Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa" của Đỗ Hoa

Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa" 
của Đỗ Hoa
Đọc bản thảo gần 40 bài trong tập thơ: "Một thoáng với 'Ngậm ngùi nét xưa'" của Đỗ Hoa, tôi ngồi nhâm nhi từng câu, từng chữ. Thật lòng tôi rất trân trọng và cảm phục sức lao động nghệ thuật của Đỗ Hoa. Bài thơ nào cũng có hương vị ngọt ngào. Bài thơ nào cũng phảng phất nét mộc mạc chân quê. Điều đáng quý là "Một thoáng với 'Ngậm ngùi nét xưa' " viết rất đa dạng giàu cảm xúc và nhiều trăn trở. Một thương binh 2/4 ở cái tuổi 75 mà có tâm hồn thơ như thế thì quý biết nhường nào.
Ai cũng có một làng quê để thương, để nhớ. Ai cũng có đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của mình ở quê nhà. Nhất là những người con đi xa thì lại càng nhớ thương da diết. Đỗ Hoa, những ngày phải sống xa quê cũng mang đầy tâm trạng nhớ thương trăn trở day dứt:
Cánh buồm nhớ bến tìm về
Còn ta nặng nỗi nhớ quê nao lòng
Và, nỗi nhớ ấy cứ đau đáu ám ảnh, để rồi đành phải:
Chiều chiều đem nhớ ra hong
Mắt cay nhòe ngọn đèn chong đêm dài
(Niềm riêng)
Vâng! Giá như đem nỗi nhớ ra hong mà nguôi ngoai được thi thật kỳ diệu. Nhưng khổ nỗi càng hong thì nỗi nhớ ấy lại càng day dứt đến không nguôi. Thế mới biết hình ảnh trong thơ Đỗ Hoa rất chân thật mà cũng rất đằm thắm. Đi xa, ai cũng chỉ mong có một ngày được về thăm quê, về với những kỷ niệm của một thời xa ngái. Trong bài "Về lại lối xưa", anh viết:
Ta về nhặt nắng quê hương
Soi từng kỷ niệm yêu thương một thời
Để rồi muốn níu kéo những kỷ niệm yêu thương một thời ấy lại, nhưng nào có được:
Bây giờ về lại lối xưa
Tưởng đâu người ấy như vừa qua đây
Để mình không rượu mà say
Ngỡ đang sống giữa những ngày vời xa …
Cái nhớ, cái thương và cả cái mong cái đợi cứ da diết, bồi hồi như thế, nhưng ngày trở về thì lại buồn, bâng khuâng đến ngỡ ngàng:
Bao lần trở về quê cũ
Tìm đâu bay lả cánh cò
(Vô đề)
Tiếp đến là hình ảnh người mẹ hiện ra với bao nhiêu trăn trở của một thời khốn khó:
Thương mẹ bốn mùa lam lũ
Giấc mơ thao thức một đời ...
(Vô đề)
Đúng như tên tập thơ "Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa", Đỗ Hoa thật thà gửi vào thơ ông những vui buồn, duyên nợ với quê và cả duyên nơi với "người ấy" của một thời trai trẻ. Một kỷ niệm thật đẹp, nhưng cũng thật buồn. Đỗ Hoa trở về bến sông ăm ắp kỷ niệm một thời. Nhưng chiều ấy về thì đã muộn mất rồi:
Trời xanh bồng bềnh mây trắng
Con đò vắng khách buồn tênh
Bâng khuâng nhớ người năm ấy
Qua sông ngại chuyến đò đầy ...
(Chiều quê)
Đọc đến đây tôi chợt nhớ bài thơ "Cô lái đò" của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính buồn đến nao lòng:
"Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách qua sông"

Vẫn là bóng hình của nét xưa. Trở về quê cũ tác giả rất vui, nhưng vẫn có cái gì đó bâng khuâng buồn man mác:
Nắng Thượng Nông vẫn vàng như xuân cũ
Mà sao như thấm lạnh tận đáy lòng
Chia tay nhau giữa dáng chiều lặng lẽ
Hai đứa cùng nhìn phía cuối mùa đông.
