Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Cung bậc của một dòng sông âm nhạc


Cung bậc của một dòng sông âm nhạc
Có những bài ca viết ra để đáp ứng mục đích thời sự hay tuyên truyền, nhưng ở vào những thời điểm nhất định đã vượt lên công thức cổ động. Điều đó phải nói tới yếu tố cảm xúc được cộng hưởng từ cảm hứng sử thi vẫn còn mạnh sau thời gian dài chiến tranh, và vốn văn hóa đã có cơ sở lâu bền từ những nhạc sĩ được đào tạo hay tiếp cận âm nhạc quốc tế từ trước…

Tình Yêu Trên Dòng Sông Quan Họ - Anh Thơ - YouTube

Ngay sau năm 1975, người ta chứng kiến những cuộc vận động lớn thanh niên miền Nam tham gia các chương trình xây dựng quê hương sau chiến tranh. Họ được gọi là “thế hệ thứ tư” khi nói đến các thế hệ cách mạng.
Công cuộc vận động này cần đến sự giúp sức của mặt trận truyền thông, mà nổi bật và nhanh nhạy nhất chính là các phong trào ca khúc thanh niên. Thừa hưởng một đời sống ca nhạc sôi động từ trước năm 1975, ở Sài Gòn và các đô thị lớn đã có một lượng công chúng đông đảo có thói quen thưởng thức âm nhạc. Lượng công chúng trẻ tuổi này cũng có nhu cầu có những ca khúc cho mình. Và không ai khác chính là những nhạc sĩ từ phong trào học sinh, sinh viên trước đây và những người sáng tác nổi lên kế cận các lứa nhạc sĩ từ chiến khu và từ Bắc vào. Trong chuyến thăm TP Hồ Chí Minh vào năm 1979, nhà văn Gabriel Garcia Marquez đã viết: “Trong bóng tối chạng vạng, thanh niên Sài Gòn tụ tập ở các quảng trường - ăn mặc kiểu Mỹ, lắc lư theo nhịp nhạc rock, mơ về thời quá khứ đã ra đi mãi mãi”. Những ca khúc cũ đã dần được thay thế bằng những ca khúc mới “những ca khúc mang tính thời sự, sôi nổi, tươi vui, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng”, và được gắn với “tuổi trẻ đấu tranh, tuổi trẻ cách mạng trên thế giới”.
Em ở nông trường, em ra biên giới
Một trong những chương trình đầu tiên là vận động thanh niên đi khai hoang, tham gia các đoàn quân thanh niên xung phong rời thành phố xây dựng các nông, lâm trường. Đáng ngạc nhiên là trong mảng đề tài có vẻ khô khan này lại xuất hiện nhiều ca khúc trữ tình mà đến giờ vẫn còn được yêu thích, thậm chí làm nên tên tuổi của những nhạc sĩ mới và ca sĩ mới. Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn), Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện), Tình ca mùa xuân, Giai điệu mùa xuân (Tôn Thất Lập), Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng)… đọng lại vì chúng chuyên chở một nội dung nhiều cảm xúc gần gũi với tâm lý quần chúng, có thấp thoáng những nét trữ tình của tân nhạc những thập niên trước. Tìm ra được những cách kết hợp tuyên truyền trong cái vỏ ca từ tương đối trau chuốt và giai điệu mượt mà, sôi nổi, dễ hát, chúng có dáng vẻ khác với những ca khúc của các nhạc sĩ dòng nhạc cách mạng miền Bắc – vốn nặng chất hàn lâm và đòi hỏi nhiều khuôn thức chặt chẽ hơn.
- “Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ, cây lúa trổ chờ con nước đổ trên nguồn… Ai đã qua rừng miền Đông đất đỏ, nghe máu đổ nhuộm hồng đã bao lần…” (Tình đất đỏ miền Đông)
- “Tôi vẫn thấy em như ngày nào, dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu… Gió ơi gió nhờ gió mang theo, những yêu thương nồng cháy trong tôi, đến bên em để ướp hương hoa, để cho tôi nghe một thoáng bối rối…” (Như khúc tình ca)
- “Em đi lên biên giới hát ca hà ha ha… Anh băng qua con suối hái hoa tặng em xuân này. Hương xuân bay trên tóc ngất ngây, tình xuân là đây…” (Giai điệu mùa xuân)
