Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Biểu tượng mùa trong thơ ca Trung đại - Sự lưu chuyển tâm trạng của nhân vật

Biểu tượng mùa trong thơ ca Trung đại 
Sự lưu chuyển tâm trạng của nhân vật
Trong thơ ca, nhất là thơ trung đại, các tác giả thường dùng ngoại cảnh để miêu tả tâm cảnh đó chính là tính chất ước lệ của văn học cổ điển. Việc sử dụng biểu tượng mùa không chỉ đơn thuần biểu thị ý nghĩa thời gian mà còn là đối tượng để biểu thị tư tưởng, tình cảm của tác giả và nhân vật trong tác phẩm.
Thời gian mùa thu với các biểu tượng cũng được nhắc đến khá nhiều với mục đích biểu cảm. Hình ảnh lá vàng, sự tàn úa luôn được nhắc đến trong thơ ca trung đại với cảm giác tàn tạ, phôi pha, gắn liền với tâm trạng buồn bã:
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
(Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du)
Biểu tượng mùa thu cũng xuất hiện dày đặc với ý nghĩa thể hiện nỗi buồn, sự cô đơn, đau đớn của nhân vật Thúy Kiều. Phần lớn những câu thơ miêu tả mùa thu đều là những câu thơ buồn, gợi tâm tư tình cảm buồn. Ví như nỗi buồn của Kiều khi phải ra đi cũng Mã Giám Sinh:
- Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người.
- Rừng thu từng biếc xen hồng,
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hoặc nỗi buồn chia tay Kim Trọng để chàng về Liêu Dương hộ tang:
Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cảnh quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Dù vậy, Nguyễn Du cũng vẫn dùng mùa thu để diễn tả sự thanh thản, vui vẻ trong tâm hồn con người bởi ngoài nét buồn, mùa thu vẫn có một vẻ đẹp nhẹ nhàng phù hợp với tâm trạng bình yên. Đó là những câu thơ viết về mùa thu yên ổn, thanh bình khi Kiều sống với Thúc Sinh:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành bích đã chen lá vàng.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hay một bức tranh thu tuyệt vời:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Cảnh sắc tươi đẹp ấy chỉ có thể có được trong con mắt một người đang trào dâng trong lòng một niềm vui. Quả thật lúc này tâm trạng Thúc Sinh đang phơi phới bởi chàng ngỡ rằng Hoạn Thư không biết chuyện “vườn mới thêm hoa” của mình.
Có thể nói trong văn học, thiên nhiên chính là môi trường tốt nhất để nhân vật giãi bày tâm sự của mình. Chinh phụ ngâm khúc tả cảnh thiên nhiên bốn mùa bằng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng không chỉ thể hiện sự trôi chảy của thời gian mà còn diễn tả tâm trạng chờ đợi, mong ngóng chồng của người chinh phụ, dai dẳng kéo dài từ mùa này qua mùa khác:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật sinh động với âm thanh của tiếng quyên ca, tiếng líu lo của ý nhi như vội vã, như gấp gáp. Nàng nhớ đến lúc chồng ra đi vào mùa đông (oanh chưa bén liễu), hẹn ngày về vào mùa hè (ước nẻo quyên ca). Vậy mà khi hè tàn (quyên giục oanh tàn), lại tới mùa xuân năm sau (ý nhi lại gáy), người chồng của nàng vẫn bặt tin. Đó là sự cảm nhận vòng tuần hoàn của thời gian qua hình ảnh các loài chim biểu tượng của các mùa, sự chờ đợi, ngóng tin chồng của chinh phụ dai dẳng, kéo dài hết mùa này sang mùa khác:
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại rã bên sông ba sòa.
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Cũng trong tâm trạng ấy, người chinh phụ cảm nhận thời gian bốn mùa qua hình ảnh các loài hoa. Hình như chàng lên đường vào mùa thu, khi mai trắng còn chưa biết đến gió đông, hẹn ngày trở về vào mùa xuân - lúc đào trổ bông. Nay đào đã tàn và gió xuân cũng không thổi nữa, hè đã đến và sắp qua, hoa phù dung đã nở bên sông mà vẫn chưa thấy chàng về.
Hai bức tranh thiên nhiên bốn mùa với những hệ thống hình ảnh biểu tượng khác nhau nhưng cùng để chỉ một trạng thái tâm trạng của người chinh phụ. Đó chính là tâm trạng buồn, bế tắc trước hiện thực, sự thất vọng vì ngóng đợi trong cô đơn kéo dài. Cùng một thời điểm tâm trạng nhưng được soi chiếu nhiều chiều bằng nhiều hệ thống biểu tượng thiên nhiên bốn mùa, nên tác phẩm không đem lại cho người đọc cảm giác nhàm chán, mà ngược lại đã phản ánh sâu sắc, cụ thể hơn tâm trạng, tiếng thở dài thất vọng và bất lực của người chinh phụ.