(Gặp bạn cũ)
Vì yêu quê hương và cũng có quá nhiều kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng tất cả đã xa lắm rồi. Những kỷ niệm ấy đã trôi dạt về tận một góc trời nào đó.Chính vì thế Đỗ Hoa đã an ủi, tự nói với lòng mình:
Ngày ấy đã thành ngày xưa
Mà ký ức vẫn mong manh màu nắng cũ
Và: 
Mãi gợi lòng ta về một thời xa ngái
Biết thời ấy chẳng thể nào trở lại
Mà nay tóc bạc da mồi
Ngày mỗi ngày ta vẫn đợi chờ nhau…
(Ngậm ngùi)
"Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa" không phải tập thơ tình. Nhưng tìm trong đó, ta cũng bắt gặp những câu thơ, những bài thơ yêu đến cháy lòng.
Hãy để lại những chiều giông tố đó
Chỉ mình anh buốt giá thôi em
Rồi:
Em bước nhẹ, gót hài in ngõ nhỏ
Dấu chân buồn lối cũ vẫn còn đây
(Hãy để lại)
Thơ tình của Đỗ Hoa không sôi nổi mãnh liệt mà nó chỉ kín đáo dừng lại nỗi nhớ da diết:
Trái đào tiên vẫn tinh khôi
Nón nghiêng thấp thoáng bờ vai tóc thề
Để anh quên cả lối về
Giữa "mê hồn trận" tứ bề lạ, quen
Và:
Dập duềnh sóng vỗ đâu đây
Sóng lòng anh đó, những ngày không em
(Ngày không em)
Khép lại những trang thơ "Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa'" của Đỗ Hoa, tôi cứ bâng khuâng nhớ về một miền quê đầy ắp yêu thương. Miền quê mà ở đó những người đi xa mãi đau đáu nhớ về.
Tháng 3-2017 
Lê Thục
Ngẫu hứng với Đỗ Hoa
Trời chiều chả biết ai sui
Mà nay mới ngỏ "Một thoáng với "Ngậm ngùi nét xưa'"
"Chia tay" một chuyến đò đưa
Bạn ơi thôi nhé tôi "về Thượng Nông"
"Chiều quê" hương lúa bên đồng
"Niềm riêng" khác khoải nao lòng nhớ quê
"Ngày không êm" chẳng muốn về
Để "hoa quỳnh" nở bộn bề đêm đêm
Đã "Xanh" xanh cả nỗi niềm
"Gió kia từ phía trời em" thổi về
Trời chiều còn mấy đam mê
Mà nay đất Thượng mai về Nha Trang
"Hoa cau" thoang thoảng đường làng
"Gặp người bạn cũ" ngỡ ngàng chuyện xưa
Cuối chiều còn chuyến đò đưa
"Ngậm ngùi thức với "Nét xưa Ngậm ngùi" 
Lê Thục 
Tháng 3/2017
(*) Những chữ trong ngoặc kép là tên các bài thơ của Đỗ Hoa
Cụ Hoa thôn Thượng
Ai về thôn Thượng quê ta.
Ghé thăm chút đỉnh cụ Hoa xóm rừng.
Một thời cơm nắm muối vừng.
Hành quân mắc võng giữa rừng Trường Sơn
Gian lao vất vả không sờn
Chân cứng đá mòn, đầu chạm vào mây
Lòng trai yêu nước mê say
Trang thơ khẩu súng những ngày chiến chinh.
Hôm nay trên đất quê mình
Cụ sống ân tình có trước, có sau.
Vườn thuốc là những ước mong.
Nối dài cuộc sống làm giàu ước mơ.
Siêng năng đâu quản sớm trưa
Gia đình hạnh phúc, bạn xưa ân cần
Năm xưa mưa nắng phong trần
Trời thương vẫn để cho phần thanh cao
Cụ bà chu đáo ngọt ngào
Tường vi cùng với hoa đào nâng niu
Có ai định nghĩa tình yêu
Chúc cụ mạnh khỏe có nhiều mùa xuân. 
