Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Từ thu vàng đến những chiếc lá thu phai…

Từ thu vàng đến những chiếc lá thu phai…

Thu vàng
Thành phố mùa thu dẫn theo những cơn mưa nhỏ dịu dàng chợt đến, chợt đi. Có những sáng ngủ dậy nhìn ra mặt đường loang loáng nước tưởng như có mưa về giữa khuya, Nhưng không, đó là sương rơi vào đêm nên làm cả buổi sớm ầm lên một tiết thu lành lạnh.
Tôi thường có những buổi sáng đi trong sương khi thành phố chưa có mặt trời. Ngày của mùa thu bắt đầu bằng những đêm dài ngày ngắn dù rằng cây kim chỉ giờ trên chiếc đồng hồ đã được lui lại một nấc cũng không đủ cho ngày thu kéo dài hơn được nữa. Thời gian rời rạc rơi theo những chiếc lá vàng đang úa lìa cành.
Tôi thu nhận vào tâm thức những hình ảnh đẹp nhất của một nơi có đủ thời tiết bốn mùa bằng tất cả giác quan có được. Màu sắc của lá, hương vị của hoa và âm thanh xào xạc của gió đùa trên lá khô làm nên một tiết tấu riêng biệt chỉ có mùa thu mới kết nên được thanh âm tuyệt vời ấy.
Đến cả nắng thu cũng lạ hơn những ngày nắng trong các mùa khác. Có ngày gió hiu hiu, nắng hanh hanh. Có ngày lại nồng gắt, vàng rực lên theo đám lá vàng đong dưa trên chòm cây cao ngoài phố.
Mùa thu đã về trên thành phố. Bao giờ cũng thế tôi nghe có chút xôn xao đón chờ mùa đến, cùng với nỗi nhớ khi mùa đi như mong bạn bè thân thiết, như tiễn tri kỷ lâu năm. Trong mối tâm tình yêu mến ấy, mùa thu dường như đã trở thành một hợp nhập thân thuộc trong miền ký ức.
Nói đến đây bỗng nhiên lại nhớ đến điệu Valse dìu dặt trong một bài hát rất xưa cùa Cung Tiến. Thu vàng, đã được tác giả đề tặng Hà nội những ngày ấu thơ. Bài hát đầu tay được Cung Tiến viết vào năm 1953 khi ông còn rất trẻ. Cậu thiếu niên trung học Hà nội đã ghi lại một mùa thu có lá vàng rơi, có mây vương trong chiều để cho lòng người bâng khuâng từng bước lang thang trên hè phố. Mùa thu Hà Nội càng thêm se sắt nhớ thương hơn nữa đến khi đất nước chia lìa, Thu vàng trở thành nỗi niềm của những người Hà nội ở phương xa thương nhớ về cảnh xưa chốn cũ.
Sau năm 1954, khi Cung Tiến vào Sài Gòn. Thu vàng vẫn bàng bạc một chất thu Hà Nội đã được nhiều ca sĩ hát thành công như Tâm Vấn, Mai Hương… Nhưng đến khi Thanh Lan hát Thu vàng với chất giọng dễ thương cùng với khuôn mặt xinh xắn của cô, người ta lại tìm thấy đâu đó có mộtThu vàng rất Sài Gòn trên những con đường lá me của tuổi học trò như Duy Tân, Nguyễn Du…
Sài Gòn vào thu của những tháng cuối năm trời lạnh hơn, cây bớt xanh hơn và lá vàng rơi nhiều hơn. Nhiều khi vào những ngày thu trời gió tôi thích một mình lang thang qua các con đường có hàng me đan lá để được ngắm những trận mưa lá vàng rơi. Một ngày thu Sài Gòn sẽ còn đẹp hơn nữa khi bạn bắt gặp được vài cô nữ sinh đi học sớm điệu đà khoác thêm chiếc áo len màu tô điểm cho sắc thu Sài Gòn thêm duyên dáng.
Mùa thu Sài Gòn có chút thiệt thòi vì không khởi sắc rõ nét, chỉ là một chút len lén trên sắc lá, một chút duyên thầm trên áo hoa thôi. Nhưng với cái tình của người Sài Gòn tinh tế với đôi chút lãng mạn, mủa thu Sài Gòn vẫn được trông ngóng đón chờ như một nỗi mênh mông hoài niệm…
Chiều nay, ngồi nơi đây tưởng nhớ về một mùa thu ờ nơi xa thấy lòng nặng nỗi tiếc nuối ngậm ngùi. Không biết vì thương nhớ Sài Gòn hay thương nhớ một quãng đời tuổi trẻ đã trôi qua không bao giờ trở lại…
Em ra đi mùa thu.
Mùa thu không trở lại…
Thu vàng
Nhạc sĩ: Cung Tiến – Ca sĩ: Thanh Lan 
Mùa thu không trở lại
Nhạc sĩ: Phạm Trọng Cầu – Ca sĩ: Mai Hương 

 Những chiếc lá thu phai...


