Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Sầu thu: Ý cúc tình thơ


Sầu thu: Ý cúc tình thơ
Phần 1: Hoa cúc trong đường thi

Hoa muôn màu muôn sắc là món quà Thượng Đế ban cho con người để tô điểm cuộc sống, làm đẹp cho bức tranh thiên nhiên bốn mùa, qua những đường nét gợi cảm, những màu sắc tinh tế, vóc dáng đa tình, hương thơm ngào ngạt, thêm những biểu tượng độc đáo của từng loài hoa, như muốn thổ lộ tâm tình, nỗi niềm riêng tư nào đó… "Ước gì nổi gió hây hây, để cho hoa đấy lòng đây thơm cùng"... (bài ca dân gian Trăm Hoa). Nói đến những loài hoa quý, được nhân gian ưa chuộng nhiều, người ta thường nói đến bộ "tứ bình" (bức tranh treo ở bốn phía quanh nhà), gồm có bốn loại hoa: Mai, Lan, Trúc, Cúc. Hoặc nói về "tứ quý" người ta muốn ám chỉ đến bốn loại cây cảnh: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Người xưa yêu hoa Cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính: "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa", lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính của mình.
Hoa Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của những kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy. "Cúc ngạo hàn sương", cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình:
Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm 

Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)
(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng/ Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)

Sầu thu ý cúc man man
Hoàng hoa pha sắc cho vàng lá bay
Thơ không túy nguyệt mà say
Giữa đêm Nguyên Lượng cúc ngầy ngật hương *
Hồn xưa tỉnh giấc hoàng lương
Lặng nhìn sương khói phủ vườn tâm giao
Gió đong đưa lá xạc xào
Tiếng thu đồng vọng cúc xao xuyến tình...

Hải Đà
(* Nguyên Lượng: tên tự của thi sĩ Đào Tiềm)

Cúc trong Đường Thi Trung Quốc
Bàn về hoa cúc trong đường thi, các tao nhân mặc khách thường nhắc nhở đến thi sĩ Đào Tiềm. Đào Tiềm là nhà thơ đời Tấn, tự Uyên Minh, tính tình cao thượng, phóng khoáng, không cầu cạnh lợi danh, ông được đề cử nhậm chức quan ở Bành Trạch (người đương thời thường gọi ông là Đào Bành Trạch), nhân cuối năm có một viên đốc bưu về kiểm tra công việc, và nha lại khuyên ông ăn mặc chỉnh tề ra đón. Ông than "ta há vì năm đấu gạo mà cong lưng vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi xóm sao?", bèn treo ấn từ quan, và ông đã làm bài "Quy khứ lai từ" để bày tỏ ý chí của mình, trong đó có hai câu:
Tam kính tựu hoang,
Tùng cúc do tồn

(Đường ra lối nhỏ vườn hoang
Chen nhau tùng cúc xếp hàng đợi đây)

Đào Tiềm thành ẩn sĩ, cuộc đời đối với ông chỉ là "vân vô tâm nhi xuất tụ" (mây hờ hững bay ra khỏi hốc núi), tâm hồn ông không còn bị xáo trộn, chi phối bởi ngoại cảnh, nhân tình thế sự, ông chỉ thích làm bạn với thiên nhiên, vui thú điền viên, trong cảnh nghèo, và đặc biệt là ông rất thích trồng cúc, làm bạn với hoa cúc, và thường bắc ghế trúc ngồi bên dậu đàm đạo với hoa hàng giờ, như muốn trang trải gửi gắm tâm hồn cùng tri âm. Trước sân nhà ông trồng năm cây liễu, nên người ta cũng thường gọi Đào Tiềm là "Ngũ Liễu Tiên Sinh". Cứ đến ngày Trùng Dương (ngày lễ hoa cúc 9-9), ông cùng bạn bè bầy rượu bên mấy dậu cúc để thưởng hoa, ngâm vịnh, ca hát … “hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi nam” (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn)
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.

(Ẩm Tửu Thi - Đào Uyên Minh)

Cảnh phồn hoa dựng túp lều
Màng chi thế sự dập dìu ngựa xe
Cớ sao ta được vậy hề
Bởi lòng thanh thản nghĩ về trời xa
Dậu đông hái cúc vàng hoa
Núi nam thơ thới lòng ta cảm hoài
Sườn non khí lạnh chiều rơi
Chập chờn thấy bóng chim trời bay cao
Ý thành từ cảnh thanh tao
Sao không nói được lời nào riêng mang 

(Hải Đà cảm dịch)
"Hoa cúc trác việt siêu phàm. Đào Tiềm, thi nhân đời Tấn, từng thốt rằng: "Thu cúc hữu giai sắc, ấp lộ chuyết kỳ anh, phiếm thử vong ưu vật, viễn ngã di thế tình" - Hoa cúc mùa thu có sắc đẹp, phơi lộ nét anh tú, khiến ta quên tình buồn, lánh xa tình đời" (Tứ Quân Tử Trong Hội Họa Trung Quốc - Lê Anh Minh)
Nhớ tích xưa Đào Tiềm trồng hoa cúc và yêu hoa nhất mực, thậm chí luyến thương lá cúc khô mà vẫn bám cành "diệp bất ly thân" không chịu rụng! Tất cả nói lên sự thủy chung, tình nghĩa gắn bó suốt đời của mỗi cá nhân với nguồn cội sinh thành, đất mẹ vườn cha của tình máu mủ ruột thịt.
Hoa cúc đã được các thi sĩ thời Đường, Tống Trung Hoa đưa vào thơ văn như Vi Ứng Vật với những bài thơ điềm đạm trầm mặc, thuần thục giản dị, ít lời nhiều ý, thường diễn tả tâm tình nhàn hạ, như bài thơ "Hiệu Đào Bành Trạch" (bắt chước Ông Đào Bành Trạch):
Sương lạc tụy bách thảo
Thì cúc độc nghiên hoa
Vật tính hiểu như thử
Hàn thử kỷ nại hà!
Xuyết anh phiếm trọc giao
Nhật nhập hội điền gia
Tận túy mao thiềm hạ
Nhất sinh khởi tại đa?

Hiệu Đào Bành Trạch (Vi Ứng Vật)

Sương rơi cỏ xác xơ tàn
Chỉ mình cúc nở hoa vàng thắm tươi
Trên đời muôn vật thế thôi
Mặc cho nóng lạnh tiết thời đổi thay
Ngắt hoa ngâm với rượu này
Cùng chung bạn hữu đêm nay xum vầy
Thềm tranh cụng chén mà say
Sá chi thế sự đời nay chẳng màng!

(Hải Đà phỏng dịch)
Hoàng Sào (?-884), người Sơn Đông, năm Càn Phủ Đường, Hy Tông thứ 2 (875) cùng Vương Tiên Chi lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, trước sau trên mười năm, có lần đánh phá kinh đô Trường An. Là một lãnh tụ nông dân nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc, thi hỏng mà có chí lớn, ông thường dùng hoa cúc để tự ví mình, ý nói tính can trường bất khuất, giống như hoa cúc ngạo nghễ dưới trời sương tuyết phủ, trong khi bao loài hoa khác đều tàn úa, ngầm nói lên ý chí quyết tâm của ông muốn lật đổ triều Đường:  
Táp táp tây phong mãn viện tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai

Đề cúc hoa (Hoàng Sào)
Vườn hoa gió thổi bời bời
Hương tàn nhụy rũ bướm thời khó qua
Chúa Xuân nếu được là ta
Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng 

(Hải Đà phỏng dịch)
Hoàng Sào có lần đã dẫn 60 vạn đại quân, đánh hạ ải Đồng Quan. Vương triều Đường sợ hãi lúng túng, Đường Hy Tông mang phi tần chạy trốn đến Thành Đô, Các quan lại triều Đường không kịp chạy trốn toàn bộ phải ra thành đầu hàng. Chiều hôm ấy, Hoàng Sào ngồi kiệu vàng, được các tướng sĩ vây chung quanh tiến vào thành Trường An. Trăm họ dân chúng trong thành giắt già bồng trẻ, đứng chật hai bên đường chào đón. Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế, quốc hiệu gọi là Đại Tề. Quân khởi nghĩa trải qua bảy năm đấu tranh cũng dành được thắng lợi, nhưng cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị thất bại, do nội bộ chia rẽ, và Hoàng Sào bị bộ hạ giết. Ít nhất Hoàng Sào đã thực hiện được giấc mộng trong thơ: "từng đợt hương ngút trời thấu suốt Trường An, khắp thành đều mặc áo giáp vàng (trích giai thoại  Giấc mơ Hoa Cúc - tác giả Hoài Anh)
Đãi đắc thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai thời bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành đái tận hoàng kim giáp

Cúc Hoa (Hoàng Sào)
Chờ thu tháng chín về nơi
Hoa ta nở rộ hoa người tàn phai
Trường An hương ngút ngập trời
Người mang áo giáp vàng chơi khắp thành

(Hải Đà phỏng dịch)
Đỗ Phủ là một nhà thơ lớn, một đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc. Ông đã trải nghiệm qua bao thăng trầm trôi nổi trong cuộc sống, nên thơ của ông phong phú đa dạng, thanh điệu nhẹ nhàng, hiện thực trữ tình, phát xuất từ đời sống khốn khổ cơ hàn của chính bản thân ông và của tha nhân bằng chính mắt thấy tai nghe hàng ngày. Ngôn ngữ thơ ông bộc phát sự chân thành tha thiết, lòng nhân đạo trắc ẩn, nên dễ gây sự xúc động nơi người đọc.
Nói đến hoa cúc là nói về mùa thu, cúc và thu như hình với bóng, nhà thơ Đỗ Phủ nhìn thấy chòm cúc nở dưới trời thu lạnh mà lệ thầm tức tưởi buông rơi nhớ quê nhà "tùng cúc lưỡng khai: tha nhật lệ"... Ông đã sáng tác 8 bài Thu Hứng nổi tiếng, trong những năm cùng cực gần cuối đời, mà còn phải gối đất nằm sương, một mình ngâm nga "mao ốc vi thu phong sở phá ca" (bài hát gió thu thổi
tốc mái nhà tranh" trong nghẹn ngào tức tưởi...
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai: tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ: cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đai xích,
Bạch đế thành cao cấp mộ châm.
Thu Hứng (Đỗ Phủ)
Sương ngọc điêu tàn cây lá phong
Âm u Vu Giáp lạnh như đồng
Đất trời tiếp tiếp non cùng nước
Mây gió ùn ùn núi với sông
Tùng cúc hai lần rơi lệ uất
Đò đơn một độ khóc quê ròng
Thấu xương cơn rét cần may áo
Bạch Đế chày buông tiếng chập chùng

Hải Đà phỏng dịch

Trong một bài thơ thu khác nói về ngày hội "trùng dương", ngày lễ của hoa cúc thay vì cùng bạn bè uống rượu, thưởng hoa, đàm đạo thi ca, nhà thơ Đỗ Phủ lại "độc chước bôi trung tửu", lời lẽ chân thành tha thiết bộc lộ tâm sự xót xa, vất vả đắng cay của bản thân, cảnh buồn theo lòng người quay quắt: "lá trúc cùng người than phận lỡ, cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa..."
Trùng dương độc chước bôi trung tửu
Bảo bệnh khởi đăng giang thượng đài
Trúc diệp vu nhân ký vô phận
Cúc hoa tòng thử bất tu khai
Thù phương nhật lạc huyền viên khốc
Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai
Đệ muội tiêu điều các hà tại
Can qua suy tạ lưỡng tương thôi

Cửu Nhật Ngũ Thủ, Tuyển Nhứt (Đỗ Phủ)
Trùng dương, rượu trút, một mình ta
Khổ bệnh, sông dài, dấn bước qua
Lá trúc cùng người than phận lỡ
Cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa
Tha phương vượn khóc tà dương xế
Quê cũ nhạn về sương sớm sa
Em gái phương nào thân tá túc?
Bệnh căn, loạn lạc, nhiễu phiền ta

Ngày Chín, Năm Bài Lựa Một (Hải Đà)
Những bài thơ tả cảnh của Đỗ Phủ rất sinh động tự nhiên,  không đẽo gọt tỉ mĩ, mà lại thanh thoát, nhẹ nhàng lưu loát, ý tứ dạt dào xen lẫn hình ảnh đẹp thi vị, ngân vang âm điệu tràn đầy... "thềm sân móc trắng sương rơi, phủ đầy hoa cúc giữa trời mênh mang..."
Quang tế huyền sơ thướng
Ảnh tà luân vị an
Vi thăng cổ tái ngoại
Dĩ ẩn mộ vân đoan
Hà Hán bất cải sắc
Quan sơn không tự hàn
Đình tiền hữu bạch lộ
Ám mãn cúc hoa đoàn

Sơ nguyệt (Đỗ Phủ)
Ánh mờ trăng mới nhú lên
Nghiêng nghiêng bóng đổ chênh vênh ráng trời
Dần lên cửa ải chơi vơi
Mây chiều núp bóng nửa vời xa xa
Nguyên màu một dãi ngân hà
Quan san giá lạnh buốt da khí thời
Thềm sân móc trắng sương rơi
Phủ đầy hoa cúc giữa trời mênh mang

Trăng Non (Hải Đà phỏng dịch)
Vương Duy là một bậc tài hoa của Trung Hoạ, ông vẽ rất đẹp, trong tranh của ông là một bài thơ, và trong thơ là một bức tranh. Ông còn tinh thông âm nhạc, giỏi đàn tỳ bà. Vương Duy rất sùng mộ đạo Phật, điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ, tư tưởng, và phong cách thơ của ông. Bài thơ "Tảo Thu Sơn Phong Các" ông viết để an ủi người bạn thân thiết là Bùi Dịch, làm quan bị dèm pha nên vua cách chức, nên phải bỏ vào rừng sâu ẩn dật. Ông đã dùng hình ảnh của Đào Lịch (tức là Đào Tiềm), người bạn tri kỷ của hoa cúc, đã một thời không chịu nhục treo ấn từ quan, và hình ảnh ẩn dụ của Thượng Tử Bình ngày xưa khi đọc kinh Dịch đến quẻ Tốn than rằng: "giàu không bằng nghèo mà không lo lắng" và sau đó ông từ quan đi ngao du sơn thủy.
Vô tài bất cảm luỵ minh thì
Tứ hướng đông khê thủ cố ly
Khởi yếm Thượng Bình hôn giá tảo (1)
Khước hiềm Đào Lệnh khứ quan trì (2)
Thảo gian cung ưởng lâm thu cấp
Sơn lý thiền thanh bạc mộ bi
Tịch mịch sài môn nhân bất đáo
Không lâm độc dữ bạch vân kỳ

