Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Hà Nội - Bữa ấy “Mưa Xuân” phơi phới bay...

Hà Nội bốn mùa

Nguyễn Anh Tuấn
Mở đầu
Đối với rất nhiều người Việt Nam ở khắp đất nước và ở khắp các phương trời xa xôi, Hà Nội là nỗi niềm đau đáu nhớ thương…Và Hà Nội cũng đã trở nên gần gũi thân quen một cách lạ lùng đối với nhiều thế hệ người VN cũng như đối với không ít vị khách nước ngoài… Điều đó có thể lý giải bằng nhiều nguyên cớ- mà nguyên cớ trực tiếp nhất, và cũng sâu xa nhất, chính là bởi Hà Nội có bốn mùa thật rõ rệt và đặc sắc, mà người ta có thể cảm nhận được qua da thịt từng sự thay đổi nhỏ bé của hoa lá, mặt sông gương hồ, con đường lối ngõ, những gương mặt người…Và chúng góp phần tạo nên cái được gọi là Hồn sâu thẳm của Hà Nội.
Hà Nội có hoa phượng đỏ của đất cảng Hải Phòng, có ban trắng vùng núi rừng Tây Bắc, có mai vàng và nắng gió của phương Nam, có nét trầm tư mơ mộng của Huế… Nhưng Hà Nội lại có những vẻ đẹp riêng đến mê đắm hồn người, một Hà Nội cổ kính trầm tư và duyên dáng, một Hà Nội bốn mùa với những nét đẹp cuốn hút của thiên nhiên mà không đâu có – chúng gia nhập vào cái tầng văn hóa chiều sâu của một đô thành có ngàn năm tuổi …
Nguồn cảm hứng bốn mùa đã từng cuốn hút  những nhà thơ nhà văn, những nghệ sĩ lớn của thế giới – như nhạc sĩ thiên tài Nga Traicovki, nhạc sĩ Ý Vivanđi, nhà điêu khắc Pháp Rôđanh, đạo diễn điện ảnh Hàn Quốc Kimkiduk, v.v. Bộ phim Bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông Hà Nội này được làm ra theo sự gợi ý ban đầu của tác phẩm văn học thú vị: “Bốn mùa – Lịch thiên nhiên” của nhà văn Nga Prisvin. Đây là loại phim du ký về thiên nhiên Việt Nam- giữa lúc thiên nhiên đang bị thói ích kỷ và sự thiếu hiểu biết tàn phá, đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt… Thăng Long – Hà Nội với thăng trầm lịch sử, đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ của ngàn năm văn hiến sẽ được nhìn nhận và cảm thụ thông qua Bốn Mùa của sinh học, bằng hình thức tùy bút điện ảnh...
MÙA XUÂN 
Hà Nội bắt đầu chuyển mùa.
Đã hết hẳn những đợt gió mùa lạnh thấu xương. Tiết trời lúc này se se, dịu dịu. Mọi thứ như đang cựa mình sau một mùa đông giá rét, đang chuyển mình cho một mùa mới bắt đầu.
Trên các vệ đê, màu mướt xanh của cỏ đã thay thế cho hoa may vàng úa tím ngắt…
Mưa xuân đang về. Cả đất trời như bảng lảng một làn sương khói lững lờ, quấn quít ở từng góc phố hàng cây. Chúng ta chợt nhớ đến bài thơ “Mưa xuân” của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính:
 Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…
Phố mù sương và mù mịt mưa phùn, nhưng không lạnh lẽo như mùa đông vừa trôi qua, mà lại tạo ra cái cảm giác của một vị ngòn ngọt, là lạ đang vương vất đầy trong không gian buổi sớm đầu xuân… Là người con của Hà Nội hay chỉ là lữ khách từng một lần đến thủ đô, mỗi độ xuân sang, hầu như không ai có thể quên nổi sự ngọt ngào đó của mưa xuân cùng sự ấm áp lạ lùng khi những hạt mưa bụi mơn man trên má. Không ít người đã bất giác ngẩng đầu, nhẹ nín thở và ngửa hai lòng bàn tay ra để cho những hạt bụi mưa xuân thấm đẫm lòng mình khi đi dọc hồ Gươm, hồ Thiền Quang… Có một người con xa Hà Nội khi nhớ xuân đất Kinh kỳ đã viết những dòng như mộng mị: “Dường như Hà Nội đẹp lên nhờ những hạt mưa phùn. Mưa xuân lây phây bụi phấn, bàng bạc màn tơ, đỗ xuống mái tóc người mà không ướt, bảo cho những bàn tay tìm nhau, mách những mái đầu nhích lại trong tình yêu, trong nhung nhớ…” Và hình như một thi sĩ nghiệp dư nào đó đã nói hộ tâm trạng nhiều người: “mưa chẳng làm ướt tóc ai/ nhưng lại làm ướt trái tim khách bộ hành”… Đây cũng là thời khắc mà nhà văn Vũ Bằng người đất Hải Dương, ở tận phương Nam xa xôi, khi đất nước còn chia cắt, đã nhớ về “Tháng hai- tương tư hoa đào” trong cuốn sách “Thương nhớ mười hai” tràn ngập nhớ thương kỷ niệm của ông về đất Bắc, về Hà Nội…
Có lẽ, cả nghìn năm nay mưa xuân vẫn cứ thế, nhẹ nhàng và đằm thắm tạo nên một sắc hương đặc biệt cho mùa xuân Kinh thành.
