Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Thơ chọn lời bình: Bến vắng sông quê


Thơ chọn lời bình: Bến vắng sông quê
Hình ảnh dòng sông quê hương mỗi khi được nhắc đến giống như một nỗi niềm chảy trôi khi chúng ta nhớ về nguồn cội, những ký ức về tuổi thơ được sống dọc đôi bờ. Chúng ta hãy cùng cảm nhận bài thơ "Bến vắng sông quê" của tác giả Nguyễn Lộc (quê xã Đức Hòa, Đức Thọ) qua lời bình của Lê Thị Thu Hà - giáo viên trường cấp 2 Đại Nài.
BẾN VẮNG SÔNG QUÊ
Con sông quê như một tấm thân gầy
Khoác chiếc áo bãi bờ xanh quá rộng
Làn nước mỏng chiều về như đứng lặng
Thả hồn trong giấc mộng mấy ngàn năm.
Ngày ra đi không kịp đến với sông
Để thầm thĩ một đôi lời từ biệt
Xa quê hương dặm trường chinh mải miết
Vẫn trong lòng da diết khúc sông quê.
Con sông quê không có một triền đê
Nên thoải mái bên bồi bên lở
Ngay tên gọi cũng gợi về cái thuở…
Mới khai thiên lập địa: Ngàn Sâu.
Ôi con sông biết mấy tôi yêu
Tình yêu ấy trong đời tôi sớm nhất
Bao kỷ niệm êm đềm không thể mất
Mỗi khi về tôi lại thấy bâng khuâng
Chiều hôm nay trong bảng lảng hoàng hôn
Một mình tôi lẻ loi trên bến vắng
Trong giây phút tim tôi như đứng lặng
Bến nước quê mình giờ vắng vẻ thế sao?

Hè 2003
Lời bình:

Trong dòng chảy của thời gian có lẽ ai trong chúng ta cũng có những ấn tượng hoặc cảm xúc trước một dòng sông. Với những người từng lớn lên bên dòng sông uốn quanh ngôi làng nhỏ thì dòng sông là nơi lưu giữ nhiều ký ức, nhiều cảm xúc của tuổi thơ. Nhà thơ Tế Hanh từng bộc bạch tình yêu của mình với quê hương cũng bắt nguồn từ dòng sông tuổi thơ ấy. "Quê hương tôi có dòng sông xanh biếc. Nước gương trong soi tóc những hàng tre'. Từ dòng sông hiền hòa thơ mộng có mặt rất nhiều nơi trên nước ta nó đã hồn nhiên đi vào thơ ca, vào âm nhạc, vào hôi họa... bởi có lẽ tâm hồn của nhưng người nghệ sĩ luôn muốn lưu giữ hình ảnh dòng sông quê hương trong những tác phẩm của mình. Với thế hệ trước đây, "sông" luôn gắn với "bến" bởi bến sông là nơi dân làng gặp gỡ, chuyện trò, sinh hoạt... Những gánh nước được dân làng mang về sử dụng ở nhà, những người mẹ, người chị, người em... ra sông giặt giũ, tắm mát. Rồi khi chiều buông những đứa tre chăn trầu lại lùa xuống sông tắm táp cho trâu, chúng reo hò, bì bõm ngụp lặn dưới sông đến chiều tà mới về. Đó là những ký ức không thể quên mà trở thành một miền nhớ trong tâm hồn những người con xa quê. Nhưng khi cuộc sống được nâng cao, người dân quê dần dần từ bỏ thói quen tắm sông và sinh hoạt chung nơi bến sông. Bến sông tập nâp ngày nào trở nên vắng vẻ. Là một người con lên bên dòng sông La nhà thơ Nguyễn Lộc đã bồi hồi khi đứng trước dòng sông quê và cảm nhận được sự đìu hiu vắng vẻ của bến sông xưa. "Bến vắng sông quê" trở thành nổi ám ảnh có chút bùi ngùi chua xót:
"Con sông quê như một tấm thân gầy
Khoác chiếc áo bãi bờ xanh quá rộng
Làn nước mỏng chiều về như đứng lặng
Thả hồn trong giấc mộng mấy ngàn năm."
Tác giả lặng ngắm dòng sông, quan sát nó để rồi nhận ra nó "như một tấm thân gầy". Lối so sánh ấy gợi cho ta niềm thương cảm. Con sông đang già nua, gầy mòn theo năm tháng. Nó gầy guộc xanh xao đối lập hoàn toàn với chiếc áo "bãi bờ xanh quá rộng" mà nó khoác lên mình. Lòng sông cạn, oằn mình như trơ tấm lưng trần gầy guộc mà bao quanh nó là cả cánh đồng xanh bao la. Màu xanh của nương khoai, bãi mía hay ruộng lúa trải dài càng khiến con sông có phần bị che lấp trở nên bé nhỏ, nằm lọt thỏm giữa không gian của làng quê. Trong cách cảm nhận của Nguyễn Lộc, sông như một con người từng trải. Sông mang trong mình làn nước trong veo, mát lạnh nhưng nước ở đây là "nước mỏng" như thể nó mỏng manh yếu mềm chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn xung quanh, trầm ngâm, suy tư về cuộc đời. Ở đây, chọn thời gian để bộc bạch tâm trạng là buổi chiều như mô típ quên thuộc trong thơ ca. Nguyễn Du từng diễn tả tâm trạng nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu của Thúy Kiều từ chỗ đứng trên lầu Ngưng Bích. Thời gian để bộc bạch tâm trạng của một một người con gái xa quê, bơ vơ nơi đất khách quê người cũng là lúc chiều tà:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm.
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu"