Tảo Thu Sơn Trung Các (Vương Duy)
Thời thịnh phiền chi kẻ bất tài
Đông Khê hướng cũ nhắm đi hoài
Thượng Bình đâu kém tình gia thất
Đào Lệnh hiềm thua bỏ chức tài
Cỏ rậm dế rền thu vội đến
Non cao ve trỗi điệu bi ai
Thềm tranh quạnh quẽ người không viếng
Hò hẹn mình ta mây trắng bay

Thơ Làm Trong Núi Buổi Đầu Thu (Hải Đà)
Bàn về hoa cúc là phải nói đến ngày hội Trùng Dương đã được nhắc nhở nhiều trong Đường thi. Trùng dương còn gọi là "trùng cửu" tức là tiết ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, ngắm hoa uống rượu "cúc hoa tửu". Đó là thứ rượu ủ với cánh hoa cúc, khi hoa sắp tàn người ta mang nhặt bỏ những cành lá mà chỉ lấy toàn cánh hoa ủ với men rượu và một chút nước, đến năm sau vào đúng ngày Trùng Dương tức là mồng chín tháng chín mới mang ra uống. "Rượu đây vui với bạn đường, nâng ly thưởng hội trùng dương quên đời", "Trùng dương hẹn lại chốn này, ngắm hoa cúc nở vui thay cảnh đời"
. Hoa cúc và ngày lễ Trùng Dương đã là đề tài được nhiều nhà thơ Đường ngâm vịnh:
1-
Trùng Dương tịch thượng phú bạch cúc
Mãn viên hoa cúc uất kim hoàng,
Trung hữu cô tùng sắc tự sương.
Hoàn tự kim triêu ca tửu tịch,
Bạch đầu ông nhập thiếu niên trường.

Bạch Cư Dị
Tiệc Trùng Dương,vịnh hoa cúc trắng
Vàng hoe cúc nở đầy vườn
Một chòm trắng tựa như sương lạc loài
Khác chi bàn tiệc sớm mai
Giữa thanh niên trẻ chen vai cụ già

Hải Đà phỏng dịch
2-
Cửu Nhật Tề Sơn Đăng Cao
Giang hàm thu ảnh nhạn sơ phi
Dữ khách huề hồ thướng thúy vy
Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu
Cúc hoa tu sáp mãn đầu qui
Đãn tương minh đính thù giai tiết
Bất dụng đăng lâm hận lạc huy
Cố vãng kim lai chỉ như thủ
Ngưu-sơn hà tất độc triêm y *

Đỗ Mục
(* Ngưu sơn: núi ỏ nước Tề, đời Xuân thu, Tề Cảnh Công lên núi trông về cố quốc mà khóc)
Lên Núi Tề Sơn Ngày Trùng Dương
Sông Thu lồng bóng nhạn mong manh
Bầu bạn thong dong cảnh sắc xanh
Thế tục buồn vương, môi héo nụ
Đường về cúc giắt, bước dồn nhanh
Mong sao cảnh đẹp, vui cùng rượu
Chẳng phí trèo non, cảm nắng hanh
Sự thế xưa nay trời đất chuyển
Cớ gì lên núi đứng buồn tênh

Hải Đà
3-
Thu Đăng Lan Sơn Ký Trương Ngữ
Bắc Sơn bạch vân lý
Ẩn giả tự di duyệt
Tương vọng thí đăng cao
Tâm tùy nhạn phi diệt
Sầu nhân bạc mộ khởi
Hứng thị thanh thu phiết
Thời kiến qui thôn nhân
Sa hành độ đầu yết
Thiên biên thụ nhược tỳ
Giang bạn châu như nguyệt
Hà đương tái tửu lai
Cọng tùy trùng dương tiết *

Mạnh Hạo Nhiên
Mùa Thu Lên Núi Lan Sơn làm thơ tặng Trương Ngữ
Núi cao mây trắng giăng đầy
Người u cư sống tháng ngày ung dung
Lên non nhìn xuống mịt mùng
Gửi lòng theo cánh nhạn trùng bay xa
Sầu nghiêng nghiêng bóng chiều tà
Trời thu biếc ngọc chan hòa ý thơ
Ai về thôn xóm thẫn thờ
Dừng chân biển cát, ngồi chờ bến sông
Hàng cây xanh đứng đợi mong
Sông quê in bóng nguyệt lồng soi gương
Rượu đây vui với bạn đường
Nâng ly thưởng hội trùng dương quên đời

Hải Đà phỏng dịch
4-
Tràng An Thu Tịch
Vân vật thê lương phất thự lưu
Hán gia cung khuyết động cao thu
Tàn tinh kỷ điểm nhạn hoành tái
Tràng địch nhất thanh nhân ỷ lâu
Tử diễm bán khai ly cúc tĩnh
Hồng y lạc tận chử liên sầu
Lô ngư chính mỹ bất qui khứ
Không đái nam quan học Sở tù

Triệu Cổ
Đêm Thu Tràng An
Ảm đạm trời thu điểm ánh thiều
Hán Cung lồng lộng gió phiêu phiêu
Lưa thưa sao sớm vờn chân nhạn
Réo rắt lầu khuya lộng sáo diều
Cúc nở hoa phô vườn thắm sắc
Sen tàn nhụy úa bến đìu hiu
Sông quê mùa cá, chưa về xứ
Đày đọa phương người, phận hẩm hiu

Hải Đà phỏng dịch
5-
Quá cố nhân trang
Cố nhân cụ kê thử
Yêu ngã chí điền gia
Lục thụ thôn biên hợp
Thanh sơn quách ngoại tà
Khai hiên diện trường phố
Bả tửu thoại tang ma
Đãi đáo trùng dương nhật
Hoàn lai tựu cúc hoa.

Mạnh Hạo Nhiên
Qua Trại Của Bạn Cũ
Cơm gà bạn cũ mời ta
Thong dong vườn ruộng quê nhà ghé chơi
Quanh làng cây cỏ xanh tươi
Thành xưa bóng núi biếc ngời soi nghiêng
Vườn rau xanh mát ngoài hiên
Dâu tằm chuyện gẫu, bạn hiền cùng say
Trùng dương hẹn lại chốn này
Ngắm hoa cúc nở vui thay cảnh đời

Hải Đà phỏng dịch
6-
Trùng Dương
Tiết vật kinh tâm lưỡng mấn hoa
Đông ly không nhiễu vị khai hoa
Bách niên tương bán sĩ tam dĩ
Ngũ mẫu tựu hoang thiên nhất nha
Khởi hữu bạch y lai bác trác
Nhất tòng ô mao tư y tà
Chân thành độc toạ không bao thủ
Môn liễu tiêu tiêu táo mộ nha

Cao Thích
Cảnh ngắm lòng kinh tóc bạc phơ
Dậu đông chưa nở cúc ven bờ
Ba phen nhậm chức đời gần cạn
Năm mẫu vườn hoang đất xa mờ
Áo trắng ai đây phường quấy nhiễu
Mũ đen ta đó ngả thân chờ
Một mình vò tóc ngồi ngơ ngác
Khóm liễu chiều kêu tiếng quạ ô

Hải Đà phỏng dịch
7-

Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ
Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân
Vương Duy
Ngày 9 Tháng 9 Nhớ Anh Em Sơn Đông
Quê người lạ lẫm một mình ta
Tết nhớ người thân mãi thiết tha
Vẫn biết anh em lên núi thẳm
Thù du thiếu giắt một người xa *

Hải Đà phỏng dịch
*
Thù du thiếu giắt một người xa: ý nói tác giả vì phải làm thân ly khách, nơi đất lạ quê người, nên Tết Trùng Dương này không cùng với bạn bè ở phía đông núi Hoa Sơn (Sơn Đông) lên núi bẻ nhánh thù du. Ngày xưa tiết Trùng Dương 9/9, người ta hay tổ chức hội hè yến ẩm, ở nhà uống rượu cúc, khi đi chơi núi thường giắt lá thù du vào người với niềm tin là để tránh tai nạn, gọi là "kỵ tà". Thù du là loại cây thuốc có mùi thơm, giống cây tiêu dùng làm vị cay.

Cúc Trong Cổ Thi Việt Nam:
Trong bài thơ Thu Vịnh của Nguyễn Khuyến có câu:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào …

Ông Đào ở đây, thi sĩ Nguyễn Khuyến muốn nhắc đến thi sĩ Đào Tiềm trong đường thi Trung Quốc...
Bàn về cổ thi Việt Nam, Thái Thuận trong Lữ Đường Thi Tập đã được thi sĩ Quách Tấn ngợi khen là một nhà thơ có biệt tài, và ông Quách Tấn đã trích dịch một số thơ và giới thiệu Lữ Đường Di Cảo Thi Tập như một di sản tinh thần quí báu của tiền nhân. "Vì thật sự sống cùng với thơ, cho nên loại thơ nào của Lữ Đường cũng đều sống động, thơ cảnh cũng như thơ tình, thơ vịnh vật cũng như thơ vịnh sử... Rõ là cúc. Nhưng không phải cúc nở mùa xuân, cúc chưng bày nơi phố phường để bán, cúc trang điểm cho đài các thêm lộng lẫy huy hoàng. Cúc đây nở trong sương thu lạnh lẽo, cạnh rào dậu giữa thiên thiên. Cúc đây là bạn của Đào Tiềm, là "hóa thân" của tác giả Thái Thuận. Buồn mà tươi đẹp, tươi đẹp nhưng thật buồn, thật buồn song không chán nản..." (trích Lữ Đường Thi-Quách Tấn)
Lãnh liệt thu thâm độc nại sương
Nhiễu tùng khai biến bạn ly quang
Thảo biên nhật mộ huỳnh phân ảnh
Trúc lý phong hàn xạ tiến hương
Chúng diễm ưng tàm khuy vãn tiết
Nhất sanh ná khẳn phụ trùng dương
Nhàn trung nga khởi Đào Bành Trạch
Tọa đới du nhiên thú vị trường

Cúc Hoa (Thái Thuận)
Lạnh ngắt sương thu đứng một mình
Bên rào nở thắm ánh thiều minh
Cỏ đêm lấp lánh màu đom đóm
Gió lạnh ngạt ngào hương trúc xinh
Tiết muộn hoa tươi cười nhạo báng
Trùng dương cảnh đợi sống chung tình
Thảnh thơi chợt nhớ ông Bành Trạch
Nhàn nhã ung dung đối bóng mình

Hải Đà phỏng dịch
Cũng trong một bài thơ vịnh cảnh khác, thi sĩ Thái Thuận đã cảm hứng trước cảnh thu buồn man mác, mà sáng tác bài Thu Dạ Tức Sự "lạc lạc hoàng hoa phiếm tửu bôi" (thấy hoa cúc vàng nở vui, hãy cùng nâng chén cạn ly), và thêm một lần nhắc nhở đến thi sĩ Đào Tiềm của hoa cúc đường thi:
Vũ quá nhàn đình tuyệt điểm ai
Vô đoan thu hứng dạ trung thôi
Ngô đồng diệp lão phong phiêu tán
Dương liễu âm sơ nguyệt đáo lai
Lộ khấp cùng thanh ưng hữu lệ
Thảo thiêu huynh hỏa bất thành khôi
Cọng thùy hoán báo Đào Bành Trạch

Lạc lạc hoàng hoa phiếm tửu bôi
Thu Dạ Túc Sự (Thái Thuận)
Sân sạch không còn mưa bụi bay
Từ đâu thu hứng đến đêm nay
Vàng ngô gió thổi tung nhiều hướng
Dương liễu trăng soi bóng tỏa đầy
Sương khóc trùng kêu tuôn lệ chảy
Cỏ thiêu tro đóm khó thành thay
Đào Tiềm nhắn hỏi cùng ai đó
Rực rỡ hoàng hoa cụng chén say

Việc Thấy Đêm Thu (Hải Đà)
Thi hào Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều, còn để lại cho chúng ta ba tập thơ viết chữ Hán là Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục. Những tập thơ chữ Hán này đã nói lên sự uyên bác tài ba của Nguyễn Du, sự mẫn cảm chân tình, những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ trước những thăng trầm của thế sự nhân tình. Nguyễn Du qua bài "Ngẫu Hứng" trong tập Nam Trung Tạp Ngâm đã nói lên nỗi nhớ quê dào dạt khi nhìn thấy cúc vàng chớm nở hoa, mà trằn trọc thâu đêm:
Lô hoa sơ bạch cúc sơ hoàng
Thiên lý hương tâm dạ cộng trường
Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt
Lục âm trùng điệp bất di quang

Ngẫu Hứng (Nguyễn Du)
Lau trắng cúc vàng chớm nở hoa
Canh trường thao thức nhớ quê xa
Vén rèm trằn trọc tìm trăng sáng
Bóng tối vây đầy, trăng chẳng qua

(Hải Đà phỏng dịch)
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là một anh hùng dân tộc, cũng là một nhà văn và nhà thơ lớn. Ông để để lại các tác phẩm văn bằng chữ Hán có giá trị văn hóa và lịch sử như Quân Trung Từ Mệnh Tập, Bình Ngô Đại Cáo, Lam Sơn Thực Lục. Về thơ ông có hai tập: "Quốc âm thi tập" bằng chữ nôm, và "Ức Trai thi tập" bằng chữ Hán. Thơ của ông man mác tình quê hương dân tộc, gia đình, thế thái nhân tình, cảnh oan nghiệt của cõi đời phù du... Nhà văn Nhật Chiêu (trong tạp chí Văn hóa Phật giáo) đã có nhận xét: "Thơ Nguyễn Trãi (cả Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập) là thơ thiền. Tâm ấy với mây trắng là một, là nhất sắc - hay nói theo tiếng Việt của Nguyễn Trãi: "hai ấy cùng xem một thức cùng"... ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không..." Người thiền như Nguyễn Trãi, ắt hẳn chỉ muốn
từ bỏ chốn xa hoa đầy bụi bặm, tự giấu mình bên núi đá, sống thanh bần, bầu bạn với thiên nhiên cỏ hoa. Trong bài thơ chữ Hán "Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn Đường" Nguyễn Trãi nhắc lại câu: "tùng cúc do tồn" từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc) để nói về sự ẩn dật của người xưa, bè bạn với tùng cúc, vui sống thanh nhàn:

Khứ hạ phiền hoa đạp nhuyễn trần
Nhất lê nham bạn khả tàng thân
Thương gia lệnh tá xưng Sằn Dã (1)
Hán thế cao phong ngưỡng Phú Xuân (2)
Tùng cúc do tồn quy vị vãn
Lợi danh bất tiển ẩn phương chân
Ta dư cửu bị nho quan ngộ
Bổn thị canh nhàn điếu tịch nhân.

Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn Đường (Nguyễn Trãi)
(1) Sằn Dã: chỉ Y Doãn, người hiền sĩ cày ruộng đời nhà Thương (Trung Quốc), vua phải vời ba lần mới chịu giữ chức tể tướng, đủ tài bình trị quốc dân.
(2) Phú Xuân: một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nơi cao sĩ Nghiêm Tử Lăng ở ẩn.

Từ bỏ xa hoa chốn bụi trần
Về hang núi ẩn chẳng phân vân
Phò Thương Sằn Dã từng lưu tiếng
Từ Hán Phú Xuân lộc chẳng cần
Tùng cúc còn đây khi trở lại
Lợi danh không thiết ẩn đời chân
Than mình ngộ nhận là nho hủ
Cày ruộng, đi câu, sống cảnh nhàn

Hải Đà phỏng dịch
Trong bài thơ Thu Nhật Ngẫu Thành, Nguyễn Trãi cũng thêm một lần mơ ước, đã dùng lại chữ "tam kính cúc" (tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn) của Đào Tiềm cùng để giải bày nỗi niềm tâm tư của một triều quan chỉ mong ước dứt bỏ đường công danh sự nghiệp gò bó, để về nơi thôn dã với cuôc sống nhàn, gần gũi với thiên nhiên, được tự do phóng khoáng "Vườn xưa cúc nở nhớ thầm, thuyền đưa hồn mộng đêm đêm giục về":

Tiêu tiêu trụy diệp hưởng đình cao
Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào
Thiên địa tư văn tùng cổ trọng
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao
Kính trung bạch phát giai nhân lão
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao
Miến tưởng cố viên tam kính cúc
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.

Thu Nhật Ngẫu Thành (Nguyễn Trãi)
Tiêu điều lá rụng đầy sân
Bệnh vừa qua khỏi tâm thần an nhiên
Tôn vinh sách vở thánh hiền
Nước non thu cảm triền miên dâng đầy
Soi gương tóc bạc mà hay
Phù du muôn sự chỉ bày khổ thêm
Vườn xưa cúc nở nhớ thầm
Thuyền đưa hồn mộng đêm đêm giục về

Cảm Hứng Ngày Thu (Hải Đà phỏng dịch)
Ngô Thì Nhậm (1745 - 1803) là một trí thức đa tài, ông đã đóng góp nhiều thành tích đáng kể cho thời đại Tây Sơn về các phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông còn có biệt tài về văn chương, viết đủ thể loại: nghiên cứu, bình luận, thơ phú... Ông sống cuộc đời liêm khiết, khiêm tốn. Thơ ông ung dung phong thái, tiềm tàng khí phách trượng phu, tấm gương mẫu mực của kẽ sĩ luôn coi trọng việc nước việc dân. Bài thơ Thu Cúc của ông ý từ thanh nhã, nói lên cái đức độ thiền tâm, cái nhẹ nhàng thanh thản của một người, không ham phú quí, không cầu cạnh lợi danh, như loài hoa cúc kia, vẫn nở đầy núi dù trong trời sương giá lạnh, đem lại màu hoa tươi thắm để trang điểm cho tiết thu vàng:
Cao tiết xung hàn phóng mãn sơn,
Độc siêu quần hủy điểm thu nhan.
Hốt tư cựu tuế đông li hạ,
Đối tửu xan anh tận nhật nhàn.

Thu Cúc (Ngô Thì Nhậm)
Phủ đầy khí lạnh non xanh
Sắc thu tô điểm chỉ mình cúc bông
Nhớ xưa rào cũ bờ đông
Say nhìn hoa nở thấy lòng ung dung

Hải Đà phỏng dịch
Trương Hán Siêu (? - 1354) tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, gốc ở Phúc Am, An Khánh thuộc Hà Nam Ninh. Thời trai trẻ, ông là môn khách trong dinh Trần Quốc Tuấn, từng đàm đạo thơ văn và chính sự với Trần Quốc Tuấn. Thơ văn Trương Hán Siêu còn lại không nhiều. Tác phẩm nổi tiếng qua nhiều thời là bài "Bạch Đằng giang phú". Chỉ với một bài này, ông cũng đã có vị trí xứng đáng trong dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm đời Trần. Trong văn chương của ông - mỗi dòng sông, mỗi tên đất như còn vang vọng mãi tiếng gươm giáo, tiếng gọi quân đánh giặc giữ yên sơn hà. Lòng yêu nước đó gắn liền với niềm tự hào chính đáng về truyền thống anh hùng chiến tận của dân tộc (trích suutap.com). Trương Hán Siêu có bài thơ vịnh Hoa Cúc như sau:
Khứ niên kim nhật hữu hoa đa
Ðối khách sầu vô tửu khả xa .
Thế sự tương vi mỗi như thử,
Kim triêu hữu tửu khước vô hoa

Cúc Hoa Vịnh (Trương Hán Siêu)
Ngày này năm ngoái nở đầy hoa
Chẳng rượu ngon mời tiếp bạn ta
Muôn sự trên đời hay nghịch lý
Rượu sẵn hôm nay chẳng thấy hoa

Hải Đà phỏng dịch
Phan Chu Trinh sinh năm Nhâm Tuất (1872) niên hiệu Tự Ðức 26, tự là Tử Can, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, quê ở xã Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đã để lại một số thơ văn cách mạng để nói lên cái ý chí hạo nhiên của kẻ sĩ. Ngoài ra ông cũng sáng tác những bài thơ trữ tình, cũng như những bài thơ châm biếm những kẻ xu nịnh đương thời…
Ông Nguyễn Quý Anh là bạn thơ của Cụ Phan Châu Trinh, khi Pháp chiếm Nam Kỳ, cụ Phan Châu Trinh, dời ra Phan Thiết ở ẩn dật, chờ thời, chỗ ở này đặt tên là "Ngọa du sào". Trong bài thơ đề tặng bạn Nguyễn Quí Anh, Phan Châu Trinh có nhắc đến "cúc kính", tức là lối cúc, của Đào Tiềm khi xưa (tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn), để nói lên tấm lòng thanh thản của nhà nho, bất cần danh lợi, cáo quan lui về sống ẩn dật ở vườn quê. Cũng trong bài thơ này, còn nhắc đến chữ "đào nguyên", cũng từ nguồn "Đào nguyên ký" của Đào Uyên Minh, tức là Đào Tiềm, truyện kể có người ngư phủ lạc lối, thấy hoa đào trôi xuôi, bèn chèo ngược dòng, đến được nguồn hoa đào, gặp con cháu những người tránh loạn đời nhà Tần, sống cảnh thanh bình, hòa hợp, no ấm như cảnh tiên, nên chỗ này được gọi là động Đào nguyên, chỉ cảnh sống ẩn dật, an bình.
Thiên lý phùng nghênh lưỡng bố y
Nhật tà chước tửu mộ giang ky
Quan hà thu đáo phong vân biến
Hồ hải nhân đa ý khí hi
Cúc kính bán hoang nhân di cổ
Đào nguyên hồi thủ sự toàn phi
Chí kim khẳng khái bi ca ý
Yên Triệu lưu phong cố vị suy

Tặng Nguyễn Quí Anh Nhụ Khanh (Phan Châu Trinh)
Hàn sĩ hai người nghênh tiếp vui
Đầu sông mời rượu ngắm chiều rơi
Thu về mây gió trời trôi nổi
Người gặp sông hồ chí hợp thôi
Lối cúc vườn xưa người vắng bóng
Chốn tiên cảnh cũ chuyện xa vời
Xưa nay hùng tráng lời ca đó
Yên Triệu còn lưu dấu ấn ngời

Hải Đà phỏng dịch 

Cúc và Thiền Thi:
Triệu Chương Tuyền, một thi nhân đời Tống, với những bài thơ miêu tả đời sống an nhàn thanh đạm, hòa đồng cùng vũ trụ thiên nhiên, trong một bài "Luận Thi" (bàn bạc về Thơ), có câu: "Thu cúc xuân lan ninh dị địa. Thanh phong minh nguyệt bổn đồng thiên" (hoa cúc nở mùa thu, hoa lan nở mùa xuân là do thời tiết, chứ không phải do nơi đất đai khác nhau. Gió mát trăng thanh vốn cùng ở trong một bầu trời), đã nói lên cái phong độ thư thái an nhàn, tất cả cũng chỉ là sự tình cờ bất chợt trong cái vô thường của vũ trụ, "gió mát" vô hình là cái "không", "trăng thanh" hữu hình là cái "sắc". "Không" chính là cái bản chất của vạn vật, còn "sắc" là cái biểu tượng bên ngoài. Đó là hai mặt của một bản thể thường hằng bất biến, tuy hai nhưng là một..."sắc tức thị không, không tức thị sắc"
Sắc hoa, hương hoa, dáng hoa đã đem lại sự nồng nàn tha thiết, sự lãng mạn trữ tình cho người thơ. Hoa phảng phất những dư âm, làm rung cảm tình người, hoa hình như cũng muốn hòa chung vào cảm xúc, rung động của con người, vốn dĩ tất bật trong cuộc đời phù du tạm bợ này. Hoa đem lại hình ảnh đẹp nhưng cũng thật mong manh ... "sắc tức thị không..." như Bạch Cư Dị trong bài "Ký Vương Sơn Nhân" đã nói "Tùng thụ thiên niên hủ, Cẩn hoa nhất nhật yến, Tất cánh cộng không hư, Hà tu khoa tuế nguyệt" (cây thông ngàn năm mới mục, hoa dâm bụt một ngày đã tàn, Cuối cùng tất cả là hư không, Việc gì mà phải khoe cùng năm tháng)
Bàn về hoa cúc, người ta thường nhắc đến bài thơ man mác hương vị thiền, siêu thoát của nhà sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần. Tên thật của ông là Lý Ðạo Tái, pháp danh Huyền Quang, tổ thứ ba phái Thiền học Trúc Lâm. Các tác phẩm của ông gồm có "Chư phẩm kinh", "Công văn tập", và tập thơ "Ngọc tiên tập" có bài thơ Cúc Hoa nổi tiếng. Phần nhiều tác phẩm bị thất lạc, hiện giờ chỉ còn khoảng 24 bài được lưu lại đến ngày nay.
Theo tác giả Nguyễn Lang (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận): "Huyền Quang giỏi Phật học nhưng thơ của ông bình dị, ít nặng nề danh từ Phật Giáo. Tuy vậy tính cách đạt ngộ thanh thoát vẫn bàn bạc trong thơ ông. Trong bài Hoa Cúc ta đã đọc những câu ông viết về chuyện ngắm hoa tuyệt diệu, trong đó người với hoa hồn nhiên là một và hình ảnh kỳ diệu của một bông cúc nở trong trạng thái ấy. Ông cười với tất cả lòng từ bi khi nhìn thấy một thiếu nữ vì không thây được bản chất mầu nhiệm của cúc, đã hái cúc cắm đầy đầu trước khi ra về"
"Huyền Quang rất yêu hoa cúc. Khi tuổi đã già, lòng đã khô héo, chỉ có hoa cúc mới làm êm dịu được lòng ông. Trúc với mai đối với ông không thể nào so với cúc được. Trong vườn đây đó ông trồng toàn hoa cúc. Ngồi thiền xong, ông ngồi ngắm cúc cho tới khi người ngắm hoa và hoa, hai thứ hồn nhiên là một. Kết quả là cái thấy về thực tại của ông nở sáng như một đóa hoa... Bài thơ hoa cúc của ông có nhiều tình tiết cảm động, bình dị mà siêu thoát. Ta hãy đọc toàn bài để thưởng thức sự rung cảm của một người trên 70 tuổi, một người xem như hoa cỏ cả thân mạng và cuộc đời nhưng hễ thấy hoa cúc là tâm tình rộn ràng như một người trai trẻ thấy bóng người yêu" (Nguyễn Lang):
Tùng Thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính
Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp
Cố viên xứ xứ thổ hoàng hoa
Thiên giang vô mộng cán khô trường
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang
Lão khứ sầu ngâm hồn vị ổn
Thi biều thực vị cúc hoa mang
Vong thân vong thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương
Niên niên hòa lộ hướng đương khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ

Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai
Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân nhữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
Xuân lai hoàng bạch các phương phi
Ái diễm liên hương diệc tự thì
Biên giới phồn hoa toàn trụy địa
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly

Cúc Hoa (Huyền Quang)

Tường Hủ nhà xinh nghe trúc reo
Tây Hồ cảnh đẹp thấy mai treo
Nghĩa tình chẳng hợp chăng đi nữa
Vườn cúc nơi nơi nở rộ đều

Sông ngàn đâu dễ nỗi niềm vơi
Mai vịnh trăm lần cũng thế thôi
Thổn thức sầu ngâm đầu vẫn bạc
Hân hoan cúc nở thấy lòng vui

Thế sự thân mình quên hết thôi
Ngồi thiền giường lạnh cảnh chơi vơi
Rừng sâu không lịch năm cùng tận
Biết tiết Trùng Dương cúc nở cười

Năm tháng thu về nở thắm xinh
Trăng thanh gió mát thiết tha tình
Cười ai chẳng biết nhành vi diệu
Về xứ tóc đầy hoa khiết trinh