Những bài ca này cũng vẫn giữ một công thức lãng mạn hóa đời sống nhọc nhằn của đời sống lao động hay bom đạn, vốn đã thành quen thuộc ở dòng ca khúc cách mạng thời chiến tranh. Sự đột phá không quá lớn, nhưng cách diễn đạt đã tìm tới những thể loại ballad ngắn gọn, đơn giản. Những nhạc sĩ lớp trước cũng có những cách viết đáp ứng thực tế mới như Trịnh Công Sơn với “Em ở nông trường, em ra biên giới”, “Chiều trên quê hương tôi”, Phạm Trọng Cầu với “Biển sáng” (viết chung với Trịnh Công Sơn)… Các nhạc sĩ từ chiến khu về cũng có những bài hát nhắm tới lứa thanh niên mới như “Mùa xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng), “Đường tàu mùa xuân” (Phạm Minh Tuấn)…
Tính biểu tượng của những ca khúc sớm xác lập, chẳng hạn vai trò người phụ nữ trong cuộc xây dựng được tô đậm, thay thế những môtip người thiếu nữ “từng gót chân trần, đi về giáo đường” hay nạn nhân của chiến tranh “người con gái Việt Nam da vàng, mang trong tim giấc mơ quê hương lìa kiếp sống” (Tuổi đá buồn và Người con gái Việt Nam da vàng - Trịnh Công Sơn). Nay họ là những người dấn thân:
“Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi trần”
(Em ở nông trường, em ra biên giới - Trịnh Công Sơn)
Gửi lại em phố vui qua từng chiều
Chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc dồn dập xảy ra để lại trong không gian truyền thông những khắc ghi âm nhạc. Các ca khúc kế thừa không khí sử thi vốn đã xuất hiện nhiều trong phong trào du ca học sinh - sinh viên trước 1975 hay loạt ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, thế mạnh của các nhạc sĩ miền Nam lúc này vẫn là ở góc độ trữ tình và mềm mại. Viết về cuộc chiến tranh biên giới nhiều mất mát, nhưng Thế Hiển chọn những chi tiết “tiểu tự sự” dễ đồng cảm trong người nghe trẻ tuổi như: “Về thăm thành phố, náo nức mùa xuân, ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng” (Nhánh lan rừng) hay: “Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao” (Hát về anh). Người nghe chứng kiến một hệ thống các bài hát tìm cách gài gắm các thông điệp chiến đấu:
- “Đừng quên tôi nhé, ngày chia tay có hoa đẹp có nắng vàng. Đừng quên tôi nhé, người tôi yêu, trái tim này mãi là của anh. Cánh hoa lưu ly nhà ai, khẽ rung trong chiều nay, ôi tím ngát như lời ước hẹn…” (Cánh hoa lưu ly - Diệp Minh Tuyền)
- “Gửi lại em giấc mơ bên giảng đường, gửi lại em lúa ngô đang vào mùa….” (Gửi lại em - Vũ Hoàng)
- “Như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn. Người về nhụy hoa ngát hương, anh ơi em lại đón anh về…” (Ngày mai anh lên đường - Thanh Trúc, lời Lê Giang)
Cặp bài trùng người chiến sĩ ra đi - người ở nhà chờ đợi đã rất phổ biến trong tân nhạc và trong các cuộc kháng chiến trước đây, nhưng viết thế nào ở một đất nước trên danh nghĩa đã có hòa bình nhưng vẫn còn những cuộc chiến ở biên giới và ngay trong đời sống là một thách thức. Đây là lúc có những trăn trở, băn khoăn tự vấn xuất hiện trong những bản chính ca. Một mặt khẳng định lại các thành quả đã có, mặt khác có tác dụng động viên con người đi tiếp trong bối cảnh đất nước khó khăn, “Bài ca không quên” của Phạm Minh Tuấn bước ra khỏi bộ phim cùng tên năm 1981, trở thành một bản tuyên truyền bằng âm nhạc rất thành công:
“Bài ca tôi không quên, tôi không quên những người đã ngả
Bài ca tôi không quên, tôi không quên giữ trọn đời cho tất cả
Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương...”