Phải chăng chính trong khung cảnh sương mù lãng đãng đầu xuân đó, tại Phủ Tây Hồ đã diễn ra một giai thoại văn chương đẹp nhất của Thăng Long- Hà Nội ngàn tuổi- đó là cuộc  tao ngộ thơ văn nổi tiếng giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và công chúa Quỳnh Hoa- tức bà chúa Liễu Hạnh, một anh hùng văn hóa của Việt Nam, một trong tứ bất tử của thần điện VN? Điều đó lý giải vì sao những người đang yêu- đặc biệt là phụ nữ lại thích đến đây để cầu duyên, cầu những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, nhất là trong dịp đầu xuân.
Nhớ về xuân Hà Nội,  thường chúng ta liên tưởng ngay đến những chồi non, lộc biếc, đến màu xanh man mác dịu dàng. Vì vậy, trong những ngày này- những ngày giáp tết, sẽ không ít người phải sững sờ thích thú khi bất ngờ được chiêm ngưỡng kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Nga Lê-vi-tan giữa trời xuân Thủ đô. Đó là vẻ đẹp của những cây lộc vừng mùa trút lá. Nhiều du khách lần đầu tới Hà Nội đã không khỏi ngỡ ngàng mê mẩn trong sắc vàng rực rỡ của màu nắng quyện trong màu lá đang trút “hơi thở” cuối cùng. Ai cũng muốn ghi lại cho riêng mình khoảnh khắc hiếm hoi tuyệt đẹp này. Theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có tới hơn vạn cuộn phim màu đã được “đốt” quanh cây lộc vừng này bởi các tay máy ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư. Cây lộc vừng trút lá rồi sẽ lại mọc lên bao nhành lá non rồi sắc hoa đỏ ti ti rực rỡ, tô điểm cho bức tranh Hồ Gươm thêm sinh động và bắt đầu cho việc hình thành nên một lẵng hoa lớn tuyệt đẹp giữa lòng thành phố- như hình ảnh ví von của một nhà thơ Hy Lạp đương đại khi đến Hà Nội…
Rời Hồ Gươm, chúng ta hãy lang thang trên vài dãy phố có những cây bằng lăng với cành đen thui, trơ trụi, khô khốc, nhưng trên đó xuất hiện những chiếc lá nhỏ xíu màu đỏ cam tựa những bó hoa lửa chào đón xuân về…
Mùa xuân Hà Nội cũng là mùa của muôn loài hoa đua sắc. Những ngày giáp tết, mở cửa ra là thấy hoa tràn ngập phố phường. Và có lẽ, ở tại Hà Nội, hơn ở bất kỳ thời điểm nào khác, mùa xuân có sự giao cảm lạ lùng giữa hoa và người…
Trong khoảnh khắc giao mùa khi xuân đến, ta hãy đắm mình vào những phiên chợ đông vui nhộn nhịp để hoà vào những khuôn mặt người náo nức tràn trề hạnh phúc, với muôn loài hoa đẹp. Trong số các chợ hoa ở Hà Nội hiện nay, chợ hoa Hàng Lược được hình thành và tồn tại lâu nhất. Hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước, chợ hoa Hàng Lược nằm trên phố Hàng Lược và một số ngõ phố phụ cận. Chợ hoa Hàng Lược chỉ họp vào dịp tết hàng năm từ 23/12 âm lịch cho đến tận chiều tối ngày 30 tết. Xưa, chợ hoa này chỉ duy nhất bán hoa chơi tết, nhưng ngày nay Hoa chỉ là một mặt hàng trong vô số những hàng hoá phục vụ tết. Nhưng dường như hoa vẫn nổi trội hơn cả… Sau những ngày đông giá lạnh, mầu hồng thắm của hoa đào như sưởi ấm lòng người và vạn vật. Hoa mai được coi là cốt cách của người quân tử vượt qua cô đơn giá lạnh mà