Tôi thường đếm mùa thu bắt đầu từ những cơn mưa nhẹ rơi xuống giữa một ngày làm việc hay từ những chậu hoa cúc còn e ấp nụ xoè khi ghé ngang qua chợ vào buổi chiều. Thu đến rất nhẹ nhàng, kín đáo không như mùa hạ nồng nực ngày nóng, mùa đông gió rét buốt da.
Khi thu về cỏ hoa xôn xao đổi sắc. Màu lá trở nên tối dần theo một gam màu của đất và đến khi tất cả đã thấm đẫm một sắc vàng nâu sẽ là những cơn mưa lá rơi xuống lẫn trong âm thanh xào xạc của gió làm nên một khúc tình thu tuyệt vời.
Dường như trời đất cũng hiểu lòng nên đã trao tặng cho người miền Đông những ngày thu thật đẹp trước khi bước qua đông u ám.
Mùa thu tôi thích ra đường trong một chiếc áo khoác mỏng. Đi đâu cũng được, rong ruổi đôi chút trước khi bị những ngày đông giá rét buộc chân. Hình như đó là tâm trạng tiếc nuối khi biết những ngày nắng đẹp sẽ phai và mùa thu sẽ trở thành hoài niệm.
Lang thang trên mạng tôi đã bắt gặp được nhiều tình thu tha thiết như thế. Người yêu thu níu lấy những khoảnh khắc có được vào từng khung hình, bài thơ, nốt nhạc… Họ không muốn cảm xúc bị chết mòn bởi những bộn bề cơm áo, mờ mịt khi trí nhớ bị bào mòn bởi sự khắc nghiệt của tuổi tác.
Như bức hình trên, bạn nhìn thấy một băng ghế gỗ nằm dưới bóng cây vàng úa. Cả khung hình chìm trong một gam màu mộc duy nhất, ngay cả đám cây cỏ xanh xanh bên đường cũng được nhuộm lên một sắc màu vàng sẫm của nắng thu. Con đường không có một bóng người, vắng hút vào thinh lặng. Dường như tất cả đã tan đi, lẫn vào phía nền thu đậm lá ở phía sau.
Trừ chiếc ghế gỗ nâu. Cô độc. Lặng lẽ.
Tôi tự hỏi, con đường nhỏ dẫn ngang kia đã đưa bao nhiêu bước chân người đi qua, ngồi lại trên băng ghế này, rồi ngẩn ngơ mang cả màu lá vàng ấy vào trong từng nỗi nhớ của cuộc đời.
Có thể chẳng phải vô tình mà tác giả đã ghi chú một câu rất ngắn cho tấm hình này, “Thu còn đây, người đi rồi”. Người đã đến và đã đi. Thu đến và dừng lại. Sự dừng chân chẳng kéo dài là bao như những cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi nên cứ bùi ngùi lúc chia tay. Xa rồi mà vẫn thấy hương hoa lẩn khuất trong từng nỗi nhớ.
Lộ trình cuộc đời thường có lắm gian truân. Trừ những cuộc gặp gỡ cay nghiệt như một định mệnh không tránh được đã làm cho nỗi đau đi đến tận cùng của cạn kiệt niềm tin. Đó là lúc đuối sức bởi cuộc hành trình đơn độc đi tìm một mạch giếng trong veo trên cánh đồng khô hạn lòng người. Thì thu ơi, có ai chung thủy đợi người đến ghé chân nghỉ ngơi như chiếc ghế gỗ đơn côi ở dưới gốc cây kia.
Chỉ còn một tháng nữa là Đông về. Nằng sẽ phai, những chiếc lá ẩm mục sẽ ra đi nhưng tôi tin khoảnh khắc trong bức hình này sẽ còn mãi mãi. Để rồi thu sẽ trở về…
Tạm biệt mùa thu…
Chiếc lá thu phai
Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn – Ca sĩ: Quang Dũng – Trần Thu Hà
Nguyên Tú My

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...