Văn Khoa
Chúc mừng Thi Hữu Đỗ Hoa 75 xuân
Họ Đỗ tên Hoa, hoa đẹp ơi
Thì thào giọng nói, vẫn vui tươi
Tóc xanh bộ đội, vì sông núi
Đầu bạc thương binh, bạn mọi người
Huy hiệu năm mươi, ngời tuổi đảng
Bảy lăm mừng thọ, sáng xuân đời
Kính mong bách tuế, dư niên nguyệt
Hạnh phúc đầy nhà, rộn tiếng cười.
Xuân Đinh Dậu 2017. 
Nguyễn Nhị 90 tuổi

Thơ Đỗ Hoa, đôi dòng cảm nhận
Vâng! Tôi và Đỗ Hoa đã có một thời cùng học, bạn thời ấu thơ. Anh vừa mừng thọ 75, Tôi mừng thọ 70 (2017). Tuổi thực là 72; (các cụ khai rút tuổi). Ở những tuổi này, chúng tôi sinh ra vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, vì vậy chúng tôi được tham gia và chứng kiến cả ba cuộc chiến: Đó là cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh chống quân xâm lược từ phương Bắc.
Được sống trong những năm tháng đầy biến động và hào hùng của đất nước. Là một vinh dự lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm của thế hệ chúng tôi; Dường như không có lựa chọn nào khác. Tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời; tất cả cho cuộc chiến tranh giữ nước; cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc trường chinh bảo vệ tổ quốc
Rời mái trường thân yêu, chúng tôi chia tay nhau, Đỗ Hoa vào lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) - Một nhiệm vụ vô cùng gian khổ: Bảo vệ biên cương Tổ Quốc, bình yên nơi biên giới. Anh luôn giữ vững phẩm chất của người lính, vượt qua mọi thử thách:
Đạp núi, băng rừng mòn dép lốp
Rẽ sóng mây chiều bước tuần tra
Ngày nắng cháy lưng cùng dân cuốc rẫy
Đêm rét thấu xương, rừng sâu cắm chốt.
Nhưng Đỗ Hoa vẫn lạc quan yêu đời, căng phồng sức trẻ:
Càng mến yêu tha thiết màu xanh
Anh lính biên thùy mắt sáng long lanh
(Xanh)

Vừa cầm bút, vừa chiến đấu. Anh là phóng viên báo Công an nhân dân vũ trang và còn viết bài cho nhiều tờ báo khác. Do bám sát trận địa, anh bị sức ép bom vùi chết ngất dưới hố cá nhân và là thương binh hạng 2/4. Rời quân ngũ anh về làm phóng viên Đài phát thanh tỉnh Vĩnh Phú. Do vết thương tái phát anh chuyển về ban nông nghiệp huyện Tam Nông.
Dù bất cứ ở đâu, làm gì, cây bút trong tay anh vẫn không hề ngơi nghỉ. Đỗ Hoa thật đa tài, trong anh có cả hai người thầy: Thầy giáo và thầy thuốc (giáo viên giạy bổ túc văn hóa trong quân đội; Hội viên hội đông Y Việt Nam bây giờ). Trong những năm tháng công tác, Đỗ Hoa viết nhiều ở thể loại báo chí. Thơ anh không nhiều nhưng chất lượng. Chạm vào bất cứ bài thơ nào của Đỗ Hoa , bạn đọc cũng cảm nhận được một tình cảm chân thực. Nỗi nhớ quê trong anh cồn cào, da diết đến nao lòng:
Cánh buồm nhớ bến tìm về
Còn ta nặng nỗi nhớ quê nao lòng
Như rơm rạ nhớ hương Đồng
Như cau nhớ lá trầu không vườn nhà
(Niềm riêng)
Nay:
Đi xa một đời mới hiểu
Nỗi quê tha thiết ngày về
Dẫu đến trăm miền vạn nẻo
Rưng rưng vẫn một tiếng quê!