vẫn nguyên mầu trắng trong. Và hoa cúc. Cúc đại đoá, hồng tử kỳ, bạch khổng tước, cúc vạn thọ, cúc gấm, cúc áo, cúc ngũ sắc, cúc tóc tiên… Hoa cúc được xếp vào hàng tứ quí (tùng, cúc, trúc, mai.) Cúc đẹp bởi sự giản dị khiêm nhường, và cũng bởi cúc mang những đức tính tốt đẹp của đấng quân tử- nổi bật là sự kiên trinh vượt qua sương sa, gió lạnh. Ta hãy ghé qua làng hoa Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu. Lúc này, các luống hoa hồng, hoa cúc, hoa thủy tiên, hoa viôlét, hoa hướng dương, hoa bươm bướm v.v. đã làm sáng rực những thửa ruộng hoa.
Nhưng có thể nói, chơi đào mới là một nét đặc trưng nhất của người Hà Nội vào mùa xuân. Nhiều người cứ mua đào là phải lên đê Yên Phụ, qua Nghi Tàm, Quảng Bá rẽ xuống vườn đào Nhật Tân. Đi cả một quãng đê dài mấy cây số chỉ để ngắm đào, chìm vào một màu hồng bất tận… Đây là trung tâm của hoa đào, đã vào đây thì ai cũng như Từ Thức lọt vào động tiên, bị níu giữ bởi muôn ngàn sắc đào mà quên bẵng thời gian. Làng Nhật Tân có những vườn đào danh tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Đình Nhật Tân thờ thánh Uy Linh Lang, nhân vật huyền thoại thường hiển linh những lúc nguy nan, cứu giúp nhân dân khỏi nạn lũ lụt… Sắc đào bích nơi này đã gợi lên một thế giới mơ mộng của tình yêu nguyên sơ và đằm thắm. Cành bích đào được trồng trên chính vùng đất Nhật Tân – dinh Lẫm xưa, nơi chuyên trồng đào tiến vua. Bây giờ, đất trồng đào trong đồng coi như đã hết, vài năm nữa, các công trình xây dựng sẽ chễm trệ trên đất dinh Lẫm. Và có thể, hoa đào cũng sẽ chỉ được nhắc tới trong truyền thuyết…
Nhưng hiện tại, người ta vẫn được thưởng thức hoa đào Nhật Tân. Những cây hoa đẹp đã được chọn từ sớm, thân đã đánh dấu. Người chơi công phu thì chọn đào từ trước đó cả tháng. Nào là thế phượng, thế rồng, nào là đủ lọc đủ tán… Còn kẻ mua hoa về cắm Tết cho đúng với khí xuân thì chỉ chăm chăm nhiều nụ nhiều lộc là được. Có nhà cầu kì chơi hoa đào từ sớm, qua Tết hết hoa, lại kiếm cành đào mới mà chơi cho đến tận rằm tháng Giêng. Vườn nhà nào nhiều cây thế đẹp thì đã được chọn hết, chỉ đợi đến ngày là được đưa lên ôtô rồi được chở đi khắp các phố phường. Ấy là những ngày rộn ràng nhất của cả cái Tết. Người người sắm Tết, đào quất vắt vẻo trên những chiếc yên xe, ngả nghiêng trên những thùng bán tải. Sau ngày 23, thế nào các công sở cũng đã trang hoàng xong, còn nhà riêng thì cũng phải đến 27, 28, thậm chí đến chiều 30 Tết, vẫn còn có nhiều người vội vã sắm nốt cành đào về trang hoàng nhà cửa đón xuân…
Chúng ta bắt gặp một đôi bạn trẻ ríu rít chọn đào. Một cành hoa ưng ý cho cả hai bên gia đình thật không dễ… Cành đào mới mua về được cắm trang trọng trong nhà, treo lên vài ba tấm thiệp mừng xuân mới. Bàn thờ gia tiên đã được dọn dẹp sạch sẽ và được cắm vài ba cành hoa xuân. Vẫn còn không ít gia đình tự gói và tự nấu bánh chưng. Bên một bếp lửa đặt giữa sân, bọn trẻ con háo hức quây quần quanh nồi bánh chưng đang sôi lục bục.
