Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Những chương đời trong sâu lắng

Những chương đời trong sâu lắng (*)
Đến với văn chương khá muộn, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, Nguyễn Hải Yến đã dần khẳng định tên tuổi của mình qua các tác phẩm đăng trên các tờ báo uy tín. Ngoài tập tản văn đầu tay “Mảnh mai khói rạ” đậm chất thơ, xuất bản năm 2016, Nguyễn Hải Yến vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tay Quán Thủy Thần. Tập truyện gây ấn tượng mạnh với độc giả và khẳng định giọng điệu riêng, cách khám phá, tái hiện đời sống rất riêng của chị.
Với 10 truyện ngắn, gần 200 trang, tập truyện Quán Thủy Thần khẳng định một lần nữa sở trường của Nguyễn Hải Yến khi viết về nông thôn với hai phong cách: hiện thực và hiện thực huyền ảo. Truyện của chị đã miêu tả chân thực, tinh tế, sống động cuộc sống của gia đình, xã hội, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng cũng không thiếu những hủ tục, lề thói quan liêu, tệ nạn, “đưa người đọc trở về những khung cảnh ẩn trong không gian trầm mặc màu cũ - màu thời gian, ký ức và màu của tình người”.
Mỗi truyện đều có sự hóa thân, đồng cảm đặc biệt giữa người viết và nhân vật bằng tấm lòng thương cảm, thấu hiểu tận cùng những bi kịch của kiếp người, nhất là những người phụ nữ bất hạnh, trải qua nhiều nỗi truân chuyên: Bà cụ Thao trong Nhân gian một cõi, vợ Tuân trong Giếng mắt Rồng, bác Cả trong Hoa đại đỏ... Truyện của chị đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đã đọc là mải miết, một mạch; đôi lúc lại cười tủm tỉm, cười phá lên hả hê; đôi lúc thấy cay xè sống mũi, cuối cùng lại im lặng ngẫm ngợi. Thậm chí có lúc ta phải dừng lại, để cơn nghẹn ngào qua đi, để nỗi đau đàn bà dịu lại trong tim. Làm được điều đó chứng tỏ Nguyễn Hải Yến phải có một trái tim chan chứa yêu thương, trăn trở về cuộc sống, về lẽ đời, về số phận của con người trước những va đập của đời sống thì mới đem lại cho người đọc những rung cảm về cuộc đời và tình người sâu lắng đến vậy.
Nhân vật của Nguyễn Hải Yến như những con người thực trong cuộc đời mà ta đã từng gặp ở đâu đó. Trong tập truyện này, chỉ trừ nhà Thanh Thưởng trong Gió lên thả ngọn đèn trời là chồng một nơi vợ một nẻo, còn lại dẫu sống hay không sống thì tất cả đều tìm mọi cách về với nhau, hướng đến nhau: Em gái tìm anh trong Cây mẫu đơn hoa trắng, Thủy thần tìm vợ dưới gốc gạo già Quán Thủy Thần, cô gái chờ người đón đêm 30 Tết với vòng hoa mơ dại Giàn mơ dại và cô gái dành dành vẫn muôn đời chờ người cũ bên bến sông Dành dành cánh kép…
Cách viết của Nguyễn Hải Yến hóm hỉnh mà sâu sắc. Giọng văn biến hóa vô cùng linh hoạt. Nhiều truyện đậm chất thơ, “thơ” từ cách đặt tên tác phẩm, gieo vào lòng người đọc một cảm xúc bâng khuâng như Đi giữa trời xanh mây trắng, Lục bát về gõ cửa mùa xuân, Gió lên thả ngọn đèn trời. Cái hư và thực hòa quyện đầy nỗi niềm trắc ẩn như trong Quán Thủy Thần: “Vực Thủy thần không còn nữa. Cả cây gạo. Cả cầu qua tất cả biến mất như chưa từng có bao giờ. Bến bình yên như hàng trăm năm vẫn thế. Và người chở đò ngang nói rằng ông nghe kể, phía dưới nữa hạ nguồn cũng có một bến sông. Có một vực Thủy thần sóng dựng lên thành vách, quanh năm nước réo ồ ồ như tiếng âm binh. Ở đó có một cây cầu quán cũ, mái ngói âm dương xô từng mảng, nằm bên gốc gạo già. Cô chủ quán ánh mắt mềm như sóng, những ngón tay loang màu rượu, mỗi đêm con nước lại treo cây đèn chai lên cột quán, ôm đứa con gái nhỏ với mõ cá trong tay, hướng về vực sâu hun hút đợi chờ. Cái quán ấy, về sau dân làng gọi là Quán Thủy Thần”.
Mạch truyện ngồn ngộn chất quê, chất đời. Phải là người đã đi qua hai thế kỷ, trải nghiệm cuộc sống khó khăn trong và sau những năm chiến tranh, với tài quan sát tinh tế nhạy bén mới thực sự hiểu, cảm và tái hiện chân thực những số phận, những tính cách con người rất điển hình, như nhân vật bà cụ Thao trong Nhân gian một cõi. Trải qua bao biến cố của cuộc đời, bà mẹ chồng ấy vượt lên những nhẫn nhục chịu đựng, bề ngoài luôn tỏ ra cay nghiệt, ghê gớm nhưng bên trong là một trái tim ấm áp, là tấm lòng nhân hậu, yêu thương dành cho con dâu.
Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến rất chân thực và cảm động về cõi đời, về lòng người. Vì vậy, khép trang sách lại ta vẫn thấy rưng rưng, ám ảnh và điều quan trọng là ta được tiếp thêm niềm tin vào tình người, tình đời.
PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét tập truyện Quán Thủy Thần là “dày dặn, đậm đà, thương cảm về cõi nhân gian của người Việt hiện đại… Truyện nào cũng buồn, dù nỗi buồn có khi đến thắt ruột, có lúc lại sáng trưng, nhẹ tênh, trong vắt, thì mọi cung bậc buồn đau của các nhân vật của Yến, rốt cuộc, cũng dẫn về cái bi kịch của sự phát triển xã hội Việt, hôm qua, hôm nay. Và có lẽ còn dài dài về sau, như bài toán mà người Việt phải giải quyết về văn hóa và phát triển số phận dân tộc mình, trong sự tích hợp văn hóa toàn cầu đầy khốc liệt và phức tạp của thế kỷ 21”.
Ghi chú:
(*) Đọc tập truyện ngắn Quán Thủy Thần của Nguyễn Hải Yến - NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, quý II - 2019.
 Nam Hồng
Theo https://baodanang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...