(Vô đề)
Đúng là ở gần để thương; đi xa để nhớ. Người ta có nhiều nơi để đi. nhưng chỉ có một nơi để về, đó chính là quê hương. Quê hương trong thơ Đỗ Hoa luôn đan xen với hình ảnh người Mẹ. Nó gắn kết,hòa quyện vào nhau, làm nên một kết cấu quê hương đẹp, bền vững, đầy rung cảm:
Bao lần trở về quê cũ
Tìm đâu bay lả cánh cò
Thoáng mắt ai nhìn qua cửa
Để hồn lạc mất câu thơ
(Vô đề)
Như ai đã nói: "quê hương và mẹ mỗi người chỉ một". Chính vì vậy mà quê hương là nơi cha, mẹ ở đâu, nơi ấy chốn đi về; Mặc cho dòng đời cuộn xoáy, ba chìm, bảy nổi. Đỗ Hoa - người níu giữ hồn quê, vẫn đau đáu hướng về nơi ấy với tình yêu thương cháy bỏng:
Trải bao thăng trầm lận đận
Nhân tình thế thái buồn vui
Thương mẹ bốn mùa lam lũ
Giấc mơ thao thức một đời
(Vô đề)
Với Đỗ Hoa mẹ và thơ là không thể thiếu, anh không có nhiều thời gian, vì vậy. Thơ là phương tiện duy nhất và chỉ có thơ mới cho phép anh dãi bày được tất cả lòng mình với mẹ trong khoảng khắc ngắn nhất, đầy đủ nhất:
Đi trên thăm thẳm con đường
Vời xa, bóng mẹ như còn đâu đây
(Mẹ và Thơ)
Với nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu sắc, Đỗ Hoa gửi gắm vào thơ dâng mẹ với một cảm xúc dạt dào, thổn thức như muốn vỡ òa, tan ra cùng với âm thanh trầm ấm của quê hương:
Người như tia chớp, bóng mây
Người như ngọn gió rung cây Đỉnh Bằng*
Người về tựa ánh sao băng
Người đi tựa ánh nắng vàng ban mai
Cho con năm, tháng rộng dài
Chở che con suốt chặng đời dại, khôn
Tiếng lòng con, tiếng chuông ngân
Nhịp cùng thơ những nốt trầm nhớ thương.
(Mẹ và Thơ)
Cũng như bao nhà thơ khác thường bị hút vào bởi môi trường, ảnh hưởng của những nhà thơ lớn và Đỗ Hoa cũng không ngoại lệ. Cái "Nốt trầm" trong mùa xuân cuối cùng; "mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải, trên giường bệnh và "Nốt Trầm" của Đỗ Hoa hôm nay đã nói lên điều đó. Nhưng hiển nhiên và hoàn toàn hợp lệ.
Ở Đỗ Hoa: Mẹ, Tình yêu, Quê hương, luôn tạo thành một thể thống nhất trong thơ anh. Nên khi nhớ, khi yêu, khi thương đến tận cùng. Một trong ba thành tố ấy, thì cả ba đều yêu thương và nhớ đến tận cùng. Nghĩa là ở Đỗ Hoa cái gì cũng hết mình: Nhớ hết mình. Yêu hết mình và thương cũng hết mình. Tôi thích mẫu người như vậy! Có lẽ vì thế mà thơ anh cũng có một diện mạo khác biệt :Rất thơ và thơ cũng hết mình.
Trở lại cái nhớ của Đỗ Hoa "Cái nhớ hết mình". Mặc dù anh muốn dấu kín, nhưng tôi vẫn kịp nhận thấy những giọt lệ trong khóe mắt anh:
Dẫu đến trăm miền,vạn nẻo
Rưng, rưng vẫn một tiếng: Quê!
(Vô đề)
Hay ở "Niềm riêng"
Chiều chiều đem nhớ ra hong
Mắt cay nhòe ngọn đèn trong đêm dài
Đây không phải là giọt lệ yếu đuối; Mà là những giọt lệ hiếu nghĩa với tình yêu, quê hương, đất nước, sâu thẳm đến tận cùng nỗi nhớ. Thật đáng trân trọng! Trần đời người ta thường phơi, hong thứ này, vật nọ, đã có ai lại đem hong nỗi nhớ bao giờ?. Có lẽ chỉ Đỗ Hoa mới làm được điều đó. Thật là sáng tạo!