Hội Hoa Hà Nội được tổ chức tại bờ hồ Hoàn Kiếm dạo đầu năm 2010 đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm trong lòng người, từng huy động không biết bao làng hoa, vườn hoa khắp Hà Nội, với 60 loại hoa cắt cành, 80 loại hoa chậu, 30 loại cây lá màu tạo nền, hàng nghìn mét vuông cỏ… Biểu tượng Khuê Văn Các được làm từ 2.500 bông hoa cúc ở ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng…Một không gian của hoa trải dài với nhiều loài hoa từ sen, cúc, hồng, layơn, loa kèn, các loại phong lan để tạo nên những sắp đặt đại cảnh, tiểu cảnh làng lúa – làng hoa, trống hội Thăng Long, những nhịp cầu Long Biên…
Nhưng nhiều người Hà Nội yêu hoa- nhất là thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết rằng: đầu xuân cũng là thời điểm của các bà các chị xưa kia của đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ từ các làng hoa sáng sáng đi vào thành phố, cặm cụi tỏa bước chân tới mọi ngõ ngách phố phường, treo các gói hoa cúng bọc bằng lá chuối, lá sen ngoài các cửa nhà hoặc cửa chùa, và cuối tháng mới lấy tiền hoa một lượt… Cách bán hoa độc đáo này chỉ Hà Nội mới có, và trở thành một phong tục đẹp, tiếc thay đã bị ngắt quãng đến hơn nửa thế kỷ nay! Hy vọng trong những mùa xuân sắp tới, tục lệ đáng yêu này sẽ trở lại với người Hà Nội…
Dịp xuân về đất Hà Thành cũng là dịp mà trước đây, chưa xa lắm, người Hà Nội thường đi sắm những bức tranh dân gian Hàng Trống để trang trí cửa nhà và cầu may mắn. Trước hết là bộ tranh tứ bình “Bốn mùa” mà mở đầu là mùa xuân hứa hẹn mang lại nhiều Phúc- Lộc cho đại gia đình. Sau đó là các tranh gà, lợn, cá chép ôm trăng… và các loại tranh thờ như Ngũ Hổ, Độc hổ, ông Hoàng Mười, Bà chúa Thượng ngàn, v.v. Những gia đình nghèo thì tìm tranh Hương Chủ, để trên vách nhà trống trơn chỉ treo mỗi bức tranh vẽ đủ bàn thờ, hương án, hoa quả đón xuân… Sau nhiều năm vắng bóng, tranh Hàng Trống giờ đây lại lác đác xuất hiện ở chính phố Hàng Trống- nơi ra đời của dòng tranh độc đáo này, nhờ sự mải mê duy trì nghề nghiệp cổ truyền của nghệ nhân Lê Đình Liên- nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống… Mùa xuân Canh Dần năm nay, nhiều người đã tìm về phố Hàng Trống để hỏi tranh Tứ bình Bốn mùa và tranh Ngũ hổ.
