cao giá lắm, nó phải chọn con trai nhà khá giả, chứ cái ngữ nhà nghèo, học hành chỉ đủ để biết đọc biết viết như A Lỷ, hiếm người kiếm được vợ lắm, khối người ế đến già. Hồi ấy, A Lỷ hơn bốn mươi, đang ế và đang già đi rồi. A Lỷ sống cùng cha mẹ trong căn nhà xây bằng gạch từ giữa những năm tám mươi, thấp lè tè. Căn nhà nằm giữa lưng chừng một quả đồi nhỏ ở tận cuối thôn và gần như biệt lập với những nhà khác. Cả nhà ngày ngày làm ruộng vườn cùng nhau. Từ dạo mở cửa khẩu, A Lỷ theo thanh niên trong thôn đi vác hàng thuê cho các nhà buôn, bỏ lại việc đồng ruộng cho bố mẹ hắn làm.
Cửa khẩu cách thôn chỉ hai chục cây số thôi mà nhịp sống khác một trời một vực. Đó là nơi có những dãy nhà cao tầng san sát đứng bên nhau, những dãy phố sầm uất, cửa hàng cửa hiệu sáng choang, ngồn ngộn hàng hóa và người thì lúc nào cũng nườm nượp, qua lại nhộn nhịp như hội. Đi làm thuê, A Lỷ mới biết là tiền kiếm được nhờ vác hàng nhiều hơn tiền kiếm được từ làm ruộng vườn nhiều lần. Trước đây, cả nhà hắn làm lụng suốt ngày cũng chỉ đủ ăn, chi tiêu tằn tiện, chắt bóp mà vẫn không để ra được mấy đồng. Đi làm ở cửa khẩu, xong ngày nào có tiền mang về ngày đấy. A Lỷ hỷ hả. Bố mẹ A Lỷ hỷ hả. Ngày nào cũng có tiền mang về thế này mới tích cóp được khoản mà lo cưới vợ chứ. Bố mẹ A Lỷ mong lắm lắm rồi, cơ mà vì nghèo, nên cứ ngậm ngùi nhìn thằng con trai lớn lên, rồi đang dần già đi mà vẫn chưa kiếm được tấm đàn bà.
A Lỷ có sức khỏe, việc vác hàng có thấm tháp gì so với sức vóc kia. Chỉ là thỉnh thoảng cũng có lúc nguy hiểm vì va chạm giữa các nhóm cửu vạn hoặc chủ hàng với nhau, có lúc đánh chém nhau đổ máu là chuyện không lạ. Hôm nào làm ở cửa khẩu chính, vác hàng xếp lên xe tải để chuyển sang bên kia còn được về sớm. Chứ những hôm làm ở bờ sông, vác hàng từ trên bờ xếp xuống đò, toàn phải làm đêm ở khu vực vắng vẻ, nghe bảo phải trốn biên phòng, thì có khi làm cả đêm đến gần sáng luôn. Những hôm ấy, cả nhóm vừa làm vừa phải thay nhau cảnh giới. Có hôm bị biên phòng phát hiện, cả bọn phải bỏ hàng, chạy trốn tán loạn. Cũng đã có thằng bị bắt, bị giam giữ xong được ông chủ lên xin, nộp phạt, bảo lãnh lại được về. Nhưng đi làm tích cóp chưa được bao nhiêu thì mẹ A Lỷ bị bệnh, tiền có bao nhiêu đổ ra lo chạy chữa hết mà không được. Mẹ A Lỷ chết ở tuổi sáu mươi, mang theo niềm canh cánh về thằng con trai chưa có vợ, nguy cơ không có thằng cháu trai nối dõi tông đường. Căn nhà cuối thôn ấy, ngày qua ngày chỉ còn lại hai người đàn ông. A Lỷ vẫn đi vác hàng cả ngày, việc đồng ruộng chỉ còn mình lão Chang lụi hụi làm.
Đêm ấy, nhóm của A Lỷ được giao vác hàng xuống đò ở khu vực gần ngã ba Vàng Lầy. Lúc cả nhóm tám người xuống đến nơi thì trời mới nhập nhoạng tối. Hàng được từng xe máy chở đến. Nhóm của A Lỷ chỉ việc dỡ ra và vác từng cục xếp xuống lòng đò. Chưa kịp xếp hết hàng xuống thì báo động có biên phòng. Cả nhóm bỏ lại những cục hàng bọc nilon đen xì còn chỏng chơ ở mép sông, chạy trốn hết. Lái đò lập tức nổ máy cho đò chạy sang ngang. Khi biên phòng đuổi ra đến mép sông thì đò đã quay sang đến quá nửa sông rồi, đã là địa phận của Việt Nam nên họ không đuổi bắt nữa. Thế là hàng thoát. A Lỷ chạy luồn vào tít sâu trong khu đồi rập rạp, cỏ lau cao quá đầu người. A Lỷ nằm ém ở đó độ gần tiếng đồng hồ, thấy tình hình yên ắng, đang định luồn xuống đường mòn để đi về thì chợt thấy ánh đèn pin soi loang loáng từ xa. Tiếng người hô đuổi bắt rõ mồn một. A Lỷ sợ hãi, nằm im thin thít, nghe ngóng. Ánh đèn và tiếng người chạy hình như đang hướng thẳng về chỗ mình. A Lỷ sợ, định đứng vọt dậy để chạy đi thì bỗng thấy tiếng loạt soạt mạnh ngay gần mình, chưa kịp phản xạ thì đám lau trước mặt đổ rạp vào A Lỷ, ngay sau đó là cả một tấm thân người đổ ập xuống. A Lỷ hoảng hồn đẩy phắt tấm thân ấy ra, lồm cồm bò lên định chạy đi thì bị kéo chân lại. A Lỷ dứt mạnh ra, rẽ lau chuồn thục mạng. Được một quãng, A Lỷ dừng lại, ngờ ngợ. Không có tiếng người đuổi theo. Chắc cái người đó không phải là người đuổi để bắt mình. A Lỷ chợt nghĩ lại, lúc nãy, đôi tay níu chân hắn cũng có vẻ yếu ớt, cái lực níu như kiểu đã kiệt sức rồi. Không khéo người này đang bị bọn kia đuổi bắt. Biết đâu lại là thanh niên thôn mình, cùng nhóm làm với mình, đang bị biên phòng rượt đuổi cũng nên. A Lỷ nghĩ thế và A Lỷ quay lại. Cái người ban nãy vẫn nằm sấp ở chỗ đó, không động đậy gì. Chả lẽ hắn chết rồi. A Lỷ ngồi xuống bên cạnh nhìn xuống phía lưng đồi. Ánh đén pin loang loáng và tiếng người tìm kiếm đang rẽ sang hướng xuống bờ sông:
– Bên kia, phải ngăn phía bên kia, không cho nó xuống!