Nỗi nhớ mong và tình thương yêu gặp hầu hết trong tất cả các bài thơ Đỗ Hoa. Không chỉ với mẹ, Với quê hương, Đất nước, mà cả trong tình yêu đôi lứa:
Hơi ấm tuổi xuân thì tình em thủa ấy
Và cả bóng hình xưa, trong anh còn mãi
Nơi tận cùng nỗi nhớ lúc cô đơn
(Hãy để lại)
Chẳng ai có thể biết trước điều gì trong tình yêu. Số phận và cuộc đời của mỗi con người có giông tố, có khổ đau, buồn vui, ngọt bùi và hạnh phúc. Đỗ Hoa - người luôn cao thượng trong tình yêu. Anh sẵn sàng gồng gánh tất cả những gì bất hạnh để cho người mình yêu, mình thương được yên ả:
Hãy để lại em ơi! những chiều giông tố ấy
Chỉ mình anh buốt giá thôi em
Thôi đành vậy niềm riêng em giấu kín
Chút kỷ niệm buồn anh chiu chắt mang theo
(Hãy để lại)
Thơ đỗ Hoa phong phú về màu sắc, đa dạng về thể loại, và ở thể loại nào thì chất trữ tình cũng trong sáng, mượt mà, đằm thắm và cháy rực. Ngọn lửa tình yêu mạnh mẽ trong anh đã có lúc lên đến đỉnh điểm (hay tận cùng) mà chính anh cũng đã phải thừa nhận trong "ngày không em":
Lại thêm cả nét môi duyên
Để anh như lạc giữa miền chơi vơi
Còn nữa:
Trái đào tiên vẫn tinh khôi
Nón nghiêng thấp thoáng bờ vai tóc thề
Để anh quên cả lối về
Giữa "mê hồn trận "tứ bề lạ quen" …
Trời đất! Thật là điên đảo, thật là đam mê; nhưng là cái điên đảo, đam mê trong sáng thật đáng yêu, đáng quý biết bao nhiêu. Tưởng như trong thế gian này chẳng còn gì đáng yêu hơn thế! không biết anh đã lục lọi trong đống ngôn ngữ Việt Nam nào, để lấy ra được cái từ " Mê hồn trận" và đặt nó vào "Ngày không em") Đúng cái vị trí đắc địa của tứ thơ . "Ma trận" trong toán học thì tôi đã biết Còn "trận đồ bát quái" của các chiến binh cổ đại người Trung Hoa thì tôi cũng đã nghe; nhưng "Mê hồn trận" thì tôi chưa thấy trong từ điển. Có lẽ lại là một sự sáng tạo, tìm tòi mới của Đỗ Hoa. Cho dù anh muốn dấu kín tình yêu của mình, thì lòng say mê, mong nhớ và chờ đợi lại càng dâng trào như sóng biển, và chính anh phải thốt lên rằng:
Dập dềnh sóng vỗ đâu đây
Sóng lòng anh đó những ngày không em
(Ngày không em)
Đỗ Hoa đã yêu là yêu mãnh liệt, yêu đến đắm say, nghiêng ngả và anh đã dành cho tình yêu khá nhiều những chất liệu mới mẻ:
Em xinh như một đóa quỳnh
Để anh nghiêng ngả men tình yêu thương…
Hay:
Buông rèm không rượu mà say
Bởi quỳnh đâu phải cỏ may chợ đời
(Hoa quỳnh)
Với lối nói ẩn dụ nhân hóa trong "Hoa quỳnh" và hình ảnh đôi khi được loại trừ đến tối giản, ở thế giới xung quanh, để chỉ còn lại đôi mắt ướt với nắng thu xanh thẳm:
Anh đã đi cùng trời, cuối đất
Mà ánh mắt, người thương ơi!