Người ở lầu cao hoa trước hiên
Ngồi im tâm tịnh đốt nhang thiền
Vật, người an phận không hiềm tị
Sánh với ngàn hoa cúc trước tiên

Xuân đến trắng vàng sắc điểm tươi
Ngát hương trang điểm cũng theo thời
Ngàn hoa rơi rụng trên ngàn lối
Hoa cúc rào đông lộng lẫy cười

Hải Đà phỏng dịch
"
Rừng sâu không lịch năm cùng tận, Biết tiết Trùng Dương cúc nở cười" rõ ràng người thơ đã tách mình ra khỏi vòng cương tỏa của kiếp sống phù bình, tự ẩn mật ở một nơi chốn nhẹ nhàng thanh thoát, không cần lịch và không cần biết ngày tháng trôi qua, thời gian có bất chợt đến trong tâm hồn của người thơ cũng do sự ngẫu nhiên mà thôi "Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật, Cúc hoa khai xứ tức trùng dương...", làm ta liên tưởng đến bài thơ Đáp Nhân (Trả lời Người) của Thái Thượng Ẩn Giả "Ngẫu lai tùng thụ hạ, Cao chẩm thạch đầu miên, Sơn trung vô lịch nhật, Hàn tận bất tri niên" (Tình cờ bước đến gốc thông, Gối cao trên đá giấc nồng chiêm bao, Khó tìm sách lịch núi cao, Rét run đã dứt năm nào chả hay? Hải Đà dịch), cũng cùng chung một ý tưởng với Đào Tiềm trong bài thơ "Đào hoa nguyên thi": "tuy vô ký lịch chí tứ thời tự thành tuế" (tuy không có lịch ghi ngày tháng, nhưng bốn mùa tự thành năm)
Nói về thơ thiền đời Lý Trần, người ta thường nhắc đến Viên Chiếu thiền sư (999 - 1091) tên là Mai Trực, người đất Phúc Ðường, huyện Long Ðàm, là cháu của Hoàng Hậu Linh Cảm (mẹ vua Lý Thánh Tôn). Sư thọ giáo với Định Hương Trưởng Lão, rất am tường phương pháp Tam Quán của Kinh Viên Giác. Sư đứng ở vị trí đầu thế hệ thứ bảy dòng thiền Quan Bích.
"Thơ thiền phần lớn là ngững bài kệ, hoặc là vấn đáp giữa sư phụ và môn đệ cốt đưa đến việc khai thông trí tuệ. Nhiều bài cũng khô khan nghiêm khắc như những pháp cú, nhưng cũng có nhiều bài đẹp như một bài thơ. Nhiều khi những câu trả lời còn có dạng công án không trực tiếp liền nghĩa với câu hỏi như trong bài Tham đồ hiển quyết (Chỉ rõ bí quyết đạo thiền cho môn đệ) của thiền sư Viên Chiếu" (trích Đường Về Cõi Phật Qua Thơ Văn Xưa - Quách Thanh Tâm).
Ly hạ Trùng Dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.
Trú tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh

Viên Chiếu thiền sư
Lưng giậu thu về cúc nở hoa
Xuân nồng cành thắm tiếng oanh ca
Vầng dương rạng rỡ ngày tươi sáng
Đêm đến trăng vàng lấp lánh xa

(Hải Đà phỏng dịch)
Theo văn học sử đời Lý còn có ông Phan Trường Nguyên, quê quán làng Trường Nguyên, huyện Tiên Du, Hà Bắc, nổi danh là một nhà tu hành chân chính thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Quan Bích. Ông là một người văn hay chữ tốt có tiếng, được vua Lý Anh Tông triệu về giúp việc, nhưng ông đã từ chối, lánh mình ở ẩn và dời lên tu tại chùa Sóc Thiên Vương, núi Vệ Linh, quận Bình Lổ. Tác phẩm của ông còn lưu truyền một bài thơ, biểu lộ tấm lòng của ông chỉ thích hướng về thiên nhiên dân dã với cuộc sống thanh bần, đạm bạc không vướng màu tục lụy:
Viện hầu bão tử quy thanh chướng
Tự cổ thánh hiền một khả lượng
Xuân lai oanh chuyển bách hoa tham
Thu chí cúc khai một mô dạng

Quy Thanh Chướng (Phan Trường Nguyên)
Khỉ vượn ôm con vượt núi ngàn
Xưa nay hiền thánh ý mênh mang
Trăm hoa, oanh hót, mừng xuân đến
Một mình cúc nở đón thu sang

Về Non Xanh (Hải Đà phỏng dịch)

Thu sầu dạo khúc thê lương
Nỗi buồn từ thuở ly hương lưu đày
Mơ quê xa lắc đường dài
Hoa vàng chợt thấy gửi ai đôi lời
Gió sương ngạo nghễ hoa cười
Mặc thu tàn úa, vẫn tươi thắm ngàn
Cha xưa yêu đóa cúc vàng
Lòng con ly xứ muôn vàn nhớ Cha

Hải Đà
Cúc và Cha tôi:
Lúc sinh thời cha tôi yêu thích hoa cúc, nhà tôi ở thành phố không có vườn, nên ông đã lấy gỗ tự đóng lấy mấy giậu ô vuông, đổ đất và trồng hoa, đặc biệt ông thích loại hoa vàng. Cúc nở lâu tàn, và những khi nhàn rỗi cha tôi vẫn thường nấu ấm nước sôi, tự pha trà và nhâm nhi ngồi nhìn hoa cúc, dáng dấp trầm ngâm suy tư về một nỗi niềm riêng... Phải chăng tâm tư nhạy cảm của ông mang nặng tình hoài cổ, nỗi lòng rưng rưng về một ký ức xa xăm viễn mộng nào đó. Và khi nhìn chùm hoa cúc nở thắm, có lẽ cùng chung cảnh ngộ, đôi khi cha tôi chợt mỉm cười bâng quơ vì hoa cúc có thể mang lại một niềm tin, một thông điệp nào đó cho một kiếp đời vốn trầm uất với bao cảnh dâu bể thăng trầm của thế sự nhân tình, thời cuộc đổi thay:
Tôi nhớ cha tôi thuở sinh thời
Thích trồng hoa cúc, thú vui chơi
Ôi ! cánh hoa vàng tươi rực rỡ
Rực cả hồn quê, rỡ nụ cười
Một sáng mùa đông trời băng giá
Sương tuyết rơi rơi ngập cả vườn
Chỉ một loài hoa vươn cánh nở:
Cúc hoàng! Cúc đảm ngạo hàn sương!
Hoàng cúc phương chi chẳng ngại ngần
Vươn mình sống thẳng giữa phong trần
Nhánh hoa thắm nhuộm màu tao nhã
Thắm cả lòng yêu mến quốc dân! 

Hải Đà
Dòng thời gian mãi trôi đi biền biệt... bây giờ tôi nơi xứ lạ quê người, cứ mỗi độ thu về, tiết trời se se lạnh, lá vàng bắt đầu nhẹ rơi, tôi đã thấy hàng xóm láng giềng trồng cúc trước nhà, quanh vườn, cạnh hàng rào, dọc lối đi. Những cảm giác lạ lẫm của cái lạnh mơn man trong buổi sáng mùa thu, chút nằng nhè nhẹ ban mai làm tan đi làn sương mờ trên những khóm cúc nở vàng tươi rực rỡ, thoang thoảng trong gió đong đưa một mùi hương gợi cảm, bất chợt làm tôi chạnh lòng nhớ đến cha tôi ngày xưa... Và trong phút giây lắng đọng, cảm xúc dâng trào, mạo muội viết bài thơ:
Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương
Bách cảm thu ngâm uẩn khúc trầm
Lữ sầu uất muộn tại phân khâm
Mộng trung thanh phượng tư hà xứ (1)
Nhãn thượng hoàng hoa ký viễn âm
Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách (2)
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm
Sinh thời nghiêm phụ tương giao cúc
Du tử tha hương thốn thảo tâm (3)

Hải Đà
Dịch nghĩa:
Hoa cúc ngạo nghễ dưới sương lạnh
Trăm mối cảm hoài, nghe khúc thu ngâm thầm lắng
Nỗi sầu xa xứ phiền muộn trong lòng từ lúc biệt ly
Trong giấc mơ quê cha (Thanh Phượng) thấy nhớ nhà xưa
Trước mắt thấy cánh hoa vàng như muốn nhắn gửi lời phương xa
Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già
Lúc còn sống thân phụ thích làm bạn với hoa cúc
Con bây giờ ở nơi xa xăm tấc lòng luôn tưởng nhớ
(1) Thanh Phượng = Thanh Cù, Phượng Lâu (tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt) cũng là bút hiệu của thân phụ.
(2) Cúc ngạo hàn sương = trời thu lạnh hoa tàn mà một mình cúc tốt tươi, ý nói người cao sĩ thời loạn ly
Cốt cách = phong cách thanh tao, Hoàng hoa= hoa cúc màu vàng thường nở vào mùa thu.
(3) Thốn thảo tâm = tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ "nguyện tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy" = mong đem tấm lòng như một tấc cỏ mà báo đáp công ơn cha mẹ ví như ánh sáng ba tháng mùa xuân
Bài thơ Du Tử Ngâm của Mạnh Giao có câu: "Thùy ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy"
Cúc Cười Ngạo Nghễ Gió Sương
(tưởng nhớ thân phụ)
1-
Ngâm khúc sầu thu luống đoạn trường
Mối sầu da diết thuở ly hương
Thầm mơ quê nội nhà xa quá
Chợt thấy hoa vàng gửi tiếng thương
Sương gió dãi dầu hoa ngạo nghễ
Thu già thách thức sắc phô trương
Sinh thời thân phụ yêu thương cúc
Tấc cỏ lòng con mãi vấn vương

2-
Thu sầu dạo khúc thê lương
Nỗi buồn từ thuở ly hương lưu đày
Mơ quê xa lắc đường dài
Hoa vàng chợt thấy gửi ai đôi lời
Gió sương ngạo nghễ hoa cười
Mặc thu tàn úa, vẫn tươi thắm ngàn
Cha xưa yêu đóa cúc vàng
Lòng con ly xứ muôn vàn nhớ Cha
Hải Đà
Ghi chú: Những bài thơ chữ Hán trong bài viết sưu khảo này đã có rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối đã dịch Thơ Đường với những bản dịch trác tuyệt và tài hoa. Nhưng mỗi dịch giả có một cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng và cảm xúc rung động muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường.
Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, mong sự lượng thứ và thông cảm của quí bậc túc nho trưởng thượng và quý bạn đọc yêu thơ.

Tài liệu tham khảo:
- Đường Thi Tuyển Dịch - Lê Nguyễn Lưu
- Lữ Đường Thi - Quách Tấn
- 249 bài thơ Chữ Hán Nguyễn Du - Duy Phi biên soạn
- Giai thoại thơ Đường và Tác Giả - Hoài Anh
- Tạp chí Văn hóa Phật giáo - Nhật Chiêu
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Nguyễn Lang
- Đường Về Cõi Phật Qua Thơ Văn Xưa - Quách Thanh Tâm
- Tứ Quân Tử Trong Hội Họa Trung Quốc - Lê Anh Minh
- http://www.quangduc.com
- http://www.buddhismtoday.com
- http://www.truongviet.net
- http://www.luongsonbac.com
- http://www.maihoatrang.com
- http://www.phattuvietnam.org
- http://www.giaphahophan.com

Có phải em là nữ chúa Thu?
Khai nhan lộng lẫy chốn sa mù
Muôn loài hoa khác tiêu điều dáng
Chỉ một mình em nét đặc thù
Ngạo nghễ dưới trời sương tuyết phủ
Kiêu sa trước cuộc sống phù du
Đào Tiềm một thuở tìm tri kỷ
Chỉ có hoàng hoa sánh trượng phu
Hoàng Hoa (Hải Đà)

Sầu thu: Ý cúc tình thơ
Phần 2: Hoa cúc trong thi ca

Tranh Dương Bích Liên
Cô Gái và Hoa Cúc Vàng
Sầu thu ý cúc riêng mang
Hoàng hoa pha nắng thêu vàng áo em
Thu đi bước nhẹ chân mềm
Gió mơn man lá dịu êm khúc tình
Hoa là ngôn ngữ chân thành nhất của tình yêu, hoa vô tư bộc lộ những nỗi niềm thầm kín,thăm thẳm từ đáy con tim chân chính, khi ngôn từ đã không diễn tả được nỗi lòng tha thiết thì hoa sẽ thốt thành lời (When words escape, flowers speak - Bruce W. Currie), hoa sẽ nói hộ những gì mà tình nhân khó nói... Đời người như một bông hoa mà tình yêu như mật ngọt nhựa sống tuôn tràn (Life is the flower for which love is the honey-Victor Hugo). Hoa là những biểu tượng đặc trưng của thiên nhiên ban cho con người, đó là tình yêu của tạo hóa dành cho chúng ta trong đời sống (Flowers are the beautiful hieroglyphics of nature by which she indicates how much she loves us - Johann Von Goerthe). Hoa là đại sứ của tình yêu, hoa đã đem lại những thông điệp làm tươi mát tâm hồn.
Ngôn ngữ các loài hoa đã có từ ngàn xưa, được diễn đạt trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Mỗi loài hoa như muốn biểu tượng một ý tình, một nỗi niềm riêng mang... khi nhịp đập con tim biết ngân vang ngàn cung điệu.
Mỗi một con người có niềm vui, sở thích riêng về một loài hoa nào đó. Người xưa có Lâm Bô với hoa mai, Khuất Nguyên với hoa lan, Thôi Hộ với hoa đào, và Đào Tiềm với hoa cúc như người bạn tâm giao tri kỷ. Một Cao Bá Quát thì "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (cả đời chỉ cúi mình trước hoa mai), hoặc
một thi sĩ tây phương nào đó chỉ xin được làm hoa cúc trắng "I'd choose to be a daisy":

I'd choose to be a daisy
If I might be a flower
Closing my petals softly
At twilight's quiet hour
And waking in the morning
When fall the early dew
To welcome Heaven's bright sunshine
And Heaven's bright tear-drops too.