– Nó mà xuống được sông là nó về Việt Nam mất.
– Tìm đi, nhanh lên.
A Lỷ nín thở, ngồi im thin thít, đoán chắc kẻ mà bọn kia đang tìm kiếm là người này. Chờ ánh đèn khuất hẳn phía chân đồi, A Lỷ mới lật ngửa cái thân người lên, ghé sát xuống để nhìn rõ mặt. Đêm tối mịt mùng, nhìn không rõ. A Lỷ rút đèn pin, cuộn vào trong áo và trùm người qua để quầng sáng không hắt cao và loang to ra, đủ soi rõ khuôn mặt nằm kẹt giữa những gốc lau to như gốc mía. Không phải người quen, mà là một người đàn bà. Mặt mũi xước xát, nhòe nhoẹt máu lẫn bùn đất lấm lem. Bị rọi bởi ánh sáng chói, đôi mắt người đàn bà chợt giật giật. A Lỷ vội tắt đèn. Đôi mắt yếu ớt mở ra. Nhận thấy sự hiện diện của A Lỷ, chị ta hoảng hốt gồng người lên như muốn lấy hết sức bình sinh để chạy tiếp, nhưng cũng chỉ là cái cựa người yếu ớt. A Lỷ thì thào:
– Tao không phải người xấu. Mày là ai. Sao lại bị đuổi bắt?
Chị ta lắc đầu. Có vẻ chị ta không rõ A Lỷ nói gì. Nhưng có thể qua giọng nói và cách xử sự của A tằng làm cho chị ta hiểu kẻ này không phả là mối nguy hiểm lúc này. A Lỷ thấy môi chị ta mấp máy. A Lỷ ghé sát xuống, nghe thấy tiếng thì thào yếu ớt, âm sắc ngọng nghịu:
– Cứu … tôi …với!
– Tao cũng đang chạy trốn, làm sao mà cứu mày được.
Người đàn bà lại lắc đầu:
– Không hiểu, tôi … người… Việt Nam!
À, ra chị ta là người Việt Nam sang đây. Không biết sao lại bị đuổi bắt. Mà sao mình phải bận tâm. Ở vùng biên giới này, chuyện gì mà chả có thể xảy ra. Không phải người quen thì kệ, dây vào không khéo lại mang vạ. A Lỷ nghĩ thế và đứng đậy toan bỏ đi. Người đàn bà cố sức níu lấy vạt áo A Lỷ, van lơn:
– Cứu … tôi …với! Cứu…
Giọng nói lơ lớ, yếu ớt đầy khẩn thiết và tình cảnh đáng thương của người đàn bà đang kiệt sức kia đã níu A Lỷ ở lại. Trong màn đêm mịt mùng hôm ấy, A Lỷ đã tìm cách đưa được chị ta về đến nhà mình an toàn. Người đàn bà ấy chính là Xuân.
Được cha con nhà họ Chang chăm sóc, hai hôm sau Xuân đã dần khỏe lại, có thể đi loang quanh trong nhà. Xuân không biết nói tiếng Trung, chỉ thỉnh thoảng bập bẹ vài từ ngữ riêng lẻ đơn giản, kết hợp với cử chỉ để ra hiệu. Bằng những giao tiếp đơn giản ấy, cha con nhà họ Chang biết tên, biết Xuân mới hai mươi tư tuổi, quê ở tận Bắc Ninh, bị người cùng quê bán sang Trung Quốc được năm năm rồi, bị chủ bắt phải làm việc khổ lắm. Xuân trốn đi mấy lần không thoát. Đêm hôm đó, Xuân lại trốn, định chạy xuống bờ sông để trốn về Việt Nam thì bị họ phát hiện truy đuổi. Lão Chang bàn với A Lỷ: “Cứ cho Xuân ở lại đây, nếu nó đồng ý thì để nó ở luôn đây làm vợ mày cũng được”.
A Lỷ ở nhà cùng bố chăm sóc cho Xuân được ba ngày, nói với trai trong thôn là ốm mệt, không đi làm. Đến ngày thứ tư, A Lỷ mới lại đi. Trước khi đi không quên dặn Xuân không được ra ngoài, chỉ được ở trong nhà thôi, để A Lỷ nghe ngóng tình hình, chứ bọn kia mà phát hiện nó bắt lại ngay. Ấy thế mà tối muộn hôm ấy trở về, A Lỷ không thấy Xuân đâu. A Lỷ hỏi bố, lão Chang nói Xuân bị bắt đi rồi. Ai bắt? Hình như bọn nhà chứa. Bọn nhà chứa sao biết được Xuân ở đây mà đến bắt. Thôi chết, thế thì là A Hây rồi. Chỉ có A Hây biết Xuân ở đây, bởi vì A Hây có cái xe lôi, chính A Hây đã giúp A Lỷ chở Xuân về vào cái đêm hôm ấy.
A Lỷ chạy về đầu thôn, xộc vào nhà lúc A Hây đang bón cháo cho mẹ. Mẹ A Hây ốm liệt giường mấy năm rồi. Thấy A Lỷ xông vào, A Hây run cầm cập.
– Sao mày báo cho chúng nó bắt Xuân đi?
– Tao… tao không báo.
– Không báo sao chúng nó biết.
– Tao.. tao làm sao biết được.