Mùa Xuân Hà Nội cũng là mùa của các lễ hội đầu năm, của giỗ vọng, lễ chùa… Sự thành kính của người cao tuổi bên hương khói như làm nổi bật thêm sự tươi vui của tuổi trẻ háo hức đón xuân, sắm tết… Nhưng hiện nay, ta có thể nhận thấy sự thành kính nghiêm trang ở rất nhiều người trẻ tuổi trong các đền miếu thờ những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa… Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa được thực thi sâu rộng đã đem lại cho các Lễ hội mùa xuân Hà Nội những sắc màu mới mẻ cùng một số vấn đề xã hội nổi cộm, nhưng dù sao, Lễ hội – nhất là lễ hội xuân đã là sự gắn kết cộng đồng kỳ diệu, là bí quyết tinh thần nối giữa quá khứ và hiện tại. Có thể chiêm nghiệm điều này ở lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội thờ bà Tấm làng Sủi- Phú Thị, lễ hội thờ thần Đồng Cổ làng Văn Trì…Trong các lễ hội xuân đó, bao gìơ cũng có múa Rồng, múa Lân, thể hiện rõ nét khát vọng mưa thuận gió hòa ngàn đời của người dân châu thổ Bắc Bộ, và bộc lộ cái tinh thần Thăng Long- tinh thần Rồng thăng lên của người dân Kinh Kỳ- Kẻ Chợ…
Mùa xuân cũng là mùa của các ông đồ xưa – nay viết thư pháp bên tường Văn Miếu, quanh các đình chùa miếu mạo Hà Nội… Mùa của những con rùa Hồ Gươm bò lên bãi cỏ đẻ trứng, mùa những đàn chim sâm cầm bay về Hồ Tây lặn ngụp…Thực ra, những con chim sâm cầm đầu tiên đã di cư từ phương Bắc giá lạnh về đây từ dạo cuối đông, và đến mùa xuân, chúng tạo ra cả một dàn đồng ca của vẻ đẹp thi vị từng tạo nền xúc cảm cho Bà Huyện Thanh Quan viết ra những áng văn chương long lanh hoài niệm…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Tuấn Đại vốn xuất thân là một phi công. Khi bay lượn trên thành phố nhìn xuống mặt nước Hồ Gươm lấp lánh, chắc ông không thể nghĩ rằng: sẽ có lúc mình được chụp những sinh linh bé bỏng đáng yêu ở con hồ lịch sử kia! Số phận run rủi thế nào đã cho ông cơ may chộp được những hình ảnh quý về cháu chắt của con rùa thần thoại- nhất là khi chúng bò lên mặt cỏ đẻ trứng mùa xuân…
“Người muôn năm cũ” là ông đồ già viết câu đối xuân bên hồ Tả Vọng xưa của thi sĩ Vũ Đình Liên tưởng không bao giờ trở lại nữa, thì những mùa xuân gần đây lại xuất hiện biết bao ông đồ mới giữa đất Hà Thành, cho thấy một nét tâm lý đáng yêu của người Hà Nội dù trải qua bao biến thiên thời cuộc vẫn không hề mất đi: vượt khỏi sự hiếu kỳ, đó là một tinh thần yêu chuộng văn hóa cội nguồn đã ăn vào máu thịt…
Và trong không khí Xuân Thủ đô, ở Ngày Hội Thơ được tổ chức hàng năm tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, có lẽ người ta dễ tìm được sự hòa điệu giữa các thế hệ làm thơ và giữa các địa phương thơ ca? Còn những thể nghiệm thơ ca mạnh dạn tại đây có thể cũng sẽ dễ dàng tìm được sự đồng cảm hơn của người thưởng thức so với bất kỳ ở một thời điểm nào khác?
Trước khi trên vùng rừng núi Tây Bắc phủ ngập trắng hoa ban, thì ở Hà Nội, hoa ban đã vội nở sớm trên trục đường Bắc Sơn, đường Thanh Niên. Hoa ban được mang từ núi rừng Tây bắc về, vốn trắng muốt, tại thủ đô không hiểu sao lại nhuộm màu tim tím, và những cánh hoa ban trở nên đẹp lạ thường khi được hòa quyện cùng màu trắng tinh nguyên của tà áo dài người thiếu nữ Hà thành du xuân… Hoa ban gắn với một truyền thuyết buồn về tình yêu đôi lứa ở tận vùng cao xa xôi, về đây lại tìm được sự đồng cảm của nam thanh nữ tú Hà Thành, và đồng điệu với một loài hoa kỳ lạ của mùa xuân Hà Nội- đó là hoa Sưa… Truyền thuyết của người Hà Nội kể: có hai người cùng sinh vào tháng ba, cùng thích hoa Sưa và yêu nhau tha thiết… Nhưng họ ở cách xa nhau, nên cứ mỗi mùa xuân, trở về đây vẫn hẹn nhau ở một gốc Sưa già trong thành phố. Cho đến một ngày, người ta vô tình đốn gốc Sưa ấy đi, chàng trai và cô gái hoang mang tìm nhau theo từng gốc Sưa… Bước chân họ luôn lỡ nhịp, không thể gặp được nhau… Tình yêu xưa chỉ còn trong hoài niệm, nên có người cố tình đọc trệch đi, gọi là hoa Ngày Xưa, bộc lộ chút gì nuối tiếc, ngậm ngùi… Hoa Sưa