Anonymous Author
Nếu tôi hóa kiếp đời hoa
Xin làm cúc trắng thướt tha dịu mềm
Trầm tư cảnh vắng chiều êm
Dịu dàng khép cánh màn đêm thẫn thờ
Vầng dương chợt động cơn mơ
Ánh mai hé mở như chờ đợi hoa
Lung linh những hạt sương sa
Cùng tia nắng mới chan hòa niềm vui
Bỗng dưng xao xuyến ngậm ngùi
Hồn hoa thổn thức khung trời lệ rơi...

Xin được làm cúc trắng (Hải Đà phỏng dịch)
Hoa Cúc trắng là loài hoa nhận được nhiều sự chiêm ngưỡng của các nhà thơ. Theo truyền thuyết, bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides, một trong các nữ thần chăm sóc các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus, cô đã lọt vào sự chú ý của Vertumrus, nam thần cai quản các vườn cây. Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, chúa của loài hoa là Flora đã biến cô thành một đóa Cúc trắng. Có một nguồn gốc khác mang nhiều vẻ thần thoại hơn: Hoa Cúc trắng đã được gieo trồng lần đầu tiên trên ngôi mộ một hài nhi bởi những đôi tay mềm mại của các thiên thần nhỏ bé. Tên tiếng Anh của loài hoa này có nguồn gốc từ ngữ Saxon, có nghĩa là "con mắt ban ngày" (day's eye), có lẽ vì hoa nở vào lúc sáng sớm và khép lại vào lúc chiều tà. (Sưu Tầm)
Khi mùa hạ đã đi qua, lá thôi xanh, hoa hết thắm, mùa thu đến chơi vơi, lá tàn khô héo rụng, cành cây trơ trụi, khu vườn ảm đạm thê lương, chợt như bừng sức sống, khi những cụm hoa cúc vàng, nữ chúa của mùa thu (The autumn's queen Chrysanthemum) bắt đầu hé nhụy khai hoa "cúc hoa xòe cánh nở bung"… để tô điểm cho khung trời thu hiu hắt buồn:
As we watch the summer days depart
And the painted leaves in silence fall,
And the vines are dead upon the wall;
A dreamy sadness fills each heart,
Our garden seems a dreary place,
No brilliant flowers its borders grace,
Save in a sheltered nook apart,
Where gay beneath the autumn sun
Blooms our own Chrysanthemum.

Chrysanthemum (Hattie L. Knapp)
Lặng nhìn mùa hạ qua mau
Không gian quạnh vắng lá sầu nhẹ rơi
Cành nho héo rũ tường vôi
Trái tim mơ mộng chơi vơi nỗi buồn
Màu thê lương phủ kín vườn
Hoa thôi sắc thắm bờ mương hàng rào
Xa nơi xó xỉnh đồi cao
Trời thu rực rỡ vui chào ánh dương
Cúc hoa xoè cánh nở bung…

Hải Đà phỏng dịch
Yosa Buson, một thi sĩ Nhật Bản trong bài thơ HaiKu, đã phải thốt lên rằng:
Trước nhành hoa cúc trắng
Ngỡ ngàng cái kéo ngập ngừng thôi
Trong phút giây bất chợt

(vì không nỡ phải phủ phàng cắt rời hoa, bắt hoa phải lìa cành mãi mãi)
Before the white chrysanthemum
the scissors hesitate
a moment.

(by Yosa Buson)
Hoa cúc nở giữa vườn thu đã gợi muôn niềm thi hứng cho tao nhân mặc khách muôn phương trên thế giới. Thi sĩ Dora Read Goodale trong một ngày thu ấm, khi diễn tả loài hoa cúc có tên là "Asters", mà người ta thường gọi là hoa Cúc tây, hay là hoa sao, có tên gọi bắt nguồn từ chữ Hy Lạp "Aster", có nghĩa là ngôi sao. Người ta nói nó là tượng trưng cho sự "chín chắn" vì nó nở hoa vào đầu mùa thu khi mà đa số các loài hoa khác đã tàn. Cúc Tây được đem từ Trung Quốc vào châu Âu năm 1730 bởi một nhà truyền giáo người Pháp, và qua nhiều kỹ thuật cấy ghép khoa học tài tình, nên ngày nay loài hoa trắng như tuyết này đã rất phong phú và đa dạng chủng loại, nên Cúc tây mang thêm ý nghĩa cho "tình yêu muôn sắc muôn màu".

The Autumn wood the aster knows,
The empty nest, the wind that grieves,
The sunlight breaking thro' the shade,
The squirrel chattering overhead,
The timid rabbits lighter tread
Among the rustling leaves.

Asters in the Cofrin Arboretum 
(Dora Read Goodale)
Cúc hoa cảm cảnh rừng thu
Quạnh hiu tổ trống, vi vu gió sầu
Ánh dương thơ thới ửng màu
Tung tăng sóc nhảy trên đầu líu lo
Rụt rè thỏ bước nhởn nhơ
Dẫm chân khua tiếng lá khô xạc xào

Hải Đà phỏng dịch
Hoa cúc là một thứ hoa gần gũi với người phương Đông. Người Việt Nam chúng ta, cũng như người Trung Quốc phần đông đều thích trồng hoa cúc. Nhắc đến hoa cúc trong Đường Thi là người ta nhớ đến thi sĩ Đào Tiềm đời Tấn "Tam kính tựu hoang, Tùng cúc do tồn (Đường ra lối nhỏ vườn hoang, Chen nhau tùng cúc xếp hàng đợi đây - HĐ)... Hoa Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy. Một loài hoa "diệp bất ly thân" (lá không rời khỏi cành dù tàn khô héo rũ). "Cúc ngạo hàn sương", cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình: "Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách, Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm - Hải Đà" (Sương gió dãi dầu hoa ngạo nghễ, Thu già thách thức sắc phô trương - HĐ)
"Theo tài liệu sưu tầm, có khoảng 130 loại hoa cúc. Cúc còn mang tên ra Tiết Hoa hay là Nữ Tiết. Cúc chờ lạnh đến mới nở, vùng nào lạnh sớm hoa sẽ nở sớm, lạnh muộn thì hoa nở muộn. Giống cúc vàng thích khí lạnh hơn hết. Ở những xứ ấm trời, hoa cỏ nở một cách tạo tác vô thời, chỉ riêng hoa Cúc là biết kỷ luật.
Hoa Cúc có mấy màu chính là vàng (hoàng), trắng (bạch), tím (tử) và hồng (cũng được gọi là hồng).Lại còn có những thứ tạp sắc, cánh trước một màu, đằng sau mang một màu khác hay là nửa bên trái và nửa bên phải khác nhau (Uyên Ương Cúc). Hoàng Cúc tức Cúc Vàng có đến 34 loại, vài giống quý có nhiều tên đẹp như: Kim Trân, Dạ Quang Châu, Lạc Hà Hoàng. Ngự Bào Hoàng, Trầm Hương Quản, Hoàng Kim Tháp, Hoàng Yến, Vạn Thọ, Kim Tiền v.v..."
 Mỗi loại hoa cúc khác nhau đã tự mang cho mình một ý nghĩa đặc trưng riêng của ngôn ngữ tình yêu, như
Hoa cúc trắng: ngây thơ và duyên dáng.
Hoa cúc tây: chín chắn, tình yêu muôn màu
Hoa cúc đại đóa: lạc quan trong nghịch cảnh
Hoa cúc tím (thạch thảo): nỗi lưu luyến khi chia tay.
Hoa cúc vàng: lòng kính yêu quý mến, nỗi hân hoan.
Hoa cúc vạn thọ: sự đau buồn, nỗi thất vọng
Hoa Cúc zinnia: nhớ đến bạn bè xa vắng

(Sưu Tầm) 


Mùa hẻ hai đứa chia tay
Phượng phai sắc thắm hẹn ngày thu sang
Tóc em giắt đóa hoa vàng
Tựu trường hai đứa ngỡ ngàng nhìn nhau
Bây giờ em ở nơi đâu
Ở xa bên ấy có sầu nhớ chăng
Bài thơ hoa cúc tặng nàng
Em ơi có hiểu lời vàng ý thơ?
Thẹn thùng đôi mắt em mơ
Thủy chung có phải tình thơ Cúc Vàng...
(H.Đ)
Trồng hoa cúc là một thú vui tao nhã của các cụ ngày xưa. Nói đến hoa cúc là người ta thường nghĩ đến mùa Thu, hoa cúc và mùa thu có một một sự giao tình kỳ lạ. Thu vốn mang một ấn tượng buồn, chùng lắng tâm cảm của người, cúc đua nở trong mùa thu đã đem lại một sự vui tươi đổi mới cho cảnh tình. Thi sĩ Nguyễn Khuyến đặc biệt có tâm hồn mẫn cảm với mùa thu, như qua ba bài thơ Thu Vịnh, Thu Ẩm, Thu Điếu. Đặc biệt trong bài Thu vịnh, thi sĩ Nguyễn Khuyến cũng đã một lần nhắc nhở đến thi sĩ Đào Tiềm của Đường Thi, một người bạn tri kỷ của hoa cúc vàng "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào!":
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào! 

Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến)
Trước cảnh sắc muôn chiều của mùa thu với lá vàng bay, với nước ao trong veo, với cảnh thanh tịnh, Nguyễn Khuyến cũng đã thường nhắc nhở đến loài hoa cúc. Cúc biêu lộ sự khoan dung, khoáng đạt, sự chung tình da diết. Cúc héo tàn nhưng chẳng lià thân, diễn đạt một tư tưởng thanh tao, một ý niệm trung trinh của tâm hồn chẳng bao giờ quên gốc gác cội nguồn. Thơ Nguyễn Khuyến đã thể hiện cái nhàn nhã, sự khắng khít với thiên nhiên, tâm hồn nhẹ nhõm, xem đời tựa như áng mây trôi, nhưng cũng đã bộc lộ nên cái nhân cách trí thức của nhà nho "Tháng rét một mình, thưa bóng bạn, Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai" :
Xuân qua tới tấp mận cùng đào,
Lá mốc cành rêu lẩn chốn nào?
Giữ tiết dường như yên phận khó,
Dành hương cốt để đợi thu cao.
Thương thầm vườn cổ nên như vậy,
Đứng giữa hơi may mới biết nhau!
Trong sạch tấm lòng đâu dễ kiếm,
Đào Tiềm chỉ gặp lúc về hưu!

Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!
Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi
Tháng rét một mình, thưa bóng bạn
Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai
Nhấp nhô lưng giậu xanh chồi trúc
Óng ả đầu hiên mướt ngọn mai
Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ
Bõ công vun xới đã lâu ngày

Vịnh  Hoa Cúc (Nguyễn Khuyến)
Nguyễn Trãi là một nhà trí thức lớn của thời đại, ông là người ưu thời mẫn thế, thương dân yêu nước, nhưng không màng phẩm chức danh lợi. Ông là người đa tài, ngoài tài chính trị, kinh tế v.v... ông còn có lòng đam mê văn chương thi ca, thơ của ông phong phú đa dạng, đặc biệt trong những bài thơ diễn tả tình yêu thiên nhiên, đã nói lên cái tư cách thanh cao, phóng khoáng của kẻ sĩ, nhà nho, và ông cũng đã hơn nhiều lần nhắc nhở đến hoa cúc, như một triết lý nhân sinh trong cuộc sống lắm nỗi đa đoan, quán triệt mọi lẽ biến đổi của thế thái nhân tình, sự đổi dời của đất nước non sông, sự thăng trầm suy thịnh của xã hội, kiếp đời,  như muốn gửi gắm tâm tình sâu xa, bộc lộ ý chí của người thơ không nệ hà gian khổ, chỉ muốn quên thân mình, để hy sinh cho đại nghĩa quốc gia dân tộc. Trong "Quốc Âm Thi Tập" của Nguyễn Trãi có mấy bài thơ ca ngợi hoa Cúc:
Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm
Có mấy bầu sương nhị mới đâm
Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn
Cho hay thu muộn tiết càng thơm.

(Thuật hứng - bài 15)
Người đua nhan sắc thủa xuân dương,
Nghỉ, chờ thu: cực lạ nhường!
Hoa nhan rằng đeo danh "ẩn dật",
Thức còn phô, bạn khách văn chương.
Tính tình nào đoái bề ong bướm,
Tiết muộn chẳng nài thủa tuyết sương.
Dầu thấy xuân lan cùng lọn được,
Ai ai đều có mỗ mùi hương.

Cúc (Nguyễn Trãi)
Cõi đông còn thức xạ cho hương
Tạo hóa sinh thành khác đẳng thường
Chuốt lòng son, chăng bén tục
Bề tiết ngọc, kể chi sương
Danh thơm thượng uyển còn phen kịp
Bạn cũ đông ly ắt khá nhường
Miễn được chúa tiên yêu tụng đến
Ngày nào khá, ấy trùng dương.

Hồng Cúc (Nguyễn Trãi) 

Lặng nhìn mùa hạ qua mau
Không gian quạnh vắng lá sầu nhẹ rơi
Cành nho héo rũ tường vôi
Trái tim mơ mộng chơi vơi nỗi buồn
Màu thê lương phủ kín vườn
Hoa thôi sắc thắm bờ mương hàng rào
Xa nơi xó xỉnh đồi cao
Trời thu rực rỡ vui chào ánh dương
Cúc hoa xòe cánh nở bung…

Hải Đà phỏng dịch
(Chrysanthemum - Hattie L. Knapp) 
Mỗi tiết thời thường đi đôi với một loại hoa riêng, mùa xuân thì có hoa lan, hoa đào, mùa hạ có hoa sen, có lựu, mùa thu có hoa cúc như là một biểu tượng đặc trưng:
Thành Tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!
Đua chen Thu Cúc, Xuân Đào,
Lựu phun lửa hạ, Mai chào gió đông.

Bích Câu Kỳ Ngộ (Khuyết danh)
Trong những tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, có những câu thơ cũng dùng hình ảnh của cúc hoa để so sánh với người con gái đẹp, mang nét mặt buồn man mác, vẻ u sầu thầm lặng của muà thu, nên các thi nhân thường dùng chữ "nét buồn như cúc" .
May thay giải cấu tương phùng,
Gặp tuần đố lá thoả lòng tìm hoa.
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc, kẻ thiên tài...