A Lỷ xông đến, túm cổ A Hây kéo ra giữa nhà. A Hây khẩn khoản:
– Tao xin mày, xin mày đấy. Tao biết là không nên thế, nhưng chúng nó cho tao năm mươi đồng. Năm mươi đồng đấy, mày biết không.
– Nhưng tao đã dặn mày không được nói với ai cơ mà. Tao mất bao nhiêu công mới đưa được nó về nhà.
– Dù sao nó cũng là người Việt Nam, nó có ở với mày rồi lúc khỏe lại, nó sẽ lại tìm cách trốn đi thôi.
A Lỷ thần ra. A Hây nói đúng mà. Nó khỏe rồi nó cũng sẽ tìm cách trốn đi.
A Hây nói tiếp:
– Tao kéo xe lôi mỗi chuyến được có một đồng, tao chỉ cần nói một câu mà bằng năm mươi chuyến kéo xe đấy. Nhà tao còn khó khăn hơn cả nhà mày, mẹ tao thì ốm, bố tao thì già, lại thêm vợ con tao nữa là năm miệng ăn, chỉ trông vào tí ruộng vợ tao cấy với cái xe lôi của tao thôi.
– Nhưng mày còn hơn tao, mày cũng nghèo mà mày còn có vợ, có con.
A Lỷ nói rồi bước nhanh ra ngõ, đi thẳng về nhà, nằm vật xuống giường, chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống dù lão Chang gọi mấy lần. Mấy hôm chăm sóc cho Xuân, A Lỷ đã động chạm vào người Xuân, cái bản năng đàn ông đã trỗi dậy rạo rực suốt mấy ngày rồi. Cái đêm thứ hai ấy, khi Xuân thiêm thiếp trên giường với khuôn mặt khá xinh xắn sau khi được lau sạch sẽ, A Lỷ đã ngồi lâu thật lâu bên cạnh, A Lỷ đã bị hút vào bộ ngực phập phồng theo nhịp thở và những chỗ lồi lõm, cong lượn của cái thân hình đàn bà ấy rồi. Nếu lúc ấy, Xuân không mê sảng ú ớ khua đập tay chân làm A Lỷ giật mình, thì chắc A Lỷ đã ôm ghì lấy Xuân mà quấn, mà xiết rồi. Hôm qua, khi bố nói đến chuyện giữ Xuân ở lại, A Lỷ đã thấy khấp khởi trong lòng. A Lỷ nghĩ nếu mình cũng có vợ, có con như A Hây, dù phải đi làm khổ mấy A Lỷ cũng vui. Rồi A Lỷ bất chợt giật mình. Chết thật, Xuân bị chúng nó bắt lại không biết sẽ ra sao. Không khéo chúng nó nhốt vào, không cho ăn uống, rồi chúng nó đánh cho. Ôi, cái thân hình đàn bà yếu ớt như thế mà bị chúng nó đánh cho bầm dập thì còn gì là người. A Lỷ xót xa, cồn cào gan ruột. Phải sang hỏi A Hây xem máy thằng kia nó ở chỗ nào.  A Lỷ nghĩ đến đấy là bật dậy đi luôn. Ra đến sân thì gặp A Hây đi từ ngoài vào.
– Mày sang đây làm gì?
– Sang gặp mày.
– Gặp làm gì?
– Chỉ chỗ cho mày đến chỗ Xuân.
– Sao mày biết tao đi tìm Xuân?
– Tao không biết. Tao thấy ân hận, thấy thương mày, tội nghiệp Xuân. Về đấy mà bị chúng nó đánh cho cũng chết. Mấy thằng đó toàn giang hồ, khiếp lắm.
– Giờ mày dẫn tao đến đó.
– Mày định làm gì?
– Đòi Xuân về.
– Xuân là của mày à mà đòi. Chúng nó chả đánh cho mày tan xác ấy. Chúng là chủ của Xuân, mày muốn thì phải bỏ tiền mua, may ra còn được.
– Bao nhiêu tiền.
– Làm sao mà tao biết được. Mày có bao nhiêu tiền?
– Tao không biết, để tao xem đã.
A Lỷ quay vào nhà lục hòm. Dốc sạch cái túi vải đựng tiền tích cóp bấy nay, hai thằng ngồi đếm được tám trăm bảy mươi nhăm đồng. Lão Chang lộn túi, móc ra được một trăm đồng toàn tiền lẻ. Cộng vào được chín trăm bảy nhăm đồng. Lão Chang bảo: “ Bớt lại cho tao hai nhăm đồng lẻ, để có cái dùng, còn thì đem cả đi”.
Giữa đêm, hai thằng chạy lên đầu thôn, gọi xe ôm đi thẳng xuống khu cửa khẩu. A Hây dừng xe ở một quán ăn còn sáng đèn, quán này bán thông ngày đêm vì chủ yếu phục vụ dân cửu vạn. Chính chỗ này sáng nay, khi ngồi ăn vội bát mỳ chan nước tương đen, A Hây nghe được chuyện của ba thằng bàn kế bên, mới biết chúng đang đi tìm Xuân, nếu tìm thấy sẽ được ông chủ thưởng một trăm đồng. A Hây mừng quá, những một trăm đồng chứ ít gì, bằng hắn kéo cả một trăm chuyến xe. Hàng ngày hắn chầu chực ở đây, giỏi lắm được dăm chuyến khách, lại phải nộp tiền phí cho bọn bến bãi một đồng, hôm nào đắt khách lắm thì hắn mới được sáu đồng đem về, không thì chỉ được bốn, năm đồng thôi. Một trăm đồng bằng tiền cả tháng hắn đi làm rồi. Mẹ hắn lại đang hết thuốc, một trăm đồng cũng cắt được đến chục lần thuốc cho mẹ. Đầu óc A Hây lúc ấy chỉ toan tính quẩn quanh với một trăm đồng. A Hây mon men sang bàn bên cạnh.
– Chúng mày đang tìm người, đàn bà đúng không, trốn ở bờ sông, khu ngã ba Vàng Lầy đúng không?
Ba thằng nghi hoặc:
– Mày biết à?
– Có phải nó tóc dài, mặc cái áo hoa tím với quần màu đen, tầm gần ba mươi tuổi.
Ba thằng mừng hú:.