Qua giọng ca Cẩm Vân, một giọng hát lớn lên sau ngày giải phóng, “Bài ca không quên” có hiệu ứng to lớn khi nhấn mạnh: “Nhưng giờ đây, có giây phút bình yên, sao tôi quên, bài ca tôi đã hát, với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình. Tôi không thể nào quên…”. Nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ Jason Gibbs đã nhận xét:
“Bài hát dùng âm nhạc như một cách diễn tả ẩn dụ nhằm tiếp tục cộng hưởng cảm xúc từ thời chiến, thông qua đóng góp của những người đã chiến đấu và đã trải qua những mất mát. Nhưng những ca khúc này không dùng nhịp quân hành để tái hiện những hi sinh của dân tộc, và thậm chí thể hiện sự khó khăn gian khổ bằng những giai điệu hết sức xúc động về cả sự trang trọng lẫn u buồn…”
Gần như lặp lại dòng chảy ca khúc cách mạng thời chiến, những ca khúc chính trị thập niên 1980 đã làm một cuộc thay đổi nhiều ý nghĩa khi tìm một hình thức khác với lối cổ động trực diện trước đây. Chúng gần với cảm xúc đời thường hơn, và cũng vì thế có cơ hội ở lại với thời gian hơn.
Dòng sông hát cung bậc trầm
Miền Nam - nơi có tỉ lệ đô thị hóa cao hơn so với miền Bắc vào thời điểm sau thống nhất, cũng là nơi còn dấu vết của một thị trường âm nhạc. Tình thế này khiến cho các sáng tác theo chủ đề chính trị dễ bị lạc tông và không có sự đón nhận thực sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã rất nhiều ca khúc về chủ đề xây dựng quê hương mới, lao động sản xuất hay công nghiệp có được sức lan tỏa và thật sự có giá trị nghệ thuật. Trong những bài ca mới này lấp lánh một phong thái pha trộn vẻ diễm lệ của thị thành với sự phóng khoáng của đồng nội, của biển khơi:
- “Em có nghe dòng sông hát cung bậc trầm, lòng anh say đắm. Con nước mang phù sa, vẫn xuôi thành dòng, bồi đắp bến bờ…” (Tình yêu con tàu và dòng sông – Nguyễn Đức Trung)
- “Em ơi, con sông dòng suối tuy chưa hề nói có chung cội nguồn. Em ơi, khi ta nhìn nhau, yêu thương tràn về thác đổ…” (Mùa xuân tình yêu - Từ Huy)
- “Này chú chim ơi cho nhắn gửi, lời hát tình yêu trong trái tim mọi người. Cuộc sống hôm nay tuy vất vả, nhưng cuộc đời ơi ta mến thương…” (Ơi cuộc sống mến thương - Nguyễn Ngọc Thiện)
- “Dòng điện âm vang từ ngàn khối óc, dòng điện mê say gọi ngày tương lai, dòng điện bao la gọi đời bay xa” (Trị An âm vang mùa xuân - Tôn Thất Lập)
Cả những nhạc sĩ lớp trước như Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Hiệp… cũng chia sẻ không gian âm nhạc kiểu mới này, như những bài hát Mùa xuân bên cửa sổ, Cây đàn ghi ta của đại đội ba, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Mùa xuân đến từ những giếng dầu, Đồng đội, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Những nhạc sĩ vốn quen thuộc không gian miền Bắc cũng tìm thấy thế mạnh ở miền đất mới như Trần Tiến với Mùa xuân gọi, Điệp khúc tình yêu, Tùy hứng lý qua cầu; Nguyễn Cường với những bài “rock rừng”; Vũ Thanh với Chiều bên hồ cao nguyên, Vũng Tàu biển hát; Hoàng Vân với Tình ca Vũng Tàu, Trời Tây Nguyên xanh; Vũ Thiết với Nghe câu quan họ trên cao nguyên…
Có những bài ca viết ra để đáp ứng mục đích thời sự, nhưng ở vào những thời điểm nhất định, có những sự vượt lên công thức của cổ động. Điều đó phải nói tới yếu tố cảm xúc được cộng hưởng từ cảm hứng sử thi vẫn còn mạnh sau thời gian dài chiến tranh, và vốn văn hóa đã có cơ sở lâu bền từ những nhạc sĩ được đào tạo hay tiếp cận vốn âm nhạc quốc tế từ trước. Tâm hồn con người mới, không gian mới và tư duy mới đã dựng cho chúng một tư thế mới… 
29/4/2017
Trúc Hà

Theo http://daibieunhandan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...