(Nguyễn Du)
Ngại ngùng giợn gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

(Nguyễn Du)
Nói về hoa Cúc và mùa thu, có một giai thoại: tương truyền thời trai trẻ, cụ Nguyễn Du ưa hát phường vải. Có hoa khôi tên là Cúc đàn hay, hát ngọt, nhưng muộn chồng, cậu Chiêu Bảy (Nguyễn Du) đã ngâm hai câu thơ ghẹo người đẹp:
"Trăm hoa đua nở mùa xuân
Cớ sao Cúc lại muộn màng về Thu?".
Nàng Cúc biết cậu Chiêu tài hoa có ý ghẹo mình bèn đáp:
"Vì chưng tham chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải muộn màng về Thu".
Cúc nở về thu là đang độ mãn khai đâu có muộn màng? Và ngầm nhắn gửi thi nhân "Dù có muộn màng vì "ai kia" cũng là vì chờ đợi bảng vàng, bia đá mà thôi! Không rõ về sau khi "bảng hổ" đề tên chàng và nàng có nên duyên cầm sắt?

(Sưu Tầm)
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc tác giả đã dùng hình ảnh buồn vời vợi của mùa thu với hoa cúc vàng (hoàng hoa) để diễn tả cảnh chia ly não nuột, bịn rịn ngỡ ngàng của kẻ ở người đi...
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dậm dài

(Đặng Trần Côn)
Thi sĩ Đinh Hùng đã dựa vào màu sắc đậm đà của hoa cúc, bộc lộ sự thổn thức dâng tràn tâm tư, từ trong tiềm thức bật dậy và rung động những dòng giao cảm phơi trải lòng mình, gần gũi và xa xôi, chân thật và huyền hồ:
Ý chiều ngây ngất màu hoàng cúc,
Sao mắt thu buồn dáng hạ xa
Ta nhớ mà thương người sử nử,
Áo mùa thu đọng sắc kiều hoa.

Liên Tưởng (Đinh Hùng)

Thi sĩ Nguyễn Bính cũng đã dùng hình ảnh của hoa cúc, liên hợp với mùa thu để nói sự trôi dạt nổi trôi của thân phận kiếp người giữa cái mênh mông bát ngát của biển đời. "Nét buồn như cúc", thu sầu với lá vàng rơi, đã đem lại nhiều gợi cảm, xúc động cho sự đổi thay, vật đổi sao dời... làm thổn thức tuôn trào những dòng dư lệ, khi phải chứng kiến cảnh: "Thiên nhiên mãi xoay vòng muôn nghịch lý,Trong Xuân sinh là Thu sát điêu tàn, Sau Hạ trưởng là Đông sầu xơ xác, vĩnh phúc nào là chốn hẹn nhân gian?" (Vô Đề - Hải Đà)
Thu sang, rồi lại thu sang,
Cúc bao lần nở, lá vàng bao rơi?
Bao nhiêu vật đổi sao dời?
Đường bao dặm thẳm? hỡi người bốn phương?

Giòng Dư Lệ (Nguyễn Bính)
Cái vắng lặng, trống không, âm thầm, mênh mông của mùa thu xa, tạo nên một chút gì mong manh, dìu dịu, mơ hồ trong tâm hồn của người thơ. Một cái buồn chất chứa, lắng đọng, trong một cảnh thu tĩnh mịch lạ lùng, tưởng như sẽ đi vào quên lãng, nhưng bỗng dưng một ngọn gió thu lay lắt cánh "hoa cúc vàng lưng giậu", tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ, đủ để thức tỉnh hồn thơ qua màu sắc tươi rói của nhánh hoàng hoa, tượng trưng cho "Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên". Cái đẹp tinh tế của hoa đã tìm thấy trong lòng người tri kỷ.

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền.
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.

Thu (Xuân Diệu)
"Sen mùa hạ, cúc mùa thu" hai hình ảnh tiêu biểu của hai mùa trong trời đất, của thời tiết khác nhau, được người thơ lấy làm hình ảnh ẩn dụ cho hoàn cảnh éo le, sự chia ly cách xa của hai người, nói lên cái tâm trạng đau buồn, oán trách bắt nguồn từ cảnh cô đơn đợi chờ... "có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?" thật nặng lòng với tình nghĩa thâm sâu:
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua

Vườn Xưa (Tế Hanh)
Hoa cúc, với màu hoa, hương hoa, men hoa, sắc hoa... đã đem lại sự tình tứ, khêu gợi qua những dòng thơ lãng mạn, với những hình ảnh chập chờn mộng ảo, man mác âm điệu thần linh, mê hoặc qua lối diễn tả độc đáo, gợi cảm: "Mươi bông cúc nõn chờ tay với... Một trời thu ngủ men hoàng cúc... Thu nhập hồn men cựa đó chăng"... mang những âm
hưởng nồng nàn và bí ẩn:
Gợn trắng ngàn mai thoảng dáng xuân
Màu trinh e lệ gió ân cần
Mươi bông cúc nõn chờt tay với
Một chút hoa đào vương gót chân

Dịu Nhẹ (Vũ Hoàng Chương)
Ngõ nhớ hoa vàng gác nhớ trăng
Chiêm bao giợn tuyết gối ngờ băng
Sương vây bể xám lòng hoang đảo
Nằm hấng thơ mưa độc vận bằng
Phới gót mùa say về ẩn hiện
Giữa đôi hàng chữ sách Khiêu Đăng
Xôn xao vò nậm bừng hương cúc
Thu nhập hồn men cựa đó chăng

Xem Truyện Quỷ (Vũ Hoàng Chương)
Hà Nội đèn treo đỏ phố phường
Sóng hồ trăng giãi bập bềnh sương
Một trời thu ngủ men hoàng cúc
Đôi bạn tình say mộng viễn phương
Kìa ý đàn trao mười nẻo gió
Đây lòng hoa mở bốn mùa hương
Ôi thôi, khoảnh khắc dâu thành bể
Gươm báu rùa thiêng cũng đoạn trường

Nhớ Cố Nhân (Vũ Hoàng Chương)
Thi sĩ Bích Khê đã dùng những ngôn từ tình sâu ý đẹp, với nhiều hình tượng dạt dào, mênh mông, trong chuỗi âm thanh huyền diệu để diễn tả sự trữ tình của loài hoa vàng một cách khéo léo, gợi cảm, đa tình, vẽ nên những hình ảnh linh diệu, bồi hồi, xao xuyến, thể hiện sự sôi nổi triền miên của khát vọng tình yêu, như một âm điệu nhạc ngân vang trong cái huyền diệu của vũ trụ mênh mông:
Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên neo mình ôm xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:
Đông nam mây đùn nơi thành xa...
Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làn trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làn mây theo chàng bên nhung yên.
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
-- Hồn ta? hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!

Hoàng Hoa (Bích Khê)

Thơ Lưu Trọng Lư truyền đạt cái cảm giác lạ lẫm, man mác bâng khuâng, chập chờn giao động, người thơ đã chìm đắm trong cơn mộng huyễn, hay đang thao thức chiêm nghiệm cái chân thật của vóc dáng một loài hoa - đóa cúc vàng ẩn hiện dưới làn sương thu mờ ảo:
Ta mơ trong đời hay trong mộng
Vùng cúc bên ngoài đọng dưới sương

(Lưu trọng Lư)
Màu sắc của cúc nhiều loại: vàng, trắng, tím v.v... nhưng màu vàng của cúc vẫn luôn là biểu tượng nhiều nhất, được nói nhiều trong thơ văn Việt Nam như tình thư học trò "Tuổi Mười Ba" của Nguyên Sa:
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím....

Tuổi Mười Ba (Nguyên Sa)
Sự đa dạng của cảm xúc, cái sâu xa của tình cảm, đã là những chất liệu để nghệ thuật thành hình, đem lại cho thơ một vẻ đẹp duyên dáng, lặng lẽ len thấm vào tâm tư người đọc, đôi khi man mác cổ tích thần tiên, vô cùng lãng mạn cho "Một anh chàng làm thơ, mà suốt đời say rượu cúc" một cách rạo rực, đam mê:
Em sẽ về, phải không em
Có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh: sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc

Có Phải Em Về Đêm Nay (Nguyên Sa)
Thi sĩ Phạm Thiên Thư đã pha màu rất hài hòa cho màu hoa cúc tạo nên một hình dáng rất tạo hình của loài hoa vàng. Bài thơ như một bức tranh thủy mặc đầy mộng mơ chất ngất, quyện lẫn với thanh âm nhạc tính làm giao động lòng người:...
con đường hoàng hoa
em mang hài lục
con đường bạch cúc
em mang hài hồng
con đường sầu đông
em đi guốc tía
anh ngồi thấm thía
cội sầu trổ bông

Guốc Tía (Phạm Thiên Thư)
"Cõi Thơ" của Phạm Thiên Thư đầy những kỷ niệm ngọt ngào, những hương vị đậm đà, có mẹ nua già, có lều thơ nhỏ, có giàn hoa lý, và đặc biệt là có dậu cúc vàng, đem lại những hoài niệm khó phai nhòa trong ký ức tâm tưởng của người thơ:
em hỏi nơi ta
xin kiếm tàng hoa
điệp vàng trải ngõ
có mẹ nua già
chăm từng ngọn cỏ
có áng giang hà
trên lều thơ nhỏ
có vườn hồng đỏ
có dậu cúc vàng
có giàn hoa lý
có vồng rau lang
em vào cõi đó
xin bước dịu dàng
vì lòng ta trải
cả bông hoa vàng

Cõi Thơ (Phạm Thiên Thư)
Động Hoa Vàng của thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng đã trải qua bốn mùa thơ mộng của đất trời mênh mông, và mùa thu là của hoàng cúc khai hoa nở nhụy:
Ðất Nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân 

Động Hoa Vàng (Phạm Thiên Thư)
Một nữ sĩ đã đem lại những màu sắc tươi sáng của bụi cúc vàng, của con bướm trắng, thể hiện những ước mong, khao khát bình dị khi đứng bên thềm ngong ngóng chờ thu đến, hồn chất ngất men say của "hoàng hoa tửu", cùng một tâm hồn đồng điệu với những thi nhân thời xưa uống rượu cúc ngắm hoa chào mừng ngày hội Trùng Dương:
Có bụi cúc vàng bên hàng dậu
Có con bướm trắng ngập ngừng bay
Em đứng bên thềm chờ thu tới
Rượu hoàng hoa chưa uống đã say.

Hoàng Hoa (Trần Mộng Tú)
Màu vàng của hoa cúc đã đem lại sự xao xuyến bồi hồi, màu hoa hình như cũng cảm thông với nỗi đa tình, thầm yêu trộm nhớ . Khi một người thơ thấy "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc" và thiết tha hơn nữa khi yêu nàng, chàng về nâng niu trồng hoa cúc, như một hình dáng quen thuộc thân thương lúc nào cũng gần gũi đợi chờ:

Liệu chàng còn yêu em
Như ngày xưa mới gặp
Chưa dám gọi tên nhau
Đã nghe lòng say đắm
Liệu chàng còn yêu em
Như ngày xưa thơ dại
Mùa thu áo em vàng
Chàng về trồng hoa cúc

Liệu Chàng Còn Yêu Em (Trần Mộng Tú)
Hẹn hò, nhớ nhung, ước mơ, xao xuyến, rồi chia ly, ngăn cách như mùa thu vời vợi đã cất bước ra đi, để nhà thơ nhìn bông hoa cúc với những cánh mỏng rụng rơi, mà thầm thương tiếc, nhưng vẫn mong mỏi đợi chờ như một giấc mơ xa:
...
Mùa thu đã đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn ba cánh sắp sửa rơi....

(Hoàng Nhuận Cầm)
Cúc đã đem lại một số cảm xúc lạ lẫm cho thi nhân, âm hưởng của hoa vẫn để lại một chút gì thương nhớ, còn in sâu trong tâm khảm, hay có thể chỉ là cơn gió đến rồi bay đi, cuốn đi trong cơn lốc lãng quên. Từ trong sâu thẳm của linh hồn, tình yêu "Cúc" (có thể là một bông hoa, hay là tên của cố nhân) "quanh năm mặc áo vàng hoa cúc, hoàng hậu yêu thương của mọi người"
trở thành ấn tượng tuyệt vời vẫn vô tình lai láng chảy về một chân trời vô định. Cúc trong sáng, đẹp đẻ, tươi mát, đã đưa tình yêu lên ngôi thần tượng, thầm lặng tỏa hương ngan ngát làm xao động tâm hồn lãng mạn của thi nhân:
Em yêu tất cả loài hoa tím
tất cả loài hoa rưng rức buồn
ai ướp lòng em hương thảo mộc
em đi thơm ngát những con đường
Có phải em từ một kiếp thu
mắt xanh lấp lánh ngấn sương mù
quanh năm mặc áo vàng hoa cúc
hoàng hậu yêu thương của mọi người
Em chứa trong tim triệu áng thơ
từng lời nói mở những ước mơ
tiếng em khoan nhặt nguồn âm nhạc
thao thức lòng ai những đợi chờ
Em hỡi em yêu... hỡi tiểu thư
lòng tôi coi bộ đã hình như
ánh trăng lấp ló bên song cửa
ngắm mái tóc nằm trên áng thư
Em hỡi em yêu... hỡi nữ hoàng
áo em vàng chở nắng thu sang
bàn tay mướt rượt nhành hoa tím
tôi lạc thơ từ em liếc ngang

Áo Vàng Hoa Tím (Lê Hân)
Em ra đi như cánh chim trời bay vút giữa ngàn khơi, để lại ai với khoảng trống bao la, nhưng rồi "Hoa cúc trái mùa vàng đến quắt quay"
bất chợt đem lại niềm an ủi, hy vọng, trong lời gọi thầm khe khẽ "hãy trở về nghe em" vì có lẽ hoa cúc bao dung, hoa cúc độ lượng vẫn luôn đem lại niềm tin yêu lay động hồn thơ:
Biết giấu vào đâu hai tay đầy nhớ
Những kẽ tay trơn vắng những ngón tay
Hãy trở về, nghe em! chiều độ lượng
Hoa cúc trái mùa vàng đến quắt quay
Chim sẻ lạc bầy giọng chấp chới bay
Cơn giông đã qua - chiều bơ vơ lại
Em sẽ về dẫu rồi đi xa mãi
Ta cũng bằng lòng như hoa cúc bao dung

Viết Trên Những Chiều Buồn (Hoàng Anh Tú)
Cúc đã đem lại sinh động tươi mát cho tình yêu, để cho người thơ phải đi tìm Cúc để đòi, và "yêu Cúc quá... đến quên già", tình yêu Cúc trong lòng thi sĩ, mang hạnh phúc muôn màu, ngồn ngộn sức sống, khó mà nhạt phai. Hoa và người đã đem lại mối quan hệ đẹp nghĩa tình, đắng cay, ngọt bùi và thấm thía:
Cúc đã mùa chưa em, Cúc ơi
Anh đi tìm Cúc đấy - để đòi
Câu thơ tình đã vàng Thu lấy
Lá ngại đền anh một... chiếc rơi
Đừng hỏi tình anh sao nông nổi
Anh yêu Cúc quá... đến quên già
Lúc anh kịp nhớ mình bao tuổi
Cúc với mùa Thu đã mãi xa

Thơ gửi Cúc (Trương Nam Hương)
Cúc đã đem lại cho mùa thu biết bao vẻ đẹp. Cúc tha thiết gắn bó với mùa thu, cúc hòa điệu giao cảm với mùa thu, đem lại bâng khuâng xao xuyến rạo rực cho thi nhân, người thơ đã chân thành bộc lộ trước hình ảnh trong sáng đẹp tươi của một loài hoa "thi khách trầm tư mơ dáng ngọc"
Giữa nụ Cúc vàng Thu bưóc ra
Bừng tươi lưng giậu, sáng sân nhà
Thanh thanh vạt áo đan hương sớm
Biêng biếc vành khăn cuộn nắng tà
Thi khách trầm tư mơ dáng ngọc
Người thơ ngơ ngẫn nhớ môi hoa
Nầy Em... cổ khúc ngàn năm trước
Xưa hẹn gieo vần.. có nhớ Ta??? 