– Đúng, đúng, mày thấy nó ở đâu, chỉ cho bọn tao.
– Tao được một trăm đồng, đúng không?
– Mày điên à, ông chủ treo thưởng một trăm đồng. Bọn tao đi tìm kiếm suốt mấy ngày đêm rồi. Mày chỉ cho bọn tao, chúng tao chia cho mày ba mươi đồng.
– Không, phải cho tao cả một trăm.
Ba thằng nhìn nhau, rồi xô vào túm cổ A Hây, gằn giọng:
– Bọn tao tóm được mày rồi, mày giấu con bé đó ở đâu, không khai ra tao đánh chết.
A Hây hoảng hồn. Ban nãy, một trăm đồng làm A Hây mụ mẫm, không nghĩ đến đoạn này. A Hây lẩy bẩy:
– Không… không phải tao giấu, tao… nói thật, tao… thề. Tao chỉ chở thuê thôi. Nhưng tao biết chỗ.
– Dẫn bọn tao đến.
– Nhưng… phải cho tao tiền, tao cần tiền mua thuốc cho mẹ tao.
– Thôi được, bọn tao cho mày một nửa, năm mươi đồng, dẫn bọn tao đi.
– Đưa tiền cho tao trước.
Một thằng móc túi đưa A Hây tờ năm mươi đồng. Cả bọn lên hai xe máy về thôn. Khi thấy chúng lao vào lôi Xuân đi, Xuân giãy giụa và bị chúng đánh tới tấp, A Hây bỗng thấy thương người đàn bà xa lạ kia, ở đây chúng đánh thế, tí về đến nơi, chắc chúng nhốt vào và đánh chết mất thôi. Nhưng sự đã đến nước này, chẳng làm gì được nữa. A Hây đành nhìn chúng lôi Xuân lên xe lao vọt đi. Xong rồi A Hây mới lại sợ, A Lỷ nó mà biết, chắc nó giết mình. Nghĩ thế, A Hây chạy vội về ở tịt trong nhà, cả ngày hôm ấy không đi làm nữa, xe lôi vẫn còn gửi ở quán ăn.
Thấy A Hây quay lại, chủ quán tay chan nước dùng vào bát mỳ vằn thắn, mắt nhìn hắn, hỏi:
– Mày đi đâu mà muộn thế này mới về lấy xe.
A Hây không trả lời. Tiến gần đến, hỏi:
– Ông biết ba thằng hồi sáng đi với tôi không?
– Biết.
– Chỉ chỗ bọn nó cho tôi.
Chủ quán nhìn A Hây, rồi nhìn A Lỷ, hấp háy mắt:
– À, ra là mày làm cả việc dẫn khách hả? Hay dẫn bạn đi vui vẻ?
– Hỏi nhiều thế làm gì?
– Thôi được, để tao chỉ chỗ cho.
A Hây cùng A Lỷ đi theo chỉ dẫn của chủ quán ăn, đến khu nhà ba tầng nằm tận cuối một con đường nhỏ.
– Tao tìm Xuân.
A Lỷ nói ngay khi một người bên trong chạy ra hỏi họ cần gì. Người đó nhìn A Lỷ từ đầu đến chân, dò xét.
– Sao bọn mày biết con Xuân, nó không còn ở đây, nó trốn đi rồi.
– Tao biết Xuân ở đây, cho tao nói chuyện với ông chủ.
– Bọn mày đi đi, ông chủ không có nhà.
– Tao cần gặp ông chủ, gọi ông chủ ra đây cho tao.
Nghe tiếng ồn ã, trong nhà có thêm hai người chạy ra. Là hai trong số ba thằng hồi sáng. A Hây nói:
– Thằng này nó thích Xuân, nó muốn mua Xuân về.
A Hây và A Lỷ được dẫn vào gặp ông chủ sau chừng mười lăm phút đứng chờ. Người đàn ông béo mập, lùn tịt, tay đeo đầy nhẫn với vòng vàng, ngồi lọt thỏm trong cái ghế bành to cao như ngai vua. Mày có bao nhiêu tiền mà đòi mua con Xuân. Tao … tao không có nhiều. Mày bán bao nhiêu? Một vạn. Một vạn … á? Ừ, một vạn, mười nghìn đồng ấy. Lão chủ nói xong cười khành khạch. A Lỷ kéo tay A Hây. Về thôi, những một vạn cơ.
Lão chủ lại cười khành khạch. Tao nói đùa đấy. Chúng mày thích con Xuân thật à. Nếu thích, tao bán cho năm nghìn. Đưa tiền đây rồi tao cho người mang nó ra. Năm nghìn cũng không đủ. Thế mày có bao nhiêu? Chín trăm năm mươi đồng á. Mày là thằng cứu con Xuân mang về nhà đúng không, coi như mày có duyên với nó. Tao cho giá cuối cùng, một nghìn đồng. Một nghìn cũng không đủ, tao chỉ có đúng chín trăm năm mươi đồng. Không tin kiểm tra xem. A Lỷ vừa nói vừa móc túi đưa ra cuộn tiền, lộn hết cả các túi khác để chứng minh. Thằng đàn em ghé tai nói nhỏ: Thằng kia có cái xe lôi. Lão chủ cười khùng khục. Đúng một nghìn, mày thiếu năm mươi đồng, tao cho nợ, cắm lại cái xe lôi làm tin, ba ngày nữa đem trả cho tao.
A Lỷ nhìn A Hây. Tao phải làm cả chục ngày mới được năm mươi đồng. A Hây gật đầu, ừ thì cắm chục ngày. Chỉ là tao không có xe thì lấy gì kiếm sống, tao kéo xe thì được, chứ vác hàng như mày tao không có sức làm. Ô, tao có năm mươi đồng, năm mươi đồng sáng nay thằng đó cho tao để tao dẫn nó đến nhà mày. Đây, năm mươi đồng nữa là vừa đủ một nghìn. Đủ một nghìn rồi nhé, không phải để xe lại nữa nhé.