tựa linh hồn cô gái kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình lang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ thoáng một ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay về với hư ảo… Trên những con phố dài của Hà Nội mùa này, trên đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hùng Vương, đường Ngọc Hà, Điện Biên Phủ, trong những công viên xanh đã thấy trắng cả một góc trời màu hoa Sưa như một lời hẹn ước thiêng liêng…. Hoa Sưa có một vẻ đặc biệt duyên dáng, trang nhã nhưng giản dị. Suốt cả năm, cây Sưa không có gì nổi bật, chỉ đến đợt hoa nở trắng muốt như những bông tuyết, như mây, thì khi đó mới khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Sau những ngày hoa tách cánh trong đợt gió rét mưa phùn, Hoa Sưa chỉ đợi cơn mưa xuân đầu tiên là bừng tỉnh giấc. Chẳng có loài hoa nào lại cùng thay lá, đâm chồi, ra hoa và lụi tàn trong một mùa duy nhất như hoa Sưa- một loài hoa có mùa ngắn nhất trong năm. Nó có vẻ đẹp tươi tắn nhưng đồng thời lại chất chứa một cái gì đó thực e ấp, u hoài. Có một chàng trai người Hà Nội sau nhiều năm xa tổ quốc, quay về thăm đã viết những dòng đắm đuối về hoa Sưa:
Chỉ còn con đường hoa sưa đẹp như mơ
Muốn khóc dịu dàng cho thuở ấy bình yên
Cho con đường trải đầy hoa sưa, in dấu chân kỷ niệm …
Có người đã ví von một cách thú vị: Mùa xuân ở Hà Nội giống như một cô thiếu nữ xinh xắn. Đầu mùa, cô thiếu nữ ấy đẹp một cách tinh khôi, trong trẻo và căng tràn sức sống qua từng hơi thở của chồi non, của lộc biếc. Khi mùa xuân đi được nửa đường, là lúc Hà Nội chín mọng những hương, những hoa, những sắc thắm của cây lá, của nắng và của phố phường nhộn nhịp. Lúc ấy xuân đẹp mặn mà và quyến rũ. Quả vậy, Hà Nội cuối xuân là Hà Nội của mùa xuân chín, của nắng hồ Gươm sánh mật vàng óng ả như một thứ chất có khả năng kết dính cả không gian, đất trời và lịch sử… Hà Nội cuối mùa xuân, trên những lối đi đã phủ dày từng lớp lá màu đỏ phai của bàng quanh Hồ Gươm hay trong những con phố cổ nhỏ xinh. Rồi lá xà cừ, lá sấu, lá me, lá của những cây lâu năm trong công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo… Những lá vàng còn lại trên cành cũng rụng rơi lả tả, nhường lại mùa đâm chồi và sinh sôi của một lớp lá mới, búp bàng mới. Hà Nội bỗng mang vẻ mặn mà cuốn hút trong sự hòa quyện của nắng gió, trong sự pha trộn sắc màu của hoa, của lá cũ và lộc mới…mặc cho cái rét bất thần quay trở lại. Nhà văn Vũ Bằng trongThương nhớ mười hai đã viết về Tháng ba, rét nàng Bân như sau: là một cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa khiến người phụ nữ tự nhiên đẹp trội hẳn lên…và ông kể lại những kỷ niệm tuổi thơ đi trèo cây, hái bàng chín thơm phưng phức, ăn vào ngọt hơn cả cam hay táo…Một người Hà Nội- nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ đã có những dòng tùy bút thú vị về Đường sấu Hà Nội, và ông miêu tả khá hay cái mùa sấu thay lá lần đầu trong năm tựa một con sông vàng lăn tăn sóng chảy luồn lách giữa hai hàng cổ thụ suốt từ đường Hùng Vương cho đến tận vườn hoa Hàng Đậu…
Khi mùa hoa bưởi bắt đầu ngát hương thì cũng là lúc trong những ngôi nhà hay vỉa hè ở phố Hàng Than, Hàng Điếu lại xuất hiện một màu trắng tinh khôi của những mẻ bột sắn dây. Trên hai con phố này, những người dân có một nghề chỉ sản xuất vào mùa hoa bưởi – nghề sản xuất bột sắn dây. Khi những mẻ bột trắng phau phơi khô chuẩn bị được đóng thành gói cũng lúc người ta gom thật nhiều hoa bưởi. Những bông hoa bưởi ngát hương được ướp vào những viên sắn dây như để ấp ủ mùi hương và lưu giữ đến tận những mùa sau. Muốn chọn hoa bưởi phải đợi sau những ngày mưa phùn, tiết trời khô ráo. Khi đó hoa mới không sợ bị ủng, mùi thơm mới nồng nàn và giữ được lâu hơn, khi đem ướp với bột sắn dây thì mới thật đậm đà. Từng ngụm nước sắn dây mát lạnh đậm đà hương hoa bưởi mang lại cảm giác mát lạnh, sảng khoái, bao mệt mỏi dường tan biến hết, chỉ còn mùi hoa bưởi nồng nàn quyến rũ.