Nắng Thu và ánh mắt
Cứ vời vợi một khoảng trời mùa thu ấy biếc xanh
(Nắng Thu)
Thật tuyệt! Lần theo thơ Đỗ Hoa, ta mới thấy anh là người sống chân thành, thẳng thắn và trung thực. Đứng trước hoàn cảnh trớ trêu của cuộc sống Đỗ Hoa còn là người giàu lòng thương cảm, xót sa và dung động tận đáy lòng:
Về đâu em bé ơi!…
Mẹ, cha em mất hay còn
Mà em gồng gánh nỗi buồn trĩu vai
Đường em đi lắm chông gai
Một mình em, giữa cuộc đời… mình em
(Lời cầu mong mùa xuân)

Anh đã dùng thủ pháp hình tượng hóa bằng hình ảnh nỗi buồn và sự khổ đau, là những phạm trù không hình khối, làm cho độc giả tưởng chừng như có thể sờ thấy được, và câu thơ trở nên sống động, dung cảm hơn bởi các điệp từ "mình em" và động từ "gồng gánh". Thương cảm là vậy! Nhưng đỗ Hoa - Người cầm bút, cũng không thể làm được gì nhiều hơn là động viên, an ủi:
Ngày mai trời đã vào xuân
Nỗi buồn sẽ cũ, mùa đông sẽ tàn
Sự đối lập về thời gian giữa thời tương lai "ngày mai" và thời quá khứ đã trong cùng một câu thơ, tưởng chừng như mâu thuẫn, Nhưng không! Mà nó lại nói lên một sự chờ đợi, sự hy vọng, rất gần. Chỉ ngày mai thôi! mọi cái sẽ thay đổi và Đỗ Hoa cũng chỉ biết cầu mong cho em bé lang thang, kiếm sống, gặp được những điều tốt đẹp:
Cầu mong em được bình an
Không còn vô định lang thang trên đường
Được vui cắp sách đến trường
Giữa mùa xuân, giữa vô vàn tình thương.
Đớn đau, cầu mong vậy. Mà ruột gan anh tưởng chừng như đang thắt lại từng khúc một; Đỗ Hoa là vậy!
Anh chịu khó tìm tòi, khai phá, vỡ vạc miền đất hứa. Lục lọi, sáng tạo, tìm ra những từ đạt: "nhặt nắng, gom nắng" v.v... làm cho câu thơ đẹp và lung linh hơn:
"Ta về nhặt nắng quê hương"
(Nỗi nhớ)
Hay:
"Những vạt nắng đầu mùa em cùng ta gom"
(Nắng thu )
Tất cả những cái đó đã làm nên cốt cách và diện mạo riêng trong thơ Đỗ Hoa; không thể lẫn với bất kỳ ai, thơ anh khỏe khoắn, trẻ trung, Đậm chất chữ tình .
Tập thơ "NỖI NIỀM NÉT XƯA" là lác phẩm Đỗ Hoa viết khá chắc tay, trong làng câu lạc bộ thơ Việt Nam xã Thượng Nông.
Đúng là gừng càng già càng cay. Nếu ai chưa một lần gặp Đỗ Hoa trong đời; thì qua thơ anh hẳn là người ta sẽ nghĩ về một Đỗ Hoa, trai tráng, trẻ trung và đầy sung sức, mặc dù anh vừa mừng thọ ở cái tuổi 75, vậy mà vẫn có những vần thơ lai láng, đầy khao khát:
Biết thời ấy chẳng thể nào trở lại
Mà nay tóc bạc da mồi
Ngày mỗi ngày ta vẫn đợi chờ nhau
(Ngậm ngùi)
Bảy mươi lăm mùa xuân đã trôi qua. Với bao thăng trầm,vui có, buồn có; Tuổi đời đã cho Đỗ Hoa sự từng trải, vốn sống được tích lũy và dạn dày kinh nghiệm. Tất cả những cái đó đã làm nên thành công của tập thơ "Một thoáng với 'Ngậm ngùi nét xưa' ".
Tôi rất ngưỡng mộ khi viết những dòng này, và coi đó như một món quà tặng anh ngày mừng thọ.
Chúc anh có nhiều sức khỏe và hạnh phúc; Chúng tôi vẫn đang dõi theo và chờ đợi tác phẩm với những vần thơ tươi mới của anh.
Thượng Nông ngày 12-4-2017 
Phan Thặng

Theo http://chimvie3.free.fr/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...