Thằng đàn em lấy nắm tiền từ tay A Lỳ, đếm lại rồi đưa cho chủ. Lão chủ đút túi, hất hàm ra hiệu cho thằng đàn em rồi đi vào trong, nhanh chóng khuất dạng sau dãy hành lang mờ mờ ảo ảo. Một lúc sau, hai thằng đàn em mỗi thằng một bên xốc nách Xuân lôi ra. Đấy, giờ nó là của mày, yên tâm là nó không bao giờ trốn đi được nữa. Chúng vừa buông tay ra, Xuân đổ rũ xuống nền nhà, co quắp, đau đớn, tóc tai, quần áo ướt bê bết và loang lổ những mảng máu thâm đen. Chiếc xe lôi của A Hây một lần nữa chở A Lỷ và người đàn bà đang nguột đi vì kiệt sức trong nhịp thở thoi thóp về căn nhà ở cuối thôn.
Nếu như lần trước A Lỷ lén lút đưa Xuân về nhà trong phập phồng lo sợ, thì lần này tâm trạng A Lỷ khác hẳn. Hắn mừng, vì hắn vừa mua được vợ, giá của vợ hắn là một vạn, nhưng lão chủ thương cái duyên gặp gỡ của hắn với Xuân mà chỉ lấy có một nghìn. A Lỷ làm sao mà biết được, cách đây năm năm, lão cũng chỉ mất có một nghìn đồng để mua Xuân về làm gái ở cái nhà chứa đó. Nguyên tiền bán cái trinh trắng của Xuân, lão đã thừa vốn rồi. Năm năm qua bị nhốt trong nhà, tiếp khách triền miên, Xuân đã sinh lời cho lão biết bao nhiêu tiền. Mấy lần Xuân trốn, đều bị lão tóm lại được, sau mấy ngày ăn đòn tơi tả, Xuân lại ngoan ngoãn tiếp khách. Nhưng ở nhà chứa này bây giờ, Xuân là gái già, nhão lắm rồi. Tiền Xuân kiếm được cho lão xem ra cũng chỉ đủ để nuôi Xuân. Lão đang tính chuyện thanh lý đi nhưng chưa kiếm được mối nào thì Xuân trốn. Kể ra cứ để Xuân trốn cũng chẳng mất mát gì, coi như phóng sinh lấy phúc. Nhưng ngặt một nỗi, Xuân mà trốn được về Việt Nam thì lại rách việc, không khéo lộ hết cả cái đường dây chuyên mua bán người của lão. Người ta cứ đồn đoán rằng, bọn đàn bà trước khi ra khỏi những hang hùm như thế này đều bị các lão chuốc cho thuốc lú, khiến họ thành kẻ ngây ngây, không còn nhớ gì để có thể gây phiền phức nữa. Đồn đoán là chuyện của đồn đoán, sự thật như nào thì chỉ có giời biết, đất biết, các lão biết. Nếu có hỏi, các lão chỉ lại cười khành khạch, làm gì có thuốc nào tên là thuốc lú, trốn đi mà bị bắt lại, nguyên ăn đòn đã đủ ngố người rồi.
Xuân có bị uống thuốc lú như người ta vẫn đồn đoán hay không, A Lỷ làm sao biết được. A Lỷ chỉ thấy từ lúc được chăm sóc khỏe lại, Xuân không còn nhanh nhẹn như trước hôm bị bắt đi. Người cứ đờ ra, đi đứng chậm chạp, hỏi gì cũng lắc đầu. Tưởng Xuân chỉ bị như thế mấy hôm do chưa khỏe hẳn, nhưng mãi lâu sau vẫn thế. Hỏi gì cũng ngây ra, rồi lắc đầu, không hiểu. Vì A Hây hàng ngày hay chở người Việt Nam nên có biết nói ít tiếng Việt, A Lỷ gọi A Hây sang, bảo A Hây hỏi tên, hỏi quê quán, hỏi về người thân của Xuân ở Việt Nam, Xuân đều lắc đầu: không biết đâu, không nhớ đâu. Lúc đầu, A Lỷ vừa lo vừa buồn, tưởng mua được vợ là người bình thường, ai ngờ về lại thành dở ngây dở ngô như này, nhưng sau thấy Xuân vẫn sinh hoạt ăn uống bình thường, bảo dần vẫn nấu được cơm, giặt giũ được quần áo, quanh quẩn dọn dẹp nhà cửa, biết phụ giúp lão Chang làm ruộng làm vườn và quan trọng hơn là hằng đêm vẫn thỏa mãn những cơn thèm khát của A Lỷ, thế cũng ổn. Xuân cứ ngây ngây không nhớ gì như thế này, A Lỷ lại thấy may, vì A Lỷ không còn phải lo việc Xuân sẽ trốn đi mất. Nhưng A Lỷ vẫn dặn Xuân, không được ra khỏi nhà, không được gặp người lạ, kẻo người ta bắt đi, người ta đánh. Không biết Xuân có hiểu lời A Lỷ nói không, nhưng nhìn thấy thái độ và cử chỉ biểu đạt của A Lỷ, Xuân sợ, không dám ra khỏi nhà thật.
Xuân ở lại nhà họ Chang thấm thoắt đã mười sáu năm. Người vợ ngây ngây ngô ngô ấy cũng biết đẻ cho A Lỷ một thằng con trai khỏe mạnh, biết cùng với bố chồng hàng ngày chăm sóc con trai để A Lỷ đi làm. A Minh hằng ngày ở nhà với ông nội và mẹ. Cuộc sống của gia đình ba thế hệ ấy cứ bình yên như thế cho đến một ngày, ấy là khi A Minh lên sáu tuổi.
Hôm ấy, giữa đêm, A Minh bị thức giấc vì chiếc giường rung lên bần bật. Thực ra, vì ngủ chung với bố mẹ nên A Minh nhiều lần bị thế rồi. Những lúc A Minh lồm cồm bò dậy giữa đêm, A Lỷ lại dỗ con nằm xuống, chờ thằng bé ngủ lại thì cái công cuộc dang dở của A Lỷ với vợ mới tiếp tục. Thường thì A Minh lơ mơ một tí xong thiếp đi ngay. Nhưng hôm nay, không hiểu sao A Minh lại tỉnh hẳn. Nó ngồi sừng sứng trên giường, nhìn bố đang nằm đè lên mẹ, nói như cáu:
– Ban ngày đã bị đè, tối lại bị đè nữa.