"Bến vắng sông quê" khéo léo lựa chọn hình ảnh "Làn nước mỏng chiều về như đứng lặng" diến tả buổi chiều tà gợi buồn, gợi nhớ càng dễ khiến người ta cảm thấy cô đơn. Con sông "Thả hồn trong giấc mộng" là một cách nhân hóa độc đáo. Sông tự do tự tại, tự thả hồn mình để theo đuổi giấc mộng từ mấy ngàn năm vẫn còn dang dở:
"Ngày ra đi không kịp đến với sông
Để thầm thĩ một đôi lời từ biệt
Xa quê hương dặm trường chinh mải miết
Vẫn trong lòng da diết khúc sông quê".

Con sông quê (Ảnh: Linh Châu)
Từ biêt quê hương đi chinh chiến dăm trường, người lính trận năm xưa vẫn xem sông là người bạn của thủa ấu thơ. Chỉ tiếc ngày đi mà chưa kịp đến với sông "thầm thĩ một đôi lời từ biệt". Chỉ có sông với người lặng nhìn nhau rồi thủ thỉ, thầm thì tự tình thôi nhưng đành lỡ hẹn. Có lẽ lời thầm thì chưa kịp thốt ra ấy trở thành sự tiếc nuối trong lòng người lính. "Xa quê hương dặm trường chinh mải miết. Vẫn trong lòng da diết khúc sông quê":
Dù đi xa nhưng sông vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong người:
"Con sông quê không có một triền đê
Nên thoải mái bên bồi bên lở
Ngay tên gọi cũng gợi về cái thuở…
Mới khai thiên lập địa: Ngàn Sâu".

Khúc sông quê không có triền đê nên nó mặc nhiên bên bồi bên lở và vẫn oằn mình mỗi lúc cơn lũ về. Trở về với sông là trở về với ký ức của ngày xưa. Là lúc người con xa xứ như tìm về những năm tháng êm đềm của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" để được hồi tưởng cả một quãng thời gian ấu thơ ngụp lặn bên dòng sông:
"Ôi con sông biết mấy tôi yêu
Tình yêu ấy trong đời tôi sớm nhất
Bao kỷ niệm êm đềm không thể mất
Mỗi khi về tôi lại thấy bâng khuâng"

Cho dù đi xa nhưng mỗi lần trở về bên sông, vẫn luôn vẹn nguyên cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Dòng sông quê trở thành dòng sông của tuổi thơ cũng là nhân chứng cho bao đổi thay của con người:
"Chiều hôm nay trong bảng lảng hoàng hôn
Một mình tôi lẻ loi trên bến vắng
Trong giây phút tim tôi như đứng lặng
Bến nước quê mình giờ vắng vẻ thế sao?"

Khổ thơ cuối của bài thơ nổi bật hình ảnh của một con người "lẻ loi trên bến vắng" cô đơn, thẫn thờ bước đi "trong bảng lảng hoàng hôn". Vẫn là cách chọn thời gian chiều tà đầy tâm trạng, Nguyễn Lộc đã khắc họa chân dung một con người mang nhiều nỗi niềm chất chứa. Cảnh cũ còn nhưng người xưa đâu mất? Một câu hỏi nghẹn ngào đến xót xa!.
Lê Thị Thu Hà

Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...