Hà Nội vốn được mệnh danh là thành phố của sông hồ, và có một điều chắc chắn là: bốn mùa thiên nhiên được phản chiếu rõ rệt nhất, sinh động nhất qua những mặt hồ… Khi tả tiết đầu mùa xuân Hà Nội, chúng ta đã nói nhiều đến Hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang… Còn trong tiết cuối xuân, chúng ta cần dừng lại ở Hồ Tây… Hồ Tây là một đoạn của sông Nhĩ  (tức sông Cái, sông Hồng) còn sót lại sau khi đổi dòng chảy. Thiên nhiên đã sinh ra một con hồ sóng sánh mộng mơ, lãng đãng sương mù, chất chứa huyền thoại, con hồ mà vào mùa xuân lộng lẫy đến nỗi nhà nho Cao Bá Quát từng phải thốt lên “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi”-  có nghĩa: Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi! Một bài ca dao cổ viết về cảnh vật Hồ Tây chắc chắn là được miêu tả lúc xuân sang: Gió đ­ưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ X­ương/  Mịt mù khói toả ngàn s­ương/  Nhịp chày Yên Thái mặt g­ương Tây Hồ
Mùa xuân quanh Hồ Tây cũng là mùa của nghề tằm tang, dệt vải, làm giấy…có từ hàng ngàn năm nay, và cùng với thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp thi vị của tâm hồn người lao động dân dã từng làm rung động nhiều hồn thơ:  “Hỡi em seo giấy/ Em là thi nhân…” ( Thơ Chế Lan Viên)
Hồ Tây nhiều sắc màu, diễm lệ, trang trọng và sự sống của một góc thành Thăng Long xưa bên hồ vào cuối xuân đã được bộc lộ qua những câu văn thật đẹp trong bài phú Tụng Tây Hồ của danh sĩ Nguyễn Huy Lượng: “Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích dẫy lên dòng lẻo lẻo / Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò/Dư­ nghìn mẫu n­ước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ chiều mùa“…
Rời Hồ Tây trong nắng chiều cuối xuân bảng lảng, vẳng tiếng chuông chùa khi xa khi gần, chúng ta không thể không nhớ đến câu thơ cổ có cả ngàn năm tuổi của đại thiền sư Mãn Giác trong bài kệ nổi tiếng: Cáo tật thị chúng(có bệnh bảo mọi người ) như sau: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai-có nghĩa là: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước nở nhành mai…
Xuân qua đi, một mùa khác của sự sống lớn lao và của tình người lại tiếp tục diễn ra trong vòng quay muôn thuở của vạn vật… Điều quan trọng nhất là đừng để đánh mất đi Tình người quý báu- cái điều duy nhất có thể đem lại vẻ đẹp trọn vẹn và hàm chứa ý nghĩa của mọi cảnh vật thiên nhiên bốn mùa… Chúng tôi xin được lấy hai câu ca dao cổ viết về Hoa, và về Người Hà Nội đã được cố nhà văn Băng Sơn khôi phục lại nguyên gốc để làm kết cho phần phim Mùa xuân Hà Nội:
Không thơm không phải hoa nhài
Không thanh lịch, không phải người Tràng An…

Theo dotchuoinon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...