A Lỷ nghi hoặc:
– Mày nói ai bị đè?
– Mẹ đấy.
– Mẹ mày bị ai đè, bao giờ? – Giọng A Lỷ đã lạc cả đi.
– Ông nội, ông đè lên mẹ suốt, như bố đè đây này.
Mặt A Lỷ nóng bừng. Hắn túm tóc Xuân kéo giật lên, rít qua kẽ răng:
– Mày ngủ với cả bố tao à?
Thái độ của A Lỷ làm cho Xuân cuống quýt khua tay, chới với rồi co rúm người lại vì sợ hãi. Thằng con cũng sợ quá khóc hét lên:
– Không phải tại mẹ, tại ông, ông toàn lôi mẹ vào trong phòng.
Tai A Lỷ ù đi, mắt hắn vằn lên những tia máu đỏ. Hắn lao ra ngoài, thấy lão Chang đã ngồi lên giữa giường, thân hình già nua cũng đang run lên bần bật. Nó là con ngây, nó biết gì đâu, sao ông lại làm như thế với nó, nó là vợ tôi mà. Tao biết, nhưng tao không nhịn được. Mẹ mày chết đi, rồi mày lấy vợ. Cái nhà bé tí như thế này, đêm đêm chúng mày huỳnh huỵch trong đấy, ngoài này tao nghe thấy hết. Tao quanh quẩn ở nhà với nó cả ngày, tao không chịu được. Tao cũng là đàn ông như mày mà. A Lỷ hộc lên như con thú hoang. Có nằm mơ hắn cũng không thể tưởng tượng lại gặp cảnh trớ trêu cay đắng này. Thế thì A Minh, nó là con ai, con của tôi hay con của bố, nó phải gọi tôi là bố hay là anh mới đúng. Ông trời ơi!
A Lỷ có hộc lên, lồng lộn lên cũng đến mức đập phá đồ, đấm đá Xuân một trận nhừ tử cho đến lúc người đàn bà đáng thương ấy ôm đầu dúi xuống góc giường và thằng con khóc thét lên ôm che cho mẹ thì cũng thôi, chứ hắn làm sao dám động vào người lão Chang. Lão là bố của hắn cơ mà. Mặt lão cũng đang trắng bệch vì sợ hãi đấy thôi. Đợi đến khi A Lỷ buông người rũ xuống, lão Chang mới thủ thỉ. Con Xuân nó là gái làng chơi, hồi trước ở ngoài kia, mỗi ngày nó phải phục vụ bao nhiêu thằng đàn ông, về nhà này, nó chỉ phải phục vụ có mỗi tao với mày. A Minh có là con tao hay con mày thì cũng đều là người họ Chang cả. Con Xuân nó ngơ ngẩn thế, nó biết gì đến luân thường đạo lý đâu. Nó lại một thân một mình bơ vơ đất này, quê hương bản quán chẳng biết ở đâu, họ hàng tổ tông không có, nó không biết nói, tao không nói, mày không nói, sợ cái gì. Thế A Minh thì sao, cứ để nó thấy, nó sống mông muội giống tôi với ông như này à. Ờ, thì nó sẽ đi học cả ngày, tao sẽ cẩn thận, không cho nó thấy nữa là được mà.
Từ đó, đúng là A Minh không bao giờ còn thấy cảnh ông nó đè lên mẹ nó nữa. Phần vì lão Chang cẩn trọng hơn, phần vì sau đấy không lâu, A Minh đi học cả ngày ở trường. Nhưng cũng từ đấy, A Lỷ hay cáu bẳn, nổi khùng vô cớ và đánh đập Xuân, có những đêm A Minh phát hiện bố nó vừa đè, vừa xoắn tóc, rồi bóp cổ mẹ nó. Có những buổi sáng, nó thấy môi, mặt, cổ mẹ nó có những vết cắn tướp máu. Lão Chang biết đó là đòn ghen A Lỷ hậm hực đổ lên đầu Xuân, nhưng A Minh còn nhỏ, A Minh không hiểu gì, nó chỉ thấy thương xót mẹ nó hơn. Cuộc sống cứ tiếp diễn như thế đến khi A Minh mười tuổi, lão Chang chết sau một cơn bạo bệnh, A Xuân mới được bình yên hơn khi chỉ còn lại ba người.
Lúc A Minh mười bốn tuổi, A Lỷ không còn đủ sức khỏe để đi làm cửu vạn nữa. Được chính phủ cho vay vốn, A Lỷ cùng những hộ khác trong thôn trồng cam, táo, nhãn, hồng… để bán. Năm nay là mùa thu hoạch đầu tiên, chủ buôn người Việt vào tận vườn thu mua, cho người sang hái và mang về bên kia biên giới. Người Việt qua lại thôn nhiều, dù họ không biết vợ A Lỷ là người Việt Nam, dù đã cấm A Minh nói cho bất cứ ai biết chuyện đó, nhưng trong lòng A Lỷ tự dưng vẫn thấy lo sợ mơ hồ. A Lỷ dặn đi dặn lại Xuân không được ra khỏi nhà, không được gặp người lạ. Xuân gật gật đầu: Biết rồi, biết rồi, không gặp.