Nếu như theo lẽ thường, mùa xuân là mùa sinh trưởng, là mùa đẹp nhất trong năm đồng thời cũng là mùa biểu hiện bước đi gấp gáp của thời gian, thì mùa xuân trong tác phẩm đi qua đồng nghĩa với một năm chờ đợi đã trôi qua. Sự vận động của mùa xuân biểu hiện ở sự vắng bóng của cảnh vật, gợi lên nỗi thất vọng trong chinh phụ về những điều không trở thành hiện thực:
Gió xuân ngày một vắng tin
Cùng với mùa xuân là sự tàn lụi của mùa thu:
Gió tây nổi không đường hồng tiện
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa
Mùa thu là mùa báo hiệu sự tàn úa của thiên nhiên cảnh vật. Do vậy, trong văn học cổ, mùa thu thường gắn với nỗi đau, sự chia ly và xa cách. Các tác phẩm ngâm khúc không nằm ngoài quy luật đó. Mùa thu trong ngâm khúc là mùa thu tâm trạng, mùa thu thấm đẫm nối buồn của nhân vật trữ tình, khi man mác ở bức tranh thu Chinh phụ ngâm, khi đơn cối giá lạnh trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều:
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ ý lạnh ngắt như đồng
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)
Khi tê tái trong “Ai tư vãn” của Lê Ngọc Hân:
Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan hoa héo don don
(Ai tư vãn - Lê Ngọc Hân)
Sự hiu hắt của gió, sự giá lạnh của mưa hay sự héo hon của hoa... đều gợi sự đơn côi, giá lạnh trong lòng người thiếu phụ đang mòn mỏi vì chờ đợi.
Hay:                       
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.
Một khung cảnh thiên nhiên với cảnh mùa đông có sương xa, mưa giá, sương không phải nhỏ thành giọt, không phải gieo đầm đìa mà như búa bổ. Mưa không phải tuôn nước mà như cưa xẻ đã làm cho khung cảnh thiên nhiên càng thêm lạnh lẽo, tiêu điều, thê lương. Thiên nhiên khắc nghiệt làm cảnh vật tàn phai.

Hai hình ảnh sương và mưa là đặc điểm của thời tiết, đều gợi sự lạnh lẽo. 
Nhưng trong con mắt của người chinh phụ, mưa và sương được ví như cưa, búa  có sức tàn phá làm cây héo mòn, sức sống cứ mai một dần. Tâm trạng chinh phụ nhớ nhung sầu muộn cũng vì vậy mà được cụ thể hóa qua biểu tượng mùa đông này.
Trong khung cảnh thiên nhiên buốt lạnh tuyết sương ấy, vang lên những âm thanh lắng đọng của giọt sương rơi, tiếng kêu của sâu tường, tiếng mưa rơi rả rích... lại càng làm cho khung cảnh thiên nhiên thêm hoang vắng, tiêu điều. Thiên nhiên như khơi sâu, bào mòn chút nghị lực còn lại của người trong cuộc. Đằng sau bức tranh tả cảnh ấy, người đọc có thể hình dung được hình ảnh người chinh phụ đang chìm sâu trong tâm trạng nhớ nhung, khắc khoải, thao thức suốt năm canh.
Thiên nhiên của nỗi nhớ với sự xuất hiện của các hình ảnh có sức gợi lớn, những âm thanh đơn độc, vang vọng của sâu tường, của mưa... không làm cho khung cảnh thiên nhiên bớt hoang lạnh mà ngược lại, càng tô đậm sự hoang vắng của cảnh vật. Đúng như câu thơ:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Truyện Kiều -Nguyễn Du)
Có thể nói, để diễn tả tâm trạng thất vọng vì chờ đợi, diễn tả sự cô đơn, lẻ loi trong lòng người chinh phụ, tác giả khúc ngâm đã dựng nên bức tranh bốn mùa với hệ thống biểu tượng phong phú. Bức tranh thiên nhiên bốn mùa ấy là tín hiệu thời gian và thể hiện tâm trạng chủ thể trữ tình. Đó là nỗi nhớ da diết, triền miên theo thời gian, đã được ngòi bút tác giả khắc họa sâu sắc qua bút pháp tả cảnh ngụ tình rất tinh diệu.
Tóm lại, qua biểu tượng thiên nhiên bốn mùa của thơ trung đại đã cho chúng ta thấy tâm hồn thanh cao, tình yêu thiên nhiên của các nhân vật. Tâm hồn họ gắn bó với thiên nhiên hòa quyện trong một niềm cảm thông như giữa những người bạn. Biểu tượng bốn mùa được nhắc tới nhiều, đó là khoảng thời gian dành cho những suy tư, trăn trở. Vì vậy, các hình ảnh biểu tượng mùa chính là đối tượng để nhân vật bộc lộ cảm xúc.
1/11/2017
Bế Diệu Hồng
Theo http://lce.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...