Huyền Thoại (Vàng Anh)
Xuân Quỳnh là một nhà thơ lãng mạn đã diễn tả tình yêu như một khát vọng chân tình, bồi hồi và tha thiết khôn nguôi. Cúc hoa là một hình ảnh duyên dáng, một nguồn cảm hứng trong thơ Xuân Quỳnh, hay là nhân dáng của chính người thơ, như sự bộc lộ chân tình của Lưu Quang Vũ, người bạn đời của Xuân Quỳnh: "Cảm ơn em, em từ miền cát gió, Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng" (LQV). Hoa Cúc chính là biểu tượng đích thực của cái đẹp tinh tế, hồn nhiên trong vườn đời, đủ để Xuân Quỳnh phải tha thiết, vương vấn một cách rạo rực:
Có thay đổi gì không cái màu hoa ấy
Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu
Thời gian đi màu hoa cũ về đâu
Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là đã khác với em xưa
Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa
Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất
Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
Chỉ em là đã khác với em thôi
Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi
Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy
Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy
Màu hoa vàng vẫn cháy ở trong em.

Hoa cúc-1980 (Xuân Quỳnh)
"Màu hoa vàng vẫn cháy ở trong em" tạo nên ngọn lửa tình yêu tha thiết nồng nàn, hứa hẹn khát khao trong trái tim yêu triền miên bát ngát như trùng dương, tưởng chừng như chỉ có biển bao la mới hiểu được lòng thuyền (Thuyền và Biển). Đó là tiếng gọi của sức mạnh tình yêu và chỉ có người thơ mới cảm thông với tình vô biên của cúc, để mà thao thức, suy tư "trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc" giữa màn sương khói chập chùng của khung trời thu bao la bát ngát.
Vẫn con đường, vạt cỏ tuổi mười lăm
Mặt hồ rộng, gió đùa qua ké lá
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu...
Tôi đã qua biết mấy buổi chiều
Bao hồi hộp, lo âu và hạnh phúc
Tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc
Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên

Thơ Tình Cho Bạn Trẻ (Xuân Quỳnh)
Trằn trọc thâu đêm, cũng vì hình ảnh đáng yêu của bông cúc vàng, với trí tưởng bay bổng, tự hỏi trong giấc mơ của người tình phương xa, có gắn bó, thầm thương trộm nhớ loài hoa này, như nghĩa tình quyến luyến khôn vơi "anh mơ anh có thấy em"... để suốt đời người thơ vẫn mãi đi tìm kiếm, dù chỉ là giấc mơ xa, một chút sắc nắng vàng nhè nhẹ trải dọc trước bờ hiên, đem lại hình ảnh sống động tượng trưng của loài hoa cúc “Người đã ra đi khi mùa chưa hoa cúc, và ta mơ hoang một sắc nắng vàng”
Anh mơ anh có thấy em
Thấy bông cúc nhỏ nơi triền đất quê
Chiếc mo rơi ở bờ tre
Con sông thăm biển đã về rừng xưa
Đám mây về với cơn mưa
Con đường đi tới miền chưa có đường.

Hát Ru (Xuân Quỳnh)
Cúc lấp lánh vàng, đó là một sự pha màu hài hòa, đem lại sự sinh động tươi mát cho khung trời thu vốn ảm đạm, buồn hiu hắt. Sắc hoa cứ vàng tươi, hương hoa ngan ngát đong đưa "lùa trong áo" người tình tạo nên  một mùa thu kỳ diệu, một mùa thu mẫn cảm của hương trời nhụy đất ngất ngây... Cái diệu ảo của hương, cái thanh tân của lá, sự quyến rũ của màu, trong cảnh lạ của trời thu, tất cả đều để lại dấu ấn khó nhoà phai trong cõi lòng sâu thẳm của thi nhân:
Thu đến rồi sao, vàng lá múa
Vàng bay lấp lánh mấy thu xưa
Em đi hương cúc lùa trong áo
Tay khoác lưng chiều thơm nắng mưa

Mùa Lá Chín (Hà Huyền Chi)
Tâm hồn thơ đầy hoài niệm để suốt đời ray rứt nhung nhớ, thương yêu, và hình ảnh của hoa cúc vàng vẫn gắn bó thủy chung "Hoa cúc và em quấn quýt tim người". Trời Thu Paris của thi sĩ Hà Huyền Chi đã mang một màu sắc gợi cảm, "lãng đãng men say", để người thơ phải lạc bước chơi vơi giữa những liên tưởng dạt dào bay bổng. Những kỷ niệm nhẹ nhàng trôi theo nhịp điệu êm ái, cứ mãi xôn xao đong đầy nỗi nhớ mênh mang, ấm áp lòng người...
Anh sẽ mãi nhớ vuông cửa sổ này
Trời thu Paris lạnh ngắt mầu mây
Mùa thu qua em lá vàng sắc bướm
Khói thuốc như lòng lãng đãng men say
Giọt cà phê xanh nhỏ vào tiếng hát
Anh nhắp men thu thơm những ngày sương
Mượn đỡ bờ vai ru đời tan tác
Mái tóc hoan cười nụ biếc phong hương
Vạt áo em bay thu vàng lối gió
Hoa cúc và em quấn quýt tim người
Mãi nhớ bờ vai, nhớ vuông cửa sổ
Paris và thu cùng rớt xuống đời

Paris Và Em (Hà Huyền Chi)
"Đầu thu giọng bé vàng hoa cúc, Ta ước ngây say đến cuối đời"... Hoa cúc vàng hay là hình ảnh cô bé ngây thơ là nguồn cảm xúc vô tận, mà tươi mát, nồng nàn cho thơ phải bật thốt thành lời, cho thi nhân ngây ngất trong từng khoảng đời, cho lời tự tình dội vang từng nhịp điệu trong không gian, thời gian vô tận, cho dù ẩn dấu ở nơi chốn nào trong dĩ vãng, hiện tại hay tương lai, của những ngày đầu đời hay đến cuối đời, để người thơ dựa vào đó và cảm thấy vơi đi "nỗi sầu xa xứ", và niềm vui bất chợt reo lên vì đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu "Ta uống từng lời ngọt ý môi, Nửa đời lận đận bỗng vèo trôi..." ...

Bé nói cho đầy những tuổi xa
Những lời tinh mật những lời hoa
Những hơi thở ấm như men rượu
Những tiếng cười chim lảnh lót ca
Bé nói cho trời xuống thấp hơn
Cho mây lang bạt tạm nguôi hờn
Cho ta với nỗi sầu xa xứ
Cơm áo phong trần bớt héo hon
Bé nói cho ngày thâu ngắn đêm
Cho ta với máy dịu dàng điên
Dặm dài dốc mỏi chân cao thấp
Nương chút ân tình để lãng quên
Giọng bé đưa ta vào dĩ vãng
Sông từng nhánh biếc chảy vào thơ
Đong đưa nhịp võng ru ngày hạ
Thoang thoảng chùm ngâu dỗ giấc trưa
Ta uống từng lời ngọt ý môi
Nửa đời lận đận bỗng vèo trôi
Đầu thu giọng bé vàng hoa cúc
Ta ước ngây say đến cuối đời

Vàng Hoa Cúc (Hà Huyền Chi)

Mùa thu với hoa cúc vàng là như thế, một thoáng hương linh diệu, nồng đượm từ đất sâu, tha thiết từ lòng cây, thăm thẳm trong hồn thi nhân, và bất chợt những nhánh thơ đâm chồi, nẩy lộc, đơm bông, thể hiện những ao ước trữ tình, những mộng mơ thầm kín, những kỷ niệm khó mờ phai trong tâm hồn của người đã một lần cất bước tình trăm năm, như một lời tâm sự gửi gắm từ buổi ban sơ, thẹn thùng và duyên dáng:
Áo vàng hoa cúc phơi lưng dậu
Sân gió hương lùa thơm ý thu .
Ngày mai chị sẽ sang nhà khác
Năm tháng mình em gói đợi chờ ...
Em vẫn làm thơ chưa yêu đương
Mùa thu tựa cửa chưa vội vàng
Ngày mai chị sẽ sang nhà khác
Em mặc áo vàng tiễn chị sang
Em, một mình em tóc xõa sầu
Mùa thu áo mỏng dệt hoa ngâu
Môi chợt hồng lên và má ửng
Thẹn thùng, vấn vương chuyện mai sau ..
Chị ơi sao chị chẳng về thăm
Em chị, hôm nay đã biết buồn
Hồn nhiên năm cũ còn đâu nữa
Mùa thu xa rồi hết ước mong ...

Bài Thơ Mùa Thu - 1960 (thơ Bích Huyền, nhạc Phạm Anh Dũng)
Không ai có thể dửng dưng với mùa thu, khi nhìn thấy đóa cúc vàng, những màu hoa, sắc hoa, dáng hoa của những ngày xưa ngóng đợi... như cất lên những lời đồng cảm với người thơ, những hoài niệm trong trí tưởng chừng như bật sáng ngời, mời mọc người thơ, bồi hồi không yên, thêm một lần dấn thân về vùng đất cũ, tìm lại chút hương xưa trong nỗi nhớ vô cùng...
Giữ gì tình ơi? đôi mắt đưa
Lạc thơ lạc cả hồn ngủ trưa
Trở về đi giòng sông ngày cũ
Có nhánh cúc vàng đợi hiên xưa .

Vàng Phai (Ấu Tím)
Về hiên xưa để tìm lại... "cúc nở trong vườn em... cúc nở xinh thật xinh, như vui mãi một mình , dù tình xưa mờ nhạt..." Hình ảnh của "cúc nở xinh thật xinh"... vẫn mãi là hình ảnh lung linh sống động, làm tươi mát cả khung trời tuổi thơ yêu dấu, dòng sông kỷ niệm ngọt ngào gợi nhớ, thiết tha bao ý tình. Hồi ức chứa chan tìm về vườn xưa, nơi đó là cả một khung trời yêu bỗng xao động, ngỡ ngàng, thổn thức trong âm điệu bâng khuâng, man mác buồn theo nỗi "nhớ nhung nào cho vừa, khung nhạc trầm run rẩy...":
Cúc nở trong vườn em
Giơ tay! xin chớ hái
Em sợ hoa cúc tàn
Mùa Thu chùng tê tái
Cúc nở xinh thật xinh
Như vui mãi một mình
Dù tình xưa mờ nhạt
Cúc vẫn xinh thật xinh
Cúc nở riêng một mình
Cả khối tình rực rỡ
Ánh nắng vàng lung linh
Thinh không ngây bỡ ngỡ.
Cúc nở bên rào thưa
Nhớ nhung nào cho vừa
Khung nhạc trầm run rẩy
Cúc lặng thầm gió đưa...

Hoàng Cúc (Ấu Tím)
Trong sương lạnh của ban mai vào đầu thu, chút nắng sớm dịu dàng bám trên đọt cây kẽ lá của chậu cúc vàng, càng làm tăng thêm vẽ đẹp lộng lẫy của "nữ hoàng"... đang thầm lặng tỏa hương...

Phải qua vườn trái cây
Mà bỗng dưng thơm lạ
Mùi hương nào khó quên
Vương vất sau vòm lá
Ôi! Bé dễ thương quá
Trái cóc - hoa cúc vàng
Bé đem theo trong giỏ
Mùi hương bay lang thang
Tôi lạc bước giữa đường
Bởi mùi hương... con gái
Thu qua là đông tới
Nao nao cùng heo may...

Bé Như Là Hoa Cúc (Trần Thị Khánh Hội)
Dù bốn mùa có tuần tự đổi thay, nhưng lòng người vẫn thủy chung bất biến, vẫn ôm ấp hình ảnh của bông cúc vàng ăm ắp những nỗi nhớ khó nhòa phai của mùa thu hoài niệm "Tim anh đã niệm từ vàng cúc xưa"
Mùa hè mọc cỏ may hồng
Rằng em trời nắng phải lòng trời Thu
mùa thu cúc trổ vàng như
Tim hướng dương đã nở từ lòng anh
Cuối thu người mộng áo xanh
Em làm chim nhỏ bay quanh mắt chàng
Ban ngày chim hót mây tan
Ban đêm chim mộng ru ngàn lời thơ
Ban ngày anh tỉnh giấc mơ
Thấy ra rừng trúc tàn chờ Đông sang
Mùa đông mưa có bạt ngàn?
Tim anh đã niệm từ vàng cúc xưa
Trên trời lệ đổ giòng mưa
Sông Ngân tháng bảy bây giờ là đâu???

thơ B.C.D.
Những hoa cúc vàng như muốn đùa cợt với chút nắng vàng phơn phớt, không phải chỉ tô điểm cho hàng dậu, bờ rào, hiên nhà, con đường cỏ hoa ai đi... nhưng hoa cúc còn là sắc màu trang điểm cho tà áo em bay, làm cho trái tim yêu phải rung lên ngàn cung bậc...