Chiều nay, khi A Minh đi học về, nó thấy mẹ nó đứng ở sát hàng rào, mắt nhìn sang quả đồi bên cạnh, có vẻ như đang muốn tìm kiếm ai. A Minh vừa ngạc nhiên vừa tò mò. Từ khi nó được sinh ra, dần lớn lên và biết nhận thức thì nó hiểu, mẹ nó là một người không bình thường như những người mẹ khác. Ngoại trừ sự chăm sóc giản đơn và một số biểu hiện về mặt cảm xúc đặc biệt đối với nó, thì có thể coi mẹ nó gần như là một người kém phát triển. Mẹ nó không phải là người dạy nó tập nói, mà chính nó mới là người dạy mẹ nó nói. Nhưng nó dạy trước, mẹ nó quên sau, rốt cuộc chỉ nói được những câu rất ngắn và đơn giản nhất. Dù bố nó cấm, nhưng nó đã nhiều lần lén hỏi mẹ nó có nhớ Việt Nam không, nhớ quê không, quê ở đâu nhưng mẹ nó chỉ lắc đầu, không một biểu hiện cảm xúc gì khác lạ. Dường như trong trí nhớ của mẹ nó không hề tồn tại bất kỳ một ký ức gì về quê hương bản quán của mình. Nhưng hôm nay thì khác, thái độ của Xuân làm A Minh thấy tò mò. Nó đi về phía Xuân, hỏi: mẹ nhìn gì đấy, tìm gì đấy. Xuân chỉ sang bên phía đồi cam rồi chỉ vào tai mình. A Minh lắng nghe, đúng là có nhiều tiếng nói chuyện lao xao, chắc của những người hái cam, nhưng xen trong đó còn có tiếng hát của phụ nữ. Ngồi rằng là ngồi (í) tựa (í a) có mấy mạn (í í í ì) thuyền là ngồi tựa có a mạn thuyền … A Minh nhận ra đấy là tiếng Việt, nhưng nó không hiểu nội dung là gì, chỉ biết giai điệu rất lạ và rất hay. Nó hỏi: Mẹ muốn nghe hát à, hay muốn sang bên đó. Xuân gật đầu. A Minh kéo mẹ đi sang, Xuân băng băng đến thẳng nơi phát ra tiếng hát tận phía đỉnh đồi. Người hát là một phụ nữ tầm ba mươi tuổi, thấy mẹ con Xuân đến gần thì ngừng hái cam, bắt chuyện làm quen. Mẹ em thích nghe hát à, người Trung Quốc cũng thích nghe quan họ à. Chị ta hỏi nhưng cả A Minh và mẹ đều lắc đầu, có hiểu chị ta nói gì đâu. Vừa lúc bà chủ đi đến. Này, mày không làm nhanh còn về, tối đến nơi rồi, sáu giờ là đóng cửa khẩu đấy, hay thích ở lại đây luôn, tiếng tăm không biết, chuyện trò gì với ai đấy. À, ra là mẹ con A Minh à, mày không dẫn mẹ mày đi đi, A Lỷ nó biết lại phiền. Nghe nhắc đến A Lỷ, Xuân kéo tay A Minh chạy vội về. Người đàn bà hái cam không hiểu chủ vườn nói gì với hai người kia, nhưng thấy họ vội vã bỏ đi liền hỏi: Ai đấy chị, sao chị biết họ, sao họ vội bỏ đi thế. Ơ, tao chuyên mua hoa quả ở mấy quả đồi này, dân quanh đây ai tao chả biết. Đấy là A Minh với mẹ nó, nhà ngay đồi bên cạnh kia. Chả biết con mẹ nó người phương nào, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, hỏi tiếng Việt không hiểu, hỏi tiếng Trung cũng bậm bõm được vài từ, chỉ thấy thằng chồng gọi tên là Xuân. Hôm trước tao thấy nó cắt rau ở vườn, vẫy ra định hỏi han mấy câu mà thằng chồng nó gọi phắt nó vào nhà, không cho chuyện trò gì cả, kinh thế chứ. Thôi, hái thêm tí nữa rồi còn đóng hàng về.
Tối hôm đó sáng trăng. A Minh thấy mẹ nó vừa ngồi bó gối trước cửa, mắt nhìn lên trời, trong cổ họng ê a những âm thanh gì đó, tuy rất nhỏ và ngắt quãng nhưng nghe na ná như giai điệu của bài hát ban chiều. Hình như có gì đó vừa được đánh thức. A Minh giật mình, chả lẽ là tiềm thức về quê hương của mẹ nó, chả lẽ vì tiếng hát ban chiều.
Cũng tối hôm đó, ở một xóm trọ phía bên kia biên giới, sau bữa cơm chiều, người đàn bà hái cam vui mồm kể với chị chủ nhà trọ:
– Có rời làng mà ra đây làm thuê mới thấy nhiều điều hay, nhiều cái lạ. Như hôm nay ấy, em đi hái cam ở mấy quả đồi bên Đông Hưng, gặp một bà ngơ ngơ ngẩn ngẩn mà chồng giữ như từ giữ ấn, suốt ngày bắt cấm cung trong nhà, chả cho đi đâu. Ấy thế mà lại mò tận từ đồi bên cạnh sang chỗ em làm để nghe em hát. Chả biết có hiểu gì không. Thấy bà chủ bảo không biết người ở đâu, chả biết tiếng Việt, cũng chả biết tiếng Tàu.
Chị chủ nhà góp chuyện bâng quơ:
– Ôi dào, thế có gì mà lạ. Bọn đàn ông Trung Quốc khối thằng không lấy được vợ Trung Quốc đâu, nên nhiều khi phải lần sang Việt Nam kiếm vợ, có thằng còn mua vợ từ tay bọn buôn người nữa ấy chứ, cô không đọc báo, xem ti vi à, người ta vẫn nói đấy thôi.
Người đàn bà hái cam bỗng nhìn chằm chằm vào mặt chị chủ nhà trọ:
– Này, chị Hạ, nãy giờ nhớ đến cái chị ngơ ngơ kia, em cứ thấy chị ta có nét gì đó quen quen, giờ mới nghĩ ra, chị ta có nét hao hao giống chị nhá.
– Cô cứ nghĩ vớ vẩn, làm sao chị ta lại hao hao giống tôi được.
– Ô, em nói thật mà, chị ngẩng mặt lên em xem, cái khóe mắt này, cái miệng, cả cái cằm nữa nhé, giống thật mà, thảo nào lúc nhìn chị ta, em cứ thấy cảm giác quen quen. Thế nhà chị có ai đi lấy chồng Trung Quốc không.
Hạ bỗng dưng sững lại. Giọng Hạ chợt nhẹ tênh như hụt hơi:
– Này … cái chị ngơ ngơ ấy … tầm bao nhiêu tuổi?
– Chắc độ gần năm chục tuổi rồi, tên là Xuân.
– Sao … Xuân … Xuân á.
– Vâng, Xuân!
– Thế… trên mắt chị ta… ở chỗ này này… – Hạ chỉ vào khóe mắt mình.
Người đàn bà hái cam vội vã gật đầu xác nhận:
– Có, có một cái mụn ruồi màu đen, to bằng hạt vừng.
Hạ bưng mặt bật khóc nức nở:
–  Chị Xuân ơi, thế thì đúng là chị rồi. Chị chưa chết, chị vẫn còn sống. Chị Xuân ơi!
Người đàn bà hái cam trở thành ân nhân của gia đình Hạ, vì nhờ cô mà họ tìm được Xuân, người chị mất tích hai mươi tư năm rồi. Năm ấy, Xuân mới mười chín tuổi, mỏng mày hay hạt, mê hát quan họ, lại có giọng hát mượt mà, Xuân là linh hồn của mỗi canh hát trong làng. Nhiều trai làng mê Xuân lắm, nhưng chẳng hiểu sao Xuân lại đem lòng yêu gã trai làng bên, một kẻ chơi bời lêu lổng. Chắc Xuân mê cái vẻ đẹp trai, lãng tử của hắn. Mẹ Xuân thường nói với Hạ: Con chị mày nó xinh, có tài, nhưng ông giời lại cho cái nốt ruồi ở đúng chỗ giọt lệ chảy xuống. Rồi thì đời sẽ khổ lắm thôi.
Mẹ Xuân phân tích, ngăn cản Xuân: Đừng yêu cái thằng đó nữa, nó chỉ được cái mẽ thôi, chỉ chơi bời chứ chả chịu tu chí làm ăn gì cho tử tế, cái mồm dẻo như kẹo kéo, sau này có lấy mày rồi nó vẫn lại đi tán gái, rồi thì mày khổ cả đời con ơi.
Xuân bỏ ngoài tai hết. Khuyên ngăn không được, bố Xuân cấm cửa. Sau trận đòn của bố vì dám lén lút đi gặp người yêu, Xuân viết lại vài dòng nhắn với gia đình rồi bỏ nhà trốn đi cùng thằng đó, không biết đi đâu. Nửa năm sau, thằng đó quay về làng có một mình, hỏi Xuân đâu, nó bảo Xuân ở với nó một thời gian, gặp thằng Trung Quốc giàu có nên theo về bên kia làm vợ nó rồi. Nó bảo Xuân nhắn là ngày một ngày hai sẽ viết thư về. Cả nhà Xuân dạo ấy không có ai nghĩ đến chuyện báo chính quyền để truy thằng kia cho ra nhẽ, may ra tìm được Xuân về. Mọi người chỉ sợ miệng lưỡi làng trên xóm dưới ì xèo đàm tiếu. Cả nhà cứ thế lặng lẽ ngóng tin, càng ngóng càng bặt tăm. Một năm, rồi hai năm, thằng người yêu của Xuân chết vì ma túy, chẳng còn ai để truy vấn nữa. Xuân coi như biệt tích luôn. Mẹ Xuân bị ung thư, tỉnh đến lúc chết. Trước khi lìa đời, bà còn nhắc đến Xuân với sự đau khổ, day dứt tột cùng.
***
Hạ đưa Xuân trở về làng sau một năm đón chị về sống cùng gia đình mình ở thành phố vùng biên đó. Xuân đã bắt đầu nhớ một số thứ và bập bẹ nói lại được một số câu từ tiếng Việt. Trước khi đưa Xuân về quê, không ai nói cho Xuân biết là sẽ đi đâu. Hạ quyết tâm chạy chữa, làm các loại liệu pháp tâm lý để giúp cho chị gái phục hồi, làm cho ký ức trong Xuân sống lại, ít nhất cũng nhận biết được người thân, gia đình, quê hương bản quán để Xuân được sống vui vẻ, bình an những năm tiếp theo của cuộc đời.
Xe khách thả hai chị em xuống lối rẽ vào làng. Hạ không dẫn Xuân đi vào bằng đường mới mà đi ngược lên đê theo đường cũ ngày xưa. Chạm mắt vào cái cổng làng, Xuân ngẩn ra mất một lúc. Hạ cứ để Xuân ngắm nhìn cảnh vật xem chúng có làm chị mình nhớ lại gì không, khi không thấy Xuân có phản ứng gì, Hạ mới kéo tay chị đi tiếp vào làng. Đi được vài bước, thấy chị ngoảnh nhìn lại phía sau. Hạ nghĩ có thể Xuân bắt đầu ngờ ngợ, cái cổng làng từ mấy chục năm nay vẫn nguyên dạng thế. Hạ hỏi:
– Chị có thấy gì quen không?
Xuân vẫn ngây ra không phản ứng gì. Những bước chân vẫn như lạ lẫm trên con đường làng rải nhựa phẳng mịn. Hạ dắt Xuân đi qua cái cổng sắt vào trong sân nhà, cái nền sân ghép bằng gạch đỏ còn nguyên. Căn nhà ba gian cũ vẫn được giữ để làm nhà thờ. Hai chị em cùng bước lên ba bậc thềm, vào gian thờ chính giữa nhà. Đôi mắt Xuân lướt từ từ khắp mọi đồ vật trong nhà và chỉ dừng lại khi gặp bức chân dung đen trắng đặt chính giữa ban. Khuôn mặt người đàn bà ấy đờ ra. Đôi mắt giật giật rồi ầng ậng nước. Đôi môi run run mãi mới lập bập thốt lên:
– Mẹ! …..
Hạ ôm chặt chị vào lòng, nhìn di ảnh mà ngỡ như mẹ đang ngồi đó:
– Mẹ ơi, con tìm được chị về đây, mẹ ơi!
Xuân nấc lên, nước mắt thấm xuống vai em gái:
– Hạ ơi, quê đây… mẹ đâu rồi!.
Hải Phòng, 25/8/2020
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bàng Bá Lân: Múc ánh trăng vàng Tôi vẫn thường nghe thầy cô tôi dạy văn chương truyền khẩu, ca dao là những câu thơ, lời nói mộc mạc h...