Hoa cúc vàng trước ngõ
Ong thu về lượn quanh
Ánh bình minh mời ngỏ
Ngọn cỏ vẫn còn xanh
Gió thu về man mát
Thì thầm như gọi em
Hương thu thơm ngan ngát
Yên nằm giọt sương đêm
Hoa cúc vàng đẹp lạ
Ưỡn mình như ngóng ai
Ong bướm bay muôn ngã
Ngắm hoa vàng trang đài
Gió heo may lành lạnh
Thương mùa thu vừa qua
Riu riu thổi nhè nhẹ
Ánh nắng mai hiền hoà

Thương Mãi Mùa Thu (Nguyên Đỗ)
Cúc vẫn luôn đem lại những âm điệu triền miên, những cảm giác hòa nhịp với tâm tư thầm lắng, cái xôn xao khó tả của lòng người khi trời đã bắt đầu vào thu:
Lại bắt đầu mùa thu
Không lẽ gió cũng thở dài như thế
Hoa cúc nở vào say mê cũ
Những chấm lặng rực rỡ dở dang
Đâu chỉ có mùa thu mới nhắc mình buồn
Anh vẫn đâu đây trên thế gian nhưng không còn thuộc về em nữa
Như heo may dẫu nồng nàn đến thế
Mà biết đâu cúc vẫn nở trái mùa

Hoa Cúc - 1996 (Đường Hải Yến)
Thu và hoa cúc đem lại sự nao nức cho lòng người, lay động hồn thơ, tạo những âm thanh lưu luyến, những cảm xúc bộc phát, tuôn tràn, có thể là những giọt lệ xót thương, tủi hờn cho riêng một thế giới có thể là thất vọng chia xa, nuối tiếc ngày xưa, hay hoài vọng mong ước gặp gỡ trong niềm hy vọng ngày mai chợt sáng. Thu và Cúc đã đem thơ đến những miền xa xăm và sâu thẳm của tâm hồn, tạo nên những tiếng nói kỳ diệu của con tim nhạy cảm:
Có một loài Hoa trổ nụ vàng
khi trời trở lạnh gió mùa sang
e ấp ôm tình hương thu lạnh
trao cả tình anh đón Cúc vàng...

Tình Hoa (Tuấn Đăng)
Thu Sắp về rồi đó Cúc ơi!
Hoa Vàng áo đẹp dáng em cười
đêm nay trăng về treo đèn mộng
nguyện ước ngàn sao sáng giữa trời
Thôi em ! đừng để lệ anh rơi
thương nhớ bao lâu đã đủ rồi
thức dậy cùng anh so cung phím
anh hát ru em mãi suốt đời ...

Thu Vàng (Tuấn Đăng)
Thế là hương ổi đi chơi
Sông co mình lại, núi ngồi gầnh ơn
Sẻ đồng tụ nóc cây rơm
Ve ngưng hát, dế hãy còn rỉ rê
Góc vườn hoa cúc vàng hoe
Như từng đốm nắng mùa hè chưa tan...

Sang Thu (Mai Văn Hai)
Chân dung của tình nhân qua hình ảnh của hoa cúc vàng như một bức họa thân quen, tiềm ẩn trong tiềm thức của người thơ, xuất hiện đột ngột, bất ngờ đem lại nhiều thi vị ngạc nhiên, lạ lùng, trong trí tưởng của người thơ:
bèo dạt mây trôi...
em ơi anh vẫn đợi...
Chẳng là em phía bên kia bếp lửa
Tách trà thơm không ấm nổi gian phòng
Cánh hoa cúc rũ buồn rơi rất nhẹ
Tiếng chim nào kêu lạc giữa tầng không
Vắng em rồi phía bên kia bếp lửa
Tiếng bập bùng tí tách cũng thôi vui

Bên Kia Bếp Lửa (Phan Vinh Nguyen)
Nhìn lá vàng anh ngỡ là hoa cúc
Thu đã về anh cứ tưởng Xuân sang
Vì nuối tiếc ngày xanh qua vội quá
Soi hồ Thu ánh mắt thấy ngỡ ngàng

Thu Cảm (Tân Văn)
Vài đóa Cúc vàng nở sớm mai
Long lanh nhành lá hạt sương cài
Đất trời cảnh sắc như vàng dát
Một thoáng thu về, chợt nhớ ai

Thu Sớm (Thái Bình Nam)
Cúc tần là loại hoa hình ống màu tím, thường mọc ở đồng cỏ, bờ đê, hàng rào. Màu tím dịu dàng của dậu cúc tần đã đem lại những cảm giác bâng khuâng ngỡ ngàng vì hoa có thể là hình ảnh, bóng dáng của một giai nhân nào đó đã ngự trị trong tâm hồn thi nhân, phải chăng "người là hoa của đất" (tục ngữ), nhìn hoa nhớ người, yêu người, để rồi một mai kia gặp cảnh bẽ bàng, người đã sang ngang ..."Em giờ... là của người ta, Của riêng tôi... một giậu hoa cúc tần" để mà nhớ mà thương mãi một bóng hình xa xôi ngàn trùng...

Ngày xuân bên giậu cúc tần
Chiều mưa em đứng bần thần đợi tôi
Thế rồi năm tháng cứ trôi
Giậu xanh ngày ấy, khoảng trời thu sang .
Ngày tôi tạm biệt xóm làng
Em tròn mười tám nhẹ nhàng bước chân
Chia tay bên giậu cúc tần
Em rằng năng đến đỡ đần mẹ tôi
Thế rồi cách trở xa xôi
Bờ cây ngày ấy ai người đợi ai
Bây giờ trúc đã quên mai
Mẹ tôi già yếu nào ai đỡ đần?
Và... cho đến một ngày xuân
Có người thiếu phụ dừng chân cổng nhà.
Em giờ... là của người ta
Của riêng tôi... một giậu hoa cúc tần
Của riêng tôi: phút tần ngần...

Bên Giậu Cúc Tần (Nguyễn Ðại Nghĩa)

I'd choose to be a daisy
I'd choose to be a daisy
If I might be a flower
Closing my petals softly
At twilight's quiet hour
And waking in the morning
When fall the early dew
To welcome Heaven's bright sunshine
And Heaven's bright tear-drops too.
Anonymous Author

Xin được làm cúc trắng
Nếu tôi hóa kiếp đời hoa
Xin làm cúc trắng thướt tha dịu mềm
Trầm tư cảnh vắng chiều êm
Dịu dàng khép cánh màn đêm thẫn thờ
Vầng dương chợt động cơn mơ
Ánh mai hé mở như chờ đợi hoa
Lung linh những hạt sương sa
Cùng tia nắng mới chan hòa niềm vui
Bỗng dưng xao xuyến ngậm ngùi
Hồn hoa thổn thức khung trời lệ rơi...
Hải Đà
Cúc và Hàn Mạc Tử
Thi sĩ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ trữ tình đậm đà tha thiết với một bóng hình của một giai nhân có tên là Hoàng Cúc. Đây là chuyện tình có thật, dù là song phương hay một chiều, nhưng hình ảnh của kiều nữ có tên là Hoàng Thị Kim Cúc đã là động cơ đưa đến sự xúc cảm cho hồn thơ Hàn Mạc Tử tuôn trào thành những giai điệu lãng mạn ngợi ca một bông hoa biết nói có tên là Hoàng Cúc. Bài thơ Hồn cúc đã nói lên mối tình tha thiết của chàng:
"Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.
Hồn Cúc (Hàn Mặc Tử)
... Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Sau đó, nàng bắt đầu ăn chay trường, trở thành cư sĩ, sống cuộc đời lặng lẽ bí ẩn. Cũng trong năm đó, Hàn Mặc Tử in tập Gái quê, là tập thơ mới đầu tiên kể từ khi chàng bỏ làm thơ Đường luật. Mặc Tử mang theo một số tập ra Huế, và gặp lại Hoàng Cúc trong dịp hội chợ nhưng không dám tặng. Mặc Tử cũng tìm đến Vỹ Dạ - nơi ở của Hoàng Cúc - nhưng chỉ đứng ngoài cổng một lúc rồi bỏ đi. Nhiều năm sau đó, hai người không còn liên lạc gì với nhau. Một hôm, Hoàng Cúc nghe tin Mặc Tử bị bệnh phong, liền gửi thư thăm hỏi. Quá cảm động, Mặc Tử đã sáng tác bài Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng nàng. Chuyện tình Hoàng Cúc - Hàn Mặc Tử cũng có những điều gây tranh cãi như trường hợp Mộng Cầm..." (tài liệu của Phan Tâm).
Người và hoa, hoa và người, có những gắn bó mật thiết, là những hòa hợp giữa hình ảnh, âm thanh, hương vị và màu sắc, đã là chất liệu xúc tác mạnh mẽ cho những bài thơ của Hàn Mạc Tử ngợi ca cái vẽ đẹp thanh tao, duyên dáng, đậm đà và nồng nàn cho loài hoa mang tên người yêu:
"Thích trồng hoa cúc để xem chơi
Cúc ngó đơn sơ, lắm mặn mòi.
Đêm vắng gần kề say chén nguyệt
Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui"

Trồng hoa cúc (Hàn Mạc Tử)
Trong Đường Thi cổ xưa, thi sĩ Đào Tiềm đã tìm đến hoàng cúc như một người bạn tâm giao tri kỷ, thì thì sĩ Hàn Mạc Tử cũng tha thiết ôm bóng hình của Hoàng Cúc, như một người tình trong mộng, chập chờn ẩn hiện trong những dòng thơ cổ điển man mác, đến nao lòng... "trong đời tri kỷ chỉ riêng ta" ...

Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta

Vịnh hoa cúc (Hàn Mặc Tử)
Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mạc Tử đã được khởi nguyên từ mối tình của thi nhân với Hoàng Cúc, với vẻ đẹp huyền ảo, như thơ như mộng .Theo tài liệu của nhà văn Trần Thanh Địch, bạn thân của thi sĩ Hàn Mạc Tử: "mối tình của nhà thơ với Cô Hoàng Thị Kim Cúc hồi ở Quy Nhơn những năm 1932-1933. Ông thân sinh cô Cúc là viên chức Sở Đạc Điền và Hàn Mạc Tử cũng làm việc ở đó rồi bỏ đi làm báo vài năm ở Sài Gòn, khi Hàn Mạc Tử trở ra Quy Nhơn thì cô Kim Cúc đã về Huế ở thôn Vĩ Dạ. Ít lâu sau, biết Hàn Mạc Tử bị bệnh nan y, có người em họ gợi ý, Cô Cúc gửi cho Hàn Mạc Tử một tấm bưu thiếp thăm hỏi sức khỏe, và Hàn Mạc Tử gửi bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ đáp lại với lời cám ơn"

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Diễm lệ tình em tạo dáng nhung
Bừng lên khai điệu khúc thu trùng
Trầm tư một thuở rừng thay lá
Hương sắc hoàng hoa thấm mộng trung
E ấp đồi mơ sương hé nụ
Môi thơm hoàng phái ngát triều cung
Lung linh ánh nguyệt đêm sầu tận
Thổn thức đàn hoa tiếng thủy chung...
Hải Đà
Hoa cúc tiềm ẩn một sức sống bền bĩ, một vóc dáng thanh tao, ung dung và điềm đạm. Cúc đem lại những màu sắc tưoi mát, rực rỡ tô điểm cho mùa thu vốn thê lương ảm đạm. Cúc như muốn phà hơi thở hồi sinh, mầm sống cho tiết trời, gieo niềm hoan lạc cho đời sống và con người trong mọi nghịch cảnh, làm ấm áp lòng người. Cúc khi tàn, các cánh lại càng gắn bó khăng khít bền chặt với nhau, tượng trưng cho tình chung thủy, luôn tha thiết mặn nồng, dẫu cho đời dâu bể thăng trầm. Con đường cúc hoa trải thảm đường thi, ngan ngát hương thu, man man xao xuyến, đủ để giao động hồn thơ. Cúc không riêng là tri kỷ của người muôn năm trước, cúc vẫn luôn là tri âm của mọi người khi trời se se lạnh, bắt đầu vào thu... Hình ảnh cao quí của cúc luôn đằm thắm, gần gũi trong lòng thi nhân, ẩn hiện trong những giấc mơ lãng mạn qua những áng thơ ca trữ tình diễm tuyệt...
Có phải em là nữ chúa Thu?
Khai nhan lộng lẫy chốn sa mù
Muôn loài hoa khác tiêu điều dáng
Chỉ một mình em nét đặc thù
Ngạo nghễ dưới trời sương tuyết phủ
Kiêu sa trước cuộc sống phù du
Đào Tiềm một thuở tìm tri kỷ
Chỉ có hoàng hoa sánh trượng phu
Hoàng Hoa (Hải Đà)

Hải Đà - Vương Ngọc Long
(Ghi chú: Những bài thơ trích dẫn trong bài viết này nếu có gì lầm lẫn hoặc thiếu sót, xin tác giả hoặc độc giả vui lòng email về: vuonghaida@yahoo.com, chúng tôi sẽ xin sửa sai lại. Trân trọng cám ơn. Hải Đà)

Thu sầu dạo khúc thê lương
Nỗi buồn từ thuở ly hương lưu đày
Mơ quê xa lắc đường dài
Hoa vàng chợt thấy gửi ai đôi lời
Gió sương ngạo nghễ hoa cười
Mặc thu tàn úa, vẫn tươi thắm ngàn
Cha xưa yêu đóa cúc vàng
Lòng con ly xứ muôn vàn nhớ Cha

Hải Đà
Hải Đà - Vương Ngọc Long
Theo http://www.vuonghaida.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...